Bệnh điều trị
PHCN Chấn Thương Chỉnh Hình

Bàn chân bẹt

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB – MATSUOKA. 

Bàn chân bẹt là một dị tật phổ biến ở trẻ em và người lớn, khi cấu trúc của bàn chân không duy trì được đúng độ lõm cần thiết. Điều này có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Myrehab Matsuoka tìm hiểu chi tiết về tình trạng bệnh lý này nhé!

1. Khái niệm về bàn chân bẹt

Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ (NCBI), đơn vị trực thuộc Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ, bàn chân bẹt (Pes planus/pes planovalgus/flatfoot) là tình trạng tương đối phổ biến khi một hoặc cả hai chân không có hoặc có rất ít vòm bàn chân. Điều này làm cho lòng bàn chân tiếp xúc hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn với mặt đất.

Đây là một hội chứng có thể gặp ở hầu hết các đối tượng, không có sự phân biệt về độ tuổi hay giới tính. Tuy nhiên, nếu xét về mức độ phổ biến thì bệnh lý này thường hay gặp nhiều hơn ở đối tượng là người cao tuổi và trẻ em.

Bệnh bàn chân bẹt mặc dù không phải là một tình trạng quá nguy hiểm, nhưng nó có thể gây ra một số vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe và tạo áp lực lên cơ bàn chân, gối và các khớp khác.

Tìm hiểu thêm thông tin: Dấu hiệu nhận biết bàn chân bẹt ở người lớn

Bàn chân bẹt gây khó khăn trong việc duy trì sự ổn định khi đứng và đi lại
Bàn chân bẹt có thể tác động đến cân bằng tự nhiên của cơ thể, gây khó khăn trong việc duy trì sự ổn định khi đứng và đi lại

2. Phân loại bàn chân bẹt

Theo Cleveland Clinic, bàn chân bẹt có thể được phân thành 4 loại chính như sau:

Phân loại Triệu chứng Đối tượng dễ mắc phải
Bàn chân bẹt linh hoạt (Flexible flatfoot)
  • Vòm nhỏ bất thường hoặc không có vòm ở bàn chân.
  • Đau ở gót chân, vòm, mắt cá chân hoặc dọc theo bên ngoài bàn chân.
  • Đau dọc xương ống chân (nẹp ống chân).
Hầu hết là bàn chân bẹt ở trẻ sơ sinh và ít nhất 20% người trưởng thành.
Bàn chân bẹt cứng (Rigid flatfoot)
  • Không có vòm bàn chân bất kể có áp lực đặt lên bàn chân hay không.
  • Đau ở bàn chân và mắt cá chân.
  • Có thể gây đau, co cứng gân gót achill và đi lại gặp khó khăn.
Chủ yếu ở trẻ em
Xương sên đứng dọc bẩm sinh (Congenital Vertical Talus)
  • Bàn chân có hình dáng như bập bênh.
  • Bàn chân giữa và bàn chân trước bị uốn cong lên trên. Bàn chân sau bị nâng cao do mắt cá chân bị uốn cong bất thường.
Trẻ sơ sinh
Bàn chân bẹt mắc phải ở người lớn/Rối loạn chức năng gân chày sau (Adult-acquired/fallen arch)
  • Đau hoặc sưng phía sau bên trong mắt cá chân hoặc dọc theo mu bàn chân.
  • Đau phía sau mắt cá chân trong, nơi gân chày sau hoạt động.
  • Đôi khi bỏng, rát, ngứa, đau do viêm dây thần kinh bên trong.
Người trưởng thành

2.1. Bàn chân bẹt linh hoạt (Flexible flat foot)

Bàn chân bẹt linh hoạt là dạng bàn chân thường gặp nhất, chiếm khoảng 2/3 tổng số trường hợp mắc hội chứng bàn chân bẹt. Tình trạng này thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh, xảy ra ở cả hai chân và tiến triển ở mức độ nghiêm trọng trong suốt những năm trưởng thành. Bàn chân bẹt linh hoạt thường phổ biến ở bé trai hơn bé gái.

Đặc điểm của loại bàn chân bẹt này là vòm bàn chân sẽ biến mất khi người bệnh đứng hoặc khi chân chạm đất hoàn toàn. Tuy nhiên, vòm sẽ lại xuất hiện khi chân được nhấc lên khỏi mặt đất.

Thông thường, bàn chân bẹt linh hoạt không gây cản trở khả năng chạy hay chơi thể thao của trẻ. Tuy nhiên, đối với một số ít thanh thiếu niên và người trưởng thành, bàn chân bẹt linh hoạt có thể gây đau đớn, đặc biệt khi đi bộ hoặc đứng trong thời gian dài.

Đặc điểm của bàn chân bẹt là vòm bàn chân sẽ biến mất khi người bệnh đứng hoặc khi chân chạm đất hoàn toàn
Bàn chân bẹt linh hoạt thường xảy ở cả hai bên và hiếm khi gây nên cảm giác đau đáng kể ở người bệnh

2.2. Bàn chân bẹt cứng (Rigid flat foot)

Bàn chân bẹt cứng ít phổ biến hơn và là một tình trạng nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế hơn so với bàn chân bẹt linh hoạt. Khác với bàn chân bẹt linh hoạt, bàn chân bẹt cứng lại được đặc trưng bởi một bàn chân cố định không có vòm có thể nhìn thấy được, ngay cả khi trẻ kiễng chân.

Bàn chân bẹt cứng ở trẻ em, thanh thiếu niên hoặc người lớn có thể là dấu hiệu của vấn đề về cấu trúc hoặc sai lệch do rối loạn hoặc chấn thương bẩm sinh. Tình trạng này có thể xảy ra do gân Achilles khiến gót chân kết nối với xương gót chân và cơ bắp chân bị căng.

Bàn chân bẹt cứng có thể xảy ra ở một chân hoặc cả hai chân. Bệnh nhân bị mắc loại bàn chân bẹt này sẽ có thể cảm thấy bị đau khi đi bộ hoặc chạy.

Bàn chân bẹt cứng là loại bàn chân không có vòm ngay cả khi đứng cố định hay nhón chân lên
Bàn chân bẹt cứng là loại bàn chân không có vòm ngay cả khi đứng cố định hay nhón chân lên

2.3. Xương sên đứng dọc bẩm sinh (Vertical Talus)

Xương sên dọc bẩm sinh (Vertical Talus) là một loại bàn chân bẹt được đặc trưng bởi sự trật khớp lưng của xương thuyền dẫn đến bàn chân nhón và bàn chân sau vẹo ra ngoài. Đây là một tình trạng tương đối hiếm gặp ở bàn chân và có thể liên quan đến một số dạng dị tật khác.

Trong các trường hợp mắc xương sên đứng dọc bẩm sinh, khoảng 50% là vô căn, số còn lại chủ yếu liên quan đến rối loạn di truyền hoặc thần kinh cơ. Xương sên đứng dọc bẩm sinh có thể dẫn đến một số tình trạng khuyết tật do nhiều biến dạng xương với hình dạng đáy cong bất thường. Xương có thể hình thành các vết chai, tạo ra các khe và lỗ trên bề mặt xương và rất khó để mang giày nếu không được điều trị đúng cách.

Xương sên đứng dọc bẩm sinh là một biến dạng hiếm gặp của bàn chân bẹt
Xương sên đứng dọc bẩm sinh là một biến dạng hiếm gặp của bàn chân bẹt xuất hiện và được chẩn đoán khi trẻ mới sinh

2.4. Bàn chân bẹt mắc phải ở người lớn (Adult-acquired flatfoot)

Bàn chân bẹt mắc phải ở người lớn (AAFD) còn được gọi là rối loạn chức năng gân chày sau (PTTD). Gân xương chày sau rất quan trọng trong việc duy trì dáng đi và điều khiển chức năng chính của bàn chân. Sự co lại của cơ chày sau gây ra sự đảo ngược của bàn chân và khóa các khớp ngang của xương gót mang lại sự ổn định khi đẩy ra.

Với bàn chân bẹt do mắc phải ở người lớn (vòng bàn chân bị thấp), vòm bàn chân bị tụt xuống hoặc xẹp xuống bất ngờ. Bàn chân bẹt mắc phải được đặc trưng bởi sự dẹt một phần hoặc hoàn toàn của vòm trong phát triển sau khi xương trưởng thành. Tình trạng này thường chỉ xảy ra ở một chân. Nguyên nhân phổ biến nhất của bàn chân bẹt mắc phải là viêm hoặc rách gân chân (gân chày sau) hỗ trợ vòm.

Bàn chân bẹt mắc phải ở người lớn thường chỉ xảy ra ở một chân
Bàn chân bẹt mắc phải ở người lớn (AAFD) thường chỉ xảy ra ở một chân

3. Dấu hiệu & triệu chứng của bàn chân bẹt

Hầu hết những người bị bàn chân bẹt thường không bị đau hoặc rất ít gặp các triệu chứng cụ thể. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và các yếu tố cá nhân, bạn vẫn có thể phát hiện những dấu hiệu nhận biết bàn chân bẹt bao gồm:

  • Đau nhức ở khu vực vòm và gót chân. Cơn đau có xu hướng tăng lên khi hoạt động và có thể kèm theo sưng tấy dọc mắt cá chân và vòm trong.
  • Chân bước đi thành hình chữ V, không thể đi thẳng như người bình thường được.
  • Khớp gối bị lệch theo hướng xoay chụm vào nhau (dáng chữ X).
  • Đau hông, đầu gối và lưng dưới cũng khá phổ biến vì dáng đi và tư thế không ổn định.
  • Cổ chân có xu hướng xoay ra ngoài hoặc xoay vào trong.
bạn vẫn có thể nhận biết được những dấu hiệu bàn chân bẹt tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và các yếu tố cá nhân
Dấu hiệu bàn chân bẹt dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý ở chân thông thường

4. Nguyên nhân gây ra bàn chân bẹt

Cũng theo NCBI, bàn chân bẹt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và chúng có thể được phân loại thành hai nhóm chính, bao gồm:

4.1. Nguyên nhân bẩm sinh

Bàn chân bẹt là một tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh, thường xuất phát từ sự lỏng lẻo của dây chằng và khả năng kiểm soát thần kinh cơ. Trẻ sơ sinh thường có một lớp mỡ dưới vòm dọc trong chân, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và hỗ trợ vòm chân trong giai đoạn thời thơ ấu. Đa số tình trạng bàn chân bẹt ở trẻ em có tính linh hoạt, nghĩa là vòm có thể biến mất khi chịu sức nặng và xuất hiện khi không có sức nặng.

Hầu hết trẻ phát triển vòm bàn chân hoàn chỉnh từ sau 2 – 3 tuổi. Tuy nhiên, khoảng 3% trường hợp bàn chân bẹt của trẻ có thể không phát triển được vòm hàm bình thường khi trưởng thành.

4.2. Nguyên nhân mắc phải

Một số nguyên nhân mắc phải có thể dẫn đến tình trạng bàn chân bẹt bao gồm:

1 – Rối loạn chức năng gân chày sau

Theo một nghiên cứu được đăng trên Thư Viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ của các bác sĩ bệnh viện Mona Vale, Úc thì rối loạn chức năng gân chày sau là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh bàn chân bẹt ở người trưởng thành.

Gân chày sau là bộ phận có vai trò hỗ trợ vòm bàn chân và kiểm soát động tác đảo ngược và gập lòng bàn chân. Bàn chân bẹt thường xảy ra do rối loạn chức năng của gân chày sau, nhất là ở phụ nữ trên 40 tuổi khi họ mắc các bệnh đi kèm như tiểu đường và béo phì với tỷ lệ mắc lên tới 10%.

Tình trạng rối loạn chức năng của gân chày sau có thể dẫn đến sự thay đổi về cấu trúc của bàn chân, làm suy giảm khả năng hỗ trợ và định hình vòm chân. Ngoài ra, bàn chân bẹt cũng có thể xảy ra ở những người lớn thường xuyên tham gia các hoạt động vận động mạnh như bóng rổ, chạy hoặc bóng đá.

Rối loạn chức năng gân chày sau gây mất định hình vòm chân
Rối loạn chức năng gân chày sau dẫn đến sự thay đổi về cấu trúc của bàn chân, gây mất định hình vòm chân

2 – Chấn thương và bệnh lý

Một số tình trạng chấn thương bệnh lý cũng có thể là nguy cơ dẫn đến bàn chân bẹt bao gồm:

  • Chấn thương ở bàn chân giữa hoặc bàn chân sau: Chấn thương tại các vùng này có thể dẫn đến các vấn đề phức tạp, bao gồm: Chấn thương dây chằng thuyền, xương bàn chân thứ nhất, xương gót, hoặc dây chằng Lis-Franc, tăng nguy cơ phát triển bàn chân bẹt.
  • Bệnh nhân mắc bệnh khớp: Bệnh nhân mắc các bệnh khớp, đặc biệt là thoái hóa hoặc viêm, có nguy cơ cao hơn về bàn chân bẹt.
  • Lỏng dây chằng bẩm sinh thứ phát: Hội chứng Down (2 – 6%), Marfan hoặc Ehlers-Danlos đều là các tình trạng ảnh hưởng đến cấu trúc và độ đàn hồi của dây chằng, làm tăng khả năng lỏng lẻo và không ổn định của chúng. Ngoài ra, sau thai kỳ, dây chằng lỏng lẻo thứ phát cũng có thể gây nên bàn chân bẹt nhưng tình trạng này thường tự khỏi sau khi sinh.
  • Một số chấn thương và bệnh lý khác: Bao gồm chấn thương các mô mềm như cân gan chân hoặc dây chằng lò xo. Ngoài ra, bệnh nhân mắc bệnh thần kinh cảm giác cũng có thể phát triển bệnh khớp Charcot, là một tình trạng khi các khớp chân trở nên không ổn định và suy giảm, dẫn đến xẹp phần giữa bàn chân theo thời gian. Các bệnh lý liên quan đến thần kinh, béo phì, đái tháo đường cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ bàn chân bẹt.
  • Thói quen đi lại, lựa chọn giày dép từ bé: Hội chứng bàn chân bẹt cũng có thể xuất hiện do thói quen đi chân đất, đi dép hoặc xăng-đan đế lót bằng phẳng từ nhỏ, gây khó khăn trong định hình bàn chân.
Bệnh nhân mắc béo phì, đái tháo đường cũng có nguy cơ mắc bàn chân bẹt
Bệnh nhân mắc béo phì, đái tháo đường cũng có nguy cơ mắc bàn chân bẹt

5. 4 biến chứng nguy hiểm của bàn chân bẹt

Tuy không là một dị tật quá nguy hiểm nhưng nếu không có biện pháp can thiệp và điều trị sớm, tình trạng bàn chân bẹt có thể gây biến dạng cấu trúc của xương khớp và dễ dẫn đến một số vấn đề sức khỏe như:

5.1. Biến dạng bàn chân

Vòm của bàn chân đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ma sát và lực của cơ thể khi tiếp xúc với mặt đất khi đi lại. Vòm chân giúp phân phối trọng lượng cơ thể một cách đều đặn, giảm áp lực lên các xương, cơ bắp và các khớp trong chân. 

Tuy nhiên, đối với bàn chân bẹt, cả bàn chân của người bệnh đều phải tiếp xúc trực tiếp với bề mặt. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến bàn chân bị mất đi sự đàn hồi, linh động, gót chân bị vẹo và cổ chân cũng bị ảnh hưởng, từ đó, khiến người bị bàn chân bẹt dễ bị ngã hơn.

5.2. Viêm hoặc thoái hóa khớp gối

Xương cổ chân ở người bàn chân bẹt thường có xu hướng xoay đổ ra ngoài hoặc vào trong. Khi bàn chân không đạt được sự ổn định cần thiết, áp lực lớn hơn có thể đè lên khớp gối và các cấu trúc xung quanh. Nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề khớp, bao gồm viêm nhiễm và thoái hóa khớp gối ở cả những người trẻ tuổi.

Thoái hóa khớp gối là một trong những biến chứng của dị tật bàn chân bẹt
Một trong những biến chứng của dị tật bàn chân bẹt đó là thoái hóa khớp gối và gây nên một số tổn thương ở các cấu trúc khác bên trong khớp

5.3. Gây các vấn đề về lưng và cổ

Sự mất cân bằng do bàn chân bẹt gây ra còn có thể làm ảnh hưởng đến lưng và cổ của người bệnh, từ đó, gây ra các cơn đau nhức và khó chịu tại khu vực này.

5.4. Nguy cơ mắc một số bệnh lý khác

Bên cạnh một số biến chứng trên, bàn chân bẹt còn có thể khiến người bệnh tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như: Cong vẹo cột sống, viêm bao hoạt dịch ngón cái, ngón chân cái có cấu trúc bất thường, gãy xương, đau xương cẳng chân, viêm khớp bàn chân, gai gót chân, viêm cân gan chân…

Bàn chân bẹt còn có thể khiến người bệnh tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như cong vẹo cột sống
Bàn chân bẹt có thể gây ra hiện tượng mất cân bằng hông, gây áp lực và lực tác động lên cả cột sống

6. Phương pháp chẩn đoán dị tật bàn chân bẹt

Nhận biết, phát hiện sớm bàn chân bẹt là điều vô cùng cần thiết để có phương án điều trị phù hợp, tránh những biến chứng sau này, đặc biệt ở đối tượng trẻ em. Một số cách chẩn đoán các phụ huynh hoặc bản thân người mắc bàn chân bẹt có thể tham khảo bao gồm:

6.1. Quan sát bằng mắt thường

Với phương pháp này, bạn cần đứng trên một mặt phẳng, sau đó, dùng ngón tay cái đặt xuống dưới gan bàn chân. Nếu ngón tay không thể luồn được vào bàn chân thì lúc này có thể bạn đã bị bàn chân bẹt.

Một dấu hiệu nhận biết bàn chân bẹt đó là ngón tay không dễ dàng luồn vào phía dưới bàn chân
Nếu ngón tay không thể dễ dàng luồn vào phía dưới bàn chân, điều này có thể là dấu hiệu nhận biết bàn chân bẹt

6.2. Quan sát dấu in trên cát

Khi bạn dẫm chân lên cát, nếu cát lún và in hình bàn chân có đường cong thì chân của bạn bình thường. Trường hợp ngược lại, nếu cả bàn chân đều in xuống cát, rất có thể bạn đã mắc chứng bàn chân bẹt.

Nếu cả bàn chân đều in sâu xuống cát mà không tạo ra đường cong thì đây có thể là dấu hiệu của chứng bàn chân bẹt
Nếu cả bàn chân đều in sâu xuống cát mà không tạo ra đường cong, có thể đây là dấu hiệu của chứng bàn chân bẹt

6.3. Quan sát dấu in trên mặt phẳng

Để quan sát xem mình có bị bàn chân bẹt hay không, bố mẹ có thể cho trẻ thực hiện theo các bước sau:

  • Làm ướt phần bàn chân của mình.
  • Đứng trên bề mặt đủ phẳng nơi dấu chân có thể được lộ rõ.
  • Thử bước đi và nhìn vào các dấu chân trên bề mặt. Nếu nhìn thấy toàn bộ dấu vết của lòng bàn chân thì có thể bạn đang bị bàn chân bẹt.
Bạn có thể thực hiện tự kiểm tra tình trạng bàn chân bẹt tại nhà
Bạn có thể thực hiện tự kiểm tra tình trạng bàn chân bẹt tại nhà trước khi đưa đến kiểm tra chuyên sâu tại các trung tâm và cơ sở y tế

6.4. Sử dụng thiết bị DIERS – Pedoscan

Bên cạnh các phương pháp phát hiện trên, để giúp quá trình xác định có độ tin cậy cao hơn, bạn có thể tham khảo việc thăm khám và kiểm tra bằng thiết bị DIERS Pedoscan.

Với công nghệ hiện đại cho phép ghi chép và hiển thị sự phân bố lực của bàn chân, thiết bị là sự lựa chọn tốt trong hỗ trợ việc chẩn đoán dị tật bàn chân như bàn chân bẹt và các giới hạn chức năng chi dưới. Một số ưu điểm vượt trội của hệ thống thiết bị DIERS Pedoscan gồm:

  • Là thiết bị sử dụng ánh sáng quang phổ nên an toàn, thân thiện với mọi đối tượng kể cả trẻ em và phụ nữ có thai.
  • Sử dụng công nghệ đo cao tần, giúp đưa ra kết quả chính xác nhất với các bài tập hiệu quả hơn so với đánh giá bằng tay.
  • Giúp tiết kiệm thời gian với khả năng cho ra kết quả nhanh hơn các phương pháp truyền thống.
Hệ thống máy DIERS - Công cụ hỗ trợ hiệu quả cho quá trình điều trị bàn chân bẹt tại Myrehab Matsuoka
Hệ thống máy DIERS được chuyển giao công nghệ từ Đức là một công cụ hỗ trợ hiệu quả cho quá trình điều trị bàn chân bẹt tại Myrehab Matsuoka

7. 3 phương pháp điều trị bàn chân bẹt

Việc lựa chọn phương pháp điều trị bàn chân bẹt phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân của vấn đề. Nếu bàn chân bẹt không gây đau nhức hoặc các khó khăn khác thì có thể không cần điều trị. Trong các trường hợp khác, bác sĩ có thể đề nghị một hoặc nhiều phương pháp điều trị sau:

7.1. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu bàn chân bẹt là phương pháp quan trọng nhằm tối ưu hóa sức khỏe và chức năng của bàn chân, cải thiện sức mạnh cơ bắp, linh hoạt và cân bằng. Một số kỹ thuật phổ biến được sử dụng trong vật lý trị liệu cho người bị bàn chân bẹt bao gồm:

  • Điện xung kích thích cơ bụng chân, cơ chày sau: Kích thích điện xung sẽ giúp cải thiện lưu thông máu, do đó tăng cường quá trình chữa lành và giảm sưng tấy hoặc khó chịu nhằm tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt, giúp chân khỏe khoắn hơn.
  • Siêu âm trị liệu: Liệu pháp siêu âm được sử dụng để giúp chữa lành các mô mềm như cơ, dây chằng và góp phần làm giảm sự co cứng tại gân gót Achilles.
  • Hồng ngoại: Đây là liệu pháp được áp dụng để tăng sự thư giãn, giảm đau, tăng cường lưu thông máu và cung cấp dinh dưỡng ở vùng bàn chân. Vì nếu sự lưu thông máu giảm có thể dẫn đến hàm lượng oxy thấp hơn, điều này càng gây tổn thương mô gân và làm chậm quá trình lành vết thương. 
  • Di động mô mềm: Đây là một là một phương pháp hữu ích trong quá trình điều trị bàn chân bẹt. Bằng cách kích thích các điểm chính trên cơ và mô, các kỹ thuật di động có thể giúp tăng cường tuần hoàn máu, cung cấp dưỡng chất và oxy cho các vùng bị ảnh hưởng và làm thư giãn nhóm cơ chi dưới.
  • Kéo giãn: Là dạng bài tập sẽ giúp kéo căng được cơ bắp ở chân và gân gót chân nhằm giảm nguy cơ căng cứng gân khi bệnh nhân đi lại.
  • Các bài tập cho bàn chân bẹt với kỹ thuật viên (KTV): Nhằm giúp tăng tính linh hoạt và sức mạnh của vòm bàn chân, người bệnh có thể thực hiện các bài tập với KTV như nhặt bi, kiễng gót chân, tập với dây band…
Người bệnh thực hiện các bài tập với kỹ thuật viên
Người bệnh thực hiện các bài tập với kỹ thuật viên nhằm tăng tính linh hoạt và sức mạnh của vòm bàn chân

7.2. Sử dụng băng dán Kinesio

Một trong những phương pháp điều rị bàn chân bẹt hiệu quả không cần can thiệp phẫu thuật được các chuyên gia khuyến nghị đó là sử dụng đế lót chỉnh hình. Tuy nhiên, không phải tất cả các miếng lót giày đều có hiệu quả trong việc điều trị bàn chân bẹt. Để đạt được kết quả tốt nhất, người bệnh cần sử dụng đúng loại lót giày chỉnh hình y tế phù hợp với kích thước chân và độ bẹt từng bàn chân.

Để duy trì vị trí đúng cho bàn chân, tăng sự ổn định và giảm hao mòn khớp gối, bệnh nhân có thể xem xét việc sử dụng băng dán Kinesio. Một số ưu điểm của băng dán Kinesio bao gồm:

  • Băng dán Kinesio tại Myrehab Matsuoka là sản phẩm được đào tạo bài bản bởi các chuyên gia Kinesio có chứng chỉ quốc tế được ứng dụng trong điều trị bàn chân bẹt.
  • Giúp hỗ trợ tạo vòm bàn chân, làm khỏe các nhóm cân gan bàn chân, nhóm cơ chày, bụng chân,….

Mỗi bệnh nhân khi điều trị tại Myrehab Matsuoka sẽ được tạo đế lót in trên khuôn, sau đó, đế sẽ được chuyển sang Nhật Bản để vẽ dáng bàn chân và tạo ra khuôn đế bàn chân phù hợp. Tùy vào mục đích sử dụng đế lót cho việc đi bộ, chạy nhảy hay thể thao, hoặc để đế lót phù hợp với đôi giày mà bạn nhỏ yêu thích, chúng tôi sẽ chỉnh sửa cho phù hợp.

7.3. Phẫu thuật

Các bệnh nhân kém đáp ứng với phương pháp không can thiệp trên hay biểu hiện nghiêm trọng hơn có thể cân nhắc phương pháp phẫu thuật.

Phẫu thuật được áp dụng trong việc điều trị bàn chân bẹt thường bao gồm một số phương pháp như sau:

  • Phẫu thuật tái tạo bàn chân: Đây là một phương pháp có thể tái tạo hoặc đặt lại gân, cơ, xương và hợp nhất các khớp để hỗ trợ cho cấu trúc bàn chân, giúp nó có hình dạng và chức năng giống nhất có thể so với bàn chân của người bình thường.
  • Phẫu thuật chỉnh, kéo dài và ghép xương: Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ được tiến hành bắt vít hãm xương sên, ghép xương để kéo dài xương gót hoặc cắt xương và kết hợp với xương vùng bàn chân. Điều này sẽ hỗ trợ hình thành vòm bàn chân và điều chỉnh tình trạng bàn chân bẹt ở người bệnh.
Phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị bàn chân bẹt
Phẫu thuật là phương pháp điều chỉnh cấu trúc và chức năng của bàn chân nhanh chóng cho các đối tượng kém đáp ứng các phương pháp nội khoa

Như vậy, Myrehab Matsuoka đã giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và các phương pháp điều trị bàn chân bẹt. Hội chứng bàn chân bẹt không phải là bệnh lý hiếm gặp ở trẻ nhỏ và người lớn. Để việc điều trị bàn chân bẹt hiệu quả và an toàn, giảm nguy cơ phát sinh biến chứng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bạn cần  theo dõi, chẩn đoán và điều trị kịp thời tại các bệnh viện và trung tâm điều trị uy tín.

Để đặt lịch thăm khám và điều trị sớm nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ thông qua:

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Đặt lịch tư vấn ngay