Giải pháp phục hồi chức năng cho chi dưới lấy lại khả năng vận động

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi ThS. BS CKII. Đặng Thị Kim Hương – Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.

Phục hồi chức năng chân là quá trình sử dụng các phương pháp y học như vật lý trị liệu, vận động trị liệu và tâm lý trị liệu để làm giảm khả năng tàn tật, tăng cơ hội hồi phục cho các bệnh nhân bị chấn thương, tai nạn, đột quỵ hoặc các bệnh lý liên quan tới chân.

Bên cạnh mục tiêu lấy lại khả năng vận động ở phần chi dưới, quá trình phục hồi chức năng còn giúp bệnh nhân tìm được sự tự tin, niềm vui và hạnh phúc được trở lại cuộc sống bình thường.

Vật lý trị liệu chân cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, kỹ thuật viên lành nghề
Phục hồi chức năng chân nên được thực hiện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, kỹ thuật viên lành nghề.

1. Lợi ích của vật lý trị liệu và phục hồi chức năng chi dưới

Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng chi dưới mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, tiêu biểu như:

  • Giảm đau, giảm viêm, giảm sưng phù nề: Các phương pháp vật lý trị liệu giúp cải thiện lưu thông máu, thúc đẩy quá trình lành vết thương và phục hồi chức năng của các cơ, khớp ở chân, từ đó, giúp giảm đau, giảm viêm, giảm sưng phù nề hiệu quả. 
  • Gia tăng tầm vận động: Các bài tập vận động chân giúp tăng cường độ linh hoạt của các khớp, giúp người bệnh có thể cử động chân dễ dàng hơn, giảm nguy cơ cứng khớp, co rút cơ sau khi bị tổn thương.
  • Cải thiện sức mạnh cơ chi dưới: Phục hồi chức năng chân giúp tăng cường sức mạnh cho các cơ ở chân, giúp người bệnh ngăn ngừa tình trạng teo cơ do thiếu vận động.
  • Cải thiện chức năng sinh hoạt hàng ngày: PHCN chân giúp người bệnh lấy lại khả năng thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày một cách độc lập thông qua dụng cụ trợ giúp, giảm thiểu sự phụ thuộc vào người khác và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bài tập vật lý trị liệu giúp bệnh nhân tăng tầm vận động, nhanh chóng phục hồi khả năng đi lại.
Bài tập vật lý trị liệu giúp bệnh nhân tăng tầm vận động, nhanh chóng phục hồi khả năng đi lại.

2. Những trường hợp nên thực hiện vật lý trị liệu chân

Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị hiệu quả cho nhiều bệnh lý và chấn thương liên quan đến cơ, xương khớp ở chi dưới. Bao gồm:

Người gặp các chấn thương ở chân

Khi bị tổn thương, cơ xương khớp ở chân có thể yếu và giảm sự linh hoạt đi do thiếu vận động hoặc do tổn thương trực tiếp. Phục hồi chức năng chân giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện độ linh hoạt của khớp, tăng cường mật độ xương và giúp cải thiện khả năng vận động, giảm nguy cơ di chứng lâu dài. Một số chấn thương thường gặp ở chân như:

  • Viêm cân bàn chân
  • Viêm gân gót chân
  • Giãn dây chằng cổ chân
  • Rách sụn chêm
  • Bong gân mắt cá chân
  • Nẹp ống chân
  • Gãy xương
  • Sau chấn thương
  • Đứt dây chằng khớp gối… 
Bệnh nhân đang tập phục hồi chức năng chân tại phòng khám MYREHAB MATSUOKA.
Bệnh nhân đang tập phục hồi chức năng chân tại phòng khám MYREHAB MATSUOKA.

Người gặp các vấn đề về chân bẩm sinh

Đối với người gặp các vấn đề về chân bẩm sinh, PHCN chân giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp và khả năng giữ thăng bằng, từ đó giúp người bệnh đi lại dễ dàng hơn. Khi khả năng đi lại được cải thiện, người bệnh sẽ cảm thấy tự tin hơn trong việc tham gia các hoạt động xã hội và sinh hoạt hàng ngày.

Một số vấn đề về chân bẩm sinh thường gặp và có thể được cải thiện bằng PHCN chân:

  • Bàn chân khoèo
  • Bàn chân bẹt
  • Chân vòng kiềng
  • Chân chữ X
  • Chân chữ O
  • Chân vòm cao
Bàn chân bẹt là một vấn đề về chân bẩm sinh ở trẻ em cần được phát hiện và phục hồi chức năng càng sớm càng tốt.
Bàn chân bẹt là một vấn đề về chân bẩm sinh ở trẻ em cần được phát hiện và phục hồi chức năng càng sớm càng tốt.

Người gặp các vấn đề về chân do suy giảm sức khỏe

Đối với những người gặp các vấn đề về chân do suy giảm sức khỏe, việc tập luyện PHCN cho chân giúp tăng cường lưu thông máu đến các cơ bắp ở chân, giúp điều chỉnh tư thế đi lại, giảm áp lực lên các khớp và cơ bắp, góp phần giảm đau. Từ đó, người bệnh có thể di chuyển dễ dàng hơn, giảm nguy cơ té ngã và chấn thương.

Một số vấn đề về chân do suy giảm sức khỏe thường gặp và có thể được cải thiện bằng phục hồi chức năng chân, bao gồm:

  • Bàn chân rớt
  • Suy giãn tĩnh mạch chân
  • Thoái hóa khớp

Người sau đột quỵ

Đột quỵ có thể làm suy yếu các cơ, khiến người bệnh khó di chuyển. PHCN giúp tăng cường sức mạnh cho các cơ và đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người bệnh sau đột quỵ lấy lại khả năng vận động. Các bài tập PHCN được thiết kế riêng cho từng người bệnh, giúp họ dần dần lấy lại khả năng kiểm soát cơ bắp và cử động các chi.

Người muốn cải thiện và tăng sức mạnh đôi chân

Tập luyện PHCN cho đôi chân mang lại nhiều lợi ích cho những người muốn cải thiện và tăng cường sức mạnh cơ bắp, từ đó nâng cao hiệu quả vận động và chất lượng cuộc sống.

Các bài tập vật lý trị liệu kết hợp máy móc hiện đại giúp tăng hiệu quả phục hồi chức năng chi dưới.
Các bài tập vật lý trị liệu kết hợp máy móc hiện đại giúp tăng hiệu quả phục hồi chức năng chi dưới.

3. 13 Phương pháp phục hồi chức năng cho chi dưới

Lưu ý: Nội dung mục này chỉ tóm tắt các phương pháp thường áp dụng trong PHCN chân nói chung. Tùy thuộc vào loại bệnh lý và tình trạng cụ thể của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn các phương pháp phù hợp nhất.

3.1 Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị sử dụng các tác nhân vật lý (nhiệt, điện, sóng âm,…) nhằm giảm đau, chống viêm và kích thích khả năng tự hồi phục của cơ thể. Nhờ tác động vào các quá trình sinh hóa, vật lý trị liệu giúp giảm đau hiệu quả, thúc đẩy quá trình phục hồi tự nhiên và hỗ trợ phục hồi chức năng sau chấn thương, phẫu thuật hay các bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng vận động.

Một số phương pháp vật lý trị liệu thường được áp dụng trong phục hồi chức năng chân gồm:

3.1.1 Laser

Laser trong PHCN chân là phương pháp sử dụng tia laser tác động lên các mô tổn thương ở chân, giúp thúc đẩy quá trình phục hồi chức năng.

Laser tác động lên các mô tổn thương ở chân bằng cách:

  • Giảm đau và viêm: Kích thích giải phóng endorphin, giảm lưu lượng máu đến khu vực viêm, ức chế tế bào gây viêm.
  • Thúc đẩy lưu thông máu: Cải thiện lưu thông máu đến khu vực bị tổn thương, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình phục hồi.
  • Kích thích tái tạo tế bào: Kích thích phát triển tế bào mới, đẩy nhanh quá trình lành vết thương.

Một số trường hợp có thể điều trị được bằng liệu pháp laser: 

  • Viêm gân Achilles
  • Viêm cân gan chân
  • Bong gân mắt cá chân,…
Laser có thể được sử dụng để cải thiện lưu thông máu và giảm các triệu chứng như đau, sưng và viêm
Laser có thể được sử dụng để cải thiện lưu thông máu và giảm các triệu chứng như đau, sưng và viêm

3.1.2 Sóng xung kích

Phục hồi chức năng chân bằng sóng xung kích là phương pháp sử dụng các sóng âm thanh năng lượng cao tác động lên các mô tổn thương ở chân, giúp giảm viêm bằng cách làm tăng lưu lượng máu đến khu vực bị viêm và kích thích sản xuất các chất chống viêm. Sóng xung kích có thể phá vỡ các cặn vôi hóa trong các mô mềm như gân, cơ và dây chằng, giúp giảm đau và cải thiện chức năng vận động.

Sóng xung kích thường tập trung vào các bệnh về gân ở chi trên và chi dưới và tình trạng mô mềm, bao gồm:

  • Viêm cân gan chân
  • Viêm gân bánh chè
  • Viêm xương khớp đầu gối
  • Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi… 
Liệu pháp sóng xung kích
Sóng xung kích được truyền đến khu vực bị ảnh hưởng thông qua một thiết bị cầm tay, tạo ra các vi chấn thương, giúp thúc đẩy quá trình chữa lành

3.1.3 Sóng ngắn

Phục hồi chức năng chân bằng sóng ngắn là phương pháp sử dụng năng lượng điện từ tần số cao để tác động lên các mô mềm ở chân. Sóng ngắn khi đi qua cơ thể sẽ tạo ra hiệu ứng nhiệt, làm tăng nhiệt độ bên trong các mô. Nhiệt này kích thích các dây thần kinh cảm giác, dẫn đến việc giải phóng chất giảm đau tự nhiên của cơ thể, giúp giãn cơ, giảm đau, tăng lưu thông máu và thúc đẩy quá trình lành thương.

Một số trường hợp thường được áp dụng phương pháp sóng ngắn gồm:

  • Bong gân và căng cơ
  • Bệnh thoái hóa khớp (OA)
  • Cứng khớp
  • Viêm bao gân
  • Viêm khớp
  • Viêm gân
  • Viêm bao hoạt dịch…
Sóng ngắn được sử dụng để làm nóng các mô sâu trong cơ thể giúp giảm đau, viêm và sưng tấy
Sóng ngắn được sử dụng để làm nóng các mô sâu trong cơ thể giúp giảm đau, viêm và sưng tấy

3.1.4 Siêu âm

Siêu âm trị liệu là phương pháp sử dụng sóng âm có tần số cao tác động lên cơ thể thông qua qua đầu dò tiếp xúc với da của bệnh nhân. Sóng siêu âm có khả năng xuyên qua da và các mô mềm, truyền sâu vào cơ bắp, gân, xương khớp,… tạo ra các tác động sinh học như: Giãn mạch máu, tăng lưu thông máu, giảm co thắt cơ bắp và thúc đẩy quá trình tái tạo mô.

Siêu âm trị liệu cho chân có thể được áp dụng trong các trường hợp sau:

  • Viêm cân gan chân
  • Gai gót chân
  • Đau xương bàn chân
  • Bong gân mắt cá chân 
  • Tổn thương dây chằng,…
Siêu âm trị liệu có thể giúp giảm đau do viêm gân, viêm cân gan lòng bàn chân, gai gót chân và các tình trạng khác
Siêu âm trị liệu có thể giúp giảm đau do viêm gân, viêm cân gan lòng bàn chân, gai gót chân và các tình trạng khác

3.1.5 Điện xung trị liệu

Điện xung trị liệu là phương pháp sử dụng dòng điện xung có tần số cao kích thích vùng bị ảnh hưởng ở chân. Dòng điện xung có thể được truyền qua da bằng các điện cực hoặc qua kim châm. Dòng điện xung có tác dụng kích thích các dây thần kinh và cơ bắp, giúp giảm đau, giảm co cơ, tăng cường lưu thông máu và thúc đẩy quá trình phục hồi.

Điện xung trị liệu cho chân có thể được áp dụng trong các trường hợp sau:

  • Viêm gân Achilles
  • Viêm cân gan chân
  • Bệnh gout
  • Viêm khớp
  • Bong gân mắt cá chân
Phương pháp điện xung trị liệu giúp giảm đau, cải thiện lưu thông máu và thúc đẩy quá trình chữa lành
Điện xung kích thích các cơ và dây thần kinh, có thể giúp giảm đau, cải thiện lưu thông máu và thúc đẩy quá trình chữa lành

3.1.6 Từ trường trị liệu

Từ trường trị liệu là phương pháp sử dụng từ trường để kích thích các sợi thần kinh và điều trị các mô bị tổn thương. Từ trường có thể được tạo ra bởi các thiết bị chuyên dụng hoặc bằng cách đặt nam châm lên da có tác dụng giảm đau, giảm viêm, cải thiện lưu thông máu và thúc đẩy quá trình phục hồi.

Phục hồi chức năng chân bằng phương pháp từ trường trị liệu được áp dụng trong các trường hợp sau:

  • Viêm xương khớp bàn chân và mắt cá chân
  • Viêm cân gan chân
  • Viêm gân Achilles
  • Đau dây thần kinh ở chân
Từ trường trị liệu là phương pháp sử dụng từ trường để kích thích các sợi thần kinh và điều trị các mô bị tổn thương
Từ trường có thể đi qua da và mô để tác động đến các tế bào và mô bên trong khu vực chân bị ảnh hưởng, giúp giảm đau, giảm viêm

3.1.7 Nhiệt trị liệu

Nhiệt trị liệu là phương pháp phục hồi chức năng chân sử dụng nhiệt độ để điều trị các bệnh lý về cơ xương khớp, giảm đau, giảm viêm và thúc đẩy quá trình phục hồi. Nhiệt trị liệu có thể được áp dụng cho nhiều bộ phận trên cơ thể, bao gồm cả chân.

Có hai loại nhiệt trị liệu chính:

  • Chườm mát: Sử dụng nhiệt độ thấp (chườm lạnh hoặc đá viên bọc trong khăn) để giảm đau, giảm viêm và giảm sưng. Chườm lên vùng cần điều trị trong 10 – 15 phút mỗi lần ở giai đoạn cấp.
  • Chườm ấm, hồng ngoại: Sử dụng nhiệt độ cao (túi chườm nóng hoặc khăn ấm) để làm giãn mạch máu, tăng lưu thông máu, giảm co cơ và giảm đau. Chườm lên vùng cần điều trị trong 15 – 20 phút mỗi lần ở giai đoạn bán cấp và mạn tính.

Liệu pháp nhiệt có thể làm dịu các khớp cứng và giảm đau nhức cơ cho các vấn đề về chân hoặc mắt cá chân như

  • Viêm khớp
  • Viêm cân gan chân
  • Viêm gân Achilles
  • Bong gân
  • Căng cơ bắp chân
Phương pháp hồng ngoại tăng cường lưu thông máu, giảm đau hiệu quả.
Phương pháp hồng ngoại tăng cường lưu thông máu, giảm đau hiệu quả.

3.1.8 Di động mô mềm

Di động mô mềm là một kỹ thuật vật lý trị liệu tập trung vào việc xoa bóp y tế các mô mềm ở bàn chân, quanh mắt cá chân và ở chi dưới. Mục đích của di động mô mềm là giảm đau, giảm co cơ, tăng cường lưu thông máu, cải thiện khả năng vận động và thúc đẩy quá trình phục hồi.

Di động mô mềm có thể được áp dụng cho nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm:

  • Bong gân
  • Viêm gân
  • Viêm bao hoạt dịch
  • Viêm cân gan chân
  • U thần kinh Morton
  • Đau xương bàn chân
  • Viêm gân Achilles
  • Hội chứng dải chậu chày (ITBS)
  • Rách dây chằng mắt cá chân
Di động mô mềm giúp giảm đau, giảm co cơ, tăng cường lưu thông máu, cải thiện khả năng vận động và thúc đẩy quá trình phục hồi.
Kỹ thuật viên sử dụng tay để áp lực nhẹ lên các mô mềm ở chân, giúp cải thiện độ linh hoạt và giảm căng cơ

3.1.9 Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)

Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là phương pháp điều trị sử dụng chính máu của bệnh nhân để kích thích cơ thể tự phục hồi. Huyết tương giàu tiểu cầu là phần máu có chứa nồng độ tiểu cầu cao hơn nhiều so với máu bình thường. Tiểu cầu có chứa các yếu tố tăng trưởng giúp kích thích sự phát triển của tế bào, sản sinh collagen và elastin, thúc đẩy quá trình lành thương.

Liệu pháp PRP có thể được áp dụng cho nhiều bệnh lý về cơ xương khớp ở chân, bao gồm:

  • Bong gân
  • Viêm khớp
  • Viêm cân mạc bạch cầu ái toan
  • Viêm gân
  • Căng cơ
  • Viêm cân gan chân
  • Chấn thương gân
  • Chấn thương dây chằng mắt cá chân
  • Chấn thương hoặc đau sau phẫu thuật bàn chân hoặc mắt cá chân
Liệu pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu giúp kích thích sản sinh tế bào mới và mô và đẩy nhanh quá trình chữa lành
Huyết tương giàu tiểu cầu được tiêm vào khu vực bị ảnh hưởng ở chân giúp kích thích sản sinh tế bào mới và mô và đẩy nhanh quá trình chữa lành

3.1.10 Sử dụng đế lót chỉnh hình

Đế lót chỉnh hình là một loại miếng lót được đặt bên trong giày để hỗ trợ và điều chỉnh vị trí của bàn chân. Đế lót chỉnh hình có thể được làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau và có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau để phù hợp với mọi loại bàn chân.

Dưới đây là một số lợi ích điển hình của đế lót chỉnh hình:

  • Hỗ trợ vòm bàn chân: Đế lót chỉnh hình có thể giúp nâng đỡ vòm bàn chân, giảm áp lực lên gót chân, mắt cá chân và đầu gối.
  • Điều chỉnh vị trí bàn chân: Đế lót chỉnh hình có thể giúp điều chỉnh vị trí bàn chân, ví dụ như xoay vào trong hoặc xoay ra ngoài.
  • Cải thiện khả năng vận động: Đế lót chỉnh hình có thể giúp cải thiện khả năng vận động và giảm nguy cơ chấn thương.

Đế lót chỉnh hình thường được chỉ định cho các trường hợp sau:

  • Viêm khớp
  • Viêm khớp biến dạng khớp bàn ngón chân cái (Bunion)
  • Viêm bao hoạt dịch
  • Bàn chân phẳng
  • Ngón chân hình búa
  • Bàn chân vòm cao
  • Chấn thương
  • Viêm cân gan chân
Đế lót chỉnh hình được đặt bên trong giày để hỗ trợ và điều chỉnh vị trí của bàn chân.
Đế lót chỉnh hình được thiết kế theo từng kích cỡ và hình dạng khác nhau để phù hợp với nhu cầu cá nhân của bệnh nhân

3.1.11 Băng dán Kinesio 

Băng dán Kinesio là một loại băng dán thể thao đặc biệt có độ đàn hồi cao, khả năng thấm nước và thoát khí tốt và không gây kích ứng da. Băng dán Kinesio được sử dụng để hỗ trợ cơ bắp, khớp và dây chằng, giảm đau, cải thiện khả năng vận động và thúc đẩy quá trình phục hồi.

Băng dán Kinesio hoạt động theo cách mô phỏng hệ thống thần kinh cơ bắp của cơ thể, giúp hỗ trợ cơ bắp và khớp và giảm đau
Băng dán Kinesio hoạt động theo cách mô phỏng hệ thống thần kinh cơ bắp của cơ thể, giúp hỗ trợ cơ bắp và khớp và giảm đau

3.2 Vận động trị liệu

Vận động trị liệu là phương pháp sử dụng các bài tập vận động để giúp phục hồi chức năng cho cơ, khớp và dây chằng ở chân. Phương pháp này có thể được áp dụng cho tất cả các trường hợp khác nhau cần phục hồi chức năng, từ chấn thương nhẹ đến các bệnh lý nghiêm trọng.

Vận động trị liệu hoạt động bằng cách tăng cường lưu thông máu đến các cơ bắp và khớp, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình phục hồi. Từ đó, phương pháp giúp người bệnh giảm đau, viêm, cải thiện khả năng vận động và di chuyển dễ dàng hơn. 

Một số bài tập phục hồi chức năng chân:

  • Gập duỗi gối: Nằm ngửa với hai chân duỗi thẳng. Từ từ gập một chân về phía ngực, giữ trong vài giây, duỗi chân về vị trí ban đầu và lặp lại ở chân kia.
  • Nâng cao gót chân: Ngồi trên ghế với hai bàn chân đặt phẳng trên sàn. Từ từ nâng gót chân lên cao, giữ trong vài giây. Hạ gót chân xuống sàn và lặp lại.
  • Đi bằng gót chân: Đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai. Từ từ bước đi bằng gót chân, tập trung giữ thăng bằng.
  • Duỗi bắp chân: Đứng đối mặt với tường, hai tay chống vào tường. Bước một chân về phía sau, giữ cho chân trước thẳng. Gập đầu gối sau xuống và giữ trong vài giây, đổi chân và lặp lại.
  • Xoay khớp cổ chân: Ngồi trên ghế, hai chân duỗi thẳng. Xoay cổ chân một vòng theo chiều kim đồng hồ và ngược lại.
Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ đánh giá nhu cầu của bệnh nhân và thiết kế một chương trình tập luyện phù hợp với tại phòng khám hoặc tại nhà
Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ đánh giá nhu cầu của bệnh nhân và thiết kế một chương trình tập luyện phù hợp với tại phòng khám hoặc tại nhà

3.3 Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân, đặc biệt là đối với những bệnh nhân có tổn thương ở chân. Phương pháp này giúp bệnh nhân:

  • Loại bỏ suy nghĩ tiêu cực: Sau khi trải qua chấn thương hoặc phẫu thuật, bệnh nhân thường có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, về khả năng phục hồi. Tâm lý trị liệu giúp bệnh nhân nhận diện và thay đổi những suy nghĩ tiêu cực này, thay thế bằng những suy nghĩ tích cực và lạc quan hơn.
  • Lấy lại tinh thần tích cực, lạc quan vào khả năng phục hồi: Tâm lý trị liệu giúp bệnh nhân hiểu rõ về quá trình phục hồi chức năng, từ đó đặt ra những mục tiêu thực tế và có động lực để đạt được mục tiêu. Bệnh nhân cũng sẽ học được cách đối phó với những khó khăn và thử thách trong quá trình tập luyện.
  • Phối hợp với bác sĩ, kỹ thuật viên trong quá trình tập luyện: Tâm lý trị liệu giúp bệnh nhân hiểu rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và kỹ thuật viên trong quá trình tập luyện.
Liệu pháp tâm lý có thể giúp người bệnh học cách quản lý cơn đau tốt hơn
Liệu pháp tâm lý có thể giúp người bệnh học cách quản lý cơn đau tốt hơn, bao gồm cả việc sử dụng các kỹ thuật thư giãn và thay đổi lối sống

Bài viết trên đã tổng hợp những thông tin quan trọng nhất về phục hồi chức năng chân và các phương pháp phục hồi. Với sự kiên trì, nỗ lực và sự hỗ trợ từ đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, người bệnh hoàn toàn có thể lấy lại khả năng vận động và chức năng của đôi chân.

Hãy liên hệ với MYREHAB MATSUOKA ngay hôm nay để được tư vấn miễn phí và bắt đầu hành trình phục hồi chức năng ở phần chi dưới của bạn!

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 19/08/2024Ngày cập nhật: 06/09/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.