Bài viết được viết bởi BS CKII. Bùi Hồng Thuý và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.
Phẫu thuật khớp vai dù đơn giản hay phức tạp thì cũng cần áp dụng các phương pháp trị liệu để phục hồi chức năng sau mổ càng sớm càng tốt. Việc phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai không chỉ giúp giảm sưng, đau, bảo vệ vết thương sau mổ mà còn giúp khớp vai nhanh chóng khôi phục tầm vận động tối đa, người bệnh nhanh chóng trở lại cuộc sống và công việc thường ngày.
1. Mục đích phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai
Phẫu thuật khớp vai bao gồm nhiều loại như khâu chóp xoay, thay khớp vai,… nhưng dù là loại phẫu thuật nào thì việc phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai cũng cần đảm bảo các mục tiêu sau:
- Giai đoạn 1: Bảo vệ mảnh ghép, bảo vệ mối khâu sau phẫu thuật, đồng thời giúp giảm sưng phù nề sau phẫu thuật.
- Giai đoạn 2: Khôi phục biên độ chuyển động, cải thiện tính linh hoạt và khả năng vận động khớp.
- Giai đoạn 3: Phục hồi tối đa khả năng vận động của khớp vai và các bộ phận gần kề như khớp khuỷu, khớp cổ tay và khớp bàn tay, người bệnh có thể quay trở lại với các hoạt động đơn giản như mặc quần áo, tập thể thao nhẹ nhàng,… nhưng vẫn đảm bảo không gây thêm chấn thương nào cho vùng khớp vai của mình.
- Giai đoạn 4: Hỗ trợ người bệnh trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày bình thường như trước khi phẫu thuật.
Bài viết liên quan: Phục hồi chức năng trật khớp vai: Tổng hợp thông tin từ A – Z
2. 5 phương pháp phục hồi sau phẫu thuật khớp vai
Tùy thuộc vào loại phẫu thuật và kỹ thuật mổ mà người bệnh sẽ được chuyên gia phục hồi chức năng chỉ định áp dụng phương pháp phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai cho phù hợp. Người bệnh cũng được hướng dẫn các bài tập trước và sau phẫu thuật để đảm bảo hiệu quả phục hồi sau phẫu thuật khớp vai được tốt nhất.
2.1. Vận động trị liệu
Tuỳ thuộc mức độ tổn thương như rách chóp xoay, thay sụn viền hay thay khớp vai mà quá trình phục hồi chức năng bằng các bài tập vật lý trị liệu khớp vai sẽ khác nhau, đồng thời thời gian phục hồi sau mỗi loại phẫu thuật cũng sẽ khác nhau.
Tuỳ thuộc mức độ tổn thương như rách chóp xoay, thay sụn viền hay thay khớp vai mà quá trình phục hồi chức năng bằng các bài tập trị liệu sẽ khác nhau, đồng thời thời gian phục hồi sau mỗi loại phẫu thuật cũng sẽ khác nhau.
2.1.1. Giai đoạn 1: Sau khi phẫu thuật khớp vai xong
Khớp vai sau phẫu thuật xong cần dùng đai cố định để bảo vệ ở tư thế chức năng khép sát cạnh sườn và quay vào trong để bảo vệ mảnh ghép, mối khâu, giúp giảm đau, chống viêm, giảm phù nề, vận động thủ động nhẹ nhàng các khớp cổ bàn tay, sấp ngửa cẳng tay.
Người bệnh phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai cũng cần chú ý trong giai đoạn này hạn chế tối đa việc cử động, không nâng, kéo đẩy đồ vật hay tập các bài tập với bên khớp vai vừa được phẫu thuật. Lưu ý cần dùng đai cố định cả ngày, đặc biệt là ban đêm khi ngủ để tránh khớp vai bị duỗi, ngừa tình trạng kéo căng bao khớp và gân cơ dưới vai.
2.1.2. Giai đoạn 2: Tiếp tục duy trì bảo vệ mảnh ghép
Sau 2 tuần bác sĩ khám kiểm tra cân nhắc chỉ định cắt chỉ. Ở giai đoạn này song song với chống viêm, giảm đau là mục tiêu tập vận động tăng cường sức mạnh cơ, tập thụ động kết hợp với tập chủ động có trợ giúp. Các bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai người bệnh có thể tham khảo trong giai đoạn này:
1 – Bài 1: Co duỗi bàn tay
Lợi ích bài tập: Giúp duy trì sức mạnh ở cơ cẳng tay
Cách thực hiện:
- Bước 1: Để cánh tay phẫu thuật ở trạng thái nghỉ ngơi. Nắm bàn tay lại giữ trong 3 giây.
- Bước 2: Duỗi bàn tay trở lại như ban đầu.
Tần suất tập: Lặp lại động tác 10 – 20 lần. Bạn có thể thực hiện bài tập này 10 lần/ngày.
2 – Bài 2: Co duỗi khuỷu tay
Lợi ích bài tập: Đảm bảo duy trì chuyển động ở khuỷu tay
Cách thực hiện:
- Bước 1: Ngồi hoặc nằm nghỉ ngơi, kê một chiếc gối mềm ở dưới khuỷu tay bên cánh tay vừa phẫu thuật khớp vai.
- Bước 2: Duỗi thẳng khuỷu tay, giữ trong khoảng 2 – 3 giây.
- Bước 3: Gập khuỷu tay hết mức có thể vào sát người.
Tần suất tập: Lặp lại động tác 10 – 15 lần và thực hiện 3 – 5 lần/ngày
3 – Bài 3: Uốn vai
Lợi ích bài tập: Kích thích, tăng cường chuyển động ở khớp vai sau phẫu thuật.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đứng quay mặt vào tường.
- Bước 2: Khuỷu tay và cẳng tay bên tay vừa phẫu thuật khớp vai tạo thành góc 90 độ hướng vào mặt tường.
- Bước 3: Tay nắm tạo thành nắm đấm tiếp xúc với tường thông qua một chiếc khăn mềm rồi nhẹ nhàng ấn tay vào tường.
- Bước 4: Giữ trong 5 giây rồi thả ra.
Tần suất tập: Lặp lại bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai này 10 – 15 lần mỗi ngày.
4 – Bài 4: Xoay ngoài vai
Lợi ích bài tập: Hỗ trợ khớp vai dần làm quen với các chuyển động.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đứng dựa phần cơ thể bên khớp vai vừa phẫu thuật vào tường. Gập khuỷu tay vuông góc 90 độ.
- Bước 2: Đẩy mu bàn tay từ từ vào tường, giữ trong 5 giây rồi thả lỏng.
Tần suất tập: Lặp lại bài tập 10 lần, thực hiện 3 lần/ ngày.
5 – Bài 5: Xoay trong vai
Lợi ích bài tập: Tương tự như các bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai khác, xoay trong vai giúp tăng cường hoạt động khớp vai.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đứng quay mặt vào một góc tường. Đặt cánh tay có khớp vai vừa phẫu thuật vào bức tường vuông góc.
- Bước 2: Gập khuỷu tay vuông góc 90 độ. Đẩy lòng bàn tay vào tường, giữ trong 5 giây rồi thả lỏng.
Tần suất tập: Lặp lại bài tập 10 lần, thực hiện 3 lần/ ngày.
6 – Bài 6: Mở rộng vai
Lợi ích bài tập: Tăng tầm biên độ vận động khớp vai sau phẫu thuật, hỗ trợ quay trở lại các hoạt động thường ngày.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đứng dựa lưng vào tường, để tay thẳng hai bên.
- Bước 2: Giữ khuỷu tay thẳng, hướng lòng bàn tay vào tường rồi đẩy nhẹ vai vào tường.
- Bước 3: Giữ động tác tay trong 5 giây rồi thả lỏng, thư giãn.
Tần suất tập: Lặp lại động tác 5 – 10 lần, thực hiện 3 lần/ngày.
7 – Bài 7: Nâng cao vai về phía trước (có hỗ trợ)
Lợi ích bài tập: Phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai thông qua bài tập nâng cao vai về phía trước giúp gia tăng tính linh hoạt và tầm vận động của khớp vai sau mổ.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Nâng cánh tay hướng thẳng lên trần nhà, giữ khuỷu tay thẳng sao cho bả vai, khuỷu tay và ngón tay cái tạo thành đường thẳng.
- Bước 2: Giữ nguyên tư thế trong 10 giây.
Tần suất tập: Lặp lại động tác 5 – 10 lần, thực hiện 3 lần/ngày.
8 – Bài 8: Xoay vai được hỗ trợ
Lợi ích bài tập: Gia tăng tính linh hoạt và tầm vận động của khớp vai sau mổ.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Giữ khuỷu tay cố định, xương bả vai hướng xuống và sát vào cơ thể.
- Bước 2: Di chuyển phần cẳng tay qua lại theo chiều hướng vào trong người và ngược lại. Bạn cũng có thể thực hiện bài tập này bằng cách sử dụng gậy để hỗ trợ cánh tay hướng ra ngoài (giữ khuỷu tay ở bên cạnh).
Tần suất tập: Lặp lại động tác 10 lần, nên thực hiện 3 lần/ngày.
Lưu ý: Bác sĩ có thể hạn chế mức độ chuyển động ra ngoài (xoay ngoài) của vai đã phẫu thuật sau phẫu thuật. Trước khi thực hiện bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai này, hãy kiểm tra với bác sĩ trị liệu để xác định xem bạn có giới hạn xoay bên ngoài hay không.
9 – Bài 9: Nâng tay qua đầu (có hỗ trợ)
Lợi ích bài tập: Hỗ trợ tăng cường biên độ chuyển động của khớp vai.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Nằm hoặc ngồi để thực hiện bài tập này. Hai tay cầm gậy.
- Bước 2: Nâng cánh tay lên trên đầu, cố gắng giữ khuỷu tay thẳng càng tốt.
- Bước 3: Duy trì độ cao và động tác này trong khoảng 10 – 20 giây.
- Bước 4: Từ từ hạ cánh tay của bạn xuống về tư thế nghỉ ngơi.
Tần suất tập: Lặp lại động tác trên 10 – 20 lần, thực hiện bài tập 3 lần/ngày.
10 – Bài 10: Tay bò trên tường
Lợi ích bài tập: Giúp khớp vai được kéo căng, tăng cường vận động ở khớp sau phẫu thuật.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đứng quay mặt vào tường, đặt cánh tay vừa phẫu thuật khớp vai lên trên tường, giữ khuỷu tay thẳng.
- Bước 2: Di chuyển các ngón tay “bò” trên tường lên vị trí cao nhất có thể và giữ khoảng 10 – 20 giây.
- Bước 3: Từ từ đưa tay xuống về vị trí ban đầu để thư giãn.
Tần suất tập: Lặp lại động tác 5 – 10 lần, thực hiện 3 lần/ngày.
2.1.3. Giai đoạn 3
Các bài tập vận động trong giai đoạn này sẽ tương tự các bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai ở giai đoạn 2 nhưng sẽ có thêm tác động của sức cản, giúp tăng cường tầm vận động để lấy lại chức năng sinh hoạt hàng ngày của khớp vai sau phẫu thuật.
1 – Bài 1: Dạng và khép vai với gậy
Lợi ích bài tập: Tăng cường sức mạnh cơ vùng vai, lấy lại tính linh hoạt của khớp vai.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đứng thẳng và cầm một cây gậy bằng cả hai tay, lòng bàn tay úp xuống.
- Bước 2: Dùng tay không phẫu thuật đẩy cánh tay sau mổ sang một bên và cố gắng lên cao nhất có thể
- Bước 3: Giữ động tác trong khoảng 5 giây.
Tần suất tập: Lặp lại động tác 10 – 15 lần.
2 – Bài 2: Dạng và khép vai ngang với gậy
Lợi ích bài tập: Tăng cường sức mạnh cơ vùng vai, lấy lại tính linh hoạt của khớp vai.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đứng thẳng và cầm gậy bằng cả hai tay.
- Bước 2: Đưa gậy ngang trước ngực. Giữ thẳng cánh tay, đưa gậy sang bên phải cảm nhận độ căng và giữ trong 5 giây.
- Bước 3: Vung gậy sang bên trái, thực hiện với thời gian tương tự.
Tần suất tập: Lặp lại động tác 10 – 15 lần.
3 – Bài 3: Nâng cánh tay qua đầu chủ động
Lợi ích bài tập: Hỗ trợ tăng cường biên độ chuyển động của khớp vai.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Nằm hoặc ngồi, nâng cánh tay lên trên đầu, cố gắng giữ khuỷu tay thẳng càng tốt.
- Bước 2: Duy trì độ cao và động tác này trong khoảng 10 – 20 giây.
- Bước 3: Từ từ hạ cánh tay của bạn xuống về tư thế nghỉ ngơi.
Tần suất tập: Lặp lại bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai này từ 10 – 20 lần, thực hiện bài tập 3 lần/ngày.
4 – Bài 4: Xoay trong vai (tăng cường)
Lợi ích bài tập: Kiểm soát và tăng dần sức mạnh cơ, giúp chuyển động khớp vai dễ dàng và nhẹ nhàng hơn.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Nằm nghiêng về phía cánh tay được phẫu thuật khớp vai.
- Bước 2: Giữ khuỷu tay uốn cong một góc 90 độ.
- Bước 3: Tay cầm tạ (trọng lượng nhẹ) đưa về phía bụng, từ từ quay lại.
Tần suất tập: Lặp lại động tác 10 lần, thực hiện 3 lần/ngày.
5 – Bài 5: Xoay ngoài vai (tăng cường)
Lợi ích bài tập: Xoay ngoài vai là bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai giúp kiểm soát và tăng dần sức mạnh cơ, giúp chuyển động khớp vai dễ dàng và nhẹ nhàng hơn.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Nằm nghiêng về phía vai không phẫu thuật.
- Bước 2: Giữ khuỷu tay uốn cong một góc 90 độ.
- Bước 3: Tay cầm tạ (trọng lượng nhẹ) đưa về phía ngoài, từ từ quay lại.
Tần suất tập: Lặp lại động tác 10 lần, thực hiện 3 lần/ngày.
6 – Bài 6: Chống đẩy trên tường
Lợi ích bài tập: Tăng cường sức mạnh cơ vùng khớp vai, lấy lại tầm vận động cho khớp vai sau phẫu thuật.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đứng cách tường một cánh tay, hai chân rộng bằng vai.
- Bước 2: Đặt hai tay lên tường và nghiêng người về phía trước, giữ tay và vai thẳng hàng.
- Bước 3: Siết chặt cơ ngực và đẩy ra khỏi tường ở tư thế plank đứng.
Tần suất tập: Lặp lại động tác 10 lần, thực hiện 2 lần/ngày.
7 – Bài 7: Căng khăn
Lợi ích bài tập: Tăng cường biên độ hoạt động và tăng tính linh hoạt của khớp vai.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Cầm một chiếc khăn trên tay ở khớp vai vừa phẫu thuật. Nâng cánh tay về phía trần nhà và uốn cong khuỷu tay, đưa tay cầm khăn về phía giữa lưng.
- Bước 2: Dùng tay còn lại đưa ra sau lưng và nắm lấy đầu kia của chiếc khăn.
- Bước 3: Di chuyển hai bàn tay về phía nhau trên chiếc khăn, giữ trong 10 giây.
Tần suất tập: Lặp lại động tác của bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai này từ 10 – 15 lần, thực hiện 2 lần/ngày.
8 – Bài 8: Giãn cơ vai với bóng
Lợi ích bài tập: Hỗ trợ kéo giãn cơ vai tối đa, tăng cường biên độ chuyển động khớp vai sau phẫu thuật.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đặt tay có khớp vai được phẫu thuật lên trên trái bóng.
- Bước 2: Vươn tay theo chiều lăn của trái bóng ra phía trước, rồi lăn lại về phía mình.
Tần suất tập: Lặp lại động tác từ 10 – 20 lần, thực hiện 3 lần/ngày.
2.2. Nhiệt trị liệu
Nhiệt trị liệu được chia làm hai loại gồm nhiệt nóng và nhiệt lạnh. Tại mỗi giai đoạn, người bệnh phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai sẽ được chỉ định và áp dụng phương pháp nhiệt trị liệu phù hợp, cụ thể: giai đoạn cấp tính dùng nhiệt lạnh và giai đoạn mạn tính dùng nhiệt nóng.
2.2.1. Nhiệt nóng
Phương pháp nhiệt nóng được sử dụng để hỗ trợ tăng tuần hoàn máu, giảm đau, giảm viêm và giúp cơ bắp được thả lỏng nghỉ ngơi. Người bệnh có thể áp dụng các biện pháp như chiếu tia hồng ngoại, sóng ngắn, chườm nóng,… trong khoảng 10 – 15 phút. Chú ý để phần da khớp vai sau phẫu thuật được tiếp xúc trực tiếp với nguồn nhiệt.
2.2.2. Nhiệt lạnh
Phương pháp nhiệt lạnh được sử dụng trong giai đoạn viêm cấp tính có tác dụng co mạch để giảm đau nhanh chóng, giảm sưng nề, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình lành vết thương. Bạn nên chườm lạnh khoảng 20 phút lên vùng bị vai sau phẫu thuật nhưng lưu ý không nên đặt túi đá trực tiếp lên da.
2.3. Điện trị liệu
Các phương pháp điện trị liệu thường được bác sĩ chỉ định là điện xung, điện phân, giao thoa,… tuỳ theo từng bệnh cảnh. Phương pháp phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai này giúp tăng cường cơ bắp ở khu vực khớp vai bị tổn thương, tác dụng giảm đau mỏi cơ và khớp, hỗ trợ phục hồi sau chấn thương và tăng cường tuần hoàn máu. Điện trị liệu còn giúp giảm phù nề, giảm viêm xương khớp vai, giải phóng chèn ép và tăng thải trừ chất chuyển hoá tại chỗ.
2.4. Thuỷ trị liệu
Là phương pháp sử dụng nước để điều trị thông qua việc tác động lên bề mặt da vùng khớp sau phẫu thuật nhằm mục đích tạo sức ép và kích thích cơ học lên bề mặt da, trợ giúp các cử động chủ động tại khớp vai. Phương pháp này chỉ áp dụng sau khi cắt chỉ để tránh vết mổ bị nhiễm trùng.
2.5. Hoạt động trị liệu
Mục đích của phương pháp hoạt động trị liệu là giúp duy trì, khôi phục tầm vận động khớp vai sau phẫu thuật dựa theo công việc của người bệnh. Với nhân viên văn phòng cần sử dụng máy tính nhiều, hoạt động gõ bàn phím với cường độ vừa phải trong giai đoạn đầu là hoạt động trị liệu hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai. Vì nguyên tắc điều trị khi áp dụng phương pháp này là giúp giảm đau tối ưu, tăng cường biên độ chuyển động, kiểm soát xương bả vai để đảm bảo chức năng của vai trong các hoạt động thường ngày. Với những ưu điểm vừa kể trên, hoạt động trị liệu được áp dụng phổ biến trong phục hồi chức năng vai, trong đó có phục hồi chức năng gãy xương đòn.
3. 5 lưu ý trong giai đoạn phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai
Để quá trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai đạt kết quả tốt nhất, người bệnh cần ghi nhớ 5 lưu ý dưới đây:
1 – Trong giai đoạn đầu, tránh để nước vào vết thương hở: Thời điểm sau mổ, bạn cần giữ vết thương thật khô ráo để quá trình làm lành vết thương tự nhiên nhanh hơn. Có thể sử dụng vòi hoa sen tách rời hoặc băng không thấm nước để hạn chế vết mổ bị ướt khi tắm.
2 – Chú ý các dấu hiệu của tác dụng phụ: Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn thấy khớp vai sau khi phẫu thuật xuất hiện các tình trạng như:
- Vết mổ sưng đỏ hoặc tiết dịch vàng.
- Sốt từ 38,5 độ trở lên.
- Ngón tay hoặc bàn tay bên khớp vai phẫu thuật xuất hiện tình trạng tê hoặc ngứa.
- Cơn đau dữ dội khó kiểm soát hoặc không đáp ứng với thuốc giảm đau.
3 – Chườm lạnh thường xuyên để giảm sưng, giảm đau: Chườm lạnh có thể giúp giảm đau và viêm sau phẫu thuật. Có thể chườm lạnh khoảng 20 phút sau vài giờ trong 3 – 5 ngày đầu sau phẫu thuật.
4 – Lưu ý cách ăn mặc trong quá trình hồi phục: Nên mặc áo rộng rãi để thuận tiện trong quá trình mặc cũng như mang dây đeo. Hạn chế lựa chọn những chiếc áo phải kéo qua đầu. Lựa chọn những chiếc áo ngực chuyên dụng cho người sau phẫu thuật khớp vai có phần móc cài phía trước, như vậy sẽ dễ sử dụng hơn.
5 – Tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ: Tái khám định kỳ để kiểm tra tình trạng phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai của bạn. Điều này nhằm đảm bảo không có vấn đề gì hậu phẫu hoặc có thể xử lý ngay nếu có bất thường xảy ra.
4. 3 câu hỏi thường gặp về phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai
Câu 1: Phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai bao lâu thì khỏi?
Thời gian phục hồi chức năng sau mổ đối với mỗi người là khác nhau vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bệnh lý, kỹ thuật phẫu thuật, tuổi tác, thể trạng cơ thể,… Với trường hợp tổn thương sụn viền khớp vai, nếu người bệnh có sức khỏe tốt thì thời gian phục hồi sẽ nhanh hơn. Bạn có thể quay lại với các công việc thường ngày với cường độ vừa phải chỉ sau 8 – 12 tuần sau phẫu thuật.
Còn với các trường hợp phẫu thuật phức tạp hơn như thay khớp vai thì sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi chức năng khớp vai sau mổ, có thể lên đến vài tháng. Việc tuân thủ theo những chỉ dẫn của bác sĩ trị liệu là cách tốt nhất để rút ngắn thời gian và đảm bảo quá trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Câu 2: Có thể tự tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai tại nhà không?
Điều này là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên việc tự tập phục hồi chức năng khớp vai sau mổ tại nhà cần đảm bảo đúng kỹ thuật và theo kế hoạch trị liệu mà các bác sĩ đã hướng dẫn. Thông thường vài ngày sau phẫu thuật, bạn cần đến gặp các chuyên gia trị liệu để được tư vấn phác đồ trị liệu để giúp tăng cường phạm vi chuyển động của khớp vai sau mổ.
Trước khi tập tại nhà, các kỹ thuật viên trị liệu sẽ hướng dẫn bạn cách thực hiện các bài tập phục hồi chức năng đúng kỹ thuật và đảm bảo an toàn theo từng giai đoạn. Dù tự tập trị liệu tại nhà thì bạn cũng đừng quên tái khám thường xuyên để các bác sĩ thăm khám, đánh giá hiệu quả quá trình trị liệu và cho bạn những lời khuyên hữu ích.
Câu 3: Làm thế nào để phòng ngừa tái phát và biến chứng?
Để phòng ngừa tái phát và biến chứng, bạn nên tuân thủ làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ trong thời gian phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai. Bạn nên tránh những hoạt động hoặc các môn thể thao đòi hỏi phải vận động khớp vai nhiều như bê vác, nâng đồ vật nặng hay chơi bóng chuyền, cầu lông,… Bạn không chỉ có thể tái phát chấn thương ở khớp vai trước đó mà còn có thể khiến các bộ phận khác như khuỷu tay, cột sống,… bị tổn thương khi hoạt động “nặng” quá sớm.
Phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai là vô cùng cần thiết để người bệnh sớm quay trở lại cuộc sống hàng ngày. Mong rằng bài viết trên đây đã giúp người bệnh hiểu rõ hơn về các phương pháp trị liệu cũng như những lợi ích mà giải pháp này mang lại. Để việc phục hồi khớp vai sau mổ đạt hiệu quả tối ưu nhất, người bệnh nên tìm đến những cơ sở uy tín để được thăm khám, tư vấn và xây dựng kế hoạch phục hồi theo đúng bệnh cảnh.
Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka là một trong những cơ sở uy tín trong việc hỗ trợ phục hồi chức năng khớp vai sau mổ mà bạn nên tham khảo. Tại Myrehab Matsuoka không chỉ có đội ngũ chuyên gia, bác sĩ và kỹ thuật viên tận tâm, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực vật lý trị liệu mà còn có hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại nhập khẩu từ Châu Âu đạt chuẩn 5 sao, hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng cho người bệnh được tốt nhất.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.