Rách sụn chêm: Nguyên nhân, dấu hiệu, phương pháp chẩn đoán và điều trị

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi ThS. BS CKII. Đặng Thị Kim Hương – Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.

Sụn chêm ở khớp gối đóng vai trò quan trọng khi chịu toàn bộ tải trọng của cơ thể. Đây là một bộ phận rất dễ bị tổn thương và cần thời gian phục hồi khá dài từ 3 – 6 tháng trở lên. Một trường hợp điển hình của rách sụn chêm là cầu thủ Neymar đã phải tạm dừng thi đấu hơn 9 tháng do chấn thương đầu gối trong một trận đấu vòng loại World Cup khu vực Nam Mỹ. 

Trong bài viết này, chuyên gia Myrehab Matsuoka sẽ cung cấp các thông tin tổng quan về rách sụn chêm đầu gối cùng phương pháp điều trị và phục hồi chức năng. Tìm hiểu ngay nhé!

1. Khái niệm rách sụn chêm

Sụn chêm được ví như “miếng đệm” giảm xóc ở khớp gối vì có vị trí ở giữa xương chày và xương đùi, có tác dụng hấp thụ và truyền các xung lực từ xương đùi xuống xương chày. Dựa vào vị trí của sụn chêm trong khớp gối, các nhà khoa học đã chia thành 2 loại bao gồm:

  • Sụn chêm trong hình chữ C nằm ở trong khớp gối
  • Sụn chêm ngoài hình chữ O nằm ở ngoài khớp gối

Rách sụn chêm là một trong những chấn thương phổ biến ở đầu gối khi khớp gối bị tác động lực xoay đột ngột với cường độ mạnh (ở người chơi thể thao) hoặc thoái hóa khớp (ở những người lớn tuổi).

Vị trí rách sụn chêm có thể xảy ở vùng chữ C hoặc chữ O; rách sừng trước; rách sừng sau, rách vùng có mạch nuôi; rách vùng vô mạch;… Hình thái rách của sụn chêm có thể theo chiều dọc, chiều ngang; rách sụn chêm hình nan hoa, hình vạt; rách sụn chêm phức tạp,… 

Vết rách sụn chêm hình dọc
Ví dụ về vết rách sụn chêm hình dọc.

2. Nguyên nhân gây rách sụn chêm

Ở những người trẻ tuổi, chấn thương rách sụn chêm thường bắt nguồn từ những tình huống xảy ra đột ngột, khiến lực mạnh tác động trực tiếp lên khớp gối, có thể xuất phát từ các sự cố như: tai nạn lao động, tai nạn giao thông, hay các chấn thương trong hoạt động thể chất.

Đặc biệt, ở những người chơi thể thao, các động tác xoay xoắn người đột ngột như trong bóng đá, bóng rổ sẽ rất dễ gặp phải tình trạng này. Trong các pha tranh chấp, va chạm mạnh hay xoay người bất ngờ có thể làm sụn chêm bị rách một phần hoặc toàn phần. 

Trong khi đó, nguyên nhân chính gây ra tình trạng rách sụn chêm ở người cao tuổi là do quá trình thoái hóa khớp gối theo tuổi tác. Sụn chêm bị mài mòn theo thời gian sẽ trở nên mỏng dần làm mất đi tính đàn hồi và dễ bị tổn thương hơn. Ngay cả các chuyển động đơn giản như bước lên cầu thang hay đứng lên ngồi xuống cũng có thể gây ra rách sụn chêm.

Ngoài ra, một số bệnh lý như viêm khớp, béo phì hoặc loãng xương cũng làm tăng nguy cơ rách sụn chêm ở người cao tuổi. 

Có thể bạn quan tâm: Tìm hiểu chi tiết về phục hồi chức năng thoái hóa khớp gối: Phương pháp, thời gian “vàng”

Rách sụn chêm đầu gối ở những người lớn tuổi bị thoái hoá khớp
Rách sụn chêm ở những người lớn tuổi bị thoái hóa khớp

3. Dấu hiệu nhận biết rách sụn chêm

Một số dấu hiệu thường gặp ở rách sụn chêm:

  • Đau ở đầu gối: Tình trạng này có thể bao gồm các cơn đau liên lục, đau khi di chuyển hoặc cử động đầu gối. Cơn đau có thể tăng lên khi thực hiện các hoạt động như leo cầu thang hoặc đứng quá lâu.
  • Sưng tấy [1]: Đầu gối của bệnh nhân có thể trở nên cứng và hạn chế khả năng co gối. Khi bệnh nhân vặn xoay người hoặc ngồi xổm có thể gây cảm giác đau nhói.
  • Khó khăn khi di chuyển [2]: Khi vết rách nhỏ, bệnh nhân vẫn có thể đi bộ mà không gặp nhiều khó khăn, các hoạt động thường ngày vẫn được diễn ra như thông thường. Tuy nhiên, khi vết rách lớn hơn, đầu gối có thể bị kẹt, rất khó khăn để bệnh nhân duỗi thẳng gối và sẽ đi kèm với đó là những cơn đau nhói.
  • Đầu gối bị kẹt hoặc bó cứng [3]: Đây là triệu chứng phổ biến của rách sụn chêm gối, đặc biệt là rách sụn chêm mảng lớn, khi đó đầu gối bị kẹt, bệnh nhân có thể cảm nhận tiếng “lục cục” hoặc có cảm giác như thứ gì đó cản trở cử động của khớp. Trong nhiều trường hợp, tình trạng “kẹt khớp” có thể khiến bệnh nhân bị mất thăng bằng và ngã.

Các vết rách sụn chêm có thể gây ra các cơn đau, sưng và gây khó khăn trong việc cử động gối. Mức độ đau nặng – nhẹ có thể thay đổi tùy thuộc vào kích thước và vị trí của vếch rách, các cơn đau có thể tái phát theo thời gian. 

Vết đau, sưng do rách sụn chêm khớp gối gây ra
Vết đau, sưng do rách sụn chêm gây ra

4. Biến chứng của rách sụn chêm

Rách sụn chêm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

  • Đau nhức dữ dội, đau mãn tính [4]: Đau nhức có thể xuất hiện liên tục, âm ỉ hoặc đột ngột, khiến bệnh nhân khó chịu, mất ngủ và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Nếu để lâu dần, cơn đau có thể chuyển thành đau mãn tính, khó điều trị dứt điểm.
  • Teo cơ [5]: Khi khớp gối bị đau khiến việc không vận động thường xuyên dẫn đến teo cơ, làm yếu đi sức mạnh của cơ bắp và ảnh hưởng đến khả năng di chuyển. Lâu dần, teo cơ tứ đầu đùi khiến đầu gối càng trở nên yếu ớt và dễ bị tổn thương.
  • Hư khớp gối [6]: Rách sụn chêm không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến bào mòn sụn khớp, gây ra tình trạng hư khớp gối, khớp gối có thể mất khả năng hoạt động bình thường. Khi sụn khớp bị bào mòn, các đầu xương cọ xát trực tiếp vào nhau gây ra những cơn đau dữ dội.
  • Thoái hóa khớp [7]: Đây là một bệnh lý mãn tính, dần dần khớp gối bị cứng, sưng tấy và đau nhức, không thể chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể kiểm soát các triệu chứng đau, nhức. 
  • Lệch khớp, trật khớp [8]: Rách sụn chêm có thể làm giảm độ ổn định của khớp gối, dẫn đến nguy cơ lệch khớp hoặc trật khớp cao hơn. Khi hai bề mặt khớp không còn cân bằng, sẽ gây ra lệch khớp trong quá trình di chuyển, làm tổn thương các cấu trúc khác xung quanh khớp gối.
  • Tổn thương các bộ phận khác [9]: Sụn chêm bị rách có thể dẫn đến tổn thương các bộ phận xung quanh khớp gối như: dây chằng, gân, bao khớp. Các tổn thương này có thể gây ra đau nhức, sưng và ảnh hưởng đến chức năng vận động của khớp gối.
Cơn đau do chấn thương sụn chêm gây nhiều phiền toái, khó chịu cho người bệnh
Cơn đau do rách sụn chêm gây nhiều phiền toái, khó chịu cho người bệnh.

5. Phương pháp chẩn đoán rách sụn chêm

Để xác định đúng tình trạng rách sụn chêm của bệnh nhân, bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp khám lâm sàng để kiểm tra phạm vi cử động của khớp gối; có thể sử dụng thêm hình ảnh chẩn đoán bằng chụp X-quang hoặc MRI. Cụ thể như sau:

5.1. Khám lâm sàng

Sau khi trao đổi với bệnh nhân về các triệu chứng và tiền sử bệnh, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ tổn thương của sụn chêm bằng cách kiểm tra phạm vi cử động của đầu gối và mức độ đau của bệnh nhân dọc theo khu vực quanh khớp gối.

Dựa vào các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ quyết định thực hiện thêm xét nghiệm hình ảnh như X-quang, MRI hoặc nội soi khớp gối để xác định chính xác mức độ rách và hình thái rách của sụn chêm.

5.2. Chẩn đoán hình ảnh

1 – Tia X

Tia X sử dụng chùm năng lượng điện từ vô hình để tạo ra hình ảnh các mô, xương và cơ quan bên trong khớp gối lên phim [10]. Mặc dù giá trị của tia X trong điều trị tổn thương sụn chêm khá hạn chế bởi vì cấu trúc của sụn không thể xuất hiện trên phim X-quang nhưng chỉ định này giúp loại trừ các vấn đề khác ở khớp gối có thể gây ra triệu chứng tương tự như rách sụn chêm.

Kết quả chụp X-quang của bệnh nhân rách sụn chêm gối
Kết quả chụp X-quang của bệnh nhân bị rách sụn chêm.

2 – Chụp cộng hưởng từ (MRI)

MRI là phương pháp chẩn đoán hình ảnh tạo ra hình ảnh chi tiết về cấu trúc sụn. Quá trình quét MRI có thể mất từ 15 đến 90 phút và tổng thời gian kiểm tra từ 1.5 đến 3 giờ, bao gồm cả việc chuẩn bị và đưa ra kết quả. Quá trình chẩn đoán rách sụn chêm bằng phương pháp MRI như sau:

  • Bước 1: Bệnh nhân được đặt trong máy MRI, và được tiêm chất gadolinium (có vai trò như thuốc tương phản, giúp tăng cường độ tương phản của hình ảnh MRI). Gadolinium tập trung xung quanh các mô sụn làm chúng hiển thị sáng hơn trong hình ảnh.
  • Bước 2: Máy MRI tạo ra từ trường và kết hợp với tần số vô tuyến để thay đổi sự liên kết của các nguyên tử trong cơ thể. Máy quét gửi các xung sóng vô tuyến vào cơ thể, làm cho các hạt nhân nguyên tử di chuyển khỏi vị trí bình thường. Khi hạt nhân sắp xếp lại thành vị trí thích hợp, sẽ gửi các tín hiệu vô tuyến. Máy tính nhận và phân tích các tín hiệu này để tạo ra hình ảnh của vùng cơ thể đang được kiểm tra.
  • Bước 3: Bác sĩ sẽ dựa trên kết quả hiển thị để đưa ra đánh giá.
Kết quả chụp MRI
Kết quả chụp MRI

3 – Nội soi khớp (Arthroscopy)

Nội soi khớp là phương pháp có độ chính xác cao nhằm đánh giá tình trạng sụn chêm trong khớp. Phương pháp nội soi khớp gối thể cung cấp hình ảnh trực quan và chi tiết từ bên trong. Kết quả nhận được là cơ sở để các chuyên gia đưa ra đánh giá và phương pháp điều trị phù hợp. Quy trình này bao gồm các bước sau đây:

  • Bước 1: Một ống quang nhỏ, gọi là máy soi khớp được đưa vào qua một vết mổ nhỏ ở khớp. Máy soi khớp có ánh sáng và hệ thống quang học để truyền tải hình ảnh từ bên trong khớp lên màn hình.
  • Bước 2: Hình ảnh bên trong khớp có ánh sáng và hệ thống quan học để truyền tải hình ảnh từ bên trong khớp lên màn hình từ máy soi khớp.
  • Bước 3: Bác sĩ sẽ đánh giá hình ảnh nội soi khớp gối để chẩn đoán vết rách và đưa ra đánh giá cụ thể về mức độ tổn thương của các mô sụn.
Phẫu thuật nội soi khớp gối
Phẫu thuật nội soi khớp gối

6. Phương pháp điều trị rách sụn chêm

6.1. Điều trị không phẫu thuật

1 – Dùng thuốc

  • Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen và naproxen: Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ức chế sản xuất các chất gây viêm trong cơ thể, giúp giảm viêm và giảm đau trong phần sụn chêm. Bệnh nhân rách sụn chêm cần tuân thủ đúng theo liều lượng của bác sĩ kê để tránh các tác dụng phụ gây viêm loét dạ dày hoặc tác động xấu đến chức năng của thận. [11]
  • Paracetamol: Đây là loại thuốc giảm đau không chống viêm có tác dụng giảm đau theo cơ chế: thuốc tác động đến trung tâm cảm giác của não nhằm kiểm soát cơn đau do rách sụn chêm gây ra. Bệnh nhân cần sử dụng thuốc đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ để tránh làm tổn thương gan.
  • Tiêm chất béo phân mảnh vi mô (MFAT): Đối với các điều trị tiêm MFAT, từ tế bào mỡ của bản thân người bệnh sẽ được lấy, xử lý và phân mảnh thành các mảnh mỡ siêu nhỏ sau đó tiêm trực tiếp vào vùng sụn tổn thương. Các tế bào mỡ và tế bào gốc có trong MFAT có khả năng tái tạo và sửa chữa mô sụn, giúp cải thiện chức năng sụn chêm. [12]
  • Thuốc cô đặc hút tủy (BMAC): Mẫu tủy xương của bệnh nhân sẽ được lấy ra và tiêm vào vùng sụn chêm. Phương pháp này đều chứa tế bào gốc và yếu tố tăng trưởng, giúp kích thích quá trình tái tạo và sửa chữa sụn chêm. [13]

2 – Chườm đá

Chườm đá là một phương pháp đơn giản, hiệu quả để giảm đau và sưng tấy tại vị trí sưng, đau. Bệnh nhân có thể thực hiện tại nhà với những nguyên liệu dễ kiếm, giúp giảm bớt sự khó chịu trong cơn đau ở vùng sụn chêm bị rách.

Hướng dẫn chườm đá đúng cách [14]:

  • Bước 1. Dùng khăn hoặc túi chườm lạnh chuyên dụng cho đá viên vào.
  • Bước 2. Đặt vật kê để nâng cao vị trí gối, điều này nhằm giảm áp lực máu lên khu vực bị rách.
  • Bước 3. Đặt chườm đá lạnh lên vùng gối bị rách sụn chêm và giữ khoảng 15’, không nên để quá lâu để tránh làm tổn thương da.
  • Bước 4. Cứ sau 4-6 tiếng thực hiện chườm đá một lần, thực hiện liên tục trong 2 ngày đầu của chấn thương.
Chườm đá hỗ trợ giảm đau tức thời cho vết thương.
Chườm đá hỗ trợ giảm đau tức thời cho vết thương.

3 – Nẹp đầu gối

Nẹp đầu gối có thể được sử dụng để điều trị rách sụn chêm trong một số trường hợp nhất định. Nẹp giúp hạn chế cử động của khớp gối, tạo điều kiện cho sụn chêm có thời gian phục hồi.

Có nhiều cách loại nẹp đầu gối, trong đó hai cách phổ biến là: 

  • Nẹp chức năng: Loại nẹp này cho phép cứ động khớp gối một phần, thường được sử dụng sau phẫu thuật hoặc trong quá trình phục hồi chức năng.
  • Nẹp bất động: Loại nẹp này cố định hoàn toàn khớp gối, thường được sử dụng trong trường hợp rách sụn chêm cấp tính hoặc nghiêm trọng.

4 – Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu thường được các bác sĩ chỉ định áp dụng cho bệnh nhân trong phục hồi chức năng cho sụn chêm nhằm tăng hiệu quả điều trị, rút ngắn thời gian hồi phục, giảm thiểu sử dụng thuốc hoặc biến pháp xâm lấn. Dưới đây là 3 liệu pháp vật lý trị liệu thường được áp dụng trong quá trình phục hồi chức năng rách sụn chêm [15]:

  • Sử dụng băng quấn: Quấn băng quanh đầu gối hoặc dùng miếng đỡ đầu gối để giúp hỗ trợ giảm áp lực của cơ thể lên vùng sụn tổn thương. 
  • Điện xung: Đây là cách sử dụng dòng điện nhẹ để kích thích quá trình lành vết thương và giảm đau. Trong trường hợp rách sụn chêm, điện xung có thể được áp dụng để tăng cường lưu thông máu, kích thích sự tái tạo sụn và giảm tình trạng viêm.
  • Squad ngắn: Thực hiện động tác vận động nhẹ nhàng để tăng cường khả năng tuần hoàn máu, hỗ cơ các cơ và khớp lân cận vận động và hạn chế tình trạng co cứng khớp gối. Bài tập được thực hiện như sau:
    • Bước 1: Đứng hai chân rộng bằng vai
    • Bước 2: Khụy đầu gối của bạn một góc khoảng 45 độ
    • Bước 3: Giữ tư thế ngồi xổm này trong 3 giây
    • Bước 4: Từ từ đứng thẳng lên và lặp lại liên tục 10 lần.

Tìm hiểu thêm về phục hồi chức năng sau mổ sụn chêm nhằm hạn chế tình trạng phù nề, giảm đau, tăng cường sức mạnh cho các cơ xung quanh đầu gối và chân, giúp ổn định khớp gối.

Động tác Squad hỗ trợ cơ khớp gối vận động nhẹ nhàng
Động tác Squad hỗ trợ cơ khớp gối vận động nhẹ nhàng.

Một số lưu ý cho bệnh nhân để giảm bớt các triệu chứng của rách sụn chêm:

  • Dừng bất kỳ bài tập hoặc hoạt động nào xuất hiện cảm giác đau trong những ngày đầu, để khớp gối của bạn có thể được nghỉ ngơi.
  • Nên tháo ra băng quấn vào buổi tối trước khi đi ngủ sẽ tránh làm giảm tuần hoàn máu.
  • Giữ chân của bạn trên gối càng nhiều càng tốt để giảm áp lực lên vết thương, hỗ trợ giảm đau.

6.2. Điều trị phẫu thuật

Khi tình trạng rách sụn chêm trở nên nghiêm trọng và các biện pháp không xâm lấn không còn hiệu quả thì phẫu thuật trở thành lựa chọn phù hợp nhất [16]. Dưới đây là 3 phương pháp điều trị xâm lấn bằng hình thức phẫu thuật rách sụn chêm:

  • Khâu sụn chêm: Đối với vết rách sụn chêm nhỏ và nằm ở vùng giàu mao mạch (⅓ phía ngoài, tiếp giáp với màng hoạt dịch), bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật nội soi khớp. Các mũi khâu được đặt qua nội soi để giữ các vết rách lại với nhau giúp khôi phục tính chất của sụn chêm, tạo điều kiện tốt cho quá trình lành vết rách.
  • Cắt bỏ sụn chêm: Đối với sụn chêm có vết rách lớn và nằm trong khu vực vùng vô mạch (ở phần trung tâm của sụn chêm, nơi không có khả năng tưới máu tốt), bác sĩ có thể quyết định cắt bỏ phần sụn chêm bị rách để giảm bớt cơn đau cho bệnh nhân. Phương pháp này có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh xương khớp trong tương lai. Chính vì thế, sau phẫu thuật bạn cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra an toàn và hiệu quả.
  • Ghép sụn chêm: Đối với những trường hợp sụn chêm bị hủy hoại nghiêm trọng và viêm thoái hóa, bác sĩ có thể đề nghị đưa ra giải pháp thay thế hoặc ghép sụn khớp. Đây là một cuộc phẫu thuật lớn, có thể thay thế toàn bộ hoặc một phần của sụn chêm bị tổn thương bằng các vật liệu nhân tạo.

Một số lưu ý quan trọng sau phẫu thuật:

  • Nên tuân thủ các hướng dẫn và chỉ thị của bác sĩ về việc uống thuốc theo đúng liều lượng và thời gian quy định.
  • Đảm bảo vết mổ được vệ sinh sạch sẽ và theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc sự xuất hiện của dịch mủ để có thể có phương pháp xử lý ngay lập tức.
  • Thực hiện các bài tập và vận động theo hướng dẫn để tăng cường sức mạnh và phục hồi chức năng của đầu gối. Hạn chế các bài tập nặng, gây áp lực lớn đến khớp gối.
  • Theo dõi và kiểm tra định kỳ theo lịch trình được chỉ định bởi bác sĩ.

6.3. Điều trị bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)

Điều trị bằng huyết tương giàu tiểu cầu là một phương pháp tận dụng các đặc tính chữa bệnh tự nhiên của máu. Khi một lượng tiểu cầu đậm đặc được điều chế từ máu được tiêm vào sụn khớp bị tổn thương, các yếu tố tăng trưởng sẽ kích thích sự phát triển của tế bào mới, thúc đẩy quá trình chữa lành sụn.

Quy trình thực hiện phương pháp này như sau: [17].

  • Bước 1: Bác sĩ tiến hành lấy một lượng máu nhỏ được lấy từ người bệnh, sau đó được xử lý để tách huyết tương nhiều tiểu cầu từ các thành phần khác nhau.
  • Bước 2: Huyết tương từ tiểu cầu sau khi tách ra được tiêm trực tiếp vào vùng rách sụn chêm. Số lượng mũi tiêm và tần suất tiêm phụ thuộc vào tình trạng vết thương cụ thể. Thông thường từ 2 đến 6 mũi tiêm được tiến hành cách nhau khoảng một tuần.

Lợi ích của phương pháp PRP là sử dụng máu của chính bệnh nhân, do đó không có nguy cơ bị dị ứng hoặc phản ứng phụ nghiêm trọng. Ví dụ: 

Heather – một vận động viên đua xe đạp, vào cuối năm 2022 gần như cô ấy không đi lại được vì vết rách sụn chêm bên gối phải. Nhưng chỉ chưa đầy 1 tháng chữa trị bằng phương pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP), cô đã có thể đạp xe trở lại và vào tháng 5/2023, Heather đã chinh phục đèo Stelvio (Ý).

Điều trị bằng phương pháp huyết tương nhiều tiểu cầu
Điều trị bằng phương pháp huyết tương nhiều tiểu cầu

7. Phương pháp ngăn ngừa rách sụn chêm

Rách sụn chêm là một chấn thương phổ biến, thường xảy trong những tình huống bất ngờ. Mặc dù, bạn không thể phòng tránh hoàn toàn nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách thực hiện một số biện pháp phòng ngừa sau đây:

  1. Tập luyện để tăng cường cơ đùi có thể giúp tạo ra sự ổn định và hỗ trợ cho khớp gối. Bạn có thể thực hiện các bài tập như: Squat, lunges, leg press và các bài tập bổ trợ khác nhằm tăng cường độ bền cho cơ và khớp gối.
  2. Trước khi bắt đầu các hoạt động thể thao và tập luyện, nên dành 3-5’ để làm nóng cơ thể, tăng cường tuần hoàn máu. Đặc biệt là khi tham gia các hoạt động có tác động lực mạnh đến khớp gối như: nhảy dây, chạy bộ,…
  3. Đảm bảo cơ thể có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, để cơ thể có thời gian phục hồi, tránh gây căng thẳng quá mức.
  4. Lựa chọn giày phù hợp để ổn định khớp gối.
  5. Nên điều chỉnh cường độ tập luyện từ từ để khớp và cơ có thời gian thích nghi, tránh tăng cường độ tập luyện đột ngột.
  6. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các thực phẩm giàu canxi và vitamin D  để giúp xương chắc khỏe hơn.
Vận động làm nóng cơ thể trước khi tham gia các hoạt động vận động
Vận động làm nóng cơ thể trước khi tham gia các hoạt động vận động.

8. 5 câu hỏi thường gặp về rách sụn chêm

8.1. Rách sụn chêm có phải mổ không?

Rách sụn chêm không bắt buộc phải điều trị bằng phẫu thuật (mổ) bởi vì có nhiều phương pháp khác như: điều trị bằng huyết tương, sử dụng thuốc uống/tiêm, chườm đá,…

Bác sĩ sẽ dựa và tình trạng rách sụn chêm của bệnh nhân, độ tuổi, tình trạng sức khỏe để đưa ra liệu pháp điều trị phù hợp nhất.

8.2. Rách sụn chêm có tự lành được không?

Sụn chêm là một trong những khu vực có lượng cung cấp máu rất ít, chỉ ⅓ bên phía ngoài sụn là khu vực có nhiều mao mạch, chính khu vực này sẽ có thể có khả năng tự phục hồi, tuy nhiên vẫn phải tốn nhiều thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục tùy vào mức độ nghiêm trọng. Đối với vùng trung gian và vô mạch thì vết thương sẽ không bao giờ lành hoàn toàn nếu không có sự can thiệp từ bên ngoài.[18]

8.3. Rách sụn chêm nên ăn gì?

Đối với những người bị rách sụn chêm, bạn nên chú ý đến khẩu phần ăn uống của mình để bổ sung các vitamin và dưỡng chất phù hợp cho quá trình phục hồi sụn, giảm khả năng bị oxy hóa, chống viêm, nhiễm vết thương, bạn có thể ưu tiên các thực phẩm như:

  • Bổ sung các thực phẩm giàu Omega-3, như cá ngừ, cá hồi,…
  • Rau, củ quả giàu chất C hoặc bơ, dầu ôliu: Đây là thành phần quan trọng rất cần thiết cho quá trình tổng hợp collagen, giúp cho sụn khỏe mạnh.
  • Nghệ hoặc rừng: Đây là thành phần quan trọng giúp chống viêm, sưng tự nhiên. Bạn có thể chế biến thành nhiều món ăn hoặc kết hợp pha với nước ấm để uống.
  • Nước dùng từ xương: nguồn dinh dưỡng từ xương giàu collagen, gelatin, và các axit amin thiết yếu, hỗ trợ tái tạo sụn khớp sụn khớp. [19]
Chế độ dinh dưỡng khoa học trong quá trình điều trị rách sụn chêm
Tận dụng nguồn dinh dưỡng từ các loại thực phẩm để hỗ trợ quá trình hồi phục cho sụn chêm.

8.4. Rách sụn chêm bao lâu thì khỏi?

Thời gian để vết rách sụn chêm lành khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ nghiêm trọng của vết rách, độ tuổi và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, cũng như phương pháp điều trị được áp dụng.

Đối với các vết rách nhỏ nằm trong vùng giàu mao mạch, quá trình lành vết thương có thể xảy ra trong vòng vài tuần bằng cách sử dụng các phương pháp như: nghỉ ngơi, chườm đá, vật lý trị liệu,…

Tuy nhiên đối với các vết rách lớn hơn, quá trình lành vết thương sẽ mất vài tháng hoặc lâu hơn, có thể cần đi đến phương pháp phẫu thuật để thúc đẩy quá trình lành vết thương.[20]

8.5. Rách sụn chêm có đá bóng được không?

Nếu vết rách mới, nhỏ thì cơn đau do rách sụn chêm đem đến sẽ còn nhẹ và chưa gây nhiều khó chịu, bạn vẫn có thể chơi đá bóng. Tuy nhiên, việc tiếp tục chơi với vết sụn bị rách sẽ làm cho vết thương của bạn ngày càng nặng hơn, ảnh hưởng lâu dài đến khả năng tự hồi phục của nó.[21]

Rách sụn chêm gây ra những cơn đau dai dẳng, hạn chế khả năng sinh hoạt của bệnh nhân thậm chí chỉ là hoạt động đi bộ thường ngày. Nếu về lâu dài không chữa trị, rách sụn chêm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm khớp, thoái hóa sụn khớp gối. 

Chính vì thế, bệnh nhân cần đi khám để đảm bảo kết quả chẩn đoán chuẩn xác nhất, sớm phát hiện bệnh và đưa ra phương pháp điều trị kịp thời để hạn chế những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Hãy lựa chọn cho mình những trung tâm trị liệu uy tín để quá trình phục hồi trong thời gian ngắn và an toàn cho sức khỏe của mình.

Hãy liên hệ với MYREHAB MATSUOKA để được các chuyên gia của chúng tôi tư vấn chi tiết cho bạn về quá trình phục hồi chức năng rách sụn chêm an toàn, hiệu quả cao nhé!

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 12/08/2024Ngày cập nhật: 06/09/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.