Bài viết được viết bởi BS CKII. Bùi Hồng Thuý và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.
Gãy xương khuỷu tay là tình trạng nứt gãy ở phần đầu xương nhọn nhô ra của khuỷu tay, có thể gây đau đớn và tăng nguy cơ biến chứng về xương khớp, thần kinh, mạch máu. [1] Hãy cùng Myrehab Matsuoka tìm hiểu những phương pháp phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay để đẩy nhanh quá trình phục hồi, lấy lại sự linh hoạt và ngăn ngừa nguy cơ cứng khớp, teo cơ.
1. Phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay giai đoạn bất động
Ở giai đoạn bất động, người bệnh thường phải bó bột hoặc treo cố định cánh tay để hỗ trợ quá trình điều trị. [2] Mục tiêu chính của việc tập luyện trong giai đoạn này là giảm sưng nề, giảm đau, cải thiện chức năng tăng tuần hoàn máu, ngăn ngừa yếu cơ, cứng khớp do bất động. [3]
Dựa trên tình trạng cụ thể của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện những bài tập cử động ở ngón tay, cổ tay; co cơ tĩnh đối với các cơ vùng đai vai, cơ nhị đầu, cơ tam đầu cánh tay. Bệnh nhân có thể tham khảo những bài tập phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay dưới đây:
1.1. Vận động trị liệu
Thực hiện vận động trị liệu theo chỉ định của bác sĩ có thể hỗ trợ người bị gãy xương khuỷu tay trong việc giảm đau, phục hồi chức năng và cải thiện khả năng vận động. [4] Đây cũng là phương pháp được áp dụng chung cho quá trình phục hồi chức năng bàn tay.
1.2.1. Cử động chủ động cổ tay
Bài 1: Gập duỗi cổ tay
Lợi ích bài tập: Giúp tăng khả năng vận động và tính linh hoạt của các cơ và khớp ở phần cổ tay và bàn ngón tay. [5]
Cách thực hiện: [6]
- Bước 1: Đặt cánh tay lên phần cạnh bàn, phần cổ tay và bàn tay đưa ra bên ngoài cạnh bàn.
- Bước 2: Sử dụng các cơ để gập cổ tay xuống dưới, cảm nhận sự căng giãn ở cổ tay và các ngón tay được thư giãn.
- Bước 3: Giữ động tác trong 5 giây, sau đó trở về tư thế ban đầu rồi lặp lại động tác.
Tần suất tập: Thực hiện động tác 8 – 12 lần/hiệp. [7]
Bài 2: Tập cầm nắm
Lợi ích bài tập: Cải thiện khả năng bám của tay để giúp người bệnh thực hiện các công việc hằng ngày dễ dàng hơn.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Giữ một quả bóng kích cỡ tương tự với bóng tennis trong tay phải, lòng bàn tay hướng lên, khuỷu tay uốn cong một góc 90 độ.
- Bước 2: Sử dụng 4 ngón tay của bạn để siết chặt quả bóng nhất có thể, không sử dụng ngón tay cái đối với bài tập này.
- Bước 3: Bóp quả bóng trong 5 giây rồi thả ra, tập bài tập 10 lần rồi thực hiện tương tự với tay trái. [8]
Tần suất tập: Thực hành bài tập này 5 – 10 lần/ngày.
1.2.2. Bài tập co cơ tĩnh
Người bệnh cần thực hiện bài tập co cơ tĩnh (gồng cơ) khi ở những vùng gãy xương bất động bó bột hoặc đeo nẹp để hạn chế nguy cơ teo cơ, phù nề, đẩy nhảy quá trình liền can xương. Việc gồng cơ cần được thực hiện khoảng 10 lần/hiệp và lặp lại 10 hiệp/ngày. [9]
Có thể bạn quan tâm: Phục hồi chức năng sau trật khớp khuỷu: Nắm rõ 5 điều quan trọng
2. Phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay giai đoạn sau bất động
Ở giai đoạn sau bất động, người bệnh đã được tháo bột hoặc nẹp nên cánh tay có thể sẽ gặp tình trạng yếu cơ, teo cơ, cứng khớp.[2] Các bác sĩ sẽ tiến hành lượng giá chức năng khuỷu tay sau khi tháo bột, nẹp, thảo luận cùng bệnh nhân đưa ra mục tiêu cần đạt được theo từng giai đoạn và xây dựng kế hoạch điều trị cá nhân hóa để làm sao đạt được mục tiêu đề ra.
Những phương pháp có thể được thực hiện ở giai đoạn này là xoa bóp chuyên sâu, vật lý trị liệu (điện xung, nhiệt trị liệu, siêu âm, ánh sáng trị liệu,…), vận động trị liệu và các hoạt động trị liệu.
2.1. Xoa bóp chuyên sâu
Xoa bóp chuyên sâu có tác dụng trong việc tăng lưu lượng máu và giảm viêm, giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi chấn thương và giảm căng thẳng ở cơ và mô. [10] Người bệnh phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay có thể được chỉ định tiến hành xoa bóp sâu ở các nhóm cơ khuỷu tay, cẳng tay trong 30 phút/ngày sau 3 – 4 tuần phẫu thuật gãy mỏm khuỷu tay. [11]
2.2. Vật lý trị liệu
Dưới đây là phương pháp phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay bằng vật lý trị liệu, sử dụng điện xung, từ trường, siêu âm và trị liệu ánh sáng.
2.2.1. Điện xung
Điện xung, hay phương pháp kích thích dây thần kinh điện qua da (TENS), là quá trình sử dụng các điện cực nhỏ để truyền các xung điện tử đến dây thần kinh, ngăn cản dây thần kinh truyền tín hiệu đau đến não. Các xung điện này còn thúc đẩy quá trình não giải phóng endorphin – một loại hormone giảm đau tự nhiên, hỗ trợ cải thiện tình trạng đau nhức ở những người gặp chấn thương tại khuỷu tay. [12]
2.2.2. Điện từ trường
Điện từ trường khi điều trị phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay thường có những công dụng sau:
- Giảm đau.
- Chống viêm.
- Giảm phù nề.
- Kích thích tân tạo vi mạch, tái tạo tổ chức.
- Kích thích phát triển calci xương, hạn chế thưa xương.
- Tăng tuần hoàn máu ngoại vi và điều chỉnh áp lực động mạch.
- Điều hòa hoạt động thần kinh thực vật, nội tiết.
- Giảm độ nhớt máu, hạn chế chống kết dính tiểu cầu.
- Kích thích miễn dịch không đặc hiệu.
- Hạn chế lắng đọng cholesterol, hạn chế hình thành sỏi.
2.2.3. Siêu âm
Liệu pháp phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay này sử dụng năng lượng của sóng siêu âm, có khả năng làm tăng hoạt động của tế bào, tăng cường tuần hoàn và giảm đau, giảm cứng khớp hiệu quả. [13] Siêu âm trị liệu có thể được áp dụng với tần số 0,2W/cm2, thực hiện 5 phút/lần và 2 ngày/lần. Người bệnh cũng có thể kết hợp phương pháp này với điện trị liệu và sử dụng hồng ngoại để tăng cường hiệu quả điều trị. [11]
2.2.4. Ánh sáng trị liệu
Phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay sử dụng ánh sáng hồng ngoại có thể được áp dụng vào tuần đầu sau khi phẫu thuật gãy mỏm khuỷu, thực hiện 15 phút/lần, giúp tăng tuần hoàn tại chỗ và giảm đau, hỗ trợ làm khô vết thương để kích thành nhanh hồi phục hơn. [11] Một nghiên cứu vào năm 2017 đã chỉ ra tác dụng của tia hồng ngoại và cận hồng ngoại trong việc kích thích quá trình phục hồi tổn thương, giảm đau và kháng viêm. [14]
2.3. Vận động trị liệu
Ở giai đoạn này, người bị gãy khớp khuỷu tay cũng cần thực hiện các bài tập trị liệu để hỗ trợ phục hồi phạm vi chuyển động của khớp khuỷu tay, cổ tay và cẳng tay, đồng thời tăng cường sức mạnh nhằm phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay.
2.3.1. Chủ động cử động khớp khuỷu, cổ tay, cẳng tay
Bài 1: Gập duỗi khuỷu tay
Lợi ích bài tập: Gập và duỗi khuỷu tay có kiểm soát giúp khôi phục phạm vi chuyển động ở khớp khuỷu tay. [5]
Cách thực hiện:
- Bước 1: Thực hiện trong tư thế đứng hoặc ngồi, để cánh tay bị thương trong tư thế buông thả lỏng.
- Bước 2: Dùng 1 lực nhẹ nhàng để từ từ gập khuỷu tay và đưa cẳng cẳng tay lên cho đến khi bàn tay chạm vào vai.
- Bước 3: Giữ tư thế trong 15 – 30 giây rồi đưa tay về vị trí ban đầu. [15]
Tần suất tập: Thực hiện động tác 10 lần/hiệp.
Bài 2: Kéo giãn cơ khuỷu tay
Lợi ích bài tập: Giúp kéo căng các cơ và gân xung quanh khớp khuỷu tay, cải thiện tính linh hoạt và giảm tình trạng cứng khớp. [5]
Cách thực hiện:
- Bước 1: Duỗi cánh tay bị thương thẳng ra phía trước.
- Bước 2: Dùng tay còn lại uốn cong cổ tay bị thương và hướng các ngón tay xuống sàn.
- Bước 3: Giữ tư thế trong khoảng 30 giây. [16]
Tần suất tập: Lặp lại bài tập này 3 lần/hiệp.
Bài 3: Sấp – ngửa cẳng tay
Lợi ích bài tập: Tập trung phục hồi các chuyển động xoay của cẳng tay để tăng cường tính linh hoạt. [5]
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đặt khuỷu tay thành một góc vuông và đưa lòng bàn tay ra phía trước, hướng lên trên.
- Bước 2: Xoay cổ tay từ từ để lòng bàn tay hướng xuống và giữ trong 5 giây rồi thả lỏng về vị trí ban đầu. [17]
Tần suất tập: Thực hiện bài tập 15 – 20 lần/hiệp.
Bài 4: Gập – duỗi cổ tay
Lợi ích bài tập: Hỗ trợ phục hồi chức năng và cải thiện tính linh hoạt, sức mạnh của các khớp. [5]
Cách thực hiện:
- Bước 1: Thực hiện động tác với tư thế đứng thẳng, cánh tay buông thoải mái.
- Bước 2: Gập cổ tay để đưa bàn tay uốn cong về phía trước.
- Bước 3: Từ từ duỗi cổ tay để uốn bàn tay về phía sau. [18]
Tần suất tập: Thực hiện 3 hiệp/ngày.
Lưu ý: Giữ lòng bàn tay luôn hướng về phía trước khi thực hiện bài tập.
Bài 5: Nghiêng trụ – Nghiêng quay
Lợi ích bài tập: Kéo căng và giảm tình trạng cứng khớp, tăng tính linh hoạt để hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay. [5]
Cách thực hiện:
- Bước 1: Thực hiện động tác gập cổ tay bằng cách đưa bàn tay về phía trước.
- Bước 2: Cong cổ tay ngược lại, đưa bàn tay ra sau để thực hiện động tác duỗi cổ tay.
- Bước 3: Gập cổ tay sang ngang về bên phải, sau đó gập tương tự sang bên trái. [19]
Tần suất tập: Thực hiện 2 – 3 hiệp/ngày.
Lưu ý: Bạn có thể giữ mỗi động tác trong vài giây và cảm nhận sự căng giãn của các cơ.
2.3.2. Tập có kháng trở tăng sức mạnh cho khớp khuỷu
Bài 1: Kéo giãn nhóm cơ tam đầu cẳng tay
Lợi ích bài tập: Nâng cao cánh tay qua đầu để cải thiện sự ổn định và phạm vi chuyển động của vùng vai.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đưa cánh tay bị thương về phía trần nhà, sau đó gập nhẹ nhàng khuỷu tay để bàn tay chạm vào lưng trên, cố gắng đưa bàn tay ra giữa lưng và ngón giữa đặt trên cột sống.
- Bước 2: Đặt tay còn lại lên trên khuỷu tay bị thương và nhẹ nhàng đẩy khuỷu tay xuống để bàn tay trượt xuống lưng hơn một chút.
- Bước 3: Giữ trong khoảng 30 giây, sau đó bạn cũng có thể tiếp tục thực hiện với tay còn lại. [20]
Tần suất tập: Thực hiện bài tập 3 – 4 lần/hiệp.
Bài 2: Kéo ròng rọc
Lợi ích bài tập: Áp dụng hệ thống dây thừng và ròng rọc để tạo lực cản, giúp tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt của vai.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Cố định ròng rọc vào cửa, ngồi xuống một chiếc ghế ở trước cửa và quay mặt ra bên ngoài.
- Bước 2: Giữ chặt hai sợi dây cầm ròng rọc ở hai bên vai, lòng bàn tay hướng ra ngoài.
- Bước 3: Nâng cánh tay bị thương lên cao nhất có thể, bạn cũng có thể kéo cánh tay còn lại xuống để hỗ trợ nâng cánh tay bị thương lên. [21]
Tần suất tập: Giữ tư thế trong 10 giây thực hiện 10 hiệp/lần.
Bài 3: Gập duỗi cổ tay với tạ
Lợi ích bài tập: Tăng sức mạnh đối với nhóm cơ ở cẳng tay, hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Ngồi trên ghế với cánh tay đặt trên đùi, lòng bàn tay hướng lên và cẳng tay bị thương được đặt cố định trên bàn, phần cổ tay và bàn tay hướng ra ngoài mép bàn.
- Bước 2: Cầm tạ tay và đảm bảo lòng bàn tay luôn hướng xuống dưới. Từ từ gập cổ tay của bạn lên và chuyển trọng lượng sang phần cẳng tay.
- Bước 3: Sau 3 – 5 giây, thả tay cầm tạ về vị trí ban đầu. [22]
Tần suất tập: Thực hiện 2 – 3 hiệp và lặp lại 10 – 15 lần cho mỗi tay.
Bài 4: Mở rộng khuỷu tay với tạ
Lợi ích bài tập phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay với tạ: Giữ tạ khi thực hiện kéo giãn khuỷu tay sẽ giúp cải thiện tính linh hoạt và phạm vi chuyển động sau chấn thương. [5]
Cách thực hiện:
- Bước 1: Một tay tựa vào bàn, tay bị thương cầm quả tạ 0,5 – 1kg, đứng thẳng ở tư thế cân bằng.
- Bước 2: Bước một bước về phía trước (chân cùng hướng với tay bị thương), nghiêng người về phía trước.
- Bước 3: Gập và nâng khuỷu tay cầm tạ ra sau sao cho bắp tay gần như song song với sàn. Cánh tay dưới và bàn tay cầm tạ buông thõng tự do.
- Bước 4: Cố định khuỷu tay đang giơ lên, nhẹ nhàng duỗi thẳng cẳng tay ra phía sau rồi đưa về vị trí ban đầu.
Tần suất: Thực hiện 5 – 10 lần/hiệp.
Lưu ý: Bạn nên thực hiện bài tập tư từ và đảm bảo cơ thể luôn giữ thẳng.
Bài 5: Sấp ngửa cẳng tay với tạ
Lợi ích bài tập: Sử dụng tạ hoặc vật nặng để tăng sức mạnh cho chuyển động xoay của cẳng tay.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Nắm lấy một quả tạ nhỏ, một cái búa hoặc các vật có trọng lượng tương đương khác.
- Bước 2: Giữ cổ tay thẳng, lần lượt xoay chiếc búa từ trái sang phải. [15]
Tần suất tập: Thực hiện bài tập 10 lần.
Bài 6: Vặn xoắn khăn
Lợi ích bài tập: Tác động đến các cơ ở cẳng tay, tăng cường sức mạnh lên các cơ này giúp kiểm soát tải trọng lên các gân nối với khuỷu tay. [23]
Cách thực hiện:
- Bước 1: Ngồi tựa lưng vào ghế và cầm khăn bằng cả hai tay.
- Bước 2: Vặn khăn theo hướng ngược nhau giống như đang vắt nước, sau đó trở về vị trí ban đầu. [15]
Tần suất tập: Vặn khăn 10 lần sau đó văn theo chiều ngược lại thêm 10 lần nữa.
2.4. Hoạt động trị liệu
Vào giai đoạn này, bác sĩ trị liệu sẽ xác định tình trạng của bệnh nhân và thảo luận về mức độ hồi phục mà bệnh nhân mong muốn để đưa ra các mục tiêu tập luyện, giúp người bệnh có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày, tiếp tục làm việc hay chơi thể thao như bình thường. [2]
Người bệnh có thể bắt đầu quá trình phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay bằng cách tiến hành các vận động tinh bàn tay, hay được biết đến là kỹ năng chuyển động động nhỏ và chi tiết ở bàn tay, đòi hỏi sự phối hợp phức tạp của các cơ, khớp và dây thần kinh. [24] Phương pháp này sẽ giúp tăng cường khả năng vận động, sự phối hợp và sức mạnh của cơ ở bàn tay, ngón tay. [25]
Một số bài tập vận động mà người bệnh có thể thực hiện là: gấp quần áo, sử dụng kéo, gõ bàn phím, vặn tay nắm cửa, sử dụng các dụng cụ ăn uống, sử dụng bộ điều khiển trò chơi điện tử, chơi nhạc cụ như guitar, piano,…
Tìm hiểu thêm về bệnh viêm khớp dạng thấp – một bệnh tự miễn khiến hệ miễn dịch tấn công các khớp, gây đau và sưng tấy để nắm được những biểu hiện thường thấy cùng các biện pháp phòng ngừa.
3. 4 lưu ý khi phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay
Để việc phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay đạt hiệu quả, người bệnh nên thực hiện các bài tập trị liệu theo đúng phác đồ của bác sĩ tư vấn. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên lưu ý những điều sau để đảm bảo việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất.
1 – Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng các loại thuốc giảm đau, giảm sưng như acetaminophen, ibuprofen hoặc naproxen. [24] Người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh tình trạng tự ý dùng thuốc gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần thực hiện theo những chỉ dẫn về băng bó, nẹp tay, thực hiện phương pháp vật lý trị liệu, khuyến nghị về chế độ dinh dưỡng,… của bác sĩ. Nếu tình trạng đau nhức ở khuỷu tay bị gãy quá nghiêm trọng, bạn cần liên hệ với bác sĩ ngày để được chăm sóc sức khỏe kịp thời. [26]
2 – Giữ cánh tay ở tư thế chức năng nâng cao: Điều này giúp giảm áp lực đối với dây thần kinh và mạch máu, từ đó cải thiện tình trạng sưng tấy. [24] Một số loại dây đeo hoặc nẹp cố định khuỷu tay có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng để bảo vệ vị trí bị thương và thúc đẩy quá trình phục hồi.
3 – Có lối sống lành mạnh: Người bị gãy xương khuỷu tay nên chủ động xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng, giàu vitamin và khoáng chất để thúc đẩy quá trình sửa chữa mô và xương tổn thương. Việc uống đủ nước cũng cần thiết để tạo điều kiện cung cấp đủ chất ẩm giúp bôi trơn các khớp. Giấc ngủ chất lượng, thái độ lạc quan và tích cực và kiên nhẫn thực hiện các phương pháp điều trị cũng là yếu tố thúc đẩy quá trình phục hồi của cơ thể. [26]
4 – Phòng tránh chấn thương trong quá trình tập luyện: Trong thời gian vật lý trị liệu và phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay, người bệnh cần tránh hoạt động quá mức hay tập luyện với cường độ cao vì có thể dẫn đến tái chấn thương. Bệnh nhân cần tập luyện dưới sự giám sát của bác sĩ trị liệu và tăng dần cường độ của các bài tập theo thời gian. [26]
Việc tập luyện cũng cần thực hiện đúng thời điểm vì tập quá sớm sẽ ảnh hưởng đến vết thương, trong khi tập quá muộn sẽ gây viêm dính gân khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc phục hồi.
4. Giải đáp các câu hỏi thường gặp khi phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay
Câu 1: Thời gian phục hồi sau gãy xương khuỷu tay là bao lâu?
Khoảng thời gian cần thiết để phục hồi khuỷu tay bị gãy sẽ thay đổi tùy thuộc vào tính chất, mức độ tổn thương và hiệu quả của liệu pháp điều trị. Người bệnh thường phải nẹp và cố định bằng bó bột trong ít nhất 3 – 6 tuần. Sau đó,, khuỷu tay có thể trở lại hoạt động bình thường trong 3 – 4 tháng nhưng nhiều trường hợp phải mất đến trên 1 năm mới có thể hồi phục hoàn toàn. [27]
Câu 2: Khi nào thì nên bắt đầu tập thể dục sau khi bị gãy khuỷu tay?
Sau khi bị gãy xương khuỷu tay, bạn có thể quay trở lại tập thể dục sau khoảng 2 – 3 tháng. Tuy nhiên, trong quá trình bó bột, bạn cần cũng thực hiện các bài tập nhẹ nhàng 3 – 4 lần/ngày để tránh bị cứng khuỷu tay. Ở giai đoạn sau bất động, người bệnh đã được tháo bột có thể thực hiện các bài tập phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay với cường độ tăng dần theo chỉ định của bác sĩ. [28]
Câu 3: Nên tránh những gì khi bị gãy khuỷu tay?
Trong quá trình bị gãy khuỷu tay, bạn cần lưu ý những điều sau để hạn chế tổn thương ở khuỷu tay nghiêm trọng hơn:
- Không tham gia vào các hoạt động thể thao trong thời gian đầu bị thương.
- Không dùng tay bị thương để nâng, đẩy, kéo các vật nặng trong những tuần đầu khi bị thương.
- Không tự ý băng bó vết thương hay sử dụng thuốc giảm đau tại nhà.
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều đường, dầu mỡ, các chất kích thích như bia rượu,…
Khi tiến hành phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện vận động trị liệu, vật lý trị liệu và các hoạt động trị liệu khác. Hãy tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và các kỹ thuật viên trong quá trình điều trị để đảm bảo việc phục hồi đạt hiệu quả tốt nhất.
Một trong những địa chỉ hỗ trợ phục hồi chức năng sau gãy xương uy tín nhất hiện nay chính là Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản Myrehab Matsuoka.
Với công nghệ phục hồi chức năng theo quy trình chuẩn Nhật Bản kết hợp với hệ thống trang thiết bị vật lý trị liệu hiện đại theo tiêu chuẩn Âu – Mỹ và đội ngũ bác sĩ chuyên khoa và kỹ thuật viên có chuyên môn, giàu kinh nghiệm, Trung tâm Myrehab Matsuoka cung cấp dịch vụ xây dựng kế hoạch phục hồi chức năng cá nhân hóa theo tình trạng bệnh lý của người bệnh để nâng cao hiệu quả điều trị.
Hãy đến với Trung tâm Myrehab Matsuoka để hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng sau gãy xương khuỷu tay, giúp giảm đay và cải thiện khả năng vận động để bạn có thể duy trì sinh hoạt bình thường.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.