Vỡ mâm chày: Dấu hiệu, điều trị & cách phòng ngừa

Tác giả: Myrehab - Matsuoka

Vỡ mâm chày là loại chấn thương chiếm tỉ lệ 1 – 2% trong số các chấn thương về xương khớp nhưng có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vậy tình trạng này diễn ra do đâu và có thể chữa khỏi hay không? Tham khảo ngay thông tin tổng quan về tình trạng này và những biện pháp điều trị, phục hồi chức năng sau vỡ mâm chày hiệu quả.

1. Dấu hiệu nhận biết sớm vỡ mâm chày

Khớp đầu gối được tạo nên bởi xương chày (hay xương ống quyển, là phần xương kéo dài từ đầu gối đến mắt cá chân) và xương đùi. Trong đó, mâm chày là phần nằm trên cùng của xương chày và có bề mặt nhẵn được bọc bởi lớp sụn. Ở mâm chày có 2 lớp sụn đặc biệt là sụn chêm có công dụng đặc biệt giúp đầu gối có thể gập duỗi và giúp giảm xóc.

Vỡ mâm chày là tình trạng chấn thương khiến xương mâm chày bị vỡ một phần hoặc toàn phần và gây tổn thương phần sụn phía trên, thường diễn ra do có lực lớn tác động đột ngột vào khu vực này. Vỡ mâm chày có thể ảnh hưởng đến phần khớp đầu gối, cẳng chân, dây chằng và mô mềm quanh khớp và làm giảm khả năng vận động khớp.

Tình trạng vỡ mâm chày
Tình trạng vỡ mâm chày

Dưới đây là những triệu chứng của tình trạng vỡ mâm chày khớp gối mà người bệnh cần lưu ý:

  • Gặp các cơn đau nhức nghiêm trọng ở vùng mâm chày và toàn bộ đầu gối.
  • Đầu gối mất lực, không có khả năng chịu trọng lượng và người bệnh không thể đứng hoặc đi bộ.
  • Mất khả năng vận động khớp, không thể gập duỗi phần đầu gối hoặc duỗi thẳng chân.
  • Sưng tấy, bầm tím, sờ vào thấy ấm quanh khớp gối.
  • Đầu gối biến dạng đối với vỡ mâm chày nghiêm trọng, có thể nhìn thấy xương ngô ra khỏi da trong các trường hợp gãy mâm chày hở.

Nếu người bệnh phát hiện các dấu hiệu trên hoặc vừa gặp chấn thương thì không nên chủ quan áp dụng các phương pháp chữa trị tại nhà mà cần đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, chẩn đoán và có biện pháp điều trị kịp thời.

2. Nguyên nhân gây vỡ mâm chày

Vỡ mâm chày diễn ra do có lực tác động mạnh, liên quan đến những chấn thương tại vùng đầu gối như:

  • Té ngã gây va đập mạnh ở đầu gối, đặc biệt là vào các bề mặt cứng, thường do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, trượt ngã trong sinh hoạt hằng ngày.
  • Tham gia các môn thể thao cường độ cao thường xuyên gây té ngã hoặc va đập ở đầu gối với các dụng cụ.
  • Tai nạn giao thông bởi ô tô gây va đập vào bộ phận trong xe.
  • Tác động lực đột ngột ở cơ tứ đầu đùi gây đứt gân và gãy xương mâm chày.
Chấn thương khi chơi thể thao có thể gây vỡ mâm chày
Chấn thương khi chơi thể thao có thể gây vỡ mâm chày

3. Phân loại vỡ mâm chày

Theo chuyên gia, có nhiều cách để phân loại tình trạng vỡ mâm chày do mức độ phức tạp của tình trạng này và thường dựa trên các đặc điểm như loại hình gãy, nén ép, bình diện. Trong đó, hệ thống phân loại Schatzker chia chấn thương này thành 6 loại chính là:

  • Loại I: Gãy chẻ ở mâm chày ngoài, không tạo thành lõm mà tạo mảnh gãy hình chêm.
  • Loại II: Gãy chẻ ở mâm chày ngoài, kèm theo lõm vào ở hành xương.
  • Loại III: Gãy lún diễn ra mâm chày do một lực dọc, thường được chia thành 2 dạng nhỏ là gãy ở mâm chày bên (IIIA) và gãy ở mâm chày giữa (IIIB)
  • Loại IV: Gãy mâm chày trong với hai dạng chính là gãy tách và gãy lún.
  • Loại V: Gãy ở 2 diện mâm chày (diện giữa và bên) và thường tạo thành “chữ Y” ngược.
  • Loại VI: Gãy mâm chày có gián đoạn thân xương với sự tách ra gia hành xương và thân xương. Đây là dạng chấn thương có sự kết hợp giữa đa dạng các hướng lực.
Phân loại vỡ mâm chày theo hệ thống Schatzker
Phân loại vỡ mâm chày theo hệ thống Schatzker

4. Phương pháp chẩn đoán vỡ mâm chày

Ngay sau khi gặp chấn thương hoặc phát hiện các triệu chứng vỡ mâm chày đầu gối, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu và kiểm tra nhằm xác định tình trạng và có biện pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là những phương pháp thường được áp dụng để chẩn đoán vỡ mâm chày.

1 – Chẩn đoán lâm sàng: Bác sĩ sẽ tiến hành thăm hỏi người bệnh cụ thể về nguyên nhân chấn thương và tiền sử bệnh lý về xương khớp của người bệnh. Một số kiểm tra ban đầu có thể được thực hiện là:

  • Kiểm tra triệu chứng như mức độ đau, sưng nề, khả năng tì chân, khả năng vận động của khớp gối và cả cổ chân, bàn chân, ngón chân.
  • Ấn vào các khu vực cụ thể tại khớp gối để phát hiện các vị trí bị đau.
  • Xác định biến dạng khớp, tình trạng của da, vết thương kín hoặc hở,…
Chẩn đoán lâm sàng để kiểm tra những triệu chứng ban đầu
Chẩn đoán lâm sàng để kiểm tra những triệu chứng ban đầu

2 – Chẩn đoán cận lâm sàng: Sau khi chẩn đoán lâm sàng, để xác định chính xác hơn tình trạng của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện những phương pháp chẩn đoán hình ảnh như:

  • Chụp X-quang: Đây là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất, tiến hành chụp X-quang ở bình diện mặt, bên và chếch trong ngoài của khớp gối để để xác định cấu trúc khớp và chính xác tình trạng vỡ mâm chày.
  • Chụp CT: Bác sĩ có thể chỉ định chụp CT để kiểm tra chi tiết hơn về chấn thương như đường nứt vỡ ở mâm chày, mức độ lún mặt khớp, vị trí của các mảnh vỡ,…
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Phương pháp được áp dụng trong trường hợp cần xác định chính xác hơn những chấn thương ở sụn và dây chằng.
  • Siêu âm mạch máu: Kiểm tra mạch máu và thần kinh để phát hiện các biến chứng như tổn thương thần kinh hông khoeo ngoài, tổn thương tĩnh mạch vùng khoeo,…
Tiến hành các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán chính xác hơn chấn thương
Tiến hành các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán chính xác hơn chấn thương

5. 2 phương pháp điều trị vỡ mâm chày

Ở giai đoạn đầu sau chấn thương, người bệnh sẽ được tiến hành sơ cứu và thực hiện các kiểm tra để chẩn đoán tình trạng và mức độ tổn thương. Sau khi xác định được tình hình vỡ xương mâm chày cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp để phục hồi phạm vi chuyển động khớp, giúp liền xương.

5.1. Điều trị bảo tồn

Phương pháp này thường được áp dụng trong các trường hợp: gãy mâm chày ổn định và không có sự di lệch quá 5mm đối với các mảnh xương; người cao tuổi mắc các bệnh lý nội khoa và không còn khả năng đi đứng.

Người bệnh có thể tiến hành điều trị bảo tồn bằng cách bó bột hoặc đeo nẹp cố định để giữ cho vùng đầu gối ở tư thế thẳng và tránh chuyển động đến khi xương lành. Thời gian bó bột có thể phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh nhưng thường kéo dài trong 3 – 6 tuần. Trong 6 – 8 tuần đầu, người bệnh cần tránh để đầu gối chịu trọng lượng.

Bệnh nhân có thể được điều trị bảo tồn để hỗ trợ quá trình liền xương
Bệnh nhân có thể được điều trị bảo tồn để hỗ trợ quá trình liền xương

5.2. Điều trị bằng phẫu thuật

Bác sĩ có thể chỉ định tiến hành phẫu thuật trong những trường hợp người bệnh bị gãy mâm chày ngoài gây mất vững ở khớp gối; gãy mâm chày trong hoặc 2 bên và các mảnh xương có sự di lệch quá 5mm, gãy vụn. Ngoài ra, những trường hợp bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật là gãy xương hở, gặp biến chứng chèn ép khoang, tổn thương mạch máu và thần kinh.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành các thủ thuật như: sử dụng dụng cụ (vít, chốt và dây) để nối các mảnh xương lớn bị gãy; loại bỏ những mảnh xương quá nhỏ không thể gắn lại; điều trị các chấn thương ở dây chằng, mô mềm quanh khớp và các biến chứng khác. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể được bó bột hoặc nẹp để cố định khớp.

Cần tiến hành phẫu thuật trong các trường hợp nghiêm trọng, gãy mâm chày có nhiều di lệch
Cần tiến hành phẫu thuật trong các trường hợp nghiêm trọng, gãy mâm chày có nhiều di lệch

6. Tập phục hồi chức năng sau vỡ mâm chày

Vỡ xương mâm chày là một chấn thương có nguy cơ tái phát cao và có thể để lại nhiều di chứng cho người bệnh. Do đó, người bệnh nên chủ động áp dụng những phương pháp phục hồi chức năng tại những cơ sở y tế uy tín để hỗ trợ quá trình phục hồi. Tham khảo ngay những cách trị liệu thường được áp dụng dưới đây.

6.1. Nhiệt trị liệu

Người bệnh tiến hành trị liệu bằng phương pháp chườm nóng hoặc chườm lạnh cụ thể như sau:

  • Chườm nóng: Hỗ trợ tăng tuần hoàn máu quanh khớp để thúc đẩy vận chuyển oxy và các dưỡng chất cần thiết đến nuôi dưỡng vùng bị thương, hỗ trợ quá trình phục hồi. Thực hiện chườm nóng bằng cách sử dụng tia hồng ngoại, Parafin hoặc túi chườm trong 15 – 20 phút.
  • Chườm lạnh: Chườm lạnh là phương pháp giúp giảm đau và sưng hiệu quả nhờ công dụng làm co mạch. Dùng túi chườm lạnh để chườm vào vùng bị thương trong 10 -15 phút, lưu ý không đặt đá lạnh trực tiếp lên vết thương.
Áp dụng chườm nóng và lạnh dành cho khớp bị thương
Áp dụng chườm nóng và lạnh dành cho khớp bị thương

6.2. Sóng ngắn

Phương pháp kích thích sóng ngắn cần được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ, ứng dụng các bức xạ điện từ có bước sóng ngắn để tác động đến vùng bị chấn thương, ngăn ngừa phù nề do ứ đọng máu, kháng viêm và thúc đẩy quá trình phục hồi sau vỡ mâm chày đầu gối.

Áp dụng kích thích bằng sóng ngắn để hỗ trợ phục hồi chức năng sau vỡ mâm chày
Áp dụng kích thích bằng sóng ngắn để hỗ trợ phục hồi chức năng sau vỡ mâm chày

6.3. Điện xung

Đây là phương pháp sử dụng thiết bị điện xung tại vùng bị thương để truyền sóng điện xung tần số thấp, giúp làm giảm đau nhức và cải thiện tuần hoàn máu, thúc đẩy phục hồi vết thương.

Sử dụng điện xung trong trị liệu chấn thương đầu gối
Sử dụng điện xung trong trị liệu chấn thương đầu gối

6.4. Siêu âm

Người bệnh có thể tiến hành siêu âm trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ, ứng dụng sóng siêu âm để cải thiện tuần hoàn máu, kháng viêm, ngăn ngừa tình trạng xơ dính mô mềm dẫn đến cứng khớp, thúc đẩy quá trình phục hồi.

Liệu pháp siêu âm hỗ trợ phục hồi sau vỡ mâm chày
Liệu pháp siêu âm hỗ trợ phục hồi sau vỡ mâm chày

6.5. Vận động trị liệu

Vận động trị liệu là phương pháp thực hiện các bài tập để tăng cường phục hồi khả năng vận động ở khớp bị thương, ngăn ngừa nguy cơ cứng khớp, đồng thời giúp giảm đau, sưng viêm.

1 – Giai đoạn bất động khớp gối

Trong giai đoạn này, người bệnh vẫn còn đang bó bột, đeo nẹp nên sẽ thực hiện các bài tập cơ cơ tĩnh. Tiến hành co cơ trong nẹp, bột đối với các cơ tứ đầu đùi, đùi, cẳng chân,… lần lượt trong vòng 10 giây/lần, thực hiện 20 lần/hiệp, 2 hiệp/ngày.

Thực hiện tập co cơ tĩnh khi đang bất động khớp
Thực hiện tập co cơ tĩnh khi đang bất động khớp

Bên cạnh đó, trong giai đoạn này bạn cũng có thể tập các bài tập tự do ở các khớp khỏe mạnh bên chân bị thương như khớp háng, khớp cổ chân,… để tăng sự linh hoạt và hỗ trợ khả năng vận động. Người bệnh cũng có thể thực hiện các bài tập với nạng theo hướng dẫn của chuyên gia để hỗ trợ sinh hoạt.

2 – Giai đoạn sau bất động

Sau khi tháo nẹp hoặc bột, người bị vỡ mâm chày khớp gối có thể tiến hành một số bài tập theo chỉ định của bác sĩ để giúp cải thiện tầm vận động của khớp gối và tăng lực khớp. Một số bài tập phổ biến là:

a – Bài tập gập duỗi khớp:

  • Nằm trên sàn với tay và chân duỗi thoải mái, tiến hành gập và duỗi khớp gối bị thương nhẹ nhàng trong khoảng 30°.
  • Thực hiện trong vòng 20 phút, tập 2 lần/ngày.

Bạn có thể tăng mức độ gập và duỗi của khớp lên từng 5° – 10° sau một khoảng thời gian tập luyện đến khi đạt được mức 90°, thường sẽ có thể kéo dài trong 6 tuần.

Bài tập gập duỗi khớp gối sau vỡ mâm chày
Bài tập gập duỗi khớp gối sau vỡ mâm chày

b – Bài tập duỗi cơ tứ đầu đùi

  • Nằm sấp trên thảm tập, quấn một sợi dây quanh cổ chân ở chân bị thương và dùng tay để cầm đầu dây vòng qua vai.
  • Dùng tay kéo dây để đưa bàn chân lại gần mông nhất có thể, giữ trong 30 giây rồi thả lỏng dây để duỗi gối về vị trí ban đầu.
  • Lặp lại động tác này 3 lần.

Lưu ý thời gian đầu cần gập gối nhẹ nhàng trong một khoảng nhất định rồi mới tăng dần góc độ gập theo hướng dẫn của chuyên gia.

Bài tập duỗi cơ tứ đầu đùi
Bài tập duỗi cơ tứ đầu đùi

c – Bài tập tư thế vỏ sò

  • Nằm nghiêng trên thảm tập và để phía bị thương ở bên trên, cong 2 đầu gối, bàn chân duỗi thẳng.
  • Giữ hai bàn chân ép vào nhau, dùng lực để đẩy đầu gối ra xa, giữ trong 3 giây rồi trở về tư thế ban đầu.
  • Nghỉ trong vài giây rồi lặp lại động tác 10 lượt/hiệp, thực hiện 3 hiệp/lần tập.

Bạn có thể tập kết hợp với dây đàn hồi giữa hai đầu gối sau một thời gian luyện tập để cải thiện lực cơ.

Cách thực hiện bài tập tư thế vỏ sò
Cách thực hiện bài tập tư thế vỏ sò

d – Bài tập bước đi lên bậc thang

  • Lựa chọn bậc thang thấp có tay vịn, bám vào tay vịn và nhấc chân bị đau đặt lên bậc rồi bước chân bình thường lên.
  • Bước lùi về một bậc bằng cách đưa chân bình thường xuống trước, sau đó bước chân bị thương xuống sau.
  • Tiếp tục thực hiện 10 lượt/hiệp, 3 hiệp/lần tập.
Thực hiện bài tập bước lên bậc thang
Thực hiện bài tập bước lên bậc thang

7. Giải đáp câu hỏi thường gặp về vỡ mâm chày

Câu 1: Mất bao lâu để phục hồi sau vỡ mâm chày?

Thời gian phục hồi sau vỡ mâm chày của mỗi bệnh nhân có thể khác nhau phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng, sự tuân thủ phác đồ điều trị. Thông thường, người bệnh điều trị theo chỉ định của bác sĩ có thể hồi phục và hoạt động bình thường trở lại trong 3 – 6 tháng. Các trường hợp chấn thương nghiêm trọng thì thời gian phục hồi có thể kéo dài hơn.

Câu 2: Vỡ mâm chày có biến chứng gì không?

Tùy theo mức độ của chấn thương mà vỡ mâm chày có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như:

  • Xơ hóa quanh khớp gây cứng khớp gối, khó cử động và gập khớp gối.
  • Nhiễm trùng khớp cấp tính gây sưng đỏ, tiết dịch, nứt vết thương do quá trình vệ sinh vết thương không đúng cách, gãy xương hở, mắc hội chứng chèn ép khoang,… Viêm tủy xương (nhiễm trùng mãn tính) không chỉ dẫn đền các phản ứng viêm, đau nhức mà còn làm xuất hiện lỗ rò.
  • Các chấn thương khớp theo thời gian có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp, gây tổn thương sụn khớp, dây chằng, gân, xương dưới sụn.

Vỡ mâm chày là một dạng chấn thương có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh và có khả năng để lại nhiều di chứng. Việc nhận biết các triệu chứng và điều trị kịp thời sẽ giúp quá trình phục hồi của người bệnh thuận lợi hơn. Ngoài ra, bạn cũng cần tìm đến các cơ sở phục hồi chức năng uy tín để được hỗ trợ cải thiện sau chấn thương.

Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA là một trong những địa chỉ uy tín hàng đầu, áp dụng chương trình hồi phục chức năng toàn diện theo tiêu chuẩn Nhật Bản để cung cấp dịch vụ chất lượng dành cho người bệnh với:

  • Đội ngũ nhân sự gồm các bác sĩ là chuyên gia trong lĩnh vực phục hồi chức năng và các kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm, hỗ trợ người bệnh tận tình trong quá trình trị liệu.
  • Áp dụng lộ trình điều trị cá nhân hóa để phù hợp với tình trạng và nhu cầu phục hồi của mỗi bệnh nhân.
  • Trang thiết bị chẩn đoán và trị liệu tiên tiến, đảm bảo tiêu chuẩn châu Âu có thể ghi lại dữ liệu của từng người bệnh để có thể theo dõi quá trình tập luyện hiệu quả.

Hãy đến Trung tâm MYREHAB MATSUOKA ngay gặp tình trạng vỡ mâm chày hoặc các chấn thương đầu gối khác để được hỗ trợ quá trình phục hồi.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm trị liệu và phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 23/04/2025Ngày cập nhật: 23/04/2025