Bài tập vật lý trị liệu cho trẻ bị vẹo cổ và những lưu ý quan trọng nên biết

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.

Vẹo cổ ở trẻ em cần được điều trị kịp thời để giảm thiểu các ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển, vận động và thẩm mỹ của trẻ sau này. Tình trạng này có thể được điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm và điều trị bằng vật lý trị liệu. 

Bằng cách thực hiện các bài tập vật lý trị liệu cho trẻ bị vẹo cổ một cách khoa học và kiên trì, cha mẹ có thể giúp trẻ cải thiện tình trạng bệnh lý này, đồng thời giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

1. Nguyên tắc của vật lý trị liệu cho trẻ vẹo cổ

Vẹo cổ ở trẻ em (torticollis) là tình trạng đầu của trẻ nghiêng về một bên và khó xoay sang bên còn lại. Nguyên nhân phổ biến nhất gây vẹo cổ ở trẻ em là bệnh lý xơ hóa cơ ức đòn chũm. Đây là một khối u lành tính hình thành trong cơ ức đòn chũm, cơ này giúp kết nối xương đòn với xương chũm ở sau tai. Khối u này khiến cơ bị co rút, kéo đầu trẻ nghiêng về một bên.

Ngoài ra, nguyên nhân khiến trẻ bị vẹo cổ có thể do trẻ có tư thế bất thường một thời gian dài trong thai kỳ, chấn thương khi sinh hoặc nhiễm trùng…

Nếu trẻ bị vẹo cổ không được kiểm tra và can thiệp sớm, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ. Do đó, những trẻ gặp khó khăn trong việc xoay cổ hoặc có biểu hiện cổ bị vẹo sang một bên thường được các chuyên gia khuyến nghị áp dụng các biện pháp phục hồi chức năng và vật lý trị liệu.

Để đạt hiệu quả tối ưu trong quá trình điều trị, việc tập vật lý trị liệu cho trẻ bị vẹo cổ cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Can thiệp sớm: Đây là yếu tố then chốt để đảm bảo hiệu quả điều trị và ngăn ngừa biến chứng. Tập vật lý trị liệu nên bắt đầu càng sớm càng tốt, ngay sau khi sinh hoặc ngay sau khi phát hiện trẻ bị vẹo cổ.
  • Hướng dẫn tập luyện tại nhà: Cha mẹ sẽ được các bác sĩ hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu đơn giản để tập cho trẻ tại nhà. Các bài tập này cần được thực hiện thường xuyên và đều đặn, tốt nhất trong 3 tháng đầu đời của trẻ.
  • Theo dõi và tái khám: Trẻ cần được tái khám thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ, thường là sau 1, 2, 3 tháng để đánh giá hiệu quả điều trị và điều chỉnh phác đồ nếu cần thiết.
  • Điều trị chuyên sâu: Nếu sau 3 tháng tập luyện tại nhà mà tình trạng vẹo cổ của trẻ không được cải thiện, trẻ sẽ được chuyển đến khoa phục hồi chức năng để điều trị chuyên sâu.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo phụ huynh nên đưa trẻ bị vẹo cổ đi can thiệp vật lý trị liệu càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là trong tuần đầu sau sinh và trước khi trẻ tròn 6 tháng tuổi. Nguyên nhân là sau 6 tháng, cấu trúc cơ cổ của trẻ trở nên cứng cáp hơn, khiến việc uốn nắn và kéo giãn để làm tan khối u cơ ức đòn chũm trở nên khó khăn hơn. Khi đó, phương pháp duy nhất để cải thiện tình trạng này là phẫu thuật, không chỉ tốn kém mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng không mong muốn.

Có thể bạn quan tâm: Thoát vị đĩa đệm: Triệu chứng, Nguyên nhân và Cách chữa trị

Thời điểm tập vật lý trị liệu cho trẻ bị vẹo cổ là ngay sau sinh hoặc sau khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị vẹo cổ
Thời điểm tốt nhất để bắt đầu tập vật lý trị liệu cho trẻ bị vẹo cổ là ngay sau sinh hoặc sau khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị vẹo cổ

2. Mục tiêu của tập vật lý trị liệu cho trẻ bị vẹo cổ

Vật lý trị liệu đóng vai trò quan trọng trong điều trị vẹo cổ ở trẻ, đặc biệt là khi được thực hiện sớm và đúng cách. Mục tiêu chính của tập vật lý trị liệu cho trẻ bị vẹo cổ bao gồm [1]:

  • Hỗ trợ làm mềm khối xơ: Do trẻ còn nhỏ nên các chuyên gia vật lý trị liệu khuyên chỉ nên sử dụng các kỹ thuật xoa bóp và kéo giãn nhẹ nhàng để giúp làm mềm khối xơ, từ đó cải thiện khả năng vận động của cổ và giảm bớt tình trạng vẹo. Việc điều trị cần được thực hiện bởi các chuyên gia hoặc kỹ thuật viên có kinh nghiệm để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho trẻ.
  • Duy trì tầm vận động của cột sống cổ: Vẹo cổ có thể hạn chế tầm vận động của cột sống cổ, dẫn đến trẻ gặp khó khăn trong việc xoay, gập và ngửa cổ. Do đó, các bài tập vật lý trị liệu có thể giúp tăng cường sức mạnh và khả năng linh hoạt của các cơ cổ. Đặc biệt, trẻ sẽ có khả năng xoay cổ mà không gặp trở ngại hay cảm thấy đau khi vận động.
  • Ngăn ngừa các biến dạng thứ phát: Nếu không được điều trị kịp thời, vẹo cổ có thể dẫn đến các biến dạng thứ phát như mặt lệch, đầu méo do trẻ thường xuyên nằm nghiêng về một bên. Tập vật lý trị liệu sẽ giúp trẻ cải thiện tình trạng vẹo cổ, từ đó ngăn ngừa hoặc giảm thiểu nguy cơ xảy ra các biến dạng thứ phát này.
Tập vật lý trị liệu cho trẻ bị vẹo cổ sớm giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm
Tập vật lý trị liệu sớm có thể giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của vẹo cổ bẩm sinh như biến dạng khuôn mặt một bên to hơn một bên

3. Gợi ý 6 bài tập vật lý trị liệu cho trẻ bị vẹo cổ đơn giản, hiệu quả 

3.1. Xoa bóp làm mềm khối cơ co 

Hướng dẫn thực hiện [2]:

  • Mẹ ngồi thẳng lưng trên ghế, đặt bé nằm ngửa trên đùi mẹ sao cho đầu bé hướng về phía đầu gối của mẹ, cổ bé nghiêng về phía lành.
  • Dùng một tay đỡ đầu bé, tay còn lại dùng các ngón tay xoa bóp nhẹ nhàng vị trí trên khối xơ và tịnh tiến theo chiều kim đồng hồ.
  • Khi xoa, mẹ cần dùng lực vừa phải, tránh ấn quá mạnh. Mẹ có thể vừa massage vừa thoa thêm chút tinh dầu tràm để bảo vệ da bé, tránh bị rát đỏ.

Thời gian thực hiện: Mỗi lần 5 – 10 phút, thực hiện 3 – 4 lần/ngày

Lưu ý:

  • Kỹ thuật xoa bóp này chỉ mang tính chất tham khảo. Cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu trước khi thực hiện cho bé.
  • Việc xoa bóp cần được thực hiện nhẹ nhàng, tránh gây đau đớn cho bé.
  • Nếu bé có bất kỳ biểu hiện khó chịu nào trong quá trình thực hiện bài tập vật lý trị liệu cho trẻ bị vẹo cổ này, hãy ngừng lại ngay lập tức và tham khảo ý kiến bác sĩ.
Bài tập xoa bóp làm mềm khối cơ co cho trẻ vẹo cổ
Bài tập xoa bóp làm mềm khối cơ co

3.2. Kéo giãn cơ ức đòn chũm

Hướng dẫn thực hiện [3]:

  • Một tay của kỹ thuật viên cố định khớp vai và hông bé. Dùng lực nhẹ nhàng kéo vai bé về phía hông, giúp bé thư giãn cơ vai và hông.
  • Tay còn lại của kỹ thuật viên đặt ngón cái tỳ vào góc hàm bé, các ngón còn lại đặt lên phần xương chũm. Phần dưới bàn tay tỳ nhẹ vào đầu bé và kéo nhẹ nhàng đầu bé xuống phía dưới, hướng về phía ngực.
  • Giữ nguyên tư thế trong 30 giây sau đó thả lỏng và thực hiện lại tương tự

Thời gian thực hiện: Mỗi lần từ 5 – 10 phút, mỗi ngày 6 đến 8 lần.

Lưu ý:

  • Không xoa bóp trực tiếp lên khối u cơ ức đòn chũm vì có thể làm khối u sưng thêm.
  • Nên thực hiện động tác với lực kéo nhẹ nhàng, phù hợp với sức chịu đựng của bé. Vì kéo giãn cột sống cổ quá mức có thể gây tổn thương đám rối thần kinh cánh tay, dẫn đến tình trạng liệt.
  • Đối với những khối u quá to, nên thực hiện động tác kéo giãn chậm rãi, nhẹ nhàng để tránh cho bé bị ho, sặc hoặc tím tái.
Bài tập kéo giãn cơ ức đòn chũm
Bài tập kéo giãn cơ ức đòn chũm

3.3. Bài tập nằm nghiêng

Hướng dẫn thực hiện [2]

  • Sử dụng gối dài kê ở phía sau lưng bé, qua vai và hông để đặt bé nằm nghiêng hai bên, đảm bảo bé nằm nghiêng hoàn toàn (tránh nằm ngửa hoặc nghiêng đầu).
  • Khi bé nằm nghiêng sang bên không có khối xơ, không cần kê gối dưới đầu.
  • Khi bé nằm nghiêng sang bên có khối xơ, sử dụng gối tam giác kê dưới đầu bé để giúp bé xoay đầu về bên bị xơ hóa.
  • Thay đổi tư thế nằm nghiêng sang từng bên cho bé sau mỗi bữa ăn hoặc 2 giờ một lần.

Lưu ý: 

  • Các bài tập kéo giãn trên cần được duy trì thực hiện cho đến khi bé khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, cần lưu ý theo dõi tình trạng của bé và điều chỉnh thời gian thực hiện phù hợp.
  • Chỉ thực hiện các bài tập kéo giãn khi khối u không có dấu hiệu nóng, đỏ, đau.
  • Thực hiện động tác kéo giãn nhẹ nhàng, từ từ, không kéo giãn tối đa đột ngột hoặc ngay tức khắc.
  • Không thực hiện kỹ thuật khi bé khóc, chống đối. Bé cần hợp tác và thoải mái trong khi thực hiện bài tập để đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Nên tập các bài tập kéo giãn trước khi cho bé ăn, tránh thực hiện bài tập vật lý trị liệu cho trẻ bị vẹo cổ sau khi ăn no để hạn chế nguy cơ nôn trớ.
Bài tập nằm nghiêng
Bài tập nằm nghiêng

3.4. Bài tập xoay đầu

Hướng dẫn thực hiện [4]:

  • Đặt bé nằm ngửa trên một bề mặt phẳng và an toàn, đảm bảo bé thoải mái và thư giãn.
  • Dùng một tay cố định khớp vai bên lành của bé để giữ cho vai không di chuyển.
  • Tay còn lại đặt lên đầu bé bên lành với bàn tay tỳ nhẹ vào đầu bé, từ từ xoay đầu bé, đưa cằm về gần vai bên bệnh.
  • Giữ tư thế trong khoảng 15 – 30 giây, sau đó thả lỏng và thực hiện lại

Thời gian thực hiện: Lặp lại 2 – 4 lần, thực hiện 3 – 4 lần/ngày

Lưu ý: Thực hiện động tác nhẹ nhàng, tránh làm đau bé.

Bài tập xoay đầu
Bài tập xoay đầu

3.5. Xoay cổ trong khi nằm sấp

Hướng dẫn thực hiện [4]: 

  • Hãy thử đặt bé nằm sấp trong lòng bạn, trên gối, trên ngực bạn hoặc trên tựa tay mềm mại trên ghế sofa.
  • Khi bé đang tận hưởng thời gian nằm sấp, bạn có thể thực hiện các bài tập xoay cổ để giúp bé đỡ bị vẹo cổ.
  • Đặt những đồ chơi yêu thích của chúng và những đồ vật an toàn cho bé đầy màu sắc sang một bên và khuyến khích bé chủ động nhìn về phía đồ chơi. Bạn cũng có thể giúp bé xoay đầu bằng cách nhẹ nhàng xoay đầu khi bé nằm sấp.

Thời gian thực hiện: Lặp lại 2 – 4 lần, thực hiện 3 – 4 lần/ngày

Bài tập xoay cổ trong khi nằm sấp
Bài tập xoay cổ trong khi nằm sấp

3.6. Giữ má kề má

Hướng dẫn thực hiện [4]:  

  • Giữ bé thẳng đứng dựa vào ngực và cổ của bạn để nhẹ nhàng xoay cổ bé ra khỏi phía bị siết chặt.
  • Nhẹ nhàng xoay cổ bé sang một bên bằng cách áp má của bạn vào má của bé và từ từ áp hai má vào nhau.
  • Có thể dùng gương để giữ bé tập trung và quay đầu sang một bên.

Thời gian thực hiện: Giữ vị trí này trong 5 – 10 giây và thả ra. Lặp lại 5 lần. 

Bài tập giữ má kề má
Bài tập giữ má kề má

Tham khảo video các bài tập vật lý trị liệu cho trẻ bị vẹo cổ từ 0 – 2 tháng tuổi – Bệnh viện Từ Dũ

4. Lưu ý khi tập vật lý trị liệu cho trẻ bị vẹo cổ

Tập vật lý trị liệu là một phương pháp điều trị hiệu quả cho trẻ bị vẹo cổ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình tập vật lý trị liệu cho trẻ bị vẹo cổ, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau khi cho trẻ tập vật lý trị liệu [5]:

  • Chỉ thực hiện theo hướng dẫn của chuyên gia: Tuyệt đối không tự ý kéo giãn hoặc điều chỉnh tư thế cổ của bé mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Việc cố định đầu trẻ bị vẹo cổ về một hướng khi ngủ như một số chia sẻ trên mạng xã hội, dù là bên lành hay bên bệnh, đều không được khuyến khích vì có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm như vẹo cổ nặng hơn hoặc chèn ép đường thở. 
  • Quan sát bé trong khi tập: Chú ý theo dõi biểu hiện của bé trong khi tập luyện. Nếu bé tỏ ra khó chịu, quấy khóc hoặc có dấu hiệu đau đớn, hãy ngừng tập ngay lập tức và thông báo cho bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu.
  • Kiên nhẫn và hợp tác: Vật lý trị liệu thường hỏi thời gian và sự kiên nhẫn thực hiện. Trong quá trình tập bé có thể sẽ quấy khóc, khó chịu hoặc không chịu hợp tác, phụ huynh cần kiên nhẫn, hãy tập luyện thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt được kết quả tốt nhất.
Trẻ cần được được tái khám định kỳ để được theo dõi, đánh giá và điều chỉnh lộ trình điều trị khi cần thiết
Trẻ cần được được tái khám định kỳ để được theo dõi, đánh giá hiệu quả và điều chỉnh lộ trình điều trị khi cần thiết

Tập vật lý trị liệu cho trẻ bị vẹo cổ cần được hướng dẫn thực hiện bởi các chuyên gia vật lý trị liệu có kinh nghiệm và chuyên môn cao. Cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ với chuyên gia trong quá trình điều trị để đảm bảo trẻ được thực hiện các bài tập đúng cách và hiệu quả. 

Nếu cha mẹ có bất kỳ thắc mắc hoặc lo lắng nào về việc tập vật lý trị liệu cho trẻ, hãy liên hệ chuyên gia Myrehab Matsuoka để được tư vấn lộ trình điều trị hiệu quả nhất.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 23/06/2024Ngày cập nhật: 27/11/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguồn tham khảo