Phục hồi chức năng gãy xương đùi: Tầm quan trọng, lộ trình điều trị

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi ThS. BS CKII. Đặng Thị Kim Hương – Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.

Việc phục hồi chức năng sau chấn thương gãy xương đùi đóng vai trò quan trọng, quyết định đến khả năng vận động và chất lượng cuộc sống sau này của bệnh nhân. Bài viết sẽ cung cấp thông tin chi tiết về tầm quan trọng của phục hồi chức năng gãy xương đùi cũng như thời gian, lộ trình thực hiện và những lưu ý cần biết theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

1. Tầm quan trọng của phục hồi chức năng sau gãy xương đùi 

Xương đùi có cấu trúc chắc, khỏe để đỡ được trọng lực của toàn bộ cơ thể và đảm nhận chức năng di chuyển, hoạt động mạnh. Khi gãy xương đùi, cơ thể sẽ bị tổn thương nghiêm trọng, gây nhiều đau đớn [1]. Vì vậy, người bệnh cần kết hợp thực hiện các bài tập vật lý trị liệu sau điều trị gãy xương đùi để đẩy nhanh quá trình phục hồi và đạt được nhiều lợi ích như:

  • Giảm đau, giảm phù nề.
  • Khôi phục dáng đi và khả năng di chuyển, từ đó rút ngắn thời gian phục hồi.
  • Giảm thiểu nguy cơ tái phát, biến chứng về khi về già.

Phục hồi chức năng gãy xương đùi là việc áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu, vận động trị liệu kết hợp với thuốc. Các phương pháp này có tác dụng thúc đẩy quá trình liền xương, phục hồi chức năng vận động của khớp háng, khớp gối. Người bệnh đồng thời còn phòng ngừa được các biến chứng như: teo cơ, cứng khớp và giảm thiểu những ảnh hưởng xấu tới cuộc sống.

Phục hồi chức năng sau gãy xương đùi đóng vai trò vô cùng quan trọng
Phục hồi chức năng có vai trò quan trọng sau điều trị gãy xương đùi

2. Thời gian thực hiện phục hồi chức năng cho bệnh nhân gãy xương đùi 

Phần lớn các trường hợp gãy xương đùi cần khoảng 3 đến 6 tháng để xương liền hoàn toàn. Một số trường hợp có thể kéo dài hơn, đặc biệt là gãy xương hở hoặc gãy thành nhiều mảnh [2].

Ngày đầu tiên sau khi bó bột hoặc phẫu thuật điều trị gãy xương đùi, người bệnh có thể bắt đầu tập các bài vận động cơ, khớp. 1 tháng sau phẫu thuật, người bệnh có thể thực hiện các bài tập phục hồi chức năng gãy xương đùi như: co duỗi khớp gối, tập đi nạng chịu lực 50% trọng lượng cơ thể… Khoảng 8 tuần sau điều trị, người bệnh có thể tập đi nạng chịu lực hoàn toàn lên chân đau và tập đi bỏ nạng sau 10 đến 12 tuần. 

Lưu ý: Tùy vào tình trạng thương tổn và quá trình theo dõi khả năng phục hồi của xương, bác sĩ sẽ khuyến cáo thời gian bắt đầu thực hiện các bài tập vật lý trị liệu phù hợp cho từng bệnh nhân.

Tìm hiểu về bệnh gai gót chânvật lý trị liệu gai gót chân với ưu điểm là bạn có thể áp dụng các bài tập tại nhà, tiết kiệm tối ưu hóa chi phí và đặc biệt nó có thể giảm sự phụ thuộc vào việc sử dụng thuốc giảm đau.

Thời gian thực hiện phục hồi chức năng gãy xương đùi khác nhau ở từng bệnh nhân
Thời gian thực hiện phục hồi chức năng gãy xương đùi khác nhau ở từng bệnh nhân

3. Lộ trình phục hồi chức năng gãy xương đùi 

Chấn thương gãy xương đùi thường có hai trường hợp: gãy thân xương đùi và gãy cổ xương đùi. Mỗi tình trạng chấn thương sẽ có nguyên tắc điều trị và phương pháp, kỹ thuật phục hồi phù hợp. 

3.1 Trường hợp gãy thân xương đùi

Trường hợp gãy thân xương đùi cần tuân thủ nguyên tắc điều trị và phục hồi chức năng như sau: 

  • Cố định tốt vị trí gãy trong giai đoạn bất động.
  • Giảm đau, sưng phù, chống huyết khối tĩnh mạch.
  • Khôi phục khả năng vận động của khớp háng và khớp gối.
  • Tăng cường sức mạnh cho các nhóm cơ vùng đùi, khung chậu.
  • Khôi phục dáng đi và khả năng sinh hoạt, hoạt động bình thường.

Tùy tình trạng chấn thương xương đùi, bệnh nhân được chỉ định điều trị theo phương pháp phù hợp. Mỗi phương pháp điều trị sẽ kết hợp với những kỹ thuật phục hồi chức năng gãy xương đùi riêng biệt nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất. Dưới đây là 4 trường hợp điều trị chấn thương gãy thân xương đùi và phương pháp phục hồi chức năng được áp dụng:

3.1.1. Trường hợp trong khung kéo (4 tuần)

PHCN nhằm ngăn ngừa các bệnh lý về phổi do nằm lâu, cải thiện tuần hoàn máu, duy trì sức mạnh cơ bắp ở chi gãy.

Phương pháp phục hồi chức năng:

  • Thực hiện các bài tập hít thở kết hợp hai tay.
  • Cử động, gập/duỗi bàn chân và cổ chân ở chi gãy để tăng lưu thông máu.
  • Tập luyện cơ bắp bằng cách co cơ tĩnh cơ tứ đầu đùi, cơ mông, cơ dạng, cơ khép, cơ ụ ngồi.
  • Tăng sức mạnh các nhóm cơ chi trên như: cơ bụng, cơ lưng… bằng cách sử dụng các dụng cụ như: tạ, bao cát, lò xo.
  • Hỗ trợ bệnh nhân ngồi dậy tại giường sau một tuần, sau khi thực hiện các động tác kéo tạ.

3.1.2. Trường hợp bột chậu lưng chân

Phương pháp phục hồi nhằm duy trì lực cơ trong bột, đồng thời hướng dẫn bệnh nhân sử dụng nạng không chịu sức nặng.

Phương pháp phục hồi chức năng:

  • Hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các bài tập co cơ tĩnh cơ cho cơ tứ đầu đùi, cơ ụ ngồi và cơ mông.
  • Chỉ dẫn bệnh nhân và người thân cách hỗ trợ và di chuyển bệnh nhân khi đứng và di chuyển bằng sử dụng hai nạng mà không tạo áp lực quá nặng.
  • Tiếp tục thực hiện các bài tập tại nhà theo hướng dẫn trên.

3.1.3. Trường hợp sau khi bó bột

Mục đích phục hồi sau khi bó bột bao gồm: giảm sưng, giảm đau, giảm co thắt cơ, mở rộng phạm vi vận động của khớp, tăng sức mạnh cho cơ chi bị gãy và khôi phục khả năng di chuyển cho bệnh nhân.

Phương pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng gãy xương đùi bao gồm:

  • Sử dụng các phương pháp đắp nóng như paraphin hoặc ánh sáng hồng ngoại.
  • Xoa bóp từ đầu ngón chân đến khớp hông, tập trung vào những cơ bị co thắt. 
  • Di động xương bánh chè để phòng ngừa kết dính.
  • Áp dụng kỹ thuật giữ nghỉ để mở rộng phạm vi vận động của khớp gối.
  • Thực hiện các bài tập tập trung vào các nhóm cơ bên chân gãy.
  • Hướng dẫn bệnh nhân sử dụng nạng mà không chống chân đau xuống đất trong 4 tuần đầu tiên.
  • Sau 4 tháng, bệnh nhân được phép đi chống chân đau xuống đất, chịu sức nặng một phần.
  • Ở tháng thứ 5 và thứ 6, người bệnh có thể đi lại bình thường theo khuyến nghị của bác sĩ.

3.1.4. Trường hợp phẫu thuật đóng đinh nội tuỷ

Ngày đầu sau mổ, bệnh nhân thực hiện các bài tập hít thở để ngăn ngừa các biến chứng phổi sau phẫu thuật, tự cử động bàn chân và cổ chân để tăng cường tuần hoàn máu. Những ngày tiếp theo thực hiện như sau:

  • Ngày 2: Co cơ tĩnh cơ tứ đầu đùi, cơ mông lớn, cơ ụ ngồi. Tiếp tục thực hiện các bài tập như ngày thứ nhất và cử động tự do ở chân lành, cơ thân mình.
  • Ngày 3 – 4: Tiếp tục thực hiện các bài tập như hai ngày trước. Tập cử động nhẹ nhàng với khớp hông và tập gập gối trong giới hạn chịu được với sự trợ giúp của người thân. Tránh thực hiện các động tác xoay trong, xoay ngoài. Thực hiện các bài tập kháng lực cho chi lành.
  • Tuần thứ 2: Sau khi cắt chỉ, bệnh nhân tiếp tục thực hiện các bài tập như tuần trước và bắt đầu tập đi nạng mà không chống chân đau.
  • Tuần thứ 3 trở đi: Tăng cường các bài tập phục hồi chức năng gãy xương đùi chủ động tăng tiến, sử dụng sự trợ giúp từ kỹ thuật viên. Thực hiện các bài tập trợ kháng cho nhóm cơ ụ ngồi và cơ tứ đầu đùi. Tập gập duỗi và mở rộng khớp hông. Tập đi nạng chịu áp lực một phần vào tuần thứ sáu.
  • Tuần 12: Nếu kết quả X-quang cho thấy xương đã liền, cơ bắp phục hồi tốt thì có thể tập đi không dùng nạng. Bắt đầu tập xe đạp khi phạm vi vận động của khớp gối đã đạt 90 độ.
Tập vận động dưới sự trợ giúp của kỹ thuật viên từ tuần thứ 3
Tập vận động dưới sự trợ giúp của kỹ thuật viên từ tuần thứ 3

3.2 Trường hợp gãy cổ xương đùi 

Nguyên tắc điều trị và phục hồi chức năng đối với trường hợp gãy cổ xương đùi: 

  • Giảm đau, sưng phù, ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch.
  • Khôi phục phạm vi vận động của khớp háng.
  • Tăng cường sức mạnh cho nhóm cơ khớp háng, cơ mông, khung chậu. 
  • Khôi phục dáng đi và khả năng hoạt động, sinh hoạt.

Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng

3.2.1. Sau phẫu thuật kết hợp xương với đinh Smith Peterson

Phục hồi chức năng sau phẫu thuật kết hợp xương với đinh Smith Peterson nhằm giúp giảm đau, phòng ngừa huyết khối và các biến chứng như: viêm phổi do ứ đọng, loét do đè ép. Các phương pháp Phục hồi chức năng gãy xương đùi còn giúp duy trì tầm vận động các khớp tự do, phòng teo cơ, cứng khớp do bất động, tăng cường sức mạnh cho các nhóm cơ khi đi nạng và phục hồi chức năng di chuyển.

Phương pháp phục hồi chức năng:

  • Tập thở kết hợp với kỹ thuật vỗ rung để loại bỏ đàm.
  • Thường xuyên thay đổi tư thế và lăn trở để tránh bị viêm loét do đè ép. Lưu ý chuyển từ tư thế nằm ngửa sang nằm nghiêng cần dùng gối to kẹp giữa hai chi dưới. 
  • Thực hiện duỗi khớp gối để tăng sức mạnh cho cơ tứ đầu đùi.
  • Tập duỗi khớp háng, khớp gối dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của kỹ thuật viên.
  • Thực hiện các bài tập mạnh bằng tạ tăng tiến dần cho nhóm cơ đi nạng.
  • Tập cách đi nạng không chịu sức nặng trong 6 tháng.
  • Sau 6 tháng, bệnh nhân có thể đi nạng chịu một phần sức nặng. Sau đó, nếu không có tiêu chỏm (được phát hiện bằng cách chụp X-quang) thì có thể đi nạng chịu sức nặng tăng dần.
  • Áp dụng phương pháp vật lý trị liệu bằng nhiệt ẩm cho cơ tứ đầu đùi và cơ tam đầu.
Bệnh nhân tập duỗi khớp háng, khớp gối dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của kỹ thuật viên Myrehab Matsuoka
Tập duỗi khớp háng, khớp gối dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của kỹ thuật viên

3.2.2. Sau bó bột

Bó bột kiểu Withmann

  • Tập cách đi lại khi chi bị bó bột theo hướng dẫn của bác sĩ, có thể bắt đầu ngay sau 24 – 48 giờ.
  • Thực hiện các bài tập mạnh cho cơ tứ đầu đùi và các nhóm cơ đi nạng.
  • Tăng cường phạm vi vận động của khớp háng và gối. 
  • Tập đi nạng đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bó bột với que ngang: Phương pháp này thường được chỉ định cho người cao tuổi hoặc những người không cần phải phẫu thuật, giúp tránh nhiều phiền toái cho bệnh nhân. Quá trình mang bột kéo dài từ 4 đến 6 tuần. Phương pháp phục hồi chức năng giống như trong trường hợp sau phẫu thuật.

Có thể bạn quan tâm: Viêm gân gót chân: Dấu hiệu, Nguyên nhân và Cách điều trị

4. Lưu ý trong phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân

Dù với phương pháp điều trị nào thì việc chăm sóc và phục hồi khoa học đều cần thiết để giúp xương nhanh liền và khôi phục khả năng di chuyển. Đó là lý do bệnh nhân cần chú ý thêm các vấn đề về dinh dưỡng, nghỉ ngơi và vận động [3].

4.1 Về chế độ dinh dưỡng

Người bệnh phục hồi chức năng gãy xương đùi nên cần tăng cường tiêu thụ các dưỡng chất có trong những loại thực phẩm sau:

  • Thực phẩm giàu canxi: sữa chua, phô mai, rau họ cải, đậu nành, sữa hạnh nhân, ngũ cốc… 
  • Thực phẩm giàu magie: cá thu, cá hồi, rau lá xanh đậm, đậu nành, các loại hạt, chuối, sữa chua, chocolate đen… 
  • Thực phẩm giàu kẽm: Các loại thịt, hải sản, trứng, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt… 
  • Thực phẩm giàu vitamin B6, B12: thịt gà, thịt bò, cá hồi, cá ngừ, ngũ cốc, cà rốt, chuối, phô mai… 
Chế độ ăn đủ dưỡng chất giúp xương nhanh lành và hỗ trợ tái tạo và phát triển mô cơ bắp
Chế độ ăn đủ dưỡng chất giúp xương nhanh lành và hỗ trợ tái tạo và phát triển mô cơ bắp

4.2 Về chế độ nghỉ ngơi

Bệnh nhân sau chấn thương gãy xương đùi cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để tránh xương khớp hoạt động quá lâu, gây mệt mỏi và đau nhức. Bên cạnh đó, người bệnh nên bỏ thói quen hút thuốc lá, không uống rượu bia để vết thương nhanh lành, sớm hồi phục. Việc uống thuốc đúng giờ theo chỉ định bác sĩ cũng là điều người bệnh cần tuân thủ để giảm đau, kháng viêm, giảm phù nề.

4.3 Về chế độ vận động

Dưới đây là một số lưu ý quan trọng về chế độ vận động sau chấn thương gãy xương đùi:

  • Nên kê cao chi bị tổn thương khi nằm, ngồi để tránh ứ máu tĩnh mạch, giúp giảm sưng phù. 
  • Đến giai đoạn tập đi dưới sự cho phép của bác sĩ, người bệnh nên đi đứng nhẹ nhàng bằng nạng và sự trợ giúp của người thân.
  • Thực hiện các bài tập co duỗi cổ chân, khớp gối để duy trì sự linh hoạt và ngăn ngừa biến chứng cứng khớp sau gãy xương đùi.
  • Sau 6 tháng hồi phục, người bệnh có thể tham gia các hoạt động thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, tránh các bài tập gây tác động mạnh lên phần hông, chân. 
Người bệnh nên đi đứng nhẹ nhàng bằng nạng sau điều trị gãy xương đùi
Người bệnh nên đi đứng nhẹ nhàng bằng nạng sau điều trị gãy xương đùi

4.4 Lưu ý khác

Các lưu ý khác cần được nhớ đến trong quá trình phục hồi chức năng sau gãy xương đùi bao gồm:

  • Nên tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng phục hồi và phát hiện sớm những khả năng xảy ra biến chứng.
  • Nên tập luyện các bài tập theo hướng dẫn của bác sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng để tăng tuần hoàn máu, giãn cơ, giảm đau và đề phòng nguy cơ teo cơ, cứng khớp do nằm lâu.
  • Nên tập phục hồi chức năng gãy xương đùi sớm nhất có thể vì việc kéo dài thời gian không tập có thể dẫn đến teo cơ, cứng khớp.
  • Tập đúng, tập đều đặn các bài tập phù hợp với từng giai đoạn của bệnh và tăng dần theo sức chịu đựng để đề phòng biến chứng.
  • Tránh sử dụng các loại cao lá không rõ nguồn gốc để uống hoặc thoa, đắp lên vết thương.
  • Không ngồi bắt chéo chân bị thương sang bên chân lành.
  • Không nên cúi người quá thấp để nhặt vật dụng sinh hoạt hoặc để đi tất.

Phục hồi chức năng gãy xương đùi là một phần quan trọng sau quá trình điều trị nhằm khôi phục hoàn toàn khả năng vận động, tránh để lại di chứng. Việc thực hiện các biện pháp phục hồi chức năng đòi hỏi sự cam kết lâu dài tùy theo mức độ tổn thương, phương pháp điều trị và thể trạng của từng người. 

Để có được sự chăm sóc tốt nhất cho quá trình phục hồi sau điều trị gãy xương đùi, bệnh nhân hãy đến Trung tâm Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka. Trung tâm mang lại hiệu quả phục hồi vượt trội nhờ sở hữu nhiều ưu điểm:

  • Đội ngũ chuyên gia và kỹ thuật viên dày dạn kinh nghiệm sẽ đồng hành cùng mỗi bệnh nhân trong quá trình phục hồi.
  • Cơ sở vật chất hiện đại với hệ thống máy tập tiên tiến và kết quả lượng giá chuẩn xác. Điều này giúp bác sĩ và kỹ thuật viên có thể theo dõi tiến trình điều trị và điều chỉnh chương trình phục hồi một cách khoa học và chính xác.
  • Myrehab Matsuoka áp dụng chi phí hợp lý với nhiều gói điều trị ưu đãi giúp bệnh nhân dễ dàng tiếp cận.

Đừng để gãy xương đùi làm giảm chất lượng cuộc sống, bạn hãy đặt lịch hẹn với Myrehab Matsuoka ngay hôm nay để bắt đầu hành trình hồi phục!

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 19/08/2024Ngày cập nhật: 06/09/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.