Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi ThS. BS CKII. Đặng Thị Kim Hương – Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.
Trong bài viết này, chuyên gia MYREHAB MATSUOKA sẽ hướng dẫn thực hiện 20 bài tập phục hồi chức năng sau mổ cột sống dễ thực hiện, hiệu quả cao. Tham khảo ngay!
1. Những điều nên biết khi tập luyện sau phẫu thuật cột sống
Theo bác sĩ CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan, bệnh nhân sau mổ cột sống không nên tự ý tập luyện khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Dưới đây là 5 lưu ý đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong giai đoạn tập luyện, phục hồi chức năng sau phẫu thuật cột sống để lấy lại khả năng vận động sau phẫu thuật cột sống.
- Sử dụng nẹp cột sống: Bệnh nhân nên sử dụng nẹp để cố định cột sống, giảm áp lực tác động lên vùng phẫu thuật. Trong một số trường hợp như khổ người quá to hoặc quá nhỏ so với áo nẹp thông thường, bệnh nhân sẽ phải đo áo nẹp để phù hợp với kích cỡ của mình.
- Thời điểm nên bắt đầu tập luyện: Thông thường 24h sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định vận động các hoạt động nhẹ để tránh tình trạng phù nề, hỗ trợ lưu thông khí huyết và giảm nguy cơ gây ra các biến chứng sau phẫu thuật.
- Trường hợp không nên tự tập luyện tại nhà: Bệnh nhân không nên tự ý tập luyện tại nhà nếu không có sự hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ. Bởi vì, tập luyện sai cách hoặc không đúng thời điểm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, tổn thương vùng phẫu thuật.
- Lựa chọn bài tập phù hợp với từng loại phẫu thuật: Mỗi loại phẫu thuật cho từng loại bệnh lý sẽ yêu cầu nhóm bài tập riêng để đảm bảo sự phục hồi cho từng cơ quan.
Ví dụ: Sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm ở cổ, các bài tập nhẹ nhàng giúp kéo giãn và tăng cường cơ lưng nên được ưu tiên. Ngược lại, đối với phẫu thuật cố định cột sống, các bài tập phục hồi chức năng sau mổ cột sống tập trung vào tăng cường sự ổn định của cột sống.
Lựa chọn các bài tập phù hợp với từng giai đoạn phục hồi sau phẫu thuật là yếu tố then chốt rút ngắn quá trình hồi phục, lấy lại chức năng vận động cơ bản của cơ thể cho bệnh nhân. Dưới đây là một số bài tập quan trọng, được thiết kế phù hợp cho 3 giai đoạn phục hồi của bệnh nhân sau phẫu thuật mổ cột sống.
Có thể bạn quan tâm: Vật lý trị liệu trượt đốt sống: 9 phương pháp & 15 bài tập
2. 3 bài tập phục hồi chức năng sau mổ cột sống 24 giờ
Ngay 24 giờ sau phẫu thuật cột sống, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các động tác nhẹ nhàng để vận động tay chân, xoay trở người trên giường bệnh. Điểm chung của các bài tập phục hồi chức năng sau mổ cột sống ở giai đoạn này chính là tập trung vào tăng tuần hoàn dinh dưỡng, giảm đau, giảm viêm và tập luyện trong ngưỡng không gây đau. Mục đích là để bệnh nhân tránh nằm lâu một chỗ, ngăn ngừa sự tích tụ máu và tê bì do hạn chế cử động của các cơ và khớp.
Dưới đây là 7 bài tập phục hồi chức năng sau mổ cột sống hỗ trợ bệnh nhân bắt đầu giai đoạn phục hồi đầu tiên sau phẫu thuật:
2.1 Các bài tập thở
Các bài tập phục hồi chức năng sau mổ cột sống hỗ trợ về đường hô hấp có thể giúp bệnh nhân giảm thiểu được các nguy cơ xảy ra biến chứng về phổi, tạo nên sự thư giãn và tinh thần thoải mái cho bệnh nhân để hỗ trợ quá trình phục hồi tổng thể.
Các bài tập thở đơn giản: [1]
- Hít một hơi thật sâu và giữ trong vài giây, rồi từ từ thở ra.
- Hít một hơi thật sâu và nhanh, càng nhiều không khí càng tốt, sau đó thở ra nhanh nhất có thể.
- Hít ba hơi trước khi thở ra: Bệnh nhân có thể hít một hơi thật sâu đầu tiên và giữ lại, không thở ra, sau đó hít tiếp một hơi khác và tiếp tục giữ ở lồng ngực. Cuối cùng hít hơi thở thứ 3, sau đó từ từ thở ra.
- Bài tập thở bằng cơ hoành:
- Bước 1: Bệnh nhân cần nằm ngửa hoặc ngồi trên ghế chuyên dụng sao cho có tư thế thoải mái nhất.
- Bước 2: Đặt một hoặc cả hai tay lên bụng để cảm nhận sự chuyển động.
- Bước 3: Từ từ hít vào thật sâu cho đến khi cảm thấy phần bụng phồng lên.
- Bước 4: Thở ra từ từ bằng miệng giống động tác huýt sáo. Thực hiện động tác này liên tiếp 10 lần.
2.2 Bài tập gồng cơ tứ đầu
Bài tập gồng cơ tứ đầu có vai trò tăng cường sự linh hoạt cho vùng cơ (đây là nhóm cơ chính ở phía trước đùi, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ và di chuyển cơ thể). Mục đích khi thực hiện bài tập phục hồi chức năng sau mổ cột sống là hỗ trợ phần thân trên, giảm áp lực lên cột sống và hạn chế tình trạng đau lưng.
Hướng dẫn thực hiện:
- Bước 1: Nằm ngửa lên sàn, hai chân duỗi thẳng và thư giãn cơ đùi (ảnh trên).
- Bước 2: Gồng cơ và giữ căng cơ đùi trong khoảng 5 giây (ảnh dưới).
- Bước 3: Thả lỏng và thư giãn cơ đùi.
- Bước 4: Lặp lại động tác khoảng 10 lần và đổi chân.
2.3 Bài tập core bụng
Thực hiện đúng và đều đặn bài tập sẽ giúp bệnh nhân tăng cường cơ bụng và hỗ trợ giảm đau lưng.
Hướng dẫn thực hiện:
- Bước 1: Nằm xuống thảm sau đó hít sâu, siết chặt bụng để ép xương sườn xuống phía dưới, đồng thời cảm nhận sự co thắt của cơ bụng.
- Bước 2: Giữ tư thế này trong 5 giây, sau đó thả lỏng cơ và trở về trạng thái thư giãn hoàn toàn.
- Bước 3: Lặp lại động tác này 10 lần, bạn có thể tăng dần số lần lặp lại khi cảm thấy thoải mái hơn và không còn đau.
Tìm hiểu thêm về bệnh thoái hóa cột sống và bài tập vật lý trị liệu thoái hóa cột sống nhằm giảm căng cơ, cải thiện sức mạnh các cơ, tăng cường khả năng vận động và nâng cao sức khỏe tổng thể.
3. 7 bài tập PHCN từ ngày thứ 2 – ngày thứ 14
Mục đích chính của giai đoạn này là khuyến khích bệnh nhân thực hành các bài tập phục hồi chức năng sau mổ cột sống ở bên ngoài giường bệnh để tập đi lại, tăng cường các bài vận động nhẹ để giảm sưng, viêm và ngăn ngừa tình trạng cứng khớp.
3.1 Đi bộ
Đi bộ giúp cải thiện máu lưu thông khắp các vùng cơ thể, mang oxy và chất dinh dưỡng đến các cơ và mô cột sống trong quá trình phục hồi [2].
Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ tập đi bộ nhẹ nhàng với sự hỗ trợ của một số vật như nẹp cổ, thắt lưng, nạng, khung tập đi hoặc sự trợ giúp của kỹ thuật viên vật lý trị liệu.
Lưu ý: Đi bộ nhẹ nhàng đem đến rất nhiều lợi ích tốt cho cơ thể, tuy nhiên, bệnh nhân nên nghỉ ngơi khi cần thiết. Đừng cố gắng vận động quá sức và chỉ nên lên – xuống cầu thang 1 hoặc 2 lần một ngày trong một đến hai tuần đầu tiên.
3.2 Nâng cao gót chân
Bài tập nâng cao gót chân là một phương pháp tập trung tác động lực cho các cơ bắp chân, cổ chân và đùi. Có tác dụng cải thiện khả năng vận động và ổn định sự thăng bằng của cơ thể.
Hướng dẫn thực hiện:
- Bước 1: Đứng thẳng với trọng lượng được phân bổ đều trên cả hai chân, bệnh nhân có thể dựa lưng vào tường hoặc giữ vững một chiếc ghế để tạo thăng bằng.
- Bước 2: Hít vào và nâng cả hai gót chân lên, sao cho cơ thể đứng trên các đầu ngón chân.
- Bước 3: Giữ tư thế này trong khoảng 5 giây, đồng thời thở ra.
- Bước 4: Từ từ hạ gót chân xuống sàn và lặp lại khoảng 10 lần.
3.3 Bài tập vận động các khớp chi trên
Bài tập vận động các khớp chi trên có tác dụng tăng khả năng vận động của vùng vai và cánh tay, tạo sự chuyển động giữa các khớp và hỗ trợ kéo giãn gân và cơ nhằm tránh tình trạng tê vùng chi trên do bệnh nhân hạn chế vận động.
Hướng dẫn thực hiện:
- Bước 1: Đứng thẳng người và thả lỏng toàn thân.
- Bước 2: Gập khuỷu tay bên phải lên ép sát người trong khoảng 3 giây sau đó thả lỏng về vị trí ban đầu.
- Bước 3: Thực hiện tương tự động tác với tay trái và lặp lại 5-10 lần cho mỗi bên.
3.4 Bài tập vận động các khớp chi dưới
Bài tập vận động các khớp chi dưới giúp bệnh nhân tập luyện massage cơ chân, cải thiện các cơn đau và duy trì khả năng vận động nhằm hỗ trợ quá trình tăng cường lưu thông máu cho cơ thể.
Hướng dẫn thực hiện:
- Bước 1: Bệnh nhân ngồi trên một chiếc ghế và đặt một quả bóng nhỏ dưới bàn chân.
- Bước 2: Dùng chân di chuyển quả bóng từ mũi đến gần gót chân.
- Bước 3: Thực hiện lặp lại động tác từ 20-30 lần.
Lưu ý: Bệnh nhân cần giữ tư thế thẳng lưng trong quá trình luyện tập.
3.5 Bài tập trượt gót chân
Bài tập trượt gót chân thúc đẩy máu lưu thông đến vùng lưng dưới và các cơ bắp ở chân cho bệnh nhân. Đồng thời, hoạt động di chuyển gót chân còn hỗ trợ quá trình kích thích giải phóng endorphin, hormone giảm đau tự nhiên của cơ thể [3].
Hướng dẫn thực hiện:
- Bước 1: Nằm ngửa xuống thảm chuyên dụng.
- Bước 2: Từ từ cong đầu gối và kéo gót chân về phía mông. Lưu ý nên hít vào khi thực hiện động tác này.
- Bước 3: Sau đó duỗi thẳng đầu gối, đẩy gót chân ra xa. Kết hợp với thở ra khi thực hiện động tác.
- Bước 4: Thực hiện 10 lần lặp lại.
3.6 Bài tập vận động khớp cổ chân
Bài tập vận động khớp cổ chân có công dụng tăng cường lưu thông máu và giảm tê bì vùng thân dưới cho bệnh nhân sau một khoảng thời gian không vận động [4]. Bên cạnh đó, bài tập còn hỗ trợ cử động cho vùng khớp ở chân để hạn chế ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu của cơ thể.
Hướng dẫn thực hiện:
- Bước 1: Ngồi xuống thảm, đặt và thả lỏng hai chân về phía trước.
- Bước 2: Dùng lực di chuyển bàn chân về phía sau, như thể bạn đang cố gắng kéo các ngón chân về phía đầu gối. Giữ vị trí này trong khoảng 3 giây sau đó thả lỏng chân trở lại vị trí ban đầu.
- Bước 3: Di chuyển bàn chân về phía trước, giống như bạn đang cố gắng đẩy các ngón chân ra xa đầu gối.
- Bước 3: Lặp lại động tác 10 lần liên tiếp.
3.7 Bài tập nghiêng xương chậu sau (Posterior Pelvic Tilt)
Bài tập nghiêng xương chậu sau hỗ trợ giãn cơ và tăng cường sức mạnh cho các cơ bắp ở hông, mông và đùi, giúp cải thiện khả năng di chuyển và xoay của cơ thể, đồng thời, hỗ trợ bệnh nhân giảm sự co thắt và cứng cơ tại các khu vực này sau phẫu thuật.
Hướng dẫn thực hiện:
- Bước 1: Nằm ngửa và gập cả hai đầu gối lại.
- Bước 2: Từ từ dùng lực lấy gồng phần cơ bụng và ép lưng dưới xuống sàn nhằm tạo áp lực nhẹ lên vùng lưng cột sống.
- Bước 3: Siết chặt cơ bụng và giữ tư thế này trong khoảng 2 giây.
- Bước 4: Từ từ thả lỏng cơ bụng và vùng lưng dưới để trở về vị trí ban đầu. Lặp lại động tác này từ 10 đến 15 lần.
4. 8 bài tập phục hồi chức năng sau mổ cột sống từ tuần thứ 3 trở đi
Từ tuần thứ 3 cho đến tuần 12 sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể làm các công việc nhẹ nhàng, không tăng áp lực lên vị trí cột sống phẫu thuật, các bài tập phục hồi chức năng sau mổ cột sống có thể nâng cao hơn để tăng khả năng phục hồi và sự dẻo dai cho xương khớp.
4.1 Căng cơ hình lê
Bài tập căng cơ hình lê có tác dụng hỗ trợ giảm căng thẳng cho dây thần kinh vùng mông, hỗ trợ bệnh nhân tập trung cải thiện khả năng giữ thăng bằng cho cơ thể.
Hướng dẫn thực hiện:
- Bước 1: Nằm ngửa trên thảm đồng thời co cả hai đầu gối lại sao cho chân chạm sàn.
- Bước 2: Đưa chân phải lên và bắt chéo qua chân trái.
- Bước 3: Dùng hai tay kéo lấy gối phải về phía ngực cho đến khi cảm thấy căng ở vùng mông/hông.
- Bước 4: Giữ 20 giây, sau đó thư giãn và lặp lại 5 lần cho mỗi bên.
4.2 Tư thế cây cầu
Bài tập cây cầu có tác dụng hỗ trợ sức mạnh cho vùng cơ mông, cơ bụng và gân kheo, giúp bệnh nhân cải thiện sự ổn định của cột sống [5].
Hướng dẫn thực hiện:
- Bước 1: Nằm ngửa trên sàn, đầu gối co lại sao cho hai bàn chân đặt xuống sàn.
- Bước 2: Hít vào và nâng hông lên khỏi sàn, tạo thành một đường thẳng từ vai đến đầu gối. Đừng nâng quá cao, chỉ cần nâng đủ để tạo thành một “cây cầu” với thân người.
- Bước 3: Giữ tư thế này khoảng 5-10 giây, đồng thời thở ra từ từ.
- Bước 4: Từ từ hạ hông xuống sàn, trở về vị trí ban đầu. Thực hiện lặp lại động tác từ 10-15 lần.
4.3 Bài tập Squat với tường
Bài tập này có thể giúp giảm một phần áp lực và căng thẳng lên vùng cột sống nhờ có sự hỗ trợ của bức tường.
Hướng dẫn thực hiện:
- Bước 1: Đứng dựa lưng vào tường, hai chân rộng bằng vai, đầu gối hướng về phía trước (ảnh 1).
- Bước 2: Từ từ ngồi xuống như thể bạn đang ngồi trên một chiếc ghế, giữ thẳng lưng và duy trì góc 90 độ giữa đùi và bắp chân trong 5-10 giây (ảnh 2).
- Bước 3: Đẩy cơ thể lên và trở về tư thế ban đầu. Thực hiện động tác này liên tục 10 lần.
4.4 Bài tập mạnh cơ lưng
Bài tập mạnh cơ lưng có tác dụng tăng cường sức mạnh cho cơ lưng trên và vùng vai gáy của bệnh nhân.
Hướng dẫn thực hiện:
- Bước 1: Nằm sấp trên thảm, với hai tay và chân duỗi thẳng.
- Bước 2: Hít vào đồng thời nâng đầu, vai, ngực và hai chân lên khỏi thảm.
- Bước 3: Giữ nguyên tư thế trong khoảng 10 giây và lặp lại động tác từ 10-15 lần.
4.5 Di động cột sống
Bài tập di động cột sống hỗ trợ bệnh nhân cải thiện sự linh hoạt và tăng cường sức khỏe cột sống sau mổ. Đồng thời, bài tập này còn có công dụng giảm đau và tê bì cho vùng cột sống hiệu quả.
Hướng dẫn thực hiện:
- Bước 1: Bệnh nhân cần nằm ngửa xuống sàn và hai tay đan sau gáy hoặc đặt dọc theo thân mình.
- Bước 2: Hít một hơi thật sâu và đồng thời ấn nhẹ lưng dưới xuống sàn.
- Bước 3: Ưỡn lưng lên khỏi mặt sàn, sau đó thở ra từ từ và thực hiện lặp lại động tác khoảng 10 lần.
4.6 Kéo giãn cơ bên thân mình
Bài tập kéo giãn cơ bên thân mình hướng đến việc kéo giãn các cơ bên thân, bao gồm cơ liên sườn, cơ bụng chéo và cơ lưng để hỗ trợ bệnh nhân giảm căng thẳng vùng lưng, tạo sự vận động nhẹ để tăng tuần hoàn máu.
Hướng dẫn thực hiện:
- Bước 1: Nằm ở tư thế ngửa và đan hai tay ra sau gáy.
- Bước 2: Đặt bàn chân vuông góc với mặt đất và nghiêng hai đầu gối sang cùng một bên, càng gần mặt sàn càng tốt.
- Bước 3: Giữ tư thế này trong khoảng 10 giây, sau đó từ từ trở về vị thế ban đầu. Đổi bên và thực hiện lặp lại cử động trên từ 10-15 lần
4.7 Kéo giãn cơ tam đầu đùi
Kéo giãn cơ tam đầu đùi là một bài tập phục hồi chức năng sau mổ cột sống mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe cho bệnh nhân. Bên cạnh khả năng hỗ trợ cơ thể tăng cường phạm vi chuyển động cho vùng khớp gối, bài tập còn giảm các triệu chứng đau nhức cơ bắp cho người bệnh.
- Bước 1: Nằm ngửa trên giường hoặc thảm tập, đồng thời duỗi thẳng hai chân.
- Bước 2: Nâng một chân lên cao vuông góc với mặt sàn, hai tay ôm lấy đùi, đồng thời hít vào.
- Bước 3: Giữ thẳng đầu gối rồi từ từ hạ chân xuống và thở ra.
- Bước 4: Đổi chân và thực hiện như trên.
4.8 Đạp xe tại chỗ
Bài tập đạp xe tại chỗ hỗ trợ tạo sự chuyển động cho vùng thân dưới, hạn chế sự co, cứng khớp do cơ thể ít vận động sau phẫu thuật. Đồng thời hỗ trợ cơ thể cải thiện lưu thông máu và các chức năng tim mạch.
Hướng dẫn thực hiện:
- Bước 1: Bắt đầu đầu đạp với tốc độ chậm và tăng dần cường độ khi cảm thấy thoải mái hơn. Đồng thời, giữ cho cơ thể ở tư thế thẳng lưng, vai thả lỏng, và nhìn thẳng về phía trước.
- Bước 2: Đạp liên tục khoảng 10-20 phút, duy trì cơ thể ở mức nhịp tim vừa phải.
5. Những lưu ý cho bệnh nhân trong quá trình tập luyện
- Trước khi bắt đầu mỗi bài tập, bệnh nhân nên tham khảo trước ý kiến của bác sĩ điều trị để đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe và đưa ra kế hoạch tập luyện phù hợp.
- Hãy bắt đầu với các bài tập nhẹ nhàng, sau đó tăng dần mức độ thực hiện.
- Hãy lắng nghe cơ thể và dừng lại ngay lập tức nếu có bất kỳ cảm giác đau nhói, khó chịu hoặc rỉ máu ở vùng phẫu thuật.
- Bệnh nhân cần kết hợp hít – thở đều đặn trong suốt quá trình tập luyện và chú ý điều chỉnh đúng tư thế tập để đạt được hiệu quả cao.
Thực hiện các bài tập phục hồi chức năng sau mổ cột sống là một giai đoạn quan trọng trong quá trình hồi phục của bệnh nhân, hỗ trợ bệnh nhân giảm đau và nhanh chóng lấy lại chức năng vận động cho vùng đốt sống, từ đó giúp cơ thể bệnh nhân thực hiện các chức năng vận động dễ dàng hơn.
Nếu bạn cần sự hướng dẫn chuyên nghiệp và chi tiết hơn, hãy đến với MYREHAB MATSUOKA. Tại đây, đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm của chúng tôi sẽ thiết kế các chương trình tập luyện riêng biệt, phù hợp cho từng nhu cầu của bệnh nhân.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội