Nguyên tắc & Phương pháp phục hồi chức năng chấn thương cột sống

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka. 

Chấn thương cột sống được phân loại thành nhiều nhóm theo từng mức độ tổn thương và vị trí, dẫn đến những ảnh hưởng và yêu cầu phục hồi chức năng khác nhau. Việc phân loại này đóng vai trò quan trọng trong xây dựng phác đồ điều trị phù hợp, giúp tối ưu hóa hiệu quả phục hồi chức năng chấn thương cột sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

1. Nguyên tắc điều trị, phục hồi chức năng chấn thương cột sống

Điều trị và phục hồi chức năng chấn thương cột sống là quá trình phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều chuyên khoa khác nhau. Dưới đây là 6 nguyên tắc cơ bản trong điều trị và phục hồi chức năng chấn thương cột sống, giúp tối ưu hoá kết quả điều trị và rút ngắn thời gian hồi phục:

  • Giảm đau: Đây là nguyên tắc điều trị giúp tăng cường khả năng vận động và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các biện pháp giảm đau bao gồm sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ, áp dụng các biện pháp giảm đau không dùng thuốc như chườm lạnh, massage, điện trị liệu…
  • Ổn định cột sống: Sau khi cấp cứu và ổn định huyết động (huyết áp, nhịp tim), bệnh nhân chấn thương cột sống cần được đảm bảo ổn định cột sống trước khi phục hồi chức năng. Trong trường hợp gãy xương hoặc thoát vị đĩa đệm, cần cố định cột sống để tránh tổn thương thêm. Bệnh nhân nên tập vận động sớm dưới sự giám sát của chuyên gia để phục hồi chức năng và tăng cường sức mạnh cơ bắp. Ngoài ra, để ngăn ngừa huyết khối, loét do tỳ đè, viêm phổi, bệnh nhân cần được lăn trở 2 giờ/lần để giảm áp lực lên da và cải thiện lưu thông máu.
  • Cải thiện khả năng vận động: Các bài tập vận động thụ động (kéo giãn các khớp, vận động khớp vai, khuỷu tay,…) do chuyên gia hướng dẫn với sự hỗ trợ của người nhà, sẽ giúp cải thiện phạm vi chuyển động khớp và sức mạnh cơ bắp. Khi tình trạng bệnh nhân ổn định hơn, các bài tập vận động chủ động (nâng chân tay, ngồi dậy, đứng lên, các bài tập kháng lực sẽ được áp dụng để tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt của cơ bắp.
  • Lấy lại chức năng vận động: Với nguyên tắc này, bác sĩ sẽ đánh giá toàn diện tình trạng bệnh nhân như mức độ tổn thương, khả năng vận động hiện tại. Trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ lựa chọn và áp dụng các liệu pháp vật lý trị liệu đa dạng như tập luyện, kéo giãn, giảm đau, kết hợp với hoạt động trị liệu để phục hồi các hoạt động hàng ngày cho bệnh nhân.
  • Cải thiện chức năng sinh hoạt hàng ngày: Nguyên tắc này nhấn mạnh tầm quan trọng của của việc giúp bệnh nhân có thể tự lập trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, giảm thiểu sự phụ thuộc vào người khác. Người bệnh cần được rèn luyện các kỹ năng sinh hoạt tự lập như mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh cá nhân. Các thiết bị hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày có thể được sử dụng để giúp người bệnh thực hiện các hoạt động này dễ dàng hơn.
  • Ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra lâu dài: Chấn thương cột sống, nếu không được phục hồi đúng cách, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như đau mãn tính, tê bì, yếu cơ,… Để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình phục hồi, bệnh nhân cần tập luyện thường xuyên, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý và khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tìm hiểu thêm về cong vẹo cột sốngvật lý trị liệu cong vẹo cột sống giúp tăng cường sự liên kết giữa các đốt sống và cải thiện phạm vi chuyển động ở cột sống và tứ chi, cải thiện chức năng hô hấp và phổi.

Phục hồi chức năng chấn thương cột sống càng sớm càng tốt
Phục hồi chức năng cần được bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi chấn thương dưới sự hướng dẫn của chuyên gia y tế

2. 9 Phương pháp phục hồi chức năng chấn thương cột sống phổ biến

Chấn thương cột sống đòi hỏi quá trình phục hồi tỉ mỉ và kiên trì. Để hỗ trợ quá trình này, nhiều phương pháp phục hồi chức năng đa dạng đã được áp dụng. Dưới đây là 9 phương pháp phục hồi chức năng chấn thương cột sống phổ biến giúp người bệnh nhanh chóng lấy lại sự linh hoạt và sức mạnh cho cột sống.

2.1 Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu đóng vai trò quan trọng hỗ trợ bệnh nhân đối phó với những thách thức về tinh thần sau chấn thương, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi chức năng hiệu quả.

Một số phương pháp tâm lý trị liệu phổ biến bao gồm:

  • Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT): Giúp bệnh nhân nhận thức và thay đổi những suy nghĩ và hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi của họ.
  • Liệu pháp gia đình: Giúp các thành viên trong gia đình hiểu và hỗ trợ nhau tốt hơn trong quá trình bệnh nhân phục hồi chức năng.
  • Liệu pháp nhóm: Cung cấp cho bệnh nhân cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau với những người cũng đang trải qua những thách thức tương tự.

Tâm lý trị liệu mang lại nhiều lợi ích cho quá trình phục hồi chức năng chấn thương cột sống, bao gồm:

  • Giảm lo âu, trầm cảm và stress.
  • Cải thiện khả năng thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống của bệnh nhân sau chấn thương.
  • Duy trì động lực và kiên trì trong quá trình tập luyện.
  • Giảm bớt những khó khăn về mặt tinh thần và cảm xúc, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tâm lý trị liệu có thể giúp người bị chấn thương cột sống giải quyết những vấn đề về tinh thần để vượt qua giai đoạn này
Tâm lý trị liệu có thể giúp người bị chấn thương cột sống giải quyết những vấn đề về tinh thần để vượt qua giai đoạn này

2.2 Nhiệt nóng trị liệu

Nhiệt nóng trị liệu hỗ trợ bệnh nhân giảm bớt các triệu chứng đau nhức, tăng cường khả năng vận động và rút ngắn thời gian hồi phục. Khác với một số bệnh khác cần sử dụng cả nhiệt nóng và nhiệt lạnh thì chấn thương cột sống, chỉ nên sử dụng nhiệt nóng. Vì nhiệt lạnh có thể làm giảm lưu thông máu, khiến cho quá trình hồi phục chậm lại.

Nhiệt nóng khi tác động lên cơ thể sẽ giúp bệnh nhân giảm đau, giúp thư giãn cơ bắp và cải thiện lưu thông máu. Ngoài ra, nhiệt nóng còn giúp tăng cường tính đàn hồi của mô mềm, giảm co thắt cơ và cải thiện phạm vi chuyển động khớp. Người bệnh có thể chườm lên vùng đau tối đa 15 – 20 phút.

Phương pháp nhiệt nóng trị liệu
Người bệnh nên sử dụng nhiệt nóng tại vị trí bị đau trên cột sống với nhiệt độ vừa phải, không quá nóng để tránh bỏng da

2.3 Siêu âm trị liệu

Siêu âm trị liệu là phương pháp sử dụng sóng âm có tần số cao tác động lên vùng cột sống bị chấn thương. Sóng siêu âm khi truyền vào cơ thể sẽ tạo ra hiệu ứng vi mô, dẫn đến một loạt các tác động sinh học, bao gồm:

  • Tác động nhiệt: Sóng siêu âm làm tăng nhiệt độ tại khu vực điều trị, giúp giãn mạch máu, tăng lưu lượng máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và quá trình sửa chữa mô.
  • Tác động cơ học: Sóng siêu âm tạo ra các vi dòng điện và áp lực cơ học, giúp giảm co thắt cơ, giảm đau, chống viêm và cải thiện tính linh hoạt của khớp.
  • Tác động hóa học: Sóng siêu âm làm tăng tính thấm của màng tế bào, giúp các thuốc điều trị thẩm thấu tốt hơn vào cơ thể.

Công dụng của siêu âm trị liệu đối với phục hồi chức năng chấn thương cột sống:

  • Giảm đau hiệu quả, đặc biệt đối với các cơn đau do co thắt cơ, viêm và sưng tấy.
  • Giảm viêm, sưng tấy và bầm tím, thúc đẩy quá trình hồi phục sau chấn thương.
  • Tăng lưu lượng máu đến khu vực điều trị, giúp cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình phục hồi.
  • Tăng cường sản sinh collagen, thúc đẩy quá trình liền sẹo và tái tạo mô.
  • Giảm co thắt cơ, cải thiện phạm vi chuyển động khớp và tăng cường khả năng vận động.
Phương pháp siêu âm trị liệu
Siêu âm giúp thúc đẩy quá trình hồi phục bằng cách tăng lưu thông máu, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho các mô bị tổn thương

2.4 Hồng ngoại, quấn nóng paraffin

Liệu pháp hồng ngoại sử dụng một dạng bức xạ điện từ có bước sóng dài hơn ánh sáng nhìn thấy có khả năng thâm nhập sâu vào da và mô. Tia hồng ngoại khi tác động lên cơ thể sẽ tạo ra hiệu ứng nhiệt giúp tăng cường lưu thông máu, giảm co thắt cơ, chống viêm và giảm đau.

Paraffin là một loại sáp hydrocarbon có nhiệt độ nóng chảy thấp (khoảng 52°C). Trong liệu pháp quấn nóng paraffin, paraffin nóng chảy được sử dụng để quấn quanh cơ thể, giúp truyền nhiệt đến các mô sâu một cách hiệu quả.

Liệu pháp hồng ngoại
Ánh sáng hồng ngoại có khả năng xuyên qua da và mô, tác động trực tiếp đến các tế bào giúp thúc đẩy quá trình hồi phục

2.5 Kích thích điện chức năng (Functional Electrical Stimulation – FES)

Kích thích điện chức năng (FES) là kỹ thuật hoạt động dựa trên nguyên tắc kích thích các dây thần kinh vận động bằng xung điện, từ đó tạo ra các co cơ theo ý muốn. Các điện cực được đặt trên da tại vị trí của các cơ cần kích thích, sau đó truyền xung điện đến các cơ thông qua dây dẫn. Nhờ đó, FES mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân phục hồi chức năng chấn thương cột sống, bao gồm:

  • Kích thích các cơ bị yếu hoặc liệt, từ đó cải thiện khả năng vận động của các chi, giúp bệnh nhân có thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày một cách dễ dàng hơn.
  • Giúp giảm co thắt cơ, co cứng và đau nhức.
  • Kích thích các cơ, ngăn ngừa teo cơ do thiếu vận động.
Kích thích điện chức năng (Functional Electrical Stimulation – FES)
FES sử dụng các điện cực được đặt trên da để đưa dòng điện vào các cơ và dây thần kinh cụ thể, nhằm tăng sức mạnh của các cơ bị yếu do chấn thương cột sống

2.6 Laser

Laser trị liệu là phương pháp sử dụng ánh sáng laser cường độ cao để điều trị các bệnh lý khác nhau, bao gồm cả chấn thương cột sống. Ánh sáng laser có khả năng xuyên thấu qua da và các mô, tác động trực tiếp đến các tế bào, từ đó thúc đẩy quá trình phục hồi.

Laser trị liệu mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân PHCN chấn thương cột sống, bao gồm:

  • Giảm đau do chấn thương cột sống, bao gồm cả đau nhức cấp tính và đau mãn tính.
  • Giảm sưng và viêm, từ đó thúc đẩy quá trình phục hồi chấn thương.
  • Cải thiện chức năng vận động của các chi, giúp bệnh nhân dễ dàng thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
  • Thúc đẩy quá trình lành của các mô bị tổn thương, bao gồm cả xương, cơ và dây thần kinh.
Liệu pháp laser giúp tăng lưu thông máu và phá vỡ các mảng bám viêm, hỗ trợ giảm viêm hiệu quả
Liệu pháp laser giúp tăng lưu thông máu và phá vỡ các mảng bám viêm, hỗ trợ giảm viêm hiệu quả

2.7 Xoa bóp mô mềm

Xoa bóp mô mềm là kỹ thuật trị liệu sử dụng các động tác thủ công tác động lên các mô mềm của cơ thể, bao gồm da, cơ, gân và dây chằng. Kỹ thuật này thường được sử dụng để điều trị các chấn thương cơ xương khớp, làm dịu cơn đau và co thắt bằng cách giúp cơ bắp thư giãn.

Xoa bóp mô mềm là kỹ thuật trị liệu sử dụng các động tác thủ công tác động lên các mô mềm của cơ thể
Xoa bóp mô mềm có thể được thực hiện bởi chuyên gia hoặc tự thực hiện tại nhà với áp lực nhẹ nhàng, tập trung vào các cơ bị đau hoặc co thắt

2.8 Bài tập vận động

Bài tập vận động là một phần quan trọng được thiết kế để cải thiện sức mạnh, linh hoạt, phạm vi chuyển động và chức năng vận động của cột sống và các cơ bắp xung quanh. Tập luyện thường xuyên có thể giúp giảm đau, cải thiện sự ổn định của cột sống và thúc đẩy quá trình phục hồi sau chấn thương.

Một số bài tập được sử dụng trong phục hồi chức năng chấn thương cột sống, bao gồm:

Cột sống cổ:

  • Bài tập gập – duỗi cổ.
  • Bài tập xoay cổ.
  • Kéo giãn cột sống cổ ở các tư thế: gập trước, ngửa sau và nghiêng bên.

Cột sống ngực:

  • Bài tập mở rộng ngực.
  • Bài tập kéo giãn cơ ngực.
  • Bài tập xoay ngực.

Cột sống lưng:

  • Bài tập gập – duỗi lưng.
  • Bài tập xoay eo.
  • Bài tập kéo giãn cơ thắt lưng.
  • Tập vận động cột sống thắt lưng.

Có thể bạn quan tâm: Top 15+ bài tập chữa vẹo cột sống HIỆU QUẢ & DỄ DÀNG

Tại Myrehab Matsuoka, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn thực hiện các bài tập vận động cột sống và cơ bắp xung quanh bởi các bác sĩ và kỹ thuật viên.
Tại Myrehab Matsuoka, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn thực hiện các bài tập vận động cột sống và cơ bắp xung quanh bởi các bác sĩ và kỹ thuật viên

2.9 Sử dụng áo, nẹp trợ giúp

Sử dụng áo, nẹp trợ giúp là các dụng cụ được thiết kế để hỗ trợ cột sống, hạn chế cử động và giảm đau, từ đó giúp thúc đẩy quá trình phục hồi. Cụ thể:

  • Hỗ trợ cột sống: Áo, nẹp giúp cố định cột sống ở vị trí mong muốn, từ đó giảm bớt áp lực lên các đốt sống và các mô mềm xung quanh, giúp giảm đau và cải thiện sự ổn định của cột sống.
  • Hạn chế cử động: Áo, nẹp có thể giúp hạn chế các chuyển động có hại của cột sống, chẳng hạn như gập, duỗi hoặc xoay, giúp thúc đẩy quá trình lành xương và giảm nguy cơ tái chấn thương.
  • Giảm đau: Áo nẹp có thể giúp giảm đau bằng cách nén các mô mềm xung quanh cột sống nhằm giúp giảm co cơ và viêm, từ đó cải thiện sự thoải mái cho người bệnh.

Việc sử dụng áo, nẹp trợ giúp cần được thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. Loại áo nẹp phù hợp sẽ phụ thuộc vào loại chấn thương, mức độ nghiêm trọng của chấn thương và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.

Sử dụng áo, nẹp trợ giúp phục hồi chức năng chấn thương cột sống
Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được tư vấn về loại áo nẹp hoặc đai hỗ trợ phù hợp với mình

Quá trình phục hồi chức năng chấn thương cột sống đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực từ cả phía bệnh nhân và đội ngũ y tế. Tuy nhiên, với sự phối hợp chặt chẽ và phác đồ điều trị phù hợp, người bệnh hoàn toàn có thể cải thiện chức năng vận động, nâng cao chất lượng cuộc sống và trở lại sinh hoạt bình thường.

Nếu bạn đang tìm kiếm một trung tâm phục hồi chức năng uy tín sau chấn thương cột sống, hãy liên hệ với Myrehab Matsuoka ngay hôm nay để được tư vấn về chương trình phục hồi chức năng phù hợp với tình trạng của bạn.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 27/11/2024Ngày cập nhật: 27/11/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.