Bài viết được viết bởi BS CKII. Bùi Hồng Thuý và được tham vấn chuyên môn bởi ThS. BS CKII. Đặng Thị Kim Hương – Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.
Trật khớp vai là một chấn thương phổ biến, thường xảy ra do tai nạn, ngã mạnh hoặc các hoạt động thể thao đòi hỏi cường độ cao. Nếu không xử trí kịp thời, tình trạng có thể tiến triển xấu dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tổn thương dây chằng, cơ bắp, dây thần kinh,… Nắm rõ dấu hiệu trật khớp vai là điều cần thiết để giúp bạn có phương án điều trị đúng cách, nhanh chóng phục hồi và ngừa các hậu quả đáng tiếc.
1. Nhận biết dấu hiệu trật khớp vai
Trật khớp vai là tình trạng chỏm xương cánh tay bị lệch vị trí so với phần tiếp xúc giữa xương bả vai và xương cánh tay hay còn gọi là phần ổ chảo xương bả vai. Khi bị trật khớp vai, người bệnh có thể gặp một số dấu hiệu điển hình sau đây:
- Vai đau dữ dội, dấu hiệu này xuất hiện ngay khi có chấn thương.
- Vai hoặc cánh tay trên xuất hiện các vết bầm tím và có biểu hiện sưng đỏ.
- Gặp khó khăn khi cố gắng di chuyển cánh tay.
- Nhìn thấy biến dạng đầu bả vai, vị trí cánh tay bị sai lệch.
- Cơ vai bị chấn thương có dấu hiệu co thắt.
Trật khớp vai phân chia thành 3 loại, mỗi loại có dấu hiệu nhận biết riêng:
1.1. Trật khớp vai ra trước
Đây là tình trạng thường gặp nhất chiếm tới 95% tổng số các loại trật khớp ở vai. So với ổ chảo xương vai, chỏm xương cánh tay bị lật ra phía trước, theo hướng vào trong hoặc hướng xuống dưới. Trật khớp vai ra trước có 4 thể, bao gồm: trật khớp dưới mỏm quạ, trật khớp ngoài mỏm quạ, trật khớp thể dưới xương đòn và trật khớp thể trong ngực.
Dấu hiệu nhận biết:
- Vai bị chấn thương thấp hơn vai còn lại.
- Vai trông thẳng và vuông, có thể bị xoắn ra ngoài.
- Có thể dùng tay lành đỡ vai bị trật khớp.
- Có thể cảm nhận được xương ở bên dưới khoảng trống giữa vai và ngực.
- Sờ vào vị trí bình thường ở ổ xương vai thấy bị trống.
1.2. Trật khớp vai ra sau
Trật khớp vai ra sau thường xảy ra trong tư thế khép vai khi ngã chống tay. Tình trạng này ít gặp, chỉ có khoảng 5% trong tổng số các trường hợp trật khớp vai.
Dấu hiệu nhận biết:
- Xuất hiện cơn đau dữ dội.
- Có biểu hiện co thắt cơ vùng vai chấn thương.
- Việc di chuyển, vận động tay gặp nhiều khó khăn.
- Thường có các tổn thương đi kèm như tổn thương Hill Sachs, mấu động xương cánh tay, gãy cổ phẫu thuật.
1.3. Trật khớp vai xuống dưới ổ chảo
Đây là trường hợp ít gặp nhất, cánh tay bị quật ngược lên phía trên.
Dấu hiệu nhận biết:
- Cảm giác đau dữ dội dọc theo các cánh tay qua vai.
- Vai có cảm giác trượt khỏi khớp khi dang và xoay ngoài.
- Phạm vi chuyển động bị hạn chế.
- Cánh tay bị tê.
- Vai có biểu hiện lệch dễ nhận thấy qua mắt thường.
- Vai vuông, không tròn và không sờ thấy xương ở vị trí bình thường.
Dù bị trật khớp vai ở thể nào thì ngay khi nhận thấy có một trong số những dấu hiệu kể trên, bạn nên đi gặp bác sĩ ngay để được thăm khám kỹ lượng. Thông qua các xét nghiệm lâm sàng, phim chụp X – Quang, MRI, các bác sĩ sẽ có chẩn đoán chính xác nhất và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Tìm hiểu thêm về bài tập vật lý trị liệu cho khớp vai phù hợp với các bệnh nhân gặp các tình trạng liên quan tới viêm quanh khớp vai, viêm bao hoạt dịch khớp vai, tổn thương phần mềm khớp vai.
2. 5 biến chứng của trật khớp vai
Ngay khi có dấu hiệu trật khớp vai, nếu không can thiệp và điều trị đúng cách có thể gây nhiều hệ luỵ với các biến chứng nguy hiểm dưới đây.
2.1. Tổn thương thần kinh
Khớp vai có mối liên quan chặt chẽ với nhiều dây thần kinh khác nhau, nhất là dây thần kinh mũ. Nếu bạn không can thiệp sớm sẽ có nguy cơ liệt dây thần kinh này. Bạn sẽ không có cảm giác ở vùng cơ vai bị trật kèm tình trạng không dạng được cánh tay bị chấn thương, ngay cả khi đã nắn lại khớp.
2.2. Chóp xoay vai bị tổn thương
Người bị trật khớp vai ra trước có nguy cơ mắc biến chứng này cao hơn, chiếm tới 55% và có thể lên 80% nếu người bệnh ngoài 60 tuổi. Người bệnh phải đối mặt với các cơn đau bả vai lâu ngày dù đã dùng thuốc hoặc có biện pháp can thiệp. Vai ngoài bị yếu, khó cử động hơn.
2.3. Trật khớp vai tái hồi
Sau khi bị trật khớp vai, nếu không can thiệp, điều trị đúng cách thì khớp vai có nguy cơ tái trật trở lại với tần suất cao. Đó là biến chứng trật khớp vai tái hồi thường gặp nhất ở người bệnh. Tình trạng này chiếm tới 90%, những người trẻ trong độ tuổi dao động từ 18 – 25 dễ gặp biến chứng này.
Khi bị biến chứng trật khớp vai tái hồi, khớp vai của người bệnh có cảm giác lỏng lẻo, dễ bị trượt ra khỏi ổ khớp. Đồng thời, phạm vi chuyển động của khớp vai cũng bị hạn chế, người bệnh có cảm giác đau đớn khi di chuyển, nhất là khi cố gắng giơ tay lên cao.
2.4. Tổn thương mạch máu
Biến chứng này ít gặp, 1% số người bị trật khớp vai có thể bị tắc động mạch nách do lớp áo giữa và áo trong bị tổn thương. Đặc biệt, người bệnh có thể bị rách thành bên động mạch do co thắt hoặc bị đứt nhánh động mạch bên.
2.5. Gãy xương kèm theo
Bệnh nhân có thể gặp các tình trạng sau: đầu trên xương cánh tay bị gãy, bờ ổ chảo bị vỡ, tổn thương dạng Hill Sachs,…
3. Phương pháp điều trị trật khớp vai
Trật khớp vai nếu phát hiện sớm và có phác đồ điều trị đúng cách thì người bệnh có thể hạn chế nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là các phương pháp chữa trật khớp vai thường được áp dụng, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm qua những chia sẻ sau.
3.1. Chườm lạnh
Là một trong những phương pháp phục hồi chức năng trật khớp vai, chườm lạnh có thể giúp bạn thuyên giảm cơn đau dữ dội ở bả vai tạm thời. Người bệnh có thể dùng khăn bông lạnh hoặc túi đá chườm lên phần vai bị trật 20 phút mỗi lần. Trong vài ngày đầu tiên, bạn nên chườm lạnh 2 – 3 lần để kiểm soát cơn đau hiệu quả.
3.2. Cố định khớp
Phương pháp này giúp vai giảm tải áp lực, hỗ trợ quá trình phục hồi tổn thương nhanh hơn. Người bệnh sẽ được cố định vai bằng nẹp chuyên dụng trong vài tuần. Ngoài ra, bạn cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để quá trình điều trị đạt kết quả tốt nhất.
3.3. Nắn chỉnh khớp vai
Khớp vai bị trật, điều quan trọng cần làm là đưa khớp vai trở lại vị trí ban đầu bằng cách nắn chỉnh. Để thực hiện phương pháp này, bạn cần tìm bác sĩ hoặc kỹ thuật viên có tay nghề và chuyên môn cao. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ có thể gây tê cục bộ hoặc dùng thuốc an thần để giảm bớt đau đớn.
Bạn tuyệt đối không được tự ý tác động, nắn chỉnh khớp vai bị trật. Nếu bất chấp thực hiện, tình trạng trật khớp vai có thể trở nên trầm trọng hơn và làm tổn thương các mô xung quanh, gây khó khăn cho việc điều trị sau này. Người bệnh cần đặc biệt lưu ý để phòng tránh.
3.4. Điều trị bằng thuốc
Dấu hiệu trật khớp vai được phát hiện bằng các cơn đau sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu. Ngoài chườm lạnh, bạn có thể sử dụng thêm thuốc giảm đau để kiểm soát cơn đau nhanh chóng. Một số loại thuốc giảm viêm cũng có thể được sử dụng trong thời gian này.
Tuy nhiên, thuốc tây có tác dụng giảm đau nhanh nhưng cũng có thể gây nhiều tác dụng phụ nếu lạm dụng. Vì vậy, bạn cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn dùng thuốc của bác sĩ.
Lưu ý: Không dùng thuốc giảm đau quá 10 ngày mà không có sự cho phép của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc giảm đau về sử dụng.
3.5. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là phương pháp cần thiết giúp vai lấy lại sức mạnh, tầm vận động và phạm vi di chuyển linh hoạt vốn có. Tuỳ vào tình trạng bệnh của mỗi người mà các bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ trị liệu phù hợp cho bạn.
Tuy nhiên, về cơ bản, bệnh nhân trật khớp vai sẽ cần thực hiện các biện pháp sau để phục hồi chức năng khớp vai của mình:
- Bắt đầu với những bài tập nhẹ nhàng để làm giảm tình trạng cứng khớp.
- Sau khi dây chằng vai ổn định, bạn sẽ tăng cường tập các bài tập kéo giãn để nới lỏng vai, đảm bảo vai không bị căng cứng khi tập luyện.
- Bạn sẽ được hướng dẫn tập các bài tập tăng cường sức mạnh cho khớp vai để giảm nguy cơ trật khớp vai sau này.
Thời gian vật lý trị liệu khớp vai có thể kéo dài vài tháng, tuỳ tình trạng tổn thương từng người. Điều quan trọng là bạn cần tìm đến một cơ sở phục hồi chức năng uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và xây dựng phác đồ vật lý trị liệu phù hợp.
Myrehab Matsuoka – Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Việt Nam – Nhật Bản là một địa chỉ tin cậy mà bạn có thể tham khảo. Đây là một trong những cơ sở uy tín hàng đầu cả nước trong lĩnh vực vật lý trị liệu khớp vai. Đơn vị sở hữu đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm sẽ giúp bạn xây dựng phác đồ điều trị CÁ NHÂN HOÁ chuyên biệt. Myrehab Matsuoka còn có hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại bậc nhất, nhập khẩu từ Châu Âu, hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng khớp vai cho bạn được tối ưu nhất.
3.6. Phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật chỉ áp dụng khi người bệnh:
- Có biến chứng trật khớp vai tái hồi. Bạn cần phẫu thuật để điều chỉnh, siết chặt dây chằng bao khớp vai, ngăn ngừa biến chứng quay lại.
- Xuất hiện tình trạng tổn thương thần kinh và mạch máu: Phẫu thuật lúc này là cần thiết để xử lý các thần kinh và mạch máu đi kèm.
- Không thể nắn trật khớp vai về vị trí ban đầu: Phẫu thuật để điều chỉnh vị trí khớp vai.
4. Biện pháp phòng tránh nguy cơ trật khớp vai tái hồi
Để phòng tránh nguy cơ trật khớp vai tái hồi, bạn cần bảo vệ và gia tăng sức mạnh cho khớp vai bị trật bằng các biện pháp sau:
1 – Tập luyện để nâng cao sức mạnh khớp vai
- Điều chỉnh hoạt động thường ngày: Giảm tần suất các hoạt động lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày. Các vận động viên có thể gặp khó khăn trong tình huống này nhưng họ có thể khắc phục bằng cách bổ sung nhiều kỹ thuật khác khi tập luyện. Mục tiêu tránh thực hiện một động tác quá nhiều lần.
- Tăng cường tập thể dục: Nên tập thể dục hàng ngày, mỗi ngày tối thiểu từ 30 – 45 phút để cơ, khớp vai trở nên linh hoạt hơn.
- Bổ sung bài tập để gia tăng sức mạnh khớp vai: xà đơn, tập tạ, kéo dây có kháng lực,…
2 – Tăng cường bảo vệ vai
- Chú ý khi sinh hoạt: Té ngã trong quá trình sinh hoạt, vận động là điều khó tránh khỏi và không lường trước được. Tuy nhiên, bạn cần tránh chống tay hoặc khuỷu tay xuống đất khi bị ngã. Điều này có thể giảm nguy cơ trật khớp đáng kể.
- Sử dụng đệm bảo vệ vai khi chơi thể thao: Nếu bị chấn thương thể thao một lần nữa bạn có nguy cơ bị trật khớp vai tái hồi. Việc sử dụng miếng đệm bảo vệ vai sẽ giúp bạn ngăn ngừa tình trạng này hiệu quả.
- Chỉ quay lại chơi thể thao khi tổn thương vai đã lành: Vai chưa phục hồi hẳn sẽ rất dễ trật khớp vai lần nữa nếu cố tập luyện, vận động. Bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn quay trở lại tập luyện chuyên nghiệp.
5. Giải đáp câu hỏi thường gặp về trật khớp vai
Câu 1: Cần làm gì khi phát hiện có dấu hiệu trật khớp vai?
Ngay khi có dấu hiệu trật khớp vai, bạn cần thực hiện ngay các điều sau:
- Hạn chế cử động khớp vai: Tránh thực hiện các động tác rung lắc vai, cố nắn chỉnh khớp,… để phòng ngừa nguy cơ làm tổn thương các thành phần liên quan đến khớp vai như dây chằng, dây thần kinh, mạch máu.
- Cố định khớp vai: Dùng nẹp chuyên dụng để cố định khớp vai, tránh để khớp bị tác động khiến tình trạng trật khớp trở nên tồi tệ hơn.
- Chườm đá: Chườm đá có thể giúp thuyên giảm cơn đau ở khớp vai hiệu quả.
Bài viết liên quan: Bị trật khớp vai khi ngủ: Nguyên nhân & Cách khắc phục
Câu 2: Thời gian phục hồi sau khi trật khớp vai là bao lâu?
Thông thường phải mất vài tháng để phục hồi sau khi trật khớp vai. Bạn sẽ cần phải giữ vai bất động trong vài tuần và vài tháng vật lý trị liệu sau khi khớp đã lành.
Câu 3: Trật khớp vai có thể tự khỏi không?
Trật khớp vai không thể tự lành và sẽ không lành hẳn nếu không có sự can thiệp điều trị sớm và phù hợp từ các chuyên gia, bác sĩ. Vì vậy, ngay khi thấy có dấu hiệu trật khớp vai, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y khoa uy tín để thăm khám và có hướng xử trí kịp thời.
Mong rằng qua bài viết trên đây người bệnh đã nắm rõ các dấu hiệu trật khớp vai điển hình. Từ đó mọi người sẽ có hướng xử trí kịp thời, chính xác, để tránh gây biến chứng nặng ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh hoạt, vận động của chính mình. Nếu còn thắc mắc, băn khoăn nào, bạn đọc hãy để lại câu hỏi phía dưới, chúng tôi sẽ giải đáp chi tiết.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.