Phục hồi chức năng bệnh nhân chấn thương tủy sống theo mức độ tổn thương

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.

Theo định nghĩa của Bộ Y tế, tủy sống là đường thần kinh nằm trong ống sống, chạy dọc từ não xuống dưới theo cột sống mang theo các luồng thông tin về cảm giác và vận động tỏa ra khắp cơ thể. Vì vậy, khi bị bệnh nhân chấn thương tủy sống, họ thường bị giảm hoặc mất cảm giác và khả năng vận động cho các phần cơ thể ở dưới vị trí bị tổn thương [1]. Điều này gây ra những thay đổi tạm thời hoặc vĩnh viễn không chỉ tới khu vực tổn thương mà gây liệt nửa người và các chi dưới, mất kiểm soát đường ruột hoặc bàng quang,… khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong nhiều hoạt động sống.

Theo bác sĩ CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan, việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân chấn thương tủy sống cần được thực hiện sớm để đưa họ quay về cuộc sống bình thường, hạn chế các biến chứng không mong muốn.

Trong bài viết này, chuyên gia Myrehab Matsuoka sẽ chia sẻ chi tiết về mục tiêu và lộ trình phục hồi chức năng bệnh nhân chấn thương tủy sống ở 3 giai đoạn: cấp tính, phục hồi và duy trì.

Phục hồi chức năng bệnh nhân chấn thương tủy sống
Bệnh nhân chấn thương tủy sống nên bắt đầu quá trình phục hồi càng sớm càng tốt theo chỉ định của bác sĩ.

1. Nguyên tắc cơ bản trong phục hồi chức năng tổn thương tủy sống

Nguyên tắc khi điều trị phục hồi chức năng bệnh nhân chấn thương tủy sống như sau [2]:

  • Chăm sóc và phục hồi chức năng ban đầu của tủy sống, tập trung vào việc giảm thiểu chấn thương, tăng cường khả năng phục hồi.
  • Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể. 
  • Người bệnh cần thực hiện quá trình phục hồi chức năng sớm, kiên trì tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị và chuyên gia vật lý trị liệu. 
  • Trong suốt liệu trình phục hồi của bệnh nhân, bác sĩ nên sử dụng thiết bị có khả năng đo lường tiến triển qua từng giai đoạn.
Hệ thống đánh giá hình thái cột sống DIERS tại Myrehab Matsuoka giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng với độ chính xác cao
Hệ thống đánh giá hình thái cột sống DIERS giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng chấn thương tủy sống với độ chính xác cao.

2. Phục hồi chức năng bệnh nhân chấn thương tủy sống trong giai đoạn cấp tính

Giai đoạn cấp tính là giai đoạn đầu sau khi chấn thương, gồm cả thời gian người bệnh nằm viện. Sau khi điều trị ban đầu, bệnh nhân sẽ được bác sĩ lên kế hoạch điều trị dài hạn với liệu trình phục hồi chức năng riêng biệt.

2.1 Mục tiêu phục hồi chức năng của giai đoạn cấp tính

Phục hồi chức năng chấn thương tuỷ sống có tác dụng ổn định tinh thần, ngăn ngừa các vấn đề mới xuất hiện khi bệnh nhân nằm một chỗ trong thời gian dài (teo cơ, tê liệt, viêm loét da, nhiễm trùng,…), ngăn ngừa các biến chứng có thể kéo dài (hình thành cục máu đông, mất kiểm soát về đường ruột, bàng quang,…) [3].

Nguyên tắc điều trị ở giai đoạn chấn thương tủy sống cấp tính

Theo bác sĩ CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan, giai đoạn chấn thương tủy sống cấp tính cần điều trị phục hồi theo các nguyên tắc như sau:

Điều trị theo đúng tình trạng

  • Điều trị theo mức độ đe dọa tính mạng bệnh nhân như: choáng tuỷ, mất máu,…
  • Điều trị theo nguyên nhân: chấn thương, ép tuỷ, viêm, lao,…

Chăm sóc đường hô hấp:

  • Dẫn lưu tư thế và kết hợp vỗ rung để giải thoát đờm rãi
  • Hướng dẫn tập thở, tập ho có hiệu quả
  • Đề phòng nghẽn mạch, huyết khối do nằm lâu bằng tăng cường vận động và thuốc chống đông.

Hướng dẫn người bệnh tự chăm sóc da

  • Vệ sinh da, giữ da luôn khô sạch
  • Kiểm tra thường xuyên để phát hiện sớm những vùng da có nguy cơ bị loét, lăn trở 2h/ lầ
  • Thay băng
  • Rửa vết loét

Phục hồi chức năng đường tiết niệu

  • Hướng dẫn người bệnh tự đặt sonde bàng quang. 
  • Hướng dẫn bệnh nhân tập luyện các bài tập kiểm soát tiểu tiện như test với nước lạnh, vỗ nhẹ hoặc ấn tay lên vùng bàng quang.
  • Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu bằng biện pháp uống 2 lít nước mỗi ngày, ăn nhiều trái cây chứa vitamin C, cấy nước tiểu.

Phục hồi chức năng đường ruột

  • Tư vấn cho bệnh nhân về chế độ ăn đủ nước, nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết.
  • Hướng dẫn bệnh nhân tự móc phân ra.
  • Hỗ trợ cho bệnh nhân luyện tập thói quen đại tiện.
  • Chăm sóc đường tiết niệu giúp bệnh nhân có thể bài tiết chất thải lỏng dư thừa và giúp khí huyết lưu thông tốt.
  • Đặt tư thế đúng và tập thụ động để ngăn ngừa các thương tật thứ cấp: loét tỳ đè,  co rút, teo cơ, cứng khớp, biến dạng…

Quá trình phục hồi chức năng bệnh nhân chấn thương tủy sống có thể kéo dài từ 6 – 12 tuần, tùy thuộc số lượng biến chứng xuất hiện ở bệnh nhân. [3]

2.2 Các bài tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng trong giai đoạn cấp tính

Ở giai đoạn cấp tính, bác sĩ sẽ chỉ định một số bài tập phục hồi chức năng chấn thương tủy sống nhằm phục hồi hệ bài tiết, hệ hô hấp,… tăng cường sức mạnh cho các cơ chi trên – chi dưới. Trong giai đoạn này, bệnh nhân sẽ tập luyện dưới sự hướng dẫn và giám sát của bác sĩ hoặc kỹ thuật viên. 

2.2.1. Bài tập thở

Bài tập thở có tác dụng hỗ trợ cho đường thở của bệnh nhân. Bởi vì, chấn thương tủy sống ở đoạn tủy vùng cổ và ngực thường gây ra tình trạng liệt một phần tại các cơ hô hấp của bệnh nhân.

Hướng dẫn thực hiện:

  • Hít vào thật sâu và giữ trong vài giây rồi thở ra từ từ bằng đường miệng
  • Tập hít vào và thở ra nhanh nhất có thể.
  • Thực hiện hít vào 3 lần theo trình tự như sau: lần 1 hít vào thật sâu và giữ trong vài giây → hít vào lần thứ 2 → hít vào lần thứ 3 sau đó thở ra từ từ. [4] 
Bài tập hít vào thở ra
Bài tập hít vào thở ra

2.2.2. Bài tập ho

Bài tập ho có tác dụng đẩy các chất cặn lắng như đờm, dãi,… đi ra ngoài cơ thể, giúp đường hô hấp thông thoáng.

  • Người hỗ trợ sẽ ấn tay lên phần bụng ngay dưới ngực.
  • Bệnh nhân sẽ hít vào thật sâu và chỉ thở ra khi người hỗ trợ cho phép.
  • Khi bệnh nhân ho, người hỗ trợ sẽ ấn thêm 1 lần nữa vào vị trí cũ.

Lưu ý: Bài tập này chỉ thực hiện với sự giúp đỡ của người hỗ trợ có chuyên môn. [5]

Bài tập ho
Bài tập ho

2.2.3. Bài tập gập và duỗi vai

Bài tập phục hồi chức năng bệnh nhân chấn thương tủy sống – gập và duỗi vai giúp người bệnh vận động cơ khớp vai, kéo giãn vai để duy trì và cải thiện phạm vi chuyển động sau thời gian nằm bất động do phẫu thuật chấn thương tủy sống.

Hướng dẫn thực hiện: Bệnh nhân ngồi trên giường hoặc ghế có dựa. Bác sĩ đứng bên cạnh, hỗ trợ đỡ một bên tay của bệnh nhân lên cao, cố định khớp khuỷu tay. Giữ cho khuỷu tay của bệnh nhân thẳng, di chuyển toàn bộ cánh tay từ dưới lên trên đỉnh đầu rồi hạ xuống. Bài tập cũng có thể thực hiện ở tư thế nằm.

Tần suất: 10 lần/ngày.

Bài tập gập và duỗi vai
Bài tập gập và duỗi vai

2.2.4. Bài tập gập và duỗi khuỷu tay 

Bài tập gập và duỗi khuỷu tay giúp vận động cơ chi trên, đặc biệt là khuỷu tay giúp cơ khớp khuỷu tay không bị co cứng sau thời gian dài nằm bất động.

Hướng dẫn thực hiện: Bác sĩ đặt một tay vên phần cổ tay của bệnh nhân, tay kia đặt lên cánh tay trên. Dùng lực từ từ uốn cong khuỷu tay đến khi bàn tay bệnh nhân chạm vào vai, sau đó duỗi thẳng hoàn toàn để cánh tay được duỗi thẳng xuống.

Tần suất: 10 lần/ngày.

Bài tập gập và duỗi khuỷu tay
Bài tập gập và duỗi khuỷu tay

2.2.5. Bài tập gập gối

Bài tập phục hồi chức năng bệnh nhân chấn thương tủy sống – gập gối giúp tăng sức mạnh cơ ở chi và thân mình sau một thời gian người bệnh nằm bất động bị cứng khớp.

Hướng dẫn thực hiện: Bệnh nhân nằm ngửa, gập 2 tay ở trên ngực. Bác sĩ sẽ nâng cẳng chân lên tạo thành 1 góc vuông với bắp chân. Sau đó, bác sĩ hạ xuống và chuyển sang chân còn lại. 

Tần suất: 10 lần/ngày.[6]

Bài tập gập gối
Bài tập gập gối

3. Phục hồi chức năng bệnh nhân chấn thương tủy sống giai đoạn ở hồi phục

Phục hồi chức năng sẽ giúp bệnh nhân có thể chủ động thực hiện được nhiều hoạt động cơ bản như đi, đứng, ngồi, đi dạo, vệ sinh cá nhân,…và tái hòa nhập được với cuộc sống.

Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ tập trung vào việc phục hồi chức năng với các liệu pháp vật lý trị liệu, đôi khi là tư vấn tâm lý. Bệnh nhân cần lưu trú ở trung tâm phục hồi chức năng để thực hiện liệu trình tối đa 3 giờ hàng ngày. Quá trình sẽ kéo dài nhiều năm và bệnh nhân sẽ cần tái khám thường xuyên ở năm đầu tiên.

Thời gian phục hồi các chức năng của cơ thể sau khi điều trị có thể kéo dài từ 18 tháng tới một vài năm tùy theo thể trạng và nỗ lực của bệnh nhân [7].

