Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi ThS. BS CKII. Đặng Thị Kim Hương – Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.
Hội chứng bàn chân bẹt không phải là bệnh lý hiếm gặp ở trẻ nhỏ nhưng ảnh hưởng tới khả năng vận động và sự tự tin của trẻ. Với mục đích phòng ngừa và điều trị sớm, các bậc phụ huynh nên đưa con đi tầm soát để phát hiện và tiếp cận phương pháp điều trị kịp thời ngay khi trẻ từ 3 tuổi trở đi, nếu xuất hiện tình trạng đau, gây cản trở trong sinh hoạt hàng ngày.
1. Bàn chân bẹt không phải là bệnh lý nguy hiểm
Giải đáp cho thắc mắc bàn chân bẹt có nguy hiểm không, ở giai đoạn từ 0-3 tuổi, hầu hết trẻ nhỏ đều có bàn chân bẹt nhưng đa phần vòm chân sẽ tự điều chỉnh khi trẻ lớn lên. Nếu sau 3 tuổi mà bàn chân của trẻ vẫn chưa phát triển và hình thành vòm chân, phụ huynh nên có biện pháp can thiệp để phục hồi vòm gan chân cho con.
Các bậc phụ huynh nên chú ý đến quá trình phát triển của con để có biện pháp điều trị kịp thời. Việc tận dụng giai đoạn vàng điều trị sẽ giúp khung xương bàn chân nhanh chóng phục hồi, hỗ trợ trẻ phát triển toàn diện và khỏe mạnh.
2. 5 biến chứng có thể gặp phải ở người bệnh bàn chân bẹt
Tình trạng bàn chân bẹt sẽ không đem lại nguy hiểm tức thời cho người bệnh nhưng khi không điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng và tầm vận động của cơ thể. Dưới đây là 5 biến chứng thường gặp ở người bệnh:
2.1 Viêm gân Achilles
Người mắc bàn chân bẹt sẽ cảm thấy căng thẳng ở gót chân khi di chuyển vì đây là nơi kết nối với bắp chân. Lực tác động khi di chuyển sẽ tạo áp lực lên gân và dẫn đến các vết rách nhỏ, gây viêm gân. Trường hợp nặng, viêm gân Achilles sẽ hạn chế các hoạt động di chuyển của người bệnh do các cơn đau nhói khó chịu.
2.2 Đau xương khớp
Khi vòm bàn chân bằng phẳng, sự phân bổ lực của cơ thể không còn cân bằng dẫn đến các khớp phải chịu áp lực lớn hơn và lớp sụn dễ bị mài mòn, xương cọ xát vào nhau gây đau và viêm.
Ngoài ra, sự mất cân bằng do bàn chân bẹt gây ra còn ảnh hưởng đến dây chằng ở đầu gối và lưng dưới, gây ra các cơn đau co thắt kéo dài và giảm tầm vận động của người bệnh.
2.3 Gai gót chân
Khi tình trạng bẹt kéo dài sẽ khiến bàn chân quay sấp vào trong gây hiện tượng căng cơ và dây chằng lúc đi lại hoặc đứt gân cơ vùng gan bàn chân. Áp lực này dẫn đến tích tụ canxi và hình thành gai xương gây ra các vấn đề đau nhức ở vùng gót chân và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2.4 Cong vẹo cột sống
Khi cơ thể cố gắng tự điều chỉnh tư thế để tạo sự cân bằng sẽ dễ khiến cột sống bị cong vẹo. Áp lực lên cột sống kéo dài sẽ làm các đốt sống bị lệch, gây ra các vấn đề về cột sống như cong vẹo, đau lưng, thoát vị đĩa đệm.
Ngoài ra, bàn chân bẹt cũng có thể gây căng thẳng cho lưng, cổ và các vùng khác trên cơ thể, khiến bệnh nhân khó giữ thăng bằng và dễ té ngã.
