Tổng hợp 7 phương pháp vật lý trị liệu hiệu quả cao, an toàn

Bài viết được viết bởi BS CKII. Bùi Hồng Thuý và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB – MATSUOKA.

Các phương pháp vật lý trị liệu đang phổ biến hiện nay là điện trị liệu, thủy trị liệu, nhiệt trị liệu, ánh sáng trị liệu, vận động trị liệu, kéo giãn trị liệu và xoa bóp trị liệu. Mỗi phương pháp sẽ có đặc điểm, đối tượng, bài tập,… khác nhau để phù hợp với từng loại bệnh. Bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây để nắm rõ hơn các phương pháp vật lý trị liệu cũng như đặc điểm của từng phương pháp nhé!

Các phương thức vật lý trị liệu

Đối tượng điều trị phù hợp

Điện trị liệu

Người mắc bệnh về cơ xương khớp, bị hội chứng cổ vai cánh tay, teo cơ, bại liệt,… 

Thủy trị liệu

Người mắc bệnh về viêm khớp, gout, viêm dây thần kinh, tăng tiết mồ hôi, giảm co cứng cơ, nứt nẻ, phù nề mãn tính, tuần hoàn kém, gãy xương, tổn thương mô mềm, bại liệt, phẫu thuật chỉnh hình, bỏng,…

Nhiệt trị liệu

Người mắc bệnh về thần kinh, thoát vị đĩa đệm, đau cổ vai gáy, đau nhức xương khớp, viêm không nhiễm khuẩn, phục hồi vết thương, vết loét lâu ngày, đau cấp,…

Ánh sáng trị liệu

Trẻ em còi xương, chậm lớn, người bị gãy xương hoặc mắc các bệnh về xương khớp, viêm khớp dạng thấp, đau thắt lưng hông, đau vai – gáy, người mới ốm dậy, bệnh nhân trong giai đoạn bình phục,…

Vận động trị liệu

Người mắc bệnh tai biến mạch máu não, chèn ép rễ thần kinh, viêm dây thần kinh, mắc bệnh liệt, co cơ, đang cần phục hồi sau tập luyện hoặc công việc nặng. 

Kéo giãn trị liệu

Người mắc bệnh đau lưng, đau vùng cổ gáy, đau cổ, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng,…

Xoa bóp trị liệu

Người mắc bệnh về cơ khớp, thần kinh, có vấn đề về tâm lý, phụ nữ mang thai,…

Các phương pháp vật lý trị liệu sẽ phù hợp với từng tình trạng, mức độ bệnh tình khác nhau nên bạn cần có sự tham vấn của bác sĩ trước khi điều trị để đảm bảo đem lại hiệu quả phục hồi tốt nhất nhé! 

1. Điện trị liệu

Thuộc nhóm các phương pháp vật lý trị liệu, điện trị liệu là phương pháp điều trị y tế không xâm lấn, không chỉ có điện xung mà còn bao gồm các phương thức khác như: Siêu âm trị liệu, sóng ngắn trị liệu, vi sóng,… để kích thích quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể. 

Điện xung trong vật lý trị liệu đem lại nhiều tác dụng cho người bệnh như: 

  • Giảm đau viêm, phù nề: Dòng điện cản trở quá trình các bó sợi thần kinh đau truyền thông tin lên não bộ. 
  • Hỗ trợ tuần hoàn: Bằng cách kích thích trực tiếp các mạch máu, điện xung sẽ giúp tăng lưu lượng máu, từ đó đẩy nhanh quá trình chuyển hóa tại chỗ và loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. 
  • Cải thiện sự linh hoạt cơ bắp: Các dòng điện xung kích thích vào các bó cơ, giúp cơ giãn ra và co vào một cách nhẹ nhàng, linh hoạt. 
  • Cải thiện loạn trương lực cơ: Người bệnh sẽ không kiểm soát được tứ chi và có các hành động bất thường. Dòng điện sẽ kích thích các tế bào thần kinh vận động khiến cơ bắp của bạn co lại và hoạt động bình thường. 
Phương pháp điện trị liệu
Điện trị liệu sử dụng dòng điện để phục hồi chức năng cho vùng bị tổn thương

Đối tượng chỉ định điều trị:

  • Người sau phẫu thuật hoặc chấn thương về cơ khớp như thấp khớp, thoái hóa khớp, hay viêm khớp. 
  • Người gặp các vấn đề cơ xương khớp: viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp.
  • Người mắc các hội chứng về tứ chi: tê bì tứ chi, giảm khả năng kiểm soát tay chân, liệt hai tay chân, rối loạn phản xạ tứ chi,…
  • Người bị đau dây thần kinh liên sườn: đau 1 bên sườn: đau do zona thần kinh,…
  • Người bị teo cơ, bại liệt, tổn thương thần kinh ngoại.
  • Người bị rối loạn hoạt động bàng quang hoặc gặp các vấn đề tiêu hóa khác như táo bón, giãn dạ dày,…

Các hình thức trên đều sử dụng trực tiếp dòng điện để điều trị cho người bệnh. Trong một số trường hợp sẽ có các biến chứng phát sinh trong quá trình chữa bệnh như cảm giác bị điện giật, dị ứng dòng điện,… bạn cần áp dụng điện trị liệu theo chỉ định của bác sĩ với tần suất hợp lý. 

6 liệu pháp được phân bổ dựa theo tần số điện thấp và trung bình
6 liệu pháp được phân bổ dựa theo tần số điện thấp và trung bình

2. Thủy trị liệu

Giới thiệu chung: Thủy trị liệu tận dụng các thành phần của biển như thủy nhiệt (bức xạ, bốc hơi nhiệt…), thủy động (sức nổi, áp suất thủy tĩnh…) và thủy hóa học (khoáng chất, sục khí…) tác động trực tiếp lên bề mặt da để phục hồi chức năng. Từ đó, thủy trị liệu có thể đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh như:

  • Cải thiện tuần hoàn máu: Áp suất nước tạo ra áp lực lên cơ thể, giúp kích thích sự co bóp, giãn cơ và lưu thông máu. 
  • Tăng cường hệ thống miễn dịch: Ảnh hưởng và áp suất nước lên cơ thể sẽ kích thích sự hoạt động của các tế bào miễn dịch, tăng cường khả năng đề kháng của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh.
  • Giảm đau viêm, phù nề: Nước tạo sức nặng với cơ bắp và khớp, giảm áp lực lên chúng, thường điều trị các bệnh về khớp, cơ, hoặc các tình trạng viêm nhiễm.
Phương pháp thủy trị liệu
Thủy trị liệu sử dụng thành phần từ biển để tác động trực tiếp lên da

Đối tượng chỉ định điều trị:

  • Người bị viêm khớp, gout, viêm dây thần kinh, tăng tiết mồ hôi, giảm co cứng cơ,…
  • Người bị nứt nẻ, phù nề mãn tính, tuần hoàn kém hay gãy xương, tổn thương mô mềm,…
  • Người bị bại liệt, viêm khớp mạn tính, thần kinh, phẫu thuật chỉnh hình, bỏng,…
  • Người bị viêm thấp khớp, thần kinh, sau phẫu thuật gãy xương, trẻ em bại não,…

Liệu pháp 

  • Tắm bồn ngâm toàn thân.
  • Tắm bồn nước xoáy.
  • Tắm bồn cánh bướm (bồn Hubbard).
  • Tắm bể bơi.
  • Đạp xe dưới nước.
  • Đi bộ dưới nước.
Một dạng bồn tắm cánh bướm trong thủy trị liệu
Một dạng bồn tắm cánh bướm trong thủy trị liệu

3. Nhiệt trị liệu

Giới thiệu chung: Nhiệt trị liệu là phương pháp điều trị sử dụng tác động của nhiệt độ để cải thiện tình trạng sức khỏe, bao gồm việc sử dụng nhiệt nóng và nhiệt lạnh để đạt được hiệu quả trong quá trình điều trị. 

Nhiệt trị liệu có 2 cách điều trị nhiệt nóng và lạnh với các tác dụng khác nhau:

  • Nhiệt nóng (Từ 37 độ C đến 45-50 độ C): Giúp giãn động mạch nhỏ và mao mạch, sau đó lan rộng đến bộ phận khác hoặc toàn thân, từ đó cải thiện tuần hoàn máu, giảm đau, hỗ trợ quá trình dinh dưỡng và chuyển hóa tại chỗ. 
  • Nhiệt lạnh (Dưới 15 độ C): Làm co lại các mạch máu nhỏ, giảm tuần hoàn máu tại vùng bị thương tổn, từ đó giảm phù nề, giảm phản ứng viêm, đau cấp và trương lực cơ. 
Phương pháp nhiệt trị liệu
Nhiệt trị liệu dùng nhiệt độ để tác động trực tiếp lên vùng đau

Đối tượng chỉ định điều trị: Từng hình thức truyền nhiệt nóng hoặc lạnh sẽ được chỉ định với đối tượng bệnh nhân khác nhau. 

  • Nhiệt nóng: 
    • Người bị đau thần kinh tọa, thần kinh liên sườn, thoát vị đĩa đệm, đau cổ vai gáy, đau nhức xương khớp và đau cơ.
    • Người mắc các bệnh lý viêm không nhiễm khuẩn như viêm khớp dạng thấp, viêm quanh khớp và viêm cột sống dính khớp.
    • Người đang hỗ trợ quá trình phục hồi tổn thương, bao gồm các vết thương, vết loét lâu ngày, cần liền sẹo nhanh, ngăn chặn phù nề.
  • Nhiệt lạnh:
    • Người đang đau ngay sau chấn thương, đau răng, đau đầu… 
    • Người đang xuất huyết, phù nề ở nông.
    • Người đang sốt cao.
    • Người bị tổn thương thần kinh ngoại vi, đau co cứng cơ.

Liệu pháp: 

  • Túi chườm nóng
  • Hồng ngoại
  • Parafin
  • Vi sóng
  • Sóng ngắn
Chườm túi lạnh giảm đau
Chườm túi lạnh để thư giãn, giảm đau cho người bệnh

4. Ánh sáng trị liệu

Giới thiệu chung: Ánh sáng trị liệu (hay Quang trị liệu) là việc sử dụng tia hồng ngoại, tia tử ngoại, laser… để tác động lên dây thần kinh trung ương, tăng tuần hoàn dinh dưỡng vùng tổn thương để:

  • Diệt khuẩn.
  • Giãn mạch ở các vùng được chi phối bởi cùng một đốt đoạn thần kinh với vùng được chiếu tia tử ngoại, điều hòa trương lực thần kinh, giảm đau, giảm căng thẳng, gây cảm giác thư giãn, bớt mệt mỏi,…
  • Tăng tính thấm qua màng tế bào, tăng quá trình trao đổi chất, tăng hoạt tính thực bào của bạch cầu, từ đó chống viêm tại chỗ, làm liền vết thương, làm mềm sẹo.
Ánh sáng điều trị vật lý trị liệu
Sử dụng ánh sáng điều trị vật lý trị liệu

Đối tượng chỉ định điều trị:

  • Trẻ em còi xương, trẻ sơ sinh bị vàng da, chậm lớn.
  • Người bị gãy xương hoặc mắc các bệnh về xương khớp, co rút cơ trong liệt cứng, hạn chế vận động khớp, viêm khớp dạng thấp.
  • Người mắc hội chứng đau thắt lưng hông, đau vai – gáy, đau do viêm rễ và dây thần kinh.
  • Người mới ốm dậy, bệnh nhân trong giai đoạn bình phục cần nâng cao sức đề kháng và tăng cường sức khỏe. 
  • Người bị rối loạn dinh dưỡng tại chỗ như: hội chứng Reynaud, hội chứng Sudex, tắc động mạch.
  • Người bị phù nề do chấn thương giai đoạn hấp thu dịch.

Liệu pháp 

  • UVB dải rộng.
  • UVB dải hẹp (nbUVB).
  • PUVA.
  • Laser.

Phương pháp trị liệu ánh sáng an toàn, ít tác dụng phụ và không kéo dài. Các triệu chứng như mệt mỏi, nhức mắt, khó chịu, đau đầu, buồn nôn, bị kích động… sẽ thuyên giảm một cách tự nhiên sau 2 – 3 ngày trị liệu. 

Điệu trị vẩy nến bằng ánh sáng UVB
Ánh sáng UVB có thể điều trị bệnh vảy nến

5. Vận động trị liệu

Giới thiệu chung: Vận động trị liệu là việc thực hiện các hoạt động vận động, tư thế, hoặc bài tập thể lực một cách có tổ chức, kế hoạch nhằm phòng ngừa, điều trị bệnh và khôi phục chức năng cơ thể. Tác dụng của phương pháp này là:

  • Duy trì và khôi phục sự linh hoạt của cơ khớp, sự mềm dẻo của mô mềm để ngăn chặn nguy cơ tổn thương do ít hoạt động.
  • Cải thiện sức khỏe tim mạch và độ bền toàn diện của cơ thể.
  • Tối ưu hóa sự kết hợp giữa hệ thần kinh và cơ bắp, đồng thời nâng cao cảm giác cơ thể và khả năng duy trì thăng bằng.
Vận động trị liệu là việc thực hiện các hoạt động vận động, tư thế, hoặc bài tập thể lực
Vận động trị liệu thường dùng các bệnh về hai chi dưới

Đối tượng chỉ định điều trị: 

  • Người đang gặp các vấn đề thần kinh như tai biến mạch máu não, chèn ép rễ thần kinh, viêm dây thần kinh,…
  • Người mắc bệnh liệt, co cơ, hoặc đang phục hồi sau tập luyện hoặc công việc nặng. 

Liệu pháp 

  • Tập theo tầm vận động (thụ động, chủ động có sự hỗ trợ và chủ động không có sự hỗ trợ).
  • Tập kháng trở.
  • Tập kéo dãn.

6. Kéo giãn trị liệu

Giới thiệu chung: Kéo giãn trị liệu thường được áp dụng trong điều trị cột sống. Phương pháp này sẽ tạo một áp lực nhẹ để kéo giãn cột sống hoặc một phần của nó. Từ đó, người bệnh sẽ nhận được nhiều lợi ích như: 

  • Làm dịu cơ, giảm áp lực trên đĩa đệm, từ đó giải phóng áp lực trên thần kinh.
  • Tăng khả năng vận động của phần cột sống bị tổn thương, khôi phục hình dáng ban đầu của cột sống.
  • Giúp tình trạng thoát vị đĩa đệm giảm nhẹ và có thể trở lại vị trí ban đầu.
Phương pháp kéo giãn trị liệu
Kéo giãn trị liệu thường dùng điều trị các bệnh về cột sống

Đối tượng chỉ định điều trị: 

  • Người đang bị đau lưng, đau vùng cổ gáy, đau cổ,…
  • Người mắc bệnh thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng,…

Liệu pháp 

  • Giường kéo giãn cột sống.
  • Dây kéo giãn cột sống.
  • Xà đu kéo giãn cột sống.
  • Gối bơm hơi kéo giãn cột sống.

7. Xoa bóp trị liệu

Xoa bóp trị liệu là một trong các phương pháp vật lý trị liệu sử dụng các áp lực, chuyển động và kỹ thuật khác nhau lên cơ và các mô mềm khác trong cơ thể. Qua việc làm chậm hệ thống thần kinh của người bệnh, phương pháp này sẽ giúp thư giãn, giảm thiểu các triệu chứng, chữa lành vết thương,…

Phương pháp xoa bóp trị liệu
Xoa bóp trị liệu giúp cơ thể thư giãn và nhanh lành vết thương

Đối tượng chỉ định điều trị: 

  • Phụ nữ mang thai, cần xoa bóp để hỗ trợ sinh đẻ.
  • Người mắc bệnh HIV/AIDS.
  • Người bị bệnh về cơ khớp, thần kinh như đau cơ xơ hóa, đau đầu, đau dây thần kinh, rối loạn thái dương hàm,…
  • Người đang gặp các vấn đề về tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, lo lắng,…

Liệu pháp 

  • Xoa bóp trị liệu Thụy Điển.
  • Xoa bóp trị liệu mô sâu.
  • Xoa bóp trị liệu thể thao.
  • Xoa bóp trị liệu bạch huyết.
  • Xoa bóp trị liệu trước khi sinh đẻ.
  • Xoa bóp trị liệu giải phóng Myofascial.
  • Xoa bóp trị liệu các điểm kích hoạt.

Tìm hiểu thêm: Châm cứu có phải là vật lý trị liệu không?

Liệu pháp xoa bóp Thụy Điển
Xoa bóp Thụy Điển là phương pháp massage phổ biến nhất hiện nay

Lưu ý khi chọn các phương pháp vật lý trị liệu

Trước khi thực hiện vật lý trị liệu cũng như lựa chọn các phương pháp vật lý trị liệu, bạn hãy cân nhắc những điều sau để quá trình chữa bệnh nhanh chóng và an toàn hơn nhé!

Tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn phương pháp phù hợp nhất

Trước khi thực hiện vật lý trị liệu, bạn cần đến các bệnh viện, trung tâm trị liệu để thăm khám và để các bác sĩ chẩn đoán, tư vấn phác đồ điều trị riêng phù hợp với tình trạng sức khỏe. Bệnh nhân không được tự ý lựa chọn phương pháp và tự điều trị tại nhà khi không có chỉ định của bác sĩ. Bởi việc này vừa làm giảm hiệu quả điều trị, vừa tăng nguy cơ xảy ra các rủi ro, chấn thương, tác dụng phụ,… khi điều trị sai cách. 

Cân nhắc kỹ đến lợi ích và rủi ro của từng phương pháp

Hãy hỏi kỹ bác sĩ về những lợi ích và rủi ro mà các phương pháp vật lý trị liệu mang lại để có quyết định đúng đắn. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của người đã từng thực hiện phương pháp vật lý trị liệu đó để đảm bảo rằng bạn đang lựa chọn phương pháp phù hợp với nhu cầu và tình trạng của mình, đồng thời giảm thiểu nguy cơ gặp phải các rủi ro không mong muốn.

Tìm hiểu kỹ về quy định của các gói bảo hiểm 

Nếu bạn đang sử dụng các gói bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe,… thì hãy liên hệ với bên bảo hiểm hoặc nhân viên y tế tại các trung tâm, bệnh viện,… để tư vấn các điều kiện được hưởng hỗ trợ, phương pháp điều trị nào có thể áp dụng hỗ trợ,… khi điều trị vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Từ đó, bạn kết hợp với sự tư vấn của các bác sĩ để có thể lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất.

Chọn đơn vị điều trị vật lý trị liệu uy tín

Ngoài các phương pháp vật lý trị liệu, việc lựa chọn đơn vị điều trị cũng là mối quan tâm mà bệnh nhân cần quan tâm. Điều trị vật lý trị liệu tại các đơn vị, trung tâm, bệnh viện uy tín sẽ được đội ngũ bác sĩ tay nghề cao, giàu kinh nghiệm tư vấn lựa chọn phương pháp và thiết kế phác đồ điều trị riêng phù hợp nhất với thể trạng của bạn. Trong quá trình điều trị, bạn sẽ luôn có sự theo dõi sát sao từ bác sĩ và phản hồi kịp thời từ kỹ thuật viên, cùng đưa ra phương pháp thay đổi khi cần để đem lại hiệu quả trị liệu tốt nhất.

Nếu bạn đang ở Hà Nội và muốn tìm một đơn vị điều trị vật lý trị liệu uy tín, toàn diện thì có thể đến Trung tâm trị liệu và phục hồi chức năng Myrehab – Matsuoka. Sở hữu các trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại, tiên tiến nhất hiện nay với đội ngũ dày dặn kinh nghiệm được đào tạo trực tiếp tại Nhật Bản, Myrehab cam kết sẽ “đem lại một cuộc sống tươi đẹp hơn với người bệnh, giúp thực hiện những mong muốn từ lâu không đạt được chỉ vì hạn chế về chức năng, vận động”.

Không gian sảnh Myrehab Matsuoka
Myrehab có diện tích hơn 1000m2, đáp ứng được mọi nhu cầu tập luyện của người bệnh

Có thể thấy, các phương pháp vật lý trị liệu sẽ dành cho từng bệnh lý và chấn thương cụ thể. Để đảm bảo lựa chọn được đúng phương pháp phù hợp với thể trạng sức khỏe, nhu cầu của mình, bạn hãy đến các cơ sở điều trị uy tín để được các bác sĩ có chuyên môn cao tư vấn, thiết kế phác đồ điều trị riêng nhé! 

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 06/02/2024Ngày cập nhật: 19/03/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.