9 Bài tập hiệu quả cho người bệnh sau mổ thoát vị đĩa đệm

Bài viết được viết bởi BS CKII. Bùi Hồng Thuý và được tham vấn chuyên môn bởi ThS. BS CKII. Đặng Thị Kim Hương – Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.

Phục hồi chức năng sau khi mổ thoát vị đĩa đệm sẽ giúp người bệnh nhanh chóng quay trở lại cuộc sống thường ngày và hạn chế các biến chứng xảy ra. Tham khảo ngay 9 bài tập sau mổ thoát vị đĩa đệm hiệu quả và cách chăm sóc bệnh nhân khoa học để đẩy nhanh quá trình hồi phục trong bài viết này!

Giai đoạn  Bài tập Tần suất thực hiện
24h đầu tiên  Xoay tại chỗ Lặp lại động tác 5 – 10 lần/ngày
Từ ngày thứ 2 Tập các tư thế ngồi, đứng và đi lại với sự hỗ trợ của nạng hoặc khung tập đi Từ 2 – 3 lần/ ngày, mỗi lần từ 10 – 15 phút tùy theo sức khỏe người bệnh
Từ 2 – 3 tuần  Co chân 10 – 15 lần/ngày
Đạp xe trên không 10 – 15 lần/ngày
Giữ thăng bằng 2 – 3 lần/ngày
Đi bộ 2 – 3 lần, mỗi lần 10 – 15 phút
Tay nọ chân kia 10 – 15 lần/ngày
Rắn hổ mang 10 lần/ngày
Tư thế châu chấu 10 lần/ngày

1. Tập xoay trở tại chỗ cho bệnh nhân sau mổ thoát vị đĩa đệm 24h 

Tập xoay trở tại chỗ là bài tập sau mổ thoát vị đĩa đệm được áp dụng vào ngày đầu tiên. Người bệnh có thể thực hiện bài tập xoay trở tại chỗ để giảm đau, giảm cứng cơ và áp lực lên các đĩa đệm. 

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Nằm ngửa với 2 đầu gối co lại tạo hình chữ V ngược
  • Bước 2: Đặt 2 cánh tay song song với hông, hông và tay đặt sát xuống giường
  • Bước 3: Thả lỏng bụng và hít vào, sau đó nhẹ nhàng đẩy khung chậu về phía trước, làm cho lưng dưới áp sát hơn vào bề mặt và thở ra.
Bài tập lăn trở tư thế đúng - Một trong các bài tập sau mổ thoát vị đĩa đệm
Bài tập lăn trở tư thế đúng

2. Bài tập từ ngày thứ 2 sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm

Từ ngày thứ 2 sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân sẽ đeo nẹp cổ và thắt lưng để tập các tư thế ngồi, đứng và đi lại với sự hỗ trợ của nạng hoặc khung tập đi. Ở thời điểm này, bệnh nhân nên có sự hỗ trợ và giám sát của kỹ thuật viên để đảm bảo thực hiện các bài tập đúng cách, an toàn. 

Việc thực hiện các bài tập di chuyển dùng dụng cụ hỗ trợ sẽ giúp cơ thể bệnh nhân duy trì sự linh hoạt và giảm cảm giác căng cứng thường gặp sau khi phẫu thuật. Đồng thời, các bài tập còn thúc đẩy quá trình phục hồi và nâng cao khả năng vận động của bệnh nhân sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm.

Tìm hiểu thêm về vật lý trị liệu cột sống lưng giúp kháng viêm, giảm phù nề; lưu thông các mạch máu, giảm áp lực nội đĩa đệm…

3. 7 Bài tập sau mổ thoát vị đĩa đệm thắt lưng từ 2 – 3 tuần

Trong khoảng thời gian từ 2 – 3 tuần tiếp theo, người bệnh có thể bắt đầu thực hiện các bài tập sau mổ thoát vị đĩa đệm thắt lưng trong ngưỡng không gây đau, nhức vùng cơ. Các bài tập sẽ tập trung hỗ trợ vùng cột sống, bao gồm từ vùng ngực, lưng và thắt lưng bằng cách vận động chân, hông, giúp giảm đau và tăng cường sức mạnh của cơ bắp và khớp. Cụ thể như sau:

3.1 Bài tập co chân

Bài tập co chân giúp co giãn các cơ ở lưng, chân và hông, đồng thời làm giảm căng cứng và hỗ trợ sức khỏe của xương cột sống.

Cách thực hiện 

  • Bước 1: Người bệnh nằm thẳng và giữ phần lưng, hông luôn thẳng với mặt sàn. Tay đặt dọc theo cơ thể, lòng bàn tay hướng xuống.
  • Bước 2: Thực hiện gập hai đầu gối lại, sau đó dùng hai bàn tay ôm chặt và kéo giữ 2 đầu gối sát bụng.
  • Bước 3: Giữ tư thế trong khoảng 10 giây, cảm nhận sự kéo giãn ở cơ lưng, chân và hông. Sau đó từ từ thả lỏng và trở về tư thế ban đầu. 

Thực hiện bài tập nhẹ nhàng từ 10 – 15 lần theo khả năng của người bệnh.

Bài tập co chân
Bài tập co chân

3.2 Bài tập đạp xe trên không

Tác dụng: Bài tập đạp xe trên không giúp tăng cường sự dẻo dai và đàn hồi của xương khớp, đồng thời cải thiện sức khỏe của cơ chân, cơ bụng và hông, tăng cường sự linh hoạt của cơ thể.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Nằm thẳng trên giường, duỗi thẳng 2 chân, 2 tay để xuôi theo thân người. Cơ thể thả lỏng, hít thở đều.
  • Bước 2: Đặt hai tay dưới đầu, co hai chân lên trên không và bắt đầu xoay chân chuyển động như động tác đạp xe đạp. 

Lưu ý: Trong quá trình thực hiện, bắp đùi luôn vuông góc với mặt đất

  • Bước 3: Khi cảm thấy chân mỏi, hãy đặt chân xuống và nghỉ ngơi một chút. Sau đó thực hiện lại bài tập từ bước 2 khi chân đã sẵn sàng tiếp tục.
Bài tập đạp xe trên không
Bài tập đạp xe trên không

3.3 Bài tập giữ thăng bằng

Tác dụng: Bài tập giữ thăng bằng giúp rèn luyện sức mạnh cơ chân và cải thiện sự ổn định của xương sống vùng lưng. Sau khi thực hiện bài tập, người bệnh sẽ cảm thấy cơ thể thư giãn, tinh thần thoải mái hơn.

Cách thực hiện bài tập co chân 

  • Bước 1: Người bệnh đứng thẳng trên một mặt phẳng, co chân trái lên và đặt lòng bàn chân trái vào đùi chân phải. Cố gắng giữ thẳng người trong tư thế một chân và không để chân trái chạm xuống đất. 
  • Bước 2: Chắp tay trước ngực, lưng giữ thẳng, hít thở nhẹ nhàng để duy trì sự thoải mái.
  • Bước 3: Khi cảm thấy chân mỏi, người bệnh có thể đổi chân và thực hiện tương tự đối với chân phải.
Bài tập đứng giữ thăng bằng 1 chân
Bài tập đứng giữ thăng bằng 1 chân

3.4  Đi bộ

Hoạt động đi bộ sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu, hỗ trợ cơ thể đưa dinh dưỡng làm lành các vết thương của cơ và mô cột sống sau khi phẫu thuật của người bệnh. Đồng thời, hoạt động đi bộ còn cải thiện sức khỏe tim mạch, giữ cho tim và phổi hoạt động ổn định, góp phần vào việc phục hồi sức khỏe tổng quát cho người bệnh.

bài tập sau mổ thoát vị đĩa đệm
Hoạt động đi bộ giúp cải thiện sức khỏe của người bệnh sau phẫu thuật

3.5 Bài tập tay nọ chân kia

Bài tập giúp cải thiện hoạt động các cơ cốt lõi và khả năng giữ thăng bằng của cơ thể. 

Cách thực hiện 

  • Bước 1: Chống đầu gối và hai tay xuống sàn và duỗi thẳng lưng
  • Bước 2: Đưa cánh tay phải lên phía trước và duỗi thẳng hàng với vai. Đồng thời, duỗi thẳng chân trái về phía sau sao cho ngang bằng với hông.
  • Bước 3: Giữ tư thế căng trong đến khi cảm thấy mỏi rồi nhẹ nhàng hạ cánh tay và chân xuống vị trí bắt đầu rồi đổi bên.

Thực hiện 10 – 15 lần cho mỗi bên.

Bài tập tay nọ chân kia
Bài tập tay nọ chân kia

3.6 Bài tập Rắn hổ mang

Bài tập Rắn hổ mang giúp tăng cường linh hoạt cột sống bằng cách kéo giãn lưng và bụng, hỗ trợ quá trình phục hồi và cải thiện tuần hoàn máu đến khu vực lưng.

Cách thực hiện

  • Bước 1: Nằm sấp trên sàn, đặt hai tay ngay dưới vai
  • Bước 2: Giữ lưng và hông thư giãn, sau đó sử dụng cánh tay nâng từ từ phần trên của cơ thể lên trong khi hông vẫn chạm sàn.
  • Bước 3: Giữ nguyên tư thế trong 5 giây rồi từ từ hạ cơ thể xuống sàn, sau đó thực hiện lặp lại 10 lần. 
Bài tập rắn hổ mang
Bài tập rắn hổ mang

3.7 Bài tập tư thế châu chấu

Bài tập giúp cải thiện sức mạnh cơ lưng, cơ bụng, cơ mông, cơ chân; tăng cường tuần hoàn máu và cải thiện tư thế cơ thể; hỗ trợ quá trình phục hồi và giảm nguy cơ chấn thương.

Cách thực hiện

  • Bước 1: Nằm sấp, hai chân khép lại vào nhau, 2 tay đưa ra sau với lòng bàn tay úp xuống úp. 

Lưu ý: Cần duỗi thẳng ngón chân về phía sau và hướng xuống sàn để kích hoạt cơ tứ đầu của cơ thể.

  • Bước 2: Hít thở đều đặn, khi hít vào, bạn nâng đầu, ngực, cánh tay và chân lên khỏi sàn. Bả vai ép chặt ép vào lưng và mở rộng ngực, đồng thời 2 tay chụm 2 bả vai lại.
  • Bước 3: Giữ nguyên tư thế trong 5 giây, sau đó từ từ hạ phần thân trở lại mặt sàn, thả lỏng hai tay và trở lại vị trí ban đầu. 

Thực hiện động tác lặp lại 10 lần.

Bài tập tư thế châu chấu
Bài tập tư thế châu chấu

Có thể bạn chưa biết: Các bài tập giãn dây chằng lưng tốt cho phần ngực và lưng sẽ giúp bệnh nhân nhanh hết đau, tăng sự dẻo dai, linh hoạt cho gân cơ, vận động dễ dàng và trở về cuộc sống bình thường.

4. Các bài tập người sau mổ thoát vị đĩa đệm cần tránh

Quá trình phục hồi rất quan trọng, vì thế, bên cạnh việc thực hiện các bài tập sau mổ thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần tránh thực hiện các bài tập vận động quá mạnh để tránh gây áp lực lên vùng đĩa đệm và cột sống, làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi. Cụ thể, người bệnh cần tránh thực hiện các hoạt động sau:

  • Các động tác vặn mình và ngồi xổm.
  • Các bài tập vận động mạnh, chạy nhảy lên xuống.
  • Các bài tập nặng như cử tạ, đu xà, squat, ép chân, giãn cơ hoặc bất kỳ động tác nào liên quan đến uốn cong lưng và nâng vật nặng. 

Bài viết liên quan: Đau thắt lưng: Triệu chứng, Nguyên nhân và Cách chữa trị

5. Hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân sau mổ thoát vị đĩa đệm

Chăm sóc bệnh nhân sau khi mổ thoát vị đĩa đệm đúng cách sẽ thúc đẩy quá trình hồi phục và giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng. Đồng thời, kết hợp với chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học, bệnh nhân sẽ nhanh chóng quay trở lại cuộc sống bình thường và hạn chế nguy cơ tái phát bệnh sau khi phẫu thuật.

5.1 Chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật

Trong 4 ngày đầu tiên sau mổ, người bệnh tuyệt đối không sờ hay chạm vào vết mổ vì vết mổ cần được giữ khô ráo và sạch sẽ để tránh nhiễm trùng. Sau khi bác sĩ cắt chỉ, người bệnh cần được chăm sóc theo đúng hướng dẫn để đảm bảo vết mổ lành nhanh chóng và giảm nguy cơ biến chứng.

Một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân để tránh nhiễm trùng vết mổ như sau:

  • Khi tắm, để tránh vết mổ tiếp xúc với nước, bạn nên dùng một miếng bảo vệ để che vết mổ hoặc lau người bằng khăn để dễ dàng kiểm soát vết thương.
  • Cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về cách vệ sinh vết mổ, cách thay băng, và những dấu hiệu bất thường như đỏ, sưng, hay chảy dịch để thông báo kịp thời cho bác sĩ.

5.2 Chế độ tập luyện

Người bệnh cần kiên trì thực hiện các bài tập sau mổ thoát vị đĩa đệm theo hướng dẫn của bác sĩ và kỹ thuật viên để thúc đẩy quá trình hồi phục. Đồng thời, người bệnh cần lưu ý thực hiện bài tập một cách kiên nhẫn, không nên nóng vội hoặc ép buộc cơ thể để tránh gây tổn thương thêm cho vùng mổ. 

Với các hoạt động ngồi, đứng, đi, người bệnh cần chú ý thực hiện đúng tư thế để tránh tạo áp lực lên cơ thể, cụ thể:

Tư thế ngồi: 

Người bệnh nên giữ thẳng lưng khi ngồi, có thể sử dụng ghế hỗ trợ nếu cần và hạn chế ngồi lâu để tránh cơ căng cứng, đau nhức.

Bệnh nhân nên tập ngồi với tư thế thẳng lưng
Bệnh nhân nên tập ngồi với tư thế thẳng lưng

Tư thế đi, đứng: 

Người bệnh khi đứng cần giữ lưng thẳng, phân bố lực đều 2 chân và tránh đứng lâu trong một tư thế. Đồng thời, khi di chuyển cần đi với bước đi đều và nhẹ nhàng, tránh cúi người hoặc vặn mình, kết hợp sử dụng hỗ trợ như nạng hoặc khung tập đi nếu cần.

Bệnh nhân sau mổ thoát vị đĩa đệm nên tập luyện dưới sự hướng dẫn và theo dõi của chuyên gia
Bệnh nhân sau mổ thoát vị đĩa đệm nên tập luyện dưới sự hướng dẫn và theo dõi của chuyên gia

5.3 Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng hợp lý, giàu protein, canxi, vitamin, khoáng chất sẽ giúp tăng cường khả năng phục hồi cơ thể, hỗ trợ lành vết mổ và duy trì sức khỏe xương khớp của bệnh nhân sau phẫu thuật. Cụ thể:

  • Thực phẩm giàu protein: Protein là một chất quan trọng hình thành nên các tế bào mới của cơ thể, vì thế, khi tiêu thụ thịt nạc, cá, trứng, đậu phụ,.. vết thương sau mổ của bệnh nhân sẽ lành nhanh hơn.
  • Thực phẩm giàu canxi và phốt pho: Canxi và phốt pho là 2 khoáng chất thiết yếu giúp đảm bảo duy trì mật độ xương. Do đó, các thực phẩm như sữa, chế phẩm từ sữa, rau lá xanh, cải thìa,… sẽ hỗ trợ cải thiện sức khỏe xương khớp cho người bệnh. Tuy nhiên, cần sử dụng với liều lượng vừa đủ, vì nếu nạp quá nhiều phốt pho sẽ khiến cơ thể mất cân bằng chất.
  • Thực phẩm giàu vitamin (B, C, D,…): Các thực phẩm giàu vitamin như ngũ cốc, rau củ, trái cây,… sẽ giúp hỗ trợ làm lành tổn thương xương khớp và đĩa đệm, tăng cường hệ miễn dịch, giúp duy trì sức khỏe xương và cột sống cho người bệnh.
Thực phẩm giàu protein sẽ giúp vết thương sau mổ mau lành
Thực phẩm giàu protein sẽ giúp vết thương sau mổ mau lành

Ngoài ra, người bệnh cần kiêng tiêu thụ các thực phẩm sau để ngăn ngừa biến chứng và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hồi phục sau mổ thoát vị đĩa đệm. Cụ thể:

  • Thực phẩm chứa fructose và purin: Các thực phẩm như nội tạng động vật, dưa muối, cá trích chứa fructose và purin có thể làm tăng phản ứng viêm và gây đau nhức ở các khớp.
  • Thực phẩm cay nóng, mặn, ngọt: Người bệnh cần ăn chế độ ăn thanh đạm, không quá cay nóng, mặn, ngọt vì có thể gây cản trở hấp thụ canxi, tăng phản ứng viêm và đau khớp.
  • Thực phẩm nhiều dầu mỡ: Các thực phẩm nhiều dầu mỡ sẽ làm giảm mật độ canxi trong xương, tăng nguy cơ loãng xương.
  • Đồ uống có cồn và chất kích thích: Các thức uống có cồn như rượu, bia, hoặc các sản phẩm chứa chất kích thích như thuốc lá, cà phê khi tiêu thụ sẽ làm cơ thể giảm hấp thụ canxi, làm chậm quá trình lành vết mổ.
Đồ ăn cay nóng, chiên rán nhiều dầu mỡ có thể làm chậm quá trình lành vết mổ, tăng nguy cơ loãng xương
Đồ ăn cay nóng, chiên rán nhiều dầu mỡ có thể làm chậm quá trình lành vết mổ, tăng nguy cơ loãng xương

Liên hệ với MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản nếu bạn cần sử hướng dẫn chuyên nghiệp, chi tiết hơn trong quá trình phục hồi chức năng sau mổ thoát vị đĩa đệm. Với đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm, chúng tôi cam kết đồng hành và hỗ trợ bạn đạt được kết quả phục hồi tốt nhất. 

Ngày đăng: 18/09/2024Ngày cập nhật: 13/11/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.