Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka.
Hội chứng ống cổ tay là tình trạng thường gặp, xảy ra chủ yếu do sự chèn ép dây thần kinh ở ống cổ tay. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh không có nguyên nhân hay triệu chứng cụ thể và người bệnh thường chỉ phát hiện khi mức độ chèn ép nặng, dẫn đến đau, tê và ảnh hưởng tới khả năng vận động. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp những thông tin chi tiết về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị hội chứng ống cổ tay. Hãy cùng theo dõi nhé!
1. Hội chứng ống cổ tay là gì?
Hội chứng ống cổ tay (hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay – Carpal Tunnel Syndrome) là tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi ngang qua ống cổ tay.
Hậu quả của hội chứng là dẫn đến viêm gân cổ tay, làm tê, đau, giảm hoặc mất cảm giác ở tay. Bệnh hội chứng ống cổ tay tiến triển ở giai đoạn nặng có thể gây yếu cơ, teo cơ, hạn chế khả năng vận động của vùng bàn tay thuộc chi phối của dây thần kinh giữa.
Đây là tình trạng bệnh lý chèn ép dây thần kinh ngoại biên thường gặp nhất. Số người mắc hội chứng này đang ngày càng tăng lên do nhu cầu công việc sử dụng nhiều tới độ linh hoạt, tỉ mỉ và lặp đi lặp lại của cổ tay.
Hội chứng viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay |
2. Triệu chứng hội chứng ống cổ tay
Hội chứng đường hầm cổ tay có thể có nhiều triệu chứng khác nhau, được chia làm 2 nhóm biểu biện gồm rối loạn cảm giác và rối loạn vận động.
1 – Rối loạn về cảm giác
Các triệu chứng rối loạn cảm giác thường khó nhận biết do khởi phát chậm và không có chấn thương cụ thể. Chỉ khi mức độ chèn ép nặng ảnh hưởng đến thần kinh, người bệnh mới có cảm giác tê ran ở ngón tay. Các biểu hiện nhẹ thường chỉ xuất hiện vào ban đêm, trong lúc ngủ với tư thế cổ tay cong, gây chèn ép dây thần kinh giữa, bao gồm:
- Tê bì, kiến bò, ngứa ran, đau buốt như kim châm ở vùng chi phối của dây thần kinh giữa (vùng gan tay của ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón áp út). Trong một số trường hợp, các biểu hiện có thể trên toàn bộ bàn tay.
- Giảm hoặc mất dần cảm giác ở các đầu ngón tay.
Cảm giác đau cùng các dấu hiệu hội chứng ống cổ tay có thể di chuyển lan lên cẳng tay và vai, tăng cường về đêm, gây mất ngủ hoặc khi thực hiện các công việc sử dụng nhiều đến vùng ống cổ tay như lái xe máy, bê vác, gõ máy tính,…
2 – Rối loạn về vận động
Các triệu chứng rối loạn vận động thường xuất hiện trong giai đoạn muộn của hội chứng. Lúc này, dây thần kinh giữa bị chèn ép nặng nề, dẫn đến những hạn chế về khả năng vận động, phản ứng chậm, teo cơ. Cụ thể:
- Đau cơ, chuột rút.
- Có biểu hiện tay yếu, ít lực, khó cầm nắm, bàn tay không còn khéo léo khi thực hiện các hoạt động bình thường như viết, cài cúc áo, sử dụng điện thoại, dễ đánh rơi đồ vật,…
- Phản ứng chậm, mất nhận thức về vị trí của tay trong không gian.
- Biểu hiện nặng hơn là chứng teo và yếu cơ đối chiều, chứng dạng ngón tay cái.
3. Nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay
Thống kê của Báo Tuổi trẻ cho thấy có đến 70% trường hợp mắc hội chứng ống cổ tay không xác định rõ nguyên nhân. Hội chứng có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau gây chèn ép lên dây thần kinh giữa, cụ thể:
- Quá trình làm việc: Thực hiện các công việc đòi hỏi phải gập cổ tay lặp đi lặp lại trong thời gian dài, gây áp lực lên dây thần kinh giữa như bê vác, đánh máy tính,…
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần nam giới, do phụ nữ thường có đường hầm ống cổ tay nhỏ hơn.
- Sau tổn thương cổ tay: Các chấn thương cổ tay như trật khớp, gãy xương, viêm khớp, dây chằng, cường giáp,… có thể làm hẹp không gian trong ống cổ tay, gây chèn ép dây thần kinh.
- Yếu tố di truyền: Ống cổ tay nhỏ có khả năng di truyền giữa các thế hệ, từ đó làm thu hẹp không gian, khiến cho dây thần kinh giữa dễ bị chèn ép.
- Thai kỳ: Giai đoạn mang thai có thể làm tăng thể tích ống cổ tay, thường xuất hiện vào giữa và cuối thai kỳ.
- Thuốc anastrozole: Thuốc điều trị ung thư vú anastrozole (arimidex) cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay.
- Các bệnh lý đi kèm như viêm khớp dạng thấp, suy giáp, suy thận, béo phì, bệnh to đầu chi, gout, tiểu đường,…
- Một số tình trạng khác như mãn kinh, rối loạn tuyến giáp, phù bạch huyết,…
4. Phương pháp chẩn đoán hội chứng đường hầm cổ tay
Người bệnh khi được chẩn đoán và có phương pháp điều trị hội chứng kịp thời hoàn toàn có thể khỏi bệnh. Để chẩn đoán hội chứng ống cổ tay, bác sĩ sẽ thực hiện khám, đánh giá lâm sàng và cận lâm sàng.
4.1. Chẩn đoán lâm sàng
Một người được chẩn đoán mắc hội chứng ống cổ tay khi họ có ít nhất một trong các triệu chứng sau:
- Tê bì cổ tay, bàn tay.
- Đau nhức, có cảm giác kim châm ở khu vực gan bàn tay.
- Giảm hoặc mất cảm giác vùng chi phối của dây thần kinh giữa.
- Yếu cổ tay và bàn tay, ít lực, khó cầm nắm,…
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ thực hiện thêm các nghiệm pháp chẩn đoán lâm sàng để có được những kết luận chính xác hơn. Người bệnh được cho là mắc hội chứng ống cổ tay khi dương tính với ít nhất một trong các nghiệm pháp, bao gồm:
1 – Nghiệm pháp Phalen: Bác sĩ sẽ cho người bệnh gập cổ tay 90 độ trong vòng ít nhất 60 giây. Bệnh nhân có thể mắc hội chứng ống cổ tay nếu xuất hiện và có sự gia tăng các triệu chứng tê, ngứa ran ở ngón tay.
2 – Nghiệm pháp Tinel: Bác sĩ thực hiện gõ vào vùng ống cổ tay (bằng tay hoặc búa phản xạ), nghiệm pháp dương tính nếu xuất hiện cảm giác tê, ngứa ran hoặc đau ở các ngón tay.
3 – Nghiệm pháp Durkan: Bác sĩ trực tiếp sử dụng ngón cái ấn giữ vào vị trí giữa cổ tay bệnh nhân nhằm làm tăng áp lực lên khu vực ống cổ tay. Bệnh nhân có thể mắc hội chứng nếu có cảm giác tê bì tại khu vực cổ tay tay và đau lan ra các ngón tay khi ấn giữ trên 30 giây.
4.2. Chẩn đoán cận lâm sàng
Ngoài các biện pháp chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện các khám nghiệm cận lâm sàng nhằm đánh giá, tiên lượng bệnh và loại trừ một số trường hợp đau do viêm khớp hoặc chấn thương. Các biện pháp cận lâm sàng có thể là:
- Siêu âm cổ tay: Biện pháp này giúp xác định được tình trạng viêm dây thần kinh giữa và chèn ép dây thần kinh dựa trên kích thước thiết diện cắt ngang của dây thần kinh giữa. Kích thước càng lớn thì mức độ viêm càng nặng, từ đó bác sĩ có thể xác định được giai đoạn mắc hội chứng của người bệnh.
- Chụp X-quang cổ tay: Biện pháp này giúp xác định cụ thể nguyên nhân của hội chứng, xem có phải do viêm khớp hoặc chấn thương hay không.
- Điện cơ (EMG) và dẫn truyền thần kinh: Bác sĩ sẽ gắn các điện cực dẫn truyền các tín hiệu điện và ghi lại phản ứng của các cơ ở bàn tay. Kết quả ghi lại có thể cho thấy những bất thường của dây thần kinh giữa và mức độ chuyển động của cơ đối với dòng điện.
5. Phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay
Có nhiều phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay khác nhau như vật lý trị liệu, nẹp cố định, sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định biện pháp điều trị phù hợp.
5.1. Vật lý trị liệu
Phương pháp này phù hợp với những người mắc hội chứng ở giai đoạn nhẹ, giúp người bệnh hồi phục mà không cần dùng thuốc hay can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, vật lý trị liệu hội chứng ống cổ tay thường yêu cầu thời gian, nỗ lực và mức độ thực hiện của bệnh nhân. Bạn cần thường xuyên tập luyện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.
Các phương pháp vật lý trị liệu thường được áp dụng trong điều trị hội chứng ống cổ tay gồm:
- Siêu âm
- Điện xung
- Laser
- Xung kích
- Sóng ngắn
- Băng dán kinesio
Bên cạnh đó, các bài tập vật lý trị liệu như yoga, châm cứu,… cũng có thể hỗ trợ giảm đau hiệu quả, tăng tuần hoàn bàn tay và cổ tay, tăng cường sức mạnh các cơ trong lòng bàn tay và hỗ trợ phục hồi vận động. Bạn nên luyện tập bài tập yoga ít nhất 3 lần/ngày và 10 phút/lần để có thể thấy rõ hiệu quả điều trị.
5.2. Nẹp cố định cổ tay
Biện pháp này được sử nhiều cho những người bệnh ở giai đoạn muộn hơn, khi có những triệu chứng rối loạn vận động, kết hợp với sử dụng thuốc, vật lý trị liệu hay nẹp sau phẫu thuật. Người bệnh sẽ sử dụng nẹp cứng để giữ cổ tay ở tư thế thẳng hoặc trung tính nhằm làm giảm áp lực lên dây thần kinh trong ống cổ tay.
Khi kết hợp với các biện pháp điều trị khác, người bệnh có thể chỉ đeo nẹp vào ban đêm, lúc đi ngủ để đảm bảo cổ tay không bị gập và cải thiện triệu chứng tê đau. Các triệu chứng có thể cải thiện sau 4 tuần điều trị. Với trường hợp sau phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định đeo nẹp 12 – 24 giờ/ngày để hỗ trợ và bảo vệ cổ tay.
5.3. Sử dụng thuốc điều trị
Biện pháp này có thể sử dụng trong các giai đoạn khác nhau của hội chứng:
- Giai đoạn đầu: Người bệnh có thể được bác sĩ kê các loại thuốc chống viêm hoặc corticosteroid đường uống.
- Các giai đoạn sau: Nếu các triệu chứng không thuyên giảm khi đã sử dụng thuốc uống, bác sĩ có thể tiêm hỗn hợp thuốc tê và corticosteroid (Ví dụ: 1,5ml dung dịch dexamethasone 4mg/ml trộn với 1,5ml lidocain 1%) vào đường hầm cổ tay tại vị trí xương trụ và gân gan tay dài, theo hướng xa nếp lằn cổ tay.
Thuốc có thể giúp giảm đau, chống viêm, thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục, tuy nhiên lại có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, khi sử dụng thuốc bạn cần lưu ý tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, đảm bảo đúng liều lượng để đạt được hiệu quả cao nhất.
5.4. Phẫu thuật
Trong trường hợp đã điều trị bằng các phương pháp khác trong nhiều tháng nhưng các cơn đau vẫn liên tục tái phát, không có dấu hiệu cải thiện hoặc xuất hiện các triệu chứng nặng hơn như teo cơ bàn tay,… thì các bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
Biện pháp này sẽ giúp người bệnh nhanh chóng khắc phục tình trạng bệnh, ngăn bệnh tiến triển nặng thêm. Bác sĩ sẽ tư vấn thêm về mức độ rủi ro của phẫu thuật ống cổ tay, quá trình hồi phục và những hạn chế về chức năng cổ tay sau phẫu thuật.
Có 2 phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng bao gồm mổ mở truyền thống và mổ nội soi:
- Mổ mở: Là phương pháp phẫu thuật truyền thống với vết mổ trên cổ tay có kích thước khoảng 2 inch.
- Mổ nội soi: Là phương pháp ít xâm lấn, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và thời gian hồi phục của bệnh nhân cũng rút ngắn hơn so với mổ mở. Vết mổ nội soi nhỏ gần cổ tay với đường mổ chưa đến 1cm.
Trong quá trình thực hiện, người bệnh sẽ được gây tê cổ tay hoặc toàn thân. Bác sĩ sẽ thực hiện cắt bỏ dây chằng ngang ống cổ tay nhằm làm tăng không gian, giải phóng áp lực chèn ép dây thần kinh giữa.
6. Cách phòng ngừa hội chứng ống cổ tay
Để phòng ngừa hội chứng đau cổ tay, bạn cần chú ý thường xuyên nghỉ ngơi, thư giãn, giữ ấm tay và đảm bảo tư thế ngồi đúng.
1 – Nghỉ ngơi thường xuyên: Dù làm bất kỳ công việc gì, kể cả những việc nhẹ nhàng như đánh máy, chơi đàn,… bạn cũng cần có thời gian nghỉ ngơi 2 – 3 phút sau mỗi 30 – 45 phút làm việc. Trong thời gian nghỉ ngơi, bạn có thể thực hiện các động tác đơn giản như xoay cổ tay, giãn cơ cổ tay để thư giãn và hạn chế áp lực lên dây thần kinh giữa.
2 – Giữ cổ tay thẳng: Bạn cần giữ cổ tay thẳng trong quá trình làm việc, tránh các động tác gập cổ tay quá nhiều về các hướng để hạn chế tình trạng chèn ép trong đường hầm cổ tay.
3 – Giữ ấm tay: Là một cách hiệu quả giúp duy trì tuần hoàn máu, tránh sự co giãn đột ngột của cơ và gân, từ đó tăng sự linh hoạt, đồng thời giảm nguy cơ viêm nhiễm. Nếu phải làm việc trong môi trường lạnh, bạn có thể sử dụng găng tay cụt ngón để giữ ấm cho bàn tay và cổ tay.
4 – Đảm bảo tư thế ngồi đúng: Bạn cần giữ tư thế ngồi thẳng, thoải mái để tránh làm tổn thương dây thần kinh vùng cổ, có khả năng ảnh hưởng gián tiếp đến dây thần kinh giữa vùng cổ tay.
7. Giải đáp một số thắc mắc thường gặp
Hội chứng ống cổ tay là bệnh lý phổ biến và có xu hướng gia tăng về số lượng. Dưới đây là giải đáp 5 câu hỏi thường gặp về hội chứng ống cổ tay.
Câu 1: Hội chứng ống cổ tay có nguy hiểm không?
Hội chứng này thường không nguy hiểm, các triệu chứng diễn biến từ nhẹ đến nặng. Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, dây thần kinh bị chèn ép trong thời gian dài, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng, thậm chí mất khả năng vận động, gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Câu 2: Hội chứng ống cổ tay có ảnh hưởng gì không?
Hội chứng này có thể gây tê, ngứa ran, kiến bò, đau yếu các cơ,… ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt của người bệnh. Nếu tình trạng kéo dài đôi khi sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như mất cảm giác, teo cơ, tay mất chức năng vĩnh viễn,…
Câu 3: Hội chứng ống cổ tay có tự hết không?
Những người phát hiện mắc hội chứng ở giai đoạn sớm hoàn toàn có thể tự điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ bằng các phương pháp như:
- Nghỉ ngơi thường xuyên.
- Đeo nẹp cổ tay.
- Tập các động tác vật lý trị liệu,…
Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh ở tình trạng nặng, người bệnh cần có sự can thiệp của bác sĩ bằng thuốc hoặc phẫu thuật để thúc đẩy quá trình hồi phục và ngăn bệnh tiến triển nặng thêm.
Câu 4: Hội chứng ống cổ tay bao lâu khỏi?
Đối với các bệnh nhân cần can thiệp phẫu thuật ống cổ tay, thời gian hồi phục thường vào khoảng 12 tuần sau mổ.
- 1 tuần sau mổ: Bệnh nhân có thể cử động ngón tay và bắt đầu tập vật lý trị liệu nhẹ nhàng để dần hồi phục chức năng vận động, hạn chế cứng khớp.
- 2 – 4 tuần sau mổ: Người bệnh có thể vận động nhẹ nhàng, tình trạng đau nhức ở cổ tay đã giảm dần.
- 4 – 6 tuần sau mổ: Người bệnh có thể thực hiện các hoạt động như vẽ, viết chữ, cầm nắm đồ vật linh hoạt,… Tuy nhiên, bạn vẫn cần để cổ tay nghỉ ngơi, hạn chế tạo áp lực quá lớn.
- 10 – 12 tuần sau mổ: Bệnh nhân gần như hồi phục hoàn toàn, có khả năng làm các công việc phức tạp hơn, cổ tay cũng linh hoạt và có lực hơn. Một số trường hợp, cổ tay có thể còn đau nhẹ khi hoạt động.
Câu 5: Điều trị hội chứng ống cổ tay ở đâu?
Nếu hội chứng được phát hiện sớm, khi các triệu chứng còn nhẹ, bệnh nhân hoàn toàn có thể tự điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp phát hiện muộn, bạn nên đến bệnh viện tham khảo ý kiến của bác sĩ về các biện pháp điều trị khác như nẹp cổ tay, dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đến đăng ký điều trị tại các trung tâm trị liệu, phục hồi chức năng để tăng hiệu quả và được theo dõi thường xuyên trong quá trình tập luyện. Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB – MATSUOKA là một địa chỉ uy tín với chất lượng với đội ngũ bác sĩ – kỹ thuật viên đầu ngành, hệ thống máy móc hiện đại sử dụng công nghệ AI, phương pháp điều trị chuẩn Nhật Bản,…
Như vậy, hội chứng ống cổ tay thường không nguy hiểm và có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu tình trạng chèn ép kéo dài, người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng như teo cơ, yếu cơ và thậm chí là mất khả năng vận động. Do đó, bạn cần chú ý đến tình trạng của cổ tay, khi có dấu hiệu bất thường thì cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị sớm nhất.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến hội chứng ống cổ tay, cũng như các bài tập vật lý trị liệu có liên quan, người bệnh hãy liên hệ với MYREHAB – MATSUOKA để được tư vấn miễn phí trong thời gian sớm nhất.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội