Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.
Cứng khớp gối là dấu hiệu thoái hóa khớp giai đoạn hai và có thể sẽ nghiêm trọng hơn nếu người bệnh không tập vật lý trị liệu cứng khớp gối kịp thời. [1] Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn chi tiết các phương án trị liệu phổ biến, với những lợi ích phục hồi khác nhau trên từng đối tượng bệnh nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia tại Trung tâm Myrehab Matsuoka vẫn khuyến khích người bệnh đến thăm khám trực tiếp, để được chỉ định liệu trình điều trị phù hợp và tránh bị tổn thương từ vận động sai cách.
1. Mục tiêu vật lý trị liệu cứng khớp gối
Tập vật lý trị liệu cứng khớp gối là một quá trình điều trị liên tục và kéo dài, được chỉ định cụ thể bởi các bác sĩ trị liệu, đồng thời đòi hỏi sự nghiêm túc thực hiện của người bệnh. Tùy vào tình trạng khớp gối, người bệnh sẽ cần đến các thiết bị hỗ trợ, như: Xe tập đi, nạng hoặc gậy,… để nhanh chóng đạt được các mục tiêu sau: [2]
Mục tiêu ngắn hạn:
- Giảm đau và cứng khớp gối: Các kỹ thuật trị liệu sẽ giúp cơ xương khớp tại vùng gối được thư giãn, làm dịu cơn đau nhức, giảm cảm giác khó chịu khi vận động, đồng thời hạn chế ảnh hưởng đến giấc ngủ, cải thiện được chất lượng sống.
- Phục hồi phạm vi chuyển động khớp: Tăng cường tính linh hoạt và khôi phục lại góc chuyển động bình thường của khớp gối.
Mục tiêu trung hạn:
- Ổn định sức mạnh và sức bền: Tăng cường sức mạnh và độ bền của cơ bắp xung quanh đầu gối, nhằm giảm tải áp lực đè nén lên vùng chấn thương, đảm bảo cơ đủ khỏe và ổn định để chống chịu phần lớn trọng lực thay cho khớp gối trong quá trình vận động trị liệu.
- Phục hồi chức năng khớp cứng: Tái tạo khả năng vận động của đầu gối, người bệnh có thể dễ dàng co duỗi chân, cảm nhận rõ nét độ linh động vùng gối, vận động bình thường mà không còn cảm giác đau nhức.
Mục tiêu dài hạn – Ngăn chặn biến chứng: Điều trị sớm làm giảm thiểu tỷ lệ mắc phải các biến chứng viêm nguy hiểm, như: Biến dạng khớp gây sưng phù, bầm tím, xuất huyết; Hình thành cơn đau khớp gối mãn tính; Bất hoạt chức năng gối có thể dẫn đến tàn phế; Phát bệnh nhiễm trùng xương, buộc cắt cụt chi bệnh hay trường hợp không mong đợi nhất là tử vong;… [3]
2. 5 lưu ý cần biết trước khi tập vật lý trị liệu cứng khớp gối
BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Myrehab đặc biệt lưu ý bệnh nhân 5 vấn đề sau, nhằm thúc đẩy và đảm bảo tốc độ phục hồi chức năng cứng khớp gối, nhanh chóng điều trị dứt điểm các cơn đau do vận động. [4]
- Tập vật lý trị liệu càng sớm càng tốt: Theo ghi nhận của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ (NCBI), bệnh lý cứng khớp gối có tỷ lệ biến chứng cao, từ 14% – 65%. [3] Vì vậy, người bệnh nên bắt đầu trị liệu sớm để khôi phục vận động và giảm nguy cơ chịu tổn thương vĩnh viễn.
- Tuân thủ liệu trình của chuyên gia: Liệu trình được cá nhân hóa dựa trên sức khỏe và tình trạng bệnh lý của từng bệnh nhân, để tối đa hiệu quả điều trị, không gây phản ứng phụ. Người bệnh tuyệt đối không tùy ý điều trị, tránh trường hợp xảy ra tổn thương hay biến chứng.
- Kiên trì vận động trị liệu: Duy trì thực hiện các bài tập phục hồi chức năng cứng khớp gối theo hướng dẫn từ chuyên gia, giúp giảm dần các cơn đau, giảm co cứng, tái tạo lại chức năng vận động của khớp gối.
- Vận động trị liệu đúng cách: Phục hồi chức năng cứng khớp gối quá sức sẽ gây ra sang chấn cho vùng tổn thương, làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh. Vì vậy, người bệnh chỉ nên tập giãn cơ trong phạm vi chuyển động cho phép, có thể gia tăng tần suất tập luyện.
- Kiểm soát cơn đau sau tập luyện: Cảm giác đau nhức nhẹ là một dấu hiệu tốt, cho thấy bài tập đã có tác động đến vùng cứng khớp gối. Tuy nhiên, nếu mức độ cơn đau tăng đáng kể và kéo dài sau khi tập luyện, người bệnh nên dừng bài tập và tìm kiếm tư vấn từ chuyên gia.
3. 8 phương pháp vật lý trị liệu cứng khớp gối thụ động
Vật lý trị liệu thụ động là một dạng trị liệu được trực tiếp thực hiện bởi chuyên gia (hoặc kỹ thuật viên) với các thiết bị hỗ trợ chuyên dụng. Bệnh nhân tham gia vật lý trị liệu cứng khớp gối thụ động sẽ không tốn sức trong quá trình điều trị, thay vào đó, chuyên gia sẽ chỉ định kỹ thuật viên massage sâu lên vùng đau, hoặc tác động lên khớp gối bằng thiết bị thủy trị liệu, điện xung, sóng xung kích, laser. [5]
3.1. Hồng ngoại
Mục tiêu của phương pháp: Hỗ trợ giảm đau, chống viêm, thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng chức năng của tế bào và nâng cao khả năng hồi phục của vùng bị tổn thương.
Cách thức trị liệu: Thiết bị chiếu trực tiếp lên vùng gối tổn thương tia sáng đỏ và hồng ngoại gần, để xâm nhập vào mô bề mặt và các lớp mô sâu trên vùng cứng khớp gối. Phương pháp này có thể áp dụng cho hầu hết các trường hợp đau viêm, cứng khớp gối, tác dụng hiệu quả với hầu hết mọi lứa tuổi. [6]
3.2. Điện xung
Mục tiêu của phương pháp:
- Dòng điện nhỏ (hoặc trung), tín hiệu ngắn sẽ được truyền đến các sợi cơ tổn thương, ức chế thần kinh, giúp bất hoạt cơn đau.
- Kích thích giải phóng chất giảm đau tự nhiên (endorphin), làm thuyên giảm đau cứng tại vùng gối nhanh chóng.
Cách thức trị liệu: Kỹ thuật viên sẽ dùng thiết bị điện xung với các điện cực, dán trực tiếp lên vùng đau và thực hiện kích điện xung theo chỉ định. Có thể gây ra cảm giác ngứa ran, nhưng không làm đau hay tổn thương bề mặt da. [7]
3.3. Siêu âm
Mục tiêu của phương pháp: Gia tăng lưu thông máu và quá trình trao đổi chất của tế bào, đẩy nhanh quá trình chữa lành mô tổn thương.
Cách thức trị liệu: Thiết bị siêu âm chuyên dụng sẽ truyền sóng âm liên tục đến vùng cứng khớp gối, kích hoạt chuyển động của các phân tử mô sâu, tăng ma sát, tăng nhiệt. Điều trị bằng siêu âm nhiệt thường được áp dụng cho các trường hợp đau khớp gối, căng cứng cơ gối, gối sưng phù do viêm cơ. [8]
3.4. Laser
Mục tiêu của phương pháp:
- Tia laser công suất cao sẽ xuyên sâu vào mô, cải thiện lưu thông máu, giải phóng chất endorphin tự nhiên, giúp giảm đau, giảm viêm.
- Hỗ trợ nuôi dưỡng tế bào, kích thích sự phát triển của mô khỏe mạnh mới, thúc đẩy tốc độ hồi phục cơ khớp gối. [9]
Cách thức trị liệu: Kỹ thuật viên dùng thiết bị chuyên dụng để bắn tia laser dưới dạng xung ánh sáng vào vị trí đau viêm trong khoảng 30 giây (có thể thay đổi tùy thuộc vào chỉ định của chuyên gia). [10]
3.5. Sóng xung kích
Mục tiêu của phương pháp:
- Sóng xung kích là sóng âm có áp lực biến đổi đột ngột, biên độ lớn và ngắt quãng, chủ yếu là dạng sóng đơn với xung áp lực dương, theo sau là phần sóng nhỏ giãn ra với một pha áp suất âm nhỏ hơn rất nhiều (bằng 10%) so với áp suất đỉnh. Sóng xung kích sẽ được truyền đến vùng cứng khớp gối và tạo ra “chấn thương vi mô” bằng các vi bọt, chúng sẽ vỡ ra, xuyên qua mô và kích thích quá trình tự chữa lành xương và mô liên kết.
- Thúc đẩy tuần hoàn máu và tăng cường quá trình trao đổi chất tại vùng gối, kích hoạt cơ chế tự tái tạo các mô bị tổn thương của cơ thể.
Cách thức trị liệu: Kỹ thuật viên sẽ bôi gel lên khớp gối bệnh nhân, sử dụng thiết bị sóng xung kích xoa đều và liên tục lên vùng đau để kích sóng. Thời lượng điều trị tùy thuộc vào chỉ định của chuyên gia. [11]
3.6. Sóng ngắn
Mục tiêu của phương pháp: Ứng dụng nhiệt nóng làm giãn nở mạch, kích thích tuần hoàn, tăng cường dinh dưỡng và đào thải chất gây mỏi cơ ở đầu gối, giảm đau viêm khớp, giảm co thắt các sợi cơ tổn thương, thúc đẩy quá trình phục hồi chức năng và cải thiện phạm vi cử động của khớp gối.
Cách thức điều trị: Thiết bị truyền dòng điện xoay chiều tần số cao đến đầu gối, tạo ra nhiệt tác động đến các mô tổn thương. Phương pháp này áp dụng trị liệu với các trường hợp đau cứng khớp gối, có dấu hiệu phù nề do viêm. [8]
3.7. Massage chuyên sâu
Mục tiêu của phương pháp:
- Các nhóm gân cơ và dây chằng tổn thương cũng là tác nhân dẫn đến tình trạng cứng khớp gối, phương pháp xoa bóp chuyên sâu có thể tác động đến cơ bắp và dải mô sợi quanh gối như: hamstring, cơ bụng chân, cơ chày,… giúp thư giãn và giảm đau.
- Việc ấn sâu và kéo căng trên vùng gối sẽ tăng cường tuần hoàn máu, giúp thư giãn các mô cơ bị tắt và căng cứng khớp gối, từ đó giảm đau, sưng, viêm.
- Hỗ trợ quá trình di chuyển các chất lỏng trong mô và cung cấp chất lỏng mới, nhằm tăng cường độ linh hoạt khớp. [12]
Cách thức trị liệu: Kỹ thuật viên đảm nhận sẽ xoa bóp nhẹ và tăng dần áp lực lên vùng phía trên đầu gối (không ấn trực tiếp vào xương bánh chè). Dùng lực ngón tay để ấn sâu, kéo căng các sợi cơ bị ảnh hưởng, thực hiện đều đặn và liên tục. [13]
3.8. Tập vận động
Mục tiêu của phương pháp:
- Tăng cường sức mạnh cho cơ bắp xung quanh gối, hỗ trợ giảm tải trọng lực đè lên khớp gối.
- Cải thiện phạm vi chuyển động của khớp gối, giúp tăng tính linh hoạt và giảm cứng khớp gối.
- Cải thiện khả năng giữ thăng bằng của đầu gối, hạn chế các trường hợp té ngã làm chấn thương đầu gối.
Cách thức trị liệu: Mỗi bài tập vận động đều có tác dụng hồi phục chức năng riêng biệt, tuy nhiên, chương trình tập luyện cần được chỉ định bởi bác sĩ và chuyên gia trị liệu, để phát huy tốt nhất lợi ích của bài tập vật lý trị liệu cứng khớp gối và tránh các chấn thương do vận động. [9]
4. 14 bài tập vận động trị liệu cứng khớp gối
Bên cạnh sự hỗ trợ từ các bác sĩ và chuyên gia trị liệu, người bệnh có thể chủ động thực hiện các bài tập động trị liệu cứng khớp gối tại nhà để đẩy mạnh tốc độ hồi phục của khớp gối. Tuy nhiên, bệnh nhân nên tham vấn ý kiến bác sĩ để có lộ trình tập luyện phù hợp với tình trạng bệnh lý, tránh gây ra chấn thương do vận động quá sức hoặc sai cách.
4.1. 4 bài tập kéo giãn khớp gối
Lưu ý khi vận động bằng các bài tập vật lý trị liệu cứng khớp gối, người bệnh nên khởi động nhẹ nhàng trước khi tập luyện để để làm nóng cơ thể, tránh xảy ra trường hợp căng cơ đột ngột dẫn đến chuột rút. Sau khi hoàn thành bài tập, người bệnh cần thực hiện giãn cơ, để cơ thể dần thả lỏng và quay lại trạng thái ban đầu, mục đích nhằm giảm bớt cảm giác mỏi cơ khớp gối sau khi bị tác động liên tục suốt khoảng thời gian vận động trị liệu.
Bài 1. Thẳng đầu gối
Mục đích và tác dụng bài tập: Siết cơ rồi kéo căng, kích thích tối đa hoạt động phần cơ bắp đùi (cơ tứ đầu – giáp với xương bánh chè), gián tiếp tác động đến vùng cứng khớp gối (xương bánh chè).
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Người bệnh ngồi trên giường trị liệu, duỗi thẳng hai chân về phía trước.
- Bước 2: Đặt một cuộn khăn dưới mắt cá chân, giữ mũi chân thẳng và hướng lên trên, lúc này khớp gối sẽ uốn cong theo quán tính.
- Bước 3: Dùng lực của cơ bắp xung quanh khớp gối để hạ gối xuống, làm thẳng đầu gối, sau đó thả lỏng.
Tần suất tập: Giữ gối thẳng 10 giây/nhịp, lặp lại 10 nhịp/hiệp, thực hiện 3 – 5 hiệp/ngày.
Lưu ý: Giữ cho chân thẳng đúng chuẩn để đạt được hiệu quả giãn cơ tốt nhất. [14]
Bài 2. Duỗi gối tư thế nằm sấp với tạ
Mục đích và tác dụng bài tập: Hỗ trợ người bệnh kéo giãn khớp gối và cải thiện phạm vi cử động.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Người bệnh nằm sấp trên giường trị liệu. Duỗi thẳng hai chân về phía sau, sao cho cẳng chân nhô ra khỏi mép giường.
- Bước 2: Đặt một cuộn khăn dưới đùi, giữ mũi chân thẳng và hướng xuống dưới.
- Bước 3: Dùng lực để nâng và gập cẳng chân, uốn cong đầu gối và kéo giãn cơ khớp gối, sau đó thả lỏng và trả chân về vị trí cũ.
Tần suất tập: Thực hiện liên tục trong 5 phút/hiệp, duy trì 3 hiệp/ngày. Có thể tăng dần cường độ luyện tập lên 15 phút/hiệp nếu khả thi.
Lưu ý: Đảm bảo không xoay eo và không dùng lực eo để thực hiện bài tập vật lý trị liệu cứng khớp gối này. [15]
Bài 3. Kéo giãn mở rộng cơ khớp gối
Mục đích và tác dụng: Bài tập vật lý trị liệu cứng khớp gối này giúp siết chặt và kéo giãn cơ tại vùng đùi trên khớp gối, đồng thời luyện tập uốn cong khớp gối.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Người bệnh nằm sấp trên giường trị liệu, duỗi thẳng hai chân về phía sau. Chống mũi chân thẳng đứng trên sàn.
- Bước 2: Căng phần cơ đùi, siết và đẩy khớp gối lên, để chân tạo thành đường thẳng, cảm nhận độ căng của các vùng khớp gối. Sau đó thả lỏng chân về trạng thái ban đầu.
Tần suất tập: Giữ gối thẳng 10 giây/nhịp, lặp lại 10 nhịp/hiệp, thực hiện 5 hiệp/ngày.
Lưu ý: Nâng gối cao cho chân thẳng từ đùi đến gót chân, để cảm nhận căng cơ rõ nét nhất. [16]
Bài 4. Gập duỗi cổ chân
Mục đích và tác dụng bài tập: Hỗ trợ kéo giãn phần cơ trên và dưới của đầu gối, giúp giảm mỏi, giảm đau.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Người bệnh nằm hoặc ngồi trên giường trị liệu, duỗi thẳng hai chân về phía trước.
- Bước 2: Giữ đầu gối thẳng, mũi chân hướng lên trên. Có thể đặt một cuộn khăn dưới mắt cá chân để thuận tiện cho việc cử động cổ chân.
- Bước 3: Di chuyển cổ chân lên và xuống một cách nhịp nhàng.
Tần suất tập: Lặp lại liên tục cho tới khi giảm cảm giác đau mỏi, thực hiện 8 – 10 lần/ngày.
Lưu ý: Đảm bảo cổ chân co lại và giãn ra hết mức để căng cơ tối đa. [17]
4.2. 5 bài tập tăng khả năng vận động khớp gối
Bài 1. Trượt gót chân với dây band
Mục đích và tác dụng: Bài tập vật lý trị liệu cứng khớp gối giúp cho người bệnh cảm nhận được sự giãn cơ vùng đùi, đồng thời tăng góc cử động và tính linh hoạt khớp gối.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Người bệnh nằm ngửa trên giường trị liệu, duỗi thẳng hai chân.
- Bước 2: Quấn một sợi dây quanh bàn chân, đầu đây còn lại người bệnh nắm chặt.
- Bước 3: Người bệnh kéo sợi dây để gót chân trượt dần lại gần mông, khớp gối sẽ được uốn cong từ từ, đồng thời làm căng phần cơ đùi trên. Sau đó, bệnh nhân thả lỏng dây và chủ động duỗi thẳng chân về vị trí ban đầu.
Tần suất tập: Trượt và giữ gối trong 15 – 30 giây/lần, thực hiện 5 lần/ngày.
Lưu ý: Giữ vững trụ chân, khi trượt gót chân lên không lắc chân qua lại. [4]
Bài 2. Gập duỗi gối nằm sấp với dây chun kháng lực
Mục đích và tác dụng bài tập: Tương tự như các bài tập vật lý trị liệu cứng khớp gối khác, gập duỗi gối nằm sấp với dây chun kháng lực có tác dụng kéo giãn cơ đùi trên, cho phép mở rộng phạm vi chuyển động khớp gối.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Người bệnh nằm sấp trên trên giường trị liệu, duỗi thẳng hai chân.
- Bước 2: Dùng một sợi dây quấn quanh bàn chân, đầu đây còn lại đưa qua vai và người bệnh nắm chặt.
- Bước 3: Người bệnh kéo sợi dây để nâng cẳng chân gập dần về phía mông, làm căng cơ đùi trên và uốn cong dần khớp gối. Sau đó, người bệnh thả lỏng dây và hạ cẳng chân về lại vị trí đầu.
Tần suất tập: Trượt và giữ gối trong 30 – 60 giây/nhịp, lặp lại 3 nhịp/lần, tập luyện 3 – 5 lần/ngày.
Lưu ý: Không lắc chân qua lại khi kéo chân gập lên. [18]
Bài 3. Bước cầu thang
Mục đích và tác dụng của bài tập vật lý trị liệu cứng khớp gối – bước cầu thang: Làm căng phần cơ đùi trên đồng thời kéo giãn các sợi cơ trên đầu gối, hỗ trợ mở rộng phạm vi chuyển động của khớp gối.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Người bệnh luyện tập với bậc thang, hai tay giữ chặt hai bên tay cầm cầu thang, một chân bước lên bậc (chân trước), chân còn lại giữ trên sàn nhà (chân sau).
- Bước 2: Ngả người về phía trước sao cho chân sau duỗi thẳng hết mức có thể, chân trước co lại và cảm nhận tối đa sự căng cơ khớp gối.
Tần suất tập: Giữ tư thế kéo căng cơ trong 5 – 10 giây/nhịp, lặp lại 3 – 5 nhịp/lần.
Lưu ý: Có thể tăng dần độ cao của bậc thang để tăng cường mức độ tập luyện. [4]
Bài 4. Căng cơ tứ đầu
Mục đích và tác dụng bài tập: Phần cơ đùi trên khớp gối sẽ được tác động kéo giãn, đồng thời hỗ trợ căng các sợi cơ xung quanh khớp gối.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Người bệnh ngồi trên ghế (nên là ghế có tay đỡ) với độ cao vừa phải, đưa một chân trụ ở phía trước đặt vuông góc với sàn, chân còn lại đưa về sau, co lại và đặt dưới ghế.
- Bước 2: Đặt hai tay chéo lên vai, áp sát người, co người lại và ngả dần lưng về phía sau. Cảm nhận phần cơ tứ đầu chân sau được căng giãn tối đa.
Tần suất tập: Ngả người trong 10 giây/nhịp, lặp lại bài tập vật lý trị liệu cứng khớp gối này cho đến khi hết cảm giác đau mỏi.
Lưu ý: Cần co người lại trước khi ngả ra sau để phần thắt lưng không bị đè nén áp lực. [20]
Bài 5. Co chân với ghế
Mục đích và tác dụng bài tập: Giúp căng cơ tứ đầu đùi, kéo giãn cơ đùi trên hết mức, hỗ trợ làm giảm nhức mỏi ở vùng khớp gối.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Người bệnh đặt một chiếc ghế (có tay đỡ) trên sàn, đứng về phía sau ghế, hai tay nắm giữ lưng ghế.
- Bước 2: Giữ thẳng người và phần đùi, bắt đầu co chân lên để cơ được kéo giãn hết mức. Sau đó thả chân xuống và tiếp tục lặp lại thao tác này.
Tần suất tập: Lặp lại động tác từ 8 – 10 lần cho lần tập đầu tiên.
Lưu ý: Co chân lên càng gần mông càng tốt. [20]
4.3. 5 bài tập tăng sức mạnh khớp gối
Bài 1. Nâng chân thẳng
Mục đích và tác dụng bài tập: Đòi hỏi người bệnh phải dùng cơ đùi trên và cơ khớp gối để thực hiện vận động, tăng cường sức mạnh ổn định cho khớp gối.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Người bệnh có thể ngồi hoặc nằm duỗi thẳng chân trên giường trị liệu.
- Bước 2: Trượt một chân về gần mông, chân còn lại vẫn duỗi thẳng, mũi chân hướng lên thả lỏng.
- Bước 3: Nâng cao chân duỗi một góc 8° – 10°, sau đó trả về nhẹ nhàng và lặp lại động tác.
Tần suất tập: Giữ chân trên không trong 5 giây/nhịp, lặp lại bài tập vật lý trị liệu cứng khớp gối này cho đến khi cơ có cảm giác mỏi, thực hiện 4 – 5 hiệp/ngày.
Lưu ý: Chân vận động lên xuống cần được giữ đầu gối thẳng. [21]
Bài 2. Cây cầu xương chậu
Mục đích và tác dụng bài tập: Giúp người bệnh căng cơ toàn bộ phần thân sau, và đặt biệt giúp cho cơ phần chân chắc khỏe để nâng cơ thể lên.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Người bệnh nằm ngửa đồng thời co hai chân đặt trên giường trị liệu. Hai tay úp xuống đặt sát người.
- Bước 2: Lấy bàn chân và vai làm trụ, từ từ đẩy mông lên cao khoảng 7cm – 12cm, sao cho từ gối đến vai tạo thành một đường thẳng. Hạ người chậm về lại giường trị liệu.
Tần suất tập: Nâng người từ 5 – 10 giây/nhịp, tập vật lý trị liệu cứng khớp gối với bài tập cây cầu xương chậu tùy vào khả năng của người bệnh.
Lưu ý: Dùng lực chủ yếu từ chân và lưng bụng, kéo căng cơ thể tối đa. [22]
Bài 3. “Vỏ sò”
Mục đích và tác dụng bài tập: Kéo giãn và làm căng cơ toàn bộ cơ đùi, giúp người bệnh giảm đau các vùng hông, đùi trên và gối.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Người bệnh nằm nghiêng toàn thân về một bên. Co cả hai chân lên, sao cho lưng và lòng bàn chân tạo thành một đường thẳng.
- Bước 2: Một tay dùng kê đầu, tay còn lại chống lên eo với ngón cái ấn vào thắt lưng. Bắt đầu mở rộng đùi theo nhịp, giữ yên cơ thể.
Tần suất tập: Giữ đùi mở rộng trong 5 giây và lặp lại cho đến khi cơ đùi bắt đầu mỏi.
Lưu ý: Đảm bảo chỉ có chân cử động, giữ yên tư thế của toàn bộ cơ thể. [22]
Bài 4. Mini squat
Mục đích và tác dụng bài tập: Hỗ trợ vận động nhẹ nhàng cho vùng đùi trên và vùng khớp gối, giúp căng cơ, tăng cường sự ổn định và dẻo dai của khớp gối.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Người bệnh đứng về phía sau ghế (có tay đỡ), hai chân rộng bằng vai, hai tay tựa lên lưng ghế.
- Bước 2: Giữ thẳng lưng và bắt đầu hạ người xuống giống như hành động ngồi ghế, sau đó đứng thẳng người lại về tư thế ban đầu.
Tần suất tập: Mỗi lần hạ người giữ từ 5 – 10 giây, dừng động tác khi cảm thấy mỏi cơ.
Lưu ý: Dùng lực chân để trụ, không gượng và tạo áp lực lên phần cơ ở thắt lưng. [22]
Bài 5. Nhún đứng
Mục đích và tác dụng bài tập: Kéo giãn cơ cổ chân, đồng thời làm tăng sức mạnh của phần cơ đùi trên và cơ khớp gối.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Người bệnh sử dụng với một chiếc bục với độ cao vừa phải, hoặc có thể tập với bậc thang. Đứng thẳng trên bụng bằng cả hai chân, nhưng chỉ đặt nửa bàn chân trước, nửa bàn chân sau treo ở mép bục.
- Bước 2: Dùng lực mũi chân rướn người lên, sau đó hạ người xuống sao cho gót chân gần như chạm lên sàn.
Tần suất tập: Rướn và hạ người xen kẽ, mỗi động tác 2 giây, lặp lại 10 lần.
Lưu ý: Giữ người thẳng khi hạ xuống, hạn chế ngả về phía trước. [23]
5. Giải đáp các câu hỏi thường gặp khi tập vật lý trị liệu cứng khớp gối
Câu 1: Cứng khớp gối bao lâu khỏi?
Thông thường, các trường hợp cứng khớp gối cấp tính có thể được chữa khỏi sau vài tuần. Với cơn đau cứng khớp gối kéo dài mãn tính thì cần đến vài tháng. Thời gian lành bệnh nhanh hoặc chậm phụ thuộc vào mức độ đau viêm khớp bệnh nhân. Vậy nên, để chẩn đoán chuẩn xác nhất, bạn nên đến trung tâm vật lý trị liệu và thăm khám trực tiếp với chuyên gia. [24]
Câu 2: Cứng khớp gối nên ăn gì?
Song song với việc thực hiện các bài tập vật lý trị liệu cứng khớp gối, người bệnh nên bổ sung các thực phẩm có chứa glucosamine và chondroitin (sụn cá, mầm lúa mạch, sò điệp, xương tủy, súp gà,…), vitamin D (trứng, nấm, cá hồi,…), Omega-3 (dầu cá, rau cải xanh, hạt chia, hạt hướng dương,…), curcumin (tinh bột nghệ), epigallocatechin gallate – EGCG (trà xanh) [25]. Ngoài cứng khớp gối, dinh dưỡng và chế độ ăn khoa học cũng là lưu ý chung cho quá trình phục hồi chức năng đầu gối, kể tới như quá trình tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ hay phục hồi chức năng sau mổ sụn chêm.
Bên cạnh đó, một số thực phẩm tối kỵ đối với bệnh nhân cứng khớp gối, như: đồ ngọt (bánh kẹo, sô-cô-la,…), thực phẩm mặn hoặc chứa bột ngọt, thịt đỏ (thịt bò, cừu, lợn,…), dầu thực vật giàu axit béo omega-6. [26]
Lợi ích của quản lý chế độ ăn trong quá trình tập vật lý trị liệu:
- Giảm đau, bảo vệ sụn và bôi trơn các khớp, tăng cường độ linh hoạt cho khớp gối.
- Chống viêm và giảm các triệu chứng cứng khớp gối.
- Kích thích cơ chế hấp thu canxi, giúp xương khớp gối chắc khỏe.
- Giảm viêm, ngăn ngừa biến chứng, gia tăng khả năng tự miễn của khớp gối. [25]
Câu 3: Cứng khớp gối nên tránh những bài tập nào?
Khi gặp vấn đề về khớp gối, người bệnh phục hồi chức năng cứng khớp gối nên tránh những bài tập như: Lunges (bài tập bước chân) và squats sâu (bài tập hạ cơ thể). Bên cạnh đó, cũng nên hạn chế các vận động tạo áp lực lên vùng gối, như: chạy, nhảy và kickboxing. [27]
Tập luyện vật lý trị liệu cứng khớp gối đóng vai trò quan trọng trong quá trình khôi phục chức năng vận động của khớp gối. Tình trạng đau nhức và co cứng khớp sẽ luôn đi kèm với biến chứng như lục khục khớp gối, thoái hóa khớp, khớp gối lỏng lẻo, dễ sang chấn, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến biến dạng khớp gối, teo cơ, hạn chế vận động,… Cứng khớp gối cũng có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm, người bệnh nên tích cực điều trị trước khi cơn đau ảnh hưởng sâu đến chất lượng cuộc sống.
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong vận động và bắt đầu cảm nhận được sự suy giảm sức khỏe khớp, hãy tham gia các buổi tập vật lý trị liệu cứng khớp gối cùng chuyên gia của Trung tâm Trị liệu & Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka. Các bác sĩ sẽ trực tiếp thăm khám và cá nhân hóa lộ trình tập luyện an toàn để phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.