Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB – MATSUOKA.
Tập vật lý trị liệu có thể đem đến những cơn nhức mỏi cơ bắp nhẹ trong khoảng 24 – 48 giờ. Theo các chuyên gia y tế, đây là những “cơn đau tốt”, giúp kích thích cơ bắp phục hồi hiệu quả. Nếu bệnh nhân gặp những cơn đau nhức xương khớp dai dẳng, thì hãy liên hệ ngay với bác sĩ trị liệu ngay nhé!
Theo dõi bài viết sau để có câu trả lời chính xác nhất cho vấn đề tập vật lý trị liệu có đau không!
1. Tập vật lý trị liệu có thể đau với 3 mức độ
Theo James C. Watson, MD, Mayo Clinic College of Medicine and Science, có 3 mức độ đau mà bệnh nhân có thể gặp khi tập vật lý trị liệu, bao gồm:
- Mức độ 1: Không đau hoặc đau rất ít, không đáng kể.
- Mức độ 2: Nhức mỏi ở mức độ vừa phải trong vài buổi tập đầu.
- Mức độ 3: Đau nhức dai dẳng vùng đang chấn thương.
Tuy nhiên, theo các các chuyên gia vật lý trị liệu, khả năng chịu đau của mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sức chịu đựng cá nhân, tình trạng sức khỏe, yếu tố tâm lý,… Dưới đây là chi tiết từng trường hợp và mức độ đau có thể gặp khi tập vật lý trị liệu.
1.1. Mức độ 1: Không đau hoặc đau nhẹ “trong giây lát”
Đa số các phương pháp và bài tập vật lý trị liệu thường chỉ gây ra cảm giác đau rất nhẹ, “trong giây lát” để kích thích cơ bắp, cơ xương khớp phục hồi hiệu quả. Các bác sĩ và kỹ thuật viên sẽ lựa chọn các phương pháp vật lý trị liệu phù hợp, với những động tác nhẹ nhàng, chậm rãi và điều chỉnh bài tập trong suốt quá trình điều trị để đảm bảo bệnh nhân luôn cảm thấy thoải mái, tránh cảm giác đau.
Ví dụ:
- Các bài tập kéo giãn cơ nhẹ nhàng: Giúp tăng cường độ dẻo dai của cơ, giảm căng cứng cơ, từ đó giảm đau.
- Các bài tập tăng cường sức mạnh cơ: Giúp tăng cường sức mạnh của cơ, từ đó giúp cơ thể chịu được trọng lực tốt hơn, giảm áp lực lên các khớp, từ đó giảm đau.
- Các phương pháp trị liệu bằng nhiệt (chườm nóng, chườm lạnh, tắm nước nóng,…): Giúp giảm viêm, giảm đau, tăng cường lưu thông máu.
- Các phương pháp trị liệu bằng điện (kích thích điện, sóng ngắn,…): Giúp giảm đau, giảm viêm, tăng cường lưu thông máu, kích thích cơ bắp co bóp.
>>> Xem thêm: Điện xung trong vật lý trị liệu
Cảm nhận từ khách hàng: Bệnh nhân Đ.T.N.L, Nữ 39 tuổi, điều trị đau vùng cổ gáy tại Trung tâm Trị liệu & Phục hồi chức năng MYRREHAB MATSUOKA chia sẻ: “Tôi bị đau cứng cơ vùng cổ, vai gáy, khó chuyển động cổ. Trong quá trình điều trị tại Trung tâm, khi các kỹ thuật viên thực hiện các kỹ thuật vật lý trị liệu như xoa bóp, điện xung hay hướng dẫn 1 số bài tập, ban đầu tôi cũng có cảm thấy hơi đau, nhưng sau khi tập xong thì thấy khá thoải mái, phần cổ vai gáy của tôi nhẹ hơn và dễ chuyển động hơn”.
1.2. Mức độ 2: Nhức mỏi ở mức độ vừa phải trong vài buổi tập đầu
Vì bệnh nhân đang sử dụng các vùng bị chấn thương, các vùng cơ, xương khớp đang gặp tổn thương nên việc cảm thấy nhức mỏi trong 1 vài buổi đầu tập vật lý trị liệu đầu là chuyện bình thường. Đặc biệt, với những người cao tuổi, người có sức chịu đựng kém có thể sẽ thấy khá đau.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Vật lý trị liệu Hoa Kỳ, đây được gọi là “cơn đau tốt” và là một phần tất yếu của quá trình trị liệu. Đó là cơ chế giúp các chấn thương, bệnh lý nhanh chóng được phục hồi và giúp cơ thể khoẻ mạnh hơn. Cơ chế này cũng tương tự như việc tập thể dục. Trong 1 vài ngày đầu sẽ cảm thấy đau nhức, mệt mỏi, nhưng khi cơ thể đã quen với việc tập luyện đó rồi thì cơn đau sẽ giảm dần theo thời gian và việc trị liệu dần hiệu quả.
Những cơn đau này thường chỉ ở mức 1-3/10 trên thang đo NRS-11 (Numeric Rating Scale) và sẽ giảm sau 24 – 48 giờ. Sau khi được các kỹ thuật viên điều hòa nhóm cơ, cảm giác nhức mỏi sẽ qua đi, người bệnh sẽ cảm thấy vùng cơ bắp hoàn toàn được thư giãn và dễ chịu.
Thông thường, bác sĩ sẽ khuyến cáo người bệnh thực hiện các biện pháp sau để giảm thiểu tình trạng mỏi cơ sau khi tập vật lý trị liệu:
- Massage nhẹ nhàng khu vực đau để cơ bắp được thư giãn, giảm cảm giác đau nhức và có lợi cho quá trình phục hồi.
- Dùng túi đá/khăn ngâm vào nước lạnh/nước ấm chườm lên các vị trí đau nhức khoảng từ 10 – 15 phút để thư giãn cơ bắp, không nên chườm quá lâu sẽ không tốt cho quá trình phục hồi, đồng thời gia tăng nguy cơ chấn thương cho cơ bắp.
Lưu ý: Nếu cơn đau kéo dài, bạn hãy để cho cơ bắp nghỉ ngơi khoảng 2 ngày sau khi tập luyện để phần cơ được hồi phục tốt hơn.
Cảm nhận từ khách hàng: Bệnh nhân Đ.Đ.C, Nam 62 tuổi, điều trị Hội chứng cổ vai cánh tay/ Đau thần kinh tọa/ Rối loạn chuyển hóa lipid, điều trị từ 21/8/2023 đến 21/9/2023 tại Trung tâm Phục hồi chức năng MYREHAB-MATSUOKA cho biết: “Khi điều trị vật lý trị liệu, các kỹ thuật viên có kéo giãn các nhóm cơ, tôi có thấy hơi đau, nhưng sau đó thì khá là thoải mái và dễ chịu.”
1.3. Mức độ 3: Đau nhức dai dẳng vùng đang chấn thương
Trường hợp này rất ít xảy ra vì bác sĩ và kỹ thuật viên sẽ cho bệnh nhân thực hiện các bài kiểm tra khả năng chịu đau để chỉ định phương pháp tập luyện phù hợp với mức độ chấn thương và tình trạng sức khỏe.
Thông thường, bệnh nhân chỉ cảm thấy đau nhức trong tình huống sau:
- Tập quá ngưỡng chịu đau của mình.
- Tự tập thêm tại nhà khi không có bác sĩ đồng hành, tập sai kỹ thuật, tập xong không giãn cơ đúng cách.
- Không chia sẻ cảm giác thật sự với bác sĩ vì có tâm lý muốn tập bài tập nặng để nhanh khỏi hơn, dẫn đến việc bác sĩ có thể thiết kế bài tập vật lý trị liệu nặng hơn so với khả năng chịu đau của bệnh nhân.
Thông thường sau khi điều trị vật lý trị liệu cơn đau sẽ giảm đi khi bệnh nhân nghỉ ngơi. Nếu cơn đau vẫn còn tăng lên sau 48 giờ trị liệu, đau ngay cả khi nghỉ ngơi, dai dẳng, kéo dài,… thì hãy liên hệ ngay với các bác sĩ trị liệu của mình để được chăm sóc và tư vấn ngay tức thì.
Hãy kể chi tiết nhất có thể về mức độ đau, vùng bị đau và những hành động làm cơn đau xuất hiện để bác sĩ dễ dàng hơn trong việc chẩn đoán nguyên nhân gây đau và điều chỉnh bài tập thích hợp, mang lại cảm giác thoải mái nhất khi tập luyện.
Cảm nhận từ khách hàng: Bệnh nhân Đ.Đ.C, Nam 62 tuổi, điều trị Hội chứng cổ vai cánh tay/ Đau thần kinh tọa/ Rối loạn chuyển hóa lipid tại Trung tâm Phục hồi chức năng MYREHAB-MATSUOKA từ ngày 21/8/2923 đến 21/9/2023 cho biết: “Lúc mới bắt đầu tập thì cảm thấy đau nhưng sau đó được các kỹ thuật viên hướng dẫn, chăm sóc nên cơn đau dịu đi, dần thì cảm thấy quen. Sau một thời gian điều trị, tôi cảm thấy bệnh của mình giảm rất nhiều, hết đau và vận động dễ dàng hơn xưa”.
Có thể bạn quan tâm: Châm cứu có phải là vật lý trị liệu không?
2. Cách khắc phục nếu bị đau khi tập vật lý trị liệu
Nếu trong quá trình tập vật lý trị liệu, bệnh nhân cảm thấy đau, hãy ghi nhớ những lưu ý sau:
- Nếu tập cùng các bác sĩ, kỹ thuật viên trị liệu: Dừng việc tập luyện và phản ánh ngay với chuyên gia, kỹ thuật viên của bạn để được hỗ trợ ngay lúc đó.
- Nếu tự tập tại nhà và bị đau nhẹ: Dừng việc tập luyện, nằm im một chỗ hoặc nhẹ nhàng giãn các cơ để không gặp các vấn đề nguy hiểm khác. Có thể nghỉ tập 1 – 2 ngày hoặc giảm cường độ tập để cơ thể hồi phục và bắt đầu tập lại bằng những bài tập nhẹ nhàng, đơn giản.
- Nếu tự tập tại nhà và bị đau nặng: Dừng việc tập luyện và liên hệ ngay với các bác sĩ, chuyên gia vật lý trị liệu tại các Trung tâm PHCN, Bệnh viện,… để được hỗ trợ và khắc phục nếu đã nghỉ ngơi nhưng vẫn không hết đau.
3. 3 lưu ý cần biết để tránh bị đau khi tập vật lý trị liệu
Để quá trình tập vật lý trị liệu đạt hiệu quả cao và không bị đau, người bệnh nên lưu ý một số vấn đề sau đây.
3.1. Chỉ tập vật lý trị liệu khi được chỉ định
Tập vật lý trị liệu có đau không, câu trả lời là có nếu bạn tập vật lý trị liệu sai, điều này sẽ mang đến nguy cơ chấn thương và làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh lý sẵn có.
Nếu gặp các bệnh lý hoặc chấn thương ảnh hưởng đến các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày, bệnh nhân hãy đến các Trung tâm PHCN, Bệnh viện,… để thăm khám và tham khảo ý kiến của bác sĩ xem có nên tập vật lý trị liệu hay không. Tuyệt đối không được tự tập vật lý trị liệu tại nhà nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
3.2. Cung cấp thông tin rõ ràng và chi tiết về cảm giác đau của mình
Thông thường khi thăm khám, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm một số bài kiểm tra nhỏ để đánh giá mức độ chịu đau. Lúc này, bệnh nhân cần hợp tác, trả lời trung thực những câu hỏi của bác sĩ, cung cấp thông tin rõ ràng và chi tiết về cảm giác đau của mình.
Việc này giúp các bác sĩ dễ dàng lựa chọn và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp với thể trạng của bệnh nhân, mang lại cảm giác thoải mái nhất khi trị liệu, tránh cảm giác lo lắng tập vật lý trị liệu có đau không trong ảnh hưởng tới quá trình điều trị.
3.3. Tuân thủ theo phác đồ trị liệu của bác sĩ thiết kế riêng
Bác sĩ có chuyên môn cao sẽ dựa vào khả năng chịu đau, tình trạng sức khỏe, vấn đề bệnh lý nền,… của bệnh nhân để đề xuất những điều cần tránh trong quá trình tập luyện. Vì vậy, thay vì quá lo lắng đến vấn đề tập vật lý trị liệu có đau không, bệnh nhân cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ để quá trình tập luyện hiệu quả, tránh tình trạng đau nhức, khó chịu.
Tập vật lý trị liệu không đau nếu như bệnh nhân tập luyện đúng theo sự hướng dẫn của kỹ thuật viên. Các bác sĩ sẽ kiểm tra và xác định khả năng chịu đau của bệnh nhân, từ đó đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Nếu trong quá trình luyện tập, người bệnh cảm thấy bị đau quá mức chịu đựng thì hãy chia sẻ với bác sĩ những cảm giác mình đang gặp phải để được điều chỉnh bài tập và cường độ phù hợp.
Ngoài băn khoăn về việc “tập vật lý trị liệu có đau không”, nếu còn câu hỏi khác liên quan đến hiệu quả của phương pháp tập vật lý trị liệu, người bệnh hãy liên hệ với MYREHAB để được tư vấn miễn phí.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.