Bàn chân bẹt là hiện tượng phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt trong giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi – thời kỳ mà vòm chân chưa phát triển hoàn thiện nên thường được xem là sinh lý bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng bàn chân bẹt đi kèm các dấu hiệu như đau chân, mỏi nhiều khi vận động, dáng đi bất thường hoặc lệch trục chân, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cần được can thiệp sớm. Vậy khi nào bàn chân bẹt ở trẻ em cần can thiệp? Bài viết dưới đây, dưới góc nhìn chuyên môn từ đội ngũ chuyên gia phục hồi chức năng tại Myrehab Matsuoka, sẽ giúp phụ huynh nhận biết đúng mức độ cần theo dõi, can thiệp và chăm sóc đôi chân cho trẻ một cách khoa học, an toàn và kịp thời.
1. Nguyên nhân gây ra bàn chân bẹt
1.1. Hệ thống cơ xương- dây chằng chưa phát triển hoàn chỉnh
Trẻ từ khi sinh ra đến dưới 4 tuổi bàn chân trẻ khi quan sát bằng mắt thường sẽ thấy “phẳng” do lớp mỡ dưới gan bàn chân dày, che đi phần vòm chân. Từ khoảng 5 – 6 tuổi, vòm chân mới bắt đầu hình thành rõ rệt khi hệ thống cơ xương- dây chằng phát triển hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, nếu quá trình này diễn ra chậm hoặc không được hỗ trợ đúng cách thì trẻ sẽ có nguy cơ bị bàn chân bẹt.
Hình ảnh bàn chân bẹt được chụp đánh giá bằng hệ thống máy Diers tại Myrehab Matsuoka
1.2. Nguyên nhân từ yếu tố di truyền
Trong gia đình mà có cha mẹ từng bị bàn chân bẹt thì khả năng cao trẻ cũng gặp tình trạng giống bố mẹ. Cấu trúc xương, hình thái bàn chân và độ dẻo của dây chằng cũng có thể được di truyền, khiến vòm chân của trẻ yếu hoặc không hình thành đầy đủ.
1.3. Môi trường sống và thói quen sinh hoạt chưa phù hợp
Nhiều trẻ em hiện nay, đặc biệt là ở thành phố, trẻ đang lớn lên trong môi trường ít vận động tự nhiên. Thay vì chạy nhảy ngoài sân, vận động ở các bề mặt gồ ghề khác nhau hay trèo cây, chơi đá bóng thì trẻ ở cuộc sống hiện đại nơi thành thị dành nhiều thời gian ngồi học, xem tivi, chơi điện thoại hoặc máy tính bảng. Việc ít vận động này khiến cơ chân yếu đi, vòm bàn chân không được kích thích phát triển đúng cách, lâu dài dễ dẫn đến bàn chân bẹt.
Nền nhà bằng phẳng, cứng và quá sạch không tạo được sự kích thích cho vùng cơ mặt gan bàn chân như khi đi chân trần trên cát, đất, cỏ hay bề mặt gồ ghề. Bề mặt vận động khác nhau là môi trường phát triển tự nhiên cho bàn chân trẻ nhỏ.
Kích thích tạo vòm bàn chân của trẻ bằng các bài tập vận động trên dây thừng (Ảnh: Myrehab Matsuoka)
Một số thói quen sai lệch khác cũng góp phần làm tăng nguy cơ khiến trẻ bị mắc bàn chân bẹt
- Cho trẻ mang giày dép quá sớm, khi hệ thống cơ xương – dây chằng bàn chân chưa đủ khỏe để tự nâng vòm.
- Sử dụng giày dép không đúng tiêu chuẩn như: quá mềm, quá mỏng, hoặc không nâng đỡ vòm chân.
- Trẻ ngồi một chỗ quá lâu, trẻ béo phì, thừa cân thiếu các hoạt động thể chất giúp tăng cường sức mạnh cơ vùng cơ bàn chân và giữ vững cấu trúc khớp.
2. Triệu chứng bàn chân bẹt ở trẻ em
Bàn chân bẹt thường không gây đau đớn hay ảnh hưởng ngay lập tức. Những dấu hiệu này không phải lúc nào cũng quan sát thoáng qua thấy ngay lập tức nhưng khi bố mẹ để ý theo dõi hành trình phát triển của trẻ sẽ nhận ra một trong các vấn đề sau:
2.1. Trẻ đi khập khiễng, chân thấp chân cao
Trẻ bị bàn chân bẹt có thể sẽ có thói quen đi khập khiễng. Khi đi có xu hướng dồn trọng lực vào phần ngoài bàn chân hoặc thay đổi cách bước đi để giảm bớt sự khó chịu. Tuy nhiên điều này dẫn đến sự mất cân bằng trong việc di chuyển, khiến trẻ bước đi khập khiễng các bước chân khoảng cách sẽ ngắn hơn so với bình thường.
2.2. Trẻ đi nhón gót và co rút gân Achilles
Những biểu hiện phổ biến khi trẻ có bàn chân bẹt là nhón gót chân. Khi đi bộ hoặc chạy, để tránh tiếp xúc nhiều với phần vòm chân phẳng, trẻ sẽ dồn trọng lượng lên phần mũi bàn chân trước. Bố mẹ sẽ quan sát thấy trẻ nhón gót chân. Thói quen này không chỉ gây áp lực lên phần mũi bàn chân mà còn khiến gân Achilles bị kéo căng liên tục. Ngoài ra còn gây kéo căng thêm các nhóm cơ mặt sau cẳng chân khiến trẻ khó có thể ngồi xổm được.
2.3. Trẻ cảm thấy mệt mỏi khi chơi
Trẻ bị bàn chân bẹt khi chạy nhảy, chơi đùa toàn bộ trọng lượng cơ thể sẽ không được phân bổ đều lực trái – phải, trước- sau khiến hệ thống cơ xương – dây chằng ở cùng cổ bàn chân phải làm việc quá sức. Do đó trẻ sẽ dễ mệt mỏi và cảm thấy đau nhức khó chịu không muốn tiếp tục chơi.
2.4. Đau ở cổ chân hoặc các vùng xung quanh cổ bàn chân
Trẻ em bị bàn chân bẹt thường xuyên cảm thấy đau ở vùng gót chân và mắt cá chân. Ngoài ra trẻ có thói quen nhón gót để giảm áp lực lên vòm chân, gân Achilles sẽ bị kéo căng quá mức gây đau nhức và co rút gân. Ngoài ra trẻ còn đau vùng đầu gối do lực không được phân bổ đều gây tăng sức ép. Việc bàn chân bẹt còn ảnh hưởng đến dáng đi và thăng bằng cũng có thể kéo theo tình trạng đau lưng do cơ thể phải điều chỉnh để duy trì tư thế đứng hoặc di chuyển. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến cong vẹo cột sống, gù, ưỡn thắt lưng và các rối loạn tư thế khác.
2.5. Quan sát hình thái bàn chân
Bố mẹ để ý và quan sát bàn chân trẻ có thể nhận thấy vòm của bàn chân bị sụp qua các dấu hiệu:
- Bàn chân phẳng: Trong trường hợp trẻ có bàn chân bẹt khi trẻ đứng hoặc đi vòm chân sẽ không rõ rệt hoặc không có vòm làm cho cả bàn chân tiếp xúc với mặt đất.
- Thay đổi hình dáng bàn chân: Trẻ bị bàn chân bẹt có thể có bàn chân rộng hơn bình thường và có thể xoay chân vào trong hoặc ra ngoài khi đi. Điều này bố mẹ sẽ quan sát rõ nhất qua việc nhìn vào phần gót chân phía sau khi trẻ đứng và khi đi dáng đi của trẻ sẽ không tự nhiên hoặc dáng đi chữ bát rất xấu.
3. Cách xử lí hiệu quả an toàn và phù hợp với trẻ bàn chân bẹt
3.1. Quan sát theo dõi định kỳ, không quá vội can thiệp
Trẻ dưới 3 tuổi bàn chân bẹt phần lớn là bàn chân bẹt sinh lý và có thể tự cải thiện theo thời gian. Việc bố mẹ nên theo dõi định kỳ sự phát triển của vòm chân là rất cần thiết. Tuy nhiên bố mẹ đừng vội can thiệp y tế nếu trẻ không có triệu chứng đau hoặc khó chịu ở trẻ dưới 3 tuổi. Nếu bố mẹ quá lo lắng và không an tâm thì có thể đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để gặp các chuyên gia giàu kinh nghiệm để được tư vấn sự phát triển bàn chân của trẻ.
3.2. Sử dụng giày dép hỗ trợ
Việc sử dụng giày dép đúng tiêu chuẩn là rất cần thiết trong quá trình hỗ trợ tạo thuận cho vòm bàn chân trẻ được phát triển đúng cấu trúc. Giày chỉnh hình hay đế lót nắn chỉnh hỗ trợ nâng vòm chân có thể được sử dụng cho trẻ từ 3 tuổi trở lên. Điều quan trọng là chọn giày đúng kích cỡ, chất liệu tốt và được thiết kế bởi chuyên gia vật lý trị liệu hoặc bác sĩ phục hồi chức năng. Đặc biệt nếu có thể thì bố mẹ nên cho trẻ sử dụng đế nắn chỉnh cá nhân hóa để đạt hiệu quả nâng đỡ vòm bàn chân tốt nhất.
Đo mẫu trực tiếp trên khuôn đế nắn chỉnh cá nhân hóa làm đế lót hỗ trợ tạo vòm bàn chân cho trẻ bàn chân bẹt (Ảnh: Myrehab Matsuoka)
3.3. Áp dụng các bài tập vận động nhẹ nhàng
Các bài tập vận động đơn giản như đi bằng nhón chân, đi bằng mé ngoài bàn chân, cuộn khăn bằng ngón chân, gắp vật bằng bàn chân trước, tập mạnh các nhóm cơ bàn chân sẽ giúp kích thích cơ vùng cổ bàn chân phát triển hỗ trợ hình thành vòm chân tự nhiên. Ngoài ra các hoạt động như bơi lội, đi bộ trên cát, đi trên các bề mặt địa hình khác nhau,… cũng là lựa chọn vận động để tăng cường sức mạnh cơ và sự dẻo dai cho bàn chân của trẻ. Các bài tập vận động nhẹ nhàng nên xen kẽ các hoạt động vui chơi để tạo sự hứng thú cho trẻ giúp nâng cao hiệu quả tạo vòm bàn chân.
Bài tập vận động nhẹ nhàng với bục giúp khỏe cơ vòm bàn chân cho trẻ bàn chân bẹt (Ảnh: Myrehab Matsuoka)
3.4. Tránh lạm dụng các thiết bị hỗ trợ
Bố mẹ không nên ép trẻ đi giày chỉnh hình khi chưa cần thiết hoặc sử dụng tấm lót chân quá sớm. Vì điều này có thể cản trở sự phát triển tự nhiên của vòm chân. Các loại đế lót giày cần phải được đảm bảo đủ các yếu tố cần thiết.
3.5. Khi nào thì cần can thiệp y tế với trẻ bàn chân bẹt
3.5.1. Đau kéo dài và dai dẳng
Trẻ thường xuyên kêu đau ở lòng bàn chân, mắt cá chân, cẳng chân khi vận động nhẹ hoặc chỉ đi bộ bình thường. Nên cho trẻ tới thăm khám với bác sĩ và chuyên gia phục hồi chức năng, chấn thương chỉnh hình để có biện pháp can thiệp phù hợp nhất
3.5.2. Biến dạng bàn chân, trục chân làm ảnh hưởng dáng đi
Dáng đi của trẻ bị lệch rõ rệt, chân thấp chân cao, hai bàn chân đổ sụp vào trong, đầu gối chạm vào nhau lệch trục chân. Hoặc gân gót quá căng khiến trẻ không thể đi bình thường được thì can thiệp y tế để tránh các biến dạng lâu dài.
3.5.3. Sau 6 tuổi không có cải thiện về vòm bàn chân.
Khi trẻ 6 tuổi vòm bàn chân cần phải hình thành rõ rệt. Nếu sau 6 tuổi trẻ vẫn bị bàn chân bẹt đi kèm triệu chứng đau hoặc ảnh hưởng vận động bố mẹ cần cho trẻ thăm khám với bác sĩ chuyên khoa. Từ đó bác sĩ sẽ chỉ định các phương án điều trị như sử dụng giày chỉnh hình, đế nắn chỉnh bàn chân, tập vật lý trị liệu chuyên sâu hoặc phẫu thuật.
Tập vận động với bóng giúp các nhóm cơ thân mình, cẳng chân khỏe hơn giúp giải quyết các rối loạn tư thế do hậu quả của bàn chân bẹt (Ảnh: Myrehab Matsuoka)
3.6. Lời khuyên từ chuyên gia phục hồi chức năng
Trung tâm phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka là địa chỉ tin cậy để đánh giá toàn diện bàn chân cho trẻ bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch can thiệp phù hợp. Trẻ có thể được đo chỉ số vòm chân, phân tích dáng đi bằng công nghệ hiện đại và tập luyện dưới hướng dẫn của kỹ thuật viên chuyên sâu. Nếu bố mẹ phát hiện sớm , can thiệp sớm , đúng phương pháp theo từng giai đoạn phát triển sẽ giúp trẻ phục hồi tốt mà không cần can thiệp xâm lấn.
Bàn chân bẹt ở trẻ em không phải bệnh lý nguy hiểm nhưng không nên xem nhẹ. Việc bố mẹ theo dõi sát, hướng dẫn trẻ vận động đúng cách, sử dụng đế lót hỗ trợ hợp lý và đặc biệt là can thiệp đúng lúc sẽ giúp trẻ phát triển vòm bàn chân tốt hơn.
Nếu bạn cần thêm thông tin tham khảo đừng ngại liên hệ với các chuyên gia Myrehab Matsuoka để có những tư vấn tốt nhất dành cho trẻ.
- Hotline: 1900 3181 hoặc 036 5588 716
- Website: myrehab-matsuoka.com
- Facebook: Myrehab Official
- Địa chỉ: Tầng 2, Tòa nhà Coninco, số 4 Tôn Thất Tùng, Hà Nội