3 điều nên biết về phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.

Gãy xương cẳng chân cần được điều trị y tế ngay lập tức và chuyên sâu. Vào thời điểm người bệnh được điều trị xong bằng các phương pháp bảo tồn hoặc phẫu thuật, đây là giai đoạn quan trọng để bắt đầu quá trình phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân.

Tùy thuộc vào yêu cầu công việc, thể chất hoặc hoạt động thể thao mà bệnh nhân sẽ được lập kế hoạch phục hồi phù hợp. Thời gian phục hồi khác nhau ở mỗi bệnh nhân, nhưng hầu hết mọi người có thể trở lại mọi hoạt động bình thường trong vòng 3 đến 6 tháng. [1]

1. Ý nghĩa của phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân

Gãy xương cẳng chân là tình trạng gãy xương cấp tính một hoặc hai xương bao gồm xương chày và xương mác, khởi phát đột ngột và thường do va chạm trực tiếp, trẹo, chấn thương hoặc do căng thẳng khi sử dụng quá mức [2].

Phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân bằng các biện pháp vật lý trị liệu, vận động trị liệu là điều cần thiết để thúc đẩy quá trình liền xương, tầm vận động khớp gối, phòng tránh các biến chứng teo cơ, cứng khớp,… Cụ thể như sau:

  • Quá trình phục hồi sau gãy xương giúp giảm đau và phù nề ở vùng chân bị ảnh hưởng, giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn và tăng cường khả năng vận động.
  • Giúp ngăn chặn nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch.
  • Tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt của các nhóm cơ trong vùng ảnh hưởng, giúp họ hồi phục chức năng vận động.
  • Bảo tồn và cải thiện tầm vận động của khớp gối và cổ chân, giúp bệnh nhân thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách linh hoạt và dễ dàng hơn.
  • Có thể khôi phục lại dáng đi tự nhiên và cải thiện khả năng di chuyển một cách tự tin và linh hoạt.
  • Giảm thiểu nguy cơ tái phát lại vết thương và tăng cường khả năng phục hồi toàn diện của vùng bị ảnh hưởng.

Việc phục hồi chức năng gãy xương cẳng chân không chỉ giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe chi dưới mà còn tăng cường chất lượng cuộc sống và giảm thiểu nguy cơ phát sinh các biến chứng liên quan.

Có thể bạn quan tâm: Phục hồi chức năng gãy xương đùi: Tầm quan trọng, lộ trình điều trị

Phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân thúc đẩy quá trình liền xương, khả năng vận động khớp gối, cổ chân và chịu lực của xương.
Phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân thúc đẩy quá trình liền xương, khả năng vận động khớp gối, cổ chân và chịu lực của xương.

2. Lộ trình phục hồi chức năng gãy xương cẳng chân sau điều trị bảo tồn/phẫu thuật

Hầu hết các trường hợp gãy xương cẳng chân đều cần phải phẫu thuật hoặc bảo tồn trong vòng 24 – 48 giờ sau khi bị thương, nhằm cố định lại xương. Trong giai đoạn này, việc nghỉ ngơi và hạn chế cử động là điều cần thiết để cơ thể có thể tái tạo cấu trúc và chức năng của các bộ phận tương ứng.

Tuy nhiên, nếu như nghỉ ngơi quá lâu, việc tập luyện phục hồi muộn có thể gây nên tình trạng cứng khớp, teo cơ, yếu cơ, yếu chi, xơ dính sẹo, ngăn cản tuần hoàn dinh dưỡng và có nguy cơ hình thành huyết khối. Do đó, sau thời gian nghỉ ngơi được chỉ định bởi bác sĩ, việc tập luyện phục hồi chức năng cần được bắt đầu càng sớm càng tốt.

2.1 Tuần đầu tiên

Trong tuần đầu tiên điều trị, bệnh nhân có thể bị tê ở chân, đau, sưng nề và bầm tím tại vùng bị gãy do phần máu tụ xung quanh vị trí xương gãy. Mục tiêu của luyện tập quá trình phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân trong giai đoạn này sẽ chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát tình trạng giảm đau, giảm sưng và giảm viêm.

Một số phương pháp vật lý trị liệu có thể được chỉ định ở giai đoạn này bao gồm:

Chườm lạnh

Đây là trong những phương pháp hiệu quả trong giai đoạn này để làm giảm đau, viêm và tăng khả năng phục hồi. Bởi vì đá có thể làm co mạch máu và làm giảm lưu lượng máu để hạn chế tính trạng viêm và sưng tấy ở vùng tổn thương. Các dây thần kinh cũng truyền tín hiệu cũng sẽ chậm hơn khi trời quá lạnh, dẫn đến người bệnh sẽ bớt đau đau hơn và ít lạm dụng thuốc giảm đau hơn.

Phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân bằng phương pháp chườm lạnh
Người bệnh có thể thực hiện chườm đá để giúp giảm đau, giảm viêm và tăng cường khả năng phục hồi.

Điện xung vi dòng

Dòng điện vi mô (MET) là một liệu pháp điện trị liệu không xâm lấn và an toàn được áp dụng thông qua một loạt dòng điện dưới dưới 1 mA, có cường độ tương tự như dòng điện nội sinh do cơ thể con người tạo ra  [3].

Trong MET, dòng điện được đưa vào các điểm cụ thể trên cơ thể để kích thích sản xuất adenosine triphosphate (ATP), giúp giảm đau, giảm viêm, phù nề và thúc đẩy quá trình lành vết thương.  Dòng điện vi mô là một phương pháp hồi phục an toàn điều trị các bệnh lý sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật, bao gồm đau cơ xơ hóa, viêm khớp và chấn thương thể thao [4].

Phục hồi chức năng gãy xương cẳng chân bằng phương pháp điện xung vi dòng
Điện xung vi dòng là một phương pháp phục hồi nhằm kích thích sản xuất ATP để cung cấp năng lượng cho tế bào.

Siêu âm xung

Siêu âm xung cường độ thấp (LIPUS) là một dạng siêu âm phát ra ở cường độ thấp hơn nhiều (<3 W/cm2) so với năng lượng siêu âm truyền thống và đầu ra ở chế độ sóng xung. Siêu âm xung thường được sử dụng cho mục đích điều trị trong phục hồi chức năng, đặc biệt khi điều trị các tổ chức như khớp, vùng xương gần sát da xương cẳng chân [5].

LIPUS đã được chứng minh là có nhiều tác dụng sinh học lên các mô, bao gồm thúc đẩy quá trình lành xương gãy, đẩy nhanh quá trình tái tạo mô mềm, ức chế phản ứng viêm,… [5]

Phương pháp siêu âm giúp ức chế phản ứng viêm và thúc đẩy quá trình tái tạo mô mềm.
Siêu âm xung có thể ức chế phản ứng viêm và thúc đẩy quá trình tái tạo mô mềm.

Bên cạnh đó, người bệnh phục hồi chức năng gãy xương cẳng chân có thể được thực hiện các bài tập sau dưới sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ, bao gồm:

Tập gồng cơ, co cơ tĩnh

Biện pháp này giúp cải thiện sức mạnh, tăng cường khối cơ, ngăn ngừa teo cơ chân và khó khăn trong việc vận động sau một thời gian không cử động, thường được áp dụng từ tuần đầu tiên sau phẫu thuật/bảo tồn. Ngoài ra, việc tập duy trì sức mạnh cũng đồng thời mang lại lợi ích về thư giãn và giảm đau. [6]

  • Gồng cơ: Khi tập gồng cơ, bạn nên thực hiện nếu vẫn cảm thấy đau nhiều ở khớp khi cử động. Trong quá trình tập, bạn hãy giữ cho khớp không di chuyển và độ dài của cơ không thay đổi.
  • Co cơ: Khi bắt đầu cảm thấy tình trạng đau ở khớp đã giảm đi, bạn có thể bắt đầu tập co cơ. Trong quá trình tập, bạn hãy giữ cho cơ co lại ngắn và cho phép khớp cử động.
Tập gồng cơ và co cơ ở giai đoạn đầu có thể giúp ngăn ngừa teo cơ chân, giúp thư giãn và giảm đau cho chân
Tập gồng cơ và co cơ ở giai đoạn đầu có thể giúp ngăn ngừa teo cơ chân, giúp thư giãn và giảm đau cho chân

Vận động các khớp lân cận: Bàn ngón chân, gối, háng

Để nâng cao khả năng phục hồi và giảm sự bất động, người bệnh phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân nên thực hiện các bài tập tập trung vào việc tăng cường khả năng linh hoạt của các khớp liên quan. Cụ thể, bệnh nhân có thể tập co và duỗi các khớp, mở rộng phạm vi vận động trong các tư thế ngồi, nằm hoặc khi di chuyển. Biện pháp này giúp ngăn ngừa sự cứng khớp, co rút của bao khớp, giảm thiểu sự mòn sụn và tăng cường sự linh hoạt của khớp.

Việc tập vận động khớp nên bắt đầu từ ngày thứ 3 sau khi áp dụng bó bột hoặc phẫu thuật. Khi tập, người bệnh nên thực hiện các động tác co và duỗi khớp trong khoảng thời gian 45 giây mỗi lượt. Đề xuất thực hiện tập từ 10 – 15 phút mỗi lần và lặp lại 4 – 6 lần mỗi ngày.

Có thể bạn quan tâm: Bài tập phục hồi giãn dây chằng cổ chân

Người bệnh tập co và duỗi các khớp để ngăn ngừa sự cứng khớp và tăng cường sự linh hoạt của khớp.
Người bệnh tập co và duỗi các khớp để ngăn ngừa sự cứng khớp và tăng cường sự linh hoạt của khớp.

2.2 Tuần thứ 2 – 4

Trong 4 – 21 ngày tiếp theo, người bệnh sẽ có vết chai mềm xung quanh vị trí xương gãy. Do đó, sử dụng bó bột ở giai đoạn này là cần thiết để cố định phần xương đang trong quá trình lành lại. Nếu phần xương bị dịch chuyển, mô sẹo mềm có thể bị phá vỡ và gây trở ngại cho quá trình phục hồi của bạn.

Mục tiêu chính của giai đoạn phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân này là duy trì chức năng vận động của khớp gối và khớp cổ chân, hạn chế tình trạng phù nề ở chân do cơ chế ứ trệ tuần hoàn. Một số phương pháp vật lý trị liệu được sử dụng trong giai đoạn này nhằm  giúp cải thiện sự linh hoạt và sức mạnh của cơ bắp và khớp, bao gồm:

Laser

Liệu pháp laser công suất cao là phương pháp điều trị ngày càng được sử dụng nhiều trong phục hồi chỉnh hình, nhằm thúc đẩy quá trình hình thành mạch, phục hồi vùng xương bị gãy và biệt hóa tế bào gốc tạo xương. Nhiều nghiên cứu khác nhau được thực hiện cả in vivo và in vitro cho thấy hiệu quả của việc điều trị bằng laser chỉ làm tăng quá trình tái tạo xương trong những tuần đầu tiên sau khi gãy xương.

Liệu pháp Laser thúc đẩy quá trình hình thành mạch và phục hồi vùng xương bị gãy.
Liệu pháp Laser có thể thúc đẩy quá trình hình thành mạch và phục hồi vùng xương bị gãy.

Di động mô mềm

Di động mô mềm là kỹ thuật được sử dụng để điều trị các tình trạng ảnh hưởng đến các mô mềm của cơ thể như cơ, gân và dây chằng. Cách tiếp cận này bao gồm nhiều phương pháp thực hành khác nhau, từ xoa bóp nhẹ nhàng đến ấn sâu hơn, tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của người bệnh. Đây là yếu tố then chốt trong điều trị rối loạn cơ xương, giúp giảm đau và phục hồi chức năng cho những vùng bị suy yếu do chấn thương, phẫu thuật hoặc các tình trạng mãn tính.

Kỹ thuật di động mô mềm giảm đau và phục hồi chức năng cho những vùng bị chấn thương
Di động mô mềm là một kỹ thuật được thực hiện bằng hình thức xoa bóp hoặc ấn sâu để giảm đau và phục hồi chức năng cho những vùng bị chấn thương

Trong 2 – 4 tuần sau khi gãy xương, việc thực hiện các bài tập tăng sức mạnh cơ nên tuân theo cách làm trong tuần đầu tiên. Tuy nhiên, nếu tiến trình tập luyện diễn ra thuận lợi, người bệnh có thể tăng cường cường độ và phạm vi bài tập để phù hợp hơn với tình trạng hiện tại của họ với bài tập sau:

Tập luyện chịu lực tỳ đè vào xương

Sau 2 tuần đầu tiên, người bệnh cần thực hiện các bài tập chịu lực tỳ đè lên xương cẳng chân để tăng cường sức mạnh và nâng cao khả năng chịu đựng của xương đã bị tổn thương. Tuy nhiên, việc thực hiện các bài tập phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân cần phải được hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo người bệnh thực hiện các động tác đúng cách, từ đó tránh được đau đớn hoặc tổn thương nghiêm trọng.

Ngoài ra, để giảm sưng và đau ở chân bị gãy, người bệnh nên đặt chân cao hơn so với mức của lồng ngực khoảng 20cm. Điều này sẽ giúp tăng cường sự lưu thông của máu trong tĩnh mạch và giúp máu trở về dễ dàng hơn.

Bệnh nhân nên kê cao chân ở giai đoạn này để giúp tăng cường sự lưu thông của máu trong tĩnh mạch.
Bệnh nhân nên kê cao chân ở giai đoạn này để giúp tăng cường sự lưu thông của máu trong tĩnh mạch.

2.3 Tuần thứ 4 – 8

Khoảng 4 tuần sau khi gãy xương, các nguyên bào xương bắt đầu hoạt động và di chuyển đến vị trí của xương gãy và bắt đầu tạo ra xương mới. Các tế bào này bổ sung khoáng chất vào xương khiến xương trở nên cứng và chắc, thúc đẩy quá trình hồi phục và trở lại bình thường. Giai đoạn phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân này được gọi là mô sẹo cứng và thường kéo dài từ 6 đến 12 tuần. [7]

Tương tự như tuần 2 – 4, ở giai đoạn từ tuần 4 – 8, người bệnh nên tiếp tục thực hiện các bài tập tỳ đè lên xương cho đến khi không cảm thấy đau nữa hoặc thấy sức mạnh và khả năng chống chịu của xương đã được cải thiện.

Vào giai đoạn phục hồi hoàn toàn này, người bệnh sẽ được hướng dẫn thêm các bài tập phục hồi chức năng sau đây:

Tăng cường sức mạnh cơ

Giai đoạn từ tuần thứ 4 – 8, người bệnh thực hiện các bài tập nâng chân với các cường độ khác nhau để tăng cường sức mạnh của cơ bắp như nâng chân sử dụng các đoạn dây thun co giãn. Tập tăng cường sức mạnh cơ bắp nên được thực hiện hàng ngày, với tần suất 5 lần/ngày và 10 phút/lần.

Bài tập tăng cường sức mạnh cơ
Người bệnh nên làm quen với bài tập sức mạnh cơ để cải thiện tính linh hoạt của các chuyển động và vận động.

Tập đi lại

Để hỗ trợ cho quá trình đi lại, người bệnh phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân có thể sử dụng nạng hoặc tập đi trên 2 thanh song song. Cách đi như sau:

  • Khi đi, người bệnh nên giữ nạng tựa vào bên trong lòng ngực, đảm bảo lưng thẳng, hai vai cân bằng và dáng đi thẳng. Đồng thời, người bệnh không nên cúi nhìn xuống chân khi đi, giữ đầu cổ thẳng và tập trung mắt nhìn về phía trước.
  • Hai tay của bệnh nhân cần được giữ chặt nạng ở ngay phía trước.
  • Bệnh nhân cần giữ cho chân lành và hai chân nạng tạo thành một hình tam giác.
  • Khi thực hiện các bước đi, bạn chỉ nên tỳ nhẹ lên chân đau và sau một thời gian tập luyện có thể tăng dần mức độ tỳ.
  • Khi bước đi, bạn đưa hai nạng ra phía trước khoảng 10 – 30cm và sử dụng tay để giữ thăng bằng với chân lành bước ra trước, còn chân đau thì bước ra sau.
Tập đi trên 2 thanh song song dưới sự giám sát hỗ trợ từ kỹ thuật viên giúp người bệnh làm quen với việc đi lại và hoạt động sau này.
Tập đi trên 2 thanh song song dưới sự giám sát hỗ trợ từ kỹ thuật viên giúp người bệnh làm quen với việc đi lại và hoạt động sau này.

Tập sinh hoạt thông thường

Sau khi thực hiện bài tập đi lại, người bệnh nên tập làm quen với các hoạt động hàng ngày thông thường, bao gồm việc đứng lên từ ghế, ngồi xổm rồi đứng lên hoặc lên xuống cầu thang. Sau 3 tháng, bệnh nhân phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân có thể bỏ nạng khi được đánh giá xương liền tốt, người bệnh sẽ có thể trở lại hoạt động hàng ngày một cách bình thường, không gặp hạn chế về cử động và không còn cảm giác đau nhức.

Tập sinh hoạt bình thường bằng cách lên xuống cầu thang sẽ giúp cho bệnh nhân nhanh chóng trở lại các hoạt động hàng ngày hơn.
Tập sinh hoạt bình thường bằng cách lên xuống cầu thang sẽ giúp cho bệnh nhân nhanh chóng trở lại các hoạt động hàng ngày hơn.

Trong hai loại xương cẳng chân, xương chày là xương lớn hơn, dày hơn ở bên trong chân với chức năng chính là chịu trọng lượng. Vì gãy xương chày có thể ảnh hưởng đến đầu gối và mắt cá chân gây ra các biến chứng nặng hơn và cần điều trị chuyên sâu hơn.

Bên cạnh đó, gãy mâm chày thường liên quan đến chấn thương dây chằng chéo trước, dây chằng bên (MCL hoặc LCL), sụn chêm và sụn khớp [2]. Chính vì thế, những tập trên đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo, tùy vào từng loại chấn thương mà người bệnh cần có bác sĩ chỉ định để đảm bảo an toàn trong điều trị phục hồi chức năng.

3. Lưu ý trong phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân

3.1 Về chế độ dinh dưỡng

Một chế độ ăn uống đầy đủ và cân bằng là vô cùng quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân. Khi bị gãy xương hoặc bất kỳ chấn thương cấp tính nào khác, cơ thể bạn sẽ cần nhu cầu calo cao hơn. Vì thế, ở giai đoạn này cơ thể cần được bổ sung đủ 4 nhóm chất sau: [8]

  • Protein: Khi chấn thương xảy ra, cơ thể cần nhiều năng lượng và protein hơn từ thực phẩm bổ dưỡng để hỗ trợ quá trình chữa lành và giảm tình trạng viêm. Việc đảm bảo lượng, thời gian và tần suất nạp protein chính xác có thể giúp tăng sức mạnh và ngăn ngừa mất khối lượng cơ trong quá trình phục hồi [9].
  • Chất xơ: Các nghiên cứu cho thấy ăn nhiều rau và trái cây sẽ cải thiện sức khỏe của xương. Đặc biệt, nhóm chất xơ chứa chất phytochemical có tác dụng bảo vệ chống lại nhiều bệnh khác nhau, bao gồm cả bệnh loãng xương [10].
  • Omega-3: Theo nghiên cứu, axit béo omega-3 từ thực phẩm và chất bổ sung có thể có lợi cho các chấn thương do đặc tính chống viêm. Nguồn thực phẩm giàu omega-3 bao gồm các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá mòi và dầu gan cá tuyết, hạt lanh, hạt chia, quả óc chó và đậu nành… [9]
  • Vitamin và khoáng chất: Một số chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình hồi phục sau chấn thương. Vitamin C đóng vai trò chính trong việc ngăn ngừa và phục hồi các vết thương, chuyển hóa xương, đặc biệt là tổng hợp collagen tạo thành khung cấu trúc của xương và cả chức năng miễn dịch. Ngoài vitamin C, vitamin A, kẽm, vitamin E và selen rất quan trọng, không chỉ vì đặc tính chữa lành vết thương mà còn vì tác dụng chống oxy hóa.

Cũng giống như một số loại thực phẩm thúc đẩy quá trình lành xương, một số lại cản trở quá trình này. Những thực phẩm này sẽ cản trở khả năng hấp thụ canxi và vitamin của cơ thể bạn. Những thực phẩm cần tránh trong quá trình phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân bao gồm thực phẩm chứa nhiều đường hoặc muối, thịt đỏ, rượu và caffeine [11].

Các nhóm chất cần thiết cho quá trình tập vật lý trị liệu sau gãy xương cẳng chân
Bổ sung đầy đủ các nhóm chất để cơ thể có thể cung cấp năng lượng và các dưỡng chất cần thiết cho quá trình phục hồi của người bệnh.

3.2 Về chế độ nghỉ ngơi

Một trong những cách tốt nhất để giúp xương bị gãy lành lại là nghỉ ngơi và hạn chế vận động chân bị thương [12]. Người bệnh phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân nên có được giấc ngủ chất lượng để thúc đẩy các giai đoạn ngủ sâu và phục hồi bằng cách tạo ra một môi trường ngủ yên tĩnh, không có thiết bị điện tử, với một chiếc giường thoải mái và nhiệt độ mát mẻ phù hợp.

Ngoài ra, khi tập luyện, bạn hãy cho phép cơ thể có thời gian phục hồi trong ngày tránh việc để xương khớp hoạt động quá lâu, gây tình trạng mỏi và đau nhức. Những khoảng thời gian nghỉ ngơi này có thể đơn giản như nằm xuống, đọc sách hoặc các hoạt động thư giãn khác giúp cơ thể bạn thư giãn và hồi phục [13].

Người bệnh nên có chế độ ngủ nghỉ phù hợp để tránh gây mỏi và đau nhức cho xương.
Người bệnh nên có chế độ ngủ nghỉ phù hợp để tránh gây mỏi và đau nhức cho xương.

3.3 Về chế độ vận động

Để quá trình phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân hiệu quả hơn, điều quan trọng là người bệnh phải làm theo hướng dẫn của bác sĩ về việc nghỉ ngơi và vận động. Bạn có thể được yêu cầu tránh một số cử động nhất định để không làm vết thương nặng hơn, bao gồm:

  • Tư thế đứng: Khi đứng, bạn nên giữ đầu cổ thẳng và đôi vai thả lỏng với phân phối trọng lượng cơ thể đều trên cả hai chân, không nên tạo áp lực quá lớn lên chân bị gãy trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi.
  • Tư thế ngồi: Khi ngồi, người bệnh nên chọn ghế có độ cao và độ cứng phù hợp, hãy giữ lưng thẳng và đặt đôi chân xuống sàn nhẹ nhàng. Nếu có thể, bạn nên tránh ngồi quá lâu ở một vị trí và thực hiện các động tác căng cơ đều đặn.
  • Tư thế nằm: Bạn nên chọn một vị trí nằm thoải mái và hỗ trợ cho cả cơ thể và xương gãy, có thể sử dụng gối hoặc tấm đệm để duy trì độ cao phù hợp của chân khi nằm.

Lưu ý từ chuyên gia Myrehab Matsuoka: Các hoạt động thể thao nên tập luyện sau giai đoạn phục hồi chức năng, sau 6 tháng hồi phục.

Phục hồi chức năng sau gãy xương cẳng chân là một quá trình cơ bản để phục hồi chức năng của chi dưới. Với sự kết hợp giữa vật lý trị liệu và các bài tập cụ thể, bệnh nhân có thể phục hồi sức mạnh, sự linh hoạt và khả năng vận động mà họ cần để quay trở lại các hoạt động thể thao và sinh hoạt hàng ngày. Điều quan trọng là phải tuân theo hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu và thực hiện các bài tập tại nhà để đạt được kết quả tốt nhất.

Để đặt lịch thăm khám và điều trị sớm nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ thông qua:

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 23/06/2024Ngày cập nhật: 19/08/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo