Viêm khớp dạng thấp: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka.

Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh tự miễn, khiến hệ miễn dịch tấn công các khớp, gây đau và sưng tấy. Về lâu dài, căn bệnh này sẽ gây loãng xương, ung thư hạch,… thậm chí là tàn phế. [1] Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh viêm khớp dạng thấp, hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây!

1. Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp (hay Rheumatoid Arthritis – RA), là một bệnh lý mãn tính do rối loạn tự miễn trong cơ thể gây nên. Nếu tình trạng viêm xuất hiện ở nhiều khớp (từ 4 – 5 vị trí) thì được gọi là viêm đa khớp dạng thấp. RA có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trong cơ thể, nhưng thường gặp nhất ở các khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân, cổ tay và khuỷu tay. [2]

Viêm khớp dạng thấp do màng hoạt dịch bao quanh khớp bị viêm nhiễm
Viêm khớp dạng thấp do màng hoạt dịch bao quanh khớp bị viêm nhiễm

Tổn thương cơ bản của căn bệnh này xuất phát từ sự viêm nhiễm và phá hủy màng hoạt dịch khớp. Màng hoạt dịch là một lớp màng mỏng bao bọc xung quanh các khớp, giúp bôi trơn và giảm ma sát khi khớp vận động. Khi màng hoạt dịch bị viêm nhiễm, nó sẽ dày lên và tiết ra nhiều dịch hơn bình thường, từ đó có thể làm hỏng xương và biến dạng khớp.

Những thương tổn này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Người bệnh gặp khó khăn trong các hoạt động đơn giản như viết, mở chai lọ, mặc quần áo và mang vác đồ vật. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị tàn tật.

Tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp trên toàn thế giới ước tính là 0,24 – 1%.  [3] Theo nghiên cứu của TS. BS. Nguyễn Văn Hùng – Đại học Y Hà Nội, bệnh này có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng thường rơi vào khoảng 35 – 50 tuổi. [4]

2. Diễn biến triệu chứng của viêm khớp dạng thấp

Các giai đoạn viêm khớp dạng thấp được được chia thành 4 mức độ: 

Khi viêm khớp dạng thấp (RA) tiến triển, cơ thể người bệnh sẽ thay đổi. Một số thay đổi bạn có thể nhìn thấy và cảm nhận được, trong khi những thay đổi khác không gây cho bạn bất cứ cảm giác gì. Mỗi giai đoạn RA sẽ có các mục tiêu điều trị khác nhau.

1 – Giai đoạn 1: Ở giai đoạn đầu, dấu hiệu viêm khớp dạng thấp sẽ đi kèm với cơn đau khớp, cứng khớp hoặc sưng đỏ vùng khớp bị viêm. Bên cạnh đó là tình trạng viêm bên trong khớp, khiến các mô trong khớp sưng lên. Tuy không có tổn thương xương nhưng màng hoạt dịch của khớp bị tổn thương.

Dấu hiệu viêm khớp dạng thấp ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ cảm thấy đau sưng ở vùng khớp bị viêm
Ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ cảm thấy đau sưng ở vùng khớp bị viêm

2 – Giai đoạn 2: Lúc này, màng hoạt dịch bị viêm nặng hơn, có thể gây tổn thương sụn khớp. Sụn chính là mô bao phủ phần cuối của xương tại vị trí khớp. Khi sụn bị tổn thương, người bệnh sẽ cảm nhận được những cơn đau, đồng thời có thể hạn chế vận động.

Biểu hiện viêm khớp dạng thấp giai đoạn 2 là người bệnh bị hạn chế về khả năng vận động
Ở giai đoạn 2, các sụn khớp sẽ bị tổn thương, khiến khả năng vận động của người bệnh bị hạn chế

3 – Giai đoạn 3: Khi bệnh viêm khớp dạng thấp ở người lớn đã tiến triển đến giai đoạn 3, tình trạng bệnh đã nghiêm trọng. Tại thời điểm này, tổn thương không chỉ lan đến sụn mà ảnh hưởng cả xương. Khi lớp sụn giữa các xương bị mòn, xương cọ xát với nhau, khiến người bệnh bị đau và sưng nhiều hơn. Một số người bị yếu cơ và mất hẳn khả năng vận động. Đó là do xương bị tổn thương, thậm chí biến dạng.

Vùng khớp bị viêm có thể bị biến dạng ở giai đoạn 3 bệnh viêm khớp dạng thấp
Ở giai đoạn 3 bệnh viêm khớp dạng thấp, vùng khớp bị viêm có thể bị biến dạng

4 – Giai đoạn 4: Ở giai đoạn muộn, các khớp đã ngừng hẳn hoạt động, khiến bệnh nhân đau, sưng, cứng khớp và mất khả năng vận động. Nghiêm trọng hơn, các khớp có thể bị hỏng và gây ra chứng dính khớp.

Ở giai đoạn 4, các khớp có thể dính vào nhau khiến người bệnh mất khả năng vận động
Ở giai đoạn 4, các khớp có thể dính vào nhau khiến người bệnh mất khả năng vận động

3. Nguyên nhân viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp thường không có nguyên nhân rõ ràng, xuất hiện khi hệ thống miễn dịch tấn công synovium – một lớp màng bao quanh khớp, gây ra tình trạng viêm nhiễm. Điều này khiến synovium dày lên, làm tổn thương sụn và xương trong khớp.  [1]

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh CDC, dưới đây là một số yếu tố gây nên viêm khớp dạng thấp: [5]

  • Độ tuổi: Viêm khớp dạng thấp có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi, nhưng nguy cơ mắc bệnh cao nhất ở những người trưởng thành ở độ tuổi 60. Bởi hệ miễn dịch ở người cao tuổi có thể hoạt động kém hiệu quả hơn, ít còn khả năng chống lại các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, tuổi tác cũng là căn nguyên cho các bệnh về tay, kể đến như hội chứng ngón tay lò xo
  • Giới tính: Nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp ở nữ giới cao gấp 2 – 3 lần so với nam giới. Phụ nữ chưa bao giờ sinh con có mức estrogen (một loại nội tiết tố nữ) cao hơn, có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc bệnh. 
  • Hút thuốc: Thuốc lá gây ra tình trạng viêm mạn tính trong cơ thể. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ có mẹ hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh RA cao gấp đôi khi chúng trưởng thành. 
  • Béo phì: Trọng lượng cơ thể dư thừa tạo áp lực lên các khớp, đặc biệt là khớp gối, hông và cột sống. Áp lực này có thể dẫn đến tổn thương khớp và viêm, làm tăng khả năng mắc RA.
  • Di truyền: Những người có kiểu gen loại II HLA (kháng nguyên bạch cầu ở người) có nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp cao hơn.
  • Môi trường: Các vấn đề thời tiết thất thường, khắc nghiệt như ẩm thấp kéo dài, chứa nhiều virus,… sẽ thúc đẩy sự phát triển của các loại virus gây nên viêm khớp như Epstein-Barr, Parvovirus B19, Cytomegalovirus,…
Các nguyên nhân viêm khớp dạng thấp
Các nguyên nhân viêm khớp dạng thấp

4. Biến chứng viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn mạn tính có thể gây ra viêm và tổn thương các khớp. Nếu không được điều trị, viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm: [6]

  • Tổn thương khớp: Viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến phá hủy sụn, xương và các mô khác của khớp. Điều này có thể gây ra đau, cứng khớp, biến dạng khớp và mất chức năng khớp.
  • Tổn thương các cơ quan khác: Viêm khớp dạng thấp sẽ ảnh hưởng đến tim, phổi, mắt, da và các mạch máu, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, viêm phổi, viêm màng bồ đào ở mắt, vẩy nến,..
  • Loãng xương: Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng quá trình thoái hóa xương, biến dạng xương. Một số thuốc dùng để điều trị căn bệnh này cũng khiến xương dễ gãy hơn, như Corticosteroid, Methotrexate,…
  • Khô mắt và miệng: Tình trạng viêm khớp ảnh hưởng đến các tuyến nước mắt và nước bọt, khiến chúng sản xuất ít nước hơn bình thường. Đây còn được gọi là hội chứng Sjogren.
  • Nhiễm trùng: Viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ miễn dịch suy yếu hoặc có vấn đề. Hệ thống miễn dịch bị rối loạn, tấn công các mô khỏe mạnh và khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn. 
  • Nguy cơ tàn phế: Viêm khớp dạng thấp có thể gây ra biến dạng khớp, khiến khớp khó vận động và có thể dẫn đến tàn tật.
Các biến chứng viêm khớp dạng thấp
Các biến chứng viêm khớp dạng thấp đi kèm với dấu hiệu

5. Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

5.1. Các công việc chẩn đoán 

1 – Hỏi bệnh: Bác sĩ sẽ tiến hành thăm hỏi tình trạng của bệnh nhân để xác định có mắc phải các vấn đề sau:

  • Kiểu khởi phát bệnh: đa phần dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp sẽ xuất hiện từ từ, tăng dần trong từng thời điểm nhất định.
  • Vị trí khớp tổn thương: khớp ngón gần, bàn ngón, cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân, hai bên. Khớp vai, háng hai bên thường xuất hiện muộn.
  • Tính chất: khớp đau, có thể kèm sưng nóng, thường không tấy đỏ.
  • Dấu hiệu cứng khớp buổi sáng thường kéo dài trên 1 giờ trong đợt tiến triển.
  • Bệnh diễn biến mạn tính xen kẽ các đợt cấp tính. Trong đợt tiến triển thường sưng đau nhiều khớp, sốt, có thể có các biểu hiện ở ngoài khớp.
Các giai đoạn viêm khớp dạng thấp thường tiến triển từ từ, kèm theo các cơn đau nhức ở khớp
Các giai đoạn viêm khớp dạng thấp thường tiến triển từ từ, kèm theo các cơn đau nhức ở khớp

2 – Chẩn đoán lâm sàng: Bác sĩ thường dựa theo một số triệu chứng sau để chẩn đoán sơ bộ liệu người bệnh có đang mắc viêm khớp dạng thấp hay không: [7]

  • Viêm khớp thường có tính chất đối xứng. Khớp tổn thương sưng đau, có thể nóng. Khớp gối thường tràn dịch.
  • Teo cơ do giảm vận động, viêm gân, co kéo hoặc lỏng lẻo dây chằng, kén khoeo chân (kén Baker).
  • Giai đoạn muộn thường có các biến dạng: bàn tay gió thổi, cổ tay hình lưng lạc đà, ngón tay hình cổ cò, ngón gần hình thoi, các khớp bàn ngón biến dạng, gan bàn chân tròn, ngón chân hình vuốt thú,…
  • Biểu hiện ngoài khớp (hiếm gặp): hạt dưới da, viêm mạch, nốt thấp ở phổi, tràn dịch màng phổi, màng tim, hội chứng Felty, hội chứng Sjogren, tổn thương mắt,…

Những dấu hiệu trên cùng với cảm giác đau, sưng tấy, giảm độ linh hoạt của khớp,… có thể là những triệu chứng quan trọng để chẩn đoán lâm sàng. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, bạn nên cung cấp đầy đủ cho bác sĩ để họ có thể đánh giá sơ bộ bệnh tình của bạn. 

Bác sĩ chẩn đoán lâm sàng viêm khớp dạng thấp dựa trên triệu chứng thực tế
Bác sĩ sẽ chẩn đoán lâm sàng dựa trên triệu chứng thực tế mà người bệnh cung cấp

3 – Chẩn đoán cận lâm sàng: Sau khi đã nắm được sơ bộ về triệu chứng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các phương pháp kiểm tra chi tiết hơn. Hiện nay, các phương pháp thường được áp dụng là xét nghiệm thường quy, đặc hiệu và các thăm dò khác. [7]

Các xét nghiệm thường quy, đặc hiệu: Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh xét nghiệm công thức máu, chức năng gan, thận, điện giải đồ, mỡ máu, tổng phân tích nước tiểu. Các kết quả cho thấy có dấu hiệu viêm khớp dạng thấp là:

  • Thường xuất hiện tình trạng thiếu máu, chủ yếu do viêm 
  • Tốc độ máu lắng (VS), CRP thường tăng
  • 70-80% bệnh nhân có các tự kháng thể yếu tố thấp (RF) và/hoặc anti-CCP dương tính
  • Xác định kết quả X-quang phổi, khớp (thường chụp bàn tay hai bên thẳng và các vị trí khác nếu cần)
Kết quả xét nghiệm máu là căn cứ để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp
Xác định kết quả xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Các thăm dò khác: có thể được chỉ định để chẩn đoán phân biệt hoặc đánh giá tổn thương, bệnh lý phối hợp, hoặc sàng lọc để điều trị:

  • Kháng thể kháng nhân (ANA), các tự kháng thể khác, acid uric máu
  • Siêu âm khớp và các cơ quan khác, CT scan, MRI, điện tâm đồ 
  • Chọc và xét nghiệm dịch khớp (tế bào, vi sinh, lao, tinh thể urate) nếu cần
  • Tầm soát lao tiềm ẩn: Mantoux, IGRA
  • Tầm soát viêm gan
  • Các xét nghiệm khác.
Phương pháp xét nghiệm MRI
MRI là phương pháp xét nghiệm có thể được phối hợp thực hiện để tăng hiệu quả sàng lọc

5.2. Chẩn đoán xác định

1 – Tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR) 1987  [7]

Tiêu chuẩn Mô tả
Cứng khớp buổi sáng Cứng tại khớp và quanh khớp vào buổi sáng, kéo dài ít nhất 1 giờ trước khi được cải thiện tối đa 
Viêm khớp tại ít nhất 3 vùng khớp Đồng thời xuất hiện sưng nề phần mềm hoặc tràn dịch khớp theo đánh giá của bác sĩ ở ≥ 3/14 vùng khớp: khớp ngón gần, khớp bàn ngón tay, cổ tay, khuỷu tay, gối, cổ chân và khớp bàn ngón chân (hai bên) 
Viêm các khớp bàn tay Bị sưng đau trong số ≥ 1/3 vùng khớp: các khớp cổ tay, khớp bàn ngón hoặc khớp ngón tay gần 
Viêm khớp đối xứng  Tổn thương đồng thời cùng một vùng khớp ở hai bên (với các khớp ở các ngón gần kề và không nhất thiết phải đối xứng hoàn toàn) 
Nốt dạng thấp Các nốt dưới da trên nền các vùng lồi xương hoặc mặt duỗi của khớp hoặc vùng cạnh khớp, quan sát bởi bác sĩ
Yếu tố dạng thấp huyết thanh Bất thường nồng độ RF (kết quả theo bất kỳ phương pháp xét nghiệm nào có giá trị (+) dưới 5% ở người bình thường) 
Tổn thương X-quang  X-quang cổ bàn tay thẳng: dấu hiệu xương bị bào mòn hoặc mất chất khoáng đầu xương cạnh khớp.

Chẩn đoán xác định viêm khớp dạng thấp nếu có ≥ 4/7 tiêu chuẩn trên đây. Trường hợp chỉ có 1 – 4 tiêu chuẩn thì triệu chứng phải kéo dài trong ít nhất 6 tuần. 

2 – Tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ và Liên đoàn chống Thấp khớp châu Âu 2010 (ACR/EULAR 2010)

Tiêu chuẩn này có thể áp dụng trong trường hợp bệnh diễn ra ở giai đoạn đầu và chưa phát hiện tổn thương khớp trên kết quả chụp X-quang. Đối tượng thực hiện chẩn đoán theo phương pháp này là: người có ít nhất một khớp được xác định viêm màng hoạt dịch theo chẩn đoán lâm sàng; người bị viêm màng hoạt dịch khớp không do các bệnh lý khác. [7]

Tổn thương khớp (0 – 5 điểm) 

  • 1 khớp lớn (khớp vai, khuỷu tay, háng, gối, cổ chân) 
0
  • 2 – 10 khớp lớn
1
  • 1 – 3 khớp nhỏ (khớp cổ tay, bàn ngón tay, ngón gần, bàn ngón chân)
2
  • 4 – 10 khớp nhỏ (không tính khớp lớn)
3
  • > 10 khớp (ít nhất 1 khớp nhỏ) 
5

Huyết thanh lọc (0 – 3 điểm) 

  • RF và anti-CCP âm tính
0
  • RF hoặc anti-CPP dương tính thấp (≤ 3 lần giới hạn trên của bình thường)
2
  • RF hoặc anti-CPP dương tính cao (> 3 lần giới hạn trên của bình thường)
3

Đáp ứng viêm cấp (0 – 1 điểm)

  • CRP và VS (ESR) bình thường 
0
  • CRP hoặc VS (ESR) bất thường
1
Thời gian có triệu chứng (0 – 1 điểm)
  • < 6 tuần 
0
  • ≥ 6 tuần≥ 6 tuần 
11
Chẩn đoán xác định viêm khớp dạng thấp nếu ≥ 6 điểm 

  • Nếu số điểm < 6: Bệnh nhân có thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn nếu các triệu chứng dần dần xuất hiện thêm (tích lũy). Có thể hồi cứu nếu số liệu được ghi chép lại đầy đủ. Nếu số điểm ≥ 6: Chẩn đoán xác định viêm khớp dạng thấp 
  • Nếu số điểm < 6: Bệnh nhân có thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn nếu các triệu chứng dần dần xuất hiện thêm (tích lũy). Có thể hồi cứu nếu số liệu được ghi chép lại đầy đủ. 

5.3. Chẩn đoán phân biệt

Các kết quả xét nghiệm của người bệnh sẽ được tiến hành xem xét để chẩn đoán phân biệt viêm khớp dạng thấp với các bệnh lý như: Lupus ban đỏ hệ thống, thoái hóa khớp, gout mạn tính, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến, viêm khớp do virus, viêm khớp nhiễm trùng. [7]

Bác sĩ đang giải thích kết quả để người bệnh phân biệt được viêm khớp dạng thấp và các bệnh lý khác
Kiểm tra kết quả xét nghiệm để phân biệt viêm khớp dạng thấp với các bệnh lý khác

5.4. Đánh giá hoạt tính bệnh

Mục đích: Giúp tiên lượng, theo dõi đáp ứng điều trị, căn cứ để chỉ định hoặc thay đổi phác đồ điều trị (trong đó có điều trị thuốc sinh học)

Các thang điểm: DAS-28 (dựa vào VS hoặc CRP), SDAI, hoặc CDAI, trên cơ sở đếm số khớp sưng, số khớp đau, dấu ấn viêm (VS hoặc CRP), đánh giá chung của bệnh nhân hoặc bác sĩ về tình trạng bệnh trên thang VAS. [7]

Đánh giá hoạt tính bệnh viêm khớp dạng thấp
Bác sĩ sẽ xem xét các dấu hiệu và sử dụng các thang điểm để đánh giá hoạt tính của bệnh viêm khớp dạng thấp

6. 3 phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp

Hiện có 3 phương pháp được áp dụng để chữa viêm khớp dạng thấp là sử dụng thuốc, phẫu thuật và tập vật lý trị liệu ngón tay. Điều này sẽ giúp kiểm soát và phòng ngừa sự phá hủy khớp, bảo vệ chức năng khớp, giảm thiểu triệu chứng và biến chứng, từ đó cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh. 

6.1. Sử dụng thuốc

Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc khi muốn giảm đau viêm và ngăn ngừa tổn thương khớp của người bệnh. Có nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp, bao gồm: [2]

  • Thuốc chống viêm không steroid NSAID: NSAIDs (Ibuprofen, Naproxen, Celecoxib,…) giúp ngăn chặn các enzyme gây viêm. 
  • Các loại thuốc chứa Steroid: Corticosteroid có thể được tiêm vào khớp, uống, hít hoặc tiêm tĩnh mạch. Các bác sĩ thường kê dòng thuốc này để giảm viêm và ức chế hệ thống miễn dịch.
  • Thuốc chống thấp khớp thay đổi bệnh (DMARDs): Dòng thuốc này thường được kết hợp cùng với việc nghỉ ngơi, tập thể dục tăng cường và thuốc chống viêm. Methotrexate là DMARD được sử dụng phổ biến nhất cho bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • Thuốc sinh học: TNF-α ức chế, thuốc ức chế JAK, thuốc ức chế B-cell, thuốc ức chế IL-17,… Các loại thuốc này sẽ ức chế tế bào bạch cầu, enzyme gây ra viêm như tế bào B, Janus kinase (JAK), interleukin (IL),…
Thuốc được sử dụng khi muốn giảm đau viêm và ngăn ngừa tổn thương khớp của người bệnh
Thuốc thường được dùng để giảm đau, ngăn ngừa tổn thương khớp

6.2. Phẫu thuật

Các chữa viêm khớp dạng thấp này thường áp dụng cho các trường hợp đã sử dụng thuốc nhưng tình trạng viêm khớp không thuyên giảm. Khi đó, phẫu thuật sẽ hỗ trợ các vấn đề sau: [2]

  • Điều chỉnh, tái tạo các khớp bị hư hỏng.
  • Khôi phục khả năng sử dụng khớp.
  • Giảm đau và cải thiện khả năng hoạt động.

Các loại phẫu thuật được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp bao gồm:

  • Phẫu thuật thay khớp: Các bác sĩ sẽ loại bỏ khớp bị tổn thương và thay thế bằng khớp nhân tạo. Thay khớp có thể cải thiện đáng kể chức năng khớp và giảm đau.
  • Phẫu thuật cắt xương: Các bác sĩ sẽ cắt hoặc sửa đổi xương để cải thiện khả năng vận động của khớp. Cắt xương có thể được sử dụng để điều chỉnh khớp bị biến dạng hoặc để mở rộng phạm vi chuyển động của khớp.
  • Tiêm chất bôi trơn khớp: Các bác sĩ sẽ tiêm chất bôi trơn vào khớp để giảm đau và cải thiện chức năng khớp.
  • Cắt màng hoạt dịch: Các bác sĩ sẽ loại bỏ màng hoạt dịch bị viêm trong khớp. Màng hoạt dịch là một lớp mô bao phủ khớp và giúp bôi trơn khớp.
Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng phẫu thuật được áp dụng cho trường hợp đã sử dụng thuốc nhưng tình trạng viêm khớp không thuyên giảm
Điều trị viêm khớp dạng thấp bằng phẫu thuật được áp dụng khi khớp bị tổn thương nặng đến mức không thể phục hồi bằng cách điều trị nội khoa

6.3. Vật lý trị liệu

Các bài tập phạm vi chuyển động và chương trình tập thể dục do bác sĩ vật lý trị liệu chỉ định có thể trì hoãn việc mất chức năng khớp, chống co rút gân, dính khớp, teo cơ và giúp cơ bắp khỏe mạnh. Các nhà trị liệu sẽ sử dụng các máy móc đặc biệt để áp dụng nhiệt sâu hoặc kích thích điện để giảm đau và cải thiện chuyển động của khớp.

Vật lý trị liệu thường được khuyến khích tập ngay khi triệu chứng viêm thuyên giảm hoặc tăng dần. Nếu bị viêm cấp, người bệnh nên để khớp nghỉ ở tư thế cơ năng, tránh kê, độn tại khớp. Bệnh nhân cần tập nhiều lần trong ngày, cả chủ động và thụ động theo đúng chức năng sinh lý của khớp.

Các liệu pháp khác có thể giúp giảm đau khớp bao gồm:

  • Kỹ thuật bảo vệ khớp.
  • Phương pháp điều trị nhiệt nóng và lạnh.
  • Nẹp hoặc dụng cụ chỉnh hình để hỗ trợ và căn chỉnh khớp. [2]

>>> Có thể bạn quan tâm: Vật lý trị liệu đứt gân ngón tay: 4 lưu ý quan trọng cần biết

Tập vật lý trị liệu giúp quá trình điều trị viêm khớp dạng thấp được hiệu quả và nhanh chóng hơn
Tập vật lý trị liệu tại các trung tâm phục hồi chức năng như Myrehab Matsuoka sẽ giúp quá trình điều trị viêm khớp dạng thấp được hiệu quả và nhanh chóng hơn

7. Các biện pháp phòng ngừa tái phát bệnh sau điều trị

Viêm khớp rất khó để khỏi hoàn toàn. Do đó, trong và sau quá trình điều trị, người bệnh nên lưu ý những điều sau để phòng ngừa và kiểm soát bệnh: [1]

  • Không hút thuốc lá.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Hạn chế tiếp xúc với các chất ô nhiễm.
  • Khám và điều trị kịp thời.
  • Giữ tư thế đúng, không đứng hoặc ngồi quá lâu.
  • Không bẻ khớp ngón tay.
  • Ăn uống đủ chất (canxi, vitamin D).
  • Tránh căng thẳng/luyện tập quá mức.
Những hoạt động và thói quen cần hạn chế để phòng ngừa và kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp
Các biện pháp phòng ngừa tái phát bệnh sau điều trị

8. Giải đáp các câu hỏi thường gặp về viêm khớp dạng thấp

Bạn có thể tìm hiểu một số thắc mắc dưới đây để có thêm thông tin bao quát về viêm khớp dạng thấp: 

Câu 1: Viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không?

Theo GHLF Creaky Joints, viêm khớp dạng thấp là một căn bệnh nguy hiểm và không thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, việc điều trị kịp thời và tích cực có thể giúp kiểm soát viêm và ngăn ngừa tổn thương khớp. [8]

Viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không? Câu trả lời là không thể chữa khỏi hoàn toàn
Viêm khớp dạng thấp không thể chữa khỏi hoàn toàn

Câu 2: Viêm khớp dạng thấp có nguy hiểm không?

Đây được xem là một trong những nguyên nhân gây tàn phế nhiều nhất. Nếu phát hiện muộn và không được điều trị kịp thời, căn bệnh này sẽ lan rộng và gây biến chứng nguy hiểm về tim mạch, phổi, thần kinh,… như đột quỵ, suy tim, xơ phổi, tê bì tứ chi,… [9]

Hậu quả của viêm khớp dạng thấp là gây nhiều biến chứng nguy hiểm
Hậu quả của viêm khớp dạng thấp là gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện muộn và không điều trị kịp thời

Câu 3: Viêm khớp dạng thấp có di truyền không?

Câu trả lời là Có. Những người sinh ra với các biến thể trong gen kháng nguyên bạch cầu ở người (HLA) có nhiều khả năng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Các gen HLA giúp hệ thống miễn dịch của bạn nhận biết sự khác biệt giữa các protein mà cơ thể bạn tạo ra và các protein từ những kẻ xâm lược như virus và vi khuẩn. [10]

Viêm khớp dạng thấp có khả năng di truyền
Viêm khớp dạng thấp có khả năng di truyền

Câu 4: Người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp nên làm gì?

Để đẩy nhanh quá trình phục hồi tự nhiên của cơ thể, người bệnh nên:

  • Tránh vận động mạnh hoặc chơi thể thao cường độ cao như chạy, nhảy dây,…
  • Tập luyện nhẹ nhàng và duy trì cân nặng ổn định.
  • Hạn chế các loại thực phẩm gây viêm như thịt đỏ, sản phẩm từ sữa, thực phẩm nhiều muối, nhiều đường, thức ăn cay, nội tạng động vật,…
  • Duy trì tâm trạng tích cực.
  • Liên tục theo dõi triệu chứng và đến bệnh viện kiểm tra định kỳ.
Người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp nên tránh vận động mạnh, luyện tập nhẹ nhàng và ăn uống điều độ
Người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp nên tránh vận động mạnh, luyện tập nhẹ nhàng và ăn uống điều độ

Có thể thấy, viêm khớp dạng thấp khó chẩn đoán chính xác nguyên nhân và không thể điều trị dứt điểm. Căn bệnh này là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh tàn phế. Do đó, bạn hãy duy trì chế độ sống lành mạnh, hạn chế chất kích thích, các thói quen ảnh hưởng xấu đến khớp,… để phòng ngừa bệnh viêm khớp dạng thấp. 

Nếu bạn đang mắc bệnh và muốn đẩy nhanh quá trình điều trị viêm khớp dạng thấp, bạn có thể tham khảo Trung tâm Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka. Chúng tôi đã xây dựng các bài tập vật lý trị liệu bài bản để giảm đau, bảo vệ, tái tạo khớp viêm,… Với 100% cơ sở vật chất đạt chuẩn Mỹ và châu Âu cùng đội ngũ chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp tại Nhật Bản, Myrehab Matsuoka rất mong muốn được hỗ trợ bệnh nhân viêm khớp dạng thấp sớm phục hồi và trở về cuộc sống bình thường. 

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 28/05/2024Ngày cập nhật: 07/07/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo