6 dấu hiệu đứt dây chằng chéo sau thường gặp nhất

Tác giả: Myrehab - MatsuokaTham vấn y khoa: Th.s BSVũ Thị Hằng

Chấn thương dây chằng chéo sau ít phổ biến hơn nhiều so với dây chằng chéo trước, chỉ chiếm chưa đến 20% trong tổng số chấn thương dây chằng đầu gối. Tuy nhiên, chấn thương này thường nghiêm trọng, đi kèm với tổn thương khác và có thể dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng lâu dài đến vận động. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đến bạn 6 dấu hiệu đứt dây chằng chéo sau, cùng với những phương pháp điều trị và lưu ý sơ cứu ban đầu.

Lưu ý:

  • Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.
  • Việc chẩn đoán và điều trị chính xác cần dựa trên thăm khám trực tiếp của bác sĩ chuyên khoa.
  • Không tự ý điều trị tại nhà khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

1. Đứt dây chằng chéo sau là gì?

Đứt dây chằng chéo sau (PCL) là một dạng chấn thương đầu gối nghiêm trọng, xảy ra khi PCL) bị tác động mạnh, dẫn đến đứt hoàn toàn. Chấn thương này thường khiến xương chày (xương ống chân) dễ bị trượt về phía sau so với xương đùi, gây mất ổn định và đau đớn ở khớp gối.

Chấn thương đứt dây chằng chéo sau có thể xảy ra khi có lực mạnh tác động trực tiếp vào phía trước đầu gối, thường do tai nạn giao thông, té ngã hoặc chấn thương thể thao như bóng đá, bóng rổ, bóng bầu dục,…

 

3 cấp độ đứt dây chằng chéo phổ biến
3 cấp độ đứt dây chằng chéo phổ biến

2. 6 dấu hiệu thường gặp khi đứt dây chằng chéo sau

2.1. Cảm giác đau

Cảm giác đau là dấu hiệu phổ biến nhất khi bị đứt dây chằng chéo sau. Mức độ đau có thể dao động từ nhẹ đến nghiêm trọng, đặc biệt trong trường hợp chấn thương nặng khiến bệnh nhân không thể đi lại bình thường.

2.2. Sưng đầu gối

Chấn thương dây chằng chéo sau thường kèm theo tình trạng sưng nề nhanh chóng. Khu vực bị tổn thương có thể sưng to bất thường và rõ rệt nhất trong vòng 24 giờ đầu sau chấn thương, khiến hoạt động khớp gối gặp nhiều khó khăn.

2.3. Lỏng khớp

Người bị chấn thương thường có cảm giác đầu gối không ổn định. Nguyên nhân là do dây chằng bị đứt khiến xương chày và xương đùi dễ bị di lệch so với ban đầu, làm đầu gối trở nên lỏng lẻo. Dấu hiệu này rõ nhất khi người bệnh di chuyển trên đường gồ ghề, lên xuống cầu thang hoặc thực hiện các hoạt động gây áp lực lên đầu gối.

Đứt dây chằng chéo sau có thể gây cảm giác đau, sưng nề nhanh chóng và lỏng khớp gối
Đứt dây chằng chéo sau có thể gây cảm giác đau, sưng nề nhanh chóng và lỏng khớp gối

2.4. Hạn chế khả năng cử động

Người bệnh có thể gặp khó khăn khi duỗi hoặc uốn cong đầu gối. Chấn thương đứt dây chằng chéo sau gây hạn chế khả năng cử động, đặc biệt là khi người bệnh di chuyển trên đường gồ ghề hay lên xuống cầu thang. Ngoài ra, bệnh nhân cũng không thể tham gia vào hoạt động mạnh, nhanh như đá bóng, nhảy, chạy,…

2.5. Yếu cơ

Các cơ xung quanh đầu gối có thể bị yếu theo thời gian, dẫn đến tình trạng đầu gối mất ổn định. Hiện tượng này thường xảy ra khi không có biện pháp can thiệp kịp thời, gây ảnh hưởng đến khả năng vận động và sự cân bằng của khớp gối.

2.6. Teo cơ

Teo cơ có thể xảy ra như một hậu quả của việc hạn chế vận động khớp gối. Đứt dây chằng chéo thường gây đau, sưng và mất ổn định khớp gối. Để giảm đau, người bệnh thường hạn chế vận động, dẫn đến teo cơ các nhóm cơ xung quanh khớp.

Đứt dây chằng chéo sau gây hạn chế vận động, yếu và thậm chí teo cơ
Đứt dây chằng chéo sau gây hạn chế vận động, yếu và thậm chí teo cơ

Sau một thời gian tổn thương, các dấu hiệu sau có thể xuất hiện bao gồm:

  • Cảm giác lỏng lẻo, không vững ở gối.
  • Phần đùi hơi teo lại, đầu trên cẳng chân bị trượt ra sau
  • Thoái hóa khớp gối: sưng nề khớp gối, đau, chứa dịch viêm, khó khăn trong việc gấp duỗi gối và đi lại.
  • Cảm giác đau có thể trầm trọng và hoạt động của khớp gối ngày càng giảm sút.
  • Người bệnh không thể đi lại bình thường.
  • Khớp gối chứa dịch viêm, bị thoái hóa.

3. Các phương pháp điều trị đứt dây chằng chéo sau

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương, bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị phù hợp:

3.1. Điều trị bảo tồn

Đối với các trường hợp đứt PCL bán phần, phương pháp điều trị bảo tồn thường được ưu tiên áp dụng. Ngoài ra, điều trị bảo tồn cũng thường được chỉ định cho bệnh nhân cao tuổi, những người làm công việc nhẹ hoặc có lối sống ít vận động và không có nhu cầu vận động khớp gối nhiều.

Các phương pháp điều trị bảo tồn phổ biến bao gồm:

  • Nghỉ ngơi: Hạn chế vận động mạnh và sử dụng nạng để di chuyển khi cần thiết.
  • Chườm đá, băng ép, nâng cao: Tiếp tục thực hiện các biện pháp sơ cứu tại nhà.
  • Dùng thuốc: Sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ.
  • Vật lý trị liệu phục hồi chức năng: Thực hiện các bài tập phục hồi chức năng do chuyên viên hướng dẫn, giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện phạm vi vận động và khả năng thăng bằng của khớp gối.
  • Đeo nẹp đầu gối: Hỗ trợ ổn định khớp gối trong quá trình điều trị.
Các bài tập vật lý trị liệu đóng vai trò quan trọng trong phương pháp điều trị bảo tồn
Các bài tập vật lý trị liệu đóng vai trò quan trọng trong phương pháp điều trị bảo tồn

3.2. Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp đứt PCL hoàn toàn, đứt PCL đi kèm tổn thương các dây chằng khác, sụn chêm hoặc điều trị bảo tồn không hiệu quả. Đây cũng là phương pháp phù hợp cho những trường hợp tổn thương nặng, người trẻ tuổi, vận động viên hoặc những người có nhu cầu hoạt động mạnh.

Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ cần sử dụng nạng và tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng khớp gối. Thời gian hồi phục có thể kéo dài từ 6 – 12 tháng hoặc lâu hơn tùy vào mức độ nghiêm trọng.

Tìm hiểu thêm: Sau mổ dây chằng chéo cần tránh làm gì

Hình ảnh minh họa phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo sau
Hình ảnh minh họa phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo sau

4. 3 việc cần làm khi phát hiện ra dấu hiệu đứt dây chằng chéo sau

4.1. Sơ cứu ban đầu

Khi phát hiện dấu hiệu đứt dây chằng chéo sau, việc sơ cứu ban đầu đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tổn thương.

  1. Người bệnh cần ngay lập tức dừng tất cả các hoạt động gây chấn thương để tránh làm tình trạng nghiêm trọng hơn.
  2. Giữ chân bị thương ở trạng thái nghỉ ngơi, tránh di chuyển để giảm áp lực lên đầu gối.
  3. Để giảm đau và sưng, chườm đá lên vùng đầu gối bị đau trong khoảng 15 – 20 phút mỗi lần và lặp lại sau mỗi 2 – 3 giờ.
  4. Băng ép nhẹ nhàng vùng đầu gối bằng băng thun, chú ý không băng quá chặt để không gây cản trở lưu thông máu.
  5. Khi nằm hoặc ngồi, nâng cao chân bị thương lên cao hơn mức tim để hỗ trợ tuần hoàn máu và giảm sưng.
  6. Nếu cần, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc naproxen, nhưng cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ.
Người bệnh cần nghỉ ngơi, chườm đá, băng ép và kê cao chân
Người bệnh cần nghỉ ngơi, chườm đá, băng ép và kê cao chân

4.2. Tìm kiếm sự chăm sóc y tế

Sau khi thực hiện sơ cứu ban đầu, bước tiếp theo là tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời. Người bệnh cần đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia y tế càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị chính xác. Khi thăm khám, hãy cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về chấn thương, bao gồm cơ chế gây chấn thương, mức độ đau và các triệu chứng đi kèm.

Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm như siêu âm, chụp X-quang để loại trừ nguy cơ gãy xương, hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) nhằm đánh giá mức độ tổn thương của dây chằng chéo sau và các cấu trúc xung quanh khớp gối.

Các bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác mức độ tổn thương dây chằng và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp
Các bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác mức độ tổn thương dây chằng và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp

4.3. Tuân thủ phác đồ điều trị

Để đảm bảo quá trình hồi phục hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị do bác sĩ đưa ra, uống thuốc đúng liều lượng và tái khám đúng lịch hẹn để theo dõi tiến triển. Ngoài ra, việc kiên trì tập luyện phục hồi chức năng cũng rất quan trọng để giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp và khôi phục khả năng vận động của đầu gối.

Người bệnh cũng nên bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu như canxi, vitamin D, collagen,… để tăng cường sức khỏe xương khớp. Điều này sẽ giúp đầu gối nhanh chóng lấy lại sự ổn định và chức năng vận động bình thường.

Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ
Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ

Đứt dây chằng chéo sau là một chấn thương nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng vận động và chất lượng cuộc sống nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiểu rõ các dấu hiệu đứt dây chằng chéo sau, áp dụng sơ cứu đúng cách và tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời là những bước quan trọng giúp giảm thiểu tổn thương, biến chứng trong tương lai.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến phục hồi chức năng đứt dây chằng chéo sau, người bệnh hãy liên hệ với Trung tâm MYREHAB MATSUOKA để được tư vấn miễn phí trong thời gian sớm nhất.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 21/04/2024Ngày cập nhật: 13/01/2025

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.