Tập vật lý trị liệu rách chóp xoay sau phẫu thuật cho từng giai đoạn

Bài viết được viết bởi BS CKII. Bùi Hồng Thuý và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.

Chóp xoay (Rotator cuff) là nhóm gồm 4 cơ của khớp vai theo thứ tự từ trước ra sau đó là : cơ dưới vai, cơ trên gai, cơ dưới gai và cơ tròn bé. Nhóm các cơ nâng có tác dụng giữ vững khớp vai một phần không cho trật khớp và có nhiệm vụ cử động khớp vai. Chóp xoay khớp vai dễ bị viêm và đứt do khớp vai được sử dụng nhiều hoặc do chấn thương. Chóp xoay có thể bị rách ở bất kỳ vị trí nào nhưng hay gặp rách cơ trên gai.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm hay đứt chóp xoay:

  • Yếu tố cơ học (cử động của gân cơ trên gai).
  • Yếu tố mạch máu (giảm tưới máu).
  • Bệnh lý thoái hóa chóp xoay (viêm màng hoạt dịch gân gấp, bệnh lý gân, thoái hóa, rách chóp xoay do dinh dưỡng chóp xoay).

Đối với các bệnh nhân phẫu thuật, việc tập vật lý trị liệu rách chóp xoay sẽ phức tạp và được chia ra nhiều giai đoạn hơn. Bệnh nhân sau phẫu thuật chóp xoay cũng dễ có nguy cơ tái phát chấn thương hơn, đặc biệt là trong những giai đoạn đầu. Do đó, bệnh nhân cần cực kỳ lưu ý các phương pháp vật lý trị liệu sau để áp dụng đúng trong từng giai đoạn để ngăn ngừa biến chứng và giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng. Sau đây là các thông tin quan trọng về tập vật lý trị liệu rách chóp xoay và các bài tập đơn giản cho bệnh nhân.

1. Giai đoạn bảo tồn tối đa (1 tuần sau phẫu thuật)

Mục tiêu: Kiểm soát sưng nề và giảm đau, bảo vệ và tránh làm hỏng các mũi khâu trong khớp, bắt đầu vận động nhẹ nhàng tay và vai.

Phương pháp vật lý trị liệu:

  • Chườm đá lạnh vào khớp vai 10 đến 15 phút cách 2 giờ.
  • Treo tay bằng túi treo tay hoặc nẹp Desault giữ khuỷu luôn hướng ra trước.
  • Tháo nẹp ngày vài lần: Tập vận động thụ động khớp vai, tập dạng khớp vai thụ động từ 0 – 60 độ, không chủ động nâng vai và cánh tay ra xa cơ thể.
  • Vận động nhẹ nhàng khuỷu, cơ tay và các ngón tay.
  • Tập co cơ tĩnh toàn bộ tay phẫu thuật.
Đối với bệnh nhân phẫu thuật, bệnh nhân cần tập vật lý trị liệu rách chóp xoay nhẹ nhàng
Đối với bệnh nhân phẫu thuật, bệnh nhân cần tập vật lý trị liệu rách chóp xoay nhẹ nhàng và vận động trị liệu thụ động trong giai đoạn bảo tồn tối đa để tránh tái phát chấn thương

1.1. Bài tập gồng/co cơ tĩnh

Bước 1: Đứng đối diện với tường, đặt cẳng tay theo góc 90 độ.

Bước 1

Bước 2: Dùng sức ép cẳng tay sát với tường, lưu ý giữ vững vai, không được di chuyển vai.

Bước 2

Tần suất tập: Lặp lại 10 – 15 lần, tập khoảng 4 – 5 lần mỗi ngày.

Lưu ý: Bạn chỉ cần ấn nhẹ vào tường để kích hoạt cơ vai, nếu tập vật lý trị liệu rách chóp xoay gây đau, hãy nghỉ ngơi.

1.2. Bài tập nắm – mở bàn tay

  • Bước 1: Để tay ở trạng thái thả lỏng
  • Bước 2: Khum bàn tay sao cho ngón cái song song với 4 ngón tay còn lại.
  • Bước 3: Khép 4 ngón tay còn lại thành nắm đấm (nhưng không khép ngón cái).
  • Bước 4: Duỗi tay, thả lỏng, trở về tư thế duỗi thẳng bàn tay ban đầu.

Tần suất tập: 10 lần/hiệp, tập khoảng 4 – 5 lần mỗi ngày.

2. Giai đoạn bảo tồn có điều chỉnh (2 – 5 tuần sau phẫu thuật)

Theo tham vấn của BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan, sau khi bệnh nhân đã nhận thấy những dấu hiệu tiến bộ sau giai đoạn đầu tiên, bệnh nhân có thể tiến vào thực hiện các bài tập vật lý trị liệu rách chóp xoay trong giai đoạn 2 như sau:

  • Tiếp tục treo tay và sử dụng nẹp đến 4 tuần sau mổ.
  • Tháo nẹp ngày vài lần, tập vận động thụ động khớp vai, dang vai đến 70 độ, nâng thụ động đến 60 độ, xoay trong – xoay ngoài giới hạn từ 30 – 60 độ. Không được chủ động nâng cánh tay ảnh hưởng đến chóp xoay sau phẫu thuật.
  • Sau 4 tuần: tập vận động chủ động nhẹ khớp vai có trợ giúp: Đưa tay ra trước, ra sau, xoay trong, xoay ngoài khớp vai. Sau 4 tuần chóp xoay phải đạt được 20% sức mạnh bình thường.
  • Tập vận động thụ động lấy lại tầm vận động khớp vai với cường độ tăng dần trong mức cho phép: khi khớp vai cứng, dính và đau, không được tập mạnh, tập các bài tập tăng dần cường đô.
  • Tránh xoay ngoài quá mức, chỉ tập chủ động có trợ giúp nhẹ.

2.1. Xoay khớp vai có trợ giúp

  • Bước 1: Bệnh nhân nằm trên giường, hai tay duỗi thẳng ép sát vào cơ thể. 
  • Bước 2: Người hỗ trợ nắm vào khuỷu tay và cổ tay giúp xoay khớp tay của bệnh nhân theo hướng ra ngoài.
  • Bước 3: Giữ trong khoảng 5 giây. 
  • Bước 4: Trở về tư thế cũ, thư giãn tay.
  • Bước 5: Lặp lại các bước trên 5 lần. 

Tần suất tập: 2-3 lần/ngày

2.2. Bài tập dao động cánh tay

Bước 1: Một tay bám vào ghế hoặc bàn, tay cần tập buông thõng.

Bước 2: Dao động tay đau nhẹ nhàng theo hướng trước sau, ngang và vòng tròn. Thực hiện trong khoảng 10 giây.

Bài tập dao động cánh tay tập vật lý trị liệu sau rách chóp xoay
Bài tập dao động cánh tay tập vật lý trị liệu sau rách chóp xoay

Tần suất tập: Tiếp tục thực hiện các động tác khoảng 5 lần/hiệp, 2 – 3 lần mỗi ngày

Lưu ý: Khi dao động canh tay tránh đưa ra sau lưng hoặc bị chạm vào đầu gối

2.3. Tập rướn khớp vai

  • Bước 1: Nằm thẳng trên giường, giơ tay cần tập thẳng 1 góc 90 độ so với sàn.
  • Bước 2: Rướn khớp vai theo phương thẳng đứng. Giữ nguyên tư thế trong khoảng 4 giây.
  • Bước 3: Thả lỏng và di chuyển tay về vị trí cũ.

Tần suất tập: 5 – 10 lần/hiệp. 2 – 3 lần/ngày.

Bài tập rướn vai
Hướng dẫn bài tập rướn vai

3. Giai đoạn phục hồi vận động (5 – 8 tuần sau phẫu thuật)

Sau 5 tuần, bệnh nhân cần bảo vệ chóp xoay khớp vai, tránh các động tác quá mức cho dây chằng và tăng dần biên độ vận động khớp vai.

Giai đoạn này bệnh nhân tập vật lý trị liệu rách chóp xoay như sau:

  • Bắt đầu tháo bỏ nẹp tay.
  • Tiếp tục các bài tập vận động chủ động khớp vai để lấy lại tầm vận động của khớp.
  • Tập thụ động với biên độ gập duỗi, dạng khép tăng dần, đưa dần khớp vai lên cao, tránh nâng quá mức vì sẽ ảnh hưởng đến vết khâu chóp xoay.
  • Tập dạng vai, tập xoay trong và xoay ngoài cánh tay 90 độ.
  • Tập mạnh sức cơ với tạ nhỏ (0,5 – 1kg), dây kháng lực.
  • Tập các sinh hoạt hàng ngày với tay phẫu thuật.
Bệnh nhân có thể bắt đầu tập luyện hoàn toàn chủ động, tăng thêm sức nặng và kháng lực trong giai đoạn phục hồi vận động
Bệnh nhân có thể bắt đầu tập luyện hoàn toàn chủ động, tăng thêm sức nặng và kháng lực trong giai đoạn này

3.1. Bài tập kéo dây tập căng vai

Dụng cụ tập: Dây kéo giãn hoặc dây kháng lực. 

Các bước tập: 

  • Bước 1: Cố định dây vào một điểm tựa sao cho có 2 điểm để cầm. 
  • Bước 2: Hai tay cầm vào 2 đầu dây, đứng thẳng lưng.
  • Bước 3: Dùng sức ở vai kéo dây sát vào mình sao cho 2 bắp tay áp sát cơ thể.
  • Bước 4: Giữ tư thế trong 3 giây.
  • Bước 5: Thả lỏng, trở về tư thế ban đầu.

Tần suất tập: Thực hiện khoảng 5 lần, tập 2-3 lần mỗi ngày.

3.2. Tập co kéo khớp vai

Dụng cụ tập: Dây kháng lực.

Cách tập:

  • Bước 1: Cầm vào 2 đầu dây, dùng sức kéo 2 đầu dây về 2 phía.
  • Bước 2: Giữ tư thế trong 3 giây, thả lỏng, trở về tư thế ban đầu.

Tần suất tập: Thực hiện khoảng 5 lần, tập 2-3 lần mỗi ngày.

Hướng dẫn bài tập co kéo khớp vai
Hướng dẫn bài tập co kéo khớp vai

3.3. Bài tập kéo giãn căng vai

Cách tập:

  • Bước 1: Cố định một đầu dây vào 1 điểm tựa, cầm vào đầu dây còn lại sao cho tay vuông góc với dây.
  • Bước 2: Dùng sức kéo dây, mở tay 1 góc khoảng 50 độ. Giữ nguyên trong khoảng 3 giây. Sau đó, hạ tay về vị trí cũ.

Tần suất tập: Lặp lại các động tác khoảng 5 lần/ ngày

Lưu ý: Không nên kéo quá căng dây hoặc mở tay quá 50 độ, có thể khiến khớp vai hoạt động quá khả năng dẫn đến chấn thương ngược.

Hướng dẫn bài tập kéo căng khớp vai
Hướng dẫn bài tập kéo căng khớp vai

4. Giai đoạn phục hồi vận động tối đa (Từ tuần 8 – 12 sau phẫu thuật)

Ở giai đoạn phục hồi vận động tăng cường, bệnh nhân cần giữ an toàn cho khớp vai sau mổ, phục hồi lại tất cả các biên độ vận động của khớp vai và tiếp tục tập luyện sức cơ vai để lấy lại tầm vận động tối đa. Lúc này, bệnh nhân có thể:

  • Tập các bài tập vật lý trị liệu rách chóp xoay như giai đoạn 3 với cường độ tăng dần, tránh làm đau quá mức khớp vai khi vận động
  • Bắt đầu tập vận động chủ động khớp vai với sức cản nhẹ.
  • Xoay ngoài 90 độ với cánh tay khép, xoay trong đến phía sau lưng, đưa dạng tay sang ngang, đưa tay phía sau đầu, nằm nghiêng xoay trong 90 độ khép.
  • Không nâng vật nặng.

4.1. Nằm nghiêng xoay vai

  • Bước 1: Nằm nghiêng trên giường sao cho bên tay cần tập hướng lên trên, kẹp cuộn khăn vào bên tay cần tập, đặt tay 1 góc 90 độ so với giường.
  • Bước 2: Xoay cẳng tay theo phương thẳng đứng. 
  • Bước 3: Thực hiện động tác khoảng 5 lần.

Tần suất tập: Tập 5 lần mỗi ngày. [2]

Trong các phương pháp trên, bệnh nhân cần chú ý tới phương pháp vận động nhất. Bởi việc vận động nhiều sẽ giúp chóp xoay nâng cao tính linh hoạt và mở rộng tầm vận động một cách hiệu quả nhất.

5. 6 lưu ý khi tập vật lý trị liệu rách chóp xoay

Trong quá trình phục hồi sau rách chóp xoay, bệnh nhân cần lưu ý các điều sau để giúp bổ trợ cho khả năng phục hồi của cơ thể:

1 – Đeo đai hỗ trợ vai trong quá trình điều trị: Bệnh nhân không phẫu thuật sau khi được chỉnh hình và điều trị xong cần đeo đai hỗ trợ trong khoảng 4 tuần. Bệnh nhân sau phẫu thuật cần đeo đai bất động vai trong giai đoạn đầu để tránh tác động vào vết mổ gây hở vết thương và nhiễm trùng.

Bệnh nhân cần đeo nẹp hỗ trợ vai trong suốt quá trình phục hồi chức năng để tránh chấn thương
Bệnh nhân cần đeo nẹp hỗ trợ vai trong khoảng thời gian phục hồi chức năng theo chỉ định để tránh gặp chấn thương

2 – Tuân thủ theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ: Bệnh nhân cần phải tuân thủ đúng hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ, kỹ thuật viên trong suốt quá trình trị liệu, kể cả ở bệnh viện hay tại nhà. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần kiên trì tập luyện, duy trì tập vật lý trị liệu rách chóp xoay mỗi ngày cho đến khi hoàn thành chương trình phục hồi chức năng, không nên nóng vội hay bỏ giữa chừng sẽ ảnh hưởng đến kết quả sau cùng.

Bác sĩ Myrehab Matsuoka chẩn đoán lâm sang cho bệnh nhân
Người bệnh sẽ được thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng và đưa ra những đánh giá cụ thể về mức độ chức năng

3 – Áp dụng các bài tập tăng cường cơ vòng quay và xương bả vai vào thói quen tập thể dục: Để tránh các biến chứng với chóp xoay, bệnh nhân cần tham khảo và bổ sung các chương trình tập thể dục và tăng cường sức mạnh tổng thể có thể cải thiện sức khỏe của vai.

Bệnh nhân cần áp dụng nhiều bài tập tăng cường chóp vai để tăng cường sức mạnh tổng thể cho khớp vai
Bệnh nhân cần áp dụng nhiều bài tập tăng cường chóp vai để tăng cường sức mạnh tổng thể cho khớp vai

4 – Không lặp đi lặp lại quá nhiều những động tác sử dụng cánh tay quá đầu như: chơi bóng chày, golf, cầu lông, quần vợt…: Các động tác này có thể khiến chấn thương chóp xoay của bạn trở nên tệ hơn và khiến bạn dễ gặp chấn thương trở lại hơn. Nếu công việc của bạn yêu cầu những động tác như vậy, hãy xin lời khuyên của bác sĩ vật lý trị liệu để tìm hiểu các vị trí đặt cánh tay có thể sử dụng với ít rủi ro hơn.

Sau khi rách chóp xoay, bệnh nhân không nên chơi các môn thể thao sử dụng lực vai quá mạnh như tennis, golf...
Bệnh nhân không nên chơi các môn thể thao sử dụng lực vai quá mạnh như tennis, golf… với tần suất nhiều sau khi rách chóp xoay

5 – Tránh ngủ nghiêng với cánh tay duỗi thẳng qua đầu hoặc nằm trên vai: Những vị trí này có thể bắt đầu quá trình gây tổn thương chóp xoay và có thể làm tăng mức độ đau của bạn. Bạn nên nằm và duỗi vai thẳng, tránh để phần vai bị đè lên hoặc di chuyển qua đầu trong lúc ngủ.

Bệnh nhân tránh ngủ nghiêng với cánh tay duỗi thẳng qua đầu hoặc nằm trên vai
Bệnh nhân không nên ngủ nghiêng và đè lên phần khớp vai rách chóp xoay, điều này có thể gây ra áp lực và khiến chóp xoay đau trở lại

4. 2 câu hỏi thường gặp về tập vật lý trị liệu sau rách chóp xoay

Câu 1: Tập vật lý trị liệu rách chóp xoay mất bao lâu?

Phải mất từ 6 – 8 tuần để gân và xương lành lại. Thời gian phục hồi hoàn toàn sau chấn thương thay đổi tùy theo kích thước và độ nghiêm trọng của chấn thương. Đối với vết rách nhỏ và không cần phẫu thuật, thời gian hồi phục hoàn toàn là khoảng từ 1 – 4 tháng, đối với vết rách lớn là từ 6 tháng. Đối với những vết rách nghiêm trọng và tổn thương sâu hơn, quá trình hồi phục hoàn toàn có thể mất từ ​​​​6 – 12 tháng.

Bệnh nhân có thể hoạt động bình thường trở lại sau phẫu thuật từ 12 tuần. Tuy nhiên, đối với các môn thể thao yêu cầu hoạt động mạnh, bệnh nhân có thể bị hạn chế từ 4 tới 6 tháng.

Bệnh nhân có thể hoạt động bình thường trở lại sau phẫu thuật rách chóp xoay từ 12 tuần
Thông thường, bệnh nhân sẽ hồi phục sau khoảng trung bình từ 1-4 tháng

Câu 2: Người bệnh sau khi rách chóp xoay cần hạn chế gì?

Sau khi rách chóp xoay, bệnh nhân cần phải hạn chế những hoạt động sau để tránh tác động không tốt tới vết thương:

  • Tắm: 48 giờ (sau 48 giờ có thể tắm rửa nhưng không được làm ướt vết thương và để vết thương tiếp xúc với hóa chất làm sạch như sữa tắm, dầu gội…)
  • Lái xe: 6 tuần
  • Đẩy/kéo: 12 tuần
  • Làm các hành động thường ngày sử dụng tay: 6 tuần
  • Đưa tay quá đầu: 12 tuần
  • Mang/cầm đồ vật: 12 tuần
Bệnh nhân rách chóp xoay không nên mang, vác hoặc cầm vật nặng trong suốt thời gian phục hồi
Bệnh nhân rách chóp xoay không nên mang, vác hoặc cầm vật nặng trong suốt thời gian phục hồi để tránh gây áp lực lên vai

Như vậy, bài viết đã cung cấp toàn bộ những thông tin thiết thực liên quan tới quy trình tập vật lý trị liệu rách chóp xoay cũng như các bài tập bổ ích và đơn giản mà bệnh nhân có thể tự tập luyện tại nhà. Rách chóp xoay là một tình trạng bệnh không quá nặng, nhưng nếu không biết cách chữa trị và tập luyện, căn bệnh có thể gây ra chấn thương lâu dài cho bệnh nhân.

Để được thăm khám và tư vấn kỹ lượng nhất về tập vật lý trị liệu rách chóp xoay, bệnh nhân có thể tìm đến Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka với đội ngũ y bác sĩ và nhân viên kỹ thuật tay nghề giỏi và nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực vật lý trị liệu sẽ cung cấp phác đồ điều trị hoàn toàn được cá nhân hóa dựa trên tình trạng và thể lực của bệnh nhân, đảm bảo phù hợp với mục tiêu điều trị. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại trung tâm cũng đảm bảo chất lượng 5 sao, được bảo dưỡng thường xuyên với các trang thiết bị máy móc hiện đại nhập khẩu từ Châu u.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 07/07/2022Ngày cập nhật: 23/07/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo