Vật lý trị liệu đứt gân ngón tay: 4 lưu ý quan trọng cần biết

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB – MATSUOKA.

Việc tập vật lý trị liệu đứt gân ngón tay không chỉ giúp vết thương giảm đau, giảm viêm mà còn thúc đẩy quá trình lành lại của tổn thương, đồng thời làm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu 4 lưu ý quan trọng và quy trình tập vật lý trị liệu đứt gân ngón tay nhằm giúp bệnh nhân hồi phục hiệu quả. 

Quá trình phục hồi chức năng sau nối gân như sau:

Thời gian sau nối gân Mục tiêu Phương pháp phục hồi
3 tuần đầu tiên Giảm phù nề, giảm đau sau mổ, cố định ngón tay để đảm bảo không bị tái đứt gân tay
  • Đeo nẹp ngón tay
  • Kích thích dây thần kinh điện qua da
  • Chườm lạnh
  • Mát – xa nhẹ
  • Tập trong nẹp bảo vệ
Tuần thứ 4 – 8 Phòng teo cơ và biến dạng của ngón tay Thực hiện các bài tập có sự trợ giúp

  • Bài tập “đặt và giữ”
  • Bài tập gấp thụ động và duỗi chủ động

Tuần thứ 7 có thể đeo nẹp kéo giãn nếu có co rút ngón

Sau 8 tuần Phục hồi chức năng sinh hoạt bàn tay
  • Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu ngón tay: Bài tập gấp chủ động, bóp bóng, kéo căng ngón tay, nâng ngón tay, nắm tay
  • Kỹ thuật vật lý trị liệu: ánh sáng trị liệu, điện trị liệu, siêu âm điều trị, thủy trị liệu

1. Vai trò vật lý trị liệu đứt gân ngón tay 

Vật lý trị liệu sau phẫu thuật đứt gân ngón tay có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phục hồi chức năng của ngón tay bị tổn thương. Bao gồm: [1]

  • Ngăn chặn sự hình thành các chất dính, đảm bảo gân trượt tốt và riêng biệt nhau.
  • Ngăn ngừa teo cơ, phòng ngừa co rút.
  • Phục hồi phạm vi chuyển động của ngón tay bị thương.
  • Tăng cường cơ bắp và duy trì các chức năng của bàn tay để giành được chức năng bình thường. 

Quá trình phục hồi chức năng sẽ được thực hiện sau khi phẫu thuật nối gân ngón tay và kéo dài đến 3 – 6 tháng. Trong thời gian 3 tuần đầu tiên, việc đeo nẹp và giữ cố định ngón tay được thực hiện liên tục ngay cả khi tập để lành vết thương. Sau đó bỏ nẹp gián đoạn tăng dần trong ngày, đến 6 tuần thì bỏ hoàn toàn. Trong thời gian này bệnh nhân sẽ được các bác sĩ cho tập các bài tập thụ động sớm để cải thiện khả năng cử động.

Sau phẫu thuật nối gân ngón tay, người bệnh cần tập vật lý trị liệu đứt gân ngón tay để đảm bảo sự phục hồi tốt nhất
Sau phẫu thuật nối gân ngón tay, người bệnh cần tập vật lý trị liệu đứt gân ngón tay để đảm bảo sự phục hồi tốt nhất, tránh các di chứng sau mổ như phù nề, xơ cứng, biến dạng,… có thể xảy ra

2. Các giai đoạn tập vật lý trị liệu đứt gân ngón tay

2.1. 3 tuần đầu tiên: Bất động ngón tay để phòng ngừa phù nề

Trong 3 tuần đầu tiên sau phẫu thuật đứt gân ngón tay, mục tiêu quan trong nhất là ngăn ngừa tái đứt gân tay và thúc đẩy tích cực quá trình liền gân. Vì thế, bệnh nhân sẽ được đeo nẹp ngón tay để giữ cố định, tránh bất kỳ chuyển động nào có thể gây tổn thương thêm, đồng thời bàn tay sẽ được giữ ở tư thế nâng cao với mục đích giảm đau sau mổ, đảm bảo an toàn cho gân bị đứt, giảm phù nề. [2]

Việc phục hồi chức năng ở giao đoạn này bao gồm:

  • Sử dụng TENS (Kích thích dây thần kinh điện qua da) để kiểm soát cơn đau
  • Vào tuần thứ 2 – 3 sau phẫu thuật, các bác sĩ sẽ mát-xa nhẹ để ngăn ngừa tình trạng dính da. [1
  • Tập trong nẹp bảo vệ: gấp thụ động ngón, duỗi ngón thụ động và chủ động

Lưu ý: Luôn giữ thanh nẹp khô ráo, khi tắm nên bọc bằng túi nilon.

3 tuần đầu tiên sau điều trị đứt gân ngón tay, bệnh nhân cần bất động ngón tay để phòng ngừa phù nề
Trong 3 tuần đầu sau phẫu thuật nối gân, ngón tay sẽ được băng nẹp cố định và nghỉ ngơi để tạo điều kiện tốt nhất cho vết thương lành lại

2.2. Từ 4 – 8 tuần: Luyện tập nhẹ nhàng phòng teo cơ & biến dạng

Trong giai đoạn từ 4 – 8 tuần sau mổ nối gân ngón tay, vật lý trị liệu đứt gân ngón tay chủ yếu tập trung vào việc thực hiện các bài tập nhẹ nhàng nhằm ngăn chặn tình trạng teo cơ và biến dạng của ngón tay. Bác sĩ có thể quyết định chọn bài tập thụ động, bài tập chủ động có trợ giúp hoặc bài tập chủ động có kháng trở,… tùy theo tình trạng bàn tay. Tuần thứ 7 có thể mang nẹp kéo dãn nếu có co rút ngón. Tập phục hồi chức năng có thể đã được chỉ định từ sớm ngay khi bệnh nhân rời khỏi phòng mổ và được thực hiện bởi các chuyên gia tại khoa phục hồi chức năng. [2

Từ 4 - 8 tuần sau mổ nối gân ngón tay, bệnh nhân sẽ luyện tập nhẹ nhàng phòng teo cơ và biến dạng
Từ tuần thứ 4 đến tuần 8 sau phẫu thuật nối gân ngón tay, bác sĩ sẽ hỗ trợ tập các bài tập vận động thụ động sớm để tránh teo cơ và biến dạng

Một số bài tập vật lý trị liệu đứt gân ngón tay vận động chủ động sớm được các bác sĩ sử dụng phổ biến như: 

2.2.1. Bài tập “đặt và giữ” 

  • Đặt ngón tay tổn thương ở tư thế gấp vừa phải với cổ tay duỗi 30 đến 40 độ dưới sự giám sát của kỹ thuật viên, khớp gấp MCP (khớp cơ sở của ngón tay, bắt đầu từ cổ tay) 80 độ, Điều này giúp hạn chế tạo ra sự căng thẳng không cần thiết cho ngón tay khi tập. 
  • Chủ động giữ nguyên tư thế trong 10 giây.
  • Đưa ngón tay về tư thế duỗi và lặp lại động tác.
  • Lặp lại 10 lần/set, mỗi ngày 5 lần. Sau 3 tuần, bệnh nhân có thể tự thực hiện bài tập mà không cần giám sát. [3]
Cách thực hiện bài tập Đặt và giữ (Place and Hold)
Cách thực hiện bài tập Đặt và giữ (Place and Hold) cho bệnh nhân sau phẫu thuật nối gân ngón tay

2.2.2. Bài tập gấp thụ động và duỗi chủ động

  • Đặt bàn tay cần tập lên bàn hoặc một bề mặt phẳng. 
  • Dùng tay lành để gấp ngón tay yếu vào trong.
  • Thực hiện duỗi thẳng bàn tay có ngón tay bị tổn thương.
  • Lặp lại 10 lần/set, mỗi ngày 5 lần.

Lưu ý: Động tác tập cần được thực hiện từ từ, cẩn thận để tránh gây căng thẳng, đau đớn cho ngón tay vừa được phẫu thuật. Một biện pháp phòng ngừa dính ở khớp liên đốt gần là đặt một cây thước phía sau của nẹp để bệnh nhân duỗi chủ động. [3]

Cách thực hiện bài tập gấp thụ động và duỗi chủ động
Cách thực hiện bài tập gấp thụ động và duỗi chủ động cho bệnh nhân sau phẫu thuật đứt gân ngón tay

2.3. Sau 8 tuần: Phục hồi chức năng sinh hoạt bàn tay

Ngón tay phẫu thuật nối gân sau 8 tuần đã phục hồi ở mức nhất định, bệnh nhân đã có thể được tháo nẹp và hoạt động tay nhẹ nhàng, gấp chủ động có đề kháng trung bình đến mạnh, tập chức năng sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần tiếp tục tập luyện các bài tập vật lý trị liệu đứt gân ngón tay với chế độ tập được điều chỉnh tăng dần để bệnh nhân dần khôi phục khả năng vận động tay như bình thường. [3]

Điều trị vật lý trị liệu cho ngón tay sau phẫu thuật nối gân 8 tuần được chỉ định với mục đích ngăn ngừa việc mất hoặc suy giảm khả năng vận động của bàn tay sau này. Vì thế, bác sĩ sẽ lựa chọn và đề xuất chương trình tập luyện phù hợp với từng giai đoạn điều trị, kết hợp các biện pháp như: điện trị liệu, thủy trị liệu, ánh sáng điều trị, siêu âm điều trị,… và các bài tập vận động để hỗ trợ phục hồi chức năng bàn tay một cách hiệu quả nhất. [3

Một số bài tập vận động dành cho bệnh nhân 6 tuần sau phẫu thuật đứt gân ngón tay như: 

2.3.1. Bài tập gấp chủ động

  • Đặt bàn tay cần tập lên bàn hoặc một bề mặt phẳng. 
  • Duỗi ngón tay thẳng ra, nhẹ nhàng gấp ngón tay lại, chú ý thực hiện từ từ, nhẹ nhàng để tránh gây căng thẳng cho ngón tay đau. 
  • Giữ tư thế trong khoảng từ 5 – 10 giây. 
  • Thả lỏng ngón tay trở về trạng thái ban đầu, đồng thời thư giãn cơ cho ngón tay tổn thương. 
  • Lặp lại động tác từ 5 – 10 lần cho mỗi phiên tập. [3]
Cách thực hiện bài tập Gấp chủ động cho bệnh nhân sau phẫu thuật đứt gân ngón tay
Cách thực hiện bài tập Gấp chủ động cho bệnh nhân sau phẫu thuật đứt gân ngón tay

2.3.2. Bài tập bóp bong bóng

  • Giữ một quả bóng mềm trong lòng bàn tay và dùng hết lực bàn tay để bóp nắn quả bóng. 
  • Giữ nguyên tư thế trong khoảng 5 giây. 
  • Thả lỏng về tư thế ban đầu.
  • Lặp lại động tác từ 10 đến 15 lần, luân phiên mỗi bên tay.
  • Lặp lại 2 – 3 lần/tuần, nghỉ ngơi trong 48 giờ giữa các buổi tập. [4]

Lưu ý: Bài tập bóp bong bóng không phù hợp cho bệnh nhân bị chấn thương ở ngón tay cái. 

Cách thực hiện bài tập Bóp bong bóng khi tập vật lý trị liệu đứt gân ngón tay
Cách thực hiện bài tập Bóp bong bóng khi tập vật lý trị liệu đứt gân ngón tay

2.3.3. Bài tập kéo căng ngón tay

  • Đưa tay ra trước mặt, lòng bàn tay hướng về phía bạn.
  • Cong đầu ngón tay của bạn xuống để chạm vào gốc của mỗi khớp ngón tay. Bàn tay của bạn sẽ trông hơi giống một móng vuốt.
  • Giữ trong 30 đến 60 giây và thả ra. 
  • Lặp lại 10 lần trên mỗi tay.[4]

Lưu ý: Bệnh nhân nên thực hiện động tác một cách nhẹ nhàng, không nên ép chặt tay vì có thể ảnh hưởng đến vết thương đang trong quá trình hồi phục. 

Cách thực hiện bài tập kéo căng ngón tay
Cách thực hiện bài tập kéo căng ngón tay cho người bệnh sau phẫu thuật nối gân ngón tay

2.3.4. Bài tập nâng ngón tay

  • Đặt bàn tay lên bàn hoặc bề mặt phẳng, lòng bàn tay hướng xuống, ngón tay duỗi thẳng.
  • Từ từ nâng ngón tay lên khỏi mặt bàn, đến điểm nâng tối đa thì dừng lại. 
  • Giữ tư thế trong từ 5 đến 10 giây. 
  • Hạ xuống vị trí cũ và đổi ngón tay.
  • Lặp lại tất cả động tác trên từ 8 đến 12 lần. [4]

Lưu ý: Khi thực hiện bài tập vật lý trị liệu đứt gân ngón tay này, bệnh nhân nên thực hiện động tác chậm rãi, nhẹ nhàng, không nên dùng lực quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến vết thương trong quá trình hồi phục. 

bài tập Nâng ngón tay cho bệnh nhân sau phẫu thuật nối gân ngón tay
Cách thực hiện bài tập Nâng ngón tay cho bệnh nhân sau phẫu thuật nối gân ngón tay

2.3.5. Bài tập nắm tay

  • Nắm tay nhẹ nhàng, để ngón tay cái của bạn qua các ngón tay.
  • Giữ trong 30 đến 60 giây sau đó thả lỏng tay về vị trí ban đầu. 
  • Lặp lại với cả hai tay ít nhất 4 lần. [4]

Tìm hiểu thêm: Vật lý trị liệu ngón tay cò súng: 4 phương pháp & bài tập

bài tập Nắm tay cho bệnh nhân sau phẫu thuật nối gân ngón tay
Cách thực hiện bài tập Nắm tay cho bệnh nhân sau phẫu thuật nối gân ngón tay

3. Giải đáp thắc mắc

3.1. Khi tập vật lý trị liệu đứt gân ngón tay cần lưu ý gì?

Trong quá trình tập vật lý trị liệu đứt gân ngón tay, bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau để hạn chế nguy cơ chấn thương và đảm bảo sự phục hồi tốt nhất cho ngón tay sau phẫu thuật. 

  • Làm ấm tay trước mỗi lần tập: Nếu bàn tay và ngón tay của bạn cảm thấy đau và cứng, hãy thử làm ấm tay trước khi tập. Điều này có thể giúp bạn di chuyển và giãn cơ dễ dàng hơn. Sử dụng miếng đệm nóng, ngâm tay trong nước ấm khoảng 5 – 10 phút. Để làm ấm sâu hơn, hãy xoa một ít dầu lên tay, đeo một đôi găng tay cao su rồi ngâm chúng vào nước ấm trong vài phút. [4]
  • Cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ: Thời điểm bắt đầu và tần suất tập vật lý trị liệu đứt gân ngón tay sẽ căn cứ dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Nếu bắt đầu tập quá sớm có thể gây tổn thương cho vết thương đang trong quá trình lành lại, tập quá muộn có thể gây viêm dính gân và khó khăn cho sự phục hồi.  
  • Nên thực hiện các động tác một cách nhẹ nhàng, từ từ, không nóng vội: Do mỗi động tác tập vật lý trị liệu đều tạo ra tác động trực tiếp lên vùng bị thương tổn, nếu không cẩn thận, bệnh nhân có thể bị chấn thương. 
  • Nên có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý: Thiết lập chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sự hồi phục của cơ thể. 
Thường xuyên luyện tập các bài tập đơn giản tại nhà là một trong những lưu ý khi tập vật lý trị liệu đứt gân ngón tay
Thường xuyên luyện tập các bài tập đơn giản tại nhà là một trong những lưu ý khi tập vật lý trị liệu đứt gân ngón tay để giúp ngón tay sớm phục hồi sau phẫu thuật nối gân

3.2. Đứt gân ngón tay bao lâu thì lành?

Nếu bệnh nhân đã phẫu thuật nối gân được 1 tháng và tập vật lý trị liệu – phục hồi chức năng tích cực thì thời gian lành trung bình là 3 – 6 tháng. Thời gian hồi phục sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ chấn thương, tuổi tác, tình trạng sức khỏe, sự tuân thủ tập luyện,… của người bệnh.

3.3. Nối gân ngón tay kiêng ăn gì?

Bệnh nhân nên ăn uống đủ chất (thịt, cá, rau, trứng, sữa,…), tránh các thực phẩm gây dị ứng và uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần kiêng các loại thức ăn sau:

  • Thức ăn có nhiều dầu mỡ, chất béo,…: Có thể gây viêm, đau nhức, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như béo phì, huyết áp, tim mạch,
  • Thức ăn cay nóng: Có thể làm tăng tình trạng đau, căng cứng, cản trở quá trình hồi phục, thậm chí gây viêm nhiễm tại vết thương.
  • Thực phẩm chứa chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê,…: Có thể gây tổn hại đến sức khỏe và làm chậm quá trình phục hồi gân tay.

Các bài tập vật lý trị liệu đứt gân ngón tay khá đơn giản và bệnh nhân hoàn toàn có thể tự thực hiện tại nhà. Tuy nhiên đối với những ngày đầu sau phẫu thuật nối gân ngón tay, vết thương chưa lành hẳn, tập luyện không đúng cách có thể gây ra tổn thương, khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn. 

Ngày đăng: 29/03/2023Ngày cập nhật: 22/07/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo