Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka.
Viêm cân gan chân là hiện tượng kích ứng hoặc viêm sưng gây khó khăn trong việc đi lại, xảy ra phổ biến ở người trung niên hoặc người thường xuyên chơi thể thao với cường độ mạnh. Bệnh có thể khỏi hẳn nếu phát hiện sớm và chữa trị đúng cách. Do đó, hãy cùng Myrehab Matsuoka tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị căn bệnh này nhé!
1. Khái niệm về viêm cân gan chân
Cân gan chân là một dải mô dày chạy dọc theo lòng bàn chân và nối xương gót chân với các ngón chân. Đây là một hệ thống quan trọng của cơ thể, có khả năng giảm tác động của trọng lực lên bàn chân khi di chuyển, có vai trò bảo vệ các khớp xương và giúp việc đi lại dễ dàng hơn.
Viêm cân gan chân (Plantar fasciitis) là tình trạng viêm dải mô dày chạy dọc theo lòng bàn chân, gây ra những cơn đau dữ dội như dao đâm ở gót chân và thường xảy ra khi bước những bước đầu tiên vào buổi sáng. Bên cạnh đó, khi đứng dậy và di chuyển, cơn đau thường giảm đi nhưng có thể quay trở lại sau khi đứng lâu hoặc khi đứng dậy sau khi ngồi (Theo Mayo Clinic).
Như vậy, viêm cân gan chân có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, gây khó khăn trong việc sinh hoạt hằng ngày và đặc biệt là ảnh hưởng xấu tới dáng đi của người bệnh.
2. Nguyên nhân gây viêm cân gan chân
Theo Medscape, khoảng 50% bệnh nhân mắc bệnh viêm cân gan chân cũng sẽ bị gai gót chân. Tuy nhiên, gai gót chân không phải nguyên nhân gây ra căn bệnh này, và thực tế, người bệnh có thể mắc 2 căn bệnh này cùng lúc.
Nguyên nhân của căn bệnh viêm cân gan chân là do cân gan chân bị kéo căng quá mức hoặc chịu sự căng thẳng liên tục. Khi đó, cân gan chân bị thoái hóa mãn tính hoặc hình thành các vết rách nhỏ ở các sợi cân gan chân, đặc biệt là ở nơi cân gan chân nối với xương gót chân. Ngoài ra, căn bệnh viêm cân gan chân cũng có thể do tình trạng vôi hóa và dày lên của cân gan chân.
Như vậy, nếu lòng bàn chân bị căng quá mức do các hoạt động lặp đi lặp lại của việc đứng hoặc chạy, dải mô dày ở lòng bàn chân – cân gan chân – sẽ bị tổn thương và từ đó gây ra căn bệnh viêm cân gan chân.
3. 9 yếu tố tăng nguy cơ viêm cân gan chân
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh viêm cân gan có thể đến từ chủ quan hoặc khách quan như:
3.1. Yếu tố chủ quan
Bệnh viêm cân gan chân có thể xảy ra nếu chúng ta có thói quen ăn uống, sinh hoạt và lựa chọn giày dép không phù hợp.
1 – Thói quen ăn uống và sinh hoạt không tốt
Nếu bạn có mức độ hoạt động thể chất hàng ngày với cường độ quá cao, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm cân gan chân. Do việc chạy nhảy, đi lại với lực quá mạnh, lặp đi lặp lại sẽ gây ra một áp lực lớn lên gót chân và các mô liên quan, từ đó, làm tăng nguy cơ bị rách các mô nhỏ cân gan chân, gây ra căn bệnh viêm cân gan chân.
Bên cạnh đó, chế ăn uống và thói quen sinh hoạt cá nhân không điều độ, dư thừa quá nhiều chất béo chất béo bão hòa cũng có thể làm tăng các hóa chất gây viêm trong cơ thể, từ đó, tăng nguy cơ mắc bệnh viêm cân gan chân.
2 – Lựa chọn giày dép không phù hợp
Việc đi giày quá cao và đế dày không có phần hỗ trợ vòm tích hợp cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm cân gan chân. Theo một bài nghiên cứu được đăng trên Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ (NCBI), khoảng 82,2% bệnh nhân viêm cân gan chân đi giày cao gót, 55,5% bệnh nhân đi giày đế cứng, không có đệm và không có phần hỗ trợ vòm tích hợp.
3.2. Yếu tố khách quan
Bên cạnh những yếu tố chủ quan do thói quen ăn uống, sinh hoạt, các yếu tố khách quan như tuổi tác, tính chất công việc,… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm cân gan chân.
1 – Tuổi tác
Tuổi tác càng cao, khả năng mắc bệnh viêm cân gan chân càng lớn, đặc biệt là độ tuổi từ 40 – 60 tuổi. Do khi tuổi càng cao, các mô và cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả gân, đều có xu hướng thoái hóa, vì vậy, người cao tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
2 – Tính chất công việc
Những người làm các công việc phải thường xuyên đứng, đi lại nhiều trên bề mặt cứng như công nhân nhà máy, giáo viên, tiếp thị bán hàng,… cũng có khả năng mắc bệnh viêm cân gan chân cao hơn. Ngoài ra, theo NCBI, có tới 83% người có độ tuổi từ 25 – 65 tuổi làm việc trong môi trường lao động nặng mắc bệnh viêm cân gan chân.
3 – Béo phì
Thừa cân, béo phì sẽ tạo ra nhiều áp lực đè lên bàn chân, gây căng thẳng cho màn gan chân, từ đó, nâng cao mối nguy mắc bệnh viêm cân gan chân. Thực tế, có tới 70% bệnh nhân mắc bệnh viêm cân gan chân bị béo phì (Theo NCBI).
4 – Viêm gân Achilles
Theo NCBI, có tới 80% trường hợp mắc viêm cân gân chân được tìm thấy là có mắc viêm gân Achilles (Là bệnh lý gây đau ở phía sau mắt cá chân và lan xuống phía sau gót chân). Do đó, việc mắc viêm gân Achilles cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm cân gan chân.
5 – Các dị tật bàn chân
Người có dị tật bàn chân bẹt là người có lòng bàn chân phẳng, không có lõm hoặc không có độ cong tự nhiên. Do đó, khi đi lại, người này sẽ bị mất cân bằng, các mô liên kết ở chân bị kéo giãn căng liên tục. Lâu dần, điều này sẽ gây ra các tổn thương đến các sợi cân gan chân và gây ra căn bệnh viêm cân gan chân.
Bàn chân vẹo là tình trạng bàn chân bị lệch sang một bên. Điều này có thể dẫn đến việc cân gan chân bị kéo căng quá mức ở một phía. Do đó, những người bị dị tật bàn chân vẹo cũng có khả năng cao bị mắc bệnh viêm cân gan chân.
6 – Gai gót chân
Gai gót chân là tình trạng hình thành các mấu xương nhỏ ở mặt dưới xương gót. Tuy không phải là nguyên nhân trực tiếp gây viêm cân gan chân, nhưng nó có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm cân gan chân bởi các mấu xương có thể chèn ép vào cân gan chân.
7 – Phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc viêm cân gan chân cao hơn so với người bình thường, do tăng trọng lượng cơ thể trong thai kỳ. Khi đó, chúng có thể làm tăng áp lực lên bàn chân, từ đó, làm tăng nguy cơ viêm cân gan chân.
4. Triệu chứng thường gặp của viêm cân gan chân
Viêm cân gan chân thường có triệu chứng đau xảy ra ở 1 bên nhưng có tới 30% trường hợp có biểu hiện hai bên (Theo Premier Wellness and Myofascial Release). Đôi khi, cơn đau có thể lan ra toàn bộ bàn chân và cả các ngón chân. Cảm giác đau có thể được biểu hiện qua lồi củ xương gót trong và có thể tăng lên khi gập mu bàn chân hoặc đứng nhón chân.
Các triệu chứng viêm cân gan chân có thể phát triển dần dần theo thời gian hoặc trong một số trường hợp, cơn đau sẽ xuất hiện đột ngột sau khi tham gia hoạt động thể chất cường độ cao. Điều quan trọng là bạn cần lưu ý mức độ nghiêm trọng và thời gian của các triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người. Viêm cân gan chân có nhiều biểu hiện, trong đó, có một số biểu hiện phổ biến như sau:
- Đau ở lòng bàn chân, gần gót chân: Cơn đau xảy ra ở vị trí lòng bàn chân hoặc gần gót chân là dấu hiệu phổ biến và dễ nhận biết nhất của bệnh viêm cân gan chân. Cơn đau này có thể là cảm giác đau âm ỉ hay dữ dội như dao đâm. Ngoài ra, phần vòm dọc theo lòng bàn chân cũng có thể có cảm giác đau hoặc bỏng rát.
- Khó chịu ở gót chân hoặc bàn chân: Cơn khó chịu ở gót chân hoặc bàn chân thường xảy ra vào buổi sáng khi khỏi giường hoặc sau một thời gian không vận động. Cơn đau thường có xu hướng giảm dần khi người bệnh đi lại hoặc bắt đầu hoạt động thể thao, nhưng sau đó lại tăng dần khi hoạt động quá nhiều.
- Các cơn đau gót chân/bàn chân sẽ nặng hơn sau khi hoạt động thể chất: Đau gót chân hoặc bàn chân có xu hướng trầm trọng hơn sau khi hoạt động thể chất, đặc biệt là hoạt động leo cầu thang. Tuy nhiên, chúng không đúng với trường hợp tập thể dục.
- Sưng quanh gót chân: Viêm cân gan chân có thể gây sưng to khu vực quanh gót chân kèm theo cảm giác đau nhức, từ đó, làm cản trở các hoạt động đi lại và sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Càng để lâu, vết sưng sẽ càng nghiêm trọng, thậm chí, có thể bị nứt gót chân rất nguy hiểm.
- Cứng bàn chân: Viêm cân gan chân gây cứng bàn chân là triệu chứng thường gặp, đặc biệt khi thức dậy hoặc sau khi ngồi lâu. Độ cứng này có thể gây khó khăn khi đi lại và sinh hoạt của người bệnh.
- Xuất hiện các vết bầm tím: Viêm cân gan chân có thể làm vùng gan bàn chân đổi màu, gây ra các vết bầm tím và đây cũng là triệu chứng thường thấy ở người viêm cân gan chân.
5. Biến chứng của viêm cân gan chân
Viêm cân gan chân không phải là bệnh lý nguy hiểm, tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn biến tệ hơn, gây mãn tính, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt của người bệnh. Đồng thời, viêm cân gan chân cũng có thể làm thay đổi dáng đi và các vấn đề về chân, đầu gối, mông, lưng.
Trong đó, các biến chứng nguy hiểm mà người mắc bệnh viêm cân gan chân cần chú ý đó là:
- Viêm gân mãn tính: Nếu người bệnh không chữa trị bệnh viêm cân gan chân dứt điểm, thường xuyên để bàn chân bị viêm tái phát nhiều lần, bệnh nhân có thể bị viêm gân mãn tính.
- Đứt gân: Nếu người bị viêm cân gan chân mà thường xuyên vận động mạnh, tạo ra những áp lực lớn lên cân gân chân khi chúng đang bị tổn thương, người bệnh có thể bị đứt gân.
- Hoại tử mỡ: Khi vùng cân gan chân bị chấn thương, chúng có thể gây ra các cục cứng hình thành dưới da, giống như khối u và được gọi là hoại tử mỡ. Khi đó, phần chân của người bệnh sẽ một hạch cứng dưới da, có màu đỏ hoặc màu tím. Tuy nhiên, biến chứng này không quá nguy hiểm và chúng sẽ thường tự biến mất.
6. Phương pháp chẩn đoán viêm cân gan chân
Viêm cân gan chân thường được chẩn đoán thông qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng.
6.1. Thăm khám lâm sàng
Khi đến thăm khám lâm sàng, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hỏi về tiền sử bệnh, các thông tin liên quan đến sức khỏe và các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải như:
1 – Vị trí đau
Bác sĩ sẽ kiểm tra các vị trí đau của bệnh viêm cân gan chân sau:
- Đau vùng gót: Thông thường, khi đau ở vị trí này, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau dữ dội khi bước chân xuống giường vào buổi lúc thức giấc, khi đứng dậy sau khi ngồi lâu hoặc sau khi vận động/di chuyển nhiều. Đồng thời, cơn đau này sẽ giảm nhẹ sau khi nghỉ ngơi và mức độ đau của các cơn đau trong ngày sẽ ít hơn vào buổi sáng.
- Đau bên trong gót chân: Cơn đau sẽ xuất hiện khi bác sĩ ấn vào gót chân để kiểm tra và thông thường bệnh nhân sẽ có cảm giác đau nhói.
2 – Thời gian đau
Thông thường, cơn đau do viêm cân gan chân sẽ kéo dài liên tục trong thời gian dài, khoảng 6 – 12 tháng.
3 – Cấu trúc bất thường của chân
Khi bị viêm cân gan chân, bệnh nhân có thể có hình dáng phẳng hơn hoặc lõm hơn so với bàn chân của người bình thường. Bên cạnh đó, một số trường hợp, bệnh nhân có thể đi kèm với dấu hiệu teo cơ.
6.2. Thăm khám cận lâm sàng
Sau khi được khám lâm sàng, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định khám cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Một số phương pháp khám cận lâm sàng bằng hình ảnh bao gồm:
- Chụp X-quang: Dùng để kiểm tra phần gai gót chân, độ dày của màng gan chân và chất lượng của lớp đệm mỡ. Phương pháp này được thực hiện nhằm nguyên nhân gây đau chân của bệnh nhân là viêm cân gan chân hay do các nguyên nhân nào khác.
- Siêu âm: Phương pháp này dùng để kiểm tra độ dày của cân gan chân và mức sưng tấy của chúng. Thông thường, độ dày của cân gan chân sẽ dao động từ 2 – 3mm. Do đó, nếu độ dày cân gan chân của người bệnh lớn hơn mức độ trung bình này thì có thể được chẩn đoán là viêm cân gan chân. Ngoài ra, với những người bị đau gót chân mãn tính, độ dày của màng cân gan chân có thể > 4,0mm (bao gồm tụ dịch) sẽ được chẩn đoán là viêm cân gan chân.
- Chụp MRI: Sau khi điều trị viêm cân gan chân nhưng nếu tình trạng cơn đau của bệnh nhân không thuyên giảm, bác sĩ sẽ tiến hành chụp MRI nhằm kiểm tra các vấn đề khác về chân của bệnh nhân. Chẳng hạn như hội chứng đường hầm cổ chân, khối u mô mềm và xương, viêm tủy xương, viêm khớp dưới sên và gãy xương do căng thẳng.
7. Phương pháp điều trị bệnh viêm cân gan chân
Phương pháp điều trị bệnh viêm cân gan chân rất đa dạng, tùy thuộc vào từng đối tượng và giai đoạn viêm mà mỗi bệnh nhân sẽ được điều trị bằng các phương pháp khác nhau, cụ thể:
7.1. Điều trị bằng thuốc
Tùy vào triệu chứng lâm sàng và mức độ đau của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) phù hợp. Trong đó, thuốc chống viêm Ibuprofen là loại thuốc phổ biến cho bệnh nhân mắc viêm gân bàn chân, giúp giảm đau và sưng ở vị trí viêm gân.
Tuy nhiên, khi sử dụng Ibuprofen hay bất kỳ loại thuốc chống viêm NSAID nào khác, bệnh nhân cần uống thuốc theo phác đồ chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý uống thuốc có thể khiến bệnh nhân bị đau dạ dày hoặc những bệnh lý tương tự.
7.2. Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) hay tiêm huyết tương giàu tiểu cầu là phương pháp điều trị sử dụng máu của chính bệnh nhân để giúp chữa lành bệnh viêm cân gan chân.
Khi sử dụng phương pháp huyết tương giàu tiểu cầu này, người bệnh sẽ nhận được nhiều ưu điểm như:
- Quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể diễn ra nhanh chóng: PRP rất giàu yếu tố tăng trưởng biến đổi, yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu và yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc tiểu cầu. Ngoài ra, PRP còn có một số cytokine, interleukin chống viêm và tiền viêm như interleukin 4, 8, 13, interferon-α, yếu tố hoại tử khối u-α. Sự kết hợp của các thành phần tăng trưởng và chống viêm này, quá trình chữa lành và đảo ngược thoái hóa ở đáy cân gan chân được diễn ra nhanh chóng.
- Sửa chữa màng gan chân: Tiêm PRP cục bộ sẽ kích thích tiểu cầu và các yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc từ tiểu cầu, từ đó, thúc đẩy quá trình hình thành mạch và sửa chữa chất xơ, giúp sửa chữa màng gan chân hiệu quả.
- Giảm đau và cải thiện chức năng: PRP có thể giúp giảm sưng tấy và thúc đẩy quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể, nhờ đó, cơn đau do viêm cân gan chân cũng được thuyên giảm và cải thiện chức năng tổng thể của bàn chân.
Tuy nhiên, liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu này cũng có một số nhược điểm như:
- Không phù hợp với tất cả mọi người: PRP không phù hợp với những người vừa mắc viêm cân gan chân, vừa mắc một số bệnh lý như ung thư, rối loạn máu hoặc những người đang dùng thuốc làm loãng máu.
- Chi phí tiêm cao: Chi phí tiêm PRP rất tốn kém, đặc biệt liệu pháp này cần tiêm nhiều hơn một lần.
7.3. Siêu âm trị liệu
Siêu âm là phương pháp điều trị hiện đại bằng cách đưa một mũi kim rỗng vào da gót chân. Sau khi đưa vào, đầu rỗng sẽ phát ra sóng âm với tần số cao và biên độ thấp nhằm phá vỡ các mô sẹo, cải thiện lưu thông máu, thúc đẩy quá trình chữa lành của cơ thể và giảm tình trạng viêm ở bàn chân.
Phương pháp siêu âm trị liệu có nhiều ưu điểm như:
- Giảm sưng và viêm giảm, thúc đẩy quá trình lành vết thương.
- Không gây đau đớn và ít khi yêu cầu sử dụng thuốc gây mê hoặc thuốc giảm đau.
- Thời gian điều trị nhanh chóng (trung bình khoảng 90 giây).
- Giá cả hợp lý hơn so với phẫu thuật.
Tuy nhiên, phương pháp siêu âm cũng có những hạn chế như:
- Có thể xảy ra bỏng bề mặt trên da nếu sử dụng trong thời gian dài. Tuy nhiên, điều này có thể tránh được bằng sự chuyển động liên tục của đầu dò siêu âm.
- Có thể gây chảy máu trong hoặc để lại sẹo, tùy thuộc vào thời gian tiếp xúc.
7.4. Liệu pháp sóng xung kích ngoài cơ thể
Liệu pháp sóng xung kích ngoài cơ thể (ESWT) là một thủ thuật không xâm lấn giúp kích thích tái tạo mô và xương, được sử dụng rộng rãi nhằm điều trị bệnh viêm cân gan chân. Ưu điểm của phương pháp này là thời gian hồi phục nhanh, ít biến chứng hơn so với việc sử dụng thuốc hay phẫu thuật. Tuy nhiên, liệu pháp này cũng không hoàn toàn hiệu quả với tất cả mọi người, một số bệnh nhân có thể có các biến chứng như đau tạm thời, bầm tím và sưng, tê.
7.5. Liệu pháp laser
Liệu pháp laser là phương pháp điều trị y tế sử dụng ánh sáng từ tia laser với bước sóng được điều chỉnh cụ thể. Khi áp dụng vào vùng bị thương, tia laser có tác dụng kích thích quá trình lành vết thương và giảm đau bằng cách đẩy nhanh tốc độ, chất lượng của quá trình sửa chữa mô cũng như giảm viêm.
Đây là một liệu pháp không gây đau, không xâm lấn, không có tác dụng phụ, giúp giảm cơn đau viêm cân gan chân hiệu quả. Đặc biệt, khi điều trị bằng laser, bệnh nhân sẽ không bị đau nhiều, ít sưng và hạn chế để lại sẹo so với phẫu thuật truyền thống. Tuy nhiên, liệu pháp laser có thể tốn kém và cần điều trị nhiều lần.
7.6. Can thiệp phẫu thuật
Điều trị bằng phẫu thuật được coi là biện pháp can thiệp cuối cùng vì có thể gây tổn thương nặng, nguy cơ và biến chứng sau phẫu thuật. Những bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng phẫu thuật thường là người có cơn đau bàn chân kéo dài trên 6 tháng.
Việc điều trị bằng phẫu thuật sẽ giúp người bệnh thuyên giảm cơn đau hoặc loại bỏ hẳn cơn đau này. Tuy vậy, việc can thiệp phẫu thuật có thể để lại nhiều biến chứng như tình trạng đau mạn tính và tổn thương dây thần kinh.
7.7. Phương pháp hỗ trợ điều trị
Các triệu chứng sẽ biến mất sau khi điều trị không phẫu thuật ở hơn 80% bệnh nhân. Ở 10% bệnh nhân, các triệu chứng không cải thiện khi áp dụng các biện pháp bảo tồn và tiếp tục phát triển thành bệnh mãn tính. Do đó, người bệnh có thể áp dụng thêm các phương pháp vật lý trị liệu viêm cân gan bàn chân sau:
1 – Sử dụng dụng cụ chỉnh hình hoặc đế lót giày
Việc vòm của bạn bị xẹp hoặc cao bất thường có thể khiến cho cơn đau do viêm cân gan chân trở nên nặng nề hơn. Do đó, việc sử dụng dụng cụ chỉnh hình hoặc đế lót giày có thể giúp đỡ vòm bàn chân của bạn, giúp giữ bàn chân ở vị trí trung lập khi đi và chạy. Đồng thời, chúng có thể làm giảm áp lực lên màng gan chân khi nó đang lành vết thương.
2 – Băng dán Kinesio
Bạn cũng có thể sử dụng băng dán Kinesio để điều trị viêm cân gan chân. Loại băng dán này có khả năng hỗ trợ vòm tự nhiên của bàn chân. Đồng thời, chúng còn kích thích thần kinh bàn chân và mắt cá chân, giúp cải thiện tuần hoàn đến vùng bị thương và thúc đẩy quá trình lành vết thương.
Tuy nhiên, để có được cải thiện rõ rệt, bạn phải sử dụng loại băng được thiết kế đúng kỹ thuật. Băng dán Kinesio của Myrehab Matsuoka được thiết kế mô phỏng theo độ đàn hồi của da, có khả năng hỗ trợ định hình ngay cả lúc ngủ, giúp cân bằng các nhóm cơ, từ đó, đẩy nhanh quá trình chữa trị viêm cân gan chân.
3 – Các bài tập vật lý trị liệu
Viêm cân gan chân có thể được điều trị bằng nhiều bài tập vật lý trị liệu khác nhau, bao gồm kéo giãn bắp chân, gân Achilles; tăng cường cơ bắp bên trong của bàn chân.
Cụ thể, khi bạn bị viêm cân gan chân, việc kéo căng nhẹ nhàng cân gan chân và các cơ xung quanh bàn chân và mắt cá chân sẽ giúp cải thiện khả năng vận động của bạn và có thể giúp thúc đẩy quá trình lành bệnh tối ưu.
Bạn có thể sử dụng khăn để kéo căng cơ bắp chân cũng có thể giúp cải thiện tính linh hoạt và khả năng vận động của các cơ xung quanh bàn chân và mắt cá chân của bạn. Hay, bạn cũng có thể lăn một quả bóng hoặc chai nước dưới chân. Điều này sẽ giúp kéo căng dây chằng cân gan chân, giúp cải thiện chứng đau viêm cân gan chân đáng kể.
4 – Các biện pháp hỗ trợ tại nhà
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các biện pháp khác như:
- Châm cứu: Châm cứu là một phương pháp y học cổ truyền sử dụng các kim nhỏ để tác động vào các huyệt đạo trên cơ thể, giúp giảm đau tạm thời khi cơn đau xuất hiện, giảm viêm và tăng cường lưu thông máu.
- Chườm đá: Đặt một túi đá lên vùng bị viêm, sưng hoặc đau khoảng 10 – 20 phút và 4 lần mỗi ngày, khi vùng viêm còn sưng đau nhiều.
- Massage: Giúp tăng cường lưu thông máu, giảm đau và thư giãn các cơ, giúp các cân gan chân được thư giãn và làm giảm sự xuất hiện các cơn đau.
- Nghỉ ngơi: Khi bị đau ở vị trí cân gan chân, bạn không nên cố gắng đi lại mà hãy dành thời gian nghỉ ngơi, cho đến khi các cơn đau dịu xuống rồi mới tiếp tục vận động nhẹ nhàng trở lại.
- Kiểm soát cân nặng: Thừa cân có thể làm tăng áp lực lên bàn chân, từ đó, làm tăng áp lực lên cân gan chân. Vì vậy, bạn nên kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý để hạn chế gây áp lực lên vùng này, từ đó, hạn chế các cơn đau diễn ra.
Xem thêm: Vật lý trị liệu chân vòng kiềng người lớn và những thông tin cần biết
8. Biện pháp phòng ngừa viêm cân gan chân
Nếu bạn chưa mắc bệnh viêm cân gan chân nhưng đang trong độ tuổi có nguy cơ mắc cao và làm những công việc có tính chất thường xuyên đi lại hoặc đứng lâu, bạn có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa viêm cân gan chân dưới đây:
- Duy trì cân nặng hợp lý: Bạn hãy đảm bảo duy trì cân nặng ổn định và tránh tình trạng thừa cân, béo phì, vì nó có thể tăng áp lực lên bàn chân và gây viêm cân gan chân.
- Chọn giày phù hợp: Bạn nên chọn giày có độ cao vừa phải, có miếng lót dày và nâng đỡ chân tốt để giảm áp lực lên bàn chân. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế việc mang giày cao gót trong thời gian dài.
- Hạn chế áp lực cho bàn chân: Bạn nên hạn chế đứng lâu và đi bộ nhiều, nhằm giảm bớt áp lực lên bàn chân.
- Xoa bóp chân thường xuyên: Nếu phải đứng lâu hoặc đi nhiều, bạn nên xoa bóp chân thường xuyên để giảm căng thẳng và tăng sự thoải mái, thư giãn cho bàn chân.
- Khởi động trước khi tập luyện: Trước khi tập luyện thể thao, bạn nên khởi động kỹ càng (khoảng 15 – 20 phút) và cần lưu ý đến các kỹ thuật và loại bài tập để giảm nguy cơ chấn thương.
- Tránh thực hiện các động tác lặp đi lặp lại: Bạn nên hạn chế thực hiện các động tác tác động nhiều lần lên bàn chân để tránh tình trạng áp lực quá lớn và nguy cơ viêm cơ.
Như vậy, viêm cân gan chân dù không phải bệnh lý nguy hiểm nhưng nếu mắc phải căn bệnh này, người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn, bất tiện trong cuộc sống. Đặc biệt, nếu không chữa trị kịp thời, chúng có thể kéo theo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Do đó, khi phát hiện dấu hiệu của bệnh dựa theo những gợi ý trên bài, bạn hãy đặt lịch thăm khám sớm nhất để được tư vấn chuyên sâu.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.