5 điều cần biết về phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ

Tác giả: Myrehab - MatsuokaTham vấn y khoa: Th.s BSVũ Thị Hằng

Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ là biện pháp nhằm hỗ trợ người bệnh khôi phục khả năng vận động và sinh hoạt, giúp họ nhanh chóng quay trở lại cuộc sống bình thường, năng động và độc lập. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về quá trình phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ, từ mục tiêu, thời gian đến các phương pháp điều trị hiệu quả. Hãy cùng theo dõi nhé!

Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ
Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ

1. Mục tiêu phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ

Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ là một quá trình phức tạp nhằm hỗ trợ đẩy nhanh quá trình phục hồi cả về thể chất, tinh thần và quan hệ xã hội, từ đó tăng cường khả năng tự lập của người bệnh. Sau đây là những cải thiện sau phục hồi chức năng:

  • Khả năng vận động: Tăng cường khả năng vận động, sức mạnh của các cơ và khả năng giữ thăng bằng, từ đó việc di chuyển và đi lại được cải thiện.
  • Cảm giác: Phục hồi cảm giác bị mất như tê bì hoặc mất nhận biết ở tay chân, điều chỉnh nhận thức cảm giác, cải thiện khả năng phân biệt chạm, nóng lạnh hoặc áp lực.
  • Ngôn ngữ: Khôi phục khả năng nói, hiểu ngôn ngữ, viết, đọc và cải thiện giao tiếp phi ngôn ngữ (nếu cần).
  • Tâm lý: Ổn định hơn về mặt tâm lý, kiểm soát các cảm xúc như lo âu hay thay đổi tâm trạng.
  • Tinh thần và nhận thức: Cải thiện về khả năng tập trung, ghi nhớ, tư duy, ngôn ngữ, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần.
  • Sinh hoạt hàng ngày: Khôi phục khả năng tự thực hiện các hoạt động cơ bản như tự ăn uống, mặc đồ, và vệ sinh cá nhân.
  • Nghề nghiệp: Phục hồi kỹ năng nghề nghiệp đã mất, thích nghi với công việc mới, tạo cơ hội tái hòa nhập vào môi trường làm việc thông qua đào tạo và hỗ trợ.
Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ nhằm tăng cường sức mạnh thể chất, cải thiện tinh thần và nhận thức cho người bệnh
Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ nhằm tăng cường sức mạnh thể chất, cải thiện tinh thần và nhận thức cho người bệnh

2. Thời gian vàng để phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ

Các chuyên gia khuyến nghị rằng tất cả các bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ cấp nên được bắt đầu phục hồi chức năng bằng vận động sớm khi huyết động và tình trạng lâm sàng của bệnh nhân ổn định, lý tưởng là trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi khởi phát đột quỵ nhằm tối ưu hóa khả năng hồi phục và giảm nguy cơ biến chứng. Giai đoạn vàng để phục hồi chức năng là trong 6 tháng đầu sau đột quỵ, thời điểm mà não bộ có khả năng tái tổ chức và học lại cao nhất

Các trường hợp chống chỉ định vận động sớm bao gồm:

  • Các bệnh nhân làm các thủ thuật can thiệp có đâm kim vào động mạch.
  • Tình trạng nội khoa không ổn định.
  • Độ bão hòa oxy thấp.
  • Gãy hoặc chấn thương chi dưới kết hợp.

3. Thời gian hồi phục sau phục hồi chức năng

Thời gian phục hồi thần kinh sau đột quỵ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trung bình:

  • Khoảng 2 tháng (8,5 tuần) với bệnh nhân đột quỵ nhẹ.
  • Khoảng 3 tháng (13 tuần) với bệnh nhân đột quỵ mức độ vừa.
  • Khoảng 4 tháng (17 tuần) với bệnh nhân đột quỵ mức độ nặng.
  • Khoảng 5 tháng (20 tuần) với bệnh nhân đột quỵ mức độ rất nặng.
  • Sau 5 – 6 tháng, rất khó để nhận thấy sự cải thiện.

Quá trình phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ diễn ra theo nhiều giai đoạn. Trong vòng 3 tháng đầu tiên, chức năng thần kinh thường hồi phục nhanh chóng và rõ rệt nhất. Đến 6 tháng, hầu hết bệnh nhân đạt được trạng thái ổn định nhất định. Tốc độ phục hồi sẽ giảm dần trong 6 – 12 tháng tiếp theo. Sau 1 – 2 năm, khả năng phục hồi tiếp tục giảm và có thể ngừng hẳn, đặc biệt ở những trường hợp đột quỵ mãn tính.

6 tháng là mốc thời gian thường được đặt ra cho phục hồi chức năng thần kinh. Hầu hết bệnh nhân có thể đạt được trạng thái tương đối ổn định ở thời điểm này. Một số trường hợp đột quỵ mãn tính, thần kinh sẽ suy giảm liên tục sau đó nếu dừng phục hồi chức năng.

Do đó việc có thể phục hồi hoàn toàn hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ nghiêm trọng của đột quỵ, thời điểm bắt đầu phục hồi chức năng, loại hình cũng như cường độ phục hồi chức năng.

Phục hồi chức năng sớm sẽ giúp nâng cao khả năng hồi phục của bệnh nhân
Phục hồi chức năng sớm sẽ giúp nâng cao khả năng hồi phục của bệnh nhân

4. Các phương pháp phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ

Phục hồi chức năng cần được thực hiện sớm và cá nhân hóa đối với từng bệnh nhân. Các phương pháp thường được thực hiện bao gồm điện trị liệu, vận động trị liệu, kích thích não không xâm lấn, trị liệu dựa trên nhận thức, hoạt động trị liệu,…

4.1. Điện trị liệu

  • Hồng ngoại: Sử dụng tia hồng ngoại làm ấm sâu các mô, giúp cải thiện tuần hoàn máu, thúc đẩy quá trình tái tạo thần kinh và phục hồi chức năng bị mất.
  • Điện xung: Liệu pháp này sử dụng dòng điện kích thích các sợi thần kinh cảm giác, giảm co cứng cơ, tăng tuần hoàn máu, thúc đẩy khả năng vận động và quá trình phục hồi diễn ra nhanh hơn.
  • Kích thích từ trường xuyên sọ: Đây là phương pháp điều trị không xâm lấn, sử dụng từ trường mạnh để kích thích các nơron trong não từ bên ngoài sọ. Điều này giúp cải thiện chức năng vận động, tăng cường kết nối thần kinh và giảm các triệu chứng tâm lý như lo âu, trầm cảm,…
Điện xung giúp tác động lên các mô cơ bị ảnh hưởng, giảm co thắt, tăng tuần hoàn và kích thích phục hồi
Điện xung giúp tác động lên các mô cơ bị ảnh hưởng, giảm co thắt, tăng tuần hoàn và kích thích phục hồi

4.2. Vận động trị liệu

Vận động trị liệu trong phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ là một phần quan trọng giúp bệnh nhân khôi phục khả năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống. Phương pháp này bao gồm các bài tập nhằm cải thiện sức mạnh cơ bắp, tính linh hoạt, vận động của mặt, chi trên, chi dưới, tư thế, dáng đi và thăng bằng.

Các bài tập vật lý trị liệu cho người tai biến có thể từ những động tác nhẹ nhàng như gập và duỗi chân, cho đến các hoạt động phức tạp hơn như đi bộ hoặc leo cầu thang. Ngoài ra, vận động trị liệu còn tập trung vào việc phục hồi kỹ năng vận động tinh tế, chẳng hạn như cầm nắm hoặc sử dụng các chi bị liệt.

Đội ngũ chuyên gia vật lý trị liệu thường áp dụng các công cụ hỗ trợ như khung tập đi, nẹp cố định và các thiết bị công nghệ hiện đại để tối ưu hóa quá trình phục hồi. Sự tiến bộ trong vận động trị liệu không chỉ giúp bệnh nhân cải thiện khả năng tự lập mà còn giảm nguy cơ biến chứng như co cứng cơ hoặc thoái hóa khớp.

Vận động trị liệu tập trung vào cải thiện tư thế, dáng đi, ngôn ngữ, nhận thức và các hoạt động thường ngày
Vận động trị liệu tập trung vào cải thiện tư thế, dáng đi, ngôn ngữ, nhận thức và các hoạt động thường ngày

4.3. Ngôn ngữ trị liệu

Phương pháp ngôn ngữ trị liệu giúp bệnh nhân phục hồi khả năng hiểu thông tin, phục hồi khả năng phát âm, cấu trúc câu và giao tiếp hiệu quả. Trong trường hợp bệnh nhân gặp khó khăn trong việc nói, các phương pháp giao tiếp như sử dụng hình ảnh, cử chỉ hoặc bảng từ sẽ được áp dụng.

Các phương pháp ngôn ngữ trị liệu phổ biến bao gồm:

  • Bài tập phát âm: Luyện tập các âm, từ và cụm từ để cải thiện sự rõ ràng trong phát âm.
  • Sử dụng hình ảnh và cử chỉ: Các bài tập này giúp bệnh nhân liên kết từ ngữ với hình ảnh hoặc cử chỉ để cải thiện khả năng hiểu và giao tiếp.
  • Luyện tập nghe và phản hồi: Giúp bệnh nhân cải thiện khả năng tiếp nhận và phản hồi thông tin qua lời nói.

Tìm hiểu thêm về cách Phục hồi chức năng nói sau tai biến

Ngôn ngữ trị liệu trong phục hồi chức năng sau đột quỵ
Ngôn ngữ trị liệu trong phục hồi chức năng sau đột quỵ

4.4. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu đóng vai trò quan trọng hỗ trợ bệnh nhân đột quỵ trong việc quản lý cảm xúc, đối phó với những thay đổi tâm lý, suy nghĩ tiêu cực như lo âu, trầm cảm, rối loạn cảm xúc,… Từ đó, người bệnh có thể cải thiện sức khỏe tinh thần, giảm cảm giác cô đơn và cảm thấy tự tin hơn trong tái hòa nhập với xã hội cũng như cuộc sống hàng ngày. Một số liệu pháp tâm lý phổ biến như tư vấn tâm lý, liệu pháp nhóm, liệu pháp gia đình, thiền, yoga,…

Liệu pháp nhóm cung cấp không gian để bệnh nhân giao lưu và chia sẻ, từ đó giảm cảm giác cô đơn và giúp tạo động lực
Liệu pháp nhóm cung cấp không gian để bệnh nhân giao lưu và chia sẻ, từ đó giảm cảm giác cô đơn và giúp tạo động lực

4.5. Liệu pháp dựa trên hoạt động

1 – Liệu pháp vận động hạn chế (CIMT) là phương pháp hiệu quả và phổ biến được thiết kế chủ yếu để cải thiện khả năng sử dụng chức năng của chi bị ảnh hưởng ở bệnh nhân đột quỵ. Nguyên tắc tập luyện CIMT tập trung vào việc:

  • Hạn chế sử dụng chi khỏe hơn bằng nẹp hoặc găng tay trong 90% thời gian và thúc đẩy việc sử dụng chi yếu thường xuyên hơn.
  • Hỗ trợ cho chi yếu hơn bằng các hoạt động lặp đi lặp lại trong tối đa 6h mỗi ngày trong hai tuần. Để tăng tính mềm dẻo của thần kinh tác vụ, người bệnh cần lặp đi lặp lại đủ 300 – 400 lần cho 1 tác vụ/ 1 lần tập.
Liệu pháp vận động hạn chế (CIMT)
Liệu pháp vận động hạn chế (CIMT)

2 – Liệu pháp trị liệu bằng gương: Người bệnh quan sát các chuyển động được thực hiện bởi chi không bị ảnh hưởng được phản chiếu qua tấm gương đặt ở đường giữa cơ thể và lặp lại ở chi bị ảnh hưởng.

Liệu pháp trị liệu bằng gương
Liệu pháp trị liệu bằng gương

3 – Liệu pháp vận động kích hoạt thần kinh cảm thụ bản thể (PNF): Là liệu pháp sử dụng các bài tập kéo căng cơ kết hợp co cơ chủ động và kháng lực để kích thích các thụ thể cảm giác trong cơ, gân và khớp. PNF được áp dụng trong phục hồi sau đột quỵ nhằm giảm hiện tượng co cứng cơ, cải thiện khả năng thăng bằng, tăng sức mạnh và khả năng phối hợp của chi bị ảnh hưởng.

Liệu pháp vận động kích hoạt thần kinh cảm thụ bản thể (PNF)
Liệu pháp vận động kích hoạt thần kinh cảm thụ bản thể (PNF)

4.6. Trị liệu dựa trên nhận thức

Liệu pháp dựa trên nhận thức là một phương pháp điều trị hiệu quả, đặc biệt trong phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ. Phương pháp này giúp bệnh nhân học hỏi và thực hiện các hành động mới thông qua việc quan sát và bắt chước các hình ảnh hoặc hành động mẫu. Bằng cách này, não bộ được kích thích tạo ra các kết nối thần kinh mới, hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng bị mất.

Phương pháp trị liệu dựa trên nhận thức
Phương pháp trị liệu dựa trên nhận thức

4.7. Hoạt động trị liệu

Hoạt động trị liệu tập trung vào việc khuyến khích người bệnh chủ động thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, hướng tới mục tiêu độc lập tối đa sau khi bị bệnh. Các dụng cụ hỗ trợ chức năng bàn tay cho bệnh nhân thường được thiết kế đặc biệt hơn so với các dụng cụ nguyên bản như thìa dĩa có tay cầm lớn, đũa thông minh, cốc khuyết mũi, thìa cong,… Các dụng cụ hỗ trợ khác như dụng cụ đi tất, đi giày, hay bấm móng tay cũng được sử dụng để tăng cường khả năng tự chăm sóc bản thân của bệnh nhân.

 

Các dụng cụ ăn uống đặc biệt cho người đột quỵ
Các dụng cụ ăn uống đặc biệt cho người đột quỵ

Có thể bạn quan tâm: Châm cứu phục hồi chức năng sau tai biến

5. 4 lưu ý khi thực hiện phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ

Sự thành công của quá trình phục hồi chức năng thần kinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thời điểm bắt đầu tập luyện, tính kiên trì và môi trường xung quanh. Để quá trình phục hồi đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn cần lưu ý các điểm sau:

1 – Bắt đầu sớm và duy trì lâu dài: Phục hồi chức năng thần kinh nên được bắt đầu càng sớm càng tốt, ngay khi tình trạng y tế của bệnh nhân đã ổn định. Việc bắt đầu sớm giúp tận dụng khả năng phục hồi thần kinh và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng trong tương lai. Phục hồi chức năng thần kinh có sự cải thiện rõ rệt nhất trong 3 – 6 tháng đầu và cần được tiếp tục trong thời gian dài hơn để ngăn ngừa tình trạng xấu đi.

2 – Kiên trì và lặp lại: Phục hồi chức năng thần kinh là một quá trình đòi hỏi thời gian và sự kiên trì, cùng với việc tuân thủ đúng kỹ thuật và đảm bảo thực hiện đủ số lần lặp lại các bài tập chức năng. Điều này sẽ gia tăng tính mềm dẻo thần kinh, kích hoạt bộ não, thần kinh thực hiện nhiệm vụ, cải thiện chức năng tối đa, hạn chế tình trạng teo cơ, cứng khớp, tăng trương lực cơ.

3 – Môi trường tập luyện phong phú: Môi trường tập luyện cần được thiết kế sao cho phong phú và cho phép bệnh nhân thực hiện các hoạt động chức năng trong một không gian tự nhiên. Điều này giúp kích thích tối đa khả năng phục hồi các chức năng thần kinh, từ các hoạt động vận động cơ bản cho đến các hoạt động phức tạp hơn.

4 – Có sự hỗ trợ từ gia đình: Người nhà cần thường xuyên động viên, hỗ trợ, duy trì tinh thần và động lực cho người bệnh trong suốt quá trình phục hồi. Sự khích lệ từ người nhà có thể giúp bệnh nhân duy trì nỗ lực và kiên trì hơn trong việc thực hiện các bài tập.

Phục hồi chức năng thần kinh cần thực hiện sớm, trong vòng 6 tháng đầu tiên để đạt hiệu quả tốt nhất
Phục hồi chức năng thần kinh cần thực hiện sớm, trong vòng 6 tháng đầu tiên để đạt hiệu quả tốt nhất

Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ là một hành trình dài đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực của người bệnh và sự hỗ trợ của gia đình, đội ngũ y tế. Bằng việc áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp và duy trì tinh thần lạc quan, người bệnh hoàn toàn có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ, người bệnh hãy liên hệ với Trung tâm MYREHAB MATSUOKA để được tư vấn miễn phí trong thời gian sớm nhất.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 20/12/2024Ngày cập nhật: 20/12/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.