Bệnh điều trị
PHCN Cơ - Xương - Khớp

Viêm gân gấp (ngón tay lò xo)

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB- MATSUOKA. 

Hội chứng ngón tay lò xo (Viêm gân gấp ngón tay) khiến bệnh nhân bị đau nhức và khó khăn trong việc gấp, duỗi ngón tay, một số trường hợp nặng ngón tay có thể bị khóa ở tư thế uốn cong như bóp cò súng. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng sự đau nhức, khó khăn trong việc cử động ngón tay lại gây ra sự bất tiện, ảnh hưởng đến khía cạnh của cuộc sống người bệnh. Để biết thêm thông tin chi tiết về hội chứng ngón tay lò xo, mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết sau.

1. Hội chứng ngón tay lò xo là gì? 

Ngón tay lò xo hay ngón tay cò súng (Trigger Finger), là tình trạng các bao gân gấp của ngón tay bị thoái hóa, gây chít hẹp bao gân, khiến các gân gấp khó lướt qua khi người bệnh duỗi hoặc gấp ngón tay. 

Đặc điểm dễ nhận biết của viêm gân gấp ngón tay là ngón tay bị kẹt ở tư thế cong cò súng
Đặc điểm dễ nhận biết nhất của hội chứng ngón tay lò xo chính là ngón tay bị kẹt ở tư thế cong cò súng

Theo Thư viện Quốc gia về Y học Hoa Kỳ (National Library of Medicine), hội chứng ngón tay lò xo hay viêm gân gấp ngón tay xuất hiện khá phổ biến với tỷ lệ mắc phải là 2,6% trên dân số thế giới. Thậm chí, số người mắc bệnh này còn cao hơn cả các bệnh khác như đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp hay các tình trạng lắng đọng protein toàn thân như gout hay amyloidosis,…

Mô phỏng cách ngón tay lò xo ngón cái gây ảnh hưởng đến quá trình cử động tay của người bệnh
Mô phỏng cách hội chứng ngón tay lò xo gây ảnh hưởng đến quá trình cử động tay của người bệnh

2. Triệu chứng ngón tay lò xo

Hội chứng ngón tay cò súng không phải bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên nếu không được sớm phát hiện và điều trị sẽ khiến bệnh trở nặng, gây ra tình trạng đau nhức, viêm nhiễm, dễ tổn thương gân,… ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và đời sống của người bệnh.

Mỗi thời kỳ của bệnh sẽ phản ánh bằng những triệu chứng khác nhau, cụ thể: 

1 – Cấp độ 1 – Đau và khó chịu: Người bệnh cảm nhận thấy những cơn đau và khó chịu khi uốn cong hoặc chỉnh thẳng ngón tay, đặc biệt là vào buổi sáng. Tuy nhiên đây là giai đoạn khởi phát, có thể điều trị sớm bằng các loại thuốc đặc hiệu. 

2 – Cấp độ 2 – Ngón tay có cảm giác bị vướng khi cử động: Lúc này gân và bao gấp ngón tay bị dày lên, siêu âm có thể thấy có dịch tích tụ quanh bao gân. Ngón tay đã bắt đầu có triệu chứng bị vướng khi cử động, một số trường hợp kèm theo tiếng lách cách mỗi khi co hoặc duỗi ngón tay. Thông thường, các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc có đặc tính chống viêm mạnh để xoa dịu và chữa lành vùng bao gân. Bệnh sẽ có triển biến tích cực sau một vài tuần chữa trị.  

Triệu chứng bệnh ngón tay lò xo cấp độ 2 là bị phù dày lên, kèm theo cảm giác vướng víu như có vật cản trở mỗi khi ngón tay co hoặc duỗi thẳng
Vùng khớp ngón tay của người bệnh ngón tay lò xo cấp độ 2 bị phù dày lên, kèm theo cảm giác vướng víu như có vật cản trở mỗi khi ngón tay co hoặc duỗi thẳng

3 – Cấp độ 3 – Ngón tay bị kẹt và cần phải có sự hỗ trợ mới có thể cử động: Bao gân bị sưng khiến dây gân bị kẹt, không thể luồn qua. Người bệnh cần dùng tay còn lại hỗ trợ mới có thể cử động ngón tay bị bệnh. Đây là giai đoạn bệnh đã có chiều hướng xấu, bác sĩ sẽ kết hợp các phương pháp điều trị thích hợp như tiêm thuốc, các phương pháp phục hồi chức năng hoặc can thiệp phẫu thuật nếu cần thiết. 

4 – Cấp độ 4 – Ngón tay bị kẹt và không thể cử động: Bao gân bị sưng và chèn ép dây gân khiến chúng bị kẹt cứng, việc cử động ngón tay là không thể. Biện pháp điều trị thích hợp nhất lúc này chính là can thiệp phẫu thuật. 

Đầu bao gân bị phù nề quá độ khiến ngón tay không thể cử động
Đầu bao gân bị phù nề quá độ cản trở dây gân không thể luồn qua và kẹt cứng, khiến ngón tay không thể cử động

3. Nguyên nhân gây ra hội chứng ngón tay lò xo 

Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm gân gấp ngón tay, cụ thể bao gồm:

1 – Do đặc thù nghề nghiệp: Một số nghề nghiệp như nông dân, thợ thủ công, thợ cắt tóc, giáo viên, bác sĩ phẫu thuật,… phải sử dụng ngón tay nhiều, thực hiện liên tục các động tác như véo, nắm, giữ,… có tỷ lệ mắc hội chứng ngón tay lò xo cao hơn những người bình thường.

Những chuyên gia nhận định rằng hoạt động ngón tay nhiều có thể tạo ra sự kích thích qua lại liên tục giữa gân và bao gân ngón tay, lâu dần làm hình thành một khối mô nhỏ trên gân. Những nốt sần này có thể khiến gân khó lướt trơn tru hơn, lâu dần tiến triển thành hội chứng ngón tay lò xo.

Một trong những nguyên nhân gây ngón tay lò xo là do đặc thù nghề nghiệp
Các nghề nghiệp cần hoạt động ngón tay càng nhiều và liên tục thì có  nguy cơ mắc phải hội chứng ngón tay lò xo càng cao

2 – Do chấn thương hoặc tổn thương: Một số chấn thương gặp phải trong cuộc sống hàng ngày như tai nạn giao thông, chơi thể thao, vô tình làm đứt tay,… đều có thể dẫn đến hội chứng ngón tay lò xo. Cụ thể, đến từ các nguyên nhân như: 

  • Viêm nhiễm: Các vết thương hở do chấn thương có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn hoặc các yếu tố có hại khác xâm nhập. Sự viêm nhiễm khiến các mô, gân ngón tay bị kích thích, sưng tấy,… Phù nề về kích thước gây ra sự chèn ép lẫn nhau giữa gân, bao gân và các mô xung quanh, gây ra tình trạng viêm bao gân gấp ngón tay.
  • Tổn thương cấu trúc gân và mô: Chấn thương khiến gân và các mô xung quanh gân bị tổn thương, trở nên sưng và đau nhức, gây khó khăn cho việc cử động ngón tay. Thậm chí trong một vài trường hợp xấu, chấn thương ngón tay còn có thể dẫn đến nhiều bệnh lý khác như: Viêm gân (Tendinitis), Tổn thương túi gân (Tenosynovitis), Tổn thương gân (Tendon Injury), Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis) và một số bệnh cơ xương khớp khác. 
  • Tạo sẹo làm biến đổi cấu trúc: Các vết thương có thể để lại sẹo sau khi lành và làm biến đổi cấu trúc ban đầu của gân, bao gân và các mô xung quanh. Sự chèn ép của sẹo tạo điều kiện cho sự kẹt giữa gân và bao gân khi ngón tay cử động, gây ra hội chứng ngón tay lò xo.  
Các chấn thương ở tay khiến cấu trúc gân bị tổn thương là nguyên nhân hàng đầu gây ra hội chứng ngón tay lò xo
Các chấn thương ở tay khiến cấu trúc gân bị tổn thương là nguyên nhân hàng đầu gây ra hội chứng ngón tay lò xo

