Bài viết được viết bởi BS CKII. Bùi Hồng Thuý và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.
Đứt gân tay là một chấn thương nghiêm trọng, cần có sự can thiệp của phẫu thuật và quá trình hồi phục lâu dài. Vật lý trị liệu đứt gân tay thường được áp dụng ngay cả khi bệnh nhân còn đeo nẹp tay để tập các khớp xa vùng bàn ngón, giúp sau khi tháo nép sẽ cử động linh hoạt hơn, tránh tình trạng xơ cứng và dính gân. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp 12 bài tập trị liệu đơn giản mà bạn có thể thực hiện tại nhà trong quá trình điều trị đứt gân tay sau phẫu thuật. Hãy cùng theo dõi nhé!
1. Nguyên tắc tập vật lý trị liệu sau phẫu thuật đứt gân tay
Sau phẫu thuật nối gân, việc hạn chế cử động khu vực tổn thương là vô cùng quan trọng giúp giảm đau, giảm sưng nề sau mổ, hạn chế sự căng giãn tại vùng nối gân, từ đó đảm bảo an toàn cho gân bị đứt. [1] Thông thường, người bệnh cần giữ bất động trong khoảng 1 tháng, sau đó bác sĩ sẽ thực hiện khám đánh giá và quyết định thời gian tập vận động sau mổ. Nếu bắt đầu tập quá sớm, vết khâu tại vị trí nối gân có thể bị rách và hỏng mối nối. Còn nếu người bệnh tập quá muộn thì có thể xảy ra tình trạng viêm dính gân và làm chậm quá trình hồi phục.
Sau giai đoạn bất động, người bệnh sẽ có thể được chỉ định tập vật lý trị liệu đứt gân tay chủ động để định hướng lực co gân nhằm gia tăng khả năng chịu lực của gân. Việc tập luyện có thể sẽ kéo dài khoảng 3 tháng cho đến khi gân lành hoàn toàn. [2]
Trong quá trình luyện tập, người bệnh nên tập một cách chậm rãi, trong khả năng chịu lực của gân và cơ. Tập quá sức có thể dẫn đến tổn thương gân, vỡ cơ và thậm chí là rách cơ. [3]
Một số vị trí đứt gân ở tay thường gặp như ngón tay, bàn tay, cẳng tay,… Mỗi vị trí đứt gân sẽ có những tác động riêng, làm giảm khả năng vận động, gây nên các cơn đau cũng như cảm thấy yếu, không có lực ở tay. Do đó, vật lý trị liệu đối với đứt gân ở mỗi bộ phận trên tay cũng sẽ khác nhau. Suy rộng hơn, vật lý trị liệu cho mỗi bộ phận trên tay như phục hồi chức năng sau gãy xương cánh tay hay bài tập phục hồi chức năng cánh tay đều có những lưu ý riêng. Do đó, người bệnh cần theo sát chỉ định của bác sĩ để quá trình phục hồi được diễn ra hiệu quả và nhanh chóng.
2. Vật lý trị liệu sau phẫu thuật đứt gân ngón tay
Sau phẫu thuật, tập vật lý trị liệu đứt gân tay là vô cùng quan trọng, giúp giảm đau, giảm sưng nề, tăng sự linh hoạt, ổn định của ngón tay và thúc đẩy quá trình hồi phục gân bị tổn thương. Mỗi giai đoạn phục hồi sẽ có những bài tập, liệu pháp riêng, phù hợp với mức độ lành lại của gân.
2.1. 3 tuần đầu tiên: Bất động ngón tay để phòng ngừa phù nề
Đây là giai đoạn mà người bệnh cần giữ ngón tay cố định, tránh vận động dẫn đến tái chấn thương. Lúc này, bạn cần chú ý nghỉ ngơi đầy đủ, luyện một số bài tập co cơ đẳng trường trong nẹp, gấp duỗi thụ động, chủ động các ngón tay còn lại.
Để kiểm soát các cơn đau sau phẫu thuật, các bác sĩ có thể áp dụng liệu pháp điện xung dòng TENS. Trong tuần 2 – 3 sau phẫu thuật, liệu pháp di động mô mềm nhẹ nhàng có thể được chỉ định để hạn chế khả năng xảy ra tình trạng dính da.
2.2. Từ 4 – 8 tuần: Luyện tập nhẹ nhàng phòng teo cơ & biến dạng
Sau 4 – 8 tuần phẫu thuật, người bệnh có thể được chỉ định tập các bài tập vật lý trị liệu đứt gân tay nhẹ nhàng để hạn chế xảy ra tình trạng yếu cơ, teo cơ, thậm chí là biến dạng ngón tay. Các bài tập phục hồi chức năng đứt gân tay sẽ được chỉ định riêng với mỗi người cho phù hợp nhất với mức độ hồi phục của bệnh nhân. Trong tuần thứ 7, nếu có hiện tượng co rút, bác sĩ có thể sẽ chỉ định mang nẹp kéo giãn ngón tay.
2.3. Sau 8 tuần: Phục hồi chức năng tinh vi bàn tay
Ở giai đoạn này, bệnh nhân đã có thể được tháo nẹp, hoạt động tay nhẹ nhàng, gấp chủ động có đề kháng trung bình đến mạnh và tập chức năng sinh hoạt hằng ngày. Các bài tập vật lý trị liệu đứt gân tay sẽ được điều chỉnh tăng dần về cường độ so với giai đoạn trước nhằm thúc đẩy quá trình hồi phục, tăng sức mạnh và mức độ ổn định của gân.
Để hiểu rõ hơn về quy trình, các bài tập vật lý trị liệu đứt gân ngón tay, bạn có thể tham khảo bài viết “Vật lý trị liệu đứt gân ngón tay: 4 điều quan trọng cần biết”.
3. Vật lý trị liệu sau phẫu thuật đứt gân bàn tay
Đứt gân xảy ra ở bàn tay có thể gây ra nhiều di chứng cho người bệnh, đặc biệt là tay co quắp hoặc tay duỗi ngửa. Tay co quắp là bàn tay có các ngón tay co lại, khép lại và rất khó mở. Tay duỗi cứng là bàn tay có các ngón tay bị duỗi cứng ra, khó gấp lại được. [4]
Dưới đây là các bài tập vật lý trị liệu đứt gân tay cho mỗi trường hợp tay co quắp hoặc duỗi cứng, giúp tăng tính linh hoạt và khả năng vận động bàn tay.
3.1. 4 bài tập cho bàn ngón tay bị duỗi cứng
Bài 1: Bài tập bóp bóng
Lợi ích bài tập: Giúp tay tăng cường độ ôm và các khớp ngón tay chuyển động.
Dụng cụ: 1 quả bóng nhỏ, có thể sử dụng loại bóng tennis mềm hoặc bóng hơi có thể bóp.
Bài tập:
- Bước 1: Cầm bóng trong lòng bàn tay.
- Bước 2: Bóp bóng hết sức và giữ lại khoảng 5 giây.
- Bước 3: Thả tay thư giãn rồi tiếp tục lặp lại động tác.
Tần suất luyện tập: 15 – 20 cái/lần, 2 – 3 lần/ngày. [5]
Bài 2: Bài tập nắm tay
Lợi ích bài tập: Bài tập vật lý trị liệu đứt gân tay có tác dụng vào các khớp ngón tay, giúp bàn tay bạn chuyển động linh hoạt hơn.
Bài tập:
- Bước 1: Mở bàn tay và duỗi thẳng các ngón tay
- Bước 2: Từ từ co các ngón tay lại hết mức. Lưu ý chỉ thực hiện nhẹ nhàng, để tránh ảnh hưởng đến vết thương đang trong quá trình hồi phục.
- Bước 3: Mở bàn tay về tư thế ban đầu.
Tần suất luyện tập: Lặp lại 10 cái/lần. Có thể thực hiện bất cứ lúc nào. [6]
Bài 3: Bài tập gập các đốt bàn ngón tay
Lợi ích bài tập: Giúp dây chằng linh hoạt hơn, các khớp ngón tay tránh được tình trạng xơ cứng.
Bài tập:
- Bước 1: Giơ bàn tay ra phía trước mặt.
- Bước 2: Từ từ gập các khớp ngón tay vào trong lòng bàn tay, tưởng tượng như động tác giơ vuốt của con mèo.
- Bước 3: Giữ trong khoảng 30 giây rồi mở lại bàn tay về tư thế ban đầu.
Tần suất luyện tập: Lặp lại 10 cái/lần. Có thể thực hiện bất cứ lúc nào. [5]
Bài 4: Bài tập làm chữ “O”
Lợi ích bài tập: Giúp khớp ngón tay hoạt động bình thường, có thể thực hiện bài tập vật lý trị liệu đứt gân tay này bất cứ khi nào bạn cảm thấy tay bị đau hoặc cứng.
Bài tập:
- Bước 1: Bắt đầu bằng tay phải, các ngón tay duỗi thẳng, chỉ lên trên
- Bước 2: Từ từ cong ngón trỏ vào trong cho đến khi chạm ngón tay cái và tạo thành hình chữ “O”
- Bước 3: Giữ vị trí này trong 30 giây
- Bước 4: Lần lượt đổi sang các ngón tay khác (ngón giữa, ngón tay đeo nhẫn và ngón tay út)
- Bước 5: Lại duỗi thẳng các ngón tay một lần nữa và lặp lại
Tần suất luyện tập: Lặp lại 10 cái/lần. Có thể thực hiện bất cứ lúc nào. [5]
3.2. 3 bài tập cho tay bị co quắp
Bài 1: Bài tập nâng ngón tay
Lợi ích bài tập: Tương tự như các bài tập vật lý trị liệu đứt gân tay khác, bài tập nâng ngón tay giúp các cơ ngón tay được di chuyển linh hoạt hơn, các khớp gân, cơ ở bàn tay được phục hồi mạnh mẽ hơn.
Bài tập:
- Bước 1: Đặt bàn tay lên bàn, úp bàn tay xuống dưới.
- Bước 2: Dùng lực nâng từng ngón tay lên khỏi mặt bàn. Có thể sử dụng tay còn lại để hỗ trợ.
- Bước 3: Giữ trong khoảng 5 giây rồi hạ ngón tay xuống và thực hiện liên tiếp cho từng ngón tay.
Tần suất luyện tập: Lặp lại 10 – 12 lần mỗi ngày. [5]
Bài 2: Bài tập dạng khép các ngón
Lợi ích bài tập: Bài tập vật lý trị liệu đứt gân tay này giúp bàn tay thư giãn, giảm tình trạng đau ở các ngón tay, cải thiện phạm vi chuyển động hiệu quả.
Bài tập:
- Bước 1: Đặt bàn tay trên bàn, bàn tay úp.
- Bước 2: Nhẹ nhàng duỗi các ngón tay, kéo căng hết mức có thể.
- Bước 3: Giữ trong khoảng 30 – 60 giây rồi thả lỏng về trạng thái ban đầu.
Tần suất luyện tập: Lặp lại 10 lần mỗi ngày. [5]
Bài 3: Bài tập với dây chun
Lợi ích bài tập: Giúp bàn tay thư giãn, giảm tình trạng đau ở các ngón tay, cải thiện phạm vi chuyển động hiệu quả.
Dụng cụ: 1 dây chun nhỏ.
Bài tập:
- Bước 1: Ngồi thoải mái, đặt cẳng tay lên bàn với bàn tay ngửa và chụm các đầu ngón tay.
- Bước 2: Dùng dây chun đeo qua các đầu ngón tay
- Bước 3: Cố gắng dùng các đầu ngón tay kéo giãn dây chun hết mức có thể.
- Bước 4: Giữ trong khoảng 15 giây rồi thả lỏng về tư thế ban đầu.
Tần suất luyện tập: 30 phút/lần, mỗi ngày tập 2 lần sáng và chiều. [7]
4. Vật lý trị liệu đứt gân cẳng tay
Đây là chấn thương nghiêm trọng, đòi hỏi quá trình hồi phục lâu dài. Các bài tập vật lý trị liệu đứt gân tay sẽ giúp giảm đau, sưng tấy, phục hồi khả năng vận động, tăng sức mạnh cơ, phòng ngừa co rút cơ và duy trì sự linh hoạt của khớp. Dưới đây là các bài tập cho trường hợp đứt gân cơ sấp và cơ ngửa cẳng tay.
Bài 1: Bài tập sấp bàn tay
Lợi ích bài tập: Giúp làm vững và trơn tru gân sấp và ngửa cẳng tay.
Bài tập:
- Bước 1: Đứng thẳng lưng, hai tay thả lỏng.
- Bước 2: Đưa cẳng tay lên vuông góc với thân người, lòng bàn tay hướng lên trên.
- Bước 3: Từ từ xoay cẳng tay, chuyển bàn tay từ ngửa sang úp.
- Bước 4: Lặp lại liên tục động tác lật – úp trong khoảng 4 phút, sau đó nghỉ 1 phút.
Tần suất luyện tập: Mỗi ngày thực hiện khoảng 2 giờ. [8]
Bài 2: Bài tập quay sấp với gậy gỗ
Lợi ích bài tập: Giúp các cơ sấp cẳng tay trở nên trơn tru hơn.
Dụng cụ: 1 cây gậy gỗ thẳng dài 80cm, đường kính khoảng 4cm.
Bài tập:
- Bước 1: Chia gậy thành hai phần đều nhau và cầm gậy gỗ ở vị trí 30cm
- Bước 2: Giữ cho gậy gỗ thẳng với phần dưới ngắn hơn, khuỷu tay vuông góc, cẳng tay hướng về phía trước.
- Bước 3: Nhẹ nhàng quay sấp cẳng tay, giữ khoảng 5 – 10 giây.
- Bước 4: Đưa gậy trở lại vị trí ban đầu.
Tần suất luyện tập: Tập vào 2 buổi sáng – chiều, 3 – 5 hiệp/buổi, 10 – 15 lần/hiệp, giữa các hiệp nghỉ ngơi 5 – 7 phút. [9]
Bài 3: Bài tập sấp ngửa có kháng trở
Lợi ích bài tập: Tác dụng vào các cơ và gân cổ tay, làm khỏe cơ, giãn gân, giúp cử động linh hoạt.
Dụng cụ: Có thể sử dụng dây chun hoặc tạ nhẹ để hỗ trợ nâng cao cường độ tập.
Bài tập:
- Bước 1: Ngồi thoải mái và đặt cẳng tay lên bàn với bàn tay sấp.
- Bước 2: Không di chuyển cẳng tay, gập bàn tay lên trên hết cỡ.
- Bước 3: Cố gắng giữ tay cho đến khi có cảm giác đau và không thể tiếp tục giữ.
- Bước 3: Từ từ gập tay xuống.
Tần suất luyện tập: Lặp lại bài tập vật lý trị liệu đứt gân tay 4 lần, mỗi lần 10 nhịp. [10]
Bài 4: Bài tập chắp tay
Lợi ích bài tập: Làm khỏe cơ, giãn gân, giúp cử động linh hoạt.
Bài tập:
- Bước 1: Chắp 2 tay trước ngực sao cho từ ngón tay đến khuỷu tay áp sát vào nhau.
- Bước 2: Giữ hai lòng bàn tay áp sát vào nhau, từ từ hạ hai tay xuống hông, cánh tay và khuỷu tay xòe ra.
- Bước 3: Giữ nguyên trong 30 giây, sau đó nâng tay lên về vị trí ban đầu và lặp lại.
Tần suất luyện tập: Lặp lại 4 lần, mỗi lần 10 nhịp. [11]
Bài 5: Bài tập với dây trợ lực
Lợi ích bài tập: Tác động làm khỏe gân cổ và khuỷu tay.
Dụng cụ: Dây trợ lực.
Bài tập:
- Bước 1: Quấn dây trợ lực qua chân và bàn tay, lòng bàn tay hướng lên trên, khuỷu tay giữ bên sườn.
- Bước 2: Cố gắng nâng cổ tay lên cao và siết cơ cẳng tay.
- Bước 3: Giữ khoảng 10 giây và từ từ thả xuống.
Tần suất luyện tập: Thực hiện 15 lần. [12]
5. 4 lưu ý khi tập vật lý trị liệu đứt gân tay
Vật lý trị liệu đứt gân tay được kết hợp trong quá trình điều trị sau phẫu thuật, giúp tổn thương mau chóng hồi phục. Bạn cần lưu ý 4 điều sau để đảm bảo quá trình trị liệu được an toàn và mang lại hiệu quả cao:
1 – Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa: Cường độ và thời gian áp dụng vật lý trị liệu sẽ tùy thuộc vào tình trạng phục hồi của bệnh nhân. Thực hiện tập quá sớm sau phẫu thuật sẽ dễ làm rách mối nối gân, thực hiện tập quá muộn sẽ khiến gân bị dính, xơ cứng, khó phục hồi.
2 – Người bệnh nên thực hiện từ từ, không quá nóng vội: Vật lý trị liệu thường được thực hiện sau khi bệnh nhân tháo nẹp cố định. Lúc này vị trí gân còn khá yếu, bệnh nhân cần luyện tập nhẹ nhàng và dần dần tăng cường độ bài tập để đảm bảo an toàn, hiệu quả, tránh tác động mạnh đến vị trí tổn thương.
3 – Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất: Người bệnh nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống đủ nước,… và tránh các loại chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,… [13]
4 – Tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý: Bạn nên giữ tâm trạng thoải mái, lạc quan và có thời gian tập luyện, nghỉ ngơi phù hợp, tránh luyện tập quá mức để hạn chế tái phát chấn thương, làm chậm quá trình hồi phục. [14]
6. Giải đáp 2 câu hỏi thường gặp về phục hồi chức năng đứt gân tay
Câu 1: Cần điều trị vật lý trị liệu đứt gân tay trong bao lâu?
Thời gian hồi phục sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ chấn thương, tuổi tác, tình trạng sức khỏe, sự tuân thủ tập luyện,… của người bệnh. Nếu bệnh nhân đã phẫu thuật nối gân được 1 tháng và tập vật lý trị liệu – phục hồi chức năng tích cực thì thời gian lành trung bình là 3 – 6 tháng. [15]
Câu 2: Khi điều trị vật lý trị liệu đứt gân tay nên ăn uống như thế nào?
Bệnh nhân nên ăn uống đủ chất (thịt, cá, rau, trứng, sữa,…), tránh các thực phẩm gây dị ứng và uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày. [16] Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần kiêng các loại thức ăn sau:
- Thức ăn có nhiều dầu mỡ, chất béo,…: Có thể gây viêm, đau nhức, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như béo phì, huyết áp, tim mạch,…
- Thức ăn cay nóng: Có thể làm tăng tình trạng đau, căng cứng, cản trở quá trình hồi phục, thậm chí gây viêm nhiễm tại vết thương.
- Thực phẩm chứa chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê,…: Có thể gây tổn hại đến sức khỏe và làm chậm quá trình phục hồi gân tay. [17]
Trên đây là tổng hợp 12 bài tập vật lý trị liệu đứt gân tay mà bạn có thể tham khảo. Đứt gân tay cần có quá trình hồi phục lâu dài. Do đó, người bệnh cần duy trì luyện tập thường xuyên theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, có tâm lý thoải mái, nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ để việc trị liệu đạt hiệu quả cao nhất.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến các bài tập phục hồi chức năng đứt gân tay, người bệnh hãy liên hệ với MYREHAB MATSUOKA để được tư vấn miễn phí trong thời gian sớm nhất.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.