5 sai lầm khi phục hồi chức năng sau mổ thoát vị đĩa đệm & Giải pháp

Bài viết được viết bởi BS CKII. Bùi Hồng Thuý và được tham vấn chuyên môn bởi ThS. BS CKII. Đặng Thị Kim Hương – Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.

Theo Tạp chí Phẫu thuật Thần Kinh (JNS), có từ 5-15% bệnh nhân phải đối mặt với tái thoát vị đĩa đệm sau khi mổ, làm cho quá trình điều trị kéo dài và phức tạp hơn. Dưới đây là 5 sai lầm phổ biến và cách khắc phục người bệnh cần lưu ý để nâng cao hiệu quả điều trị, hạn chế các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe trong quá trình phục hồi chức năng sau mổ thoát vị đĩa đệm.

1. Không chăm sóc, vệ sinh vết mổ đúng cách

Những sai lầm khi chăm sóc, vệ sinh vết mổ:

  • Vệ sinh vùng da xung quanh trước sau đó đến trung tâm vết thương, chính điều này dễ khiến vi khuẩn xâm nhập vào làm nhiễm trùng vết thương.
  • Sử dụng chất tẩy da, rượu, oxi gà hoặc xà phòng để rửa vết thương vô tình làm chết mô hạt và trì hoãn quá trình lành da.
  • Tự ý bôi các dung dịch thảo dược khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị.
  • Khi tắm, bệnh nhân tắm bồn hoặc ngâm mình quá lâu trong nước khiến vết thương bị bung chỉ và vi khuẩn dễ xâm nhập vào bên trong.
  • Thường xuyên chạm tay vào vết mổ hoặc để thú cưng liếm vào vết thương.

Nếu vết thương của bệnh nhân không được chăm sóc và vệ sinh đúng cách có thể dẫn đến nhiễm trùng và các biến chứng như nhiễm khuẩn huyết, ảnh hưởng đến thời gian phục hồi và sức khỏe của tổng thể của bệnh nhân.

Cách chăm sóc người bệnh sau mổ thoát vị đĩa đệm đúng cách: 

  • Khi về nhà, bệnh nhân cần được thay băng vết mổ 1 lần/ngày. 
  • Rửa sạch vết thương hàng ngày bằng nước ấm hoặc nước muối chuyên dụng.
  • Dùng Betadine vệ sinh vết thương từ trung tâm đến vùng da xung quanh.
  • Dùng khăn mềm để làm khô và vỗ nhẹ vùng da xung quanh, tránh chà xát mạnh.
  • Thông thường, từ sau 5-7 ngày vết thương sẽ khô dần dịch, bệnh nhân có thể để vết thương thoáng khí. Nếu vết mổ vẫn còn tiết dịch nhẹ hoặc có nguy cơ cọ xát, người bệnh có thể che phủ vết thương bằng băng gạc sạch.

Một số lưu ý bệnh nhân cần biết: 

  • Luôn rửa tay trước và sau khi chạm vào vết mổ.
  • Vệ sinh đúng theo sự hướng dẫn của bác sĩ/chuyên gia.
  • Luôn giữ cho vết mổ được khô ráo.
  • Không sử dụng các dung dịch sát trùng mạnh như hydro peroxide vì có thể làm chậm quá trình lành vết thương.
  • Thăm khám ngay đến bác sĩ nếu người bệnh sốt trên 38.3 độ C hoặc xuất hiện tình trạng tách mép vết mổ, liệt mới tay hoặc chân.
Thay băng gạc và vệ sinh vết mổ đúng cách để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng vết thương.
Thay băng gạc và vệ sinh vết mổ đúng cách để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng vết thương.

2. Xây dựng kế hoạch chăm sóc bệnh nhân mổ sau thoát vị đĩa đệm chưa phù hợp

Sai lầm khi xây dựng kế hoạch chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật:

  • Cho bệnh nhân vận động sớm quá mạnh/không vận động:
    • Khi vận động sớm quá mạnh: Việc khuyến khích bệnh nhân vận động sớm với các bài tập không phù hợp sẽ gây áp lực lên vùng đĩa đệm tổn thương, tăng nguy cơ tái thoát vị đĩa đệm.
    • Khi không vận động: Ngược lại, việc hạn chế vận động sẽ dẫn đến tình trạng cứng khớp, teo cơ và giảm lưu thông máu, làm chậm quá trình phục hồi của bệnh nhân.
  • Không chú ý đến tư thế nằm, gây ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của bệnh nhân.
  • Không theo dõi sát sao các dấu hiệu bất thường của cơ thể và điều chỉnh kế hoạch chăm sóc hợp lý.

Về cơ bản, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm đạt kết quả điều trị cao và giúp người bệnh lấy lại khả năng vận động hiệu quả. Tuy nhiên, nếu không có kế hoạch vận động và phục hồi chức năng sau mổ thoát vị đĩa đệm hợp lý sẽ dễ dẫn đến nhiều biến chứng xấu, kéo dài thời gian hồi phục của người bệnh, cụ thể:

  • Cứng cột sống
  • Nhiễm trùng
  • Thoái hóa cột sống
  • Tổn thương dây thần kinh
  • Rách lớp màng bảo vệ cột sống
  • Thoát vị đĩa đệm tái phát.

Ví dụ: Trong giai đoạn đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân thường lo sợ việc vận động có thể gây đau và ảnh hưởng đến vết thương nên hạn chế hoặc không vận động. Hậu quả xảy ra là gây co cứng khớp và gặp phải tình trạng bị đông máu, dễ gây tắc mạch phổi và huyết khối.

Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm:

Giai đoạn Mục tiêu Kế hoạch chăm sóc
Giai đoạn 1: 2 tuần đầu tiên.
  • Giảm đau, giảm phù nề và theo dõi tình trạng nhiễm trùng (nếu có).
  • Bảo vệ vùng vết thương (mô mềm và xương).
  • Tăng dần khả năng chịu đựng của tim mạch.
  • Chỉnh sửa và duy trì tư thế cột sống đúng.
  • Bắt đầu đi bộ trên bề mặt bằng phẳng 5-7 phút/lần, từ 2 – 3 lần/ngày. 
  • Tập các bài tập gồng cơ mông, cơ tứ đầu, tập cơ sàn chậu, gồng cơ bụng nhẹ nhàng.
  • Vận động lăn trở trên giường. 
  • Tránh ngồi lâu
  • Nên đeo cố định thắt lưng khi ngồi.
  • Di chuyển với dụng cụ trợ giúp như nạn, khung đi.
  • Sử dụng phương pháp nhiệt trị liệu, điện xung, sóng ngắn để giảm đau.
Giai đoạn 2: Tuần 3-4.
  • Cải thiện khả năng đứng thẳng.
  • Cải thiện tư thế chi khi đứng/ngồi.
  • Lấy lại tầm vận động khớp (ROM).
  • Bảo vệ vùng mổ đến khi mô liên kết hình thành và xương có dấu hiệu cốt hóa.
  • Thực hiện động tác duỗi cơ ngực nhẹ.
  • Vận động cơ chi trên.
  • Vận động cột sống nhẹ nhàng.
  • Tập hô hấp thở bụng, thở ngực.
  • Thực hiện các bài tập như xoay hông vào trong, kèo 2 chân, kéo từng chân, kéo giãn thắt lưng quỳ bốn điểm, siêu nhân nằm sấp để cải thiện tầm vận động.
Giai đoạn 3: Tuần 5-8.
  • Ngăn ngừa sự hình thành mô sẹo dính.
  • Thúc đẩy sự phục hồi của dây thần kinh và cơ.
  • Tăng cường khả năng vận động của thân mình và chức năng cho khớp vai. 
  • Bắt đầu vận động nhẹ nhàng từ cột sống ngực đến lưng.
  • Tập vận động cơ vùng bụng, thắt lưng và vùng khớp hông để ngăn ngừa yếu cơ, teo cứng khớp.
  • Đi bộ 30 phút.
Người bệnh cần được xây dựng lộ trình chăm sóc phù hợp để nâng cao hiệu quả phục hồi.
Người bệnh cần được xây dựng lộ trình chăm sóc phù hợp để nâng cao hiệu quả phục hồi.

3. Tự tập luyện không tham khảo ý kiến bác sĩ

Những sai lầm của bệnh nhân khi tập luyện sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm:

  • Thực hiện các bài tập không phù hợp với thể trạng của cơ thể.
  • Chơi những môn thể thao đòi hỏi cường độ vận động cao, nhiều động tác vặn mình như: Tập gym, chạy bộ, tennis, cầu lông, các bài tập vặn người đột ngột. 

Việc tự ý tập luyện sai cách sẽ khiến bệnh nhân sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm dễ bị chấn thương, ảnh hưởng đến thời gian phục hồi của cơ thể. Bệnh nhân nên tuân thủ lộ trình phục hồi chức năng sau mổ thoát vị đĩa đệm của bác sĩ và tập luyện bài tập sau mổ thoát vị đĩa đệm theo hướng dẫn của kỹ thuật viên để đảm bảo an toàn trong quá trình điều trị. 

Hướng dẫn tư thế vận động đúng:

Tư thế đi: Khi đi bộ, bệnh nhân nên giữ thẳng người, lăn chân từ gót đến ngón chân, đi chậm và bước ngắn. Đảm bảo hít thở sâu và giữ tư thế ổn định.

Tư thế đi đúng
Tư thế đi đúng

Tư thế nằm: Khi ngủ, người bệnh có thể nằm ngửa, đặt một chiếc gối mỏng dưới lưng hoặc nằm trên đệm phẳng không lún. Thực hiện các cử động xoay người nhẹ nhàng, tránh các tác động đột ngột.

Tư thế nằm đúng
Tư thế nằm đúng

Tư thế ngồi: Bệnh nhân nên ngồi thẳng lưng, giữ hai bàn chân đặt phẳng trên mặt đất. Bệnh nhân nên sử dụng thêm một chiếc gối nhỏ đặt ở lưng dưới để hỗ trợ cột sống và giúp duy trì độ cong tự nhiên.

Lưu ý: Khi ngồi lâu, bệnh nhân nên đeo cố định thắt lưng, hạn chế các động tác uốn, vặn, nâng và xoắn thân mình.

Tư thế ngồi đúng
Tư thế ngồi đúng

Tư thế lăn trở đúng: Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, co hai gối lại và nhẹ nhàng xoay toàn bộ cơ thể về một phía (từ vai đến hông). Đảm bảo giữ lưng thẳng không xoắn vặn.

Tư thế lăn trở đúng
Tư thế lăn trở đúng

Bài viết liên quan: 15 bài tập phục hồi giãn dây chằng lưng tại nhà giảm đau & phục hồi hiệu quả

4. Không sử dụng hoặc sử dụng sai cách nẹp cố định

Những sai lầm về nẹp cố định bệnh nhân thường mắc phải:

  • Không sử dụng nẹp: Việc không sử dụng nẹp cố định sẽ dễ khiến các khớp và xương bị tổn thương, người bệnh khó kiểm soát lực tác động lên vùng cột sống vừa mổ, đồng thời ảnh hưởng đến vùng mô mềm như dây chằng và gân.
  • Sử dụng sai cách: Nẹp cố định không được khuyến khích đeo lâu dài, sử dụng liên tục và lạm dụng nẹp sẽ làm ảnh hưởng đến cơ xung quanh cột sống, cột sống dễ bị yếu khi tháo nẹp, thậm chí là teo cơ và khiến cơn đau xuất hiện nặng hơn. 
  • Sử dụng nẹp có kích thước không phù hợp: Khi bệnh nhân sử dụng nẹp quá chật sẽ cản trở quá trình lưu thông máu của cơ thể, gây đau nhức khó chịu, nếu trường hợp nẹp có kích thước quá rộng sẽ không giữ ổn định được cột sống.

Giải pháp:

  • Bệnh nhân nên đeo nẹp ở vị trí mổ trong 3 tháng đầu nhằm cố định cột sống và giảm lực tác động lên vùng cột sống vừa phẫu thuật, hạn chế tình trạng cong, vẹo cột sống. 
  • Chú ý thời gian đeo nẹp: 
    • Tháng đầu sau mổ: Bệnh nhân nên sử dụng nẹp liên tục, chỉ tháo ra khi ngủ.
    • Từ tháng thứ 2 – 3: Nên đeo ngắt quãng, sử dụng khi di chuyển nhiều hoặc ngồi lâu 2-3h/ngày.
Sử dụng nẹp cố định đúng cách để áp áp lực lên cột sống, tổn thương vết mổ sau phẫu thuật
Sử dụng nẹp cố định đúng cách để áp áp lực lên cột sống, tổn thương vết mổ sau phẫu thuật

5. Không chú ý tới chế độ dinh dưỡng phù hợp với người sau mổ

Để tránh ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, phục hồi chức năng thoát vị đĩa đệm và tái phát các cơn đau, người bệnh lựa chọn một số nhóm thực phẩm có lợi như:

  • Thực phẩm giàu canxi: Canxi là thành phần quan trọng cấu tạo nên xương, giúp xương chắc khỏe và giảm nguy cơ loãng xương. 
  • Thực phẩm giàu axit béo Omega 3: Như cá hồi, cá ngừ, cá thu, hạt chia,… Omega 3 có tác dụng chống viêm, cải thiện chức năng khớp.
  • Thực phẩm chứa Glucosamine và chondroitin: Đây là thành phần quan trọng để hỗ trợ tái tạo sụn khớp, có thể tìm thấy trong sụn cá mập, hỗ trợ cải thiện tình trạng sưng viêm.
  • Chất xơ và vitamin: Chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, đồng thời bổ sung vitamin hỗ trợ quá trình trao đổi chất trong cơ thể, giúp cơ thể khỏe mạnh.
  • Thực phẩm giàu Magie: Magie có trong thực phẩm giúp làm tăng mật độ khoáng xương, hạn chế tình trạng loãng xương, gãy xương.
  • Thực phẩm giàu Protein: Protein giúp kích thích sửa chữa các mô tổn thương trong cơ thể, giúp vết thương người bệnh mau lành.

Bên cạnh tuân thủ lộ trình phục hồi chức năng sau mổ thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:

  • Hạn chế thức ăn nhanh: Thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo chuyển hóa và chất phụ gia, dễ gây tăng cân, không tốt cho sức khỏe người bệnh.
  • Hạn chế thực phẩm giàu Fructose và Purin: Fructose và Purin là hai chất gây viêm và dễ gây tái phát các cơn đau cho người bệnh, do đó bệnh nhân không nên sử dụng các loại thực phẩm này.
  • Không dùng thực phẩm nhiều dầu mỡ: Các loại thực phẩm chiên rán có thể làm người bệnh tăng huyết áp, giảm sức đề kháng và thậm chí là loãng xương.
  • Không sử dụng đồ uống chứa cồn: Bia, rượu có tác động xấu đến quá trình hấp thụ canxi của cơ thể, giảm chức năng phục hồi và gây ra các cơn đau nhức, trường hợp xấu có thể phá hủy xương khớp.
  • Chú ý đến cân nặng: Để hạn chế tình trạng thiếu dinh dưỡng hoặc dung nạp dư thừa nguồn năng lượng, bệnh nhân có thể sử dụng phương pháp tính BMR của Mifflin-St Jeor để tính calo cần thiết cho cơ thể (ở trạng thái nghỉ), cụ thể:
    • Calo của nữ giới = (6.25 x chiều cao (cm)) + (10 x trọng lượng (kg)) – (5 x tuổi (năm) – 161.
    • Calo của nam giới = (6.25 x chiều cao (cm)) + (10 x trọng lượng (kg)) – (5 x tuổi (năm)) + 5.
    • Trường hợp bệnh nhân có vận động nhẹ, hãy nhân số calo trên với 1.375

Giả sử: Bệnh nhân là nam có độ tuổi là 45, cân nặng 70kg và chiều cao 170cm sẽ cần cung cấp: 6.25 x 170 + 10 x 70 – 5 x 45 + 5 = 1542.5 (calo)/ngày. Ở mức độ vận động nhẹ, lượng calo người bệnh có thể nạp vào cơ thể dao động từ 1542.5-2100 calo/ngày.

*** Tham khảo thực đơn dinh dưỡng cho bệnh nhân sau mổ thoát vị đĩa đệm:

Bữa sáng Bữa phụ Bữa trưa Bữa phụ Bữa chiều
Ngày 1
  • 1 quả trứng (90 calo).
  • 2 lát bánh mì (150 calo)
  • 1 quả bơ nhỏ (120 calo).
  • 1 cốc sữa tươi không đường (160 calo).
  • 1 hũ sữa chua không đường (80 calo).
  • 10g hạt điều (70 calo).
  • 100g rau chân vịt xào (70 calo)
  • 150g cá hồi (300 calo).
  • 2 bát cơm vừa (220 calo).
  • 1 cốc nước cam ép (150 calo).
  • 1 bát canh bí đỏ thịt bằm (100 calo).
  • 1 bát cơm (130 calo).
  • 100g rau chân vịt xào (70 calo).
Ngày 2
  • 1 bát cháo thịt bằm (450 calo).
  • 1 quả chuối (70 calo).
  • 100g cá thu (150 calo).
  • 100g bông cải xanh luộc (50 calo).
  • 1 bát cơm (130 calo).
  • 1 bát canh xương hầm rau củ (350 calo)
  • 10g hạt óc chó (90 calo).
  • 100g dâu tây (85 calo)
  • 1 bát cháo  rau củ (200 calo).
  • 1 quả bơ (120 calo).
Ngày 3
  • 1 bát cháo cá lóc (350 calo).
  • 1 quả chuối (70 calo).
  • 1 quả kiwi (60 calo).
  • 100g thịt bò xào cần tây (300 calo).
  • 1 bát cơm (130 calo).
  • 1 bát canh ngao mồng tơi ( 150 calo).
  • 1 cốc nước cam (100 calo).
  • 1 bát cơm (130 calo).
  • 1 bát canh ngao mồng tơi (150 calo).
  • 100g nấm xào (70 calo).
Bổ sung nhóm chất dinh dưỡng cần thiết trong quá trình phục hồi chức năng sau mổ thoát vị đĩa đệm sẽ giúp vết thương nhanh lành, hạn chế tình trạng đau nhức, dịch mủ.
Bổ sung nhóm chất dinh dưỡng cần thiết sẽ giúp vết thương nhanh lành, hạn chế tình trạng đau nhức, dịch mủ.

6. Giải đáp câu hỏi thường gặp về phục hồi chức năng sau mổ thoát vị đĩa đệm

1 – Mổ thoát vị đĩa đệm bao lâu thì hồi phục?

Quá trình hồi phục sau khi mổ thoát vị đĩa đệm thường kéo dài từ 6-12 tuần, tùy thuộc vào loại phẫu thuật mà bệnh nhân thực hiện. Tuy nhiên, thời gian có thể thay đổi dựa trên khả năng đáp ứng điều trị của cơ thể bệnh nhân và các yếu tố ảnh hưởng khác như độ tuổi, mức độ tổn thương và cách chăm sóc vết thương sau phẫu thuật.

2 – Mổ thoát vị đĩa đệm có biến chứng gì không?

Mặc dù phẫu thuật thoát vị đĩa đệm có tỷ lệ thành công cao nhưng cũng có thể xảy ra một số biến chứng tiềm ẩn, bao gồm:

  • Nhiễm trùng
  • Cứng cột sống
  • Chảy máu và tổn thương thần kinh
  • Thoát vị đĩa đệm tái phát
  • Rách lớp màng bảo vệ cột sống.

3 – Sau mổ thoát vị đĩa đệm cần kiêng gì?

Chế độ ăn uống: Bệnh nhân cần hạn chế những loại thực phẩm gây hình thành sẹo lồi hoặc viêm và đau, đặc biệt là thực phẩm chứa nhiều Purin và Fructose.

Chế độ vận động, sinh hoạt:

  • Trong 24 giờ đầu tiên, bệnh nhân không nên vặn, xoay người để tránh ảnh hưởng đến vết khâu.
  • Hạn chế nâng/vác vật nặng để tránh gây tổn thương đến vùng vết thương.
  • Tránh ngồi/đứng quá lâu: Cố gắng thay đổi tư thế mỗi 30 phút/lần để giảm đau lưng. Không thực hiện các hoạt động như chạy bộ, nâng tạ đến khi bác sĩ/chuyên gia điều trị cho phép.
  • Kiêng quan hệ sau khi mổ: Các tư thế quan hệ dễ khiến người bệnh bị gặp phải các tổn thương về cột sống, gây tăng áp lực hoặc cong cột sống. Do đó, trong giai đoạn đầu người bệnh nên hạn chế các hoạt động ảnh hưởng đến vết thương.

Tìm hiểu thêm về các bài tập vật lý trị liệu cho lưng giúp giảm đau, kháng viêm; thúc đẩy tái tạo mô, tế bào từ đó giúp làm lành vết thương.

Quá trình phục hồi chức năng sau mổ thoát vị đĩa đệm cần thời gian để có thể cải thiện sức khỏe tổng thể cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, người bệnh cần lưu ý phòng tránh những sai lầm dễ mắc phải trong quá trình phục hồi để giảm nguy cơ tái phát bệnh, rút ngắn thời gian lành vết thương và tăng cử động cho cột sống. 

Nếu bạn có thắc mắc hoặc cần sự giải đáp chi tiết hơn hãy đến MYREHAB MATSUOKA. Tại đây, đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm sẽ thiết kế riêng lộ trình “cá nhân hóa”, đáp ứng nhu cầu điều trị của bạn.  

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 18/09/2024Ngày cập nhật: 18/09/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.