4 giai đoạn phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi ThS. BS CKII. Đặng Thị Kim Hương – Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.

Quá trình phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não (CTSN) đòi hỏi phải toàn diện, đảm bảo đúng nguyên tắc và có sự phối hợp tốt giữa các thành viên trong nhóm điều trị. Một chương trình PHCN tốt sẽ giúp bệnh nhân sớm hồi phục, có thể lấy lại được tối đa các hoạt động chức năng và cải thiện được chất lượng cuộc sống.

PHCN đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hồi phục sau chấn thương sọ não (CTSN)
PHCN đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hồi phục sau CTSN

1. Các triệu chứng có thể xảy ra sau chấn thương sọ não

Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng sau CTSN có thể khác nhau đối với từng bệnh nhân. Tuy nhiên, một số triệu chứng phổ biến có thể xuất hiện bao gồm:

  • Đau đầu, chóng mặt
  • Buồn nôn
  • Lú lẫn
  • Choáng váng, ngất, hôn mê
  • Co giật
  • Mất điều hợp
  • Kém tập trung
  • Các vấn đề về trí nhớ
  • Khó tập trung
  • Mệt mỏi
  • Khiếm khuyết về mặt chức năng, vận động, cảm giác,…
  • Rối loạn về ngôn ngữ
  • Mất chức năng kiểm soát đại tiểu tiện
  • Bất ổn về mặt tâm lý xã hội như lo lắng, trầm cảm, thay đổi tính cách, khó kiểm soát cảm xúc, dễ cáu kỉnh,…

PHCN sẽ là một phần quan trọng trong quá trình hồi phục của người bệnh sau CTSN. PHCN có thể bao gồm nhiều hình thức khác nhau như liệu pháp thể chất, nghề nghiệp, ngôn ngữ, chăm sóc tâm thần, hỗ trợ xã hội,… Các bài tập và quy trình phục hồi chức năng chấn thương sọ não được thiết kế để giúp người bệnh hồi phục và hạn chế các triệu chứng càng nhiều càng tốt sau những ảnh hưởng của chấn thương.

Các triệu chứng phổ biến sau CTSN như đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi, chóng mặt,...
Một số triệu chứng phổ biến sau CTSN như đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi, chóng mặt,…

2. Mục đích của phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não

Mục đích chính của PHCN là giúp người bệnh hồi phục tối đa các chức năng đã mất và cải thiện chất lượng cuộc sống. Cụ thể:

Giai đoạn Mục tiêu
Giai đoạn cấp
  • Theo dõi chức năng sống, điều trị chấn thương, chăm sóc nuôi dưỡng, ngăn ngừa các thương tật thứ cấp như:
    • Cứng khớp hoặc biến dạng và co rút ở tay và chân.
    • Các biến chứng liên quan như loét, các vấn đề về hô hấp, ruột, bàng quan,…
  • Phục hồi khả năng giữ thăng bằng, tự xoay sở, lăn lật trên giường,…
Giai đoạn hồi phục
  • Nhanh chóng chuyển bệnh nhân ở chế độ chăm sóc tích cực sang chế độ vận động và thức tỉnh. 
  • Phục hồi đầy đủ các chức năng hô hấp – tim mạch – thần kinh – nhận thức hành vi – giác quan – ngôn ngữ – tâm lý – chỉnh hình – tái hòa nhập.
  • Cải thiện khả năng điều khiển dáng đi, điều chỉnh tư thế và các chức năng sinh hoạt hàng ngày.
  • Cải thiện giao tiếp và nhận thức của bệnh nhân.
Mục đích của PHCN sau CTSN là giúp người bệnh lấy lại các chức năng về vận động, ngôn ngữ, tinh thần, xã hội,... và hạn chế các biến chứng có thể xảy ra
Mục đích của PHCN sau CTSN là giúp người bệnh lấy lại các chức năng về vận động, ngôn ngữ, tinh thần, xã hội,… và hạn chế các biến chứng có thể xảy ra

Tuy nhiên, không phải bệnh nhân CTSN nào cũng cần thực hiện PHCN. Một số rất ít trường hợp CTSN nhẹ, người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn sau một thời gian nghỉ ngơi mà không có bất kỳ di chứng nào. Đa số bệnh nhân cần tham gia PHCN để cải thiện chức năng vận động, ngôn ngữ, nhận thức và các rối loạn khác với mục tiêu đưa bệnh nhân trở về cuộc sống với mức độ độc lập nhất có thể.

Các phương pháp PHCN thường được thực hiện từ rất sớm để tránh các di chứng thương tật thứ cấp, từ đó rút ngắn thời gian điều trị sau này. Chương trình PHCN phải toàn diện, bao gồm cả chức năng vận động lẫn nhận thức, hành vi ngôn ngữ, cảm giác, giác quan.

Tìm hiểu thêm về phục hồi chức năng rối loạn cơ tròn được phân chia thành 2 loại (rối loạn cơ tròn bàng quang và rối loạn cơ tròn hậu môn) giúp khôi phục sức mạnh của các cơ vòng, tăng trương lực cơ của các cơ thắt hậu môn ngoài. 

3. Phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não giai đoạn cấp 

PHCN sẽ được can thiệp khi tình trạng cấp cứu bệnh nhân CTSN đã được ổn định. Các bài tập chủ yếu là vận động thụ động, cần có sự hỗ trợ từ các bác sĩ, nhân viên y tế hoặc người nhà bệnh nhân. Mục tiêu của PHCN giai đoạn này là duy trì tầm vận động khớp, hạn chế teo cơ, cứng khớp và không làm trầm trọng thêm tình trạng của bệnh nhân.

3.1. Phục hồi chức năng hô hấp

CTSN có thể gây ra nhiều biến chứng liên quan đến hệ hô hấp bao gồm tắc nghẽn đường thở, viêm phổi, suy hô hấp,… PHCN có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng hô hấp do nằm lâu, cải thiện chức năng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Các phương pháp PHCN hô hấp như vỗ rung, phản xạ ho, phản xạ nuốt,… cần được thực hiện cá nhân hóa dưới sự hướng dẫn cụ thể của bác sĩ để đảm bảo an toàn và đúng kỹ thuật.

Xem thêm: Các kỹ thuật phục hồi chức năng hô hấp cải thiện trao đổi khí

3.2. Phục hồi chức năng tiêu hoá

CTSN có thể dẫn đến các vấn đề tiêu hóa phổ biến như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, khó nuốt, loét dạ dày,… PHCN tiêu hóa cho bệnh nhân có thể bao gồm các phương pháp các phương pháp:

  • Thuốc: Được sử dụng để điều trị buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, táo bón và đau bụng.
  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống mềm, ít chất xơ và nhiều chất lỏng có thể giúp giảm bớt các triệu chứng tiêu hóa.
  • Bổ sung: Vi chất dinh dưỡng như vitamin B và kẽm có thể giúp cải thiện chức năng tiêu hóa.
  • Vật lý trị liệu: Có thể giúp cải thiện hoạt động của dạ dày và ruột.   
Chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, vitamin, kẽm,... có thể hỗ trợ hồi phục chức năng tiêu hóa sau CTSN
Chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, vitamin, kẽm,… có thể hỗ trợ hồi phục chức năng tiêu hóa sau CTSN

3.3. Tập thay đổi tư thế nằm 

Bài 1: Tư thế Fowler: Đây là tư thế đặt bệnh nhân ở trạng thái nửa nằm nửa ngồi, phù hợp với bệnh nhân tai biến trong giai đoạn đầu, còn hôn mê và nằm tại chỗ. Tư thế này sẽ giúp hạn chế biến chứng quên nửa người, hỗ trợ khả năng hô hấp, tim mạch bình thường. Tư thế Fowler còn giúp người bệnh dễ dàng giao tiếp với bác sĩ, người nhà với thị trường quan sát rộng hơn. 

Tư thế Fowler được thực hiện cụ thể như sau:

  • Đối với phần thân trên:
    • Kê đệm 1 gối mỏng sau vai bệnh nhân nhằm hạn chế tình trạng đai vai bị đẩy ra sau.
    • Kê gối nâng cao phần cẳng tay để hạn chế phù nề ở chi trên
    • Cho bệnh nhân nắm các khối trụ (chai nước, khăn mặt,…), cổ tay gấp khoảng 35 độ vừa giúp thấm mồ hôi ở bàn tay vừa hạn chế biến chứng gấp cổ tay.
  • Đối với phần chi dưới: 
    • Kê gối mỏng ở phần khoeo chân để bệnh nhân được thoải mái và tránh tình trạng duỗi khớp gối.
    • Dùng tấm ván/gối kê ở mặt lòng bàn chân để tạo cho cổ chân góc 90 độ nhằm hạn chế chứng co rút gân Asin, gây ảnh hưởng đến dáng đi, chức năng di chuyển sau này.
Tư thế nằm Fowler
Các tư thế Fowler phổ biến

Bài 2: Tư thế nằm ngửa: Áp dụng với các bệnh nhân nhồi máu não hoặc xuất huyết diện rộng ở giai đoạn cấp (khoảng 3 – 4 tuần đầu tiên), khi bệnh nhân còn hôn mê. Tư thế này có phần tương tự với tư thế Fowler, tuy nhiên, bệnh nhân sẽ được nằm ở tư thế với thân trên, đầu và cổ thấp.

Tư thế nằm ngửa phù hợp với bệnh nhân ở giai đoạn cấp, còn hôn mê
Tư thế nằm ngửa phù hợp với bệnh nhân ở giai đoạn cấp, còn hôn mê

Bài 3: Tư thế nằm nghiêng bên liệt/yếu

  • Bước 1: Bắt đầu từ tư thế nằm ngửa, di chuyển tay yếu của bệnh nhân vuông góc với thân mình.
  • Bước 2: Nâng chân yếu của BN vắt trên chân lành, đưa tay lành của bệnh nhân lên trên thân người.
  • Bước 3: Một tay đặt ở vai, một tay ở hông, lật bệnh nhân nghiêng người sang bên yếu.
  • Bước 4: Đặt chân bên liệt duỗi thẳng, chân lành co.
  • Bước 5: Kê 1 gối sau lưng và 1 gối nâng đỡ bên khỏe (chi trên và chi dưới).

Lưu ý: Để tránh tình trạng trọng lượng cơ thể dồn toàn bộ lên khớp vai của bệnh nhân, nhân viên y tế/người nhà không nên nghiêng thân người bệnh nhân vuông góc với giường mà chỉ ở tư thế nửa nghiêng.

Tư thế nằm nghiêng bên liệt
Tư thế nằm nghiêng bên liệt

Bài 4: Tư thế nằm nghiêng bên lành

  • Bước 1: Đưa tay bên liệt đặt trên thân người, tay lành để thoải mái, tự do.
  • Bước 2: Dùng lực nâng đỡ phần vai và hông.
  • Bước 3: Từ từ làm động tác nghiêng, có thể nghiêng vuông góc với giường.
  • Bước 4: Đặt tay lành thoải mái, chân lành duỗi thẳng; dùng gối nâng đỡ chân liệt và tay liệt.
  • Bước 5: Cổ bàn tay bệnh nhân nắm chai lọ/khăn mặt hình trụ.
Tư thế nằm nghiêng bên lành
Tư thế nằm nghiêng bên lành

3.4. Tập vận động thụ động cho chi trên

Bài 1: Nâng hạ khớp vai

  • Bước 1: Đặt 1 tay nâng đỡ đai vai, 1 tay nâng đỡ cánh tay của bệnh nhân
  • Bước 2: Nhẹ nhàng thực hiện thao tác nâng – hạ khớp vai của bệnh nhân
Bài tập nâng hạ khớp vai
Bài tập nâng hạ khớp vai

Bài 2: Gập khớp vai

  • Bước 1: Đặt 1 tay nâng đỡ khuỷu tay, 1 tay đỡ phần cổ bàn tay của BN.
  • Bước 2: Đưa cánh tay của BN thẳng lên cao, vuông góc với mặt giường.
  • Bước 3: Từ từ hạ cánh tay BN về tư thế ban đầu.
Bài tập gập khớp vai
Bài tập gập khớp vai

Bài 3: Dạng – khép khớp vai

  • Bước 1: Đặt 1 tay nâng đỡ khuỷu tay, 1 tay đỡ phần cổ bàn tay của BN.
  • Bước 2: Đưa cẳng tay của BN lên cao, khuỷu tay vuông góc.
  • Bước 3: Từ từ đưa cánh tay của BN sang ngang, dạng – khép với biên độ 0 – 90 độ.
Bài tập dạng khép khớp vai
Bài tập dạng – khép khớp vai

Bài 4: Gập – duỗi khớp khuỷu tay

  • Bước 1: Đặt 1 tay nâng đỡ khuỷu tay, 1 tay đỡ phần cổ bàn tay của BN.
  • Bước 2: Từ từ gập khuỷu tay của bệnh nhân lại hết mức.
  • Bước 3: Thực hiện động tác duỗi khuỷu tay về tư thế ban đầu.
Bài tập gập duỗi khuỷu tay
Bài tập gập – duỗi khớp khuỷu tay

Bài 5: Gập – duỗi khớp cổ tay

  • Bước 1: Đặt 1 tay nâng đỡ  phần cẳng tay, 1 tay đỡ phần bàn ngón tay của BN.
  • Bước 2: Để bàn tay BN được thoải mái ở tư thế ngón tay cái hướng lên trên.
  • Bước 3: Nhẹ nhàng thực hiện động tác gập – duỗi cổ tay của BN.
Bài tập gập duỗi khớp cổ tay
Bài tập gập – duỗi khớp cổ tay

Bài 6: Nghiêng trong – ngoài cổ tay

  • Bước 1: Đặt 1 tay nâng đỡ  phần cẳng tay, 1 tay đỡ phần bàn ngón tay của BN.
  • Bước 2: Để bàn tay bệnh nhân được thoải mái với lòng bàn tay hướng xuống dưới.
  • Bước 3: Nhẹ nhàng thực hiện động tác nghiêng cổ tay sang 2 bên.
Bài tập nghiêng trọng - ngoài cổ tay
Bài tập nghiêng trong – ngoài cổ tay

Bài 7: Gập – duỗi khớp ngón tay

  • Bước 1: Đặt 1 tay nâng đỡ phần bàn ngón tay, 1 tay tách riêng ngón cái khỏi các ngón còn lại.
  • Bước 2: Thực hiện gập duỗi các ngón tay (trừ ngón cái) trước.
  • Bước 3: Thực hiện gập duỗi ngón tay cái riêng.
Bài tập gập duỗi khớp ngón tay
Bài tập gập – duỗi khớp ngón tay

Bài 8: Dạng – khép các ngón tay

  • Bước 1: Để bàn tay bệnh nhân được thoải mái với lòng bàn tay hướng xuống dưới.
  • Bước 2: Thực hiện động tác dạng – khép cho các ngón tay (trừ ngón cái) trước.
  • Bước 3: Thực hiện động tác dạng khép cho ngón tay cái riêng.
Bài tập dạng khép các ngón tay
Bài tập dạng – khép các ngón tay

3.5. Tập vận động thụ động cho chi dưới

Bài 1: Gập – duỗi khớp háng

  • Bước 1: Đặt 1 tay nâng đỡ phần dưới của đùi, 1 tay nâng đỡ phần cổ chân.
  • Bước 2: Thực hiện động tác nâng chân của bệnh nhân lên cao với đùi vuông góc với mặt giường và đầu gối gập hết mức.
  • Bước 3: Từ từ duỗi chân bệnh nhân về tư thế ban đầu.
Bài tập gập duỗi khớp háng
Bài tập gập duỗi khớp háng

Bài 2: Dạng – khép khớp háng

  • Bước 1: Đặt 1 tay nâng đỡ phần dưới của đùi, 1 tay nâng đỡ phần cổ chân.
  • Bước 2: Giữ chân BN luôn thẳng, đưa chân sang ngang tạo với chân còn lại một góc khoảng 45 độ.
  • Bước 3: Từ từ đưa chân bệnh nhân về tư thế ban đầu.
Bài tập dạng khép khớp háng
Bài tập dạng khép khớp háng

Bài 3: Xoay trong – xoay ngoài khớp háng

  • Bước 1: Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, chân duỗi thẳng.
  • Bước 2: Đặt 1 tay ở đầu gối, 1 tay ở phần cổ bàn chân của bệnh nhân.
  • Bước 3: Nhẹ nhàng thực hiện động tác xoay cẳng chân của bệnh nhân vào trong – ra ngoài sao cho chân luôn ở tư thế duỗi thẳng.
Bài tập xoay trong ngoài khớp háng
Bài tập xoay trong – xoay ngoài khớp háng

Bài 4: Gập – duỗi khớp gối

  • Bước 1: Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, chân duỗi thẳng.
  • Bước 2: Đặt 1 tay nâng đỡ khớp gối, 1 tay ở phần cổ bàn chân của bệnh nhân.
  • Bước 3: Nhẹ nhàng thực hiện động tác nâng cao và gập khớp gối của bệnh nhân hết mức có thể.
  • Bước 4: Từ từ duỗi khớp gối BN về tư thế ban đầu.
Bài tập gập duỗi khớp gối
Bài tập gập – duỗi khớp gối

Bài 5: Gập – duỗi khớp cổ chân

  • Bước 1: Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, chân duỗi thẳng.
  • Bước 2: Đặt 1 tay nâng đỡ sau cổ chân, 1 tay sau gót chân của bệnh nhân.
  • Bước 3: Thực hiện nâng gót chân để cổ chân của bệnh nhân được gập duỗi một cách nhẹ nhàng.
Bài tập gập duỗi khớp cổ chân
Bài tập gập – duỗi khớp cổ chân

Bài 6: Nghiêng trong – nghiêng ngoài cổ chân

  • Bước 1: Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, chân duỗi thẳng.
  • Bước 2: Đặt 1 tay nâng đỡ sau cổ chân, 1 tay sau gót chân của bệnh nhân.
  • Bước 3: Thực hiện động tác nghiêng trong và nghiêng ngoài cổ chân.
Bài tập nghiêng trong, ngoài cổ chân
Bài tập nghiêng trong – nghiêng ngoài cổ chân

Bài 7: Gập – duỗi bàn ngón chân

  • Bước 1: Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, chân duỗi thẳng.
  • Bước 2: 1 tay giữ phần bàn chân, 1 tay nâng đỡ phần ngón chân của bệnh nhân.
  • Bước 3: Thực hiện động tác gập và duỗi các ngón chân cho bệnh nhân.
Bài tập gập duỗi bàn ngón chân
Bài tập gập – duỗi bàn ngón chân

Bài 8: Dạng khép bàn ngón chân

  • Bước 1: Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, chân duỗi thẳng.
  • Bước 2: Thực hiện động tác dạng – khép với 2 ngón chân liền nhau, lần lượt từ ngón cái đến các ngón còn lại.
Bài tập dạng khép bàn ngón chân
Bài tập dạng khép bàn ngón chân

Tìm hiểu thông tin chi tiết về phục hồi chức năng cho bệnh nhân gãy xương – điều cần thiết để thúc đẩy quá trình liền xương, tầm vận động khớp gối, phòng tránh các biến chứng teo cơ, cứng khớp,… 

5. Phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não giai đoạn hồi phục

Ở giai đoạn này, bệnh nhân đã có sự hồi phục rõ rệt, có thể thực hiện khá tốt các động tác ở tư thế nằm. Mục đích của việc tập phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não bao gồm:

  • Phục hồi chức năng hô hấp – tim mạch
  • Lăn trở phòng ngừa loét do tỳ đè
  • Phục hồi chức năng thần kinh – vị giác – thị giác
  • Phục hồi dây thần kinh mặt
  • Phục hồi nhận thức – hành vi
  • Phục hồi chức năng vận động
  • Lấy lại tầm vận động
  • Tăng sức mạnh cơ
  • Tập thăng bằng ngồi – đứng – đi
  • Tập dáng đi
  • Phục hồi nhận thức
  • Phục hồi chức năng sinh hoạt
  • Phục hồi khả năng giao tiếp
  • Phục hồi chức năng ngôn ngữ
  • Phục hồi tâm lý
  • Phục hồi với dụng cụ chỉnh hình
  • Hòa nhập xã hội

5.1. Tập ngồi 

5.1.1. Tập thay đổi tư thế nằm sang ngồi

  • Bước 1: Bắt đầu ở tư thế nằm ngửa của BN.
  • Bước 2: Hướng dẫn BN co chân khỏe, nhích nhẹ mông sang bên khỏe.
  • Bước 3: Tay khỏe với qua mép giường bên yếu và từ từ xoay người sang bên yếu.
  • Bước 4: Hướng dẫn BN dùng chân khỏe gạt chân yếu ra khỏi mép giường.
  • Bước 5: Dùng tay khỏe chống vào cạnh giường và ngồi dậy với sự trợ giúp của nhân viên y tế.

Lưu ý:

  • Với bệnh nhân bị nhồi máu não diện rộng, xuất huyết diện rộng hoặc nằm lâu thì việc ngồi dậy có thể gây ra các tình trạng như hạ huyết áp tư thế, hoa mắt, chóng mặt, nôn,… Do đó, nhân viên y tế/người nhà luôn phải ở bên cạnh khi bệnh nhân mới ngồi dậy.
  • Vị trí tiếp xúc và trợ giúp luôn luôn là nửa người bên yếu để tránh bệnh nhân đổ ngã.
  • Trợ giúp phần thân mình luôn thẳng, cần có sự nâng đỡ vùng đầu cổ nếu bệnh nhân chưa có sự kiểm soát tốt.
Tập ngồi dậy sau chấn thương sọ não
Tập thay đổi tư thế nằm sang ngồi

5.1.2. Các bài tập ở tư thế ngồi tĩnh

Trước khi thực hiện các bài tập, cần chuẩn bị giường/ghế với độ cao sao cho khi ngồi trên giường/ghế thì BN có thể tiếp xúc toàn bộ bàn chân với mặt đất. Để hỗ trợ việc tập luyện dễ dàng hơn, bác sĩ/người nhà cần cho BN ngồi sát gần mép giường và lưu ý những điều sau:

  • Luôn giữ vững tư thế của BN, tránh nghiêng ngả gây mất an toàn.
  • Khi BN mới ngồi dậy, biến chứng bán trật khớp vai rất dễ xảy ra. Do đó, người nhà có thể chuẩn bị đai nâng đỡ khớp vai để hỗ trợ ngay khi bệnh nhân ngồi dậy.

Bài 1: Chủ động nâng đỡ thân thăng bằng

Khi mới tập ngồi, bệnh nhân thường có hiện tượng nghiêng người sang bên yếu. Do đó, bác sĩ/người nhà cần khuyến khích BN dùng các nhóm cơ thân mình để đẩy người về tư thế thăng bằng. Việc hướng dẫn BN cần có sự kết hợp với trợ giúp của nhân viên y tế/người nhà để duy trì bệnh nhân ở tư thế trung gian.

Bài 2: Chủ động nâng đỡ cổ thăng bằng

Trong khi ngồi, cổ BN có thể bị nghiêng. Khi đó, nhân viên y tế/người nhà cần thực hiện nâng đỡ và hướng dẫn bệnh nhân chủ động, tập trung đẩy cổ về vị trí thăng bằng.

Bài tập tư thế ngồi tĩnh
Nhân viên y tế/người nhà cần chủ động nâng đỡ thân và cổ bệnh nhân để giữ vững tư thế thăng bằng

5.1.3. Các bài tập ở tư thế ngồi động

Các bài tập này thường được bắt đầu khi bệnh nhân ngồi tĩnh tốt: 

  • Hai vai thăng bằng, đầu cổ không có hiện tượng nghiêng ngả.
  • Có thể ngồi thẳng mà không cần sự trợ giúp của nhân viên y tế/người nhà.

