Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka.
Chấn thương cột sống có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân và yếu tố. Việc hiểu rõ các rủi ro tiềm tàng cùng phương pháp phòng ngừa và điều trị bệnh lý này là rất quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe thể chất và chức năng cuộc sống của mỗi người.
1. Khái niệm chấn thương cột sống
Cột sống hoặc xương sống là cấu trúc trung tâm hỗ trợ của cơ thể con người, tham gia trong việc kết nối các phần khác nhau trong hệ thống xương. Đây là một phần quan trọng, giúp duy trì ổn định trong mọi tư thế như đứng thẳng, đi lại, uốn cong, đồng thời đảm bảo sự linh hoạt và tự do vận động.
Cột sống bình thường có dạng cong giống như chữ “S” khi nhìn từ bên. Kết cấu này giúp phân phối trọng lượng đồng đều, duy trì sức khỏe để chịu đựng mọi loại căng thẳng. Do đó, phần cột sống ở cổ và thắt lưng hơi uốn ra trước, trong khi phần ngực thì hơi gù ra sau. Mặc dù phần dưới của cấu trúc này phải chịu trọng lượng lớn của cơ thể, nhưng mỗi phần lại phụ thuộc vào sức mạnh của các phần khác để đảm bảo hoạt động bình thường.
Theo thông tin từ Viện Viêm Khớp và Bệnh xương Da Hoa Kỳ (NINDS), chấn thương cột sống (SCI) là sự tổn thương bó dây thần kinh và sợi thần kinh gửi và nhận tín hiệu từ não. [1]
Chấn thương cột sống có thể xuất phát từ chấn thương trực tiếp đối với cột sống hoặc từ tổn thương của mô và xương (đốt sống) xung quanh cột sống. Những tổn thương này có thể gây ra biến đổi tạm thời hoặc vĩnh viễn về cảm giác, chuyển động, sức mạnh, và các chức năng của cơ thể ở phía dưới vị trí chấn thương.
2. Phân loại chấn thương cột sống
Phân loại | Định nghĩa | Đối tượng dễ mắc phải | |
Chấn thương cột sống theo vị trí | Chấn thương cột sống cổ | Là các tổn thương xảy ra tại khu vực cổ C1 – C7 bị tai nạn |
|
Chấn thương cột sống ngực | Chấn thương cột sống T1 – T12 | ||
Chấn thương cột sống thắt lưng | Tình trạng một đốt hoặc một vùng của thắt lưng bị tổn thương | ||
Chấn thương cột sống cùng | Chấn thương khu vực dưới mức chóp cột sống | ||
Chấn thương cột sống theo mức độ tổn thương | Tổn thương cột sống hoàn toàn | Gây ra tổn thương vĩnh viễn cho khu vực cột sống bị ảnh hưởng | |
Tổn thương cột sống không hoàn toàn | Tình trạng khi chỉ một phần của cột sống bị tổn thương |
2.1. Phân loại chấn thương cột sống theo vị trí
Có bốn phần của cột sống ảnh hưởng đến mức độ chấn thương cột sống: cổ, ngực, thắt lưng và xương cùng.
1 – Chấn thương cột sống cổ (Cervical spinal cord injuries)
Chấn thương cột sống cổ là những tổn thương xuất hiện tại vùng cột sống cổ.
Chấn thương cột sống cổ thường được phân loại thành hai giai đoạn: tổn thương tủy sống cổ và chấn thương cột sống chưa tổn thương tủy.
- Trường hợp chấn thương cột sống cổ chưa tổn thương tủy, người bệnh thường trải qua các triệu chứng như hoa mắt, yếu, tê hoặc liệt vai và cánh tay.
- Trường hợp chấn thương cột sống cổ tổn thương tủy sống, người bệnh có thể bị liệt các cơ ở vùng cột cổ chi phối, rối loạn cơ tròn. Ngoài ra, người bệnh có thể trải qua rối loạn cảm giác, mất phản xạ gân xương ở giai đoạn choáng tủy.
2 – Chấn thương cột sống ngực (Thoracic spinal cord injuries)
Cột sống ngực có 12 cặp dây thần kinh, vì vậy, với chấn thương ở vùng này gọi là chấn thương cột sống sống ngực từ T1-T12. Mức độ tổn thương càng cao, càng nhiều chức năng bị ảnh hưởng. Điều này xuất phát từ sự gián đoạn của tín hiệu giữa não và các vùng bị tổn thương, làm cho việc truyền tải thông điệp giữa các khu vực dưới mức tổn thương trở nên khó khăn. Do đó, người mắc chấn thương cột sống ở vùng ngực có thể trải qua tình trạng tê liệt và mất cảm giác ở phần thân dưới của cơ thể. [2]
3 – Chấn thương cột sống thắt lưng (Lumbar spinal cord injuries)
Cột sống thắt lưng là phần cuối cùng của cột sống, gồm 5 đốt sống (trong một số trường hợp có thể có 6 đốt sống). Hiện nay, tình trạng chấn thương thắt lưng là tình trạng một đốt hoặc một vùng của thắt lưng bị tổn thương và là tình trạng rất phổ biến.
Nguyên nhân là do các đốt sống ở đây kết nối với xương chậu, chịu phần lớn trọng lượng cơ thể cũng như các chuyển động liên quan: nâng vật nặng, xoay người, thoái hóa đốt sống lưng… Những chấn thương lặp đi lặp lại trong thời gian dài có thể gây tổn thương nghiêm trọng.
Chấn thương cột sống thắt lưng cũng thường do tác động của ngoại lực, chẳng hạn như tai nạn ô tô, tai nạn ngã, hoặc hành động bạo lực. Ngoài ra, một vài nguyên nhân khác gây tổn thương cột sống thắt lưng gồm các vấn đề như khối u/ung thư, nhiễm trùng, bệnh tự miễn, thoát vị đĩa đệm/hẹp cột sống, hoặc các vấn đề mạch máu như đột quỵ cột sống. [3]
Bài viết liên quan: Cong vẹo cột sống: Biểu hiện – Nguyên nhân – Cách điều trị
4 – Cột sống cùng (Sacral spinal cord injuries)
Các dây thần kinh gốc xương sacral (có tên là S1 đến S5) ở phần thấp của lưng điều khiển tín hiệu đến đùi và phần dưới của chân, các ngón chân, hầu hết các cơ quan sinh dục bên ngoài và khu vực xung quanh hậu môn. Do đó, các biểu hiện của tổn thương cột sống ở phần này có thể giống với những tổn thương cột sống thắt lưng. [4]
2.2. Phân loại chấn thương cột sống theo mức độ nghiêm trọng
Chấn thương cột sống cũng có thể được phân loại dựa theo mức độ nghiêm trọng:
1 – Tổn thương cột sống hoàn toàn (Complete spinal cord injury)
Chấn thương cột sống toàn bộ sẽ gây ra tổn thương vĩnh viễn cho khu vực cột sống bị ảnh hưởng và dẫn đến một loạt các biến chứng. Đầu tiên, nó có thể gây ra liệt hoàn toàn và ngay lập tức, bao gồm cả việc mất trương lực cơ vòng hậu môn và mất khả năng cảm giác và phản xạ. [3]
Tổn thương cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng tự chủ của cơ thể, đặc biệt là ở vùng dưới vị trí chấn thương. Nếu vị trí bị tổn thương là ở hoặc trên đốt sống cổ C5, có thể gây ra suy hô hấp và bệnh nhân sẽ phải phụ thuộc vào máy thở, đặc biệt là nếu tổn thương xảy ra ở đốt C3 trở lên. Hậu quả của tổn thương này cũng có thể dẫn đến rối loạn chức năng tự chủ, như nhịp tim chậm và huyết áp giảm, được biết đến là sốc thần kinh.
2 – Tổn thương cột sống không hoàn toàn (Incomplete spinal cord injury)
Chấn thương cột sống không hoàn toàn là tình trạng khi chỉ một phần của cột sống bị tổn thương. Tổn thương cột sống không hoàn toàn sẽ ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và cảm giác nhưng còn phụ thuộc vào bị vùng nào và mức độ nghiêm trọng ra sao…[3]
3. Nguyên nhân gây chấn thương cột sống
Có 3 nguyên nhân chính gây chấn thương cột sống là tổn thương tủy sống, tổn thương đốt sống và tổn thương đuôi ngựa. Theo Thư viện Y khoa quốc gia Hoa Kỳ, những tổn thương trên thường tới từ những nguyên nhân sau [5]:
- Tai nạn giao thông chiếm 38%
- Té ngã chiếm 30%
- Xung đột bạo lực chiếm 13%
- Chấn thương thể thao chiếm 9%
- Nguyên nhân y tế và phẫu thuật chiếm 5%
Ngoài những nguyên nhân chính kể trên, nguy cơ chấn thương cột sống có thể tăng lên do những yếu tố sau đây [6]:
- Giới tính nam: Chấn thương tủy sống phần lớn ảnh hưởng đến nam giới, chiếm đến 78% ca mắc [3].
- Độ tuổi từ 16 đến 30: Khoảng 38% ca mắc trong độ tuổi từ 16 – 30 vì đây là nhóm tham gia nhiều hoạt động vận động thể thao và lao động làm việc [8].
- Từ 65 tuổi trở lên: Người cao tuổi dễ bị chấn thương cột sống mà ngã là nguyên nhân chủ yếu.
- Sử dụng rượu: Việc sử dụng rượu có liên quan đến khoảng 25% chấn thương tủy sống.
- Tham gia vào các hoạt động nguy hiểm: Bên cạnh va chạm giao thông, các hoạt động nguy hiểm khác bao gồm lặn xuống vùng nước nông và chơi thể thao mà không đeo thiết bị an toàn hoặc thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp.
- Mắc một số bệnh: Một chấn thương nhỏ có thể gây tổn thương cột sống nếu bạn mắc một bệnh lý ảnh hưởng đến khớp hoặc xương, chẳng hạn như loãng xương.
4. Triệu chứng của chấn thương cột sống
Các dấu hiệu của chấn thương cột sống có thể thay đổi tùy thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương, cũng như việc có chèn ép vào dây thần kinh, tủy sống hay không. Các triệu chứng phổ biến bao gồm cơn đau kèm theo tê bì, và xuất hiện các dấu hiệu bất thường liên quan đến chức năng vận động và phản xạ. Cụ thể:
4.1. Triệu chứng của chấn thương cột sống cổ
Dấu hiệu chấn thương cột sống cổ khi chưa tổn thương tủy bao gồm:
- Dấu hiệu hoa mắt.
- Đau cổ, ngứa ran và cảm thấy yếu cơ cổ, không thể chuyển động cổ.
- Triệu chứng chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu, khó tập trung, khó thở, đau, tê, châm chích lan xuống vùng vai hoặc cánh tay.
Trong trường hợp tổn thương tủy, có thể xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau:
- Liệt cơ do phân đoạn cột cổ chi phối.
- Rối loạn cơ tròn.
- Rối loạn cảm giác.
- Mất phản xạ gân xương giai đoạn choáng cột.
4.2. Triệu chứng của chấn thương cột sống ngực
Các dấu hiệu và triệu chứng của chấn thương cột sống ngực có thể bao gồm:
- Không thể di chuyển được.
- Mất hoặc thay đổi cảm giác, bao gồm sự thay đổi trong việc cảm nhận nhiệt độ, lạnh, và xúc giác.
- Mất kiểm soát đối với ruột hoặc bàng quang.
- Phản xạ hoặc co thắt cơ hoạt động quá mức.
- Thay đổi về chức năng tình dục.
- Đau hoặc cảm giác châm chích mạnh mẽ do tổn thương các sợi thần kinh trong cột sống.
- Khó thở, hoặc có khó khăn trong việc làm sạch dịch tiết từ phổi.
4.3. Triệu chứng của chấn thương cột sống thắt lưng
Triệu chứng và dấu hiệu của chấn thương cột sống thắt lưng bao gồm:
- Đau lưng xuất hiện ngay sau sự va chạm hoặc sau một khoảng thời gian ngắn
- Hạn chế khả năng chuyển động của khu vực lưng.
- Cảm giác hoặc tê liệt ở vùng lưng, hông và chân.
- Yếu các nhóm cơ lưng, hông và chân.
- Sự dịch chuyển của các đốt sống trong vùng lưng.
- Rối loạn cảm giác, rối loạn cơ tròn, yếu hoặc liệt hai chi dưới.
4.4. Triệu chứng của chấn thương cột sống cùng
Bệnh nhân bị chấn thương cột sống cùng có thể gặp phải các triệu chứng như [4]:
- Thiếu kiểm soát ruột hoặc bàng quang.
- Đau lưng dưới.
- Đau chân, có thể lan xuống phía sau chân.
- Mất cảm giác ở vùng háng và mông.
5. Biến chứng của chấn thương cột sống
Theo NINDS, chấn thương cột sống (SCI) có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như: Rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn cảm giác… nếu không được chữa trị kịp thời [9]. Dưới đây là những biến chứng phổ biến của chấn thương cột sống:
- Gặp các vấn đề về hô hấp: Khoảng một phần ba người mắc SCI cần hỗ trợ hô hấp tạm thời hoặc lâu dài, một vài trường hợp cần sử dụng ống thở. Tổn thương cột sống ở vùng C1 – C4 có thể dẫn đến ngừng thở do ảnh hưởng đến cơ hoành và phổi.
- Biến chứng viêm phổi: Viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người mắc chấn thương cột sống, thường là do viêm phổi. Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ (NCBI), khoảng 30% tổng số ca tử vong sau SCI là do nguyên nhân hô hấp, trong đó viêm phổi là nguyên nhân hô hấp phổ biến nhất [10].
- Gặp các vấn đề về tuần hoàn: Khi cột sống bị tổn thương, não sẽ mất khả năng giao tiếp với các dây thần kinh của tim, từ đó, gây rối loạn nhịp tim, khiến nó trở nên chậm hoặc nhanh một cách thất thường. Điều này làm thay đổi tốc độ máu lưu thông trong cơ thể. Các biến chứng kéo theo có thể bao gồm: huyết áp cao, huyết áp thấp, đông máu… [9]
- Cứng cơ và thay đổi chức năng cơ: Phản xạ có thể trở nên quá mức, gây co giật và đòi hỏi điều trị đặc biệt. Đồng thời, các cơ không được sử dụng có thể thoái hóa, đòi hỏi sự chăm sóc và điều trị để duy trì linh hoạt.
- Gặp chứng khó phản xạ tự động: Tác động chủ yếu đối với người mắc chấn thương ở cổ hoặc lưng trên. Triệu chứng có thể bao gồm đỏ bừng mặt, đau đầu và thay đổi huyết áp; việc giữ người bệnh ở tư thế ngồi có thể cải thiện lưu thông máu.
- Lở loét do áp lực (loét do áp lực): Các vùng da bị tổn thương do áp lực liên tục, giảm lưu lượng máu, đặc biệt là ở những người bị liệt hai chân và liệt tứ chi.
- Cơn đau thần kinh: Một số người mắc chấn thương cột sống có thể trải qua cơn đau thần kinh, có thể kéo dài hoặc biến đổi theo thời gian.
- Chức năng tình dục ảnh hưởng: Chức năng tình dục và khả năng sinh sản có thể bị ảnh hưởng, tùy thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của thương tổn.
- Trầm cảm: Nhiều người mắc chấn thương cột sống có thể phải đối mặt với tình trạng trầm cảm do sự thay đổi trong lối sống sau chấn thương.
6. 2 phương pháp chẩn đoán chấn thương cột sống
Chấn thương cột sống đòi hỏi một quá trình chẩn đoán tỉ mỉ nhằm xác định chính xác vị trí và mức độ tổn thương mà không làm người bệnh thêm đau đớn. Dưới đây là hai phương pháp chẩn đoán chấn thương cột sống phổ biến nhất, bao gồm kiểm tra thần kinh và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh.
6.1. Kiểm tra thần kinh
Với phương pháp kiểm tra thần kinh, người bệnh sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng ở tất cả các chi để đánh giá mức độ tổn thương và tình trạng của cơ bắp [3]. Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện các động tác như uốn cong, mở rộng và xoay các khớp để đánh giá sự linh hoạt và mức độ tổn thương. Đồng thời, họ sẽ dùng các câu hỏi gợi mở và thao tác xoa bóp, kích thích đau… để thu thập thông tin về tiền sử bệnh án liên quan, sau đó, đánh giá cảm giác của bệnh nhân, xác định vị trí và mức độ tác động của chấn thương lên thần kinh.
6.2. Chẩn đoán hình ảnh
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến để chẩn đoán chấn thương cột sống bao gồm:
- Chụp X-quang: Chụp X-quang là một lựa chọn nhanh chóng và có chi phí thấp để đánh giá tình trạng cột sống. Tuy nhiên, phương pháp này không cung cấp hình ảnh chi tiết và không thể đánh giá mô mềm như cột sống và mạch máu nên chống chỉ định cho những bệnh nhân bị chấn thương cột sống quá nặng.
- Chụp CT: Phương pháp chụp CT sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh chi tiết và 3D của cột sống, giúp xác định vị trí và đặc điểm của tổn thương. Phương pháp này đặc biệt quan trọng để đánh giá xem có sự dịch chuyển của các đốt sống hay không. Mặc dù có ưu điểm là thời gian thực hiện nhanh chóng và cung cấp thông tin chính xác nhưng phương pháp này làm tăng bức xạ và giới hạn khả năng đánh giá các mô mềm.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Phương pháp MRI cung cấp hình ảnh chi tiết của mô mềm, bao gồm cột sống và mạch máu. Điều này giúp xác định mức độ tổn thương mà không sử dụng tia X-quang, giảm rủi ro bức xạ ionizing. Tuy vậy, phương pháp chẩn đoán này có chi phí cao và thời gian thực hiện kéo dài nên không thích hợp cho các trường hợp khẩn cấp.
7. Phương pháp điều trị chấn thương cột sống
Chấn thương cột sống có thể được điều trị một cách hiệu quả bằng nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm cả điều trị can thiệp và không can thiệp. Từng loại chấn thương ở các vị trí và mức độ khác nhau sẽ có cách điều trị tương ứng.
7.1. Điều trị khẩn cấp
Tại thời điểm bị tai nạn, nếu bị nghi ngờ mắc chấn thương cột sống, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng các phương tiện như nẹp cứng chuyên dụng để cố định cột sống, tránh cột sống bị tổn thương thêm. Sau đó, bệnh nhân sẽ được đặt nằm ngửa trên một tấm ván cứng để hỗ trợ di chuyển đến nơi điều trị gần nhất.
Trong một vài trường hợp, bệnh nhân có thể phải sử dụng thuốc an thần để thư giãn và hạn chế cử động mạnh. Nếu có vấn đề về hô và cơ thể không nhận đủ oxy từ phổi, các chuyên viên sẽ bố trí lắp đặt ống thở cho người bệnh.
7.2. Điều trị sau chẩn đoán
Sau khi được chẩn đoán mắc chấn thương cột sống ở vị trí cụ thể, người bệnh có thể được chỉ định điều trị bằng các cách dưới đây:
7.2.1. Theo dõi và dùng thuốc
Các loại thuốc giảm đau hoặc methylprednisolone thường được áp dụng cho bệnh nhân bị tổn thương ở cột sống mà không gây ảnh hưởng đến dây thần kinh. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc giảm đau cho xương khớp một cách tùy tiện hoặc kéo dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, đôi khi cần phải nhập viện để điều trị. Cụ thể, những tác dụng phụ tiềm ẩn của thuốc giảm đau bao gồm:
- Gây tổn thương hoặc xuất huyết nghiêm trọng ở dạ dày, ruột.
- Tăng nguy cơ suy thận hoặc tổn thương thận đột ngột.
- Gây ra suy tim, cao huyết áp, đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
- Gây ra các biến chứng như hoại tử mô, tê liệt cử động.
- Dẫn đến tình trạng “nghiện” thuốc, khi ngừng sử dụng có thể gây ra cảm giác chán ăn, đau đớn, mệt mỏi và suy nhược.
Chính vì vậy, việc dùng thuốc điều trị chấn thương cột sống cần phải có sự theo dõi và chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình điều trị bệnh bằng thuốc, người bệnh cũng cần theo dõi hiệu quả của thuốc và tình hình sức khỏe, để kịp thời báo cho bác sĩ điều trị nếu có dấu hiệu bất thường.
7.2.2. Phẫu thuật
Mục đích của quá trình phẫu thuật điều trị chấn thương cột sống là giải phóng áp lực đối với thần kinh và đồng thời khôi phục sự cân bằng và độ vững của cột sống và sẽ được các bác sĩ thực hiện nếu bệnh nhân gặp chấn thương cột sống ở mức tương đối nặng.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tiêu chuẩn chung về thời gian và phương pháp thực hiện cho quy trình này. Hơn nữa, phẫu thuật cột sống có chi phí đáng kể và mang theo những nguy cơ tiềm ẩn như nguy cơ phải thay thế các mảnh ghép, biến chứng sau phẫu thuật, và nguy cơ nhiễm trùng… Do đó, việc thực hiện phẫu thuật này chỉ nên được tiến hành khi có chỉ định cụ thể và được bác sĩ theo dõi chặt chẽ.
7.2.3. Trị liệu thần kinh cột sống – Chiropractic
Được xem là phương pháp chăm sóc hiệu quả và an toàn nhất trong lĩnh vực chữa trị các vấn đề cơ xương khớp, đặc biệt là các bệnh lý liên quan đến cột sống, Chiropractic hoạt động dựa trên nguyên tắc dùng tay để điều chỉnh trạng thái của khớp, tập trung đặc biệt vào cột sống, khớp và mối liên kết của chúng với hệ thần kinh.
Mặc dù có thể không phù hợp cho mọi người và đôi khi cần nhiều phiên điều trị, nhưng phương pháp này vẫn được coi là một lựa chọn an toàn và không gây tác dụng phụ đáng kể.
7.2.4. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu cho chấn thương cột sống là một phương pháp điều trị không sử dụng thuốc, nhưng dựa vào các tác động vật lý đối với khu vực cột sống để giảm các triệu chứng và cải thiện khả năng vận động. Theo từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp vật lý trị liệu như kéo giãn giảm áp cột sống, điện trị liệu, hay các bài tập vật lý trị liệu cho cột sống… và thường sử dụng các thiết bị hỗ trợ trong quá trình điều trị.
Một số phương pháp vật lý trị liệu thường được áp dụng như: Siêu âm trị liệu, điện xung trị liệu, laser cường độ cao,… So với các phương pháp trị liệu khác, vật lý trị liệu là phương pháp thường được nhiều người bệnh áp dụng vì chi phí rẻ, hiệu quả cao cùng thời gian điều trị chỉ mất từ 1 – 2 tháng để thấy hiệu quả.
7.2.5. Liệu pháp tâm lý kiểm soát cơn đau
Liệu pháp tâm lý giúp bệnh nhân kiểm soát cơn đau và ứng phó với tình trạng tinh thần khó khăn sau chấn thương. Phương pháp điều trị được lựa chọn dựa trên tính chất cụ thể của chấn thương và yếu tố cá nhân của bệnh nhân, với mục tiêu giảm đau, phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Các tổn thương nặng của cột sống có thể gây ra sự khó khăn trong cuộc sống hàng ngày và tạo ra gánh nặng tâm lý cho người bệnh, bao gồm cả cảm giác đau đớn, tự ti, sự hạn chế trong mối quan hệ xã hội, và vấn đề tài chính. Do đó, việc áp dụng các phương pháp điều trị tâm lý để kiểm soát cơn đau đã trở thành một giải pháp được sử dụng để giúp bệnh nhân thích nghi với tình trạng hiện tại và cải thiện tinh thần cũng như sức khỏe. Các biện pháp cụ thể có thể bao gồm tư vấn tâm lý, liệu pháp tâm lý, sử dụng thuốc chống trầm cảm hoặc chống loạn thần, trị liệu hành vi và giao tiếp…
8. Cách phòng ngừa chấn thương cột sống
Vì hầu hết các loại chấn thương cột sống xuất phát từ các tai nạn không lường trước nên để phòng ngừa tình trạng này, bạn cần chú ý an toàn và cẩn thận trong sinh hoạt và lao động, đặc biệt với những người có công việc đòi hỏi nhiều vận động, các vận động viên và người cao tuổi,… Ngoài ra, bạn cũng cần:
- Chú ý đến tư thế đúng khi nâng vật nặng, thực hiện tư thế cong gối và giữ lưng thẳng.
- Thực hiện các bài tập cho cơ lưng, cơ trung tâm và cơ liên sườn như bài tập plank.
- Kiểm soát cân nặng ở mức lý tưởng.
- Thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng đạm, chất béo tốt và tinh bột, cũng như các chất vi lượng như vitamin và chất khoáng.
- Bổ sung thực phẩm giàu canxi vào mỗi bữa ăn để hỗ trợ sức khỏe xương.
- Thực hiện hoạt động thể dục thể thao đều đặn.
- Khởi động kỹ khoảng 15 – 20 phút trước khi tham gia các hoạt động thể thao.
- Giữ tư thế ngồi, đứng đúng trong sinh hoạt hàng ngày.
- Thăm bác sĩ để kiểm tra định kỳ.
9. Một số câu hỏi thường gặp về chấn thương cột sống
9.1. Chấn thương cột sống có hết không?
Phụ thuộc vào mức độ tổn thương, vị trí tổn thương, độ tuổi, sức khỏe của bệnh nhân mà tiên lượng hồi phục khác nhau. Chấn thương cột sống là một tình trạng nguy hiểm, có thể gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng khác như liệt nửa người, liệt toàn thân, rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn vận động.
Do vậy, người bệnh cần được tiếp nhận điều trị ngay khi xảy ra chấn thương. Việc điều trị chủ yếu là giúp người bệnh nắn chỉnh lại cột sống, phục hồi tối đa các mô tổn thương. Kết quả điều trị phụ thuộc nhiều vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương cột sống, cũng như ý thức chủ động cải thiện chức năng cột sống của người bệnh sau khi điều trị.
9.2. Chấn thương cột sống nên ăn gì và kiêng gì?
Người bị chấn thương cột sống nên tiêu thụ các thực phẩm giàu Canxi, Protein và Omega-3 như sữa, sữa chua, cá hồi, hạt diêm mạch và rau xanh để tăng cường sức khỏe xương khớp và giảm viêm nhiễm. Đồng thời, người bệnh cần hạn chế thức ăn chứa nhiều đường, chất béo, caffeine và muối, vì chúng có thể gây tăng cân và tạo áp lực lên cột sống [11].
9.3. Chấn thương cột sống có quan hệ được không?
Nếu được điều trị đúng cách và kịp thời, người bị chấn thương cột sống vẫn có thể quan hệ tình dục bình thường. Tuy nhiên, người bệnh cần chú ý hoạt động tình dục ở tư thế thích hợp với tần suất và cường độ vừa phải để bảo vệ và hạn chế áp lực lên cột sống.
9.4. Chấn thương cột sống có gây liệt không?
Tùy thuộc vào vị trí chấn thương và mức độ nghiêm trọng mà chấn thương cột sống có thể gây ra liệt toàn bộ hoặc một phần cơ thể ở vùng dưới nơi xảy ra tổn thương. Mức độ liệt có thể biến động từ mất cảm giác, mất khả năng vận động, đến tình trạng liệt toàn bộ cơ thể dưới vị trí tổn thương [12].
Chấn thương cột sống gây ra ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Tình trạng này có thể gặp phải ở bất kỳ ai do những tai nạn không lường trước như trong lao động, sinh hoạt… Việc duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, đảm bảo tư thế đúng trong sinh hoạt, lao động… sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro liên quan.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.