Mục tiêu & Phương pháp vật lý trị liệu bàn chân rớt

Bài viết được viết bởi BS CKII. Bùi Hồng Thuý và được tham vấn chuyên môn bởi ThS. BS CKII. Đặng Thị Kim Hương – Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.

Bàn chân rớt (foot drop) hay còn gọi là bàn chân rủ, là tình trạng lưng bàn chân bị yếu hoặc mất khả năng gập lại. Bàn chân rớt là kết quả của tổn thương thần kinh ở tủy sống hoặc các bệnh lý xơ cứng bên teo cơ, đa xơ cứnag, bệnh Parkinson. 

Bàn chân rớt gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt và tâm lý tiêu cực cho người bệnh. Vật lý trị liệu bàn chân rớt là một trong những giải pháp hiệu quả PHCN, giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp, tăng cường khả năng vận động của khớp và giảm co cứng cơ.

1. Mục tiêu phục hồi chức năng bàn chân rớt

Những người sau chấn thương, tai biến phẫu thuật, đột quỵ, gặp bệnh lý thần kinh cơ, ngộ độc thuốc hoặc tiểu đường có nguy cơ bị bàn chân rớt. Người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc đi lại vì ngón chân thường bị kéo lê trên đường khi bước đi. Bên cạnh đó, họ còn cảm thấy tự ti vì dáng đi không bình thường do phải gấp gối và háng cao hơn bình thường khi đi lại.

Phục hồi chức năng bàn chân rớt tập trung vào việc cải thiện chức năng vận động của bàn chân bị ảnh hưởng bằng các liệu pháp vật lý trị liệu. Mục tiêu chính của vật lý trị liệu bàn chân rớt nói riêng và phục hồi chức năng nói chung bao gồm:

  • Giảm đau: Vật lý trị liệu giúp kích thích sản sinh các chất giảm đau tự nhiên của cơ thể, từ đó làm giảm cảm giác đau nhức do co cơ, viêm và tổn thương liên quan đến tình trạng bàn chân rớt/rủ. 
  • Duy trì tầm vận động khớp: Các bài tập vận động thụ động và chủ động giúp tăng cường sự linh hoạt của các khớp cổ chân, gối, háng, cải thiện khả năng gập duỗi bàn chân. Người bệnh có thể tập tăng sức mạnh nhóm cơ chày trước, cơ duỗi các ngón chân dài và cơ duỗi ngón chân cái dài và các phương pháp giảm đau như điện trị liệu, nhiệt trị liệu, massage,… Điều này góp phần cải thiện khả năng đi lại, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
  • Đề phòng co rút, biến dạng khớp: Vật lý trị liệu giúp tăng cường độ linh hoạt của cơ bắp, đặc biệt là cơ gót Achilles – cơ có nguy cơ co rút cao nhất ở bệnh nhân bàn chân rớt. Khi cơ được kéo giãn, các sợi cơ và mô liên kết được kéo dài, giúp giảm nguy cơ co rút và co cứng. Ngoài ra, các bài tập giúp duy trì vị trí khớp, ngăn ngừa các cấu trúc khớp bị kéo căng hoặc co lại quá mức, dẫn đến biến dạng khớp.

Tìm hiểu thêm về phục hồi chức năng đứt gân gót giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục, ngăn ngừa các biến chứng; giảm đau, viêm và cải thiện khả năng giữ thăng bằng

Phục hồi chức năng bàn chân rủ cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu
Phục hồi chức năng bàn chân rủ cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu

2. 7 Phương pháp vật lý trị liệu bàn chân rớt

2.1 Nhiệt trị liệu

Nhiệt trị liệu bằng chườm nóng là một phương pháp đơn giản, an toàn và hiệu quả để hỗ trợ điều trị bàn chân rớt. Bởi vì, ở bệnh nhân bàn chân rớt thường gặp tình trạng co thắt cơ do tổn thương hệ thần kinh hoặc cơ bắp. Nhiệt nóng sẽ giúp làm giãn nở mạch máu, tăng cường lưu thông máu, thư giãn các cơ bắp bị căng cứng, từ đó giảm đau và cải thiện khả năng vận động.

