Phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước thường đi kèm với một số biến chứng tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến quá trình hồi phục và chất lượng cuộc sống. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn 9 biến chứng sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước, giúp bạn trang bị những kiến thức cần thiết để phòng tránh và đối phó với các biến chứng này. Hãy cùng theo dõi nhé!
1. Nhiễm trùng
Nhiễm trùng là biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo với nguy cơ ước tính khoảng 0,2 – 3%. Nguyên nhân gây nhiễm trùng có thể do vi khuẩn xâm nhập vào trong quá trình phẫu thuật hoặc do việc chăm sóc hậu phẫu không đảm bảo. Các yếu tố như chăm sóc vết thương kém, hệ thống miễn dịch của bệnh nhân bị suy yếu, hoặc dụng cụ phẫu thuật bị nhiễm bẩn cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Để xử lý tình trạng này, bác sĩ thường tiến hành bơm rửa vết thương bằng dung dịch sát khuẩn và cách ngày thay băng 1 lần cho đến khi vết mổ lành hoàn toàn. Phòng ngừa nhiễm trùng đòi hỏi quá trình phẫu thuật cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định khử trùng dụng cụ phẫu thuật và chăm sóc vết thương đúng cách sau phẫu thuật để giảm thiểu nguy cơ cho bệnh nhân.
2. Huyết khối tĩnh mạch
Đây là tình trạng hình thành một hay nhiều cục máu đông trong tĩnh mạch đùi hoặc bắp chân. Những cục máu đông này có thể chặn dòng máu, gây ra các triệu chứng như sưng, đau và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác khi chúng di chuyển, gây tắc mạch và làm ngưng trệ tuần hoàn máu dẫn đến tai biến.
Nguyên nhân dẫn đến huyết khối tĩnh mạch đến nay vẫn chưa được xác nhận. Một số yếu tố nguy cơ phổ biến có thể kể đến bao gồm phẫu thuật làm gián đoạn lưu lượng máu bình thường, bất động kéo dài, béo phì, hút thuốc hoặc tiền sử bị cục máu đông.
Để điều trị và phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch, bác sĩ thường kê đơn các loại thuốc chống đông máu. Bên cạnh đó, việc duy trì lối sống lành mạnh, vận động đều đặn, đặc biệt là sau phẫu thuật, là rất quan trọng để ngăn ngừa tình trạng này.
3. Tổn thương thần kinh
Trong quá trình phẫu thuật tái tạo dây chằng, vết mổ hoặc thao tác mổ không đúng kỹ thuật có thể làm tổn hại đến các dây thần kinh xung quanh vùng đầu gối, dẫn đến các triệu chứng như tê bì, ngứa ran hoặc yếu ở chân. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn làm chậm quá trình hồi phục.
Tổn thương thần kinh có thể cải thiện theo thời gian với các phương pháp vật lý trị liệu và kích thích thần kinh. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật thần kinh có thể là giải pháp cần thiết để nối lại các dây thần kinh bị đứt.
4. Tái đứt ACL
Tái đứt dây chằng chéo trước là biến chứng ít gặp nhưng có thể xảy ra sau phẫu thuật. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường liên quan đến các vấn đề kỹ thuật trong quá trình phẫu thuật như vị trí ghép không tối ưu, lực căng ghép không phù hợp hoặc cố định mối ghép không thành công. Để khắc phục tình trạng này, các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá kỹ lưỡng các lỗi đã xảy ra và thực hiện phẫu thuật lại, đảm bảo sự phục hồi chức năng của dây chằng chéo trước.
5. Teo cơ
Nguyên nhân chính dẫn đến teo cơ là do đau, sưng viêm và hạn chế vận động khiến các nhóm cơ xung quanh dần mất đi khối lượng và sức mạnh. Nếu không được điều trị kịp thời, teo cơ có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Để ngăn ngừa và điều trị teo cơ, người bệnh cần tích cực tham gia các bài tập phục hồi chức năng dưới sự hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu. Đồng thời, một chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ cung cấp đầy đủ năng lượng và các chất cần thiết để cơ thể phục hồi nhanh chóng.
6. Cứng khớp, giảm phạm vi hoạt động
Biến chứng cứng khớp và giảm phạm vi hoạt động có tỷ lệ mắc phải lên đến trên 5%. Nguyên nhân gây cứng khớp có thể bao gồm:
- Sự hình thành mô sẹo hoặc viêm trong quá trình lành thương.
- Bệnh nhân phẫu thuật quá sớm sau chấn thương, khi khớp gối vẫn còn sưng nề, chưa gấp duỗi hết biên độ dẫn đến sau mổ bị căng tức, sưng đau nhiều, không vận động sớm được.
- Việc khoan đường hầm mâm chày không chính xác, ra trước hoặc ra sau quá nhiều có thể dẫn đến hạn chế vận động khớp gối.
Để khắc phục tình trạng này, các bài tập vật lý trị liệu được xem là phương pháp điều trị chủ yếu, giúp phục hồi phạm vi chuyển động và giảm thiểu độ cứng khớp. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật bổ sung có thể được chỉ định để loại bỏ mô sẹo.
Để phòng ngừa cứng khớp, việc vận động khớp gối sớm và đều đặn sau phẫu thuật là vô cùng quan trọng. Bệnh nhân nên tuân thủ phác đồ vật lý trị liệu do bác sĩ đưa ra để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
7. Tê bì
Cảm giác tê bì ở mặt trước ngoài cẳng chân, đặc biệt là vùng gần vết mổ, là một biến chứng khá phổ biến sau phẫu thuật. Nguyên nhân chính có thể là do các nhánh thần kinh cảm giác, cụ thể là thần kinh hiển, bị tổn thương hoặc căng giãn trong quá trình thực hiện thủ thuật. Tuy nhiên, người bệnh không cần quá lo lắng vì tình trạng này thường có xu hướng cải thiện dần theo thời gian. Trong khoảng 3 – 6 tháng, các dây thần kinh thường tự phục hồi và cảm giác sẽ trở lại bình thường.
8. Lỏng gối
Khớp gối lỏng sau phẫu thuật là một biến chứng mà không ít bệnh nhân gặp phải, với tỷ lệ xảy ra khoảng 2,4 – 34%. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do nhiều yếu tố như việc cố định khớp không chắc chắn, dây chằng yếu, việc tập luyện phục hồi không đúng cách hoặc tái chấn thương, đứt, giãn mảnh ghép.
Để cải thiện tình trạng này, các bài tập vật lý trị liệu thường được áp dụng nhằm tăng cường cơ bắp xung quanh khớp gối. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật bổ sung có thể là giải pháp cần thiết để ổn định khớp gối.
9. Đau gối kéo dài
Đau gối kéo dài sau phẫu thuật thường xuất phát từ những thay đổi về mặt cơ học, làm ảnh hưởng đến cách thức hoạt động bình thường của khớp, gây ra cảm giác đau nhức và khó chịu. Ngoài ra, sự mất cân bằng cơ, co rút mô sẹo, viêm hoặc sưng trong khớp, hoặc thậm chí tổn thương nhỏ không được xử lý triệt để trong quá trình phẫu thuật cũng có thể dẫn đến tình trạng này.
Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng đau gối có thể được kiểm soát bằng bài tập sau mổ dây chằng chéo trước được chỉ định nhằm tăng cường sức mạnh cơ bắp quanh khớp, cải thiện khả năng chịu lực và phục hồi chức năng vận động. Việc tuân thủ chặt chẽ quy trình phục hồi, kết hợp với sự hỗ trợ của các chuyên gia y tế, sẽ giúp bệnh nhân giảm đau, phục hồi tốt hơn và ngăn ngừa các biến chứng tiềm ẩn khác.
Cách phòng ngừa biến chứng sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước
Để phòng ngừa các biến chứng sau phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước, việc phục hồi chức năng tích cực là vô cùng quan trọng. Bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ vật lý trị liệu do bác sĩ chỉ định để tăng cường sức mạnh cơ bắp và độ linh hoạt của khớp gối.
Đồng thời, việc chăm sóc vết mổ cũng rất cần thiết. Bệnh nhân nên sát trùng và thay băng vết mổ mỗi ngày theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Nếu trong quá trình hồi phục, bạn phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như sưng đỏ, đau tăng, sốt hay chảy dịch ở vết mổ, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm: Dịch vụ PHCN tổn thương dây chằng chéo TOÀN DIỆN, tiêu chuẩn NHẬT của Myrehab Matsuoka
Để hạn chế biến chứng sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước, bạn cần tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị của bác sĩ, đặc biệt là chương trình vật lý trị liệu. Bên cạnh đó, việc phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và thông báo cho bác sĩ kịp thời sẽ giúp bạn kiểm soát tốt các biến chứng có thể xảy ra.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến phục hồi sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước, người bệnh hãy liên hệ với Trung tâm MYREHAB MATSUOKA để được tư vấn miễn phí trong thời gian sớm nhất.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official