Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka.
Cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong sang một bên, gây mất thẩm mỹ và nguy hiểm hơn là làm ảnh hưởng đến các cơ xung quanh như phổi. Vì vậy, cong vẹo cột sống cần được phát hiện sớm để được điều trị kịp thời.
1. Khái niệm cong vẹo cột sống
Theo Viện Quốc gia về Viêm khớp và Bệnh Cơ xương và Da Hoa Kỳ, cong vẹo cột sống (Scoliosis) là tình trạng cột sống bị cong sang một bên bất thường. Đường cong có thể đổ về phía trước hoặc phía sau (gù cột sống) và cột sống lệch sang một bên (cong cột sống).
Cong vẹo cột sống được chẩn đoán phổ biến ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên với tình trạng cột sống cong theo hình chữ S hoặc chữ C. Hiện tượng cong này có thể xảy ra ở hai bên cột sống và ở những vị trí khác nhau trên cột sống.
2. Các dạng cong vẹo cột sống phổ biến
Theo Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thần kinh Hoa Kỳ (AANS), có tới 2 – 3% dân số tại đây mắc bệnh cong vẹo cột sống. Cong vẹo cột sống có thể phát triển ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ. Tuy nhiên, độ tuổi khởi phát chứng vẹo cột sống chính là 10 – 15 tuổi, xảy ra như nhau ở cả hai giới. Trong đó, phụ nữ là đối tượng có nguy cơ tiến triển nặng và cần điều trị cao gấp 8 lần (Theo AANS).
Theo đó, tình trạng cong vẹo cột sống được chia làm 2 loại là vẹo cột sống phi cấu trúc và vẹo cột sống cấu trúc. Mỗi loại sẽ có những triệu chứng mà đối tượng dễ mắc phải khác nhau, cụ thể:
Phân loại |
Triệu chứng |
Đối tượng dễ mắc phải |
|
Vẹo cột sống phi cấu trúc |
|
Những người đang mắc các bệnh:
|
|
Vẹo cột sống cấu trúc |
Vẹo cột sống bẩm sinh |
|
Trẻ sơ sinh |
Vẹo cột sống thần kinh |
|
Những người mắc các căn bệnh như:
|
|
Vẹo cột sống thoái hóa |
|
Người trưởng thành bị thoái hóa khớp và đĩa đệm cột sống. | |
Vẹo cột sống vô căn |
|
Thiếu niên trưởng thành từ 10 – 18 tuổi hoặc có thể phát triển sớm ở trẻ sơ sinh. |
1 – Vẹo cột sống không cấu trúc:
Vẹo cột sống phi cấu trúc (vẹo cột sống chức năng) là tình trạng cột sống bị cong sang một bên nhưng không bị xoay cột sống. Cấu trúc cột sống của người bệnh vẫn hoạt động bình thường. Khi mắc bệnh vẹo cột sống phi cấu trúc, nếu người bệnh cúi người về phía trước hoặc nằm xuống, đường cong vẹo cột sống có thể sẽ biến mất trong khoảng thời gian giữ tư thế đó.
Như vậy, vẹo cột sống phi cấu trúc có khả năng tự duỗi thẳng và không gây ra nhiều biến dạng cột sống. Do đó, tình trạng này ít nguy hiểm hơn tình trạng vẹo cột sống có cấu trúc.
Tình trạng vẹo cột sống phi cấu trúc thường là do các vấn đề về tư thế hoặc sự bất thường ở những nơi khác trên cơ thể như co thắt cơ bắp, hai chân có chiều không đều hoặc xương chậu không bằng phẳng và viêm nhiễm các cơ gần cột sống.
2 – Vẹo cột sống cấu trúc:
Vẹo cột sống có cấu trúc là tình trạng cột sống đồng thời bị cong và xoay sang một bên bất thường. Loại vẹo cột sống này ảnh hưởng đến cấu trúc của cột sống và không thể hồi phục nếu không được điều trị.
Vẹo cột sống cấu trúc được chia là 4 loại:
- Vẹo cột sống bẩm sinh (Congenital scoliosis): Là tình trạng hiếm gặp, tỷ lệ mắc là 1/10.000 trẻ sơ sinh (Theo Veritas Health) và thường được chuẩn đoạn khá sớm. Vẹo cột sống bẩm sinh xảy ra do những phát triển cột sống bất thường trong bụng mẹ, do thiếu một hoặc nhiều xương ở cột sống, từ đó, khiến cột sống bị cong sang 1 bên. Các triệu chứng thường gặp ở dạng bệnh này là nghiêng vai, vòng eo không đều, nghiêng đầu, cơ thể nghiêng về một bên.
- Vẹo cột sống thần kinh (Neuromuscular scoliosis): Là tình trạng cong cột sống xảy ra khi não và cơ không thể giao tiếp tốt, thường gặp ở những người bị bại não, teo cơ Duchenne, loạn sản tủy, mất điều hòa Friedrich, không thể đi lại được,… Loại bệnh này không gây đau đớn, trừ khi cột sống bị cong rất rõ rệt. Dấu hiệu thường gặp ở bệnh là sự thay đổi tư thế (nghiêng về phía trước hoặc nghiêng về 1 bên, cột sống thường cong hình chữ C).
- Vẹo cột sống thoái hóa (Degenerative scoliosis): Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ (NCBI), tình trạng này thường xảy ra ở người trong khoảng từ 50 tuổi. Dưới tác động của quá trình lão hóa như thoái hóa khớp và dĩa đệm cột sống một cách không đồng đều khiến độ cong của cột sống trở nên rõ rệt hơn ở một bên. Chứng vẹo cột sống thoái hóa thường xảy ra ở cột sống thắt lưng/lưng dưới, tạo thành hình chữ C nhẹ và gây ra nhiều cơn đau từ lưng xuống chân.
- Vẹo cột sống vô căn (Idiopathic scoliosis): Là tình trạng vẹo cột sống không rõ nguyên nhân, rất hiếm gặp ở trẻ sơ sinh và thường xảy ra phổ biến ở thiếu niên ở độ tuổi dưới 15 với tỷ lệ 1 – 2% (Theo NCBI). Chứng vẹo cột sống này thường không gây đau đớn, tuy nhiên, khi bệnh phát triển, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như vai không đều, bướu ở xương sườn hoặc thân mình nghiêng và gây đau lưng dưới.
Các triệu chứng bị vẹo cột sống có thể giống với các tình trạng/dị tật cột sống khác hoặc do phần cột sống bị chấn thương/nhiễm trùng. Đặc biệt là các triệu chứng như đau lưng, đau chân, thay đổi thói quen đại tiện và bàng quang thường bị hiểu lầm là dấu hiệu của bệnh cong vẹo cột sống vô căn. Do đó, nếu đang gặp phải những loại triệu chứng này, bạn cần đến bác sĩ ngay lập tức để xác định nguyên nhân của các triệu chứng.
3. Nguyên nhân gây cong vẹo cột sống
Theo AANS, khoảng 80% trường hợp vẹo cột sống không xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, vấn đề di truyền đang được đánh giá là nguyên nhân cong vẹo cột sống chính do gây ra phần lớn các ca cong vẹo cột sống như nhiều bệnh nhi bị cong vẹo, lệch cột sống từ lúc bẩm sinh. Bên cạnh đó, lứa tuổi học đường cũng là đối tượng dễ mắc phải chứng cong vẹo cột sống, do ngồi học sai tư thế hoặc mang cặp sách quá nặng.
Ngoài ra, một số yếu tố khác ít phổ biến hơn như dưới đây cũng là tác nhân gây cong vẹo cột sống:
- Sau phẫu thuật: Các cuộc phẫu thuật trên thành ngực khi còn bé có thể làm gây ra chứng cong vẹo cột sống. Theo NCBI, những bệnh nhân trải qua phẫu thuật cắt bỏ thành ngực hoặc xương sườn có nguy cơ mắc chứng vẹo cột sống thứ phát cao hơn so với người trưởng thành, do tiềm năng phát triển của cột sống và lồng xương sườn lớn hơn.
- Dị tật bẩm sinh: Các dị tật phôi thai ở 1 hay nhiều đốt sống thường gây ra tình trạng các đốt sống phát triển không đồng đều, một số đốt sống dài ra chậm hơn so với một số đốt còn lại, từ đó, gây ra hiện tượng cong và biến dạng cột sống.
- Do hệ thần kinh: Các bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến thần kinh như bại não, loạn sản tủy làm ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp giữa não với cơ thể, và gây ra chứng cong vẹo cột sống.
- Chấn thương hoặc nhiễm trùng cột sống: Khi bị chấn thương và nhiễm trùng cột sống, các nhóm cơ xung quanh vị trí này sẽ bị suy yếu và lâu dần, chúng sẽ gây ra hiện tượng cong vẹo cột sống.
- Gặp các vấn đề ở tủy sống: Khi gặp các vấn đề ở tủy sống, các nhóm cơ xung quanh tủy sống sẽ bị suy yếu, làm mất đường cong sinh lý tự nhiên và gây ra bệnh lý cong vẹo cột sống.
- Hoạt động sai tư thế: Nguyên nhân này thường xảy ra ở lứa tuổi học đường và nhân viên văn phòng do ngồi sai tư thế, sử dụng bàn ghế không phù hợp với chiều cao, mang cặp/túi xách quá nặng, từ đó, tạo áp lực không đều lên vai và tay, gây ra hiện tượng cong vẹo cột sống. Đồng thời, việc học tập/làm việc trong môi trường thiếu ánh sáng, buộc họ phải cúi đầu khi đọc, viết cũng là tác nhân gây ra cong vẹo cột sống.
- Chiều dài chân không đều: Người có chiều dài hai chân không đều sẽ gặp nhiều khó khăn khi đi đứng, làm mất cân bằng cấu trúc khung xương cơ thể và từ đó, gây ra hiện tượng cong vẹo cột sống.
- Thoái hóa: Thoái khớp và đĩa đệm cột sống ở người cao tuổi gây ra sự “hao mòn” các khớp và đốt sống không đồng đều, từ đó, gây ra chứng cong vẹo cột sống.
- Loãng xương: Loãng xương là tình trạng giảm mật độ xương, làm suy yếu các đốt sống ở cột sống. Điều này có thể dẫn đến chứng vẹo cột sống, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Ngoài ra, một nghiên cứu vào năm 2016 chỉ ra rằng, mật độ xương thấp cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ cong cột sống.
Ngoài ra, nguyên nhân gây ra cong vẹo cột sống cũng có thể đến từ các yếu tố rủi ro sau:
- Tuổi tác: Càng lớn tuổi, khả năng mắc cong vẹo cột sống càng cao do khi lớn tuổi, con người sẽ bước vào quá trình lão hóa tự nhiên, các chức năng dân suy giảm, bao gồm cả hệ thống xương khớp và tình trạng cong vẹo cột sống.
- Giới tính: Mặc dù nguy cơ mắc cong vẹo cột sống của nam và nữ là như nhau nhưng tỷ lệ mắc chứng cong vẹo cột sống mà cần phải điều trị ở nữ là cơn hơn nam giới khoảng 8 lần (Theo AANS).
- Tiền sử gia đình có người bị cong vẹo cột sống: Một số gen đã được xác định là có khả năng góp phần gây ra chứng cong vẹo cột sống. Những gen này đóng một vai trò trong sự phát triển của xương, tăng trưởng cột sống và chức năng cơ bắp. Đột biến hoặc biến thể di truyền ở những gen này có thể phá vỡ quá trình hình thành và duy trì cột sống bình thường, dẫn đến sự phát triển của chứng vẹo cột sống.
4. Dấu hiệu cong vẹo cột sống
Cong vẹo cột sống được nhận biết thông qua các dấu hiệu dưới đây:
- Gai đốt sống không thẳng hàng.
- Hai vai không đều nhau, bên thấp bên cao.
- Phần xương bả vai nhô ra bất thường.
- Khoảng cách từ 2 mỏm xương đến bả vai không bằng nhau.
- Tam giác eo tạo ra giữa thân và cánh tay có độ hẹp, rộng không giống nhau.
- Khi cột sống bị xoay vặn khiến xương sườn lồi lên, thắt lưng mất cân đối.
- Cơ thể lệch sang một bên, đầu không ở giữa hai vai.
- Lệch chậu hông 1 bên hoặc 2 bên.
- Trường hợp bị gù lưng thường đi kèm hiện tượng lưng tròn, vai thấp, bụng nhô, đầu đưa ra phía trước
- Trường hợp lưng bị ưỡn, phần trên của thân hơi ngả về phía sau, bụng xệ xuống.
Ngoài ra, khi tình trạng cong vẹo cột sống trở nên nghiêm trọng, người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác kèm theo như:
- Đau lưng.
- Không có khả năng đứng thẳng.
- Chân bị đau, tê hoặc yếu đi đáng kể.
- Rối loạn chức năng ruột hoặc bàng quang.
5. Ảnh hưởng tiêu cực của cong vẹo cột sống
Cong vẹo cột sống thường không quá nguy hiểm và không dẫn đến các cơn đau đớn về thể xác. Tuy nhiên, nếu để tình trạng này càng lâu mà không chữa trị, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng, bao gồm:
- Tổn thương phổi và tim: Khi chứng cong vẹo cột sống diễn biến nặng, lồng xương sườn có thể ép vào phổi, khiến bạn khó thở. Đồng thời, chúng cũng sẽ tạo áp lực lên tim và khiến người bệnh dễ mắc phải các bệnh lý về tim.
- Ảnh hưởng đến tâm lý, thẩm mỹ: Cong vẹo cột sống sẽ khiến cho lưng của người bệnh bị cong, lệch sang 1 bên, phần vai và hông mất cân xứng. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của cơ thể mà còn tác động tiêu cực tới tâm lý của người bệnh, khiến họ trở nên mặc cảm, tự ti.
- Dễ bị đau lưng khi lớn tuổi: Những người bị cong vẹo cột sống từ khi còn nhỏ, nếu không được chữa trị dứt điểm, khi về già, họ có thể bị đau lưng mãn tính, gây khó chịu và bất tiện trong sinh hoạt.
- Hạn chế trong vận động: Việc cong vẹo cột sống sẽ làm biến dạng lưng, vai, eo, hông, làm mất tính cân bằng tự nhiên của cơ thể, từ đó, gây ra nhiều cản trở trong sinh hoạt vận động.
- Rò rỉ dịch tủy sống: Cong vẹo cột sống có thể khiến mô chứa dịch tủy sống và dây thần kinh (màng cứng) bị rách, từ đó, gây ra hiện tượng rò rỉ dịch tủy sống. Khi bị rò rỉ dịch tủy sống, chúng có thể bị đau đầu cột sống và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng dịch tủy sống (viêm màng não cột sống).
6. 2 phương pháp chẩn đoán cong vẹo cột sống
Hiện nay, có 2 phương pháp chẩn đoán bệnh cong vẹo cột sống phổ biến là kiểm tra tổng quát và kiểm tra bằng hình ảnh.
6.1. Kiểm tra tổng quát
Khi thăm khám tổng quát, bác sĩ chuyên khoa cột sống sẽ khám các triệu chứng lâm sàng của người bệnh và yêu cầu một số thông tin liên quan đến tình trạng xương khớp của bệnh nhân. Dưới đây là một số thông tin mà người bệnh cần chuẩn bị để hỗ trợ quá trình chuẩn đoán chính xác bệnh của bác sĩ:
- Thông tin bệnh sử bệnh liên quan đến xương khớp, cột sống của gia đình
- Thời gian mà người bệnh cảm thấy có sự thay đổi bất thường ở cột sống
- Kết quả chụp X-quang trước đây của người bệnh (nếu đó) nhằm kiểm tra sự thay đổi của đường cong cột sống theo thời gian.
- Những vị trí xuất hiện các cơn đau (nếu có)
- Một số dấu hiệu rối loạn chức năng kèm theo mà được nghi ngờ có liên quan đến tổn thương thần kinh
Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số động tác như đi đứng nhằm kiểm tra hình dáng cột sống, hai vai, hai hông ở cả hai phía trước và sau. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra:
- Khả năng phản xạ, sức mạnh của cơ bắp và dây thần kinh.
- Đo chiều cao, cân nặng để đánh giá tình trạng dinh dưỡng.
- Khả năng vận động và độ mềm dẻo của cột sống.
- Mức độ mất cân xứng khi ở tư thế cúi người ra trước hoàn toàn.
6.2. Kiểm tra hình ảnh
Sau khi có được những thông tin tổng quát về bệnh tình của người bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI hoặc chụp cắt lớp CT để có được cái nhìn trực quan và chính xác hơn:
- Chụp X-quang: Phương pháp này sẽ giúp chẩn đoán chứng vẹo cột sống và cho thấy mức độ nghiêm trọng của độ cong cột sống. Bệnh nhân sẽ được chụp toàn bộ cột sống để kiểm tra chính xác độ cong vẹo của cột sống. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với bức xạ nhiều lần này có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người bệnh. Do đó, hiện nay nhiều phòng khám đã trang bị máy chụp DIERS. Đây là phương pháp quét quang học ánh sáng dựa trên Video – Raster – Stereoography, bao gồm một máy chiếu ánh sáng (chiếu ở phía sau lưng bệnh nhân) và một phần mềm máy tính (phân tích đường cong bằng phương pháp Photogrammetrie). Nhờ vậy, máy DIERS có thể cung cấp thông tin toàn diện về trạng thái và tư thế của toàn bộ cơ thể, từ độ cong cột sống, xoay đốt sống, vị trí xương chậu, sự mất cân bằng của cơ bắp,… chỉ trong một quá trình đo.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Khi có các dấu hiệu tổn thương thần kinh, tủy sống, bệnh nhân sẽ được chỉ định chụp cộng hưởng từ, nhằm đánh giá các tổn thương liên quan đến cong vẹo cột sống. Phương pháp này khá an toàn và không sử dụng tia X, tuy nhiên, chi phí để chụp MRI thường khá cao.
- Chụp cắt lớp CT: Phương pháp này có ưu điểm là cung cấp hình ảnh về xương và cấu trúc bên trong cột sống một cách rõ ràng và chi tiết hơn so với chụp X-quang thông thường, từ đó, hỗ trợ việc chẩn đoán và điều trị bệnh cong vẹo cột sống một cách hiệu quả. Tuy nhiên, việc chụp cắt lớp CT cũng giống với chụp MRI, thường khá đắt đỏ.
7. 10 phương pháp điều trị cong vẹo cột sống
Sau khi có được kết quả chẩn đoán về chứng cong vẹo cột sống, bệnh nhân sẽ được đánh giá tổng thể về tình trạng bệnh nhằm có được phương pháp điều trị phù hợp. Các đánh giá sẽ dựa trên sự trưởng thành của cột sống, mức độ cong, vị trí của đường cong và khả năng đường cong tiến triển. Theo đó, tùy thuộc vào tình trạng bệnh, mỗi bệnh nhân sẽ có những lộ trình điều trị hay chữa vẹo cột sống khác nhau.
Lưu ý: Chứng vẹo cột sống thường được chẩn đoán sớm ở trẻ em, nhưng việc điều trị và theo dõi có thể kéo dài suốt đời.
7.1. Đeo đai chỉnh cột sống
Đeo đai chỉnh cột sống là phương pháp người bệnh sẽ đeo nẹp quấn quanh vị trí cột sống bị cong giúp nắn chỉnh cột sống về đúng vị trí, hạn chế sự xuất hiện của các cơn đau. Việc đeo áo nẹp cột sống phải được thực hiện liên tục, ngay cả khi ngủ, tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể bỏ ra khi đi tắm hoặc chơi một số môn thể thao (những phải có chỉ định của bác sĩ).
Ngoài ra, việc đeo nẹp rất phù hợp với người có bệnh lý nền, phải hạn chế uống thuốc, từ đó, giảm thiểu rủi ro đến sức khỏe do tác dụng phụ của thuốc.
7.2. Bài tập hỗ trợ cải thiện vẹo cột sống
Người bệnh có thể tập luyện thường xuyên các bài tập chữa vẹo cột sống nhằm giúp cải thiện tình trang đau lưng do vẹo cột sống gây ra và hạn chế tình trạng bệnh chuyển biến xấu đi. Các bài tập cải thiện vẹo cột sống thường khá đơn giản, phù hợp với mọi lứa tuổi và giai đoạn bệnh (bao gồm cả vẹo cột sống nhẹ). Thông thường, các bài tập sẽ chủ yếu tác động và kéo giãn phần cột sống lưng, phần vai.
Có thể bạn quan tâm: 20 bài tập yoga hiệu quả cho người vẹo cột sống
7.3. Phẫu thuật
Những đối tượng bị cong vẹo cột sống phù hợp với phương pháp phẫu thuật gồm:
- Trẻ em có đường cong cột sống > 400 và có dấu hiệu tiến triển.
- Người lớn có đường cong cột sống > 500 và bị tổn thương dây thần kinh ở chân và/hoặc đang gặp các triệu chứng về ruột hoặc bàng quang.
Hiện nay có 4 phương pháp phẫu thuật được ứng dụng để cải thiện tình trạng cong vẹo cột sống, đó là:
- Phương pháp tiếp cận phía sau (Posterior approach): Thường được thực hiện đối với tình trạng cong vẹo cột sống vô căn, thông qua hợp nhất cột sống phía sau với dụng cụ và ghép xương. Thời gian phẫu thuật vào khoảng vài giờ ở trẻ em và ít hơn với người lớn. Thời gian hồi phục khoảng 1 tuần, không cần đeo nẹp. Sau 2 – 4 tuần, bệnh nhân có thể xuất viện và sau khoảng 4 – 6 tháng, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn.
- Cách tiếp cận phía trước (Anterior approach): Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ rạch một đường ở bên hông, làm xẹp phổi, cắt bỏ một xương sườn, đồng thời có thể kết hợp với nội soi lồng ngực. Phương pháp này giúp điều chỉnh biến dạng tốt hơn, thời gian phục hồi nhanh hơn, cải thiện khả năng vận động cột sống. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải đeo nẹp trong vài tháng sau phẫu thuật.
- Phẫu thuật cắt bỏ bản chất giải nén (Decompressive laminectomy): Là phẫu thuật cắt bỏ laminae (mái) của đốt sống để tạo không gian cho các dây thần kinh, đồng thời, có thể sử dụng ốc vít hoặc thanh để tăng sự ổn định của cột sống. Phẫu thuật thích hợp với những bệnh nhân có chứng vẹo cột sống và hẹp ống sống.
- Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu (Minimally invasive surgery – MIS): Là việc thực hiện các vết mổ nhỏ hơn thông qua MIS, kết hợp với việc chụp ảnh X-quang và nội soi để cải thiện độ chính xác của vết mổ và vị trí phần cứng, từ đó, giảm thiểu chấn thương mô và cho phép tiếp cận MIS.
7.4. Phương pháp Chiropractic
Chiropractic là phương pháp nắn chỉnh cột sống bị sai lệch mà không dùng thuốc và không phẫu thuật. Đây là phương pháp được thực hiện bằng tay, áp dụng một lực lên cột sống giúp đưa cột sống về đúng vị trí ban đầu. Chiropractic không thể làm thẳng cột sống hoàn toàn nhưng có thể cải thiện đáng kể độ cong của cột sống, mức độ khuyết tật và giảm thiểu cơn đau cho người bệnh.
7.5. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là một phương pháp giúp chữa cong vẹo cột sống hiệu quả. Cụ thể, các bài tập vật lý trị liệu sẽ giúp tăng sự linh hoạt cho nhóm vai, cổ và cơ lưng, từ đó, làm ổn định cấu trúc cột sống. Bên cạnh đó, phương pháp điều trị vẹo cột sống này còn thường xuyên được kết hợp với các phương pháp trị liệu khác để tăng hiệu quả điều trị và rút ngắn thời gian hồi phục.
7.6. Hồng ngoại
Phương pháp tác dụng nhiệt bằng tia hồng ngoại giúp giảm 50% các cơn đau cột sống cấp tính hoặc mãn tính. Khi sử dụng, người bệnh cần đặt đèn hồng ngoại vuông góc với bề mặt da và cách da khoảng 90cm trong khoảng 5 – 10 phút, sau đó tăng dần và 2 – 3 lần/ngày.
7.7. Sóng siêu âm
Phương pháp sóng siêu âm giúp cải thiện đáng kể các cơn đau do cong vẹo cột sống gây nên. Khi sử dụng sóng siêu âm, trung bình cứ 5 phút siêu âm liên tục với cường độ 1,5W/cm2, nhiệt độ bao khớp sẽ tăng 6,3°C và nhiệt ở xương có thể tăng 9,3°C, từ đó, tăng hiệu quả điều trị giảm đau xương khớp.
7.8. Điện xung kích thích cơ
Điện xung kích thích cơ là phương pháp sử dụng sóng âm mang năng lượng cao tác động vào những điểm đau, các mô cơ xương bị tổn thương, cong vẹo, thúc đẩy quá trình làm lành vết thương, tái tạo xương, gân và các mô mềm khác. Nhờ đó, người bị cong vẹo cột sống sẽ giảm đáng kể các cơn đau và cải thiện tình trạng cong vẹo cột sống.
7.9. Kéo dãn cột sống
Kéo dãn cột sống là bài tập thư giãn cột sống lưng, giúp cải thiện tình trạng căng cơ lưng hiệu quả. Để thực hiện bài tập kéo dãn cột sống, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai và khuỷu nhẹ đầu gối.
- Bước 2: Giơ thẳng hai tay lên đầu, tay trái nắm cổ tay phải.
- Bước 3: Giữ nguyên vùng hông và từ từ nghiêng người sang bên phải đến khi cảm nhận cơ bên trái được căng ra hết cỡ.
- Bước 4: Lặp lại với bên trái.
Lưu ý: Lặp lại động tác 5 – 10 lần/bên.
7.10. Băng dán Kinesio hỗ trợ
Bạn cũng có thể sử dụng băng dán Kinesio để điều trị chứng cong vẹo cột sống. Loại băng dán này có khả năng định hình cột sống và hạn chế sự xuất hiện các cơn đau. Đồng thời, phương pháp này được đánh giá là khá an toàn (do không chịu tác dụng phụ như phương pháp phẫu thuật hay dùng thuốc), chi phí phải chăng (khoảng 40.000 VNĐ/cuộn). Để có được cải thiện rõ rệt, bạn phải sử dụng loại băng được thiết kế đúng kỹ thuật.
Băng dán Kinesio của Myrehab Matsuoka được thiết kế mô phỏng theo độ đàn hồi của da, có khả năng hỗ trợ định hình ngay cả lúc ngủ, giúp cân bằng các nhóm cơ, từ đó, đẩy nhanh quá trình chữa trị cong vẹo cột sống.
7.11. Di động mô mềm
Di động mô mềm là phương pháp điều trị bằng tay thông qua các kỹ thuật như xoa bóp, kéo dãn theo chiều dọc/chiều ngang kết hợp với lực ép xuống nhằm di động các tổ chức phần mềm, giúp nắn chỉnh cột sống. Phương pháp này giúp lưu thông tuần hoàn máu, giảm đau/thư giãn các cơ bị co cứng, phục hồi các chức năng vận động ở các khớp.
Tuy nhiên, phương pháp này chống chỉ định với những người có các vết loét/vết thương hở/viêm nhiễm khuẩn, mắc bệnh tự miễn, tắc mạch hay người bị gãy xương, trật khớp.
8. 7 cách phòng ngừa cong vẹo cột sống
Nếu bạn đang chưa mắc phải chứng cong vẹo cột sống hoặc muốn hạn chế bệnh tái phát, bạn có thể thực hiện 7 biện pháp chống cong vẹo cột sống dưới đây. Đặc biệt là lứa tuổi học sinh, khi chúng thường ngồi sai tư thế hoặc mang balo quá nặng.
- Tạo thói quen tốt cho cột sống: Bạn không nên mang vác vật nặng, khi mang vác đồ nặng phải đảm đúng tư thế (ngồi xuống, cầm vật nặng và sau đó, từ từ đứng dậy; không nên cúi người bê trực tiếp đồ nặng lên). Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải ngồi đúng tư thế khi học tập/làm việc, tránh đứng hoặc ngồi quá lâu, hạn chế đi giày cao gót,…
- Tăng sức cơ vùng lưng, cột sống và ngực: Bạn nên tập luyện các môn thể thao như bơi lội, bóng chuyền,… hay thực hiện các bài tập thể dục cho phần lưng để tăng sức bền và độ dẻo dai cho các nhóm cơ xung quanh cột sống.
- Chế độ ăn uống: Bạn nên bổ sung các thực phẩm tốt cho xương khớp và cơ bắp như các loại thực phẩm giàu khoáng chất và vitamin canxi, magie, photpho,… Các chất này thường được thấy ở các thực phẩm như rau cải, đậu phụ, sữa, các loại hạt,… giúp tái tạo và hỗ trợ xương chắc khỏe.
- Khám sức khỏe định kỳ: Bạn nên thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm cong vẹo cột sống và các bệnh lý nói chung để điều trị.
- Sử dụng bàn ghế có chiều cao phù hợp: Chiều cao bàn ghế phù hợp là khi tay tạo thành góc vuông 90° khi đặt lên mặt bàn; chân có thể chạm sàn thoải mái, đầu gối tạo thành góc vuông 90° (hoặc từ 75 đến 105°) khi đặt chân lên mặt sàn. Đồng thời, khi ngồi làm việc, bạn cần đảm bảo lưng thẳng, vai thả lỏng, đầu và cổ hơi cúi về phía trước.
- Không nên mang balo quá nặng: Trọng lượng balo không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể. Ngoài ra, bạn cần đeo balo bằng hai bên vai, không nên đeo balo chéo một bên vì có thể khiến vai bị lệch.
- Sử dụng laptop đúng cách: Kê laptop ở độ cao phù hợp là khi màn hình laptop ở tầm mắt, không cần phải ngẩng hoặc cúi đầu khi nhìn vào màn hình. Đồng thời, bạn cũng nên nghỉ ngơi, đi lại, vận động nhẹ nhàng khoảng 5 – 10 phút sau mỗi 30 – 45 phút ngồi làm việc, để giúp cột sống được thư giãn.
Như vậy, cong vẹo cột sống dù không phải bệnh lý nguy hiểm, nhưng chúng để lại những tác động vô cùng xấu trên cơ thể như cong vẹo lưng, lệch vai, lệnh hông, gây mất thẩm mỹ và nhiều bất tiện trong cuộc sống. Đặc biệt, nếu không chữa trị kịp thời, chúng có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như rò rỉ dịch tủy sống, tổn thương phổi và tim,… Nếu bạn đang gặp tình trạng cong vẹo cột sống, hãy liên hệ ngay với Myrehab Matsuoka để đặt lịch hẹn và thăm khám kịp thời.
Myrehab Matsuoka là trung tâm phục hồi chức năng theo tiêu chuẩn Nhật Bản, mang đến những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tận tình cho người bệnh thông qua:
- Đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản.
- Kỹ thuật viên có tay nghề giỏi, được đào tạo và có chứng chỉ nghề nghiệp uy tín.
- Hệ thống máy móc khám chữa bệnh nhập khẩu hiện đại, tích hợp công nghệ AI, giúp lượng giá chính xác tình trạng của bệnh nhân.
- Công nghệ phục hồi chức năng được chuyển giao từ Nhật Bản.
- Lộ trình điều trị và phục hồi cá nhân hóa theo từng tình trạng người bệnh.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.