Nhiệt trị liệu là một phương pháp hỗ trợ hiệu quả trong điều trị bàn chân rủ giúp thư giãn cơ bắp, giúp giảm co cứng và căng cơ
Nhiệt trị liệu là một phương pháp hỗ trợ hiệu quả trong điều trị bàn chân rủ giúp thư giãn cơ bắp, giúp giảm co cứng và căng cơ

2.2 Điện trị liệu

Điện trị liệu là một phương pháp vật lý trị liệu bàn chân rớt được sử dụng phổ biến. Liệu pháp này hoạt động bằng cách đưa dòng điện vào cơ thể thông qua các điện cực được đặt trên da. Dòng điện này có tác động trực tiếp lên các dây thần kinh và cơ bắp ở khu vực bị ảnh hưởng, dẫn đến việc các cơ bắp liên quan co lại. Điều này giúp tăng cường trương lực cơ, từ đó cải thiện sức mạnh và khả năng vận động của cơ.

Ngoài ra, điện trị liệu còn có tác dụng giảm đau nhờ dòng điện kích thích các thụ thể cảm giác ở da, làm giảm tín hiệu đau truyền đến não bộ.

Vật lý trị liệu bàn chân rớt bằng phương pháp điện trị liệu giúp kích thích các cơ bị yếu, giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp cho bàn chân rớt
Điện trị liệu có thể giúp kích thích các cơ bị yếu, giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp cho bàn chân rớt

2.3 Sóng xung kích

Sóng xung kích giúp tăng cường lưu thông máu đến khu vực bị tổn thương, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình phục hồi. Ngoài ra, liệu pháp này còn có khả năng phá vỡ các mảng bám vôi hóa gân cơ, giải phóng các điểm co thắt cơ, giúp cải thiện khả năng vận động của bàn chân.

Sóng xung kích có thể giúp cải thiện lưu thông máu, giảm đau và viêm và thúc đẩy quá trình phục hồi cho bệnh nhân bị bàn chân rớt
Sóng xung kích có thể giúp cải thiện lưu thông máu, giảm đau và viêm và thúc đẩy quá trình phục hồi cho bệnh nhân bị bàn chân rớt

2.4 Laser

Laser trị liệu là phương pháp sử dụng ánh sáng laser cường độ cao để tác động lên các mô sinh học nhằm mục đích điều trị, giảm đau và phục hồi chức năng. Ánh sáng laser kích thích các tế bào, tăng cường trao đổi chất, cải thiện lưu thông máu và ức chế hoạt động của các tế bào gây viêm. Từ đó, liệu pháp này giúp giảm đau, giảm viêm, thúc đẩy tái tạo tế bào và giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn sau chấn thương hoặc phẫu thuật.

Laser trị liệu là phương pháp có hiệu quả trong việc giảm đau và cải thiện chức năng ở bệnh nhân bàn chân rớt
Laser trị liệu là phương pháp có hiệu quả trong việc giảm đau và cải thiện chức năng ở bệnh nhân bàn chân rớt

2.5 Xoa bóp trị liệu

Xoa bóp trị liệu là phương pháp vật lý trị liệu bàn chân rớt sử dụng các kỹ thuật xoa bóp bằng tay tác động lên cơ bắp và các mô mềm nhằm:

  • Cải thiện lưu thông máu: Xoa bóp giúp giãn nở mạch máu, tăng cường lưu thông máu đến các cơ và mô ở bàn chân, từ đó cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình phục hồi.
  • Giảm co thắt cơ: Xoa bóp giúp giải phóng các điểm thắt nút trong cơ bắp, giảm co thắt cơ và cải thiện độ linh hoạt của khớp.
  • Cải thiện chức năng vận động: Giúp người bệnh lấy lại khả năng đi lại và sinh hoạt bình thường.
Xoa bóp trị liệu
Xoa bóp trị liệu thường được thực hiện bởi chuyên gia xoa bóp được đào tạo hoặc bệnh nhân tự xoa bóp tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ

2.6 Sử dụng nẹp hỗ trợ

Tình trạng bàn chân rủ lâu dần sẽ dẫn đến sự mất cân bằng phần mềm do sự co rút của nhóm cơ cẳng chân sau, gây ra lỏng khớp cổ chân và biến dạng gập lòng bàn chân. Sử dụng nẹp cổ chân giúp giữ bàn chân ở vị trí bình thường, ngăn ngừa các biến chứng gây biến dạng bàn chân và hỗ trợ bệnh nhân di chuyển dễ dàng hơn.

Nẹp cổ chân được thiết kế ôm sát cổ chân và mu bàn chân, có tác dụng nâng đỡ và giữ bàn chân ở vị trí vuông góc với cẳng chân. Nhờ vậy, người bệnh có thể đi lại mà không bị vấp ngã do bàn chân rủ xuống.

Nẹp hỗ trợ giúp giữ mu bàn chân ở vị trí nâng cao, giúp người bệnh dễ dàng đi lại và ngăn ngừa vấp ngã
Nẹp hỗ trợ giúp giữ mu bàn chân ở vị trí nâng cao, giúp người bệnh dễ dàng đi lại và ngăn ngừa vấp ngã

2.7 Bài tập vận động 

Các bài tập vận động giúp tăng cường sức mạnh cơ cơ chày trước, cơ duỗi các ngón chân dài và cơ duỗi ngón chân cái dài, đây là những nhóm cơ quan trọng giúp nâng đỡ và điều khiển bàn chân. Ngoài ra, các bài tập kéo dài còn giúp cải thiện tính linh hoạt của gót chân và mắt cá chân, giảm nguy cơ bị cứng khớp và đau gót chân.

Một số bài tập vận động cụ thể cho người bị bàn chân rớt:

2.7.1 Bài tập xoay hông ra ngoài khi đứng

Lợi ích: Bài tập xoay hông ra ngoài khi đứng có tác dụng tăng cường sức mạnh cho nhóm cơ từ hông đến cổ chân, đồng thời giúp bệnh nhân giảm đau và cải thiện dáng đi.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Bệnh nhân đứng thẳng, buộc dây tập chuyên dụng vào dưới mắt cá chân và dang hai chân rộng bằng vai.
  • Bước 2: Chùn gối nhẹ về phía trước, đảm bảo cơ thể duy trì tư thế đứng thẳng (giống ảnh 1).
  • Bước 3: Từ từ xoay nhẹ bàn chân đau ra ngoài một góc khoảng 60 độ (giống ảnh 2).
  • Bước 4: Duy trì tư thế này trong khoảng 10 giây sau đó đưa chân về tư thế ban đầu.
  • Bước 5: Lặp lại động tác từ 15-20 lần.
Bài tập xoay hông ra ngoài khi đứng
Bài tập xoay hông ra ngoài khi đứng

2.7.2 Bài tập xoay hông vào trong khi nằm

Lợi ích: Bài tập xoay hông vào trong khi nằm giúp cơ thể bệnh nhân tăng cường lưu thông máu đến các chi dưới và hỗ trợ quá trình phục hồi của người bệnh.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Bệnh nhân nằm ngửa trên sàn, gập đầu gối sao cho cả hai bàn chân đều chạm sàn.
  • Bước 2: Đặt một quả bóng nhỏ giữa hai đầu gối (giống ảnh dưới).
  • Bước 3: Sử dụng lực từ cơ đùi từ từ ép quả bóng lại sao cho hai đầu gối di chuyển lại gần nhau.
  • Bước 4: Giữ tư thế này trong khoảng 10 giây sau đó thả lỏng. Lặp lại động tác từ 10-15 lần.
Bài tập xoay hông vào trong khi nằm
Bài tập xoay hông vào trong khi nằm

2.7.3 Bài tập đi bằng gót chân và ngón chân

Lợi ích: Bài tập đi bằng gót chân và ngón chân có tác dụng thúc đẩy khả năng chịu lực của bàn chân tốt hơn, giúp người bệnh cải thiện chức năng chân.

Cách thực hiện: 

  • Bước 1: Bệnh nhân đứng trên gót chân sao cho lòng bàn chân không chạm sàn, đồng thời giữ lưng ở tư thế đứng thẳng.
  • Bước 2: Di chuyển từ 4-5 bước về phía trước sau đó chuyển sang đi bằng các ngón chân, lúc này gót chân được nhón lên khỏi sàn (giống ảnh 2).
  • Bước 3: Thực hiện đổi động tác xen kẽ giữa 4-5 bước đi. Lặp lại bài tập trong khoảng 5-10 phút.
Bài tập đi bằng gót chân và ngón chân
Bài tập đi bằng gót chân và ngón chân

2.7.4 Bài tập đứng bằng một chân

Lợi ích: Bài tập đứng bằng một chân có tác dụng hỗ trợ người bệnh cải thiện khả năng giữ thăng bằng cơ và tăng sức mạnh cho chân bị ảnh hưởng.

Cách thực hiện: 

  • Bước 1: Bệnh nhân đứng thẳng và tìm một điểm nắm cố định để giúp cơ thể giữ thăng bằng.
  • Bước 2: Co chân không bị đau lên khỏi mặt đất đồng thời gập gối một góc 90 độ (giống ảnh dưới). 
  • Bước 3: Tập trung duy trì thăng bằng và giữ tư thế này trong khoảng 10 giây, sau đó quay về vị trí ban đầu.
  • Bước 4: Lặp lại động tác từ 10-15 lần.
Bài tập đứng bằng 1 chân
Bài tập đứng bằng một chân

Có thể bạn quan tâm: 19 phương pháp và bài tập vật lý trị liệu suy giãn tĩnh mạch chân an toàn & hiệu quả

2.8 Điều trị dự phòng bàn chân rủ

Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị do bác sĩ chuyên khoa chỉ định, người bệnh cũng có thể áp dụng một số biện pháp tự chăm sóc tại nhà để phòng ngừa và kiểm soát tình trạng rủ bàn chân hiệu quả hơn, bao gồm:

  • Giữ cho mặt sàn luôn sạch sẽ, gọn gàng: Loại bỏ các vật dụng cản trở di chuyển, vấp ngã trên sàn nhà, đặc biệt là khu vực thường xuyên đi lại.
  • Tránh sử dụng thảm rời: Thảm rời có thể bị cuộn lại hoặc trơn trượt, gây nguy cơ vấp ngã cao. Thay thế bằng thảm cố định hoặc sử dụng các miếng lót chống trơn trượt.
  • Dời dây điện ra khỏi lối di chuyển: Dây điện lỏng lẻo có thể khiến người bệnh vấp ngã, té ngã. Hãy sắp xếp gọn gàng dây điện hoặc sử dụng dây bọc để đảm bảo an toàn.
  • Đảm bảo ánh sáng đầy đủ: Khu vực sinh hoạt, đặc biệt là phòng ngủ và cầu thang cần được chiếu sáng đầy đủ để người bệnh dễ dàng quan sát và di chuyển an toàn.
  • Lắp đặt băng huỳnh quang trên các bậc thang: Băng huỳnh quang giúp đánh dấu các bậc thang, tạo điểm tham chiếu rõ ràng, giúp người bệnh di chuyển dễ dàng hơn, đặc biệt vào ban đêm hoặc trong điều kiện thiếu sáng.
Gắn đèn huỳnh quang vào bậc thang bộ
Ánh sáng huỳnh quang sẽ tạo ra điểm nhấn rõ ràng trên các bậc thang, giúp bệnh nhân dễ dàng nhận biết và chuyển an toàn hơn

Tổng kết

Vật lý trị liệu bàn chân rớt là một quá trình lâu dài và cần sự kiên trì. Tuy nhiên, với mục tiêu cụ thể và lộ trình phù hợp, người bệnh hoàn toàn có thể đạt được kết quả tốt, cải thiện khả năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống.

MYREHAB MATSUOKA là trung tâm chuyên sâu về vật lý trị liệu, với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại. Hãy liên hệ với MYREHAB MATSUOKA ngay hôm nay để được tư vấn miễn phí và trải nghiệm dịch vụ vật lý trị liệu bàn chân rủ hiệu quả.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 18/09/2024Ngày cập nhật: 18/09/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.