Phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai – 4 điều quan trọng cần biết

Bài viết được viết bởi BS CKII. Bùi Hồng Thuý và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB – MATSUOKA.

Viêm quanh khớp vai là thuật ngữ dùng chung cho các bệnh lý của các cấu trúc phần mềm cạnh khớp vai: gân, túi thanh dịch, bao khớp; không bao gồm các bệnh lý có tổn thương đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch như viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp,…

Quá trình phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai thường bắt đầu bằng các bài tập nhẹ nhàng và tăng dần cường độ trong suốt giai đoạn hồi phục. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp 4 điều quan trọng cần biết về phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai. Hãy cùng theo dõi nhé!

Phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai hỗ trợ giảm đau, tăng sức mạnh và khả năng vận động khớp vai
Phục hồi chức năng hỗ trợ giảm đau, tăng sức mạnh và khả năng vận động khớp vai

1. Tác dụng của việc phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai

Phục hồi chức năng là phương pháp điều trị bảo tồn hiệu quả cho người bị viêm quanh khớp vai. Mục tiêu của phục hồi chức năng bao gồm:

  • Giảm đau, giảm viêm.
  • Tăng tầm vận động khớp.
  • Cải thiện chức năng chi trên.
  • Tăng sức mạnh cơ.
  • Khắc phục các biến chứng như teo cơ, cứng khớp,…
  • Giúp người bệnh quay trở lại sinh hoạt, lao động, thể thao bình thường.

Phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai cần được tiến hành càng sớm càng tốt và có kế hoạch điều trị cụ thể cho từng giai đoạn nhằm duy trì mức độ vận động và rút ngắn thời gian hồi phục.

Tìm hiểu thêm về viêm quanh khớp vai thể đông cứng – bệnh lý gây ra các cơn đau phiền toái và tổn thương mô mềm quanh khớp vai để có kế hoạch thăm khám và điều trị kịp thời, phòng ngừa các biến chứng xấu cho sức khỏe.

2. Các phương pháp phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai

2.1. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị khi người bệnh không tự mình thực hiện hoạt động trong cuộc sống hàng ngày. Các kỹ thuật hoặc phương thức trị liệu thường được thực hiện bởi các bác sĩ trị liệu hoặc kỹ thuật viên.

Đối với vật lý trị liệu viêm quanh khớp vai, có 9 phương pháp thường được sử dụng bao gồm nhiệt nóng, nhiệt lạnh, sóng ngắn, siêu âm, điện xung, kéo giãn, xung kích, laser và sử dụng băng kinesio.

2.1.1. Nhiệt nóng

Là một trong các phương pháp phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai, liệu pháp nhiệt nóng có thể được sử dụng nhằm mục đích tăng tuần hoàn máu, giảm đau, giảm xơ dính và giúp cơ bắp thư giãn. Bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp tác dụng nhiệt như chườm nóng, parafin, hồng ngoại trong khoảng 10 – 15 phút và phải đảm bảo da được tiếp xúc trực tiếp với nguồn nhiệt.

Các phương pháp nhiệt nóng bao gồm chườm nóng, parafin và hồng ngoại
Liệu pháp nhiệt nóng bao gồm túi chườm, parafin và hồng ngoại

2.1.2. Nhiệt lạnh

Liệu pháp nhiệt lạnh được sử dụng trong giai đoạn viêm cấp tính, ngay sau chấn thương hoặc sau khi tập luyện, nhằm giảm đau tức thì, giảm sưng nề, co mạch tại chỗ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình lành vết thương. Chườm đá là phương pháp được áp dụng phổ biến trong PHCN vai, trong đó kể đến là tình trạng bị trật khớp vai khi ngủ. Tuy nhiên, mỗi tình trạng sẽ có phương thức và thời gian chườm khác nhau. 

Với PHCN viêm quanh khớp vai, bạn nên chườm túi lạnh ít nhất 20 phút lên vùng bị ảnh hưởng và đảm bảo không đặt túi nước đá trực tiếp lên da.

Liệu pháp nhiệt lạnh trong phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai
Liệu pháp nhiệt lạnh nên được áp dụng xen kẽ với nhiệt nóng

2.1.3. Sóng ngắn

Đây là kỹ thuật vật lý trị liệu được tạo nên ở máy sóng ngắn và dẫn qua cơ thể bằng tụ điện hoặc dây dẫn. Liệu pháp này làm tăng bạch cầu đến tổ chức viêm, tăng khả năng di chuyển của thực bào, giúp chống viêm rất tốt. Ngoài ra, sóng ngắn cũng giúp lưu thông mạch máu, giãn mạch, giảm ứ đọng. Khi điều trị bằng sóng ngắn kết hợp với vận động trị liệu sẽ làm tăng dẫn truyền thần kinh vận động, đáp ứng tốt cho công việc phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai.

Liệu pháp sóng ngắn trong vật lý trị liệu viêm quanh khớp vai
Liệu pháp sóng ngắn trong vật lý trị liệu viêm quanh khớp vai

2.1.4. Siêu âm 

Siêu âm trị liệu là phương pháp vật lý trị liệu điều trị viêm quanh khớp vai bằng hình thức massage vi tế bào, làm giảm viêm các cơ, gân và các mô mềm. Nhiệt giúp cải thiện sự lưu thông trong mô, vừa giảm đau vừa hỗ trợ chữa lành vết thương. Siêu âm trị liệu còn giúp tăng độ đàn hồi của cơ, giúp cơ co giãn dễ dàng hơn, từ đó giúp tăng phạm vi vận động.

Liệu pháp siêu âm trong vật lý trị liệu viêm quanh khớp vai
Liệu pháp siêu âm trong vật lý trị liệu viêm quanh khớp vai

2.1.5. Điện xung 

Điện xung là một phương pháp phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai giúp tăng cường cơ bắp ở khu vực khớp vai bị tổn thương. Liệu pháp này sử dụng xung điện tần số thấp, có tác dụng giảm đau mỏi cơ và khớp, hỗ trợ phục hồi sau chấn thương và tăng cường tuần hoàn máu. Điện xung còn giúp giảm phù nề, giảm viêm xương khớp vai, giải phóng chèn ép và tăng thải trừ chất chuyển hoá tại chỗ.  

Hình ảnh minh hoạ cho liệu pháp điện xung
Liệu pháp điện xung trong vật lý trị liệu viêm quanh khớp vai

2.1.6. Kéo giãn

Kéo giãn là biện pháp trị liệu phổ biến cho viêm quanh khớp vai, nhẹ nhàng giãn cơ giúp bệnh nhân lấy lại phạm vi chuyển động. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ kết hợp các mức độ giãn cơ khác nhau nhắm vào các các cơ xung quanh vai cũng như cổ và cột sống, tùy thuộc vào mức độ tổn thương.

Kéo giãn giúp bệnh nhân lấy lại phạm vi chuyển động
Các vận động kéo giãn có tác dụng tốt trong việc lấy lại khả năng vận động khớp vai

2.1.7. Xung kích

Liệu pháp xung kích – một trong các phương pháp phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai sử dụng áp lực sóng âm để giảm đau và tăng tốc độ hồi phục. Sóng xung kích có khả năng phá vỡ các mô sợi, thúc đẩy lưu lượng máu trong khu vực, đồng thời phá vỡ các cặn vôi hóa ở vai, khuyến khích tái hấp thu canxi, giảm đau và cải thiện đáng kể chức năng, phạm vi chuyển động của vai.

Liệu pháp xung kích sử dụng áp lực sóng âm để giảm đau và tăng tốc độ hồi phục
Liệu pháp xung kích trong vật lý trị liệu viêm quanh khớp vai

2.1.8. Laser

Laser là liệu pháp phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai có tác dụng tốt trong việc giảm bớt cơn đau do viêm quanh khớp vai gây ra bằng cách giảm viêm và kích thích giải phóng endorphin (thuốc giảm đau tự nhiên của cơ thể). Ngoài ra, liệu pháp này còn có khả năng kích thích hoạt động của tế bào, thúc đẩy quá trình chữa lành của cơ thể và rút ngắn thời gian hồi phục của người bệnh.

Laser là liệu pháp có tác dụng tốt trong việc giảm bớt cơn đau do viêm quanh khớp vai
Liệu pháp laser trong vật lý trị liệu viêm quanh khớp vai

2.1.9. Băng dán Kinesio 

Đây là một loại băng co giãn có thể sử dụng hàng ngày để mang lại cảm giác ổn định cho khớp mà không hạn chế phạm vi chuyển động. Băng dán kinesio có tác dụng bảo vệ khớp vai, hỗ trợ chuyển động một cách an toàn và chắc chắn đồng thời tăng cường tuần hoàn máu đến vai. Tuy nhiên, loại băng này không nên sử dụng với những người có vết thương hở hoặc các vấn đề sức khỏe như bệnh thần kinh, tiểu đường,…

Băng dán kinesio có tác dụng bảo vệ khớp vai
Băng dán kinesio có thể được sử dụng cho người bị viêm quanh khớp vai

2.2. Vận động trị liệu

Vận động trị liệu bao gồm các bài tập mà người bệnh cần chủ động thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, chuyên gia. Vận động trị liệu viêm quanh khớp vai bao gồm các bài tập kéo giãn, di động khớp và làm mạnh các cơ.

2.2.1. Bài tập kéo giãn và di động khớp 

Nhóm các bài tập phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai đóng vai trò quan trọng nhằm làm tăng khả năng vận động khớp, kéo giãn các cơ giúp giảm đau và giảm viêm.

Bài 1: Khép khớp vai 

  • Bước 1: Bắt đầu ở tư thế đứng thẳng.
  • Bước 2: Đưa một tay ngang qua ngực, cánh tay còn lại giữ ở khuỷu tay và kéo qua càng xa càng tốt.
  • Bước 3: Giữ căng cơ trong khoảng 30 giây rồi thả lỏng. 
  • Bước 4: Lặp lại động tác với tay đối diện.

Tần suất tập luyện: Thực hiện mỗi bên 3 – 5 lần.

Bài tập khép khớp vai
Bài tập khép khớp vai giúp tăng tính linh hoạt và phạm vi chuyển động khớp vai và các cơ xung quanh

Bài 2: Giãn cơ cổ và vai

  • Bước 1: Bắt đầu ở tư thế đứng thẳng, đặt tay trái lên vai và tay phải phía trên tai.
  • Bước 2: Hạ cằm về phía ngựa, nhẹ nhàng nghiêng đầu sang phải.
  • Bước 3: Giữ căng cơ trong tối đa 1 phút rồi thả lỏng. 
  • Bước 4: Lặp lại động tác với vai đối diện.

Tần suất tập luyện phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai – giãn cơ cổ và vai: Thực hiện mỗi bên 3 – 5 lần.

Bài tập giãn cơ cổ và vai
Bài tập giãn cơ cổ và vai

Bài 3: Bài tập “xâu kim”

  • Bước 1: Bắt đầu ở tư thế quỳ bốn điểm.
  • Bước 2: Đưa cánh tay phải xuống dưới ngực và sang bên trái, lòng bàn tay hướng lên trên.
  • Bước 3: Giữ vị trí này khoảng 30 giây rồi thả lỏng. 
  • Bước 4: Lặp lại động tác với vai đối diện.

Tần suất tập luyện: Thực hiện mỗi bên 3 – 5 lần.

Chú ý: Bạn có thể đặt một tấm đệm hoặc gối ở dưới đầu và vai để hỗ trợ. Trong quá trình tập phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai, cần chú ý cẩn thận để tránh bị ngã.

Bài tập xâu kim
Bài tập xâu kim giúp kéo giãn, giảm căng cứng cơ ở ngực, vai và lưng trên

Bài 4: Tư thế chó úp mặt

  • Bước 1: Bắt đầu ở tư thế chuẩn bị chống đẩy.
  • Bước 2: Dồn lực vào cánh tay và chân để nâng hông hướng lên phía trần nhà.
  • Bước 3: Giữ cột sống thẳng, đưa đầu về phía chân để vai gập qua đầu.
  • Bước 4: Giữ tư thế này trong tối đa 1 phút.

Tần suất tập luyện: Thực hiện bài tập phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai lặp lại 3 – 5 lần/hiệp, 2 – 3 hiệp/ngày.

Chú ý: Trong thời gian đầu tập luyện, bạn có thể giữ đầu gối hơi cong một chút và nhấc gót chân để tránh căng cơ.

