[ALOBACSI] Ra mắt Trung tâm Phục hồi chức năng theo tiêu chuẩn Nhật Bản

Tác giả: Myrehab - Matsuoka

Ngày 11/6, tại Hà Nội, Trung tâm Phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản MYREHAB – MATSUOKA chính thức ra đời, mở ra những cơ hội hợp tác, trao đổi chuyên môn, đào tạo nhân sự chất lượng cao giữa hai bên là TẬP ĐOÀN EMERGENCY MEDICAL SERVICE (EMS) NHẬT BẢN và Công ty TNHH MTV Myrehab Center. Sự kiện này đồng thời góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ thân thiết suốt 50 năm qua giữa chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

GS.TS Cao Minh Châu phát biểu tại lễ ra mắt

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Cao Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Phục Hội Chức Năng Việt Nam cho biết nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân ngày càng cao nhưng hệ thống khám chữa bệnh trên cả nước vẫn còn chưa đáp ứng được kịp thời những nhu cầu tăng cao này. Đặc biệt là trong lĩnh vực phục hồi chức năng những năm gần đây, nhu cầu về PHCN của người dân tăng cao với mong muốn có một cuộc sống khoẻ mạnh và chất lượng. Do đó ngày càng nhiều các cơ sở PHCN được hình thành và phát triển trên toàn quốc với tổng số trên 63 bệnh viện và trung tâm PHCN.

Tuy nhiên, khả năng cung cấp dịch vụ PHCN tại các cơ sở y tế này còn gặp khó khăn do thiếu hụt nhân lực có chuyên môn; cơ sở vật chất và trang thiết bị chậm được đầu tư cũng như thiếu cơ chế cung cấp dịch vụ linh loạt. Hiện tại, các cơ sở khám chữa bệnh PHCN mới chỉ đáp ứng được 15 – 20% nhu cầu PHCN của người bệnh, 80% còn lại phải dựa vào cộng đồng.

Theo WHO, trên thế giới tại thời điểm năm 2019, cứ ba người thì có một người gặp phải tình trạng sức khỏe cần Phục hồi chức năng (PHCN). Tỷ lệ hiện mắc các bệnh cần phục hồi chức năng trên toàn thế giới là 31.200/100.000 dân, tương đương 2,4 tỷ người. Số năm sống chung với bệnh tật và phục hồi chức năng không tử vong (YLD) là 310 triệu năm.

Còn ở Việt Nam vào thời điểm năm 2019, cứ khoảng 7 người thì có 2 người mắc các bệnh/tật cần PHCN, tương ứng với tỷ lệ 30.000/100.000 dân, thấp hơn không đáng kể so với mức trung bình của Thế giới và của khu vực Tây Thái Bình Dương. Ước tính, số lượng người có nhu cầu PHCN của cả nước là 29 triệu người.

Bà Hoàng Thị Bạch Dương phát biểu tại lễ ra mắt

Bà Hoàng Thị Bạch Dương, Phó Chủ tịch công ty cổ phần Myrehab Holdings, cũng đánh giá nhu cầu về PHCN sẽ ngày càng gia tăng trong thời gian tới do mô hình bệnh tật ở nước ta đang ở giai đoạn chuyển đổi đa gánh nặng: Chấn thương không chủ định, bệnh tim mạch, đột quỵ, tai biến mạch máu não, tai nạn thương tích trong cuộc sống, già hoá dân số. Đồng thời, những tiến bộ trong ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kỹ thuật y học giúp phát hiện sớm nhiều hơn, cứu sống nhiều bệnh nhân hơn nên số lượng cần PHCN cũng sẽ nhiều hơn.

“Bối cảnh đó đòi hỏi cần phải có một mô hình vật lý trị liệu và PHCN toàn diện từ chất lượng nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc tiên tiến nhằm giải quyết các nhu cầu ngày càng cao trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống trong cộng đồng”, bà Dương nói thêm rằng Trung tâm Phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản Myrehab-Matsuoka ra đời nhằm tạo nên sức mạnh tổng hoà và được kỳ vọng tạo ra một bước tiến mới cho ngành phục hồi chức năng tại Việt Nam, mang đến cho người dân Việt Nam cơ hội tiếp cận nền y học tiên tiến và chất lượng phục vụ lấy người bệnh làm trung tâm của Nhật Bản.

TS.Bs. Matsuoka Yoshinori phát biểu tại lễ ra mắt

TS.Bs. Matsuoka Yoshinori, đại diện Tập đoàn y tế EMS Nhật Bản, cho biết PHCN tại Nhật Bản khác xa mát xa đơn thuần. Các bác sĩ phân tích bệnh nhân dựa trên dấu hiệu lâm sàng và bệnh án để lập kế hoạch điều trị chi tiết cho bệnh nhân. “Với sự hợp tác này, chúng tôi sẽ phát triển một kỷ nguyên PHCN mới, vận dụng công nghệ PHCN của Nhật Bản để điều trị hiệu quả và phù hợp nhất cho người Việt”, TS.Bs. Matsuoka Yoshinori, nói.

Lễ ký kết ra mắt trung tâm Myrehab

Theo đó, hai bên sẽ hợp tác toàn diện về chuyên môn dựa trên việc phát huy năng lực và thế mạnh của mỗi bên, khai thác và tận dụng hiệu quả tiềm năng về cơ sở vật chất, con người và chuyên môn trong việc chuẩn hoá mô hình trung tâm PHCN. Một số hoạt động đáng chú ý có thể kể đến như áp dụng mô hình PHCN theo tiêu chuẩn Nhật Bản thông qua việc tập đoàn EMS sẽ cử chuyên gia sang đào tạo tại Việt Nam, hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề đội ngũ kỹ thuật viên của Myrehab tại Nhật Bản và chuyển giao kỹ thuật trị liệu cho phía Việt Nam.

Với sự hợp tác chiến lược này, Trung tâm PHCN hợp tác Việt Nam – Nhật Bản Myrehab- Matsuoka được kỳ vọng trở thành một trung tâm PHCN chất lượng cao đạt tiêu chuẩn Nhật Bản, mang đến cho người dân Việt Nam cơ hội tiếp cận nền y học tiên tiến của Nhật Bản và góp phần phát triển công tác khám chữa bệnh ngành PHCN tại Việt Nam.

Lễ ra mắt trung tâm Myrehab

Phục hồi chức năng (PHCN) là một tập hợp các can thiệp, bao gồm các phương pháp y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, công nghệ trợ giúp, biện pháp giáo dục, hướng nghiệp, xã hội và cải thiện môi trường, để người bệnh đạt được và duy trì tối đa hoạt động chức năng, phòng ngừa và giảm khuyết tật phù hợp với môi trường sống của họ. PHCN còn giúp mang lại kết quả sức khỏe tốt hơn, ngăn ngừa các biến chứng và giảm tỷ lệ tái nhập viện, đóng góp hữu hiệu trong việc giúp nâng cao hiệu quả của các can thiệp y tế và phẫu thuật.

Về Công ty TNHH MTV Myrehab Center: là công ty 100% vốn trực thuộc Công ty Cổ phần MY REHAB Holdings được thành lập từ năm 2021 với kỳ vọng trở thành một mô hình điều trị vật lý trị liệu và PHCN toàn diện. Myrehab Center cung cấp dịch vụ trị liệu với các phương pháp hỗ trợ chẩn đoán, lượng giá trước khi thiết lập lộ trình trị liệu cá thể hóa theo mức độ tổn thương vận động, thể trạng và phản hồi sinh học của mỗi người bệnh. Myrehab Center cũng là một trong những đơn vị tiên phong phát triển các bài tập Vận động trị liệu trong lĩnh vực PHCN tại Việt Nam, đồng hành cùng người bệnh trong hành trình phục hồi tận gốc.

Về Tập đoàn Dịch vụ y tế khẩn cấp Nhật Bản – (EMERGENCY MEDICAL SERVICE – EMS) – do TS.Bs. Matsuoka Yoshinori sáng lập từ năm 2013 tại tỉnh Kagoshima, cung cấp dịch vụ cấp cứu 24/7 suốt 365 ngày tại 6 địa phương của đất nước mặt trời mọc, góp phần thay đổi cách thứ người Nhật tiếp cận với y tế trong suốt gần 10 năm.

Nguồn: https://alobacsi.com/ra-mat-trung-tam-phuc-hoi-chuc-nang-theo-tieu-chuan-nhat-ban.html?gidzl=by0hGYl65csHroj4AjWUQ9BL848sZauuXObw5slN53g7sImKDT8ME8U9V1G_ZqPiqObuGpEAFmmUByqJQm

Ngày đăng: 21/03/2024Ngày cập nhật: 21/03/2024