2.5 Biến dạng khớp ngón bàn chân
Tình trạng bàn chân bẹt khiến các ngón chân phải chịu áp lực không đều và gây ma sát quá mức với giày, dép hoặc nền sàn tạo thành các vết chai. Theo thời gian các khớp xương ở ngón chân có thể gây phát triển các biến chứng như:
- Hội chứng Bunion (ngón chân cái bị lệch): Bàn chân sẽ hình thành một u xương ở dưới ngón chân cái và gây ra các cơn đau khi di chuyển, đặc biệt là khi mang giày/dép.
- Ngón chân hình búa: Đây là tình trạng các cơ và gân ở chân bị căng tức gây sưng xương khớp ngón chân, khiến các ngón chân dễ bị đông cứng theo hình dạng cong.
3. Giải pháp phục hồi chức năng bàn chân bẹt
1- Điều trị không phẫu thuật
Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Các loại thuốc như Ibuprofen hoặc Naproxen có tác dụng giảm viêm và giúp người bệnh hạn chế các cơn đau nhói khó chịu.
Ngâm chân trong nước ấm với muối Epsom để giúp thư giãn bàn chân, hỗ trợ quá trình tuần hoàn máu tốt.
Vật lý trị liệu:
- Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu điều trị bàn chân bẹt để kéo giãn gân và tăng sức mạnh cho cơ chày sau, cải thiện tính linh hoạt cho bàn chân.
- Sử dụng giày hoặc miếng lót chỉnh hình để hỗ trợ điều chỉnh vòm chân, hạn chế các ma sát và áp lực đến vòm gan chân.
- Dùng băng dán Kinesio để hỗ trợ nâng đỡ và cố định vòng khớp chân, giảm các cơn đau.
- Massage trị liệu: Các hoạt động massage giúp tăng cường lưu thông máu, giảm căng thẳng và đau nhức cho vùng chân.
2 – Điều trị phẫu thuật
Đối với các trường hợp phương pháp điều trị bảo tồn không đem lại hiệu quả phục hồi hoặc bàn chân có các biến dạng từ các chấn thương cấp tính như gãy xương, đứt gân, bệnh nhân sẽ được cân nhắc hai hình thức phẫu thuật bao gồm:
- Phẫu thuật tái tạo bàn chân: Phẫu thuật này bao gồm các kỹ thuật cắt xương, loại bỏ phần gân tổn thương ở gân chày sau, hợp nhất các khớp và tạo sự liên kết của bàn chân và cẳng chân.
- Phẫu thuật cấy ghép xương: Trường hợp này các bác sĩ sẽ thực hiện điều chỉnh cấu trúc xương để tạo vòm chân cho bệnh nhân bằng những bộ phận bằng kim loại.
4. Lưu ý giúp tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân bàn chân bẹt
Chế độ vận động:
- Thực hiện các bài tập kéo giãn, tăng cường gân và cơ bắp theo hướng dẫn của bác sĩ/chuyên gia.
- Tập đúng bài tập và đúng cử động theo sự hướng dẫn của bác sĩ/chuyên gia điều trị, không tự ý tập luyện tại nhà nhằm làm tình trạng bệnh nặng hơn.
- Sử dụng dụng cụ hỗ trợ: Sử dụng giày hoặc miếng lót chỉnh hình có kích cỡ phù hợp để hỗ trợ nâng đỡ lòng bàn chân, định hình cấu trúc vòm chân.
- Tránh các hoạt động mạnh: Các vận động mạnh như chạy, nhảy có thể gây áp lực lớn đến lòng bàn chân, do đó ưu tiên các hoạt động nhẹ như bơi lội, đi bộ hoặc đạp xe giúp duy trì khả năng vận động và giảm lực tác động xuống vùng tổn thương.
Chế độ sinh hoạt:
- Giữ cân nặng ổn định, tránh tăng cân quá mức để giảm áp lực lên bàn chân và các khớp.
- Không lạm dụng thuốc giảm đau, sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ nhằm tránh bị ảnh hưởng bởi các tác dụng phụ.
- Trong trường hợp phẫu thuật, bệnh nhân cần thường xuyên theo dõi tình trạng vết thương để tránh các trường hợp nhiễm trùng ổ khớp, nhiễm trùng vết mổ.
Chế độ dinh dưỡng:
- Bổ sung nguồn thực phẩm giàu canxi giúp xương chắc khỏe.
- Cung cấp nguồn Omega-3 từ các loại cá như cá hồi và các loại cá béo khác để tăng khả năng hấp thụ canxi của cơ thể, bảo vệ xương.
- Tăng cường nguồn thực phẩm từ rau xanh trong bữa ăn hàng ngày để cung cấp nguồn Vitamin K ổn định, ngăn ngừa loãng xương.
- Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn có nhiều chất béo chuyển hóa và lượng đường cao.
- Không sử dụng nước ngọt có gas, rượu bia hoặc uống nước trà quá nhiều để tránh ảnh hưởng khả năng hấp thụ canxi của cơ thể, ngăn cản quá trình tái tạo xương.
5. Giải đáp một số câu hỏi về hội chứng bàn chân bẹt
5.1 Bàn chân bẹt có chữa được không?
Tình trạng bàn chân bẹt có thể chữa được. Đặc biệt, trẻ từ 3-7 tuổi (còn được gọi là “giai đoạn vàng“) có tỷ lệ cao phục hồi bàn chân bẹt. Vì vậy, bố mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu đau nhức, chạy nhảy hay vấp ngã, cản trở đến chức năng sinh hoạt hàng ngày. Điều này sẽ giúp trẻ phục hồi nhanh và đạt hiệu quả điều trị cao hơn.
Tuy nhiên, khi bệnh nhân trì hoãn thời gian điều trị sẽ làm hiệu quả phục hồi giảm và đối với những người trưởng thành chỉ có thể chữa bàn chân bẹt bằng phương pháp phẫu thuật để ngăn ngừa các biến chứng xấu ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm các cơn đau nhức.
5.2 Trẻ em bị bàn chân bẹt có sao không?
Giai đoạn từ 0-3 tuổi, tình trạng bàn chân bẹt là một phần trong giai đoạn phát triển của trẻ, không phải là bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên, khi trẻ hơn 3 tuổi, nếu vòm chân vẫn chưa hình thành độ lõm cần thiết, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám sớm để tránh gây căng thẳng ở mắt cá chân, đầu gối và lưng trong tương lai.
Tìm hiểu thêm về bàn chân bẹt ở trẻ để nhận biết, can thiệp sớm và đảm bảo sự phát triển lành mạnh của bàn chân trẻ sau này.
5.3 Cách chữa bàn chân bẹt ở người lớn?
Người trưởng thành có thể lựa chọn nhiều cách điều trị bao gồm các phương pháp không phẫu thuật để hỗ trợ giảm các cơn đau kéo dài, ngăn ngừa biến chứng hoặc phẫu thuật điều chỉnh vòm chân.
Có thể bạn quan tâm: Bàn chân bẹt ở người lớn có thể chữa khỏi hoàn toàn không?
5.4 Khi nào phát hiện trẻ bị bàn chân bẹt?
Giai đoạn từ 2-3 tuổi vòm chân ở trẻ đã dần phát triển hoàn thiện, phụ huynh sẽ dễ dàng nhận biết tình trạng lõm ở vòm bàn chân của con. Nếu sau giai đoạn này vẫn xuất hiện tình trạng bàn chân bẹt, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được các bác sĩ hoặc chuyên gia chẩn đoán và thiết kế lộ trình điều trị phù hợp.
Mặc dù bàn chân bẹt không mang đến nguy hiểm tức thời cho người bệnh nhưng gây ra nhiều tác động ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp. Vì thế, bệnh nhân cần được phát hiện và điều trị kịp thời để nhanh chóng phục hồi khả năng vận động, hạn chế các tác động ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất.
Liên hệ ngay với Myrehab Matsuoka nếu bạn cần tư vấn chi tiết miễn phí và trải nghiệm thử liệu trình phục hồi nhé. Tại đây, chúng tôi có đội ngũ bác sĩ/kỹ thuật viên dày dặn kinh nghiệm cùng các trang thiết bị tiên tiến nhất theo tiêu chuẩn Nhật Bản, đáp ứng đủ các nhu cầu cho quá trình điều trị của bạn.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội