Dây chằng chéo trước (Anterior cruciate ligament – ACL) có nhiệm vụ giữ vững khớp gối, ngăn mâm chày di chuyển quá mức về phía trước. Khi bị tổn thương, ACL khiến tầm vận động của khớp gối bị suy giảm, gây lỏng lẻo khớp. Chính vì tình trạng này gây ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động và có thời gian điều trị kéo dài nên đây được xem là “cơn ác mộng” của các vận động viên.
Hiểu rõ được các dấu hiệu và các trường hợp dễ mắc phải đứt bán phần dây chằng chéo trước sẽ giúp bạn phát hiện và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng ảnh hưởng lâu dài đến hệ cơ xương khớp.
1. Đứt bán phần dây chằng chéo trước là gì?
Đứt bán phần dây chằng chéo trước là tình trạng một phần dây chằng chéo trước bị rách nhưng phần còn lại vẫn còn nguyên vẹn. Tình trạng này xảy ra khi dải mô nối giữa xương đùi và xương chày bị kéo căng khiến dây chằng bị tổn thương.
Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết đứt bán phần dây chằng chéo trước:
- Xuất hiện âm thanh lạo xạo hoặc tiếng rắc ở đầu gối tại thời điểm gặp chấn thương.
- Gối bị đau và sưng nhanh ngay sau khi gặp chấn thương.
- Xuất hiện các cơn đau khi đứng hoặc khi có áp lực lên chân bị thương.
- Khó cử động đầu gối hoặc phạm vi cử động ở chân bị hạn chế.
- Cảm thấy khớp đầu gối lỏng lẻo, đứng không vững, đi lại khập khiễng và không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Mức độ tổn thương của các triệu chứng trên phụ thuộc vào tỷ lệ rách ở dây chằng, độ tuổi và tình trạng sức khỏe ở từng bệnh nhân. Trường hợp khớp gối người bệnh bị mất ổn định gây ra cảm giác đột ngột dịch chuyển, có thể bệnh nhân đã bị đứt dây chằng chéo trước toàn phần, không phải đứt một phần.
2. Dây chằng chéo trước bị đứt như thế nào?
Dây chằng chéo trước bị đứt một phần hoặc toàn phần thường xảy ra khi một người đang ở trong một chuyển động xoắn đột ngột. Khi bạn đang chạy và đột ngột dừng rồi đổi hướng với lực mạnh sẽ dễ khiến dây chằng bị xoắn và đứt một phần hoặc toàn phần.
Ví dụ các tình huống có thể gây đứt dây chằng chéo trước:
- Khi vận động viên nhảy xa và tiếp đất không đúng kỹ thuật (không gập gối khi chân chạm đất) sẽ tạo ra phản lực lớn tác động đến đầu gối, dễ dẫn đến đứt một phần hoặc toàn bộ dây chằng.
- Trong bóng đá, các cầu thủ thường xuyên phải đổi hướng nhanh, dừng đột ngột khi chạy hoặc xảy ra các va chạm trực tiếp ở chân. Những tình huống này dễ tạo nên tác động lực lớn lên dây chằng chéo trước và dẫn đến đứt dây chằng.
- Đứt dây chằng chéo trước có thể xảy ra do các sự cố trong sinh hoạt hàng ngày như trượt chân, tai nạn xe, mang giày dép quá rộng/quá chật,… Khi đó, đầu gối của bệnh nhân có thể bị bầm tím xương ở dưới bề mặt sụn và khiến các mô liên kết ở dây chằng bị rách.
3. Những đối tượng có thể dễ bị đứt bán phần dây chằng chéo trước
Trường hợp đứt bán phần dây chằng chéo trước có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Tuy nhiên, ở các vận động viên, người chơi các môn thể thao mang tính đối kháng, tranh chấp cao như: bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền,… thường được đánh giá là có tỷ lệ gặp phải chấn thương này cao hơn. Ngoài ra các môn thể thao tốc độ cao như cầu lông, đạp xe, tennis, điền kinh,.. cũng dễ gây tổn thương dây chằng chéo trước.
Đáng chú ý, một số nghiên cứu cho thấy các vận động viên nữ thường có nguy cơ chấn thương dây chằng chéo trước cao hơn so với nam giới. Nguyên nhân này chủ yếu bắt nguồn từ sự khác biệt về thể chất, sức mạnh cơ bắp và khả năng kiểm soát thần kinh cơ. Thêm vào đó, sự khác biệt về liên kết giữa xương chậu và chi dưới (chân) hay sự tác động của estrogen lên dây chằng cũng góp phần làm tăng nguy cơ chấn thương ở nữ giới.
4. Chấn thương rách bán phần dây chằng chéo trước có nguy hiểm không?
Câu trả lời là không. Hầu hết chấn thương rách bán phần dây chằng chéo trước thường có tiên lượng tốt, tức là bệnh nhân có khả năng hồi phục chức năng vận động của khớp gối sau quá trình điều trị và tập phục hồi. Thông thường thời gian để bệnh nhân phục hồi kéo dài ít nhất 3 tháng, tùy thuộc vào mức độ tổn thương và hiệu quả của chương trình điều trị.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp người bệnh có thể gặp phải triệu chứng mất ổn định khớp gối do gặp phải các va chạm, có lực tác động mạnh trực tiếp lên đầu gối. Do đó, để đạt kết quả phục hồi tốt và hạn chế các biến chứng, bệnh nhân cần được theo dõi lâm sàng chặt chẽ và xây dựng một liệu trình vật lý trị liệu kỹ lưỡng. Mục đích chính là làm giảm các nguy cơ mắc các biến chứng về lâu dài như: viêm xương khớp, thoái hóa khớp, gãy xương, teo cơ,…
5. Cách xử lý khi dây chằng chéo trước bị đứt bán phần
Bệnh nhân bị đứt bán phần dây chằng chéo trước nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ giảm nguy cơ mắc phải các biến chứng ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp. Người bệnh có thể xử lý trường hợp này theo các bước sau đây:
Bước 1: Xử lý tạm thời sau khi bị rách dây chằng chéo bán phần
- Kê cao chân, hạn chế dồn áp lực lên đầu gối.
- Giảm tình trạng viêm ở đầu gối bằng cách:
- Chườm đá ít nhất 2 giờ/lần, mỗi lần 20 phút.
- Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như: Ibuprofen, Aspirin, Naproxen,… để giúp bệnh nhân giảm sưng và viêm.
- Quấn băng thun hoặc băng ép chuyên dụng quanh đầu gối để giữ cố định khớp gối, tránh tình trạng xê dịch khớp gối khi bệnh nhân di chuyển.
Bước 2: Đi thăm khám bác sĩ
- Tham khảo ý kiến bác sĩ chỉnh hình hoặc bác sĩ y học thể thao càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác.
- Trong quá trình khám, bệnh nhân có thể được các bác sĩ yêu cầu thực hiện các hoạt động sau:
- Kiểm tra thể chất để quan sát khả năng chuyển động của khớp gối bệnh nhân.
- Thực hiện kiểm tra đầu gối và chụp X-quang để loại trừ khả năng gãy xương. Ngoài ra, bệnh nhân có thể được chụp MRI để biết được mức độ tổn thương của dây chằng chéo trước và các mô liên kết khác.
6. Phương pháp điều trị bệnh nhân đứt dây chằng trước bán phần
Dây chằng chéo trước không có khả năng tự tái tạo hoặc tự lành khi bị rách nên phương pháp phẫu thuật thường được bác sĩ cân nhắc. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp đều cần can thiệp bằng phẫu thuật. Phương pháp này thường được chỉ định cho các bệnh nhân có nhu cầu vận động cao như các vận động viên hoặc người ở độ tuổi lao động.
Với các trường hợp bị đứt bán phần, dây chằng chéo trước có thể hình thành sẹo nối khoảng cách giữa các đầu dây chằng bị rách, giúp phục hồi dần cử động ở đầu gối. Do đó, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng nẹp hỗ trợ, tập vật lý trị liệu để phục hồi khả năng vận động khớp gối.
7. Câu hỏi thường gặp về đứt dây chằng chéo trước
Đứt bán phần dây chằng chéo trước có nên mổ không?
Câu trả lời là không nên. Nếu dây chằng bị đứt bán phần và vẫn có khả năng ổn định khớp gối, bệnh nhân nên thực hiện điều trị bảo tồn với các bài tập phục hồi dây chằng chéo trước kết hợp với dùng nẹp hỗ trợ. Trường hợp phẫu thuật chỉ nên thực hiện khi dây chằng chéo trước bị đứt hoàn toàn, gây mất ổn định khớp gối.
Rách bán phần dây chằng chéo trước có tự lành không?
Câu trả lời là không, rách bán phần dây chằng chéo trước sẽ không thể tự lành hoàn toàn. Nếu có lộ trình phục hồi chức năng phù hợp, bệnh nhân có thể thực hiện các cử động nhẹ và giảm tình trạng xuất hiện các cơn đau nhói khó chịu ở đầu gối sau khoảng 3 tháng điều trị. Tuy nhiên, khả năng chịu lực và độ căng ở dây chằng đầu gối của bệnh nhân sẽ không còn như ban đầu, yếu hơn so với trước khi gặp chấn thương.
Đứt bán phần dây chằng chéo trước bao lâu thì lành?
Thời gian hồi phục đứt bán phần dây chằng chéo trước ở mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào mức độ chấn thương cũng như phương pháp điều trị mà người bệnh lựa chọn.
Trường hợp đứt bán phần dây chằng chéo trước, bệnh nhân không phẫu thuật và thực hiện vật lý trị liệu thì quá trình phục hồi thường mất ít nhất 3 tháng. Trong trường hợp dây chằng chéo trước đứt hoàn toàn và bệnh nhân lựa chọn thực hiện phẫu thuật tái tạo dây chằng, thời gian phục hồi sẽ kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm tùy thuộc vào kết quả phẫu thuật, thời gian tập luyện và đáp ứng của bệnh nhân khác nhau.
Đứt bán phần dây chằng chéo trước có chạy bộ được không?
Bệnh nhân đứt bán phần dây chằng chéo trước có thể chạy bộ sau khoảng 3 tháng điều trị phục hồi chức năng. Để giảm nguy cơ tái phát chấn thương, bệnh nhân nên:
- Đeo nẹp đầu gối hỗ trợ khi chạy.
- Lựa chọn các bề mặt phẳng như vỉa hè hoặc máy chạy bộ để tránh làm tăng áp lực lớn lên đầu gối.
Điều quan trọng nhất là bệnh nhân cần tuân thủ theo chế độ tập luyện và tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi bắt đầu thực hiện các hoạt động thể chất để đạt hiệu quả phục hồi tốt nhất.
Các chấn thương ở dây chằng đầu gối dễ khiến khớp gối lỏng lẻo, mất khả năng vận động và gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp ở người bệnh. Do đó, nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường ở đầu gối, người bệnh nên cân nhắc đi khám sớm để được các bác sĩ/chuyên gia chẩn đoán và tư vấn lộ trình điều trị phù hợp.
Tại MYREHAB MATSUOKA, chúng tôi cung cấp giải pháp phục hồi toàn diện cho bệnh nhân đứt bán phần dây chằng chéo trước. Với đội ngũ chuyên gia hàng đầu và hệ thống công nghệ tiên tiến nhập khẩu từ các quốc gia hàng đầu về y tế tại Âu – Mỹ, chúng tôi cam kết mang đến liệu trình an toàn và hiệu quả nhất. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi nhé!
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm trị liệu và phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
|