3 – Do bệnh lý: Một số bệnh lý có thể gây ảnh hưởng đến cấu trúc gân và mô xung quanh ngón tay, gây cản trở cho quá trình co, duỗi ngón tay của người bệnh. Dưới đây là một số bệnh lý được cho là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm gân gấp ngón tay: 

  • Viêm nhiễm khớp (Arthritis): Viêm nhiễm và sưng ở các bong bóng gân, làm tăng nguy cơ kẹt, khi người bệnh co hoặc duỗi ngón tay. Viêm nhiễm khớp là nguyên nhân hàng đầu gây ra hội chứng viêm bao gân gấp ngón tay. 
  • Bệnh thoái hóa khớp (Osteoarthritis): Sự thoái hóa khiến cấu trúc xương, khớp và các mô, sụn tại khớp. Khi mô sụn mất đi, sự cọ sát trực tiếp giữa các xương sẽ gây đau nhức và hạn chế chuyển động của người bệnh. 
  • Bệnh đái tháo đường (Diabetes): Bệnh tiểu đường có thể gây ra hội chứng ngón tay lò xo thông qua một số tác động lên gân và cấu trúc mô xung quanh như: gây tổn thương hệ mạch máu và làm giảm khả năng cung cấp máu và dưỡng chất, tăng nguy cơ viêm nhiễm, sưng phù các mô, thúc đẩy quá trình tạo gai xương,…
Viêm nhiễm khớp, bệnh thoái hớp khớp, bệnh đái tháo đường, ... là nguyên nhân gây ra viêm bao gân gấp ngón tay
Những tác động tiêu cực của bệnh đái tháo đường lên cơ thể là một trong các nguyên nhân gây ra viêm bao gân gấp ngón tay

4 – Nữ giới có tỷ lệ mắc hội chứng ngón tay lò xo cao hơn nam giới: Tình trạng ngón tay lò xo xuất hiện thường xuyên hơn ở phụ nữ gấp 6 lần so với nam giới. Mặc dù chưa biết chính xác nguyên nhân nhưng điều này có thể bắt nguồn từ: hoạt động hàng ngày có tính lặp đi lặp lại, sự thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn mang thai và sau sinh….

Nữ giới có tỷ lệ mắc viêm gân gấp ngón tay cái cao hơn nam giới
Các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ có tỷ lệ mắc viêm gân gấp ngón tay cái cao hơn 6 lần so với nam giới – Theo Viện Phẫu thuật Tay đến Vai Arizona

5 – Do tuổi tác: Tuổi từ 30 – 50 là giai đoạn xuất hiện hội chứng ngón tay lò xo phổ biến nhất. Theo thời gian, xương trở nên giòn hơn, các khớp ngón tay dần bị thoái hóa, bao gân bị mài mòn,.. khiến quá trình cử động ngón tay trở nên khó khăn và kèm theo sự đau nhức.  

Ngón tay bật lò xo xảy ra do sự lão hóa khi về già khiến xương khớp thoái hóa
Sự lão hóa khi về già khiến xương khớp thoái hóa là nguyên nhân phổ biến gây ra hội chứng ngón tay lò xo

4. Biến chứng của hội chứng ngón tay lò xo 

Hội chứng ngón tay lò xo thông thường không phát bệnh ngay lập tức, mà chỉ mang đến một số cảm giác cộm ở ngón tay khi cử động. Điều này khiến người bệnh chủ quan không quan tâm đến, tạo điều kiện phát triển bệnh.

Nhìn chung, đa phần các trường hợp bị viêm gân gấp ngón tay đều không gây nguy hiểm. Tuy nhiên nếu không được chăm sóc và điều trị, bệnh có thể gây ra sự đau nhức và nhiều vấn đề khác, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh.

  • Bị đau nhức dữ dội khi co hoặc duỗi ngón tay, đặc biệt là khi bệnh đã tiến triển đến mức nặng. Sự đau nhức làm giảm khả năng chuyển động tự do của ngón tay và gây ra nhiều khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động thường ngày của người bệnh.  
  • Đau vùng gân ngón tay, cơn đau nặng hơn khi người bệnh cử động. Điều này khiến bệnh nhân luôn tồn tại cơn đau ở ngón tay, cản trở các hoạt động thường ngày và tạo ra cảm giác không thoải mái cho người bệnh. 
  • Sưng tấy ngón tay, nhất là ở vùng bị bệnh, khiến ngón tay khó khăn trong việc cử động. 
  • Ngón tay bị mắc kẹt ở tư thế cò súng, bệnh nhân có thể phải dùng tay kia hỗ trợ mới có thể kéo ngón tay về vị trí cũ. 
Viêm gân gấp ngón cái có thể khiến các ngón tay bị kẹt cứng ở tư thế cò súng, gây khó khăn khi co duỗi hay cử động
Hội chứng ngón tay lò xo không được quan tâm điều trị có thể khiến ngón tay bị kẹt cứng ở tư thế cò súng, không thể co duỗi hay cử động

5. Những điều cần làm khi mắc hội chứng ngón tay lò xo

Nếu phát hiện cơ thể xuất hiện các triệu chứng của ngón tay lò xo, người bệnh nên đến các trung tâm Y tế để thăm khám. Thông thường, các bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân làm một số việc làm sau: 

  • Nghỉ ngơi và hạn chế hoạt động ngón tay: Người bệnh nên giảm tần suất hoạt động của ngón tay nhằm tránh các tác động gây thêm áp lực lên vùng bị tổn thương. 
  • Chườm lạnh: Thực hiện chườm lạnh tầm 10 – 15 phút, có thể làm 4 – 5 lần mỗi ngày, mỗi lần cách nhau ít nhất 2 giờ. Việc chườm lạnh có thể giúp xoa dịu cơn đau do viêm, sưng hiệu quả. Người bệnh không nên xoa bóp với các loại dầu nóng, thuốc xoa bóp hoặc đi nắn sửa khớp không đúng sẽ gây viêm mạn tính tại chỗ tổn thương, rất khó điều trị sau này. 
  • Quan sát và ghi chú lại bệnh tình như các triệu chứng, thời điểm xuất hiện, mức độ đau để chia sẻ thông tin chi tiết với bác sĩ, giúp cho quá trình chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn.
  • Có thể dùng thuốc giảm đau, kháng viêm để làm xoa dịu cảm giác đau và khó chịu ở ngón tay bị bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh tối đa các tác dụng phụ khi sử dụng. 
Sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ, người bệnh có thể tự thực hiện một số bài tập điều trị ngón tay lò xo đơn giản
Người bệnh có thể tự thực hiện một số bài tập điều trị ngón tay lò xo đơn giản sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ

6. Phương pháp chẩn đoán hội chứng ngón tay lò xo

Bác sĩ thường thực hiện kết hợp các phương pháp kiểm tra lẫn xét nghiệm để chẩn đoán hội chứng ngón tay lò xo. Dựa trên kết quả của các bước này, bác sĩ sẽ đưa ra được những chẩn đoán chính xác và lên kế hoạch điều trị thích hợp. 

6.1. Chẩn đoán lâm sàng

Bác sĩ sẽ hỏi thăm chi tiết với bệnh nhân về thông tin triệu chứng, thời gian xuất hiện và mức độ đau. Ngoài ra, các thông tin khác về tiểu sử bệnh lý, nghề nghiệp, công việc hàng ngày, các môn thể thao đã chơi,… cũng được thu thập nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh. 

Bác sĩ sẽ kiểm tra cử động khuỷu tay, cổ tay, ngón tay nhằm đánh giá sự linh hoạt của các bộ phận này. Một số cử động được kiểm tra phổ biến nhất là động tác uốn cong, co và duỗi, xoay ngón tay,… Ngoài ra, bác sĩ cũng thử nghiệm các tác động lực như nhấn, vặn hoặc co duỗi ngón tay để kiểm tra mức độ đau và xác định vị trí đau của người bệnh.

Bác sĩ kiểm tra cử động khuỷu tay, cổ tay, ngón tay nhằm đánh giá sự linh hoạt của các bộ phận này
Bác sĩ thử nghiệm các động tác nhấn, vặn hoặc co duỗi ngón tay để kiểm tra chính xác vị trí đau và độ đau của người bệnh ngón tay lò xo

6.2. Cận lâm sàng

Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm dưới đây để chẩn đoán chính xác hơn như:

  • Chụp X-quang: Kiểm tra cấu trúc xương và xác định tổn thương ở mô mềm hay xương. 
  • Kiểm tra Nerve Conduction: Kiểm tra dẫn truyền thần kinh để đánh giá tình trạng của thần kinh và xác định có sự suy giảm chức năng ở ngón tay hay không.

Các xét nghiệm, chụp chiếu là cần thiết trong quá trình chẩn đoán, đặc biệt là khi bác sĩ muốn loại trừ hoặc xác nhận những vấn đề về xương và thần kinh liên quan đến hội chứng ngón tay lò xo. Kết quả của các xét nghiệm giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về tình trạng của bệnh nhân để từ đó đưa ra quyết định điều trị chính xác.

Chụp chiếu X-quang để bác sĩ hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh viêm gân gấp ngón tay của bệnh nhân
Chụp chiếu rất cần thiết để các bác sĩ hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh lý ngón tay lò xo của bệnh nhân từ đó đưa ra quyết định điều trị chính xác

7. 4 phương pháp điều trị hội chứng ngón tay lò xo

Hội chứng ngón tay lò xo có thể điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh. Đối với các giai đoạn đầu, người bệnh viêm gân gấp ngón tay chủ yếu được chỉ định dùng thuốc và kết hợp với các bài tập phục hồi chức năng phù hợp. Tuy nhiên nếu bệnh đã tiến triển quá nặng thì bác sĩ sẽ cần can thiệp phẫu thuật để điều trị mới mang lại hiệu quả. Chi tiết cách điều trị viêm gân gấp ngón tay cho từng giai đoạn cụ thể như sau:

7.1. Điều trị bằng thuốc 

Điều trị hội chứng ngón tay lò xo bằng thuốc thường chỉ được chỉ định ở giai đoạn ban đầu và khi các triệu chứng của bệnh chưa quá nặng. Thuốc được sử dụng với công dụng giảm đau, giảm sưng và hạn chế viêm nhiễm. Vì thế trong nhiều trường hợp, thuốc còn được sử dụng kết hợp với các phương pháp khác như vận động trị liệu, phẫu thuật,… để gia tăng hiệu quả điều trị. 

Dưới đây là một số loại thuốc điều trị ngón tay lò xo được sử dụng phổ biến:  

  • Các loại thuốc chống viêm không Steroid (NSAIDs): Được sử dụng phổ biến trong điều trị hội chứng ngón tay lò xo mức độ nhẹ, có tác dụng giảm đau, giảm sưng, chống nhiễm trùng khá hữu hiệu. Một số loại thuốc như: Ibuprofen, Naproxen, Diclofenac, Paracetamol,… 
  • Một số loại thuốc khác: Thuốc giảm đau và giảm đau nội tiếp (Acetaminophen, Tramadol), Thuốc chống cảm nhận đau (Gabapentin, Pregabalin), Thuốc chống Rheumatoid Arthritis (Methotrexate),…
Điều trị viêm bao gân gấp ngón tay bằng các loại thuốc chống viêm không Steroid (NSAIDs)
Các loại thuốc chống viêm không Steroid (NSAIDs) thường được sử dụng phổ biến trong điều trị trong giai đoạn đầu bệnh ngón tay lò xo

7.2. Tiêm nội khớp

Đối với trường hợp các triệu chứng viêm bao gân gấp ngón tay đã nặng hơn, gây sưng viêm, đau đớn và ảnh hưởng đến khả năng cử động của ngón tay thì bác sĩ có thẻ sẽ cần dùng đến Corticosteroid dạng dung dịch để tiêm vào ngón tay bị bệnh. 

Đây là loại thuốc có tính kháng viêm mạnh, hiệu quả rất tốt trong việc giảm đau, tiêu sưng, giúp gân cử động linh hoạt trở lại. Hiệu quả điều trị có thể đến sau vài ngày hoặc vài tuần sau khi tiêm. Theo Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ (NLM), tiêm Corticosteroid là phương pháp hiệu quả hàng đầu cho 67 – 90% người mắc bệnh ngón tay lò xo. Tuy nhiên, tiêm nội khớp Corticosteroid không phù hợp đối các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lý nền như: đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp,…

Điều trị hội chứng ngón tay lò xo bằng tiêm nội khớp Corticosteroid đối với trường hợp các triệu chứng bệnh đã nặng hơn
Tiêm nội khớp Corticosteroid điều trị hiệu quả đến 90% cho bệnh ngón tay lò xo giai đoạn  vừa và nhẹ

7.3. Kê đơn trị liệu phục hồi chức năng 

Các phương pháp trị liệu phục hồi chức năng thường được áp dụng sau các biện pháp điều trị ban đầu như tiêm Corticosteroid hay phẫu thuật. Lúc này vùng tổn thương đã suy giảm các triệu chứng sưng và đau. Bác sĩ sẽ kê đơn trị liệu phục hồi chức năng để giúp cải thiện sự linh hoạt, tăng sức mạnh ngón tay và đẩy nhanh quá trình hồi phục. 

Các phương pháp phục hồi chức năng được sử dụng bao gồm: 

1 – Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu trong điều trị ngón tay lò xo thường tập trung vào các biện pháp nhằm làm giảm triệu chứng sưng, đau, đồng thời tăng cường sự linh hoạt của ngón tay bị bệnh. Một số biện pháp vật lý trị liệu được sử dụng phổ biến như:

  • Xoa bóp: Kỹ thuật viên xoa bóp dọc theo cơ bắp và các đường gân ngón tay. Điều này có thể giúp làm giảm căng thẳng cho cơ và mô liên kết, giảm đau, tăng cường lưu thông máu và cải thiện sự linh hoạt của cơ và gân ngón tay. 
  • Điện trị liệu: Kỹ thuật viên dùng dòng điện nhẹ tác động lên vùng ngón tay bị tổn thương, từ đó mang đến một số hiệu quả điều trị như: giảm đau, kháng viêm tiêu sưng, kích thích tái tạo mô, chống sẹo,… Một số phương pháp điện trị liệu được sử dụng phổ biến như: TENS (giảm đau), NMES (kích thích cơ bắp, tăng sức mạnh và cải thiện chức năng), IFC (giảm đau, giảm viêm),…  
Vật lý trị liệu đứt gân ngón tay
Điện trị liệu TENS được sử dụng để điều trị viêm gân gấp ngón tay
Điện trị liệu TENS (Transcutaneous Electrical Nerve Stimulation) được sử dụng để giảm đau, giảm sưng trong điều trị viêm gân gấp ngón tay

2 – Vận động trị liệu: Các bài tập vật lý trị liệu ngón tay cò súng có thể giảm đau và sưng, cải thiện chuyển động, tăng sự linh hoạt và phục hồi chức năng của ngón tay. Một số bài tập đơn giản, dễ thực hiện mà lại mang lại hiệu quả cao như:

  • Xoa bóp ngón tay: Massage nhẹ nhàng vùng ngón tay bị bệnh theo chiều kim đồng hồ. Bài tập này có tác dụng rất tốt trong việc kích thích tuần hoàn máu, giảm căng thẳng cơ bắp, từ đó giảm đau, giảm sưng hiệu quả. 
  • Bài tập mở rộng và uốn ngón tay: Duỗi thẳng ngón tay và từ từ uốn cong hết mức có thể, cố gắng giữ động tác này trong khoảng 10 – 15 giây. Bài tập có tác dụng cải thiện tầm hoạt động của ngón tay, giảm sự cứng ngắc và gia tăng tính linh hoạt. 
  • Bài tập nâng cao sức mạnh cơ ngón tay: Cho bệnh nhân cầm quả bóng căng, từ từ nắm chặt bàn tay đến khi quá lực thì thả lỏng, lặp lại động tác từ 10 – 15 lần. Bài tập này rất hiệu quả trong việc tăng cường sức mạnh của ngón tay bị bệnh. 
  • Bài tập kéo và đẩy: Dùng dụng cụ tập hoặc dây thun có tính đàn hồi tốt để thực hiện. Để ngón tay vào một đầu dây thun và thực hiện động tác kéo ngón tay, đến khi cảm thấy quá sức thì thả lỏng, lặp lại động tác từ 10 – 15 lần. Bài tập kéo và đẩy ngón tay giúp cải thiện khả năng uốn cong và lực kéo của ngón tay. 

Các bài tập vận động trị liệu tương đối đơn giản và hoàn toàn có thể tự thực hiện tại nhà. Tuy nhiên đối với các giai đoạn nặng hơn, người bệnh nên đến các trung tâm vật lý trị liệu uy tín như MYREHAB MATSUOKA để được các bác sĩ hỗ trợ tập luyện đúng cách, gia tăng hiệu quả điều trị và hạn chế tối đa sự đau khi cử động ngón tay.

Bài tập bóp bong bóng cải thiện chuyển động, tăng sự linh hoạt và phục hồi chức năng của ngón tay
Bài tập bóp bóng căng thường được bác sĩ chỉ định để giúp người bệnh ngón tay lò xo cải thiện lực nắm bàn tay

7.4. Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị hội chứng ngón tay lò xo hiệu quả. Phẫu thuật có thể can thiệp sâu vào cấu trúc của ngón tay, giúp giải phóng màng gân bị co cứng, khai thông bao gân, giảm áp lực lên dây gân, từ đó giúp ngón tay cử động dễ dàng và linh hoạt hơn.       

Có 6 phương pháp phẫu thuật điều trị phổ biến cho người mắc hội chứng ngón tay lò xo, bao gồm: 

  • Phẫu thuật mở rộng gân ngón tay (Trigger Finger Release): Bác sĩ thực hiện cắt một phần nhỏ phía dưới ngón tay để tiếp cận gân ngón tay và cắt đứt bỏ phần gân bị co lại. Điều này giúp giảm áp lực và cho phép ngón tay di chuyển tự do hơn, không còn bị cản trở bởi phần gân bị co quắp. 
  • Phẫu thuật nâng cao thăng bằng gân ngón tay (Tendon Balancing): Bác sĩ thực hiện điều chỉnh gân ngón tay, bao gân và cấu trúc xung quanh để cải tạo trạng thái cân bằng, phục hồi trạng thái tự nhiên của ngón tay bị bệnh. 
  • Phẫu thuật thay đổi cấu trúc góc của bao gân (Pulley Reconstruction): Bác sĩ tiến hành sửa chữa cấu trúc bao gân bị tổn thương, khôi phục lại trạng thái ban đầu. Biện pháp này giúp khơi thông bao gân, giúp dây gân có thể dễ dàng thông qua khi ngón tay co và duỗi, cải thiện tốt sự linh hoạt của ngón tay.  
  • Phẫu thuật điều chỉnh cấu trúc khớp (Joint Reconstruction): Bác sĩ can thiệp sâu vào cấu trúc khớp và các mô xung quanh, bao gồm cả gân và bao gân, điều chỉnh lại chúng để tạo ra sự ổn định. Cách làm này giúp điều chỉnh lại cấu trúc của khớp, gân, bao gân và các mô xung quanh, giúp khôi phục chức năng của các bộ phận này, từ đó cải thiện khả năng cử động của ngón tay. 
  • Phẫu thuật chỉnh sửa góc của ngón tay (Joint Capsulotomy): Bác sĩ can thiệp phẫu thuật để điều chỉnh góc của ngón tay bằng cách cắt và tạo ra sự giãn cách giữa các cấu trúc xung quanh khớp. Việc này giúp xoa dịu khớp, gân, bao gân và các mô liên quan, giảm chèn ép và tăng sự linh hoạt cho ngón tay. 
  • Phẫu thuật tạo mô phôi mềm (Soft Tissue Reconstruction): Bác sĩ sử dụng các kỹ thuật tái tạo, điều chỉnh hoặc thay thế các mô mềm như cơ bắp, gân, màng bao gân,… để loại bỏ các phần dư thừa, điều chỉnh kích thước hoặc thay đổi hình dạng các mô mềm xung quanh để giảm sự chèn ép, tạo sự thông thoáng cho gân và bao gân được hoạt động dễ hơn, cải thiện sự linh hoạt của ngón tay.
Phẩu thuật điều trị ngón tay lò xo không được khuyến khích sử dụng do tiềm ẩn nhiều rủi ro không mong muốn
Phẫu thuật điều trị ngón tay lò xo không được khuyến khích sử dụng do tiềm ẩn nhiều rủi ro không mong muốn

8. Cách chăm sóc và phục hồi sau điều trị

Chăm sóc và phục hồi sau điều trị ngón tay lò xo là một phần quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Việc chăm sóc tại nhà đúng cách sẽ giúp kiểm soát cơn đau hiệu quả, đẩy nhanh thời gian hồi phục, đồng thời ngăn ngừa các nguy cơ tái phát của bệnh. 

Người bệnh ngón tay lò xo khi chăm sóc tại nhà nên lưu ý một số điều sau:

  • Để ngón tay bị bệnh nghỉ ngơi nhiều nhất có thể nhằm giảm áp lực và tạo điều kiện tốt nhất cho sự hồi phục của ngón tay bị bệnh.
  • Có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn nhưng cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Chườm vết thương bằng đá lạnh để giảm sưng, giảm đau, tốt nhất là 15 phút/lần và lặp lại vài lần trong ngày.
  • Thực hiện vật lý trị liệu đơn giản tại nhà để giúp ngón tay lò xo được thư giãn, giảm đau và hỗ trợ điều trị. 
Sau điều trị, người bệnh ngón tay lò xo vẫn nên quan tâm chăm sóc tại nhà để đẩy nhanh quá trình hồi phục và ngăn ngừa tái phát
Người bệnh ngón tay lò sau điều trị vẫn nên quan tâm chăm sóc tại nhà để giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục và ngăn ngừa tái phát

Như vậy, bài viết trên đã cung cấp những thông tin chi tiết nhất về hội chứng ngón tay lò xo. Đối với các bệnh nhân mắc hội chứng ngón tay lò xo cấp độ 3, cấp độ 4, khó có thể tự tập bài tập vận động tại nhà thì có thể đến các trung tâm Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng để được chăm sóc điều trị một cách tốt nhất. 

Phòng khám trị liệu thần kinh cột sống Myrehab còn cung cấp đầy đủ các dịch vụ liên quan đến điều trị hội chứng ngón tay lò xo như: thăm khám và chẩn đoán bệnh lý, tiêm bao gân, các phương pháp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, chỉ định phẫu thuật khi cần thiết.

Quý bệnh nhân có nhu cầu thăm khám, điều trị và luyện tập phục hồi bệnh lý ngón tay lò xo xin vui lòng liên hệ về MYREHAB – MATSUOKA để được tư vấn đặt hẹn thăm khám.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Đặt lịch tư vấn ngay