Bài 1: Chủ động nghiêng thân 

  • Bước 1: Để bệnh nhân ngồi thẳng, nhân viên y tế/người nhà ngồi phía trước bệnh nhân.
  • Bước 2: Hướng dẫn bệnh nhân chủ động nghiêng từ từ sang trái.
  • Bước 3: Giữ vị trí khoảng 3 giây rồi trở về tư thế ngồi thẳng.
  • Bước 4: Hướng dẫn bệnh nhân chủ động nghiêng từ từ sang phải.
  • Bước 5: Giữ vị trí khoảng 3 giây rồi trở về tư thế ngồi thẳng.

Các biên độ nghiêng sẽ tăng dần tùy theo sức và tình trạng của bệnh nhân. Nhân viên y tế/người nhà cần theo sát và trợ giúp để tránh mất an toàn cho BN.

Bài tập chủ động nghiêng thân người
Bài tập chủ động nghiêng thân

Bài 2: Chủ động cúi người

  • Bước 1: Để bệnh nhân ngồi thẳng, nhân viên y tế/người nhà ngồi phía trước bệnh nhân.
  • Bước 2: Hướng dẫn bệnh nhân chủ động cúi người về phía trước.
  • Bước 3: Giữ vị trí khoảng 3 giây rồi trở về tư thế ngồi thẳng.
Bài tập chủ động cúi người
Bài tập chủ động cúi người

Bài 3: Chủ động ngửa người

  • Bước 1: Để bệnh nhân ngồi thẳng, nhân viên y tế/người nhà ngồi phía trước bệnh nhân.
  • Bước 2: Hướng dẫn bệnh nhân chủ động ngửa người ra sau.
  • Bước 3: Giữ vị trí khoảng 3 giây rồi trở về tư thế ngồi thẳng.
Bài tập chủ động ngửa người
Bài tập chủ động ngửa người

Bài 4: Chủ động vươn người

  • Bước 1: Để bệnh nhân ngồi thẳng, hướng dẫn BN lấy tay khỏe cầm vào tay yếu.
  • Bước 2: Hướng dẫn BN chủ động cúi người kết hợp đưa tay về phía trước càng sâu càng tốt.
  • Bước 3: Giữ vị trí khoảng 3 giây rồi trở về tư thế ngồi thẳng

Lưu ý: Nếu tay yếu của BN phục hồi tốt, có thể hướng dẫn họ vươn ra phía trước bằng tay yếu.

Bài tập chủ động vươn người
Bài tập chủ động vươn người

Bài 5: Tập nhổm người

Động tác này thực hiện khi BN đã ngồi được ổn định, giúp chuẩn bị cho việc tập đứng dậy.

  • Bước 1: Chống nhẹ 2 tay lên 2 đầu gối.
  • Bước 2: Hơi cúi người về trước.
  • Bước 3: Dùng lực ở gót chân và đầu gối để nhổm mông khỏi mặt giường.
Bài tập nhổm người
Bài tập nhổm người

5.2. Tập đứng 

5.2.1. Thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng

Trước khi tập đứng, bác sĩ/người nhà cần đảm bảo giai đoạn ngồi của BN đã thực hiện tốt, tư thế ngồi tĩnh và ngồi động tương đối vững. Việc trợ giúp quan trọng nhất là hỗ trợ ở khu vực khớp gối của bệnh nhân:

  • Hai chân sẽ áp sát hai bên bàn chân bên yếu của bệnh nhân.
  • Hai gối sẽ đối trước khớp gối của bệnh nhân để đảm bảo có thể nâng đỡ tối đa khi bệnh nhân đứng dậy.
  • Hai tay hỗ trợ vào vùng hông của bệnh nhân.

Hai tay bệnh nhân có thể đặt ở vị trí cổ vai của nhân viên y tế/người nhà và sau đó dùng sức, kết hợp với sự hỗ trợ để chuyển từ tư thế ngồi sang đứng. Trong quá trình tập luyện, cần lưu ý những điều sau: 

  • Không đặt tay hỗ trợ vào hai bên nách của BN bởi việc này có thể gây tổn thương thêm cho khớp vai bên liệt của BN.
  • Hai tay và hai gối hỗ trợ cần giữ nguyên vị trí trong suốt quá trình BN đứng dậy.
  • Khi BN đang đứng thì cần có thời gian quan sát và hỗ trợ các tình trạng có thể xảy ra của bệnh nhân như tụt huyết áp, nghiêng ngả khi đứng,… 
Bài tập đứng dậy từ tư thế ngồi
Thay đổi từ tư thế ngồi sang đứng

5.2.2. Các bài tập ở tư thế đứng tĩnh

Nguyên tắc của các bài tập này là giảm dần sự trợ giúp của nhân viên y tế khi bệnh nhân đang ở tư thế đứng:

  • Bắt đầu bài tập bằng cách nhân viên y tế/người nhà chuyển vị trí 1 tay từ hông lên khu vực vai của bệnh nhân.
  • Khi bệnh nhân có thể kiểm soát tốt phần thân trên, người nhà có thể bỏ tay đặt trên vai xuống.
  • Khi bệnh nhân có thể kiểm soát tốt từ phần hông trở lên, người nhà có thể từ từ rời tay còn lại để bệnh nhân tự đứng.
  • Khi bệnh nhân có thể kiểm soát tốt phần thân dưới, người nhà có thể từ thả lỏng phần gối của bệnh nhân.
Bài tập tư thế đứng tĩnh
Tư thế đứng tĩnh không có sự thay đổi trọng tâm của người bệnh

5.2.3. Các bài tập ở tư thế đứng động

Bài 1: Chủ động nghiêng người 

  • Bước 1: Bắt đầu bằng việc cho BN đứng thẳng.
  • Bước 2: Đặt 1 tay trên vai, 1 tay ở ngang hông BN.
  • Bước 3: Nhẹ nhàng nâng đỡ cho bệnh nhân có thể chuyển trọng tâm qua trái – phải. 

Lưu ý: Bắt đầu bài tập ở những biên độ nhỏ khoảng 20 độ, sau đó tăng dần.

Tư thế đứng động nghiêng người
Bài tập chủ động nghiêng người

Bài 2: Chủ động cúi – ngửa người

  • Bước 1: Bắt đầu bằng việc cho BN đứng thẳng.
  • Bước 2: Đặt 1 tay trên vai, 1 tay ở ngang hông BN.
  • Bước 3: Nâng đỡ cho bệnh nhân có thể nhẹ nhàng chuyển trọng tâm hơi cúi về trước hoặc hơi ngửa về sau.
Bài tập chủ động cúi ngửa người
Bài tập chủ động cúi – ngửa người

Bài 3: Chùng gối

  • Bước 1: Hướng dẫn BN đặt tay bám vào vai nhân viên y tế/người nhà.
  • Bước 2: Hai chân áp sát hai bên bàn chân bên yếu, hai gối sẽ đối trước khớp gối bên yếu của bệnh nhân.
  • Bước 3: Hướng dẫn bệnh nhân từ từ hạ thấp trọng tâm bằng cách chùng gối xuống.
  • Bước 4: Từ từ trở về tư thế đứng thẳng.
Bài tập chùng gối
Bài tập chùng gối

Bài 4: Tập bước lên xuống/sang ngang

Bài tập này được thực hiện bằng cách cho BN bước lần lượt chân khỏe – chân yếu của bệnh nhân lên trước/sang ngang và thu về. Khi đó, trọng lượng cơ thể sẽ được dồn đều sang hai chân, giúp phục hồi cơ và cảm thụ bản thể ở chân yếu tốt hơn.

Bài tập bước lên xuống/sang ngang
Tập bước lên xuống/sang ngang

5.3. Tập đi

5.3.1. Thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng có gậy

Để thực hiện bài tập, bác sĩ/người nhà cần hướng dẫn BN chủ động:

  • Dùng tay khỏe bám vào gậy.
  • 2 bàn chân rộng ngang bằng vai, chân khỏe hơi thu về sau một chút.
  • Dồn lực vào khu vực cổ tay khỏe và chân khỏe.
  • Hơi đổ trọng tâm về trước cùng với sự hỗ trợ để đứng thẳng dậy.

Việc sử dụng gậy cũng cần đảm bảo đúng cách để quá trình tập đứng trở nên dễ dàng hơn. Cụ thể:

  • Nên sử dụng gậy 3 hoặc 4 chân.
  • Điều chỉnh chiều cao gậy phù hợp: Khi bệnh nhân nắm vào gậy, khớp khuỷu tay cần tạo một góc 150 độ.
  • Đặt gậy hơi lệch sang một bên và xoay chân gậy để chân của bệnh nhân không bị vướng vào gậy khi đứng hay đi lại.
Bài tập thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng có gậy
Thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng có gậy

5.3.2. Tập đi trên nền phẳng

Giúp bệnh nhân tăng tính cảm thụ và lực cơ

  • Bước 1: Hướng dẫn BN cầm gậy bằng tay khỏe.
  • Bước 2: Nhích gậy bằng tay khỏe.
  • Bước 3: Bước chân yếu lên trước.
  • Bước 4: Bước chân khỏe lên ngang bằng chân yếu.

Lưu ý: Nếu BN chưa thể tự nhấc chân yếu, người nhà cần hỗ trợ nâng chân yếu về trước và đỡ mặt trước của gối bên yếu.

Bài tập đi trên nền phẳng có nạng hỗ trợ
Tập đi trên nền phẳng

5.3.3. Tập lên xuống cầu thang

  • Bước 1: Bám tay bên khỏe vào lan can cầu thang.
  • Bước 2: Nhấc chân khỏe lên trước 1 bậc.
  • Bước 3: Dồn lực vào chân khỏe và tay khỏe để nhấc chân yếu lên cùng bậc với chân khỏe.

Lưu ý: Trong trường hợp lan can cầu thang ở bên yếu của bệnh nhân, gia đình cần làm thêm thanh song song phía bên tường để bệnh nhân có thể bám vào và di chuyển lên xuống cầu thang.

Bài tập lên xuống cầu thang có nạng hỗ trợ
Tập lên xuống cầu thang

5.4. Phục hồi chức năng sinh hoạt hàng ngày

Bên cạnh vận động trị liệu, cần áp dụng song song chương trình hoạt động trị liệu nhằm giúp bệnh nhân đạt được tối đa có thể mức độ độc lập chức năng trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. 

PHCN sinh hoạt sẽ giúp cải thiện chức năng sinh hoạt hàng ngày bằng các bài tập thích nghi như tập mặc quần áo, tập vệ sinh cá nhân, tập ăn uống…

Phục hồi chức năng sinh hoạt giúp nâng cao khả năng tự chủ và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân
PHCN sinh hoạt giúp nâng cao khả năng tự chủ và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân

5.5. Phục hồi chức năng nhận thức

PHCN nhận thức bao gồm nhận thức không gian, thời gian, khả năng tư duy logic, ngôn ngữ, tăng khả năng tập trung và trí nhớ.

Các bài tập PHCN có thể là:

  • Chơi trò chơi trí nhớ
  • Đọc sách và báo
  • Chơi trò chơi ngôn ngữ như ghép chữ, nối từ,…
  • Tham gia các hoạt động giao tiếp như câu lạc bộ sách, trò chuyện với bạn bè,…
  • … 
Các trò chơi trí tuệ có thể hỗ trợ hồi phục khả năng tập trung và tư duy logic của bệnh nhân
Các trò chơi trí tuệ có thể hỗ trợ hồi phục khả năng tập trung và tư duy logic của bệnh nhân

5.6. Cải thiện khả năng giao tiếp

Bệnh nhân CTSN có rối loạn nuốt hoặc rối loạn ngôn ngữ, thất ngôn sẽ được điều trị tại các đơn vị ngôn ngữ trị liệu để cải thiện khả năng nhai, nuốt và cải thiện khả năng giao tiếp:

  • Tăng cường tiếp xúc, nói chuyện với bệnh nhân nhằm cải thiện tình trạng tri giác, nhận thức và ngôn ngữ.
  • Điều trị rối loạn nuốt: Các bài tập vận động vùng hàm mặt, miệng, môi, lưỡi, bài tập kích thích cảm giác, điện xung kích thích, tập ăn với thực phẩm và dụng cụ thích nghi như cốc uống nước khuyết mũi, chất làm đặc.
  • Điều trị bệnh nhân thất ngôn: Các bài tập vận động miệng, bài tập phát âm, cải thiện khả năng ghi nhớ, tập trung, định danh.
Người nhà cần kiên trì và tạo không khí thoải mái trong quá trình tập luyện của bệnh nhân
Người nhà cần kiên trì và tạo không khí thoải mái trong quá trình tập luyện của bệnh nhân

6. Phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não giai đoạn tái hòa nhập cộng đồng

Mục tiêu của PHCN trong giai đoạn này là giúp bệnh nhân đạt được mức độ độc lập chức năng tối đa khi trở về với gia đình và xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình và xã hội đối với bệnh nhân; tạo điều kiện để bệnh nhân quay trở lại với nghề nghiệp cũ hoặc tiếp cận với một nghề mới phù hợp với tình trạng chức năng hiện tại. 

Sau khi hồi phục, người bệnh có thể quay lại công việc cũ hoặc tìm một công việc khác phù hợp hơn với tình trạng sức khỏe của mình
Sau khi hồi phục, người bệnh có thể quay lại công việc cũ hoặc tìm một công việc khác phù hợp hơn với tình trạng sức khỏe của mình

Trên đây là tổng hợp các thông tin chi tiết về triệu chứng, mục đích và các bài tập phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não ở các giai đoạn khác nhau. Việc tập luyện PHCN là một hành trình dài đầy thử thách, cần có sự hỗ trợ, hướng dẫn của nhân viên y tế/người nhà để có thể hồi phục tốt nhất và nâng cao chất lượng cuộc sống sau này.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não, người bệnh hãy liên hệ với Trung tâm MYREHAB MATSUOKA để được tư vấn miễn phí trong thời gian sớm nhất.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 06/09/2024Ngày cập nhật: 06/09/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.