Tổng quan về phục hồi chức năng theo WHO

Tác giả: Myrehab - Matsuoka

Những điểm chính

  • Phục hồi chức năng là một phần thiết yếu trong chế độ bảo hiểm y tế toàn dân cùng với việc thúc đẩy nâng cao nhận thức ở mọi người để có sức khỏe tốt, phòng ngừa bệnh tật, điều trị và chăm sóc giảm nhẹ.
  • Phục hồi chức năng giúp một trẻ em, người lớn hoặc người lớn tuổi tự lập nhất có thể trong các hoạt động hàng ngày và có đủ sức khỏe tham gia vào học tập, làm việc, nghỉ ngơi và các vai trò có ý nghĩa trong cuộc sống như chăm sóc gia đình.
  • Ước tính trên toàn cầu hiện có khoảng 2,4 tỷ người đang gặp vấn đề sức khỏe có thể được hưởng lợi từ phục hồi chức năng.
  • Nhu cầu phục hồi chức năng trên toàn thế giới được dự đoán là sẽ tăng lên do những thay đổi về sức khỏe và đặc điểm của dân số. Ví dụ: mọi người có thể sống lâu hơn nhưng dễ mắc nhiều bệnh mãn tính và khuyết tật hơn.
  • Hiện nay, phần lớn nhu cầu phục hồi chức năng chưa được đáp ứng. Ở một số quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, có hơn 50% người dân không nhận được các dịch vụ phục hồi chức năng mà họ cần. Những trường hợp khẩn cấp bao gồm xung đột, thảm họa và dịch bệnh bùng phát đã tạo ra những gia tăng đột biến về nhu cầu phục hồi chức năng, đồng thời cũng làm gián đoạn các dịch vụ phục hồi chức năng.
  • Phục hồi chức năng là một phần quan trọng của phạm vi bảo hiểm y tế toàn dân và là chiến lược then chốt để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 3 – “Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi”.

Tổng quan Phục hồi chức năng là gì?

Phục hồi chức năng được định nghĩa là “một loạt các biện pháp can thiệp được thiết kế để tối ưu hóa chức năng và giảm khuyết tật ở những cá nhân có những vấn đề liên quan tới sức khỏe trong sự tương tác với môi trường sống của họ”.

Nói một cách đơn giản, phục hồi chức năng giúp một trẻ em, người lớn hoặc người lớn tuổi độc lập nhất có thể trong các hoạt động hàng ngày và cho phép họ tham gia vào các hoạt động học tập, làm việc, giải trí và thực hiện các vai trò có ý nghĩa trong cuộc sống như chăm sóc gia đình. Phục hồi chức năng có thể mang tới những điều này bằng cách làm việc với bệnh nhân và gia đình của họ để giải quyết những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và các triệu chứng liên quan, thay đổi môi trường sống để phù hợp hơn với nhu cầu của họ, sử dụng các sản phẩm hỗ trợ, rèn luyện để tăng cường khả năng tự quản lý (hành vi, tầm vận động, nhận thức) và điều chỉnh các nhiệm vụ để họ có thể thực hiện an toàn và độc lập hơn. Các chiến lược được thực hiện cùng nhau có thể giúp một cá nhân vượt qua những khó khăn về suy nghĩ, thị giác, thính giác, giao tiếp, ăn uống hoặc di chuyển xung quanh.

Bất kỳ ai cũng có thể cần tới hoạt động phục hồi chức năng vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Ví dụ như sau chấn thương, phẫu thuật, bệnh tật hoặc suy giảm chức năng do tuổi tác.

Một số ví dụ về phục hồi chức năng bao gồm:

  • Luyện tập thực hành ngôn ngữ và lời nói để cải thiện khả năng giao tiếp của một người sau chấn thương não;
  • Tập thể dục để cải thiện sức mạnh cơ bắp, chuyển động tự nguyện và thăng bằng ở những người bị đột quỵ hoặc bệnh Parkinson;
  • Thay đổi môi trường sống trong ngôi nhà của một người cao tuổi để cải thiện sự an toàn và tính độc lập của họ tại nhà và giảm nguy cơ té ngã;
  • Hướng dẫn người bị bệnh tim cách tập thể dục an toàn;
  • Những kỹ thuật định vị và nẹp để hỗ trợ chữa lành da, giảm sưng và phục hồi khả năng vận động sau phẫu thuật cho bệnh nhân bị bỏng;
  • Kê đơn thuốc để giảm co cứng cho trẻ bị bại não;
  • Những liệu pháp tâm lý cho người bị đau khổ về mặt cảm xúc sau chấn thương tủy sống;
  • Đào tạo kỹ năng xã hội cho những người mắc chứng tâm thần phân liệt, rối loạn phổ tự kỷ hoặc rối loạn khuyết tật trí tuệ.
  • Hướng dẫn cho người bị mất thị lực cách sử dụng gậy trắng; và
  • Hỗ trợ cho bệnh nhân trong phòng chăm sóc đặc biệt để cải thiện khả năng hô hấp, ngăn ngừa biến chứng và đẩy nhanh quá trình phục hồi sau khi bị bệnh nặng.

Cốt lõi của phục hồi chức năng là lấy con người làm trung tâm, nghĩa là các biện pháp can thiệp được lựa chọn cho từng cá nhân đều hướng đến mục tiêu và sở thích của họ. Phục hồi chức năng có thể được thực hiện ở nhiều nơi khác nhau, chẳng hạn như bệnh viện nội trú hoặc ngoại trú, phòng khám vật lý trị liệu hoặc trị liệu nghề nghiệp ngoại trú và các cơ sở cộng đồng như nhà riêng, trường học hoặc nơi làm việc của bệnh nhân.

Đội ngũ phục hồi chức năng bao gồm nhiều nhân viên y tế khác nhau bao gồm: các nhà vật lý trị liệu, nhà trị liệu nghề nghiệp, nhà trị liệu ngôn ngữ và giọng nói và bác sĩ thính học, bác sĩ chỉnh hình và chuyên gia phục hình, nhà tâm lý học lâm sàng, bác sĩ y học vật lý và phục hồi chức năng, và y tá phục hồi chức năng. Nhiều nhân viên y tế khác như bác sĩ đa khoa, bác sĩ phẫu thuật và nhân viên y tế cộng đồng cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng của một người bệnh.

Phục hồi chức năng giúp bệnh nhân lấy lại khả năng tự vận động và khả năng tự chủ trong cuộc sống
Phục hồi chức năng giúp bệnh nhân lấy lại khả năng tự vận động và khả năng tự chủ trong cuộc sống của họ

Những lợi ích của phục hồi chức năng

Phục hồi chức năng có thể làm giảm tác động tới sức khỏe của nhiều tình trạng bệnh lý, bao gồm các bệnh (cấp tính hoặc mãn tính), bệnh tật hoặc chấn thương. Quá tình này sẽ hỗ trợ cho những loại can thiệp y tế và phẫu thuật khác để thúc đẩy quá trình phục hồi và đạt được kết quả tốt nhất có thể. Ngoài ra, phục hồi chức năng có thể giúp ngăn ngừa, giảm hoặc kiểm soát các biến chứng liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe, ví dụ như trong chấn thương tủy sống, đột quỵ hoặc gãy xương.

Phục hồi chức năng giúp giảm thiểu hoặc làm chậm lại những tác động có thể gây tàn tật ở những bệnh lý mãn tính như: bệnh tim mạch, ung thư và tiểu đường bằng cách trang bị cho mọi người biết cách tự kiểm soát và sử dụng các sản phẩm hỗ trợ, hoặc cách giải quyết cơn đau hoặc các biến chứng khác. Như vậy, phục hồi chức năng góp giúp mọi người có sức khỏe tốt trong quá trình già đi.

Có thể xem phục hồi chức năng là một khoản đầu tư mang lại lợi ích về mặt chi phí cho mỗi bệnh nhân và cả xã hội. Phục hồi chức năng giúp mọi người tránh phải nhập viện tốn kém, giảm thời gian nằm viện và ngăn ngừa tái nhập viện. Bệnh cạnh đó, phục hồi chức năng còn giúp cá nhân tham gia hoặc quay trở lại làm việc và việc làm, hoặc duy trì sự độc lập ở nhà, nên nó giảm thiểu nhu cầu hỗ trợ tài chính hoặc người chăm sóc.

Phục hồi chức năng là một phần quan trọng của bảo hiểm y tế toàn dân và là chiến lược then chốt để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 3 – “Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi”.

Phục hồi chức năng giúp bệnh nhân tích cực và yêu đời hơn
Phục hồi chức năng giúp bệnh nhân tăng tốc độ phục hồi, khiến họ có cảm xúc tích cực hơn và yêu đời hơn

Những quan niệm sai lầm về phục hồi chức năng

Phục hồi chức năng không chỉ dành cho người khuyết tật hoặc người bị khiếm khuyết lâu dài hoặc khiếm khuyết về thể chất. Thay vào đó, phục hồi chức năng là dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho bất kỳ ai mắc tình trạng sức khỏe cấp tính hoặc mãn tính, khiếm khuyết hoặc chấn thương hạn chế chức năng. Do đó, phục hồi chức năng là dịch vụ dành cho bất cứ ai cần đến.

Phục hồi chức năng không phải là dịch vụ chăm sóc sức khỏe xa xỉ chỉ dành cho những người có khả năng chi trả. Đây cũng không phải là dịch vụ tùy chọn và chỉ được thử sử dụng khi các biện pháp can thiệp khác để ngăn ngừa hoặc chữa khỏi tình trạng sức khỏe không hiệu quả.

Để đạt được đầy đủ các lợi ích về mặt xã hội, kinh tế và sức khỏe của phục hồi chức năng, những dịch vụ can thiệp phục hồi chức năng kịp thời, chất lượng cao và giá cả phải chăng cần có sẵn cho tất cả mọi người có thể tiếp cận. Trong nhiều trường hợp, điều này có nghĩa là, mọi người nên bắt đầu phục hồi chức năng ngay khi phát hiện ra bệnh lý và tiếp tục thực hiện phục hồi chức năng cùng với các can thiệp sức khỏe khác.

Nhu cầu phục hồi chức năng toàn cầu chưa được đáp ứng

Trên thế giới hiện có khoảng 2,4 tỷ người đang sống chung với một bệnh lý mà có thể được hưởng lợi từ phục hồi chức năng. Với những thay đổi đang diễn ra đối với tình trạng sức khỏe và đặc điểm của dân số trên toàn thế giới, nhu cầu phục hồi chức năng ước tính này sẽ chỉ tăng lên trong những năm tới. Con người đang ngày càng sống lâu hơn, với số lượng người trên 60 tuổi dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 và ngày càng có nhiều người sống chung với các bệnh mãn tính như tiểu đường, đột quỵ và ung thư. Đồng thời, tỷ lệ chấn thương và các tình trạng phát triển ở trẻ em (như bại não) vẫn đang tiếp diễn. Những bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến khả năng của một cá nhân và liên quan đến các mức độ tàn tật tăng cao nhưng sẽ nhận được lợi ích từ phục hồi chức năng.

Ở nhiều nơi trên thế giới, mặc dù nhu cầu phục hồi chức năng ngày càng tăng nhưng phần lớn vẫn chưa được đáp ứng. Hơn một nửa dân số sống ở một số quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cần dịch vụ phục hồi chức năng nhưng lại không nhận được.

Nhu cầu sử dụng dịch vụ phục hồi chức năng toàn cầu vẫn chưa được đáp ứng do nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Thiếu sự ưu tiên, tài trợ, chính sách và kế hoạch phục hồi chức năng ở cấp quốc gia;
  • Thiếu các dịch vụ phục hồi chức năng ở các khu vực xa thành thị và thời gian chờ đợi lâu;
  • Chi phí dịch vụ cao hơn khả năng chi trả của bệnh nhân và họ không có hoặc không đủ nguồn tài trợ;
  • Thiếu các chuyên gia phục hồi chức năng được đào tạo bài bản ở nhiều vùng có thu nhập thấp và trung bình, cứ 1 triệu dân thì có ít hơn 1 nhân viên y tế có tay nghề cao.
  • Thiếu nguồn lực về công nghệ hỗ trợ, thiết bị và vật tư tiêu hao;
  • Nhu cầu nghiên cứu và dữ liệu nhiều hơn về phục hồi chức năng; và
  • Các con đường chuyển tiếp đến phục hồi chức năng chưa được sử dụng không hiệu quả và triệt để.

Phục hồi chức năng trong trường hợp khẩn cấp

Các mối nguy hiểm tự nhiên (như động đất hoặc dịch bệnh bùng phát) và do con người gây ra (bao gồm xung đột, khủng bố hoặc tai nạn công nghiệp) gây ra nhiều thương tích hoặc bệnh tật nên có thể làm nảy sinh nhu cầu phục hồi chức năng quá lớn. Những mối nguy hiểm đó cũng sẽ đồng thời phá vỡ các dịch vụ y tế hiện có và sẽ có tác động lớn đến nhóm dân số dễ bị tổn thương trong xã hội và các hệ thống y tế yếu nhất.

Mặc dù, phục hồi chức năng trong các trường hợp khẩn cấp được công nhận đóng vai trò quan trọng trong các hướng dẫn lâm sàng và nhân đạo, nhưng hiếm khi được coi là một phần của sự chuẩn bị của hệ thống y tế và phản ứng sớm khi có các mối nguy hiểm xảy ra. Hệ quả là, những hạn chế trong các dịch vụ phục hồi chức năng bị phóng đại lên, cung cấp dịch vụ y tế kém hiệu quả hơn và những người bị ảnh hưởng trực tiếp có nguy cơ bị suy giảm và tàn tật nhiều hơn.

Nguồn: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/rehabilitation

Ngày đăng: 04/02/2024Ngày cập nhật: 19/11/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.