Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka.
Hội chứng De Quervain là tình trạng sưng, viêm tại vùng cổ tay và gốc ngón tay cái, gây đau nhức mỗi khi cử động tay. Bệnh không gây nguy hiểm, tuy nhiên De Quervain lại ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và làm việc của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp thông tin chi tiết về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị hội chứng này.
1. Hội chứng De Quervain là gì?
Hội chứng De Quervain hay viêm gân ngón tay cái là tình trạng viêm gân duỗi ngắn và gân dạng dài ngón cái gây ra đau nhức ở bên ngón cái của cổ tay. Người bị bệnh sẽ cảm thấy đau mỗi khi xoay cổ tay, nắm tay hoặc nắm bất cứ thứ gì khác.
Viêm bao gân cổ tay De Quervain được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1985 bởi bác sĩ người Thụy Sỹ – Fritz de Quervain. Theo nghiên cứu của Viện Quốc gia về Sức khỏe Hoa Kỳ (NIH), nữ giới có tỷ lệ mắc phải viêm gân De Quervain cao hơn đáng kể so với nam giới. Các chuyên gia cũng cho biết bệnh xuất hiện phổ biến ở độ tuổi từ 30 đến 50 và gây ra ảnh hưởng cho hơn 1% dân số nước Mỹ mỗi năm.
Khi thực hiện động tác duỗi và dạng ngón cái, hay gân cơ duỗi ngắn ngón cái và gân cơ dạng dài ngón cái sẽ trượt đi trượt lại dọc theo bờ bên của khớp cổ tay. Các động tác như cầm vật nặng, xoay hoặc lắc cổ tay diễn ra thường xuyên trong thời gian dài có thể khiến sự ma sát giữa các cấu trúc gân cổ tay tăng lên. Sự ma sát liên tục sẽ làm giảm lượng dịch bôi trơn xung quanh các gân, làm tăng nguy cơ viêm và sưng. Khi các vùng viêm phát triển sẽ gây ra các triệu chứng như đau, sưng ở phần dưới cổ tay và dọc theo các gân ngón tay cái.
Nếu không được điều trị kịp thời, viêm và sưng có thể dẫn đến tình trạng bao gân bị xơ cứng và ngày càng dày hơn khiến cho các hoạt động của gân bị hạn chế. Điều này sẽ gây ra những tác động không tốt cho hệ thần kinh, gây tê bì và làm suy giảm khả năng sử dụng cổ tay một cách bình thường.
2. Triệu chứng hội chứng De Quervain
Hội chứng De Quervain phát triển theo 2 giai đoạn khác nhau. Với mỗi giai đoạn, bệnh sẽ có những triệu chứng và tác động riêng đến sức khỏe người bệnh.
1 – Giai đoạn đầu: Người mắc viêm bao gân ngón tay cái ở giai đoạn đầu có thể xuất hiện những biểu hiện sau:
- Xuất hiện những cơn đau dần dần hoặc đột ngột ở vùng gốc ngón cái hoặc vùng mỏm trâm quay (mặt ngoài cổ tay).
- Đau khi chạm vào vùng gân ở phần bên ngoài mặt cổ tay, gần vị trí ngón cái.
- Đau nhiều hơn khi cử động, đặc biệt là khi cầm vật nặng hoặc thực hiện các động tác xoay cổ tay
- Có thể bị sưng nhẹ, phù nề hoặc tê bì ngón tay cái, ngón trỏ.
- Cơn đau có thể lan theo cơ lên vùng ngoài của cẳng tay.
- Cử động của ngón tay cái bị hạn chế, cảm giác khó chịu và không thoải mái tăng lên khi thực hiện các hoạt động hàng ngày như xoay cổ tay, cầm xách vật nặng hay làm việc với máy tính,…
2 – Giai đoạn sau: Người mắc hội chứng De Quervain nếu không quan tâm điều trị sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn và khó điều trị. Lúc này các triệu chứng đã trở nặng, không chỉ khiến người bệnh đau nhức mà còn gây ra nhiều sự bất tiện trong cuộc sống.
Một số biểu hiện của người mắc viêm bao gân De Quervain giai đoạn sau như:
- Mô gân dần bị xơ cứng: Sự tích tụ các mô sẹo do di chứng từ sự viêm nhiễm và tổn thương mô gân duỗi ngắn và gân dạng dài ngón cái có thể làm cho các cấu trúc xung quanh gân trở nên xơ cứng. Cấu trúc gân bị xơ hóa khiến bệnh nhân bị hạn chế rất nhiều trong việc cử động ngón tay cái, xoay chuyển bàn tay và nhiều hành động khác.
- Ngón cái phát ra tiếng lục cục hoặc lạo xạo khi cử động: Đây là dấu hiệu của sự ma sát hoặc va chạm giữa các cấu trúc mô gân trong vùng bị viêm.
- Ngón cái có cảm giác bị dính lại hoặc giật cục: Sự viêm sưng, phù nề tại cấu trúc gân duỗi ngắn và gân dạng dài ngón cái khiến cho ngón tay cái bị kẹt và khó khăn khi cử động.
Viêm gân dạng dài ngón cái giai đoạn cuối đã gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng lên cấu trúc mô và gân, không còn có thể phục hồi bằng các phương pháp điều trị bảo tồn. Lúc này các bác sĩ sẽ cần phải chỉ định điều trị hội chứng De Quervain bằng can thiệp phẫu thuật.
3. Nguyên nhân gây ra hội chứng De Quervain
Hội chứng De Quervain xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
1 – Hoạt động cổ tay liên tục trong thời gian dài: Người bệnh thực hiện các hoạt động bao gồm cử động ngón cái và cổ tay quá mức, lặp lại trong thời gian dài, có thể gây căng thẳng lên cấu trúc gân và mô nơi này. Khi căng thẳng kéo dài mà không có thời gian phục hồi có thể dẫn đến viêm nhiễm và tổn thương cho các dây gân và các mô xung quanh.
Hội chứng ống cổ tay: Triệu chứng và cách điều trị |
2 – Có công việc hoặc sở thích phải chuyển động tay và cổ tay lặp đi lặp lại: Các công việc như nghề nghiệp giáo viên, bác sĩ phẫu thuật, cắt tóc, làm việc nội trợ,… khi thực hiện liên tục sẽ tạo ra sự mệt mỏi và căng thẳng liên tục cho cổ tay và ngón cái, làm tăng nguy cơ phát triển cho hội chứng De Quervain tay.
3 – Thường xuyên chăm sóc trẻ nhỏ và khi bế trẻ em: Lúc này các cử động lặp đi lặp lại như nắm, bế lên hoặc đặt bé xuống,… yêu cầu sử dụng cổ tay và ngón cái một cách liên tục, gây căng thẳng cho các dây gân và đai chun cơ duỗi ở vùng cổ tay. Việc chăm trẻ nhỏ cũng đòi hỏi người chăm sóc phải giữ tư thế không thoải mái trong thời gian dài. Những điều này đều tạo ra áp lực lên các cơ bắp và cấu trúc gân, mô vùng cổ tay, tạo điều kiện cho sự xuất hiện của viêm bao gân dạng duỗi ngón cái.
4 – Đang gặp các bệnh lý về khớp: Các tình trạng tổn thương khớp như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, viêm khớp cổ tay,… góp phần vào sự phát triển của hội chứng De Quervain bằng cách gây ra sự viêm nhiễm và tổn thương cho các gân và mô ở vùng cổ tay. Đồng thời, các bệnh lý này đều kèm theo các triệu chứng đau, nhức, sưng, viêm, khó khăn khi cử động tay,… gây suy giảm chức năng của cổ tay và ngón tay cái.
5 – Tuổi tác: Khi lão hóa, cơ và gân trong cổ tay trở nên kém linh hoạt và dễ bị tổn thương hơn. Những vấn đề về khớp thường phát triển khi tuổi tác tăng, như viêm khớp hoặc thoái hóa khớp, cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh De Quervain.
4. Phương pháp chẩn đoán De Quervain
Bác sĩ thường sẽ áp dụng cả phương pháp chẩn đoán lâm sàng lẫn chẩn đoán cận lâm sàng để đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác về hội chứng De Quervain và đề xuất phương án điều trị phù hợp.
4.1. Chẩn đoán lâm sàng
1 – Kiểm tra cảm giác đau: Bác sĩ ấn nhẹ lên khu vực cổ tay và điểm gốc ngón tay cái (hay vị trí mỏm trâm quay theo giải phẫu học) để đánh giá mức độ đau. Nếu bệnh nhân cảm thấy đau hoặc đau nhói thì rất có thể đã có sự tổn thương hoặc viêm nhiễm tại khu vực này.
2 – Bài kiểm tra Finkelstein: Finkelstein là một bài kiểm tra đơn giản nhưng hiệu quả để chẩn đoán hội chứng De Quervain. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các động tác như:
- Gấp ngón tay cái vào trong bàn tay
- Nắm bàn tay lại với ngón cái bên trong
- Sau đó uốn cổ tay nghiêng về phía xương trụ.
Nếu bệnh nhân cảm thấy đau nhói vùng gân dạng dài và gân duỗi ngắn ngón tay cái hoặc ở gốc ngón tay cái khi thực hiện bài kiểm tra này, có thể nghi ngờ của hội chứng De Quervain.
4.2. Chẩn đoán cận lâm sàng
Chẩn đoán cận lâm sàng trong việc phát hiện hội chứng De Quervain bao gồm sử dụng phương pháp chụp chiếu như siêu âm và cộng hưởng từ MRI để đánh giá chi tiết về cấu trúc và tình trạng của cổ tay và vùng gốc ngón tay cái. Qua đó giúp bác sĩ có thể nhận định bệnh chính xác và đề xuất phương án điều trị tốt nhất.
1 – Siêu âm: Siêu âm được sử dụng để chụp chiếu, hình ảnh hóa khu vực cổ tay và ngón cái, nhằm đánh giá mức độ viêm nhiễm và tổn thương của các gân, cơ và dây chằng. Nếu siêu âm phát hiện các triệu chứng sau thì rất có thể bệnh nhân đã mắc hội chứng De Quervain:
- Bao gân dày lên bất thường do tụ dịch bên trong.
- Sự chuyển động không đồng đều hoặc bất thường của các cấu trúc gân.
- Kiểm tra Doppler màu phát hiện tăng sinh mạch không bình thường ở phần mềm dưới da quanh gân.
- Sưng tấy và có dịch bạch huyết trong khu vực gân và dây chằng.
2 – Cộng hưởng từ (MRI): Cộng hưởng từ MRI cung cấp hình ảnh chi tiết về các cấu trúc mô mềm trong cổ tay và ngón cái như: mô gân, bao gân, mô cơ, mạch máu,… giúp bác sĩ có thể đánh giá chính xác được mức độ tổn thương và viêm nhiễm của các bộ phận được chụp chiếu. Một số triệu chứng của De Quervain được biểu hiện trên kết quả chụp MRI như:
- Sưng tấy, viêm bao gân.
- Bao gân dày, phù nề, có dịch tụ bên trong.
- Phù nề dưới da xung quanh gân.
- Rách dọc gân: Thường xuất hiện ở gân dạng dài của ngón cái, biểu thị thông qua đường tăng tín hiệu trên T2W.
- Viêm gân: Làm gân phù nề, gia tăng kích thước bất thường, biểu thị trê tăng tín hiệu các chuỗi xung T2 xóa mỡ.
5. Phương pháp điều trị De Quervain
Hội chứng De Quervain có thể điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và phản ứng của bệnh nhân với các phương pháp điều trị.
5.1. Các phương pháp không dùng thuốc
Viêm bao gân De Quervain có thể tự khỏi mà không cần can thiệp. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị không dùng thuốc chỉ có tác dụng đối với các trường hợp bệnh còn nhẹ, chưa có quá nhiều tổn thương đến cấu trúc gân và mô.
Một số cách điều trị viêm gân ngón tay cái thông dụng như:
- Nghỉ ngơi: Người bệnh nên hạn chế các cử động có liên quan đến vùng cổ tay và ngón tay cái trong thời gian từ 4 – 6 tuần. Nghỉ ngơi sẽ giúp giảm căng thẳng lên các gân và dây chằng, đồng thời giúp các bộ phận này có đủ thời gian để phục hồi và làm lành tổn thương.
- Chườm lạnh ở khu vực viêm đau: Lạnh có tác dụng làm co các mạch máu, giảm viêm, giảm sưng. Ngoài ra, chườm lạnh còn làm giảm hoạt động của các tế bào thần kinh, giúp người bệnh xoa dịu cảm giác đau đớn do tình trạng sưng viêm gây nên.
- Sử dụng băng nẹp cổ tay và vùng ngón cái để hỗ trợ từ 3 – 6 tuần: Tư thế của phần cổ tay sẽ được giữ nguyên cố định. Ngón cái sẽ được giữ dạng ra 45o so với trục xương quay và có độ gấp khoảng 10o. Việc giữ cố định tư thế giúp ổn định cho cổ tay và ngón cái, ngăn chặn các cử động không cần thiết, tạo điều kiện tốt nhất cho sự hồi phục.
5.2. Sử dụng thuốc
Nếu triệu chứng của bệnh nhân không được kiểm soát đủ hiệu quả bằng các biện pháp không dùng thuốc như nghỉ ngơi, chườm lạnh, sử dụng nẹp cổ tay và ngón tay cái,.. thì bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau và giảm viêm để điều trị hội chứng De Quervain.
Một vài loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định khi bị viêm bao gân gồm:
- Nhóm thuốc uống chống viêm không Steroid (NSAIDs):
- Advil, Motrin (thành phần Ibuprofen): Thuốc có tác dụng thông qua việc ức chế các Enzym Cyclooxygenase (COX) làm giảm sản xuất Prostaglandin trong cơ thể, từ đó ngăn chặn các phản ứng gây viêm và xoa dịu cảm giác đau khi cơ thể gặp tổn thương do chất này gây nên.
- Aleve (thành phần Naproxen): Thuốc có tác dụng tương tự như Ibuprofen nhưng có thời gian tác dụng kéo dài hơn.
- Nhóm thuốc uống giảm đau có chứa Acetaminophen (Paracetamol):
- Tylenol và các loại thuốc chứa thành phần Paracetamol khác: Thuốc tác dụng thông qua việc ức chế sự sản xuất Prostaglandin, từ đó giúp giảm đau, giảm viêm, tiêu sưng,…
- Nhóm thuốc bôi chống viêm không chứa Steroid:
-
- Voltaren (thành phần Diclofenac): Khi bôi lên da, gel thêm nhập vào da và hoạt động bằng cách ức chế sản sinh Prostaglandin tương tự như Ibuprofen. Từ đó, thuốc có thể giúp giảm sưng, tiêu viêm, giảm sự đau đớn, khó chịu cho người bệnh.
- Ibuprofen 5% Gel (thành phần Ibuprofen): Thuốc có tác dụng giảm đau, giảm viêm, tiêu sưng với thành phần Ibuprofen.
5.3. Tiêm nội khớp
Tiêm nội khớp (Corticosteroid Injection) thường được sử dụng trong trường hợp đã sử dụng thuốc uống nhưng các triệu chứng như đau, sưng, viêm vẫn kéo dài, không có dấu hiệu thuyên giảm.
Corticosteroid được tiêm vào bao gân, tránh tiêm vào các mạch máu. Chỉ những bác sĩ được đào tạo qua các lớp chuyên khoa khớp mới được thực hiện tiêm Corticosteroid trong bao gân. Bởi nếu tiêm nội khớp không chuẩn chỉnh, đúng kỹ thuật có thể để lại nhiều tác hại như: đứt quãng gân, tổn thương gân và các mô xung quanh,…
Tiêm Corticosteroid là phương pháp điều trị hội chứng De Quervain hiệu quả hàng đầu hiện nay. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), có đến 90% bệnh nhân đã đau gần như hoàn toàn chỉ sau từ 1 đến 2 mũi tiêm Corticosteroid.
5.4. Vật lý trị liệu
Một trong những tác động quan trọng nhất của vật lý trị liệu chính là giảm đau. Các phương pháp vật lý trị liệu như massage, điện xung, sóng siêu âm, tập vật lý trị liệu cổ tay … có thể giúp bệnh nhân giảm bớt cảm giác đau nhức, tiêu sưng, giảm viêm, mang lại cảm giác thoải mái cho người bệnh.
Có nhiều phương pháp vật lý trị liệu có tác động tích cực trong việc điều trị hội chứng De Quervain. Bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng sức khỏe bệnh nhân để chỉ định phương pháp phù hợp:
- Siêu âm: Bác sĩ hoặc kỹ thuật viên trị liệu sẽ di chuyển đầu dò siêu âm trên khu vực cổ tay và ngón tay bị ảnh hưởng. Sóng siêu âm có tác dụng giảm viêm, giảm sưng tấy và xoa dịu cảm giác đau. Ngoài ra, sóng siêu âm còn có thể cải thiện khả năng lưu thông máu và kích thích quá trình phục hồi của mô mềm.
- Laser: Bác sĩ sử dụng thiết bị laser chuyên dụng để chiếu ánh sáng laser vào khu vực bị tổn thương. Phương pháp này có khả năng kích thích tái tạo tế bào và cải thiện lưu thông máu, giúp tăng cường quá trình phục hồi của cơ thể. Ngoài ra, laser cũng có tác dụng kích thích sản sinh Endorphin, có tác dụng giảm đau tự nhiên.
- Điện xung: Các điện cực được đặt ở khu vực bị cổ tay hoặc gốc ngón tay cái, điện xung sẽ được điều chỉnh để kích thích các cơ và mô mồm trong khu vực đó. Phương pháp này có tác dụng giảm đau, giảm sưng, kích thích lưu thông máu, làm giảm căng thẳng cơ và đẩy nhanh quá trình phục hồi của các mô mềm bị tổn thương.
- Sóng ngắn: Bác sĩ sử dụng thiết bị chuyên dụng để áp sóng điện từ vào khu vực bị bệnh. Sóng ngắn có tác dụng giảm đau, giảm sưng, cải thiện sự linh hoạt của cổ tay và ngón tay bằng cách giảm căng thẳng cơ, kích thích quá trình lưu thông máu, giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn.
- Kinesio hỗ trợ: Kỹ thuật viên trị liệu đặt băng dính sao cho tạo áp lực nhẹ và hỗ trợ cho cơ, gân trong khu vực cổ tay và ngón tay cái bị tổn thương. Sau đó bác sĩ sẽ điều chỉnh áp lực để đảm bảo rằng lực được tạo ra từ băng dính Kinesio đủ nhẹ và thoải mái, người bệnh không cảm thấy bị kẹt hay khó chịu. Tác dụng của phương pháp này là giúp giảm căng thẳng cho khu vực bị tổn thương, hỗ trợ quá trình phục hồi của người bệnh.
5.5. Phẫu thuật
Khi việc dùng thuốc kết hợp điều trị phục hồi chức năng tích cực không hiệu quả, bác sĩ có thể yêu cầu được tiến hành phẫu thuật. Phẫu thuật hội chứng Quervain có thể thực hiện dưới gây mê toàn thân hoặc tại vị trí tổn thương. Bác sĩ sẽ tạo vết rạch nhỏ trên da ở khu vực cổ tay gần ngón tay cái, sau đó sử dụng các dụng cụ nội soi và dụng cụ phẫu thuật để loại bỏ phần bao gân dày và cứng, tạo không gian cho các gân và dây chằng chuyển động một cách tự nhiên hơn.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị hội chứng De Quervain hiệu quả hàng đầu hiện nay với khoảng 90% bệnh nhân phục hồi hoàn toàn sau khi được phẫu thuật. Sau phẫu thuật cần mất một thời gian để phục hồi. Cơn đau và sưng tại khu vực phẫu thuật sẽ sớm biến mất nhưng phải cần vài tháng để hồi phục hoàn toàn. Bệnh nhân sẽ được chỉ định tập vật lý trị liệu trong vòng 6 – 8 tuần, trong đó bao gồm các bài tập kéo dãn để tái tạo gân, các bài tập tăng cường cơ bắp và bài tập giữ cho khớp ổn định.
6. Cách chăm sóc và phục hồi sau điều trị
Người mắc hội chứng De Quervain sau khi đã điều trị vẫn nên lưu tâm về cách chăm sóc bản thân để đảm bảo quá trình hồi phục được diễn ra tốt nhất, phòng ngừa tối đa biến chứng và nguy cơ tái phát.
Một số việc người bệnh nên làm để phòng bệnh như:
- Tập 1 số bài tập kéo dài và tăng cường sức mạnh và tính linh hoạt của cổ tay và ngón tay cái của bạn như bóp bóng tennis, massage ngón tay cái, giữ tạ,…
- Tránh các hoạt động bàn tay, cổ tay lặp đi lặp lại trong thời gian dài; tránh các hoạt động cầm, kéo, nắm vật nặng.
- Cần xen kẽ thời gian nghỉ ngơi tay hợp lý.
- Kết hợp tập luyện một số bài tập vận động nhẹ để tăng cường sự dẻo dai cho gân, khớp vùng cổ tay.
- Không nên xoa bóp rượu thuốc, dầu nóng vì dễ làm tình trạng viêm nặng thêm. Không nên tự ý nắn bẻ khớp vì sẽ làm tổn thương thêm gân, khớp.
- Nên có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là phụ nữ khi mang thai và sau sinh. Ở người lớn tuổi, thức ăn nên được bổ sung thêm Canxi, dùng sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai,… ).
9 bài tập phục hồi giãn dây chằng cổ tay |
7. Giải đáp một số câu hỏi thường gặp về hội chứng De Quervain
Câu 1: Có nên xoa bóp khi bị De Quervain không?
Bạn nên tránh massage trực tiếp vào vùng cổ tay bị đau do hội chứng Quervain. Thay vào đó, bạn có thể xác định vị trí các cơ ở phía sau cẳng tay bằng cách ấn xuống khi di chuyển ngón tay cái. Bạn có thể áp dụng massage trong khoảng 30 giây bằng cách áp lực xuống và di chuyển chậm rãi dần từ bên này sang bên kia và lặp lại động tác từ 5 – 10 lần, thực hiện massage từ 2 – 3 lần mỗi ngày.
Câu 2: De Quervain có thể gây tổn thương thần kinh không?
Câu trả lời là Có. Các biến chứng liên quan từ hội chứng De Quervain có thể bao gồm tổn thương các nhánh nông của dây thần kinh quay, dẫn đến sự hình thành u thần kinh gây đau và chèn ép dây thần kinh nông.
Câu 3: Điều gì xảy ra nếu bệnh viêm bao gân De Quervain không được điều trị kịp thời?
Nếu không được điều trị kịp thời, viêm bao gân De Quervain có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Nhiều khả năng bạn sẽ cần phải can thiệp phẫu thuật vì các phương pháp điều trị khác không còn hiệu quả.
Nếu bạn bị mắc hội chứng De Quervain trong thời gian dài, không nên tạo ra quá nhiều áp lực lên gân ngón tay cái bằng các động tác lặp đi lặp lại, kéo hay mang vật nặng,… vì có thể khiến xảy ra tình trạng vỡ vỏ gân, rách bao gân,… Một số người bị viêm bao gân De Quervain không điều trị có thể mất vĩnh viễn một số chức năng hoặc phạm vi chuyển động của cổ tay và ngón tay cái của họ.
Trên đây là các thông tin chi tiết về hội chứng De Quervain, hy vọng chúng sẽ hữu ích cho nhu cầu tìm kiếm thông tin của bạn đọc. Hội chứng tuy không quá nguy hiểm nhưng nếu không khám chữa bệnh sớm thì sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và làm việc của người bệnh.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình theo dõi bài viết, xin hãy liên hệ về đội ngũ CSKH của Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB – MATSUOKA để nghe tư vấn và hỗ trợ.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.offical
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội