Bài viết được viết bởi BS CKII. Bùi Hồng Thuý và được tham vấn chuyên môn bởi ThS. BS CKII. Đặng Thị Kim Hương – Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là bệnh lý gây ra các cơn đau phiền toái và tổn thương mô mềm quanh khớp vai. Việc tìm hiểu sớm các nguyên nhân và nhận biết dấu hiệu của bệnh sẽ giúp bệnh nhân có kế hoạch thăm khám và điều trị kịp thời, phòng ngừa các biến chứng xấu cho sức khỏe. Tham khảo ngay nhé!
1. Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là gì?
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là tình trạng đau và cứng khớp vai, xảy ra khi bao khớp trở nên dày và thắt chặt khiến vai khó cử động. Sự hình thành các dải mô sẹo và giảm lượng dịch khớp làm hạn chế cử động dẫn đến cảm giác như khớp vai bị “đông cứng”.
Các triệu chứng điển hình của bệnh viêm quanh khớp vai thể đông cứng:
- Đau khớp bả vai khi cử động
- Cứng khớp vai, hạn chế phạm vi vận động
- Xuất hiện các cơn đau âm ỉ ở một bên vai
- Bất động đầu trên cánh tay.
Các giai đoạn tiến triển của bệnh viêm quanh khớp vai thể đông cứng:
Giai đoạn | Thời gian | Triệu chứng |
Giai đoạn đầu: Đau khớp bả vai | Từ 6-9 tháng |
|
Giai đoạn 2: Đông cứng | Từ 4-12 tháng |
|
Giai đoạn 3: Tan băng | Từ 5 tháng đến 2 năm. |
|
Xem thêm: Bài tập vật lý trị liệu viêm quanh khớp vai – Các bài tập kéo giãn, di động khớp và làm mạnh các cơ giúp tăng khả năng vận động khớp, kéo giãn các cơ giúp giảm đau và giảm viêm.
2. Nguyên nhân gây viêm quanh khớp vai thể đông cứng
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là tình trạng viêm các mô ở vai và cứng khớp. Một số nguyên nhân gây ra bệnh có thể bắt nguồn từ các trường hợp dưới đây:
- Viêm bao khớp: Khi bao khớp bị viêm sẽ trở nên dày, sưng và hình thành các mô sẹo. Điều này sẽ làm các nếp gấp của bao khớp bị co rút, hạn chế khả năng di chuyển của khớp và gây đau, cử động khớp vai bị hạn chế.
- Bất động cánh tay: Sau các chấn thương như gãy tay, phẫu thuật vùng vai hoặc đột quỵ, việc cố định vai có thể làm giảm lưu thông máu đến các gân và dây chằng ở vùng vai. Tình trạng này dễ dẫn đến quá trình đông cứng khớp vai.
- Viêm cơ và gân: Tình trạng này xuất phát từ các chấn thương, hao mòn sụn, viêm bao hoạt dịch hoặc viêm gân ở vai khiến các mô xung quanh khớp bị sưng và kích ứng gây tổn thương bao khớp.
- Thoái hóa: Quá trình thoái hóa của gân và bao khớp có thể làm tăng khả năng viêm ở các tế bào và làm bao khớp bị cứng lại dẫn đến nguy cơ viêm quanh khớp vai thể đông cứng.
- Cường giáp: Khi hormone tuyến giáp bị mất cân bằng sẽ dẫn đến sản sinh lượng lớn cytokine interleukin và yếu tố hoại tử khối u. Những chất này kích thích quá trình hình thành tế bào nguyên sợi và mô sẹo làm bao khớp bị cứng.
- Một số trường hợp khác như rách vòng xoay vai, viêm khớp mãn tính hoặc viêm bao hoạt dịch có thể khiến người bệnh gặp phải tình trạng vai đông cứng nếu không có phương pháp điều trị kịp thời.
3. Đối tượng dễ mắc bệnh viêm quanh khớp vai thể đông cứng
Những đối tượng dễ mắc viêm quanh khớp vai thể đông cứng có thể kể đến như:
- Những người ở độ tuổi từ 40-60 là đối tượng dễ gặp phải tình trạng viêm quanh khớp vai thể đông cứng, đặc biệt là nữ giới.
- Người từng mắc các chấn thương vai: Các chấn thương hoặc phẫu thuật vai sẽ khiến người bệnh hạn chế cử động vai, chẳng hạn như khi sử dụng nẹp, dây đeo hoặc băng quấn vai khiến dây chằng và gân không nhận được lượng máu cần thiết dễ dẫn đến nguy cơ viêm cứng khớp.
- Người có tiền sử bệnh đái tháo đường: Trung bình có khoảng 10-20% bệnh nhân đái tháo đường gặp phải tình trạng cứng khớp. Nguyên nhân chính là do mật độ xương của người bị đái tháo đường thấp hơn 20-30% người bình thường nên dễ có nguy cơ bị suy yếu xương khớp.
- Người có các bệnh lý khác bao gồm đột quỵ, suy giáp, cường giáp và bệnh Parkinson hoặc bệnh tim cũng rất dễ mắc phải viêm quanh khớp vai thể đông cứng.
4. Phương pháp điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng hiệu quả
4.1 Phương pháp điều trị không xâm lấn
1 – Dùng thuốc
- Sử dụng thuốc Nonsteroid (NSAID) như Aspirin, Ibuprofen, Naproxen,…: Nhóm thuốc này có công dụng ức chế khả năng sản sinh chất gây viêm cho cơ thể, hỗ trợ giảm đau, sưng phù nề hiệu quả.
- Paracetamol: Cơ chế hoạt động chính của Paracetamol là tác động lên hệ thần kinh trung ương, ức chế trung tâm điều hòa đau ở não, hỗ trợ giảm đau. Tuy nhiên, bệnh nhân cần dùng thuốc dựa trên liều lượng bác sĩ kê nhằm tránh ảnh hưởng đến gan.
Lưu ý: Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý tăng hoặc giảm liều lượng để tránh phát sinh các tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
2 – Vận động thụ động
- Sử dụng thiết bị cơ học CPM: Đây là một phương pháp điều trị thụ động liên tục cho khớp vai, sử dụng CPM giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng cứng khớp và duy trì độ dãn nở của mô mềm.
3 – Chườm nóng/lạnh
Chườm nóng và chườm lạnh là biện pháp đơn giản mà bệnh nhân có thể dễ dàng thực hiện tại nhà. Bệnh nhân có thể thực hiện xen kẽ hai phương pháp này để giúp làm tăng tuần hoàn máu đến vùng vai bị tổn thương, hỗ trợ giảm đau và viêm cho cơ thể.
Hướng dẫn cách thực hiện:
- Chườm nóng: Sử dụng khăn sạch ngâm với nước ấm ở nhiệt độ từ 40-50 độ C sau đó vắt khô và đặt lên vai trong khoảng 15-20 phút, thực hiện 3 lần mỗi ngày.
- Chườm lạnh: Dùng túi gel chuyên dụng hoặc túi đá bọc vào một chiếc khăn mềm, sau đó đặt lên vùng vai bị đau. Thực hiện 2-4 lần/ngày, mỗi lần không quá 20 phút.
4 – Vật lý trị liệu
Phương pháp vật lý trị liệu có vai trò hỗ trợ người bệnh phục hồi thông qua kích thích các tế bào mô tự chữa lành. Đây là liệu pháp giúp bệnh nhân hạn chế dùng thuốc giảm đau, tránh các tác dụng phụ không mong muốn, ví dụ:
- Siêu âm: Hiệu ứng làm nóng sâu sử dụng sóng âm để làm nới lỏng các cơ và gân bị căng, hỗ trợ cải thiện phạm vi cử động của vai.
- Kích thích dây thần kinh điện qua da (TENS): Liệu pháp này sử dụng dòng điện có áp thấp để kích thích tế bào thần kinh ngăn chặn tín hiệu đau, tăng cường sản sinh endorphin.
- Laser: Tia laser công suất thấp được sử dụng nhằm tăng cường tổng hợp collagen và thúc đẩy quá trình lành mô nhờ tăng lưu lượng máu đến vùng vai bị tổn thương, kích thích quá trình phục hồi của cơ thể.
- Sóng xung kích: Thiết bị sóng xung kích sử dụng sóng âm mang năng lượng cao phá vỡ các tinh thể canxi gây viêm ở khớp vai, hỗ trợ tái tạo xương, gân và mô mềm vùng quanh vai.
- Sóng ngắn: Liệu pháp sóng ngắn sử dụng bức xạ điện từ giúp ức chế các sợi dẫn truyền lên dây thần kinh cảm giác đau, hỗ trợ giải phóng căng cơ và tăng hoạt tính nội tiết cho người bệnh.
Tìm hiểu thêm về các bài tập vật lý trị liệu khớp vai không chỉ giúp bệnh nhân đẩy nhanh thời gian hồi phục ở các phần cơ, xương khớp bị tổn thương, mà còn tăng sức mạnh cơ vùng vai và tăng tầm vận động khớp vai.
4.2 Phương pháp điều trị xâm lấn
Các biện pháp xâm lấn thường được áp dụng để điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng bao gồm:
- Tiêm Corticosteroid vào khớp vai nhằm mục đích phá đông khớp vai, hỗ trợ giảm đau và cải thiện phạm vi chuyển động của bệnh nhân.
- Tiêm chất nhờn dịch khớp: Đối với nhóm bệnh nhân có mức độ thoái hóa khớp trung bình có thể áp dụng phương pháp tiêm chất nhờn dịch khớp để giúp vai cử động dễ dàng hơn.
- Phẫu thuật khớp vai thể đông cứng tập trung vào việc kéo dãn và giải phóng bao khớp vai. Các phương pháp phổ biến nhất bao gồm:
- Gây mê: Bác sĩ chỉnh hình sẽ thực hiện kéo bóc tách viêm dính, di chuyển bao xơ và mô sẹo căng nhằm giảm sự thắt chặt và tăng phạm vi cử động của khớp vai.
- Nội soi khớp vai: Sử dụng máy soi khớp và dụng cụ đặc biệt để loại phá vỡ mô sẹo và bao khớp cứng, bên cạnh đó di dời gân cơ nhị đầu và mài gai xương.
- Nếu cơ thể bệnh nhân không đáp ứng với tiêm nong khớp vai và tập vận động, người bệnh sẽ được cân nhắc gây tê đám rối thần kinh cánh tay hoặc phẫu thuật nội soi/mở gỡ dính khớp vai.
5. Biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm quanh khớp vai thể đông cứng
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại các biến chứng gây hậu quả nặng nề như:
- Mất chức năng cơ: Với trường hợp vai đông cứng, tình trạng mất cơ xảy ra rất nhanh khiến vòng phản hồi cảm giác-vận động khớp bị suy yếu và các cơ nhanh chóng mất đi khả năng vận động.
- Teo cơ: Khi tình trạng cứng khớp kéo dài sẽ gây đau và suy giảm chức năng vận động của vai do đó dễ dẫn đến thoái hóa cơ.
- Co thắt dây chằng: Sự co thắt của dây chằng cánh tay hạn chế khả năng xoay của tay, ở giai đoạn đoạn nặng bao khớp ổ chảo cánh tay sẽ dày lên và co lại khiến tay không cử động được.
- Tổn thương xương hoặc mô: Các hoạt động nắn chỉnh vai không đúng cách có thể dẫn đến gãy xương cánh tay (xương cánh tay trên), đứt gân cơ nhị đầu hoặc gân dưới vai. Khi các vết viêm kéo dài sẽ làm tổn thương các tế bào và mô khỏe mạnh.
6. Một số lưu ý giúp quá trình trị liệu đạt hiệu quả cao
Bệnh nhân viêm quanh khớp vai thể đông cứng cần lưu ý một số điều dưới đây để hỗ trợ quá trình điều trị và nâng cao hiệu quả phục hồi:
- Tuân thủ phác đồ điều trị theo đúng hướng dẫn của chuyên gia/bác sĩ.
- Duy trì thực hiện các bài tập vận động để cải thiện khả năng vận động của khớp vai.
- Lựa chọn cách ngủ phù hợp:
- Tư thế ngủ tốt nhất cho người bị viêm quanh khớp vai thể đông cứng là nghiêng về bên không bị ảnh hưởng, đặt một chiếc gối dưới nách và ôm để tránh cong vai vào trong. Đồng thời, người bệnh nên đặt một chiếc gối nhỏ giữa hai đầu gối để giữ hông và cột sống thẳng hàng.
- Đối với người ngủ ngửa nên lựa chọn gối thấp để giữ cho đầu và cổ thẳng hàng với cột sống, đồng thời, đặt hai tay sang hai bên với lòng bàn tay úp xuống giường nhằm giảm áp lực lên khớp vai và giãn nhẹ cơ.
- Chế độ ăn uống:
- Bổ sung đầy đủ các nhóm chất, đặc biệt là thực phẩm giàu canxi để hỗ trợ xương phát triển.
- Ưu tiên thực phẩm chứa Omega 3 như cá hồi và các loại hạt nhằm chống lại sự mất khoáng xương trong quá trình lão hóa.
- Hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa (chất béo động vật), cholesterol, đường, muối.
- Hạn chế dùng thức ăn nhanh, các sản phẩm chứa nhiều chất bảo quản.
- Uống đủ nước để tăng cường quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Tổng kết:
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng đem đến nhiều cơn đau khó chịu và gây cản trở khả năng vận động của bệnh nhân. Người bệnh cần lưu ý các dấu hiệu bất thường của sức khỏe và thăm khám kịp thời, tránh các biến chứng tác động xấu đến cơ thể.
Liên hệ ngay với MYREHAB MATSUOKA nếu bạn cần tư vấn chi tiết hơn nhé. Tại đây, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa hàng đầu của chúng tôi sẽ giúp bạn tiếp cận với các xu hướng y khoa mới nhất và tìm kiếm giải pháp trị liệu hiệu quả, phù hợp cho nhu cầu phục hồi của bạn.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.