Bài tập tư thế chó úp mặt
Tư thế chó úp mặt giúp tăng cường kéo giãn các cơ ở vai và lưng

Bài 5: Tư thế đứa trẻ

  • Bước 1: Bắt đầu ở tư thế quỳ bốn điểm, hai bàn chân khép lại và đầu gối rộng hơn hông một chút.
  • Bước 2: Đưa hông trở lại gót chân và mở rộng cánh tay về phía trước.
  • Bước 3: Để ngực áp sát xuống sàn, thư giãn cột sống và vai.
  • Bước 4: Giữ tư thế này trong tối đa 5 phút.

Tần suất tập luyện: Lặp lại bài tập phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai tư thế đứa trẻ từ 3 – 5 lần/ngày.

Chú ý: Có thể đặt một chiếc đệm dưới trán, ngực hoặc chân để được hỗ trợ.

Bài tập tư thế đứa trẻ
Tư thế đứa trẻ giúp giảm căng thẳng ở lưng, vai và cổ

Bài 6: Tư thế đại bàng

  • Bước 1: Ngồi trên ghế, mở rộng cánh tay sang hai bên. 
  • Bước 2: Bắt chéo khuỷu tay của bạn ở phía trước cơ thể với cánh tay phải ở trên.
  • Bước 3: Cong khuỷu tay, đan mặt sau của cẳng tay và bàn tay vào nhau.
  • Bước 4: Giữ vị trí này trong 15 giây, sau đó lặp lại động tác này với cánh tay trái ở trên.

Tần suất tập luyện: Lặp lại 3 – 5 lần/ngày.

Bài tập tư thế đại bàng
Tư thế đại bàng hỗ trợ kéo giãn cơ vai hiệu quả

2.2.2. Tập chủ động với các dụng cụ

Các bài tập phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai với gậy, dây trợ lực, thang tường, ròng rọc hỗ trợ rất tốt trong việc làm tăng tầm vận động khớp và tập mạnh các nhóm cơ vùng vai và lưng. 

Bài 1: Bài tập chống đẩy tường

  • Bước 1: Đứng đối mặt với tường, cách tường khoảng 50 – 60cm, duỗi thẳng hai tay và đặt bàn tay áp vào tường.
  • Bước 2: Đặt hai chân rộng hơn vai một chút và siết chặt cơ bụng.
  • Bước 3: Uốn cong khuỷu tay, từ từ hạ phần thân trên về phía tường. 
  • Bước 4: Giữ khoảng 3 – 5 giây rồi từ từ đẩy người ra sau cho đến khi cánh tay thẳng.

Tần suất tập luyện: Mục tiêu ban đầu là bạn có thể chống đẩy được 5 – 10 cái liên tiếp, sau đó tăng dần số lần tập.

Chú ý: Giữ bàn tay phẳng và đẩy mạnh vào tường, giúp vận động đầy đủ các cơ ở vai, cánh tay và ngực.

Bài tập chống đẩy tường
Bài tập chống đẩy tường

Bài 2: Bài tập xoay ngoài với gậy

Dụng cụ: 1 cây gậy dài khoảng 50 – 80cm.

Cách tập: 

  • Bước 1: Đứng hai chân rộng bằng hông, hai tay đặt ngang, khuỷu tay gập 90 độ sao cho hai tay hướng về phía trước, giữ hai đầu gậy.
  • Bước 2: Đẩy cây gậy theo chiều ngang sang một bên.
  • Bước 3: Giữ nguyên 30 giây rồi thả lỏng trong 30 giây.
  • Bước 4: Lặp lại với bên đối diện.

Tần suất tập luyện: Thực hiện bài tập phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai từ 5 – 10 lần cho mỗi bên, 2 – 3 hiệp/ngày.

Lưu ý: Trong khi xoay, chú ý giữ khuỷu tay áp sát thân người.

Bài tập xoay người với gậy
Bài tập xoay ngoài với gậy

Bài 3: Bài tập giãn vai với cửa

  • Bước 1: Đứng ở ngưỡng cửa, đặt tay phải lên cửa với khuỷu tay và cánh tay tạo thành một góc 90 độ.
  • Bước 2: Từ từ xoay người về phía đối diện và cảm nhận sức căng ở vai.
  • Bước 3: Giữ vị trí này trong tối đa 30 giây.
  • Bước 4: Lặp lại với bên đối diện.

Tần suất tập luyện: Thực hiện bài tập phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai từ 3 – 5 lần cho mỗi bên, 2 – 3 hiệp/ngày.

Bài tập giãn vai với cửa
Bài tập giãn vai với cửa giúp mở rộng lồng ngực và tăng cường sức mạnh cho vai

Bài 4: Bài tập mở rộng khuỷu tay với tạ

Dụng cụ: 2 quả tạ 0,5 – 1kg.

Cách tập: 

  • Bước 1: Đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai, hai tay cầm tạ và đưa cao qua đầu.
  • Bước 2: Siết chặt cơ bụng và mông, hạ tạ xuống sát phía sau đầu, hai lòng bàn tay hướng vào nhau.
  • Bước 3: Giữ vị trí này khoảng 5 – 10 giây rồi duỗi thẳng tay để trở về vị trí bắt đầu.

Tần suất tập luyện: Lặp lại bài tập phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai từ 5 – 10 lần/hiệp, 2 – 3 hiệp/ngày.

Bài tập mở rộng khuỷu tay với tạ
Bài tập mở rộng khuỷu tay với tạ

Bài 5: Bài tập tăng sức mạnh với tạ

Dụng cụ: 1 quả tạ 0,5 – 1kg.

Cách tập: 

  • Bước 1: Bắt đầu với tư thế 1 chân quỳ và 1 tay chống bên cạnh giường, tay còn lại cầm tạ với khuỷu tay thẳng.
  • Bước 2: Từ từ nâng tạ từ từ lên sao cho khuỷu tay vuông góc và áp sát thân người.
  • Bước 3: Hạ tay về vị trí ban đầu và lặp lại.

Tần suất tập luyện: Lặp lại bài tập phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai với tạ từ 8 – 10 lần/hiệp, 2 – 3 hiệp/ngày.

Bài tập kéo tăng sức mạnh với tạ
Bài tập tăng sức mạnh với tạ

Bài 6: Bài tập kéo ngoài với dây trợ lực

Dụng cụ: Dây trợ lực

Cách tập: 

  • Bước 1: Dùng dây trợ lực làm thành một vòng dài khoảng 0,8 – 1m và gắn vòng dây vào tay nắm cửa hoặc vật cố định khác.
  • Bước 2: Đứng thẳng người, tay phải áp sát tường, khuỷu tay trái gập và nắm lấy vòng dây.
  • Bước 3: Giữ khuỷu tay sát bên người, từ từ xoay cánh tay ra ngoài.
  • Bước 4: Giữ khoảng 5 – 10 giây và quay lại vị trí ban đầu.

Tần suất tập luyện: Lặp lại bài tập phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai với dây trợ lực từ 8 – 10 lần với mỗi bên, 2 – 3 hiệp/ngày.

Bài tập kéo ngoài với dây kháng lực
Bài tập kéo ngoài với dây trợ lực làm mạnh các nhóm cơ vùng vai và lưng trên

Bài 7: Bài tập kéo trong với dây trợ lực

Dụng cụ: Dây trợ lực

Cách tập: 

  • Bước 1: Dùng dây trợ lực làm thành một vòng dài khoảng 0,8 – 1m và gắn vòng dây vào tay nắm cửa hoặc vật cố định khác.
  • Bước 2: Đứng thẳng người, tay phải áp sát tường, khuỷu tay phải gập và nắm lấy vòng dây.
  • Bước 3: Giữ khuỷu tay sát bên người, từ từ xoay cánh tay về phía người.
  • Bước 4: Giữ khoảng 5 – 10 giây và quay lại vị trí ban đầu.

Tần suất tập luyện: Lặp lại bài tập phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai này từ 8 – 10 lần với mỗi bên, 2 – 3 hiệp/ngày.

Bài tập kéo trong với dây trợ lực
Bài tập kéo trong với dây trợ lực

Bài 8: Tập với ròng rọc

Dụng cụ: Ròng rọc qua đầu

Cách tập: 

  • Bước 1: Ngồi hoặc đứng thẳng, quay lưng về phía ròng rọc, hai tay nắm hai đầu của ròng rọc.
  • Bước 2: Duỗi thẳng cánh tay bên cần tập dọc thân mình, tay kia giữ phía trên cao ngang đầu.
  • Bước 3: Kéo ròng rọc sao cho cánh tay cần tập đưa thẳng lên theo chiều ra trước và cao qua đầu.
  • Bước 4: Giữ khoảng 20 – 30 giây sau đó thả lỏng và từ từ đưa hai tay về lại tư thế ban đầu.

Tần suất tập luyện: Lặp lại 10 – 15 lần, 2 – 3 hiệp/ngày.

Lưu ý: Đảm bảo bạn không nghiêng người hoặc cong vai trong suốt quá trình tập phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai với ròng rọc.

Bài tập với ròng rọc
Bài tập với ròng rọc

2.2.3. Bài tập Codman đong đưa khớp vai

Bài tập phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai này giúp bệnh nhân giảm đau vai rất tốt, đồng thời làm cải thiện tình trạng giới hạn tầm vận động khớp vai.

Cách tập: 

  • Bước 1: Đứng cạnh bàn hoặc mặt phẳng tương tự, nghiêng người về phía trước và đặt 1 tay lên bàn, cánh tay còn lại thả tự do.
  • Bước 2: Nhẹ nhàng vung cánh tay theo vòng tròn.
  • Bước 3: Lặp lại khoảng 10 vòng rồi tiếp tục thực hiện tương tự với tay còn lại.

Tần suất tập luyện: Thực hiện 2 – 3 hiệp/ngày.

Có thể bạn quan tâm: 18 bài tập vật lý trị liệu viêm quanh khớp vai

Bài tập Codman đong đưa khớp vai
Bài tập Codman đong đưa khớp vai

2.3. Hoạt động trị liệu

Hoạt động trị liệu là phương pháp phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai mà người bệnh tự thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày có sử dụng tay và khớp vai như mặc áo quần, tắm rửa, chải tóc,… Việc này giúp người bệnh cải thiện tình trạng bệnh và lấy lại các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày. Dưới đây là biện pháp giúp người bệnh có thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt một cách dễ dàng và hiệu quả hơn:

  • Mặc quần áo: Lựa chọn quần áo rộng rãi, dễ mặc, tránh mặc đồ bó sát hay có nhiều cúc cài. Người bệnh có thể sử dụng một số dụng cụ hỗ trợ như móc hỗ trợ cài khuy, kẹp kéo tất,… và nhờ sự giúp đỡ của người thân, bạn bè khi cần thiết.
Lựa chọn quần áo rộng rãi, dễ mặc giúp người bệnh có thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt một cách dễ dàng
Người bệnh nên mặc quần áo rộng rãi, dễ mặc và sử dụng các công cụ hỗ trợ
  • Vệ sinh răng miệng: Bạn có thể sử dụng bàn chải điện thay cho các loại bàn chải thông thường, giúp hạn chế chuyển động của vai khi đánh răng. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng thêm tăm nước hoặc nước súc miệng để hỗ trợ làm sạch răng miệng thay cho tăm hay chỉ nha khoa.
Trong vệ sinh răng miệng, người bệnh có thể sử dụng bàn chải điện, tăm nước, nước súc miệng thay cho bàn chải hay các loại tăm, chỉ nha khoa
Trong vệ sinh răng miệng, người bệnh có thể sử dụng bàn chải điện, tăm nước, nước súc miệng thay cho bàn chải hay các loại tăm, chỉ nha khoa
  • Chải tóc: Người bệnh có thể sử dụng lược răng thưa, chải tóc theo từng phần và đứng trước gương để việc chải tóc trở nên dễ dàng hơn.
Người bệnh có thể sử dụng lược răng thưa, chải tóc nhẹ nhàng
Người bệnh có thể sử dụng lược răng thưa, chải tóc nhẹ nhàng từng phần
  • Tắm rửa: Bạn nên sử dụng các dụng cụ như ghế ngồi, thảm chống trượt, cây bông tắm,… để hỗ trợ khi tắm.
Đễ hỗ trợ việc tắm rửa, người bệnh nên sử dụng thảm chống trượt và các loại cây bông tắm hỗ trợ chà lưng
Đễ hỗ trợ việc tắm rửa, người bệnh nên sử dụng thảm chống trượt và các loại cây bông tắm hỗ trợ chà lưng

Ngoài ra, bác sĩ, chuyên gia có thể sẽ khuyến khích bạn thực hiện các điều chỉnh cơ bản để có thể quay lại làm các công việc nhẹ nhàng như:

  • Điều chỉnh hoạt động: Giúp các hoạt động liên quan đến khớp vai được thực hiện đúng cách, làm giảm khả năng gây chấn thương.
  • Điều chỉnh nơi làm việc: Bao gồm điều chỉnh chiều cao bàn làm việc, thay đổi ghế ngồi có tựa,… nhằm đảm bảo khớp vai được hoạt động ở tư thế phù hợp. 

3. 4 lưu ý khi phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai

Để quá trình phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai được hiệu quả, bạn cần lưu ý 4 vấn đề sau:

  • Tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ: Trong quá trình tập luyện, bạn cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ đạt được mục tiêu phục hồi chức năng tốt nhất.
  • Tăng cường độ luyện tập đúng cách: Một số phương pháp tăng cường độ bài tập được khuyến khích như tăng số lần lặp lại, thực hiện chậm lại, giữ lâu hơn, tăng phạm vi chuyển động,…
  • Khởi động trước khi tập: Trước khi thực hiện các bài tập vật lý trị liệu, hãy đảm bảo bạn khởi động đầy đủ để chuẩn bị cho cơ vai.
  • Tránh tập luyện quá sức: Bạn cần biết giới hạn của bản thân và tránh gắng sức quá mức. Các động tác lặp đi lặp lại có thể làm căng vai dẫn đến chấn thương.
Trước khi thực hiện các bài tập vật lý trị liệu, bạn khởi động đầy đủ để chuẩn bị cho cơ vai.
Bạn cần khởi động nhẹ nhàng, làm nóng các cơ trước khi tiến hành tập luyện

4. Giải đáp 1 số câu hỏi thường gặp về phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai

Câu 1: Bị viêm quanh khớp vai thì không nên làm gì?

Viêm quanh khớp vai có thể trở nên trầm trọng hơn khi thực hiện các hoạt động như nâng vật nặng, nâng cao cánh tay qua đầu hay hoạt động thể chất quá mức. Bạn chỉ nên thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng, tránh gây hại cho khớp vai nhằm duy trì sức mạnh và phạm vi chuyển động ở các khớp bị ảnh hưởng.

Câu 2: Tư thế ngủ như thế nào là phù hợp với người mắc viêm quanh khớp vai?

Đối với viêm quanh khớp vai, có 2 tư thế ngủ mà bạn có thể lựa chọn:

  • Ngủ ngửa: Đặt cánh tay bị đau ngang bụng với khuỷu tay cong và đặt một chiếc gối bên dưới giúp nâng cánh tay và giảm áp lực lên vai.
  • Ngủ nghiêng: Nằm nghiêng về phía vai không bị đau, đặt một chiếc gối trước ngực và một chiếc gối khác bên dưới cánh tay bị đau.
Tư thế ngủ phù hợp với người viêm quanh khớp vai
Hai tư thế ngủ phù hợp cho người bị viêm quanh khớp vai

Câu 3: Bệnh nhân phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai nên kiêng ăn gì?

Một số thực phẩm và đồ uống có thể làm tăng nguy cơ viêm khớp hoặc làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn như:

  • Đường bổ sung trong kẹo, soda, kem, các loại nước sốt,…
  • Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn
  • Thực phẩm chứa gluten như lúa mì, lúa mạch và các loại ngũ cốc khác.
  • Thực phẩm chế biến cao như thức ăn nhanh, ngũ cốc ăn sáng, đồ nướng,…
  • Thực phẩm chứa nhiều Omega-3 như dầu cá, dầu hạt,… và Omega-6 như bơ thực vật, dầu thực vật,…
Hình ảnh các thực phẩm không tốt cho người vị viêm quanh khớp vai
Người mắc viêm quanh khớp vai không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều gluten, omega, đường,…

Trên đây là tổng hợp thông tin chi tiết về tác dụng, các phương pháp phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai, các lưu ý khi tập và giải đáp một số câu hỏi thường gặp. Phục hồi chức năng là một quá trình dài, yêu cầu người bệnh cần kiên trì thực hiện, làm đúng hướng dẫn của bác sĩ, chuyên gia để kết quả điều trị tốt nhất và nhanh nhất.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai, người bệnh hãy liên hệ với Trung tâm MYREHAB – MATSUOKA để được tư vấn miễn phí trong thời gian sớm nhất.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 15/04/2024Ngày cập nhật: 04/12/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.