Bị trật khớp vai khi ngủ: Nguyên nhân & Cách khắc phục

Bài viết được viết bởi BS CKII. Bùi Hồng Thuý và được tham vấn chuyên môn bởi ThS. BS CKII. Đặng Thị Kim Hương – Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.

Nhiều người sau khi thức dậy thường cảm thấy đau nhức bất thường ở phần vai có nguy cơ đang gặp phải tình trạng bị trật khớp vai khi ngủ. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này và có thể cải thiện bằng những phương pháp nào? Tham khảo ngay cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả những chấn thương ở vai khi ngủ.

1. Nguyên nhân trật khớp vai khi ngủ

Trật khớp vai là tình trạng chỏm xương cánh tay bị chệch khỏi vị trí ban đầu, đưa ra khỏi ổ chảo của khớp bả vai khiến khớp bị biến dạng. Người bệnh có thể gặp những dạng trật khớp vai như: trật vai ra trước (dạng phổ biến nhất), trật vai xuống dưới ổ chảo, trật vai ra sau. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến người bệnh bị trật khớp vai khi ngủ.

1.1. Tư thế khi ngủ không phù hợp

Trật khớp vai có thể diễn ra do những vấn đề về tư thế khi ngủ của người bệnh như:

  • Nằm ngủ với tư thế nằm sấp (hay nằm sấp với hai tay đặt cạnh gối) có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của cột sống cổ, làm tăng nguy cơ trật khớp.
  • Tư thế nằm co ro khiến cơ thể uốn cong và tăng áp lực lên một bên vai.
  • Tư thế nằm nghiêng và duỗi thẳng tay trên đầu,… có thể khiến người bệnh vô tình xoay vai mạnh hoặc chèn ép lên vai trong lúc ngủ dẫn đến trật khớp.
  • Nằm gối đầu lên cánh tay có thể chèn ép và khiến người bệnh bị trật khớp vai.
  • Sử dụng gối có độ cao không phù hợp có thể làm tăng nguy cơ trật khớp.
Tư thế nằm sấp hoặc nằm co ro có thể tăng nguy cơ chèn ép gây trật khớp vai
Tư thế nằm sấp hoặc nằm co ro có thể tăng nguy cơ chèn ép gây trật khớp vai

1.2. Chấn thương hoặc các bệnh lý trước đó

Bên cạnh những tư thế ngủ không phù hợp, những nguyên nhân có thể làm tăng nguy cơ bị trật khớp vai khi ngủ là:

  • Người từng bị trật khớp vai do bị chấn thương khi tập luyện thể thao, té ngã do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt,… có khả năng bị trật khớp trở lại cao nếu nằm sai tư thế trong lúc ngủ.
  • Người từng gặp các chấn thương khác ở vai (đứt dây chằng, gãy xương,…) hoặc gặp các bệnh lý về xương khớp (viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, viêm bao hoạt dịch,…) có thể khiến khớp vai suy yếu và dễ bị trật hơn.
  • Người thường xuyên phải lao động nặng, phải ngồi làm việc nhiều giờ gây áp lực cho vai, lười vận động,.. làm suy giảm sức khỏe khớp vai.
  • Bị nhiễm lạnh (do tắm đêm, đi trời mưa, nhiệt độ điều hòa quá thấp,…) có thể cản trở lưu thông máu đến khớp vai, gây tê, đau nhức khớp vai và có thể tăng nguy cơ trật khớp.

Tìm hiểu thông tin về phục hồi chức năng sau phẫu thuật khớp vai gồm 5 phương pháp vận động trị liệu, nhiệt trị liệu, điện trị liệu, thuỷ trị liệu và hoạt động trị liệu. 

Những người có tiền sử bị trật khớp hoặc mắc các bệnh lý về xương khớp có nguy cơ bị trật khớp vai khi ngủ cao hơn
Những người có tiền sử bị trật khớp hoặc mắc các bệnh lý về xương khớp có nguy cơ bị trật khớp vai khi ngủ cao hơn

2. 5 điều cần làm khi bị trật khớp vai khi ngủ

Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở khớp vai sau khi ngủ dậy như đau nhức nghiêm trọng, khó cử động, cảm giác khớp bật ra khỏi vị trí ban đầu, hõm khớp sờ vào thấy rỗng, vai bị biến dạng,… hãy thăm khám bác sĩ ngay để được kiểm tra tình trạng khớp vai. Tìm hiểu ngay những phương pháp giúp cải thiện hiệu quả tình trạng này.

2.1. Hạn chế cử động vai

Nếu đang bị trật khớp vai, bạn nên hạn chế những cử động mạnh ở khớp vai như xoay khớp, lắc tay, nắn khớp,… Lúc này, người bệnh cần cố định khớp vai ngay rồi đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn điều trị kịp thời. 

Giữ cho cánh tay được nghỉ ngơi sẽ hạn chế áp lực lên khớp, cơ quanh khớp, dây chằng và dây thần kinh; làm giảm các cơn đau và hạn chế nguy cơ biến chứng. Ngoài ra, bạn không nên bê các vật mạnh trong thời gian khớp vai bị chấn thương.

Bạn không nên bê các vật mạnh trong thời gian khớp vai bị chấn thương
Không tác động mạnh vào khớp hay bê các vật nặng khi đang bị thương

2.2. Chườm đá

Chườm đá là một trong những phương pháp hỗ trợ giảm đau hiệu quả ở những người bị trật khớp vai khi ngủ. Chườm lạnh có tác dụng làm co mạch, giúp cải thiện tình trạng ứ dịch ở khớp bị thương gây sưng, viêm.

Bạn có thể thực hiện chườm lạnh bằng cách sử dụng túi chườm chuyên dụng, khăn sạch bọc nước lạnh, khăn sạch bỏ trong ngăn mát tủ lạnh,… Tiến hành chườm quanh vùng khớp vai bị tổn thương, giữ trong vòng 15 – 20 phút và thực hiện các lần chườm cách nhau 4 – 6 giờ.

Lưu ý, người bệnh không nên chườm quá lâu hoặc để đá lạnh tiếp xúc trực tiếp với da vì có thể dẫn đến bỏng lạnh gây khó chịu.

Chườm lạnh có thể giúp giảm đau và sưng ở khớp bị thương
Chườm lạnh có thể giúp giảm đau và sưng ở khớp bị thương

2.3. Cố định khớp vai

Bác sĩ có thể tiến hành cố định khớp cho người bệnh bị trật khớp để hạn chế sự di chuyển khiến khớp lệch nghiêm trọng hơn và tạo điều kiện cho các cơ quanh khớp được nghỉ ngơi, hạn chế áp lực lên khớp. Người bệnh thường được cố định khớp bằng nẹp, túi treo tay trong vòng 4 – 6 tuần tùy theo mức độ nghiêm trọng của khớp vai.

Cố định khớp vai
Tiến hành nẹp khớp để cố định khớp bị thương

2.4. Nắn chỉnh khớp vai

Đây là một kỹ thuật khó và thường chỉ được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa, áp dụng đối với các trường hợp người bệnh bị trật khớp vai nhẹ. Một số kỹ thuật nắn chỉnh khớp vai thường được áp dụng là:

1 – Kỹ thuật Stimson: Đây là kỹ thuật giúp đẩy xương cánh tay về đúng ổ khớp, được thực hiện với sự giúp đỡ của kỹ thuật viên:

  • Để người bệnh nằm sấp trên giường bệnh phẳng và nâng lên cao, để cánh tay ở khớp vai bị thương buông thoải mái xuống dưới.
  • Buộc 1 vật nặng (2 – 5kg) vào cổ tay để cho phần khớp vai nhô ra.
  • Giữ vật nặng trong vòng 20 phút rồi tháo ra.
Kỹ thuật nắn khớp Stimson
Kỹ thuật nắn khớp Stimson

2 – Kỹ thuật FARES: Kỹ thuật nắn khớp FARES cần có sự giúp đỡ của kỹ thuật viên và thường thực hiện trong thời gian ngắn:

  • Để người bệnh nằm ngửa, kỹ thuật viên đứng ở bên vai bị thương.
  • Nắm lấy cổ tay của người bệnh bằng cả hai tay, cẳng tay và bàn tay hướng xuống dưới, đặt cánh tay dọc theo chiều cơ thể
  • Vừa thực hiện xoay khớp lên xuống nhẹ nhàng vừa kéo cánh tay của người bệnh lên về hướng đầu đến khi cánh tay nằm ngang vai, giữ một góc 90 độ so với cơ thể.
  • Tiếp tục xoay nhẹ và kéo cánh tay về phía đầu đến khi tạo với cơ thể một góc 120 độ.
  • Khi khớp đã trở về đúng vị trí, gập khuỷu tay và cố định lại cánh tay người bệnh bằng dây đeo.
Cách thực hiện kỹ thuật FARES
Cách thực hiện kỹ thuật FARES

2.5. Tập phục hồi chức năng

Đối với người bị trật khớp vai khi ngủ, các phương pháp phục hồi chức năng có vai trò quan trọng đối với quá trình phục hồi của người bệnh. Người bệnh có thể tìm đến các cơ sở uy tín để được hướng dẫn thực hiện những phương pháp phục hồi chức năng như:

  • Điện trị liệu: Sử dụng các thiết bị điện xung trị liệu để phát ra các sóng điện xung tần số thấp kích thích thích vào các cơ và hệ thần kinh để cải thiện các cơn đau, ngăn ngừa viêm và sưng khớp.
  • Thủy trị liệu: Người bệnh tiến hành các biện pháp như sục khí, xông hơi, tập các bài tập dưới nước,… để cải thiện đau nhức sau chấn thương, giảm áp lực để thư giãn các khớp hiệu quả.
  • Vận động trị liệu: Thực hiện các bài tập dưới đây dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên để cải thiện tầm vận động của khớp, giảm đau và tăng sức mạnh của khớp vai.

Tìm hiểu thêm về phục hồi chức năng trật khớp vai giúp giảm đau, giảm sưng, viêm và thư giãn khớp vai cho bệnh nhân.

1 – Bài tập gập vai đẳng trương: Đây là bài tập co cơ tĩnh có thể được thực hiện sau khi nắn chỉnh khớp khoảng 3 – 4 ngày.

  • Đứng đối diện với tường, gập khuỷu tay để cẳng tay vuông góc với cơ thể, bàn tay chạm vào tường.
  • Giữ vững không di chuyển vai và dồn sức để ép cẳng tay sát vào tường, sau đó thả lỏng.

Tần suất tập luyện: Lặp lại 10 – 15 lần/hiệp, thực hiện 4 – 5 hiệp/ngày.

Tư thế thực hiện bài tập gập vai đẳng trương
Tư thế thực hiện bài tập gập vai đẳng trương

2 – Bài tập nâng cánh tay thụ động: Bài tập giúp cải thiện tầm chuyển động của vai đối với những bệnh nhân bị trật khớp vai khi ngủ.

  • Nằm ngửa trên giường hoặc thảm tập, chân đặt thoải mái.
  • Dùng tay khỏe mạnh đỡ lấy bên dưới khuỷu tay của cánh tay bị thương, từ từ nâng cánh tay lên cao nhất có thể.
  • Giữ tư thế trong 3 – 5 giây rồi đỡ cánh tay trở về vị trí ban đầu.

Tần suất tập luyện: Lặp lại 10 – 20 lần/hiệp, thực hiện 1- 2 hiệp/ngày.

Bài tập nâng cánh tay thụ động
Bài tập nâng cánh tay thụ động

3 – Bài tập kéo căng cơ vai với dây kháng lực: Bài tập thực hiện trong giai đoạn sau khi bệnh nhân đã ổn định khớp, giãn cơ với kháng trở hỗ trợ làm khỏe cơ, tăng khả năng vận động khớp vai, giúp người bệnh cử động linh hoạt hơn.

  • Đứng thẳng, đưa hai tay ra trước mặt, hai bàn tay nắm lấy 2 đầu dây kháng lực.
  • Kéo 2 tay nhẹ nhàng sang 2 bên, giữ tư thế trong 2 giây rồi trở về vị trí ban đầu.

Tần suất tập luyện: Lặp lại 10 lần/hiệp, thực hiện 4 – 5 hiệp/ngày.

Các bước thực hiện bài tập căng cơ vai với kháng trở
Hướng dẫn thực hiện bài tập căng cơ vai với kháng trở

4 – Bài tập xoay trong – xoay ngoài vai với dụng cụ: Bài tập này không chỉ cải thiện tầm vận động của khớp vai mà còn tăng sức mạnh cơ để cải thiện sức khỏe của vai và cánh tay. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý chỉ tập bài tập này khi tình trạng khớp vai đã ổn định để tránh chấn thương.

  • Nằm nghiêng, phần vai bị thương xoay lên trên.
  • Phần bắp tay ép sát vào mạn sườn, cẳng tay đặt vuông góc với bắp tay, giữ tạ tay nhỏ trong bàn tay.
  • Giữ nguyên bắp tay, từ từ đẩy cánh tay lên, giữ trong vài giây rồi trở về tư thế ban đầu.

Tần suất tập luyện: Thực hiện khoảng 4 – 5 lần/ngày.

Bài tập xoay trong - xoay ngoài vai với dụng cụ
Thực hiện xoay trong xoay ngoài cánh tay với tạ tay

3. Cách phòng ngừa trật khớp vai khi ngủ

Để phòng tránh nguy cơ bị trật khớp vai khi ngủ, đừng bỏ qua những lưu ý dưới đây:

  • Chú ý về tư thế khi ngủ: Bạn nên tránh ngủ sấp hay nằm co người để tránh áp lực lên khớp vai. Ngoài ra, hãy tránh vắt tay lên trán trong lúc ngủ để tránh tê bì, mất sức ở cánh tay.
  • Tránh ngủ nghiêng trong trường hợp vai bị thương: Nếu bạn bị thương hoặc mắc các bệnh lý xương khớp ở một bên vai, hãy hạn chế nằm nghiêng chèn ép lên vai bị thương để tránh nguy cơ trật khớp.
  • Lựa chọn gối, nệm: Bạn có thể sử dụng các loại gối hỗ trợ giữ đúng tư thế ở vùng đầu và cổ vai gáy trong lúc ngủ để hạn chế áp lực lên vai và cột sống cổ.
  • Cố định tư thế khi ngủ: Nếu trong lúc ngủ, bạn thường xuyên xoay vai thì có thể kê một vài chiếc gối để hạn chế cử động quá nhiều tăng áp lực lên vai.
  • Vận động nhẹ nhàng: Thường xuyên thực hiện các bài tập thể dục hỗ trợ vùng vai và cơ thể để tăng cường tuần hoàn máu và sức mạnh của cơ, hỗ trợ ngăn ngừa nguy cơ chấn thương.
  • Hạn chế áp lực lên vùng vai: Hạn chế các hoạt động cần sử dụng vai quá liên tục hoặc phải bê các vật nặng, để cho vai nghỉ ngơi sau khi vận động trong thời gian dài. Khởi động kéo giãn cơ cẩn thận trước khi luyện tập thể thao.
  • Thăm khám định kỳ: Hãy kiểm tra sức khỏe vùng vai và toàn cơ thể nói chung định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm các vấn đề đối với xương khớp.
Duy trì những thói quen tốt để để phòng ngừa trật khớp vai khi ngủ
Duy trì những thói quen tốt để để phòng ngừa trật khớp vai khi ngủ

Người bệnh nên chủ động tiến hành thăm khám ngay nếu phát hiện các triệu chứng bị trật khớp vai khi ngủ. Hãy thực hiện các biện pháp điều trị kiên trì dưới sự hướng dẫn của chuyên gia để tăng hiệu quả phục hồi của khớp vai. Bên cạnh đó, bạn nên thực hiện các biện pháp bảo vệ vai từ sớm để ngăn ngừa nguy cơ trật khớp bởi tình trạng này có nguy cơ tái phát cao.

Để phục hồi chức năng sau trật khớp vai hiệu quả, bạn có thể tìm đến Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA để được hỗ trợ với:

  • Đội ngũ chuyên gia gồm các bác sĩ và kỹ thuật viên giàu chuyên môn và kinh nghiệm.
  • Chương trình hồi phục chức năng toàn diện theo tiêu chuẩn Nhật Bản với lộ trình điều trị cá nhân hóa phù hợp với tình trạng của từng người bệnh.
  • Hệ thống máy móc thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn Âu – Mỹ hỗ trợ quá trình chẩn đoán và trị liệu.

Đến ngay Trung tâm MYREHAB MATSUOKA để được hỗ trợ chuyên nghiệp và tận tình trong quá trình phục hồi chức năng sau trật khớp vai.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 18/09/2024Ngày cập nhật: 19/09/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.