Bài viết được viết bởi BS CKII. Bùi Hồng Thuý và được tham vấn chuyên môn bởi ThS. BS CKII. Đặng Thị Kim Hương – Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.
Khớp vai kêu lục cục (Shoulder crepitus) là tình trạng xuất hiện các âm thanh lạo xạo hoặc răng rắc khi cử động vai, gây ra các cơn đau và hạn chế cử động của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giải thích về nguyên nhân và đưa ra giải pháp điều trị tình trạng này cùng cách phòng tránh hiệu quả. Tham khảo ngay!
1. Nguyên nhân khớp vai kêu lục cục
1.1 Nguyên nhân do bệnh lý
Tiếng kêu lục cục ở khớp vai bắt nguồn từ những vấn đề bệnh lý liên quan đến sự tổn thương hoặc suy giảm chức năng của khớp. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến, bao gồm:
- Thoát khí gas từ khớp hoạt dịch: Khi có sự thay đổi áp lực bên trong bao khớp trong quá trình vận động, các bong bóng khí nhỏ trong dịch khớp có thể thoát ra ngoài gây nên tiếng kêu lục cục.
- Chấn thương: Các tổn thương như bong gân, trật khớp hay va đập mạnh có thể làm ảnh hưởng đến gân và các mô xung quanh khớp vai, dẫn đến sự rối loạn chức năng của khớp và gây ra tiếng kêu lục cục khi cử động.
- Khô dịch khớp: Khi lượng dịch bôi trơn giữa các khớp bị giảm sẽ tăng ma sát giữa bề mặt khớp tạo nên tiếng xương kêu răng rắc, nguyên nhân này thường xuất hiện ở người lớn tuổi nhưng đang dần có dấu hiệu trẻ hóa.
- Vôi hóa ổ khớp: Sự lắng đọng canxi ở các mô mềm xung quanh khớp sẽ làm giảm lượng dịch và tăng ma sát giữa các khớp xương. Khi khớp bị vôi hóa, việc cử động không chỉ gây đau mà sẽ tạo nên tiếng kêu lục cục.
- Thoái hóa khớp vai: Trường hợp này bắt nguồn từ quá trình lão hóa của cơ thể làm tăng sự ma sát của sụn viền (sụn bao quanh ổ khớp vai) khiến các lớp sụn bị mài mòn. Khi bệnh nhân xoay người sẽ tạo nên tiếng lạo xạo ở vai.
- Gãy xương: Những trường hợp gãy xương sườn hoặc xương bả vai nếu không được điều trị đúng cách sẽ khiến các mảng xương nhỏ di chuyển ngược chiều nhau tạo nên tiếng lách cách khi cử động.
- Ít vận động: Khi khớp vai ít vận động sẽ làm dịch khớp bị suy giảm và gây ra các hậu quả như cứng khớp, teo cơ hoặc giảm sức mạnh của cơ. Chính vì thế, khớp sẽ hoạt động không ổn định và tạo ra tiếng kêu lục cục.
- Vận động quá ngưỡng: Khi khớp vai vận động quá ngưỡng sẽ làm dịch chuyển gân qua các điểm xương, gây căng thẳng lên gân, dây chằng và cơ. Khi đó, các mô mềm quanh khớp sẽ bị kéo căng hoặc cọ xát mạnh, dẫn đến tiếng kêu ở vai.
Tìm hiểu thêm bệnh lý về vai – viêm quanh khớp vai (tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở trong mô mềm quanh khớp vai) cùng các phương pháp phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai.
1.2 Nguyên nhân do sinh lý
Nguyên nhân sinh lý gây ra tiếng kêu lục cục ở khớp vai có thể bắt nguồn từ những nhân tố tự nhiên của cơ thể dẫn đến cấu trúc xương thay đổi theo thời gian hoặc ngay cả khi vừa mới chào đời, cụ thể:
- Độ tuổi: Theo thời gian, quá trình lão hóa tự nhiên khiến các mô và cơ quanh khớp vai trở nên yếu hơn và giảm linh hoạt. Sự giảm đàn hồi của mô mềm làm tăng ma sát giữa các cấu trúc xương dẫn đến tiếng kêu lục cục khi cử động.
- Dị tật bẩm sinh: Một số người khi sinh ra đã có các cấu trúc xương khớp vai không đồng nhất hoặc dị dạng. Những dị tật này có thể làm thay đổi cấu trúc xương khớp ở vai gây cọ xát mạnh và dẫn đến các âm thanh lục cục.
- Sự thay đổi hormone: Hormone tăng trưởng (hGH) có vai trò duy trì sức khỏe xương và mô liên kết. Sự mất cân bằng hoặc thiếu hụt hGH có thể gây ra các thay đổi trong cấu trúc và chức năng của khớp, tạo nên những âm thanh bất thường. Ở phụ nữ, sự giảm nồng độ estrogen trong thời kỳ mãn kinh có thể dẫn đến tình trạng giảm độ dẻo dai của mô liên kết và tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
- Béo phì: Tình trạng thừa cân béo phì có thể làm giảm khả năng vận động của người bệnh khiến các khớp trở nên cứng nhắc và dễ tổn thương, khi cử động đột ngột có thể xuất hiện tiếng kêu từ khớp vai.
2. Cách điều trị tình trạng khớp vai kêu lục cục hiệu quả
2.1 Điều trị dùng thuốc
Đối với tình trạng khớp vai kêu lục cục, bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc tập trung vào việc giảm đau, giảm viêm và hỗ trợ phục hồi sụn, cụ thể:
- Thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau như Acetaminophen (Paracetamol) có tác dụng giảm đau trong thời gian ngắn do ma sát hoặc tổn thương khớp gây ra.
- Thuốc kháng viêm Nonsteroid (NSAIDs) như Ibuprofen, Aspirin hoặc Naproxen có công dụng chống viêm, giảm sưng, hỗ trợ điều trị tình trạng viêm nhiễm khớp vai và cải thiện sự cử động của khớp.
- Thuốc chứa Alphachymotrypsin giúp làm tan các tụ máu và giảm viêm, phù hợp với các trường hợp khớp bị sưng phù do chấn thương hoặc sau phẫu thuật.
- Thuốc chống thoái hóa chậm như Glucosamine sulfate, Diacerein và Chondroitin sulfate có tác dụng duy trì cấu trúc, chức năng sụn khớp, hỗ trợ dưỡng khớp và làm chậm quá trình thoái hóa.
- Thuốc bổ sung dịch nội khớp: Các loại thuốc chứa Acid hyaluronic đóng vai trò quan trọng trong việc bôi trơn các ổ khớp, hỗ trợ tạo lớp bảo vệ cho sụn khớp và giảm ma sát giữa các bề mặt khớp.
- Tiêm Corticosteroid: Trong các trường hợp khớp vai bị viêm nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ được chỉ định tiêm Corticosteroid để làm dịu các cơn đau, giảm viêm và chữa lành các mô bị tổn thương.
Lưu ý: Việc điều trị bằng thuốc cần được cá nhân hóa dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của người bệnh. Bệnh nhân cần sử dụng đúng liều lượng dưới sự chỉ định của bác sĩ nhằm tránh phát sinh các tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. |
2.2 Vật lý trị liệu
Phương pháp vật lý trị liệu có thể hỗ trợ bệnh nhân phục hồi chức năng xương khớp, giúp cơ phục hồi và giảm căng cứng. Dưới đây là 5 bài tập vận động trị liệu cho bệnh nhân gặp tình trạng khớp vai kêu lục cục:
1 – Kéo dãn xương bả vai
- Sử dụng dây band buộc vào tường hoặc vị trí cố định, đứng cách tường khoảng 50cm.
- Dùng tay kéo dây tập sâu về phía sau sát thân người đến khi có cảm giác căng cơ ở vai.
- Giữ tư thế này trong khoảng 15s sau đó thả lỏng cơ, lặp lại động tác từ 10-15 lần.
Tần suất: 2-3 lần/ngày.
2 – Vắt chéo tay trước ngực
- Duỗi thẳng tay trái và đưa tay về phía trước ngực.
- Dùng tay phải giữ lấy khuỷu tay trái và nhẹ nhàng ép vào sát ngực đến khi cảm nhận được lực căng cơ bả vai (giống ảnh dưới).
- Giữ tư thế này trong khoảng 15-20 giây. Lặp lại động tác từ 10-15 lần.
Tần suất: 1-2 lần/ngày.
3 – Bài tập xoay vai
- Gập 2 tay sao cho các đầu ngón tay chạm nhẹ vào vai.
- Xoay khủy tay ngược chiều kim đồng hồ.
- Thực hiện xoay 20 vòng và đổi chiều.
- Lặp lại động tác 2-3 lần cho mỗi bên.
Tần suất: 1-2 lần/ngày.
4 – Bài tập xương vai
- Nằm sấp và đặt tay xuôi dọc hai bên với thân người.
- Từ từ nâng vai lên khỏi mặt thảm đến khi cảm nhận được độ căng cơ vai sau.
- Giữ tư thế này trong 10s rồi thả lỏng thư giãn.
- Lặp lại động tác từ 10-15 lần.
Tần suất: 1-2 lần/ngày.
5 – Bài tập kéo căng vai tư thế nằm
- Nằm nghiêng sang một bên sao cho vai đau được đặt ở bên dưới, đồng thời gập khuỷu tay một góc 90 độ (như ảnh).
- Dùng tay còn lại hỗ trợ gập tay bên vai đau ép xuống sàn.
- Giữ tư thế trong 15s, thư giãn cơ vai rồi về vị trí ban đầu.
- Thực hiện động tác từ 10-15 lần.
Tần suất: 2-3 lần/ngày.
Xem ngay các bài tập phục hồi chức năng khớp vai mà bệnh nhân có thể tập mọi lúc mọi nơi để tăng cường sức mạnh cho nhóm cơ khớp vai.
2.3 Phẫu thuật
Khi khớp vai xuất hiện tình trạng kêu lục cục liên quan đến các chấn thương nghiêm trọng, phương pháp phẫu thuật sẽ được cân nhắc để sửa chữa gân, loại bỏ các u xương sụn hoặc tái tạo lại khớp, chẳng hạn như:
- Phẫu thuật nội soi: Phương pháp nội soi cắt bỏ bao khớp giúp loại bỏ các yếu tố gây kích thích bên trong khớp như gai xương, sụn vỡ hoặc màng hoạt dịch bị viêm.
- Phẫu thuật bán phần hoặc toàn phần: Phương pháp này được áp dụng cho những bệnh nhân có khớp vai bị tổn thương nghiêm trọng hoặc mất chức năng khớp. Phẫu thuật sẽ loại bỏ các phần xương bị hư hại để ngăn ngừa nguy cơ hoại tử hoặc tàn phế cho bệnh nhân.
Có thể bạn quan tâm: Vật lý trị liệu cổ vai gáy: Phương pháp & Bài tập điều trị
3. Cách phòng tránh tình trạng khớp vai kêu lục cục
Cải thiện tư thế đúng: Khi làm việc nên đảm bảo giữ tư thế lưng thẳng, vai thả lỏng và hạn chế cuối người về phía trước quá nhiều, đặc biệt là khi sử dụng máy tính trong thời gian dài.
Tập thể dục thường xuyên: Duy trì chế độ tập luyện đều đặn, tập trung vào việc tăng cường sức mạnh của cơ vai, ví dụ các bài tập như nâng tạ nhẹ, kéo dây hoặc gập – duỗi cánh tay.
Chú ý đến chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn uống cân bằng bổ sung thực phẩm giàu canxi và vitamin D giúp xương chắc khỏe. Ngoài ra:
- Lựa chọn thực phẩm chứa axit béo Omega-3: Omega-3 rất cần thiết cho sức khỏe sụn, có tác dụng hình thành đệm sụn ở đầu xương.
- Bổ sung collagen: Đây là một loại protein quan trọng giúp xây dựng cấu trúc sụn cho mô khớp, hỗ trợ hiệu quả quá trình phục hồi của người bệnh.
- Uống đủ nước: Cung cấp đủ nước cho cơ thể để giúp duy trì độ nhớt của chất lỏng hoạt dịch, giúp bôi trơn khớp, hỗ trợ quá trình vận động của cơ.
4. Khớp vai kêu cục cục có nguy hiểm không?
Khớp vai kêu lục cục là biểu hiện của nhiều bệnh lý xương khớp, nếu không điều trị kịp thời có thể gặp phải một số biến chứng nghiêm trọng, cụ thể:
- Hỏng khớp vai: Khi khớp vai kêu lục cục do tình trạng thoái hóa khớp vai kéo dài, sụn khớp sẽ bị mòn dần làm giảm khả năng hấp thụ lực và gây đau nhức. Trong trường hợp nặng, khớp vai sẽ trở nên biến dạng và bị phá hủy hoàn toàn, gây ra các hạn chế về vận động cho người bệnh.
- Tổn thương sụn khớp: Tình trạng khớp vai kêu lộp cộp do rách sụn sẽ gây ra các cơn đau nhức và hạn chế khả năng vận động của người bệnh. Khi kéo dài sẽ gây tổn thương các tế bào mô xung quanh sụn gây sưng và cứng khớp.
- Tê liệt khớp vai cổ và lưng: Khi các khớp vai tổn thương do cấu trúc xương bị trật có thể gây chèn ép dây thần kinh dẫn đến tê bì, yếu cơ ở vai, cổ và vùng lưng. Tổn thương lâu dài có thể giảm sức mạnh cơ bắp, ảnh hưởng đến chức năng vận động của vai.
- Tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu trong: Các tình trạng khiến khớp vai kêu lục cục do bị rách các cơ, dây chằng hoặc tổn thương gân có thể làm ảnh hưởng đến dây thần kinh hoặc mạch máu trong, gây ra cảm giác đau, tê bì ở vùng vai, cánh tay.
Bài viết liên quan: Phục hồi chức năng trật khớp vai: Tổng hợp thông tin từ A – Z
Khớp vai kêu lục cục có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý liên quan đến hệ cơ xương khớp. Bệnh nhân nên có kế hoạch thăm khám kịp thời để tận dụng “thời gian vàng” trong quá trình điều trị và ngăn ngừa các biến chứng xấu ảnh hưởng đến các chức năng khác của vai.
MYREHAB MATSUOKA là trung tâm trị liệu chuyên sâu với đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm kết hợp với công nghệ trị liệu hiện đại. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi nếu bạn cần tư vấn miễn phí và xây dựng lộ trình điều trị riêng biệt nhé!
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội