[Chi tiết] Lộ trình và bài tập vật lý trị liệu sau gãy chân 

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi ThS. BS CKII. Đặng Thị Kim Hương – Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.

Tập vật lý trị liệu sau gãy chân có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng của chân giúp giảm đau, tăng cường sức mạnh, sự linh hoạt của cơ, khớp và ngăn ngừa biến chứng. Tìm hiểu chi tiết lộ trình và các bài tập vật lý trị liệu trong từng giai đoạn để đạt hiệu quả hồi phục tốt nhất.

1. Giai đoạn bất động sau phẫu thuật/bó bột 

Theo ThS. BS CKII. Đặng Thị Kim Hương, trong giai đoạn bất động sau phẫu thuật hoặc bó bột, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các bài tập vật lý trị liệu với mục tiêu như sau:

  • Cải thiện và ngăn ngừa biến chứng hô hấp.
  • Giảm đau và sưng, chống viêm và phù nề.
  • Duy trì lực cơ của chi đau.
  • Gia tăng sức mạnh của các nhóm cơ, tránh teo cơ và cứng khớp do bất động lâu ngày.
  • Duy trì tầm vận động các khớp xa.

Phương pháp:

  • Điện xung, siêu âm giúp giảm phù nề, hạn chế cứng khớp và tăng lưu thông máu.
  • Chườm lạnh để giảm đau, giảm sưng, thư giãn cơ. 

Tập vật lý trị liệu sau gãy chân giai đoạn bất động băng các bài tập sau:

1.1 Nâng cao chi bị gãy

Bài tập có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu, giảm phù nề và duy trì lực cơ cho chi bị gãy, hỗ trợ quá trình phục hồi tốt hơn. 

Cách thực hiện: Người bệnh cần đặt một chiếc gối hoặc vật mềm dưới chi bị gãy để nâng cao phần chân.

Nâng cao chi bị gãy giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm phù nề
Nâng cao chi bị gãy giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm phù nề

1.2 Vận động các khớp xa vị trí bị gãy

1.2.1 Vận động chi trên

Các hoạt động vận động chi trên giúp ngăn ngừa loét do tỳ đè khi bệnh nhân hạn chế vận động, duy trì sự linh hoạt của các khớp và cải thiện tuần hoàn máu cho cơ thể người bệnh.

Cách bước tập luyện:

  • Bệnh nhân ngồi thẳng lưng, hai tay giơ cao qua đầu.
  • Giữ tay ở tư thế giơ cao trong 5-10 giây sau đó từ từ hạ xuống.
  • Thực hiện lặp lại nhiều lần tùy theo khả năng vận động của bệnh nhân.
Bài tập vận động chi trên
Bài tập vận động chi trên

1.2.2 Vận động chi dưới

Vận động chi dưới xa vị trí bị gãy giúp bệnh nhân duy trì sự linh hoạt và tránh teo cơ trong giai đoạn bất động, đồng thời hỗ trợ quá trình tuần hoàn máu.

Các bước tập luyện:

  • Bệnh nhân nằm ngửa trên giường, thả lỏng cơ thể, đồng thời người hỗ trợ dùng một tay giữ cố định bàn chân người bệnh, tay còn lại nắm vào các đầu ngón chân.
  • Người hỗ trợ thực hiện động tác gập ngón chân người bệnh lên xuống một cách nhẹ nhàng và chậm rãi, sau đó, duỗi ngón chân ra trở lại vị trí ban đầu.
  • Tiếp tục thực hiện động tác gập và duỗi ngón chân mỗi lần khoảng 10 – 15 giây, lặp lại khoảng 10 – 15 lần cho mỗi buổi tập.
  • Thực hiện tương tự cho các ngón chân khác để đảm bảo tất cả ngón chân đều được vận động.
Bài tập vận động các khớp xa vị trí bị gãy
Bài tập vận động các khớp xa vị trí bị gãy

1.3 Tập gồng cơ trong nẹp bột 

Bài tập gồng cơ trong nẹp bột có tác dụng hỗ trợ người bệnh vận động khớp, ngăn ngừa làm tăng sản mỡ trong bao hoạt dịch, giúp khớp linh hoạt và khỏe mạnh hơn.

Các bước tập luyện:

  • Bệnh nhân nằm ngửa trên sàn, thả lỏng hai chân và thư giãn cơ đùi.
  • Bắt đầu lấy gồng cơ chân bị thương và giữ cho cơ đùi căng trong 5 giây (giống ảnh dưới), sau đó thả lỏng và thư giãn cơ đùi.
  • Thực hiện lặp lại động tác 10-15 lần.
Bài tập gồng cơ trong nẹp bột
Bài tập gồng cơ trong nẹp bột

1.4 Duỗi khớp cổ chân

Bài tập duỗi khớp cổ chân có tác dụng duy trì sự linh hoạt và ngăn ngừa cứng khớp cổ chân trong quá trình hồi phục.

Các bước tập luyện:

  • Người hỗ trợ sẽ dùng một tay nắm giữ gót chân và nâng đỡ bàn chân của bệnh nhân, sau đó dùng tay còn lại nắm vào mu bàn chân.
  • Thực hiện gấp cổ chân bệnh nhân lại bằng cách dùng lực ở tay kéo gót chân xuống, đồng thời đẩy lực từ mũi bàn chân về phía mu bàn chân.
  • Khi khớp bàn chân được gập tối đa và xuất hiện lực căng cơ chân, người hỗ trợ sẽ thực hiện duỗi bàn chân về vị trí cũ.
Bài tập duỗi khớp cổ chân nên có sự hướng dẫn của kỹ thuật viên có chuyên môn
Bài tập duỗi khớp cổ chân nên có sự hướng dẫn của kỹ thuật viên có chuyên môn

1.5 Xoay khớp cổ chân

Bài tập xoay khớp cổ chân giúp bệnh nhân phục hồi các cử động của khớp, hỗ trợ tạo các chuyển động làm tăng khả năng tuần hoàn máu và duy trì sự linh hoạt cho các khớp.

Các bước tập luyện:

  • Người bệnh nằm ngửa, chân duỗi thẳng.
  • Người hỗ trợ dùng một tay nắm phần trước bàn chân của người bệnh, tay còn lại giữ gối để đảm bảo chân không bị xoay.
  • Người hỗ trợ từ từ quay bàn chân của người bệnh vào trong, sau đó, từ từ quay bàn chân ra ngoài.
  • Thực hiện vài vòng lặp động tác, mỗi lần xoay vào trong và ra ngoài được tính là một vòng lặp.
  • Lặp lại động tác vài lần theo hướng dẫn của kỹ thuật viên trị liệu.
Bài tập xoay khớp cổ chân đòi hỏi tập luyện với kỹ thuật viên
Bài tập xoay khớp cổ chân đòi hỏi tập luyện với kỹ thuật viên

Có thể bạn quan tâm: Vật lý trị liệu bàn chân khoèo: Nguyên tắc, phương pháp và lưu ý 

2. Giai đoạn sau bất động 

Mục tiêu của vật lý trị liệu sau giai đoạn bất động là giảm phù nề xung quanh vùng bị bất động, đồng thời giảm đau, tăng tuần hoàn máu và phá tan kết dính trong các mô, giúp khôi phục tính linh hoạt của các cơ và khớp. Các bài tập vật lý trị liệu sau gãy chân còn có tác dụng cải thiện tầm hoạt động, tăng sức mạnh cơ và phục hồi chức năng để người bệnh có thể trở lại cuộc sống, công việc bình thường.[3]

Phương pháp: 

  • Nhiệt nóng ẩm (chiếu đèn hồng ngoại, bó parafin): Giảm sưng và giảm đau bằng cách tăng lưu lượng máu đến vùng bị chấn thương, giúp cơ thể loại bỏ các chất gây đau và sưng.
  • Xoa bóp trị liệu: Giúp giảm cơn đau, làm giảm cứng cơ và cải thiện tuần hoàn máu đến các vùng cơ bị ảnh hưởng.
  • Điện xung: Kích thích các cơ và dây thần kinh để giảm đau và cải thiện sự hoạt động cơ.
  • Vận động thụ động, kéo giãn để gia tăng ROM: Làm tăng phạm vi chuyển động của khớp bằng cách giãn cơ và dây chằng.
  • Áp dụng kỹ thuật giữ nghỉ, co nghỉ, trượt khớp để gia tăng ROM: Giúp cải thiện phạm vi chuyển động của khớp bằng các kỹ thuật nâng cao sự linh hoạt.
  • Vận động trị liệu: Tăng sức mạnh và sự linh hoạt của cơ, cải thiện sự ổn định và kiểm soát chuyển động của khớp.
Vật lý trị liệu sau giai đoạn bất động giúp người bệnh nhanh hồi phục, cải thiện khả năng vận động
Vật lý trị liệu sau giai đoạn bất động giúp người bệnh nhanh hồi phục, cải thiện khả năng vận động

2.1 Các bài vận động khớp

Bài tập giúp duy trì và cải thiện sự linh hoạt của khớp, ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến cứng khớp sau gãy xương.

Các bước tập luyện:

  • Tiếp tục các bài tập vận động cơ khớp chân như ở giai đoạn 1.
  • Thực hiện các bài tập co duỗi khớp với tốc độ chậm, khoảng 45 giây/lần co duỗi.
  • Mỗi lần tập từ 10 đến 15 phút.
  • Thực hiện bài tập này từ 4 đến 6 lần trong ngày.
Tiếp tục thực hiện các bài tập co duỗi khớp trong giai đoạn sau bất động
Tiếp tục thực hiện các bài tập co duỗi khớp trong giai đoạn sau bất động

2.2 Kéo giãn cơ

Bài tập kéo giãn cơ giúp cải thiện phạm vi chuyển động của các cơ và gân trong chân, hỗ trợ giảm thiểu tình trạng co cứng và khôi phục sự linh hoạt sau thời gian bó bột.

Các bước tập luyện: 

  • Bệnh nhân ngồi thẳng, thả lỏng và đặt hai bàn chân chạm sàn.
  • Dùng bàn tay kéo gập các ngón chân về phía cơ thể sao cho nhận thấy cảm giác căng trong cơ và gân sau đó từ từ trở lại tư thế ban đầu.
  • Lặp lại động tác vài lần trong ngày, tùy thuộc vào khả năng và sự thoải mái của người bệnh.
Bài tập kéo giãn cơ
Bài tập kéo giãn cơ

2.3 Tập đứng thăng bằng

Động tác tập đứng thăng bằng có tác dụng giúp bệnh nhân tăng cường khả năng giữ thăng bằng cho cơ thể, ngăn ngừa tình trạng teo cơ và giảm nguy cơ té ngã.

Các bước tập luyện:

  • Đứng thẳng, hai chân đặt cách nhau một khoảng rộng bằng vai.
  • Nâng chân bị thương lên khỏi mặt đất khoảng 2-3 cm (có thể giữ mũi chân chạm nhẹ trên sàn) và giữ thăng bằng trong khoảng 10 giây.
  • Thực hiện động tác liên tục và lặp lại nhiều lần. 

Lưu ý: Trong những ngày đầu tiên thực hiện động tác, bệnh nhân có thể giữ nhẹ tay vào ghế để hỗ trợ tư thế thăng bằng ban đầu. Tránh các bề mặt sàn trơn trượt để đảm bảo an toàn.

Bài tập đứng thăng bằng
Bài tập đứng thăng bằng

2.4 Tập đi giữa hai thanh song song

Bài tập đi giữa hai thanh song song giúp bệnh nhân tăng cường sức mạnh ở tay, phục hồi sự cân bằng ở chân và toàn bộ cơ thể.

Cách bước tập luyện:

  • Đứng thẳng giữa hai thanh song song, hai tay giữ nhẹ vào thanh để hỗ trợ thăng bằng.
  • Nhấc nhẹ chân bị thương lên và bước từng bước nhỏ về phía trước (có thể nắm chặt thanh song song để duy trì khả năng giữ thăng bằng).
  • Sau khi bước, điều chỉnh để chân bị thương đặt hoàn toàn trên mặt đất sau đó mới bước chân lành về phía trước.
Tập đi giữa 2 thanh song song
Bệnh nhân có thể sử dụng khung tập đi ở các trung tâm phục hồi chức năng

2.5 Tập đi bằng nạng

Tập đi bằng nạng giúp bệnh nhân gia tăng sự ổn định khi xương chân gần liền, hỗ trợ quá trình phục hồi của người bệnh, ngăn ngừa nguy cơ teo cứng cơ và tuần hoàn máu kém.

Các bước tập luyện: 

  • Đứng thẳng, tay cầm chặt nạng để duy trì thăng bằng.
  • Đưa hai nạng ra phía trước khoảng 10 – 30cm.
  • Bước chân lành ra phía trước đầu tiên, sau đó tiếp tục bước chân còn lại.
  • Đảm bảo sự cân bằng và ổn định trên nạng khi di chuyển.

Lưu ý: Tránh tỳ hoặc chỉ tỳ nhẹ lên chân đau, tăng dần độ tỳ theo sự phục hồi của xương chân.

Tập đi bằng nạng sau phẫu thuật, bó bột giúp người bệnh giữ thăng bằng, duy trì khả năng di chuyển
Tập đi bằng nạng sau phẫu thuật, bó bột giúp người bệnh giữ thăng bằng, duy trì khả năng di chuyển

2.6 Tập đi bước trên bục

Các động tác tập bước đi trên bục giúp bệnh nhân tăng cường sức mạnh cơ bắp ở chân, cải thiện sự linh hoạt của khớp và khả năng thăng bằng sau gãy chân.

Cách bước tập luyện:

  • Đứng thẳng đối diện với bục, hai chân cách đều nhau bằng hông, tay vịn nhẹ vào lan can để hỗ trợ thăng bằng.
  • Nhấc chân lành bước lên bục sau đó bước chân bị thương theo.
  • Sau khi giữ thăng bằng, bệnh nhân tiếp tục thực hiện lặp lại động tác nhiều lần.
Bệnh nhân tập bước trên các bục để tăng cường sự ổn định cơ chân
Bệnh nhân tập bước trên các bục để tăng cường sự ổn định cơ chân

Tìm hiểu thêm về phục hồi chức năng sau phẫu thuật gân gót – phương pháp điều trị hiệu quả nhất để lấy lại sự linh hoạt cho cơ và gân, làm lành vết thương, giảm đau cho bệnh nhân.

3. Lưu ý về chăm sóc sức khỏe trong quá trình tập vật lý trị liệu sau gãy chân

Để tăng hiệu quả phục hồi trong quá trình tập vật lý trị liệu sau gãy chân, bệnh nhân cần tuân thủ các lưu ý sau [4]:

  • Chế độ dinh dưỡng: Bổ sung các dưỡng chất và vitamin cần thiết để hỗ trợ chữa lành, tái tạo các mô, xương tổn thương như: canxi, magie, kẽm, vitamin D, protein… 
  • Vệ sinh cơ thể và khu vực gãy chân: Bảo vệ vết thương và khu vực chấn thương để tránh nhiễm trùng. Thường xuyên làm sạch và băng bó khu vực gãy chân theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tập vận động: Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu đúng cách và đều đặn để duy trì sự linh hoạt và tăng cường sức mạnh của cơ bắp và xương. Điều này giúp phục hồi chức năng chân và ngăn ngừa các biến chứng sau này.
  • Chế độ sinh hoạt: Tăng thời gian nghỉ ngơi, đảm bảo ngủ đủ giấc và tránh vận động mạnh hoặc hoạt động quá sức.

Những lưu ý trên không chỉ áp dụng riêng cho việc tập vật lý trị liệu sau gãy chân, nếu đang trong quá trình tập vật lý trị liệu suy giãn tĩnh mạch chân, bạn nên lưu tâm những lời khuyên trên để quá trình phục hồi được diễn ra nhanh chóng.

Việc tập vật lý trị liệu sau gãy chân là một phần quan trọng trong quá trình điều trị, phục hồi chức năng. Người bệnh cần kiên nhẫn thực hiện các bài tập phù hợp theo hướng dẫn của chuyên gia, bác sĩ trị liệu để nhanh chóng lấy lại khả năng vận động, giảm thiểu các biến chứng và phục hồi sức khỏe toàn diện.

Để được hỗ trợ phục hồi sau chấn thương gãy chân, MYREHAB MATSUOKA là địa chỉ uy tín mà bạn có thể yên tâm lựa chọn. MYREHAB MATSUOKA là trung tâm hàng đầu trong lĩnh vực phục hồi chức năng sau gãy xương theo tiêu chuẩn Nhật Bản, chuyên cung cấp các giải pháp tiên tiến để cá nhân hóa quá trình điều trị. 

Hãy liên hệ với MYREHAB MATSUOKA ngay hôm nay để đặt lịch hẹn và bắt đầu hành trình hồi phục!

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 13/10/2024Ngày cập nhật: 13/10/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.