3.1 Mục tiêu phục hồi chức năng của giai đoạn hồi phục

Mục tiêu của giai đoạn hồi phục trong phục hồi chức năng chấn thương tủy sống là [3]:

  • Cải thiện khả năng độc lập cho cả 2 đối tượng là bệnh nhân bị liệt nửa người hoàn toàn và không bị liệt.
  • Giúp bệnh nhân có thể đi lại độc lập với sự trợ giúp một phần hoặc không cần trợ giúp.
  • Hỗ trợ người bệnh di chuyển độc lập với nạng, xe lăn,…
  • Lấy lại được chức năng vận động.

Vào giai đoạn phục hồi, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị sử dụng kết hợp máy móc điều trị triệu chứng và tập luyện với dụng cụ phục hồi chức năng chuyên dụng. Việc tập luyện với các bài vật lý trị liệu trong phục hồi chức năng bệnh nhân chấn thương tủy sống cần thực hiện sớm nhằm điều trị triệt để triệu chứng và hạn chế xảy ra biến chứng. 

Bệnh nhân tập vật lý trị liệu chấn thương tuỷ sống tại Myrehab Matsuoka
Các bài tập vật lý trị liệu ở giai đoạn phục hồi có tác dụng lấy lại khả năng vận động cho bệnh nhân.

Nguyên tắc điều trị ở giai đoạn phục hồi chấn thương tủy sống

Ở giai đoạn này, việc phục hồi chức năng bệnh nhân chấn thương tủy sống sẽ tập trung vào các khía cạnh chăm sóc bao gồm [8]:

  • Đề phòng tình trạng co rút, biến dạng xương ở bệnh nhân.
  • Cốt hóa lạc chỗ thường gặp ở khu vực gối, vai, háng, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật để giải quyết vấn đề này.
  • Hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các bài tập ức chế co cứng.
  • Kê toa cho bệnh nhân thêm một số loại thuốc chống co cứng như diazepam, phong bế,…
  • Vận động trị liệu: Bác sĩ và kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các bài tập vật lý trị liệu sẽ dựa vào mức tổn thương.
Hoạt động xoa bóp vật lý trị liệu
Hoạt động xoa bóp giúp khí huyết của bệnh nhân được lưu thông, tránh bị đè ép, loét da khi nằm một chỗ trong thời gian dài.

3.2 Các bài tập vật lý trị liệu giai đoạn hồi phục

Dưới đây là một số bài tập phục hồi chức năng chấn thương tủy sống có tác dụng xây dựng lại sức mạnh và tính linh hoạt cho bệnh nhân chấn thương tủy sống ở giai đoạn phục hồi:

3.2.1.Bài tập phục hồi chức năng phổi

Bài tập phục hồi chức năng bệnh nhân chấn thương tủy sống – bài tập phổi hỗ trợ người bệnh hít thở, làm thông thoáng đường thở, tăng cường sức mạnh cốt lõi, tăng lượng oxy nạp vào cơ thể, từ đó tối ưu hóa các chức năng trong cơ thể  [9].

Hướng dẫn thực hiện: Nằm ngửa, đặt tay lên bụng và hít thở, cảm nhận cơ bụng phình lên khi hít vào và xẹp xuống khi thở ra.

Tần suất: 10 lần/buổi, 3 buổi/ngày.

3.2.2.Bài tập cử động cơ thể

Tập vận động chủ động dưới sự trợ giúp của người thân hoặc chuyên viên vật lý trị liệu giúp giảm thiểu tình trạng căng cứng khớp, cải thiện khả năng di chuyển.

Hướng dẫn thực hiện: Nằm ngửa, thực hiện các động tác duỗi cổ tay, nắm bàn tay, nhấc chân.

Tần suất: 10 lần/buổi, 3 buổi/ngày.

Bài tập cử động cơ thể
Bài tập cử động cơ thể

3.2.3. Bài tập gập tay (Elbow Flexion)

Bài tập phục hồi chức năng bệnh nhân chấn thương tủy sống bằng cách gập tay có tác dụng giúp cơ khớp cánh tay được di chuyển, tăng khả năng kiểm soát chuyển động của người bệnh [9].

Hướng dẫn thực hiện: Ngồi dựa lưng vào ghế hoặc nằm, thực hiện uốn cong cổ tay và khuỷu tay nhẹ nhàng với sự trợ giúp của dây tập.

Tần suất: 10 lần/buổi, 3 buổi/ngày.

3.2.4. Bài tập ngồi nâng chân (Seated Marching)

Bài tập phục hồi chức năng bệnh nhân chấn thương tủy sống bằng các bước ngồi nâng chân có tác dụng vận động nhóm cơ chi dưới, giảm teo cơ sau thời gian nằm điều trị chấn thương tủy sống, tăng tuần hoàn máu [9].

Hướng dẫn thực hiện: Ngồi ở mép ghế, đặt hai chân vuông góc với mặt đất, lần lượt nâng từng đầu gối lên.

Tần suất: 10 lần/buổi, 3 buổi/ngày.

Bài tập nâng chân
Bài tập nâng chân

3.2.5. Bài tập cúi người (Seated Trunk Flexion)

Bài tập cúi người – một trong những bài tập phục hồi chức năng bệnh nhân chấn thương tủy sống đòi hỏi người bệnh phải vận động kết hợp tay, vai, cơ lưng, nhờ đó nâng cao khả năng giữ thăng bằng, tăng sự linh hoạt, phối hợp của các nhóm cơ trên cơ thể [9].

Hướng dẫn thực hiện: Ngồi ở mép ghế, cố gắng với tay xuống chạm sàn rồi từ từ ngồi dậy.

Tần suất: 10 lần/buổi, 3 buổi/ngày.

Bài tập cúi người
Bài tập cúi người

3.2.6. Bài tập gập vai (Shoulder Flexion)

Bài tập phục hồi chức năng bệnh nhân chấn thương tủy sống – bài tập gập vai với hai cánh tay nâng lên vuông góc với vai giúp vận động chi trên, tăng khả năng vận động của tay [9].

Hướng dẫn thực hiện: Nằm ngửa, thả lỏng cánh tay, từ từ vươn cánh tay lên cao khỏi đầu đến mức không cảm thấy đau.

Tần suất: 10 lần/buổi, 3 buổi/ngày.

3.2.7. Tập di chuyển có sử dụng xe lăn

  • Tập sử dụng xe lăn bằng các bài tập ngồi dậy, ngồi vào xe lăn, di chuyển từ xe lăn sang giường nằm và ngược lại.
  • Tập di chuyển trên xe lăn với khoảng cách xa, cần chú ý phòng ngừa nguy cơ ngã khi di chuyển bằng xe lăn.

4. Phục hồi chức năng bệnh nhân chấn thương tủy sống ở giai đoạn duy trì

Khi bị chấn thương tủy sống, cơ thể người bệnh đột ngột bị suy giảm chức năng vận động, kéo theo tâm lý bị chấn động lớn. Chính vì thế, đa phần bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái chán nản, tự ti, lo âu, thậm chí là trầm cảm. Theo nghiên cứu của WHO, khoảng 20 – 30% người bị chấn thương cột sống có một số dấu hiệu trầm cảm [10].

Mục đích của giai đoạn duy trì trong điều trị phục hồi chức năng bệnh nhân chấn thương tủy sống bao gồm [3]:

  • Hỗ trợ bệnh nhân thường xuyên, kịp thời.
  • Động viên, giúp đỡ để người bệnh giảm cảm giác bị cô lập, được hỗ trợ về mặt tinh thần.
  • Giúp bệnh nhân thích nghi được những hoạt động sinh hoạt thường ngày.
  • Hỗ trợ người bệnh tái hòa nhập cộng đồng, trở lại công việc và cuộc sống.
  • Trong quá trình bệnh nhân tái hòa nhập, bác sĩ và người thân cần tạo ra môi trường đi lại an toàn, dễ dàng bằng cách:
  • Nơi đi lại, sinh hoạt phải bằng phẳng, không có các vật cản nguy hiểm.
  • Cầu thang có tay vịn chắc chắn, lắp các thanh song song quanh nhà để bệnh nhân có nơi bám víu, hỗ trợ đi lại.
  • Bố trí nhà vệ sinh, nhà bếp hợp lý, thuận tiện cho sinh hoạt.
  • Điều chỉnh chiều cao của giường ngủ bằng với chiều cao xe lăn để dễ dàng di chuyển, sinh hoạt.
  • Trang bị thêm dụng cụ trợ giúp để người bệnh dễ dàng ăn uống, sinh hoạt.
Trị liệu tâm lý cần thiết cho người bệnh chấn thương tuỷ sống trong giai đoạn duy trì
Trị liệu tâm lý là cần thiết cho người bệnh trong giai đoạn duy trì.

5. Lưu ý khi tập phục hồi chức năng chấn thương tủy sống

Theo bác sĩ CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan, chấn thương tủy sống thường đòi hỏi thời gian phục hồi lâu dài. Để quá trình phục hồi chức năng bệnh nhân chấn thương tủy sống đạt hiệu quả tốt nhất, bệnh nhân và người thân cần lưu ý những điều sau đây:

  • Lộ trình tập phục hồi chức năng cần được thực hiện kiên trì, đúng thời điểm.
  • Cần tuân theo chỉ dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu.
  • Người bệnh nên có tâm lý tích cực để thực hiện tốt việc trị liệu, từ đó cơ thể nhanh chóng phục hồi.
  • Việc tập luyện thể thao, vật lý trị liệu phải thực hiện đúng động tác, không được tự ý sáng tạo để tránh chấn thương nặng hơn.
  • Xây dựng chế độ ăn uống, dùng thuốc hợp lý, uống đủ 2 lít nước, sinh hoạt lành mạnh.
  • Bệnh nhân cần được bổ sung nhiều chất đạm, khuyến nghị là là 1,5 đến 2gr/kg/ngày, tập trung vào thịt, cá, trứng, sữa,…
Chế độ dinh dưỡng đảm bảo sẽ thúc đẩy quá trình hồi phục chấn thương tủy sống cho bệnh nhân
Bệnh nhân cần bổ sung đạm để thúc đẩy quá trình hồi phục chấn thương tủy sống cho bệnh nhân.

Một số lưu ý chăm sóc da trong quá trình phục hồi chức năng bệnh nhân chấn thương tủy sống:

  • Phòng tránh nhiễm trùng, hình thành vết loét: Vết loét hình thành trong vòng 2 – 4 giờ ở vùng da bị đè ép liên tục. Người bệnh cần giảm hoặc bỏ áp lực đè ép, kích thích máu tuần hoàn, giữ cho da luôn sạch sẽ.
  • Giảm đè ép: Lăn trở mỗi 2h/lần với 4 tư thế nghiêng 2 bên, sấp, ngửa, kiểm tra vùng đè ép sau mỗi lần thay đổi, sử dụng đệm hơi cao su có áp lực hơi thay đổi liên tục để hỗ trợ.
  • Người bệnh ngồi xe lăn cần dồn trọng lực lên toàn bộ mông đùi hai bên, tự động nhấc người lên sau khi ngồi xe 20 – 30 phút.
  • Vận động, massage da thường xuyên, tránh xoa bóp vào vùng bị tổn thương.

Chấn thương tủy sống được xếp vào loại tổn thương mức độ nặng, đòi hỏi quá trình phục hồi chức năng bệnh nhân chấn thương tủy sống phải kiên trì và toàn diện. Bệnh nhân hãy đến trung tâm vật lý trị liệu chuyên nghiệp, có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao để được hướng dẫn và có phác đồ điều trị phù hợp theo từng giai đoạn.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 07/05/2024Ngày cập nhật: 07/05/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo