Bệnh điều trị
PHCN Cơ - Xương - Khớp

Viêm gân achilles

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB – MATSUOKA. 

Gân Achilles tham gia vào hầu hết các hoạt động của cơ thể như chạy, nhảy, đi bộ,… do đó, bộ phận này thường xuyên phải chịu đựng áp lực cao và dễ bị tổn thương. Một biểu hiện phổ biến của chấn thương là viêm gân gót chân Achilles, gây ra cảm giác đau đớn và tạo ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Để hiểu rõ hơn về viêm gân Achilles cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh, mời bạn tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!

1. Khái niệm viêm gân gót chân

Gân gót chân, hay còn được biết đến là gân Achilles, là gân lớn nhất và khỏe nhất trong cơ thể con người. Gân này có khả năng chịu được lực kéo lớn, xuất phát từ nơi nối giữa cơ bụng, cơ dép và nối vào phần dưới của xương gót.

Gân Achilles là khu vực có ít mạch máu, nằm cách điểm bám xương gót 2 – 6cm. Cấu tạo của gân bao gồm nhiều sợi collagen nhỏ. Chỉ cần một tác động bất ngờ, thậm chí là nhỏ, cũng đủ gây tổn thương cho vùng gót chân. Gân Achilles có thể coi là gân cơ quan trọng nhất trong việc thực hiện các hoạt động di chuyển và đi lại và chúng ta có thể cảm nhận rõ ràng vận động của gân gót khi thực hiện các động tác như nhón gót chân của mình.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ (NCBI), viêm gân gót chân (Achilles tendonitis) là tình trạng chấn thương của gân Achilles, thường xảy ra do hoạt động quá mức dẫn tới tình trạng bị quá tải về lực và trọng lực, gây tổn thương vùng gót chân. Đây là vấn đề phổ biến trong cộng đồng vận động viên, đặc biệt là những người tham gia các môn thể thao cường độ cao như chạy và nhảy. Tỉ lệ chấn thương tích lũy suốt đời ở vận động viên đạt khoảng 24%.

Viêm gân gót chân là tình trạng chấn thương ở gân Achilles gây đau ở vị trí xung quanh gót chân
Viêm gân gót chân là tình trạng chấn thương ở gân Achilles gây đau ở vị trí xung quanh gót chân

2. Phân loại viêm gân gót chân

Phân loại Đặc điểm Đối tượng dễ mắc phải
Viêm điểm bám gân Achilles (Insertional Achilles tendinitis)
  • Tổn thương này tác động tới nơi thấp nhất của gân, nơi gân được gắn vào xương gót chân.
  • Có thể hình thành gai xương.
Mọi lứa tuổi
Viêm sợi gân (Noninsertional Achilles tendinitis)

Đây là tình trạng viêm liên quan tới các sợi ở phần giữa của gân.

Thường xảy ra ở những người trẻ tuổi

Dựa vào vị trí giải phẫu, bệnh viêm gân gót chân được chia thành 2 loại chính, bao gồm:

  • Viêm điểm bám gân Achilles (Insertional Achilles tendinitis): Loại viêm gân Achilles này thường xuất phát từ vị trí tổn thương vị trí tổn thương gân là nơi thấp nhất của gân, nơi gân bám vào xương gót, gây ra tình trạng đau và sưng tấy. Viêm điểm bám gân Achilles thường có xu hướng ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Theo nghiên cứu về chấn thương gân Achilles của Kvist, có đến 20 – 25% bệnh nhân mắc viêm gân Achilles phải đối mặt với rối loạn chèn ép.
  • Viêm sợi gân (Noninsertional Achilles tendinitis): Tổn thương xảy ra ở vị trí các sợi ở phần giữa của gân. Gai xương (xương phát triển thêm) thường hình thành ở viêm sợi gân. Cũng theo nghiên cứu của Kvist, loại viêm gân này có thể xảy ra ở những người trẻ tuổi và năng động, chiếm đến 66% bệnh nhân mắc viêm gân gót.
Viêm gân achille được chia thành viêm sợi gân và viêm điểm bám gân Achilles
Viêm gân Achilles được chia thành viêm sợi gân và viêm điểm bám gân Achilles

3. Nguyên nhân viêm gân gót chân

Bệnh viêm gân gót chân thường liên quan đến sự tăng cường hoặc sử dụng quá mức bàn chân, gây thiếu linh hoạt hoặc gân Achilles bị cứng. Đây là kết quả của quá trình quá tải lực nén hoặc kéo và căng thẳng trong quá trình tập luyện thể chất. Các vi chấn thương lặp đi lặp lại có thể tạo ra ma sát giữa cơ sinh đôi và cơ dép, dẫn đến tình trạng viêm hoặc thoái hóa gân.

Viêm điểm bám gân gót chân thường xảy ra khi cơ bắp và gân không được phục hồi đúng cách sau những hoạt động cường độ cao, dẫn đến áp lực không mong muốn và tổn thương. Việc duy trì sự linh hoạt và chăm sóc đúng đắn cho gân Achilles là quan trọng để ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh viêm gân gót chân.

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm gân gót chân Achilles gồm:

1 – Các yếu tố bên ngoài

Bên cạnh các yếu tố bên trong, các yếu tố rủi ro bên ngoài cũng có liên quan đến việc giảm khả năng chịu tải của gân hoặc các kiểu chuyển động làm gân quá tải, bao gồm:

Thay đổi trong cách tập luyện

Bất kỳ môn thể thao hoặc hoạt động nào gây căng thẳng cho gân Achilles đều có khả năng dẫn đến bệnh viêm gân gót chân. Nguyên nhân phổ biến nhất ở các vận động viên là do tập luyện quá mức và thiếu thời gian để hồi phục giữa các buổi tập. Trong số những vận động viên mắc bệnh viêm gân Achilles, 60% – 80% có sự thay đổi hoặc tăng đột ngột về cường độ hoặc thời gian tập luyện, giảm thời gian phục hồi; hoặc tiếp tục hoạt động mà không đảm bảo thời gian nghỉ đủ sau khi nghỉ giải lao (Theo nghiên cứu của Khoa Vật lý trị liệu, Đại học Delaware).

Bất kỳ môn thể thao hoặc hoạt động nào gây căng thẳng cho gân Achilles đều có khả năng dẫn đến viêm gân gót
Cường độ hoạt động quá cao có thể tạo ra áp lực lớn lên gót chân, các mô xung quanh và gây đau, tăng nguy cơ dẫn đến viêm gân gót

Kỹ thuật chạy và nhảy không chính xác

Kỹ thuật hoạt động không chính xác là một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến gây nên tình trạng viêm gân gót chân. Chấn thương thường xảy ra do các chuyển động lặp đi lặp lại mãn tính trong quá trình chạy và nhảy, tập sai kỹ thuật, tập thời gian dài hoặc tập trên địa hình không bằng phẳng,… khiến gân gót chân phải chịu áp lực lớn và gây viêm.

Sử dụng giày dép không phù hợp

Bệnh viêm gân gót chân có thể phát sinh khi người bệnh sử dụng giày dép không phù hợp trong một thời gian dài. Chẳng hạn như việc chọn giày không có khả năng hỗ trợ vòm, quá chật hoặc đi giày cao gót có thể khiến cho chân dễ dàng mắc phải tình trạng viêm điểm bám gân gót chân hơn.

Sử dụng giày dép không không phù hợp có thể gây mắc viêm điểm bám gân gót chân
Sử dụng giày quá chật hoặc giày không có hỗ trợ vòm có thể gây mắc viêm điểm bám gân gót chân

Sử dụng thuốc (corticosteroid, steroid đồng hóa, fluoroquinolones)

Theo nghiên cứu của Philip R. Cohen, việc sử dụng kháng sinh fluoroquinolone có liên quan đến cả bệnh lý gân và đứt gân. Tỷ lệ mắc bệnh viêm gân do fluoroquinolone dao động từ 0,14% đến 2,0%. Đáng chú ý, đứt gân thường xảy ra trong khoảng hai tuần đầu tiên của liệu pháp.

Ngoài fluoroquinolones, bệnh viêm gân gót chân có thể liên quan đến việc sử dụng một số loại thuốc toàn thân hoặc tại chỗ bao gồm statin, glucocorticoid, steroid đồng hóa và thuốc ức chế aromatase. Sự tương tác giữa các loại thuốc này với hệ thống gân có thể tạo ra môi trường không thuận lợi, góp phần vào sự xuất hiện và phát triển của bệnh viêm gân, đặc biệt là khi sử dụng kéo dài và không kiểm soát.

Sử dụng thuốc có tác dụng toàn thân hoặc tại chỗ là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm gân gót chân achilles
Việc sử dụng các loại thuốc có tác dụng toàn thân hoặc tại chỗ như corticosteroid sẽ gây độc tính và tăng nguy cơ mắc viêm gân gót chân

2 – Các yếu tố bên trong

Tuổi tác

Theo nghiên cứu về giải phẫu xương chậu và chi dưới: Gân Achilles được đăng tải trên NCBI, gân Achilles dễ bị chấn thương do những vùng cung cấp máu hạn chế và phải chịu tác động của lực mạnh. Đặc biệt, gân trở nên ngày càng cứng hơn khi con người già đi. Tình trạng này phổ biến ở những người trên 35 tuổi, đặc biệt là từ 40 đến 50 tuổi.

Cũng theo nghiên cứu trên, do quá trình lão hóa làm giảm lượng máu cung cấp, mật độ tế bào và sợi collagen trong gân Achilles nên gân dần trở nên yếu đi, mất đi độ gợn sóng tự nhiên của sợi collagen, khiến gân dễ bị tổn thương hơn.

Tuổi tác cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh viêm gân gót chân
Đau gân sau gót chân thường xuất hiện ở những người trong độ tuổi từ 40 – 50

Giới tính

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Andrew Greenhalgh, Viện Thể thao Luân Đôn,  nam giới được xác định là có nguy cơ mắc bệnh viêm gân gót chân cao hơn so với nữ giới. Tỷ lệ chấn thương gân Achilles nam/nữ theo hệ số từ 2:1 đến 12:1. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này có thể là do sự khác nhau về mức độ tham gia các môn thể thao có thể gây chấn thương Achilles ở nam cao hơn ở nữ.

Béo phì và các rối loạn chuyển hóa khác

Theo nghiên cứu của Klein, bệnh nhân thừa cân và béo phì có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi viêm gân Achilles cao gấp 2,6 đến 6,6 lần so với bệnh nhân có BMI bình thường.

Các rối loạn chuyển hóa khác như (tăng huyết áp, tăng cholesterol máu và tiểu đường) cũng có nguy cơ làm cản trở quá trình trao đổi chất, làm suy giảm sức khỏe của gân do không có nhiều máu đến bàn chân.

Nguyên nhân đau gân sau gót chân là do béo phì
Béo phì là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm gân gót chân

Bàn chân bẹt

Tình trạng bàn chân bẹt có thể làm tăng nguy cơ chịu thêm tải trọng lên gân Achilles thông qua hai cơ chế.

Thứ nhất, bàn chân bẹt quá mức sẽ tạo ra chuyển động lật ngược của bàn chân sau lớn hơn. Thứ hai, tư thế quay sấp quá mức góp phần vào chuyển động không đồng bộ giữa phần mắt cá chân và bàn chân trong giai đoạn đứng, điều này làm căng các mạch máu trong gân và màng ngoài tim, gây suy yếu mạch máu cũng như các thay đổi thoái hóa ở gân Achilles. (Theo nghiên cứu của Kawin KW Lee)

Nguyên nhân gây viêm điểm bám gân achilles do bệnh bàn chân bẹt
Bàn chân bẹt là một trong những yếu tố nguy cơ tăng áp lực lên gân Achilles

Mất cân bằng cơ

Mất cân bằng cơ và giảm tính linh hoạt do chấn thương hoặc rèn luyện cơ bắp chân không đúng cách khiến cơ bị yếu có thể dẫn đến mất khả năng bảo vệ gân khi tăng cường hoạt động thể chất và các bài tập chịu tải.

Ở các vận động viên đang phát triển, mức độ hormone giới tính tuần hoàn tăng có thể làm tăng thêm sự mất cân bằng về sức mạnh cơ và tính chất cơ học của gân. Điều này có thể liên quan đến tỷ lệ chấn thương quá tải gân ngày càng tăng đã được chỉ định ở tuổi vị thành niên.

Mất cân bằng cơ có thể tăng áp lực lên chân, gây đau bàn chân ở gót chân, mắt cá chân và tăng nguy cơ phát triển viêm gân gót achilles
Mất cân bằng cơ có thể tăng áp lực lên chân, gây đau bàn chân ở gót chân, mắt cá chân và tăng nguy cơ phát triển viêm gân gót achilles

Rối loạn nội tiết

Mặc dù bằng chứng lâm sàng về mối quan hệ giữa rối loạn nội tiết và bệnh lý viêm gân gót chân còn hạn chế nhưng một số nghiên cứu (nghiên cứu của Marco A Minetto và Ezio Ghigo) đã chỉ ra rằng rối loạn nội tiết có thể liên quan đến bệnh lý gân, chẳng hạn như bệnh chóp xoay, bệnh viêm gân bánh chè và bệnh viêm gân Achilles.

Mạch máu gân

Gân là một mô có mạch máu tương đối kém, phụ thuộc nhiều vào sự khuếch tán của dịch khớp để cung cấp dinh dưỡng. Quá trình phục hồi các chấn thương gân hay tổn thương ở bất kỳ mô nào đều cần có sự xâm nhập của tế bào từ hệ thống máu để cung cấp các yếu tố phục hồi cần thiết cho quá trình lành mô. Việc thiếu máu thâm nhập vào khu vực này có thể là yếu tố nguy cơ khiến gân bị thoái hóa hoặc đứt.

Viêm khớp dạng thấp

Theo Medscape, dữ liệu mới cho thấy viêm điểm bám gân gót chân thường gặp ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp và dễ dàng được phát hiện bằng siêu âm. Khoảng 90% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp phát triển các triệu chứng ở mắt cá chân khi bệnh tiến triển, nhưng bệnh viêm điểm bám có thể bị bỏ qua vì đây không phải là rối loạn đặc trưng của bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.

Ngoài ra, trong một nghiên cứu về phần mô học của gân Achilles bị đứt cho thấy sự tồn tại của các hạt dạng thấp bao gồm tế bào lympho, mô bào và sự tăng sinh mạch máu nhỏ trong mô gân. Sự bám chặt của gân vào xương gót cũng cho thấy sự thâm nhiễm tế bào lympho trong tủy xương và sự hình thành hạt dạng thấp trong gân. Điều này cho thấy rằng điểm bám (gân gắn vào xương) là một trong những vị trí ngoài khớp của viêm khớp dạng thấp và viêm điểm bám có thể là nguyên nhân gây đứt gân Achilles. (Theo nghiên cứu của Khoa Phẫu thuật Chỉnh hình, Đại học Khoa học Y khoa Shiga)

4. Triệu chứng viêm gân gót chân

Các triệu chứng thường gặp của chấn thương gân gót chân bao gồm:

  • Đau và giảm chức năng ở vùng gót chân là triệu chứng chính của bệnh viêm gân gót Achilles.
  • Đau và cứng dọc theo gân vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi lâu, đau khi sờ nắn, đau khi hoạt động (chạy hoặc nhảy).
  • Đau dọc theo gân hoặc phần sau của gót chân khi căng gót hoặc đứng trên đầu mũi chân. Trường hợp viêm gân Achilles kéo dài và không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ bị đứt gót chân.
  • Trong trường hợp bị đứt gân, người bệnh có thể bị đau dai dẳng, phù nề gót chân do bị chảy máu giữa các sợi gân.
  • Đau nhiều vào ngày hôm sau khi vận động.
  • Sự dày lên của gân.
  • Chồi xương (trong trường hợp viêm tại điểm bám gân).
  • Sưng nề ở vùng gót chân và tăng nặng hơn khi vận động.

Gai gót chân và bệnh viêm gân Achilles là những nguyên nhân phổ biến gây đau gót chân, tuy nhiên, cả 2 loại bệnh lý vẫn có một số điểm khác biệt như sau:

  • Vị trí đau: Gai gót chân thường gây đau ở phần dưới của chân, đặc biệt là gần gót chân còn viêm gân gót chân thường gây đau ở phần gần bắp chân, gần gót.
  • Thời điểm gây đau nhiều nhất: Đau do gai gót chân thường tăng khi đứng dậy từ tư thế ngồi hoặc khi bước xuống sàn nhà vào buổi sáng. Còn đau do viêm bao gân gót chân thường tăng khi thực hiện các hoạt động vận động như chạy, nhảy hoặc khi đứng lâu.
  • Biểu hiện đau: Gai gót chân thường gây đau nhức nhối hoặc cảm giác như châm chọc ở gót chân. Còn bệnh viêm gân Achilles thường gây đau, sưng và có thể đi kèm với cảm giác nóng hoặc đau nhức.

Để có thể nhận biết và phân biệt rõ hơn với viêm gân Achilles, bạn đọc có thể tham khảo thông tin chi tiết về gai gót chân qua bài viết sau: Gai gót chân.

Biểu hiện của gai gót chân khác với viêm gân gót chân
Mặc dù đều gây đau ở gót chân nhưng vị trí và biểu hiện đau của gai gót chân khác với viêm gân gót chân

5. Biến chứng của viêm gân gót chân

Biến chứng phổ biến nhất của viêm gân Achilles là đau và việc hồi phục hoàn toàn có thể mất ít nhất từ 2 đến 3 tháng. Ngoài ra, các biến chứng khác có thể xuất hiện do đau gân ở gót chân bao gồm:

  • Đứt gân Achilles: Khi vết rách ở các sợi gân trở nên trầm trọng hơn, người bị viêm gân Achilles có nguy cơ bị đứt gân. Tỷ lệ đứt gân là 12/100.000. Điều này không chỉ khiến người bệnh bị đau mà còn gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt thường ngày.
  • Nghe thấy tiếng “bốp” ở vùng gân gót chân: Đây là dấu hiệu của vết rách khi gân bị đứt đột ngột. Việc nghe tiếng “bốp” thường đi kèm với cảm giác đau mạnh và yêu cầu sự can thiệp chuyên sâu của bác sĩ để đánh giá và điều trị kịp thời.
  • Nhiễm trùng: Các biến chứng như nhiễm trùng hoặc khó lành vết thương có thể xây ra sau phẫu thuật viêm gân gót chân.

Ngoài ra, trong trường hợp phẫu thuật chèn gân Achilles, tỷ lệ biến chứng có thể lên tới 41% (Theo NCBI). Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể gặp phải những nguy cơ khác tùy thuộc vào sức khỏe, tuổi tác và tình trạng hoặc hình dạng của bàn chân, cơ và gân ở chân.

Đứt chân là một trong những biến chứng có thể xảy ra của bệnh viêm gân achilles
Đứt gân là một biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra của bệnh viêm gân achilles gây đau đớn và khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày

6. Phương pháp chẩn đoán viêm gân gót chân

Khi chẩn đoán tình trạng viêm gân gót chân ở người bệnh, bác sĩ thường kết hợp thăm khám lâm sàng và những dấu hiệu cận lâm sàng.

6.1. Khám lâm sàng

Với phương pháp này, bệnh nhân cần đến các phòng khám hoặc các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám dựa vào bệnh sử, thông qua quan sát hoặc sử dụng lực tác động lên vùng đau. Sau khi bệnh nhân mô tả các triệu chứng, bác sĩ sẽ kiểm tra bàn chân và mắt cá chân khi đứng và nằm sấp.

Điều này sẽ giúp bác sĩ nhận biết các dấu hiệu lâm sàng cụ thể như đau cục bộ, nhạy cảm khu trú hoặc lan tỏa, sưng, cứng và nhận thấy độ cứng ở gân Achilles.

  • Sưng dọc theo gân Achilles hoặc ở phía sau gót chân.
  • Gai xương hoặc đau gần phần dưới của gân ở phía sau gót chân (viêm gân chèn ép).
  • Đau ở giữa gân (viêm gân không chèn ép).
  • Đau gót chân khi duỗi bắp chân.
  • Phạm vi chuyển động ở mắt cá chân bị hạn chế (cụ thể là giảm khả năng hướng ngón chân xuống dưới).
Để chẩn đoán đau gân ở gót chân, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng qua các yếu tố về vị trí đau và thời gian đau
Để chẩn đoán viêm cân gan chân, đầu tiên bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng qua các yếu tố về vị trí đau và thời gian đau

6.2. Các xét nghiệm chẩn đoán

Trong trường hợp triệu chứng và các dấu hiệu viêm gân gót chân không rõ ràng, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh với các phương pháp sau:

  • Chụp X-quang xương gót bên và trục: Phương pháp này cung cấp và giúp quan sát hình ảnh bàn chân và xương chân, có thể phát hiện vôi hóa ở phần gần của điểm bám gân hoặc các điểm lồi xương ở phần trên của xương gót. Tuy chụp X-quang không cho hình ảnh của gân nhưng rất hữu ích trong việc loại trừ các khối u xương bệnh lý.
  • Siêu âm: Là một công cụ có giá trị để đánh giá chấn thương gân và đánh giá nguy cơ viêm gân và đứt gân. Siêu âm có thể cung cấp thông tin như tăng độ dày của gân Achilles, tăng huyết áp liên quan đến tăng sinh mạch máu và giảm góc xoay cơ sinh đôi.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Đây là phương pháp được sử dụng nhiều nhất giúp cung cấp hình ảnh mặt cắt ngang chi tiết về các cơ quan và mô trong cơ thể và sẽ cho biết các vị trí thoái hóa mô hoặc đứt, rách. Gân Achilles bình thường dày dưới 7 mm tính từ trước ra sau trên chụp MRI dọc.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Phương pháp này giúp loại trừ những thay đổi cấu trúc phân tử của xương gót trong bệnh lý chèn ép Achilles. Tuy nhiên, do sử dụng tia X và liều nhiễm xạ lớn nên phương pháp này chống chỉ định với phụ nữ mang thai. Ngoài ra, các trường hợp mắc bệnh dị ứng, thận, tim mạch, đái tháo đường cần được khám xét kỹ trước khi chụp.
Siêu âm chẩn đoán được áp dụng trong trường hợp triệu chứng và các dấu hiệu không rõ ràng
Siêu âm chẩn đoán được áp dụng trong trường hợp triệu chứng và các dấu hiệu không rõ ràng

7. Phương pháp điều trị viêm gân gót chân

Đa số trường hợp đau viêm gân gót chân đều không quá nghiêm trọng và có thể tự phục hồi thông qua các phương pháp điều trị không phẫu thuật. Tuy nhiên, thời gian điều trị và kết quả có thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ và thời gian tồn tại của tình trạng viêm. Cách trị viêm gân gót chân có thể được chia thành nhiều loại bao gồm:

7.1. Điều trị tại nhà

Bệnh nhân có thể áp dụng phương pháp sơ cứu chấn thương RICE để điều trị viêm gân gót chân tại nhà:

  • Nghỉ ngơi (Rest): Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ giảm hoặc ngừng các hoạt động làm trầm trọng hơn triệu chứng đau. Người bệnh nên nghỉ ngơi cho tới khi có thể đi lại mà không còn cảm giác đau ở bên chân bị viêm gân.
  • Chườm đá (Ice): Chườm đá trực tiếp lên vùng sưng, cần di chuyển đá thường xuyên, không để đá nằm yên một chỗ để tránh bỏng lạnh. Mỗi lần chườm đá chỉ nên từ 15 – 20 phút và không nên vượt quá thời gian trên. Việc chườm đá quá lâu có thể gây tổn thương các mô mềm và khiến da bị mất cảm giác.
  • Băng dán (Compression): Nén hoặc gây áp lực lên gân bằng cách sử dụng băng quấn thể thao hoặc băng phẫu thuật. Băng dán hoạt động bằng cách giữ chân cố định với các ngón chân hướng lên trên trong khi bạn ngủ. Điều này giúp duy trì sự linh hoạt của bắp chân và giảm lực kéo của gân Achilles lên gót chân.
  • Kê cao vị trí bị thương (Elevation): Đặt một gối hoặc vá cuộn dưới chân để giữ chân ở độ cao hơn tim khi ngồi hoặc nằm giúp giảm sưng bằng cách làm tăng lưu thông máu và giảm áp lực trên chân. Tương tự khi đi ngủ, bệnh nhân cũng cần kê cao chân.
Chườm đá là một trong các phương pháp sơ cứu chấn thương RICE để điều trị viêm gân gót chân tại nhà
Chườm đá là một phương pháp hiệu quả để giảm tình trạng sưng tấy do viêm gân gót chân gây ra

7.2. Điều trị không xâm lấn

Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau hay thuốc chống viêm không kê đơn như naproxen, ibuprofen, aspirin… nếu bệnh lý viêm gân tồn tại trong vài tuần hoặc vài tháng. Với các trường hợp đau nhức trong thời gian dài hơn, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng một số loại thuốc giảm viêm hay giảm đau liều mạnh để cải thiện triệu chứng.

Lợi ích của việc sử dụng thuốc NSAID là giảm đau trong giai đoạn cấp tính và giảm khả năng bị cứng chân. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng NSAID có thể ức chế sự di chuyển và tăng sinh tế bào gân, có thể làm chậm quá trình lành gân. (Theo Trung tâm Y học Thể thao Đại học Phúc Đán)

Người bệnh cần lưu ý rằng, loại thuốc trên chỉ mang lại tác dụng tạm thời và không giải quyết dứt điểm nguyên nhân gốc rễ của bệnh. Việc lạm dụng hoặc tự ý sử dụng thuốc có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe và hệ lụy không mong muốn như làm suy yếu các gân gần đó và làm tăng nguy cơ đứt gân Achilles.

Sử dụng thuốc chống viêm không steroid để điều trị viêm gân gót chân
Điều trị viêm gân gót chân bằng thuốc chống viêm không steroid chỉ là một phương pháp giảm đau tạm thời

Vật lý trị liệu

Với phương pháp vật lý trị liệu không xâm lấn, bệnh nhân viêm gân gót chân có thể được chỉ định trải qua các liệu pháp sau:

  • Siêu âm: Siêu âm là phương pháp trị liệu hiện đại bằng cách sử dụng đầu phát siêu âm thông qua gel dẫn sóng giúp chống viêm, giảm sưng nề, tăng tuần hoàn dinh dưỡng cho vùng gân gót, phá vỡ sự kết dính của mô sẹo. Sau khi đưa vào da gót chân, đầu rỗng sẽ phát ra sóng âm thanh tần số cao/biên độ thấp giúp phá vỡ mô sẹo, cải thiện lưu lượng máu, thúc đẩy quá trình chữa lành của cơ thể và giảm tình trạng viêm ở bàn chân.
  • Điện xung: Điện xung trị liệu là phương pháp sử dụng các dòng điện xung có tần số thấp và trung bình để kích thích gân cơ bằng điện qua da. Việc sử dụng kích thích điện để điều trị bệnh viêm gân mãn tính là một can thiệp điều trị mới, đóng vai trò là kỹ thuật phụ trợ trong việc phục hồi chức năng không xâm lấn. Ngoài ra, điện xung trị liệu kết hợp cùng phương pháp siêu âm trị liệu sẽ đem lại hiệu quả giảm đau, giải phóng co cơ tốt do có thể tác động toàn diện bằng cách massage vi tế bào, kích thích các chất trung gian hóa học của quá trình giảm đau.
  • Laser: Đây là một phương pháp điều trị y tế sử dụng ánh sáng từ tia laser được điều chỉnh theo các bước sóng cụ thể. Laser là một giải pháp thay thế không gây đau, không xâm lấn, không có tác dụng phụ giúp giảm cơn đau do viêm gân gót chân. Khi áp dụng vào vùng bị thương, tia laser có tác dụng kích thích quá trình lành vết thương và giảm đau bằng cách đẩy nhanh tốc độ, chất lượng và sức mạnh của quá trình sửa chữa mô cũng như giảm viêm.
  • Sóng ngắn (Shortwave): Đây là một phương pháp trị liệu sử dụng sóng trường điện từ tần số cao giúp chống viêm sâu, giảm cảm giác đau, hỗ trợ chuyển hóa cục bộ,… Sóng ngắn trị liệu hay còn gọi là sóng radio sử dụng bức xạ điện từ có bước sóng tính bằng mét (m) giúp hỗ trợ giảm đau, giảm viêm hiệu quả và giải phóng căng cơ.
  • Vận động trị liệu: Viêm gân cơ Achilles có thể được điều trị bằng nhiều bài tập vật lý trị liệu khác nhau, bao gồm kéo giãn bắp chân, gân Achilles, tăng cường cơ bắp bên trong của bàn chân.
  • Liệu pháp sóng xung kích ngoại bào (ESWT): Liệu pháp sóng xung kích ngoại bào là một lựa chọn điều trị khác cho bệnh viêm gân gót asin. Thiết bị sóng xung kích sử dụng sóng âm mang năng lượng cao tác động vào vị trí bị đau, những mô cơ xương bị tổn thương, thậm chí là cả những mao mạch cực nhỏ. Từ đó, có thể thúc đẩy quá trình làm lành vết thương, tái tạo xương, gân và các mô mềm khác.
Bị viêm gân gót chân, người bệnh có thể áp dụng liệu pháp sóng xung kích ngoại bào
Liệu pháp sóng xung kích ngoại bào là phương pháp điều trị không xâm lấn mang lại hiệu quả cao đối với người bị viêm gân gót chân

Sử dụng giày hỗ trợ và chỉnh hình

Sự thay đổi ở vòm bàn chân có thể đóng góp vào việc gây đau gót chân do viêm gân gót chân. Do đó, nếu xác định vòm bàn chân của bạn có bị xẹp hoặc cao bất thường, các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ chỉ định sử dụng miếng lót giày hoặc các dụng cụ chỉnh hình bàn chân khác nhằm giữ bàn chân ở vị trí ổn định khi di chuyển.

Tại Myrehab Matsuoka, đế giày chỉnh hình sẽ được đo đạc, cá nhân hóa theo khuôn chân giúp cải thiện dáng đi, hỗ trợ di chuyển tùy theo tình trạng của mỗi người bệnh. Tùy theo mục đích sử dụng, đế lót sẽ được tạo nên từ những chất liệu phù hợp như hợp chất capron, nhựa EVA đàn hồi hay hợp chất polyethylene. Đế chỉnh hình y khoa từ Myrehab Matsuoka siêu nhẹ sẽ giúp người bệnh có thể dễ dàng vận động hơn.

Sử dụng giày hỗ trợ và chỉnh hình là một trong các cách chữa viêm gân gót chân
Đế lót giày chỉnh hình tại Myrehab Matsuoka được tùy chỉnh phù hợp với tình trạng và mục đích sử dụng của mỗi người bệnh

7.3. Điều trị bằng phương pháp hỗ trợ khác

Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)

PRP, hay tiêm huyết tương giàu tiểu cầu là phương pháp điều trị sử dụng máu của chính bệnh nhân để giúp chữa lành viêm gân gót chân.Phương pháp này sử dụng một phần máu của bệnh nhân, là thành phần giàu yếu tố tăng trưởng và có thể giúp gân Achilles lành nhanh hơn. Bằng cách giảm sưng tấy và thúc đẩy quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể, liệu pháp PRP có thể giúp giảm đau do viêm gân gót chân Achilles cũng như cải thiện chức năng tổng thể của bàn chân.

Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là cách điều trị viêm gân achilles
Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu là cách điều trị viêm gân achilles, đồng thời cải thiện chức năng tổng thể của bàn chân

Tiêm corticosteroid

Mặc dù có tác dụng giảm đau, giảm sưng và cải thiện hình ảnh siêu âm của gân nhưng tiêm corticosteroid chỉ có thể mang lại một số lợi ích ngắn hạn. Tác dụng phụ của phương pháp này đã được báo cáo ở mức lên đến 82% trong các thử nghiệm về corticosteroid, bao gồm teo gân, đứt gân và giảm sức mạnh của gân. Do đó, trước khi quyết định tiêm corticosteroid, người bệnh nên xem xét, ưu tiên các phương pháp điều trị khác và thảo luận với bác sĩ để chọn ra giải pháp phù hợp và an toàn nhất.

Tiêm corticosteroid để điều trị bệnh viêm gân gót chân achilles, tuy nhiên phương pháp này không được khuyên dùng do có nhiều tác dụng phụ
Tiêm corticosteroid để điều trị bệnh viêm gân gót chân achilles, tuy nhiên phương pháp này không được khuyên dùng do có nhiều tác dụng phụ

7.4. Điều trị bằng phẫu thuật

Nếu sau 6 tháng điều trị mà các phương pháp khác không đem lại hiệu quả hoặc khi gân bị rách, đứt, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện can thiệp phẫu thuật. Điều trị phẫu thuật bệnh viêm gân Achilles bao gồm việc loại bỏ các mô và tổn thương bất thường, làm thủng gân thông qua nhiều đường dọc và có thể tước bỏ paratenon.

Mục tiêu chính của phương pháp này là loại bỏ các nốt thoái hóa, loại bỏ các chất dính xơ, khôi phục mạch máu và kích thích các tế bào sống sót để khởi đầu phản ứng viêm và bắt đầu quá trình lành vết thương. Trong trường hợp bệnh viêm gân Achilles bám vào, sự kết hợp của các biện pháp can thiệp phẫu thuật, bao gồm cắt bỏ, loại bỏ xương gót và bao hoạt dịch trên và gắn lại gân Achilles, đã chứng minh có tỷ lệ thành công lớn hơn 95%. (Theo nghiên cứu của Miguel A. Medina Pabon)

Các biến chứng chính thứ phát sau điều trị phẫu thuật viêm gân Achilles cấp tính xảy ra ở 10% trường hợp và bao gồm nhiễm trùng sâu, hoại tử da, hoại tử gân và xoang dẫn lưu. Tỷ lệ xảy ra các biến chứng nhỏ cũng rất đáng kể, có tới 15% bệnh nhân gặp các vấn đề về da. (Theo Khoa Phẫu thuật Chỉnh hình, Trung tâm Khoa học Y tế QEII)

Phẫu thuật thường được chỉ định với các trường hợp đau viêm gân gót chân kéo dài trên 6 tháng
Phẫu thuật thường được chỉ định với các trường hợp viêm gân gót kéo dài trên 6 tháng

8. Biện pháp phòng tránh viêm gân gót chân

Những thay đổi lối sống và thói quen hàng ngày theo các gợi ý dưới đây có thể giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và phòng ngừa viêm gân gót chân diễn tiến kéo dài:

  • Khởi động kỹ trước khi vận động: Trước khi luyện tập, bạn nên thực hiện các động tác nhẹ như xoay cổ chân, uốn giãn,… Tránh các động tác đột ngột hay thể thao mạnh, động tác giậm chân, nhảy bật cao,… Việc khởi động giúp cơ bắp và gân dần dần tăng cường sự dẻo dai, giúp chúng đáp ứng tốt hơn khi phải chịu lực và chuyển động.
  • Tập luyện với mức độ tăng dần: Nếu mới bắt đầu một chế độ tập luyện, hãy bắt đầu từ từ và tăng dần thời gian, cường độ tập luyện. Bạn có thể bắt đầu bằng những hoạt động cường độ thấp như đi bộ, hoặc bơi lội, sau đó, dần thay thế bằng các hoạt động cường độ cao như chạy, leo cầu thang và bật nhảy.
  • Tập dãn cơ: Cần làm giãn cơ bắp chân và gân Achilles vào buổi sáng, trước và sau khi vận động để giúp ngăn ngừa tình trạng viêm tái phát, tăng cường sức khỏe cho gân và cơ, hạn chế tình trạng viêm.
  • Luyện tập xen kẽ các môn thể thao: Thay thế các hoạt động có tác động mạnh như chạy và nhảy bằng các hoạt động có tác động thấp như đạp xe và bơi lội.
  • Sử dụng giày phù hợp: Việc sử dụng đôi giày có đủ độ đệm cho gót chân và phải có phần đỡ vòm chắc chắn sẽ giúp giảm căng ở gân Achilles. Không nên sử dụng giày đã bị mòn đế. Nếu đôi giày của bạn vẫn trong tình trạng tốt nhưng không cung cấp đủ hỗ trợ cho bàn chân, bạn có thể đặt thêm miếng lót vào giày.
Phòng ngừa triệu chứng viêm gân gót chân achilles bằng việc thay đổi lối sống và thói quen hàng ngày
Trước khi luyện tập thể thao, cần khởi động kỹ càng và hạn chế lặp lại động tác nhiều lần để giảm nguy cơ chấn thương và tạo áp lực lên bàn chân

9. Những câu hỏi thường gặp về viêm gân gót chân

9.1. Viêm gân gót chân có chữa được không?

Hầu hết các trường hợp viêm gân Achilles đều có thể được điều trị bằng cách chăm sóc tại nhà tương đối đơn giản dưới sự giám sát của bác sĩ. Đối với các trường hợp viêm gân Achilles nghiêm trọng hơn, bệnh nhân bị rách gân (đứt) có thể được chỉ định phẫu thuật để điều trị.

9.2. Viêm gân gót sẽ mất bao lâu để lành lại?

Đối với hầu hết các trường hợp viêm gân gót chân, bệnh nhân thường mất ít nhất 2 – 3 tháng để hồi phục. Trong một số trường hợp khi vết rách trở nên nghiêm trọng hơn, bệnh nhân cần phẫu thuật để loại bỏ mô bị viêm và các vùng bất thường của gân sẽ cần thêm 4 – 6 tháng để vết thương lành lại.

9.3. Viêm gân gót chân kiêng ăn gì để mau khỏi bệnh?

Để giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh viêm gân gót chân, ngoài việc áp dụng các phương pháp điều trị trên, người bệnh có thể kết hợp vào chế độ ăn uống một số loại thực phẩm sau:

  • Các loại rau xanh giàu chất chống oxy hóa – một trong những nguyên nhân chính gây viêm như: Bông cải xanh, bắp cải, súp lơ, rau chân vịt,…
  • Thực phẩm chứa chất đạm giúp hỗ trợ sửa chữa mọi mô bị hỏng trong cơ thể: Thịt bò, thịt gà, cá, sữa trứng,…
  • Nước hầm xương do có chứa collagen tự nhiên, có tác dụng chữa lành gân rất tốt, giúp phát triển và hình thành các mô trong cơ thể một cách tự nhiên.
  • Thực phẩm giàu vitamin C cần thiết để giúp tái tạo collagen như ớt, bí đao, dứa, cam, quýt,…

9.4. Viêm gân gót chân Achilles khám ở đâu?

Trung tâm Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka được kiểm soát chuyên môn bởi các PGS.TS đầu ngành cùng các kỹ thuật viên lành nghề chuyên ngành phục hồi chức năng đến từ các bệnh viện lớn kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình. Trung tâm là một trong những đơn vị tiên phong về thăm khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến cơ xương khớp.

Đến với Myrehab Matsuoka, bệnh nhân sẽ được thăm khám và điều trị bằng hệ thống máy vật lý trị liệu như máy laser, sóng ngắn, hồng ngoại, điện xung, máy kéo giãn cột sống,… và hệ thống máy vận động trị liệu được nhập khẩu trực tiếp từ Âu Mỹ. Hệ thống máy móc sử dụng công nghệ AI để lập kế hoạch tập luyện phù hợp với thể trạng từng người, đánh giá sự tăng tiến của bệnh nhân qua mỗi buổi tập.

Ngoài ra, khi điều trị tại Myrehab Matsuoka, người bệnh sẽ luôn được theo dõi và hướng dẫn tập luyện trực tiếp bởi bác sĩ giàu kinh nghiệm và các kỹ thuật viên lành nghề. Chương trình luyện tập cũng sẽ được thay đổi theo sự tăng tiến, khả năng hồi phục của người bệnh.

Đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka
Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka là một trong những đơn vị uy tín được nhiều người tin tưởng lựa chọn điều trị các bệnh lý về cơ xương khớp

Qua bài viết được chia sẻ trên, hy vọng rằng bạn đọc đã có những hiểu biết cơ bản về bệnh viêm gân gót chân. Myrehab Matsuoka tin rằng, việc nhận biết được những triệu chứng, nguyên nhân và các thông tin liên quan đến bệnh viêm gân Achilles là điều vô cùng cần thiết để ngăn ngừa bệnh. Nếu nghi ngờ hoặc có những dấu hiệu trên, người bệnh cần nhanh chóng thăm khám để được hướng dẫn và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch thăm khám và điều trị sớm nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ thông qua:

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Đặt lịch tư vấn ngay