Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi ThS. BS CKII. Đặng Thị Kim Hương – Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.
Phục hồi chức năng sau phẫu thuật giúp bệnh nhân tái tạo khả năng vận động và cải thiện chất lượng cuộc sống. Việc hiểu rõ tầm quan trọng của quá trình này sẽ giúp người bệnh tối ưu hóa hiệu quả điều trị và rút ngắn thời gian hồi phục.
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về phục hồi chức năng sau phẫu thuật, nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc bệnh nhân trong quá trình hồi phục.
1. Phục hồi chức năng sau phẫu thuật là gì?
Phục hồi chức năng sau phẫu thuật là một quá trình điều trị bao gồm nhiều hoạt động tập luyện kết hợp với các thiết bị hỗ trợ để phục hồi sức khỏe, giảm đau và chống viêm hiệu quả.
Mục tiêu chính của phục hồi chức năng là khôi phục lại các chức năng bình thường của cơ thể, tăng cường sức mạnh cơ và chức năng khớp; ngăn ngừa các biến chứng không mong muốn có thể xảy ra sau phẫu thuật như teo cơ, cứng khớp,…
Bên cạnh việc cải thiện tình trạng thể chất, phục hồi chức năng còn có tác động tích cực đến tâm lý của bệnh nhân. Khi bệnh nhân có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách độc lập, họ sẽ cảm thấy tự tin hơn, nhanh chóng hòa nhập trở lại với các hoạt động xã hội.
2. Ý nghĩa quan trọng của việc phục hồi chức năng sau phẫu thuật
Phục hồi chức năng sau phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị toàn diện, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục và đạt được các mục tiêu sức khỏe mong muốn. Một số ý nghĩa quan trọng của việc phục hồi chức năng sau phẫu thuật bao gồm:
- Thực hiện phục hồi chức năng kịp thời và hiệu quả có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi của người bệnh, đảm bảo quá trình điều trị và phẫu thuật đạt hiệu quả cao nhất.
- Khôi phục khả năng và phạm vi chuyển động của vùng cơ thể đã phẫu thuật, làm tăng tính linh hoạt cho bệnh nhân.
- Giúp kiểm soát cơn đau và sự khó chịu sau phẫu thuật, từ đó giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn trong quá trình hồi phục.
- Các bài tập phục hồi chức năng giúp tăng cường sức mạnh và hỗ trợ việc kéo giãn cơ bắp, giảm nguy cơ chấn thương trong tương lai.
- Cải thiện tuần hoàn máu và phạm vi chuyển động của các khớp, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc phải các vấn đề như huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc cứng khớp.
- Cải thiện thể tích phổi, giúp ngăn ngừa các vấn đề về hô hấp và nhiễm trùng sau phẫu thuật.
- Thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng giúp giảm áp lực lên các khu vực dễ bị tổn thương, giảm nguy cơ loét do tì đè.
- Phục hồi chức năng giúp bệnh nhân lấy lại sự độc lập và tự tin trong các hoạt động hàng ngày.
3. Đối tượng nên thực hiện phục hồi chức năng sau phẫu thuật
Phục hồi chức năng sau khi phẫu thuật thường được chỉ định cho bệnh nhân trải qua các phẫu thuật sau:
- Phẫu thuật thay khớp: Khớp đầu gối, khớp háng, khớp vai do các nguyên nhân như thoái hóa, viêm khớp, chấn thương hay biến dạng…
- Phẫu thuật nối hay tái tạo dây chằng và sụn chêm đầu gối.
- Phẫu thuật cột sống: Thoát vị đĩa đệm nặng, trượt đốt sống, hẹp ống sống, nứt gãy cột sống…
- Phẫu thuật tim: Bắc cầu động mạch vành, thay van tim…
- Phẫu thuật chỉnh hình: Sửa chữa các biến dạng xương hoặc khớp…
- Phẫu thuật lồng ngực, thần kinh và bụng… có thể ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, tiêu hóa và vận động.
- Phẫu thuật thẩm mỹ: Nhằm nhanh chóng giảm đau, lành thương và lấy lại thẩm mỹ.
4. Các phương pháp phục hồi chức năng sau phẫu thuật
Dưới đây là một số phương pháp chính trong phục hồi chức năng, bao gồm vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu:
4.1 Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật, giúp bệnh nhân nhanh chóng lấy lại sức mạnh và khả năng vận động. Phương pháp này được chia thành hai khía cạnh chính:
Các tác nhân vật lý:
- Nhiệt trị liệu: Sử dụng nhiệt (nhiệt ẩm hoặc nhiệt khô) để làm giãn cơ, giảm đau và cải thiện lưu thông máu.
- Sóng ngắn: Áp dụng sóng điện từ tần số cao để giảm đau và viêm, đồng thời cải thiện tuần hoàn máu.
- Điện xung: Sử dụng dòng điện xung để kích thích các cơ, giúp giảm đau và phục hồi chức năng cơ bắp.
- Laser: Công nghệ laser được sử dụng để giảm đau và viêm, đồng thời thúc đẩy quá trình lành thương.
- Sóng xung kích (Shockwave): Phương pháp điều trị hiệu quả cho các vấn đề về cơ và gân, giúp giảm đau và kích thích hồi phục.
- Thủy trị liệu: Sử dụng nước trong các bài tập để giảm tải trọng lên khớp, giúp cải thiện khả năng vận động mà không gây áp lực lên cơ thể.
Vận động trị liệu:
- Bài tập kéo giãn: Các bài tập này giúp tăng cường tính linh hoạt và mở rộng phạm vi chuyển động của khớp, đồng thời giảm cứng khớp sau phẫu thuật.
- Bài tập di động mô mềm: Kỹ thuật này tập trung vào việc xử lý các mô mềm (cơ, gân, dây chằng) để cải thiện tính linh hoạt và giảm đau.
- Bài tập sức mạnh: Thiết kế để cải thiện sức mạnh cơ bắp, các bài tập này thường được điều chỉnh theo tình trạng sức khỏe và mức độ hồi phục của từng bệnh nhân.
- Liệu pháp thực hành: Tập luyện các động tác hàng ngày nhằm khôi phục các hoạt động sinh hoạt cơ bản, từ đó giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường.
4.2 Hoạt động trị liệu
Hoạt động trị liệu là phương pháp tập trung vào việc nâng cao khả năng tự chăm sóc và sinh hoạt độc lập của bệnh nhân. Mục tiêu của hoạt động trị liệu là giúp bệnh nhân khôi phục các vận động cơ bản hàng ngày như:
- Ăn uống: Hỗ trợ bệnh nhân phát triển kỹ năng tự ăn uống và quản lý dinh dưỡng.
- Tắm rửa: Giúp bệnh nhân thực hiện các hoạt động vệ sinh cá nhân một cách độc lập.
- Mặc quần áo: Tập luyện cách mặc và cởi bỏ quần áo một cách dễ dàng.
Ngoài ra, hoạt động trị liệu còn giúp bệnh nhân tăng cường vận động phức tạp hơn như: Đi chợ, nấu ăn, làm vườn, sử dụng điện thoại…
Có thể bạn quan tâm: Bài tập phục hồi chức năng sau mổ tuyến giáp
5. Thời điểm nên bắt đầu phục hồi chức năng
Thời điểm bắt đầu phục hồi chức năng sau phẫu thuật là một yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả của quá trình hồi phục. Thông thường, việc phục hồi chức năng nên được khởi đầu ngay khi bệnh nhân vẫn còn nằm trong bệnh viện khi bệnh nhân trong tình trạng ổn định về huyết động, thường là khoảng 24 giờ sau phẫu thuật.
Trong quá trình phục hồi chức năng, bệnh nhân sẽ tham gia vào các bài tập và liệu pháp được thiết kế riêng dựa trên tình trạng sức khỏe và loại phẫu thuật mà họ đã trải qua. Mục tiêu là giúp bệnh nhân tập luyện cho đến khi:
- Sức khỏe trở lại bình thường: Bệnh nhân cảm thấy khỏe mạnh, đủ sức để thực hiện các hoạt động hàng ngày mà không cảm thấy mệt mỏi hay khó khăn.
- Vùng phẫu thuật có thể vận động dễ dàng: Vùng phẫu thuật sẽ cần phải đạt được khả năng vận động đầy đủ, không bị cứng khớp và không có đau đớn. Bệnh nhân sẽ có khả năng thực hiện các động tác mà không cần sự hỗ trợ từ người khác hoặc các thiết bị hỗ trợ.
6. Lời khuyên dành cho bệnh nhân phục hồi chức năng sau phẫu thuật
Phục hồi chức năng sau phẫu thuật là một quá trình quan trọng và cần sự kiên nhẫn, quyết tâm từ phía bệnh nhân. Dưới đây là một số lời khuyên giúp bệnh nhân có thể thực hiện phục hồi chức năng một cách hiệu quả và an toàn:
Cần kiên trì, chăm chỉ tập luyện
Phục hồi chức năng không phải là một quá trình nhanh chóng, quá trình này yêu cầu thời gian và sự nỗ lực từ bệnh nhân.
Trong giai đoạn đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể gặp phải nhiều khó khăn, như đau đớn hay cảm giác không thoải mái. Những trải nghiệm này có thể ảnh hưởng đến tâm lý và động lực tập luyện của bệnh nhân. Tuy nhiên bệnh nhân nên cố gắng vượt qua những giai đoạn này để đạt được kết quả phục hồi như mong muốn.
Nên tập luyện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia
Để đảm bảo quá trình phục hồi diễn ra an toàn và hiệu quả, bệnh nhân nên tìm đến với các chuyên gia vật lý trị liệu có kinh nghiệm để được hướng dẫn các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe và khả năng của mình. Họ sẽ giúp bạn tránh những chấn thương không đáng có và đảm bảo rằng bạn đang tập luyện đúng cách.
Thăm khám bác sĩ định kỳ
Người bệnh cần được thăm khám định kỳ để bác sĩ có thể đánh giá tiến triển của quá trình hồi phục. Từ đó, bác sĩ sẽ có thể điều chỉnh các phương pháp điều trị hoặc phục hồi chức năng khi cần thiết. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ cung cấp những khuyến nghị quan trọng về chế độ dinh dưỡng, thuốc men và các biện pháp hỗ trợ khác nhằm tối ưu hóa quá trình hồi phục của người bệnh.
7. Địa chỉ tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật
Việc lựa chọn địa chỉ tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật là một quyết định quan trọng và cần cân nhắc kỹ lưỡng. Dưới đây là một số tiêu chí cần xem xét khi lựa chọn trung tâm phục hồi chức năng:
- Chuyên môn và kinh nghiệm của đội ngũ nhân viên: Trung tâm nên có đội ngũ bác sĩ, chuyên gia vật lý trị liệu và kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm trong lĩnh vực phục hồi chức năng.
- Cơ sở vật chất và trang thiết bị: Địa chỉ tập luyện cần có cơ sở vật chất hiện đại, sạch sẽ và thoải mái. Các thiết bị phục hồi chức năng cũng phải đa dạng và tiên tiến, phục vụ cho nhiều loại bài tập khác nhau.
- Phương pháp điều trị: Trung tâm nên áp dụng các phương pháp điều trị hiện đại và hiệu quả. Việc sử dụng các công nghệ mới trong phục hồi chức năng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị.
- Đánh giá và phản hồi từ bệnh nhân cũ: Nên tìm hiểu đánh giá từ những bệnh nhân đã từng điều trị tại trung tâm để có cái nhìn rõ hơn về chất lượng dịch vụ.
Myrehab Matsuoka là một địa chỉ lý tưởng cho việc phục hồi chức năng sau phẫu thuật. Trung tâm không chỉ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên mà còn sở hữu hệ thống máy tập lưu trữ kết quả, cho phép đo lường mức độ tiến triển của bệnh nhân một cách chính xác. Điều này giúp bác sĩ và bệnh nhân theo dõi sự phục hồi và điều chỉnh liệu trình điều trị kịp thời, từ đó nâng cao hiệu quả hồi phục sức khỏe.
Phục hồi chức năng sau phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống. Quá trình này yêu cầu sự kiên trì và tuân thủ hướng dẫn từ chuyên gia của bệnh nhân. Để đạt được hiệu quả tối ưu, hãy liên hệ với Myrehab Matsuoka để được tư vấn và hỗ trợ phục hồi chức năng chuyên sâu.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội