Bài viết được viết bởi BS CKII. Bùi Hồng Thuý và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka.
Viêm quanh khớp vai là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở trong mô mềm quanh khớp vai. Tình trạng này gây ra sự khó khăn trong việc sử dụng các khớp tay và vai, khiến người bệnh đau mỏi lâu dài và gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt, thậm chí có thể gây ra tàn phế. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin tổng hợp về nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị cho bệnh viêm quanh khớp vai.
1. Viêm quanh khớp vai là gì?
Viêm quanh khớp vai là tình trạng viêm xảy ra ở các mô mềm xung quanh khớp vai như tùi thanh dịch, bao khớp và gân. Việc viêm nhiễm quanh khớp vai có thể gây ra đau, sưng, và giảm khả năng di động của khớp, gây khó khăn cho cuộc sống sinh hoạt của bệnh nhân.
2. Triệu chứng và chẩn đoán các thể viêm quanh khớp vai
Tuy có nhiều biến thể với nhiều triệu chứng khác nhau nhưng dưới đây là 4 thể lâm sàng thường gặp nhất của bệnh viêm quanh khớp vai:
2.1. Viêm quanh khớp vai thể thông thường
Biến thể này thường xuất hiện ở những người trên 50 tuổi, những người gặp chấn thương liên tiếp hoặc vận động khớp vai quá mức. Bệnh này cũng có thể xuất phát từ các bệnh lý về gân, như tổn thương gân cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ dưới vai, cơ tròn nhỏ và bó dài gân nhị đầu.
Viêm quanh khớp vai thể thông thường khiến khả năng vận động và sinh hoạt của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Triệu chứng:
- Xuất hiện các cơn đau vai kéo dài, cơn đau tăng lên khi bệnh nhân thực hiện các động tác cử động vai. Các cơn đau này có thể tăng dần về đêm.
- Cơn đau tăng nhiều, thậm chí lan xuống cánh tay, cẳng tay khiến bệnh nhân không thể nằm nghiêng.
Chẩn đoán
1 – Lâm sàng: Bệnh nhân thường bị đau nhói khi ấn tại điểm bám tận gân bó dài của cơ nhị đầu cánh tay hoặc gân trên gai.
2 – Cận lâm sàng:
- X-quang: Hình ảnh khớp vai bình thường hoặc có thể thấy một hay nhiều điểm canxi hóa tại gân.
- Siêu âm: Hình ảnh cho thấy sự giảm âm so với gân bình thường. Trong trường hợp gân bị vôi hóa, có thể quan sát thấy sự tăng âm bên trong gân. Trên Doppler năng lượng, có bằng chứng hình ảnh về sự phát triển mới của mạch máu trong gân hoặc niêm mạc bao gân.
2.2. Viêm quanh khớp vai thể đau vai cấp
Viêm quanh khớp vai thể đau vai cấp thường xảy ra do sự lắng đọng của các tinh thể canxi tại túi thanh mạc gây viêm.
Triệu chứng
- Đau nhức vai dữ dội cả ngày lẫn đêm, cơn đau lan rộng từ cổ, vai, cánh tay, thậm chí lan tới cả bàn tay.
- Bên ngoài chỗ viêm có thể sưng nóng, người bệnh có thể có triệu chứng sốt nhẹ.
- Ở một số trường hợp có thể bị mất khả năng vận động do đau.
Chẩn đoán
1 – Lâm sàng:
- Giả cứng khớp vai: Người bệnh thường có tư thế để cánh tay áp sát vào thân, không thực hiện được các động tác vận động khớp vai, đặc biệt là động tác dang tay sang ngang.
- Vai sưng to, nóng ở vết sưng
- Có thể thấy khối sưng bùng nhùng trước cánh tay
- Sốt nhẹ
2 – Cận lâm sàng:
- X-quang: Khớp vai có các nốt canxi hóa kích cỡ khác nhau ở đoạn khớp vai – mấu động.
- Siêu âm: Nhận thấy các nốt canxi gây bóng cản (canxi hoá) ở gân và gây ứ dịch ở bao thanh dịch dưới mỏm cùng vai. Trên Doppler năng lượng thấy sự gia tăng sinh mạch máu trong gân, bao gân và bao thanh dịch.
2.3. Viêm quanh khớp vai thể giả liệt khớp vai
Viêm quanh khớp vai thể giả liệt khớp vai khiến bệnh nhân mất khả năng vận động khớp vai, đôi khi cơn đau đã hết nhưng bệnh nhân vẫn không thể cử động được khớp vai.
Triệu chứng
- Đau nhức dữ dội quanh khớp vai, kèm theo tiếng kêu răng rắc khi cử động.
- Sau vài ngày có xuất hiện bầm tím trên cánh tay
- Bệnh nhân mất hoàn toàn khả năng vận động
- Sau đó, cơn đau có thể hết nhưng không thể khôi phục khả năng vận động khớp vai.
Chẩn đoán
1 – Lâm sàng:
- Thấy người bệnh mất động tác nâng vai chủ động nhưng vận động thụ động hoàn toàn bình thường
2 – Cận lâm sàng:
- X-quang khớp vai với chất cản quang cho ra hình ảnh của các gân cơ chóp quay cùng hình ảnh cản quang của bao thanh mạc dưới mỏm và cơ delta.
- Chụp cộng hưởng từ: Có thể chẩn đoán tình trạng đứt gân trên từ hình ảnh cộng hưởng từ MRI.
- Siêu âm: Đứt gân nhị đầu, không thấy hình ảnh gân nhị đầu ở rãnh cơ đầu gối, có thể có dấu hiệu của máu ứ đọng tại cơ cánh tay. Nếu gãy gân ở phía trên, phần bị gãy sẽ hiện ra rõ ràng, cả hai đầu bị rút lại, có thể có dịch ở nơi gãy.
2.4. Viêm quanh khớp vai thể đông cứng
Đây là tình trạng khớp vai bị tổn thương do viêm dính bao hoạt dịch, co thắt bao khớp, bao khớp dày.
Triệu chứng
- Người bệnh gặp các cơn đau cơ học, thường tăng vào ban đêm.
- Sau vài tuần, cơn đau giảm nhưng vai của người bệnh sẽ bị đông cứng gây hạn chế khả năng vận động, ngay khi có sự giúp đỡ từ người khác thì khả năng vận động của người bệnh vẫn không được cải thiện.
Chẩn đoán
1 – Lâm sàng: Người bệnh giơ tay lên thì xương bả vai di chuyển cùng một khối với xương cánh tay
2 – Cận lâm sàng:
- X-quang khớp vai nhìn thấy khoang khớp thu hẹp xuống còn 5 – 10ml (bình thường là 30 – 35ml), mất cản quang khớp, các túi và màng hoạt dịch biến mất.
- Chụp cộng hưởng từ cho kết quả bao khớp dày, phù nề.
Bài viết liên quan: Đau cổ vai gáy: Triệu chứng – Nguyên nhân & Cách phòng ngừa
3. Nguyên nhân của viêm quanh khớp vai
Nguyên nhân gây ra viêm quanh khớp vai có thể là do tổn thương ở các phần mềm quanh khớp do chấn thương kéo dài hoặc thoái hóa. Theo nghiên cứu của Ann Rheum Dis, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nam giới.
Sau đây là một vài yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
1 – Tuổi tác: Những người sau 50 có khả năng bị bệnh viêm quanh khớp vai càng cao. Quá trình lão hoá diễn ra trong cơ thể sẽ khiến cho các phần mềm ở khớp vai như bao gân, bao khớp, túi hoạt dịch. .. dần bị lão hoá gây viêm đau và hình thành bệnh.
2 – Di truyền: Theo một nghiên cứu y khoa, bạn sẽ có khả năng cao mắc viêm quanh khớp vai hơn nếu người thân của bạn đã từng mắc căn bệnh này.
3 – Chấn thương: Chấn thương ở khớp vai do va đập mạnh, trượt ngã, tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp hoặc chấn thương khi chơi thể thao (cầu lông, tennis, bóng chuyền,…) khiến các tổ chức xung quanh vai bị tổn thương.
4 – Tính chất công việc: Những người có nghề nghiệp thường xuyên phải thực hiện lặp lại các vận động khớp vai và cánh tay có thể khiến các phần mềm quanh khớp bị quá tải, dẫn đến viêm quanh khớp. Một số nghề nghiệp có khả năng bị viêm cao là lái xe đường dài, thợ may, vận động viên các môn như cầu lông, thể dục dụng cụ,…
5 – Do thói quen sinh hoạt: Các thói quen xấu trong sinh hoạt như ngủ nghỉ không đúng tư thế, lười vận động, tập luyện quá sức,… cũng góp phần làm tăng nguy cơ viêm quanh khớp vai
6 – Thay đổi thời tiết: Khi thời tiết có sự thay đổi bất thường như từ nóng ẩm sang lạnh khô hoặc ngược lại sẽ dễ kích thích đến vùng khớp vai và gây ra bệnh.
7 – Bệnh lý: Bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh thấp khớp hoặc các bệnh lý khác như thoái hóa dây chằng, ung thư vú, chấn thương sọ não, đột quỵ, thoát hóa đốt sống…
8 – Nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân phổ biến ở trên thì bệnh viêm quanh khớp vai cũng có thể gây ra bởi một vài yếu tố khác như có tiền sử mắc các bệnh thấp khớp, từng phẫu thuật phần vai, bệnh nhân sau đột quỵ hay sử dụng quá nhiều thuốc Tây y kháng lao…
4. Phương pháp điều trị viêm quanh khớp vai
Để điều trị viêm khớp vai, bệnh nhân cần kết hợp các biện pháp khác nhau như điều trị nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng sau điều trị.
4.1. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng lượng oxy và dưỡng chất cung cấp cho khớp vai, từ đó hỗ trợ làm lành các tổn thương. Vật lý trị liệu được ưa chuộng bởi nó hạn chế lạm dụng thuốc trong điều trị viêm quanh khớp vai. Với những bệnh nhân ở các giai đoạn khác nhau và tình trạng bệnh khác nhau, thì cần áp dụng các liệu pháp trị liệu khác nhau. Sau đây là những liệu pháp vật lý trị liệu cho bệnh nhân viêm quanh khớp vai:
Với những người phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể áp dụng các liệu pháp như:
- Liệu pháp điện trị liệu: Điện xung, sóng siêu âm, sóng ngắn, tia hồng ngoại,… giúp tăng tuần hoàn, dinh dưỡng, giảm đau, chống viêm và giúp tăng cường sự linh hoạt cho khớp vai.
- Liệu pháp nhiệt: Chườm nóng, tia hồng ngoại,…. giúp giảm đau, tăng cường lưu thông máu và giúp thư giãn khớp vai hiệu quả.
- Các biện pháp giảm đau tại chỗ: Xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu,… giúp thư giãn, giảm đau.
Với các bệnh nhân ở giai đoạn sưng, đau nhiều, bệnh nhân cần lưu ý những điều sau:
- Người bệnh cần hạn chế vận động vùng gân bị tổn thương
- Kết hợp các bài tập nhẹ nhàng tại nhà và vận động đúng cách theo hướng dẫn của kỹ thuật viên, bác sĩ, việc này giúp hỗ trợ quá trình điều trị được diễn ra hiệu quả hơn.
Đối với việc tập vật lý trị liệu, đặc biệt là đối với tình trạng viêm quanh khớp vai, người bệnh nên đến các cơ sở y tế có chuyên môn cao để được các bác sĩ hỗ trợ tập luyện đúng cách. Với đội ngũ bác sĩ tận tình, chuyên nghiệp cùng hệ thống cơ sở vật chất tối tân, hiện đại, Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka sẽ giúp bạn phục hồi bệnh viêm quanh khớp vai nhanh chóng.
Tìm hiểu thêm thông tin về phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai để có kế hoạch điều trị cụ thể cho từng giai đoạn nhằm duy trì mức độ vận động và rút ngắn thời gian hồi phục.
4.2. Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa là phương pháp điều trị thiên về việc chẩn đoán viêm quanh khớp vai và không can thiệp phẫu thuật. Trong quá trình điều trị nội khoa, bệnh nhân cần lưu ý các thông tin sau về thuốc, chế độ ăn uống và sinh hoạt để phục vụ tốt nhất cho quá trình hồi phục:
- Đối với thuốc giảm đau thông thường: Dùng thuốc theo bậc thang chỉ dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới hoặc theo chỉ định của bác sĩ chữa trị.
- Đối với thuốc chống viêm không steroid: Có thể kết hợp với thuốc giảm đau thông thường, giảm đau phối hợp hoặc thuốc giãn cơ. Tuy nhiên, người bệnh không được kết hợp hai loại thuốc chống viêm không steroid vì có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.
- Tiêm corticoid tại chỗ: Phương pháp này áp dụng đối với bệnh nhân đau khớp vai đơn thuần. Người bệnh chỉ tiêm 1 lần duy nhất và có thể tiêm lại mỗi 3 – 6 tháng nếu thấy cơn đau tái phát. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo không nên tiêm quá 3 lần trong 1 năm. Hãy trao đổi với bác sĩ của mình để hạn chế tối đa rủi ro xảy ra nhé!
- Chế độ dinh dưỡng: Dùng thực phẩm bổ sung phòng ngừa và hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp như các loại cá giàu Omega3, các loại trái cây và rau đa dạng, sử dụng dầu ô liu thay cho chất béo,…
- Chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt, vận động hợp lý: Khi mắc phải triệu chứng viêm quanh khớp vai và đau nhức vai cấp tính, bệnh nhân cần để vai nghỉ ngơi. Khi việc chữa trị có tác dụng mới bắt đầu luyện tập nhằm phục hồi chức năng khớp vai. Bệnh nhân cần tránh làm việc nặng nhọc quá nhiều, cũng như tránh tác động trực tiếp đến khớp vai.
4.3. Điều trị bằng chế phẩm sinh học
Phương pháp điều trị này áp dụng với các trường hợp đứt bán phần các gân mũ cơ quay do chấn thương ở người bệnh dưới 60 tuổi. Phương pháp điều trị bằng chế phẩm sinh học phổ biến nhất hiện nay là tiêm chất nhờn nhân tạo Acid Hyaluronic và tiêm huyết tương giàu tiểu cầu PRP.
- Phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu PRP: Sử dụng máu tự thân của chính bệnh nhân đem đi ly tâm, sau đó, huyết tương giàu tiểu cầu sẽ được chiết và mang đi kích hoạt để tiêm vào vị trí thương tổn. Phương pháp này được ưa chuộng bởi nó sử dụng chính huyết tương chứa nhiều yếu tố phục hồi và tăng trưởng từ chính cơ thể của bệnh nhân, không gây ra tác dụng phụ.
- Phương pháp tiêm chất nhờn nhân tạo Acid Hyaluronic: Với các tình trạng khớp vai bị viêm, lượng Acid Hyaluronic có trong khớp vai chỉ còn ½ hoặc ⅓ so với khi khỏe mạnh. Điều này gây ra đau nhức bởi khớp đã mất các Acid Hyaluronic giúp bảo vệ sụn khớp, tạo độ nhờn cho khớp khi vận động. Thủ thuật tiêm chất nhờn Acid Hyaluronic giúp tăng trưởng Acid Hyaluronic nội sinh, giúp tăng chất nhờn giữa các khớp, giảm đau khi vận động hiệu quả.
4.4. Điều trị ngoại khoa
Tùy vào tình trạng viêm khớp vai mà bệnh nhân còn phải kết hợp điều trị ngoại khoa trong quá trình hồi phục. Điều trị ngoại khoa là phương pháp điều trị tập trung vào xử lý phẫu thuật cho các tình trạng bệnh lý của cơ thể. Sau đây là một vài phương pháp điều trị ngoại khoa phổ biến đối với bệnh viêm quanh khớp vai:
- Phẫu thuật nối gân bị đứt: Phương pháp phẫu thuật được chỉ định với trường hợp viêm quanh khớp vai thể giả liệt khớp vai, bệnh nhân là người trẻ tuổi bị đứt gân vùng khớp sau chấn thương. Trường hợp bệnh nhân sau 60 tuổi bị đứt gân hoặc chấn thương gân, quyết định phẫu thuật phải có sự thăm khám, chẩn đoán và chỉ định kỹ lưỡng từ bác sĩ.
- Tái khám định kỳ: Người bệnh cần tái khám định kỳ 1 – 3 tháng/lần sau phẫu thuật theo sự chỉ định của bác sĩ.
5. Cách chăm sóc và phục hồi sau khi điều trị
Quy trình chăm sóc và hồi phục sau khi phẫu thuật là vô cùng quan trọng. Để giảm thiểu tác động, áp lực lên khớp vai và góp phần ngăn ngừa viêm quanh khớp vai tái phát, người bệnh cần chú ý:
- Tránh lao động quá sức, mang vác nặng
- Thận trọng trong những sinh hoạt hàng ngày nhằm phòng ngừa chấn thương khớp vai
- Không thay đổi tư thế vai đột ngột, khởi động kỹ vai và các khớp trước khi tập thể dục
- Nghỉ ngơi sau khi sử dụng vai trong thời gian dài, tránh tác động chèn ép vai
- Cần đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các bệnh khớp vai nhằm phát hiện sớm các triệu chứng và kịp thời điều trị
6. Giải đáp các câu hỏi thường gặp về viêm quanh khớp vai
Câu 1: Viêm quanh khớp vai có chữa được không?
Nếu được phát hiện sớm, điều trị sớm và đúng cách, bệnh viêm quanh khớp vai có thể khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu như người bệnh không tuân theo chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng khoa học và lười vận động, bệnh vẫn có nguy cơ tái lại.
Bệnh nhân không nên chủ quan với các tình trạng đau nhức vai dài ngày, bởi viêm quanh khớp vai cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, để lâu có thể gặp biến chứng nguy hiểm và không thể chữa khỏi.
Câu 2: Bệnh nhân nên bổ sung các loại thực phẩm gì để khỏi bệnh nhanh?
Bệnh nhân mắc các tình trạng viêm quanh khớp vai cần bổ sung thêm nhiều các thực phẩm thuộc nhóm sau:
- Rau xanh, trái cây: Các thực phẩm thuộc nhóm này chứa chất chống oxy hoá có thể cải thiện tình trạng viêm của khớp vai. Một số loại rau xanh và trái cây tốt bao gồm bông cải xanh, rau ngót, cà chua, kiwi, việt quất,…
- Thực phẩm giàu Omega-3: Bổ sung cá hồi, thu, cá trích, cá ngừ,… bởi chúng có hàm lượng omega-3 dồi dào giúp chống viêm rất tốt. Omega-3 cũng có trong dầu đậu nành, dầu oliu, dầu óc chó, mè,…
- Thực phẩm giàu vitamin D, B, K, axit folic, canxi: Các chất này có trong rau như bông cải xanh, bó xôi, cải thìa,… hoặc hoa quả.
- Uống đủ nước: Người bị viêm quanh khớp vai nên uống đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày, thúc đẩy quá trình đào thải chất độc, giảm triệu chứng viêm nhiễm.
- Hạn chế đồ ăn chiên rán chứa nhiều dầu mỡ, chất béo: Những thực phẩm đóng hộp, mì ăn liền, thịt đỏ (thịt bò, dê, cừu,…) hay rượu bia, thuốc lá, cà phê,… cũng được liệt kê vào danh sách hạn chế của người bệnh viêm quanh khớp vai.
Như vậy, bài viết đã giới thiệu các thông tin về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh viêm quanh khớp vai để bệnh nhân có thể trang bị đầy đủ thông tin liên quan tới căn bệnh này. Bởi viêm quanh khớp vai có nhiều thể và diễn biến phức tạp, bệnh nhân nên tìm gặp các bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được thăm khám và điều trị chuẩn xác theo tình trạng hiện tại của bệnh nhân.
Tại Hà Nội, nếu bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm quanh khớp vai có thể tìm tới Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka để được các bác sĩ thăm khám và hỗ trợ điều trị kịp thời.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội