Phục hồi chức năng gãy xương đòn – 5 điều quan trọng cần biết

Bài viết được viết bởi BS CKII. Bùi Hồng Thuý và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng Myrehab Matsuoka.

Thời gian phục hồi chức năng gãy xương đòn khác nhau tùy thuộc vào tình trạng chấn thương: xương nứt nhẹ hay gãy vụn, các mảnh xương gãy thẳng hàng hoặc gãy di lệch,… [1] Tuy nhiên người bệnh cần tuân thủ đúng các nguyên tắc và lộ trình điều trị được đặt ra để kiểm soát tốt thời gian hồi phục, đồng thời hạn chế mức thấp nhất sự xuất hiện của các biến chứng bất lợi cho cơ thể. 

1. Nguyên tắc phục hồi chức năng gãy xương đòn

Để đẩy nhanh quá trình hồi phục vết thương, người bệnh cần nắm rõ các nguyên tắc cơ bản trong phục hồi chức năng gãy xương đòn và tuân thủ một cách nghiêm túc để có thể đảm bảo đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

1 – Mục đích phục hồi chức năng gãy xương đòn: Quá trình lành xương có thể mất vài tháng và thời gian lành xương thay đổi tùy theo độ tuổi người bệnh, sức khỏe, mức độ phức tạp và vị trí của vết gãy. Xương đòn thường không bị gãy hoàn toàn do có lớp màng xương dày, lớp ngoài của xương, giúp giữ xương được nối với nhau trong khi lành lại. [2]

Mục tiêu chính của việc điều trị là phục hồi chức năng của vai về mức bình thường bằng cách thiết lập các điều kiện tiên quyết cho phép xương đòn lành lại với độ biến dạng tối thiểu, không mất cử động của vai và giảm đau đớn đến mức thấp nhất. 

Quá trình điều trị và tập phục hồi chức năng sau gãy xương đòn được chia thành 2 giai đoạn: 

  • Giai đoạn bất động: Bảo vệ vùng tổn thương, kết hợp các bài tập phục hồi chức năng nhẹ để thúc đẩy tuần hoàn máu, ngăn ngừa cứng khớp vai, duy trì lực cơ ở các khớp tự do, chống teo cơ, thúc đẩy chữa lành vết thương, giảm đau và sưng tấy.
  • Giai đoạn sau bất động: Tăng phạm vi vận động của vai, tăng cường sức mạnh cánh tay, quản lý mô sẹo, giúp bệnh nhân nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường và có thể tập luyện các môn thể thao nhẹ. [3]

Gãy xương đòn với mức độ nghiêm trọng hoặc xương không tự lành sau 3 đến 6 tháng có thể phải điều trị bằng phẫu thuật. Trong trường hợp này, phẫu thuật được sử dụng để gắn các mảnh xương lại với nhau, đúng vị trí và cố định chúng cho đến khi vết thương lành hẳn. [2]

2 – Nguyên tắc cần tuân thủ dành cho bệnh nhân phục hồi chức năng gãy xương đòn: 

  • Sử dụng dây đeo trong 2 tuần đầu tiên để ổn định các mô mềm. Bệnh nhân cử động vai ở mức vừa phải để tránh bị cứng khớp nhưng không làm chấn thương nặng thêm. [4]
  • Không nâng cánh tay bị thương lên trên 90 độ hoặc bất kỳ mặt phẳng nào trong 6 tuần đầu tiên sau phẫu thuật. 
  • Không nâng bất kỳ vật nào nặng hơn 0.5kg hoặc 1kg bằng cánh tay bị thương trong 6 tuần đầu tiên. 
  • Tránh vươn người quá mức và xoay người bên ngoài/ bên trong trong 6 tuần đầu sau phẫu thuật. [5]

Xem thêm: Viêm quanh khớp vai – Nguyên nhân và phương pháp điều trị

Những điều nên và không nên làm khi gãy xương đòn
Nguyên tắc cần tuân thủ khi phục hồi chức năng gãy xương đòn.

2. Phục hồi chức năng gãy xương đòn giai đoạn bất động

Thời gian bất động sau chấn thương gãy xương đòn có thể thay đổi từ một vài tuần đến vài tháng, tùy thuộc vào mức độ gãy xương và phương pháp điều trị. Trong giai đoạn này, việc tập luyện các bài tập phục hồi chức năng gãy xương đòn vô cùng cần thiết. Điều này không chỉ giúp bệnh nhân giảm đau, giảm sưng mà còn giúp duy trì sự linh hoạt của các khớp và giảm thiểu nguy cơ teo cơ. 

2.1. Tuần 1 – 2 

Trong tuần đầu gãy xương đòn, người bệnh cần được cố định tốt điểm gãy, không vận động khớp vai bên gãy giai đoạn cấp. Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định: [3]

  • Đeo băng nẹp số 8 cả ngày đêm, không tháo ra trong 1 – 2 tuần đầu.
  • Chỉ cử động ngón tay, bàn tay, khớp cổ tay, khuỷu tay, sấp ngửa cẳng tay, vận động, co cơ tĩnh nhẹ nhàng vùng đai vai. [2]

Nếu người bệnh bị cứng ở khuỷu tay hoặc bàn tay do dây đeo trong, có thể thực hiện các bài tập dưới đây. Tuy nhiên, khi khuỷu tay và bàn tay cử động trở nên dễ dàng hơn, bạn có thể bắt đầu với các bài tập về tư thế.. 

2.1.1. Tập chủ động gập – duỗi ngón tay

Thực hiện bài tập phục hồi chức năng gãy xương đòn chủ động cử động gập – duỗi ngón tay đều đặn hàng ngày có thể thúc đẩy quá trình hồi phục, tăng khả năng cử động linh hoạt cho ngón tay. 

Cách thực hiện: 

  • Bước 1: Đặt cánh tay lên bàn, trạng thái thả lỏng.
  • Bước 2: Từ từ nắm các ngón tay vào trong. 
  • Bước 3: Hãy mở các ngón tay càng thẳng càng tốt. 
  • Lặp lại: Thực hiện động tác 10 – 15 lần mỗi hiệp.

Tần suất tập: Có thể tập bài tập chủ động gập và duỗi ngón tay một 3 – 5 lần trong ngày. [6]

 Bài tập chủ động gập - duỗi ngón tay
Cách thực hiện bài tập chủ động gập – duỗi ngón tay

2.1.2. Tập gập duỗi cổ tay, khuỷu tay, cử động sấp ngửa cẳng tay

Bài 1: Gập – duỗi cổ tay

  • Bước 1: Đưa tay lên với lòng bàn tay úp xuống. 
  • Bước 2: Di chuyển bàn tay hướng lên, sau đó lại hướng xuống, sao cho phần cổ tay được uốn cong. 

Tần suất tập: Thực hiện động tác ít nhất 10 lần mỗi phiên tập. Có thể thực hiện bài tập tương tự với lòng bàn tay ngửa. [6]

Bài tập gập duỗi cổ tay
Cách thực hiện bài tập gập – duỗi cổ tay

Bài 2: Sấp – ngửa cẳng tay: Bài tập phục hồi chức năng gãy xương đòn này tác động đến cả phần khớp cổ tay, khớp khuỷu tay và khớp vai, mang hiệu quả rất tốt trong việc thúc đẩy quá trình hồi phục của người bị gãy xương đòn. 

Cách thực hiện: 

  • Bước 1: Đưa cánh tay duỗi thẳng về phía trước, đảm bảo rằng cánh tay của bạn song song với sàn nhà.  
  • Bước 2: Nhẹ nhàng xoay cẳng tay của bạn xuống sao cho lòng bàn tay hướng về phía dưới. Giữ vị trí này vài giây. 
  • Bước 3: Nhẹ nhàng xoay cẳng tay và bàn tay của bạn trở lại vị trí ban đầu, lòng bàn tay hướng lên trên và tiếp tục. 

Tần suất tập: Thực hiện động tác từ 10 – 15 lần mỗi phiên tập. [6]

Bài tập sấp ngửa cẳng tay
Cách thực hiện bài tập sấp – ngửa cẳng tay

Bài 3: Gập – duỗi cẳng tay: Cử động tốt hơn, hạn chế tối đa sự co cứng khớp khi phải đeo băng đeo trong thời gian dài. 

  • Bước 1: Đặt cánh tay lên mặt phẳng. 
  • Bước 2: Thực hiện cong khuỷu tay lại. 
  • Bước 3: Duỗi thẳng khuỷu tay ra để cảm thấy lực căng từ nhẹ đến trung bình. 

Tần suất tập: Thực hiện động tác từ 10 – 15 lần mỗi phiên tập. [6]

Bài tập gập duỗi cẳng tay
Cách thực hiện bài tập gập – duỗi cẳng tay

2.1.3. Co cơ tĩnh nhẹ nhàng vùng đai vai

Bài 1: Siết chặt bả vai: Đây là một trong những bài tập phục hồi chức năng gãy xương đòn giúp tăng cường sức mạnh và ổn định cho khu vực vai.

  • Bước 1: Đứng hoặc ngồi thẳng lưng, giữ cho cột sống và vai ở tư thế tự nhiên. 
  • Bước 2: Đưa hai cánh tay về phía sau và hãy tưởng tượng bạn đang cố gắng nắm chặt một vật ở giữa hai bả vai, sử dụng lực từ các cơ bả vai để siết chặt. 
  • Bước 3: Duy trì tư thế siết chặt này từ 5 – 10 giây, sau đó thả lỏng nhẹ nhàng và trở về vị trí ban đầu. 

Tần suất tập: Thực hiện động tác từ 10 – 15 mỗi phiên tập. [7]

Bài tập siết chặt bả vai
Hãy sử dụng lực từ hai cơ bả vai để từ từ siết chặt vào trong và cố gắng giữ tư thế từ 5 – 10 giây.

Bài 2: Các bài tập co cơ đẳng cự: Là những bài tập thực hiện các động tác co cơ nhưng không có sự di chuyển rõ ràng hoặc thay đổi vị trí của khớp, phù hợp cho việc tăng cường sức mạnh và ổn định cơ bắp vùng đai vai mà không tạo ra áp lực lên khớp. [12]

Bài tập đẳng cự của cơ tam đầu.  

  • Bước 1: Duỗi cánh tay của bạn trên bàn với khuỷu tay uốn cong 90 độ. 
  • Bước 2: Siết chặt nắm tay và ấn xuống bàn bằng toàn bộ cẳng tay, bắt đầu từ nắm tay về phía khuỷu tay. 
  • Bước 3: Giữ tư thế từ 10 – 15 giây, sau đó thả lỏng. 

Tần suất tập: Thực hiện động tác từ 10 – 15 lần mỗi phiên tập.

Bài tập đẳng cự của cơ tam đầu
Cách thực hiện bài tập đẳng cự cơ tam đầu

Bài tập đẳng cự xoay trong và ngoài.  

  • Bước 1: Đặt người ngang tầm khung cửa.
  • Bước 2: Khuỷu tay ở tư thế uốn cong 90 độ, cánh tay đặt sát cơ thể. 
  • Bước 3: Xoay vào trong: Đặt lòng bàn tay lên khung cửa với ngón tay cái hướng lên trên. Nhấn lòng bàn tay và giữ vị trí trong 5 giây
  • Lặp lại: Thực hiện động tác từ 10 – 15 lần trong mỗi phiên tập. 

Ngoài ra còn có rất nhiều bài tập đẳng cự cho vai như: động tác đưa xa cơ thể, động tác đưa gần cơ thể, kéo dài và co lại,… có thể được khuyến nghị tập luyện trong chương trình phục hồi chức năng gãy xương đòn. [12]

Bài tập đẳng cự xoay trong và ngoài
Cách thực hiện bài tập đẳng cự xoay trong và ngoài

2.2. Tuần 3 – 4 

Sang tuần thứ 3, bệnh nhân vẫn tiếp tục tập luyện như tuần 1 – 2, tuy nhiên cần bổ sung thêm một số bài tập tạo sức ép lên đầu xương giúp xương liền nhanh. [7]

2.2.1. Nâng cánh tay chủ động 

Bài tập nâng cánh tay chủ động giúp tái tạo sự căng khớp vai thụ động bằng cách sử dụng cánh tay đối diện hỗ trợ nâng cánh tay bị chấn thương trong phạm vi vận động (Range Of Motion) để kéo căng khớp vai. Bài tập phục hồi chức năng gãy xương đòn này rất hữu ích trong việc giúp bệnh nhân cử động linh hoạt hơn, gia tăng tầm vận động của cánh tay sau khi bị gãy xương đòn. 

Cách thực hiện: 

  • Bước 1: Nằm ở tư thoải mái, khuỷu tay cong khoảng 90 độ. 
  • Bước 2: Dùng tay khỏe giữ vào phần bắp tay của tay bị đau, nâng cánh tay bị đau qua đầu. Người bệnh nên chú ý dừng lại nếu đến ngưỡng đau của tay. 
  • Bước 3: Nhẹ nhàng hạ tay xuống với sự trợ lực từ cánh tay khỏe, sau đó thả lỏng. 

Tần suất tập luyện: Thực hiện động tác từ 10  – 15 lần mỗi phiên tập. [7]

Bài tập nâng cánh tay chủ động
Cách thực hiện bài tập nâng cánh tay chủ động

2.2.2. Xoay tay ngoài có hỗ trợ 

Ngoài kích thích quá trình phục hồi của bệnh nhân gãy xương đòn, bài tập xoay tay ngoài có hỗ trợ cũng mang đến tác dụng tăng cường sự linh hoạt, gia tăng sức mạnh cơ bắp, giảm đau và căng thẳng khớp và cơ bắp vùng vai một cách hữu hiệu. 

Cách thực hiện: 

  • Bước 1: Giữ khuỷu tay của cánh tay bị thương gần bên cạnh cơ thể, khuỷu tay uốn cong.
  • Bước 2: Nắm chặt gây hoặc vật tương tự bằng tay của cánh tay bị thương.  
  • Bước 3: Dùng tay khỏe để đẩy tay của cánh tay bị thương ra phía ngoài. Hãy nhớ giữ khuỷu tay sát vào cơ thể. 
  • Bước 4: Đẩy cho đến khi bạn cảm thấy có cảm giác căng trải dài từ vai đến cánh tay bị thương. 
  • Bước 5: Giữ vị trí này từ 5 – 10 giây, sau đó thả lỏng về vị trí ban đầu. 

Tần suất tập: Thực hiện động tác này 10 lần, miễn là bệnh nhân không bị đau hoặc khó chịu nhiều thêm. [7]

Bài tập xoay người có hỗ trợ
Cách thực hiện bài tập xoay người có hỗ trợ

3. Phục hồi chức năng gãy xương đòn giai đoạn sau bất động

3.1. Nhiệt trị liệu

Các phương pháp nhiệt trị liệu như chườm paraphin và chiếu tia hồng ngoại có nhiều tác dụng quan trọng trong việc điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị gãy xương đòn như: giảm đau, giảm viêm, làm mềm cơ bắp, tăng cường tuần hoàn máu, kích thích quá trình hồi phục của cơ thể,… 

1 – Chườm ấm bằng Paraphin: Là phương pháp xử lý nhiệt sâu, tác động lên các mô mềm để thư giãn. Các bác sĩ sẽ bôi sáp Paraphin nóng chảy lên vùng tổn thương do gãy xương đòn, vai và vùng phụ cận để giúp giảm cứng khớp và làm mềm cơ bắp trước khi tập luyện. Sau đó, bác sĩ sẽ hỗ trợ tập luyện các bài tập phục hồi chức năng gãy xương đòn vận động trị liệu để thúc đẩy quá trình hồi phục của người bệnh. [8]

Tác dụng của chườm ấm bằng Paraphin: 

  • Làm mềm cơ bắp và mô mềm.
  • Giảm đau hiệu quả. 
  • Giảm viêm, tiêu sưng.
  • Tăng cường tuần hoàn máu. 
  • Đẩy nhanh quá trình phục hồi. 
Phương pháp chườm ấm bằng Paraphin
Chườm nóng bằng Paraphin để giảm đau trong quá trình phục hồi chức năng gãy xương đòn

2 – Chiếu tia hồng ngoại: Sử dụng bức xạ nhiệt hồng ngoại để giảm đau, chống viêm và thúc đẩy quá trình hồi phục cho bệnh nhân bị gãy xương đòn. Các bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân ngồi hoặc nằm thoải mái tùy thuộc vào vị trí xương đòn bị gãy. Máy chiếu tia hồng ngoại sẽ được đặt cách vùng điều trị từ 30 – 40 cm, tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ. Thời gian chiếu thường kéo dài từ 15 – 20 phút cho mỗi lần điều trị. Tần suất trị liệu có thể được thực hiện hàng ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ. [9]

Tác dụng của chiếu tia hồng ngoại: 

  • Giảm đau và viêm. 
  • Giảm cứng cơ và tăng độ đàn hồi của mô. 
  • Thúc đẩy quá trình hồi phục.

3.2. Xoa bóp

Xoa bóp không chỉ giúp tăng cường lưu thông máu, giảm đau, làm mềm cơ, mà còn có thể thúc đẩy quá trình lành xương. Phương pháp xoa bóp nên được thực hiện bởi bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu chuyên nghiệp để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả, đặc biệt là giai đoạn đầu của chấn thương khi xương chưa ổn định. 

3.3. Hoạt động trị liệu

Các bài tập hoạt động trị liệu được chỉ định từ tuần thứ 6 – 8 sau điều trị gãy xương đòn, được thiết kế để cải thiện sức mạnh, linh hoạt và chức năng của vai và cổ tay. Một số bài tập phục hồi chức năng gãy xương đòn phổ biến như: 

Bài tập 1 – Bện dây thừng

  • Tác dụng: Cải thiện sức mạnh của cánh tay và vai, đặc biệt là cơ tam đầu (cơ Triceps) và cơ nhị đầu (cơ Biceps). 
  • Cách thực hiện: Người bệnh sẽ cầm một dây thừng hai đầu và thực hiện các động tác bện hoặc xoắn chúng lại với nhau. 

Bài tập 2 – Bắt bóng

  • Tác dụng: Tăng cường khả năng phản ứng, sự linh hoạt của cánh tay và cổ tay.  
  • Cách thực hiện: Người bệnh sẽ đứng ở một khoảng cách xa và phải bắt được bóng được ném từ một người khác. 

Bài tập 3 – Ném bóng

  • Tác dụng: Tăng cường sức mạnh cơ bắp và khớp vùng vai, tăng cường khả năng điều khiển linh hoạt của cánh tay bị bệnh. 
  • Cách thực hiện: Người bệnh sẽ ném bóng về phía một người khác hoặc một mục tiêu từ khoảng cách xa. 
Bài tập vận động trị liệu bện dây thừng
Bài tập vận động trị liệu bện dây thừng rất có ích trong việc cải thiện sức mạnh cơ bắp và khớp vùng vai của người bị gãy xương đòn.

3.4. Vận động trị liệu

Các bài tập vận động trị liệu giúp bệnh nhân khôi phục khả năng vận động và phạm vi chuyển động. Trong khi đó, các bài tập phục hồi chức năng gãy xương đòn tăng cường sức mạnh sẽ giúp phục hồi cơ bắp và sức mạnh của xương, khớp bị mất trong giai đoạn bất động trị liệu. [10]

Dưới đây là một số bài tập vận động trị liệu phổ biến dành cho bệnh nhân gãy xương đòn.

3.4.1. Tập chủ động có trợ giúp

Tập chủ động có trợ giúp là một phương pháp trong vận động trị liệu, được áp dụng để cải thiện tầm vận động và sức mạnh của khớp vai sau chấn thương hoặc phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ tiến hành tập chủ động có sự trợ giúp từ kỹ thuật viên trị liệu hoặc tự trợ giúp bằng các thiết bị hỗ trợ như giàn treo, ròng rọc, tay kỹ thuật viên để gia tăng tầm vận động khớp vai.

Những bài tập chủ động có trợ giúp phổ biến như:

Bài 1: Xoay ngoài vai (có hỗ trợ)

  • Bước 1: Giữ khuỷu tay của bạn ở yên vị trí và đảm bảo cánh tay không di chuyển. 
  • Bước 2: Đặt cánh tay nép sát người, khuỷu tay vuông 90 độ, cẳng tay hướng  về phía trước. 
  • Bước 3: Từ từ di chuyển cánh tay hướng ra ngoài với tầm hoạt động tối đa có thể (như ảnh minh họa), có thể nhờ sự trợ giúp từ  
  • Bước 4: Thả lỏng, đưa cánh tay trở về vị trí ban đầu và lặp lại động tác. 

Tần suất tập: Thực hiện động tác từ 10 – 15 lần mỗi phiên tập. [11]

Bài tập xoay ngoài vai (có hỗ trợ)
Cách thực hiện bài tập xoay ngoài vai (có hỗ trợ)

Bài 2: Xoay trong vai (có kháng trở)

  • Bước 1: Nằm nghiêng về phía cánh tay được phẫu thuật khớp vai. 
  • Bước 2: Giữ khuỷu tay uốn cong một góc 90 độ.
  • Bước 3: Tay cầm tạ (trọng lượng nhẹ) đưa về phía bụng, từ từ quay lại.

Tần suất tập: Lặp lại động tác 10 lần, thực hiện 3 lần/ngày. [11]

Bài tập xoay trong vai (có kháng trở)
Động tác xoay trong vai (tăng cường) giúp tăng tính linh hoạt của khớp vai

3.4.2. Tập mạnh các cơ

Sau khi xương đòn đã được hồi phục ở mức độ nhất định, bác sĩ sẽ tăng mức độ vận động của vai và bệnh nhân sẽ bắt đầu các bài tập phục hồi chức năng gãy xương đòn tăng cường sức mạnh. Các bài tập vận động trị liệu này chủ yếu tập trung vào nâng cao sức mạnh cơ bắp ở các vùng: 

  • Tập mạnh các cơ vùng vai nhưng phải tùy theo lực cơ của người bệnh, có thể linh hoạt lựa chọn hình thức tập chủ động có sự trợ giúp, tập chủ động hoặc có hỗ trợ của dây kháng lực hoặc tạ nhỏ. 
  • Tập trung chủ yếu vào sức bền cơ bắp bằng cách thực hiện các bài tập với mức tạ nhẹ nhưng thực hiện nhiều lần lặp lại. [12]

Một số bài tập gia tăng sức mạnh các cơ phổ biến bao gồm:

Bài 1: Xoay ngoài vai (có kháng trở)

  • Bước 1: Buộc dây đàn hồi ở độ cao khuỷu tay,
  • Bước 2: Nắm lấy đầu dây, bước ra xa và đứng bên cạnh. 
  • Bước 3: Giữ cánh tay trên gần với thân, cẳng tay hướng về phía trước, khuỷu tay cong ở góc 90 độ.
  • Bước 4: Xoay cánh tay của bạn hướng ra ngoài và kéo căng dây thun, cố gắng chống lại sức kháng của dây và kéo căng dây càng xa càng tốt. 
  • Bước 5: Đảo ngược chuyển động và lặp lại động tác từ 10 – 15 lần. [13]
Bài tập xoay ngoài vai (có kháng trở)
Cách thực hiện bài tập xoay ngoài vai (có kháng trở)

Bài 2: Xoay trong vai (có kháng trở)

  • Bước 1: Buộc sợi dây đàn hồi ở độ cao khuỷu tay. 
  • Bước 2: Nắm chặt dây, bước ra xa và đứng bên cạnh dây. 
  • Bước 3: Giữ cánh tay trên gần với thân, cẳng tay hướng về phía trước, khuỷu tay cong ở góc 90 độ.
  • Bước 4: Xoay cánh tay của bạn hướng vào trong và kéo căng dây thun, cố gắng chống lại sức kháng của dây và kéo căng dây càng xa càng tốt. 
  • Bước 5: Đảo ngược chuyển động và lặp lại động tác từ 10 – 15 lần. [13]
Bài tập xoay trong vai (có kháng trở)
Cách thực hiện bài tập Xoay trong vai (có kháng trở)

Bài 3: Khép vai

  • Bước 1: Đứng ở tư thế thả lỏng, giữ cổ thẳng, cằm hướng về phía trước. 
  • Bước 2: Trong khi hít vào, cố gắng đưa vai lên cao về phía tai nhất có thể. Thực hiện động tác chậm rãi để bạn có thể cảm nhận được lực cản của các cơ. 
  • Bước 3: Hạ vai xuống và thở ra. [13]
Bài tập khép vai
Cách thực hiện bài tập khép vai

Bài 4: Dạng vai

  • Bước 1: Đứng hoặc ngồi với tư thế thẳng người, cánh tay nép sát bên hông. 
  • Bước 2: Từ từ nâng hai tay lên cao ngang bằng vai, giữ tư thế trong 5 giây. 
  • Bước 3: Từ từ hạ hai tay xuống trở về trạng thái ban đầu. [13]
Bài tập dạng vai
Cách thực hiện bài tập dạng vai

 

Phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai

4. 4 lưu ý quan trọng khi phục hồi chức năng gãy xương đòn

Trong quá trình phục hồi chức năng gãy xương đòn, có một số lưu ý cần xem xét để đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra an toàn và hiệu quả. Dưới đây là 4 điểm lưu ý quan trọng mà bệnh nhân cần nắm: 

  • Những người mắc bệnh tiểu đường và người hút thuốc thường có vấn đề về sức khỏe và tuần hoàn máu, khiến cho lưu lượng máu đến khu vực vết thương bị giảm, từ đó làm chậm quá trình phục hồi. 
  • Việc quay trở lại hoạt động bình thường quá sớm sau khi gãy xương đòn có thể tạo áp lực lên vết thương chưa lành hoàn toàn, khiến các mảnh xương bị tác động và lệch ra khỏi vị trí của chúng, làm trầm trọng thêm tình trạng gãy xương. 
  • Dù bạn có cần phải phẫu thuật hay không thì chấn thương gãy xương đòn cũng cần một khoảng thời gian đủ dài để có thể lành hoàn toàn. Trong thời gian 3 tháng kể từ khi bị gãy xương đòn, việc xuất hiện những cơn đau đớn không phải là điều quá hiếm gặp.
  • Sau khi gãy xương đòn, vai có thể được giữ tĩnh lặng trong khi chờ vết xương gãy lành lại. Sự bất động này có thể gây ra sự cứng khớp vai, đặc biệt khi cơ và dây chằng xung quanh vai không được thường xuyên vận động. [14]
Sử dụng đai đeo trong thời gian đầu sau gãy xương đòn để bảo vệ vai tốt hơn
Nên sử dụng đai đeo trong thời gian đầu sau gãy xương đòn để bảo vệ vai tốt hơn, tránh những cử động không cần thiết có thể ảnh hưởng đến vết gãy ở xương.

5. Giải đáp 1 số câu hỏi thường gặp khi phục hồi chức năng gãy xương đòn

Nhiều bệnh nhân có những thắc mắc liên quan đến cách chăm sóc người bệnh sau gãy xương đòn nhưng chưa tìm được lời giải đáp. Dưới đây là những câu hỏi thường gặp về phục hồi chức năng sau gãy xương đòn mà bạn đọc có thể tham khảo. 

Câu 1: Khi nào nên bắt đầu tập phục hồi chức năng sau gãy xương đòn?

Thông thường, việc tập phục hồi chức năng sẽ được bác sĩ chỉ định ngay sau khi phẫu thuật hoặc điều trị bảo tồn bằng đai. Trong những tuần đầu tiên, bệnh nhân được khuyến khích thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như vận động khuỷu tay, cổ tay, bàn tay, tuyệt đối nên tránh các hoạt động gắng sức. [15]

Phục hồi chức năng vùng khớp vai sẽ bắt đầu muộn hơn, từ 2 đến 3 tháng, khi xương đòn đã lành lặn. Ở giai đoạn này, bác sĩ sẽ chú trọng vào các bài tập phục hồi chức năng cho khớp vai với mục đích tăng cường sức mạnh các cơ quanh khớp vai, giúp khớp vai ổn định và phòng tránh bị co cứng khớp. 

Câu 2: Quá trình phục hồi chức năng gãy xương đòn mất bao lâu?

Hầu hết các trường hợp gãy xương đòn sẽ phục hồi sau khoảng từ 6 đến 12 tuần. Nhìn chung, đa phần người bệnh sẽ có thể hoạt động bình thường sau 6 tuần điều trị phục hồi chức năng gãy xương đòn, và có thể tham gia vào các môn thể thao sau khi quan sát thấy xương đã lành. 

Câu 3: Tư thế ngủ nào là tốt cho người bị gãy xương đòn?

Nằm thẳng trên giường sau khi bị gãy xương đòn có thể gây đau. Vì vậy, người bệnh nên ngủ ở tư thế ngả lưng hoặc tựa thẳng đứng. [16] Mặt khác, các thư thế ngủ này còn tạo độ dốc nghiêng cho cơ thể. Độ cao này ngăn máu tụ lại tại vị trí vết thương và ngăn ngừa sưng tấy tại khu vực đó. Sưng tấy không chỉ gây đau ở vùng xương đòn bị gãy mà còn có thể làm chậm quá trình hồi phục. [17]

Tư thế nằm ngủ khi bị gãy xương đòn
Bệnh nhân cũng có thể ngủ ở tư thế nằm nghiêng về phía tay khỏe nhằm hạn chế va chạm vết thương.

Bài viết đã cung cấp thông tin về 5 điều quan trọng cần biết khi phục hồi chức năng gãy xương đòn. Mặc dù gãy xương đòn khá phổ biến và không phải là tình trạng quá nguy hiểm nhưng bệnh nhân không nên chủ quan. Thay vào đó, người bệnh cần tích cực tập luyện và nghe theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị để quá trình phục hồi sau gãy xương đòn được diễn ra tốt nhất. 

Bệnh nhân có nhu cầu tư vấn hoặc biết thêm thông tin về các dịch vụ chăm sóc phục hồi chức năng sau gãy xương đòn có thể liên hệ Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA để được tư vấn miễn phí. 

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 27/05/2024Ngày cập nhật: 27/05/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo