Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi BS CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan – Bác sĩ phụ trách chuyên môn tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.
Vật lý trị liệu thoái hóa đốt sống cổ là một giải pháp hiệu quả giúp giảm đau, cải thiện vận động và rút ngắn thời gian điều trị bệnh. Trong bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về 15+ phương pháp và bài tập thường được ứng dụng trong vật lý trị liệu thoái hóa đốt sống cổ.
1. Tổng quan về vật lý trị liệu thoái hóa đốt sống cổ
Phương pháp vật lý trị liệu thoái hóa đốt sống cổ sử dụng các tác nhân vật lý để tác động trực tiếp lên vùng bệnh lý như: nhiệt độ, dòng điện, tia hồng ngoại, sóng âm, sóng điện từ, các bài tập vận động,…. Mục tiêu là giảm đau, kéo giãn cơ, tăng cường lưu thông máu đến vùng cổ và ngăn ngừa tái phát bệnh trong tương lai.
Các bác sĩ thường chỉ định áp dụng vật lý trị liệu vào quá trình phục hồi chức năng cho các bệnh nhân thoái hóa đốt sống cổ vì tính hiệu quả cao và an toàn. Cụ thể như sau:
- Giảm đau nhanh chóng: Các tác nhân vật lý có khả năng tác động trực tiếp lên vùng tổn thương, giúp giảm đau, giãn cơ và cải thiện lưu thông máu hiệu quả. Nhờ vậy, người bệnh có thể cảm nhận được hiệu quả giảm đau rõ rệt trong thời gian ngắn.
- Hạn chế tác dụng phụ của thuốc: Vật lý trị liệu không sử dụng thuốc nên không gây ra các tác dụng phụ có hại cho sức khỏe như tổn thương dạ dày, gan, thận,…
- Hạn chế rủi ro phẫu thuật: Bởi vì đây là phương pháp điều trị không xâm lấn, không cần can thiệp dao kéo nên không gây ra các biến chứng nguy hiểm như chảy máu, nhiễm trùng,… So với phương pháp phẫu thuật, vật lý trị liệu an toàn hơn và ít tốn kém hơn.
- Tiết kiệm thời gian và chi phí: Một số bài tập vật lý trị liệu đốt sống cổ đơn giản có thể được thực hiện tại nhà, giúp người bệnh tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại đến phòng khám. Việc tự tập luyện cũng giúp người bệnh chủ động hơn trong việc theo dõi và cải thiện tình trạng bệnh của mình.
- Ngăn ngừa tái phát: Vật lý trị liệu không chỉ giúp giảm đau mà còn giúp tăng cường sức mạnh và độ linh hoạt của cơ bắp cổ, vai gáy, từ đó giúp cải thiện tư thế và ngăn ngừa tái phát các triệu chứng đau nhức về sau.
- Cải thiện vận động: Vật lý trị liệu giúp tăng cường khả năng lưu thông máu đến vùng vai gáy và cổ, giúp các cử động ở vùng này trở lại bình thường và linh hoạt hơn. Người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi vận động đầu, cổ và vai gáy.
2. 8 phương pháp vật lý trị liệu thoái hóa đốt sống cổ bị động
Trong vật lý trị liệu thoái hóa đốt sống cổ, các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng những tác nhân vật lý (nhiệt độ, tia hồng ngoại, dòng điện, sóng âm, sóng điện từ,…) để tác động trực tiếp tới các vùng bị tổn thương, thúc đẩy quá trình chữa lành của cơ thể.
Yêu cầu đối với bác sĩ hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu là có kiến thức và tay nghề cao để đảm bảo sử dụng đúng cách các thiết bị chuyên dụng tạo ra tác nhân vật lý và an toàn cho người bệnh.
2.1 Liệu pháp nhiệt
Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý mạn tính, diễn tiến theo thời gian và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như đau nhức, cứng cơ, hạn chế vận động vùng cổ vai gáy. Khi cơn đau bùng phát, chườm nóng có tác dụng giúp giảm đau nhờ nhiệt độ từ túi chườm khiến các mạch máu giãn nở, tăng cường lưu thông máu. Nhờ đó, các vùng viêm, sưng tấy dần dần tiêu biến, giảm cảm giác đau nhức.
Lưu ý: Không nên chườm lạnh vì nhiệt lạnh có thể khiến cơ bắp co thắt, làm chậm quá trình lưu thông máu gây đau nhức hơn.
2.2 Laser
Liệu pháp sử dụng tia laser hồng ngoại công suất cao thâm nhập sâu vào mô, kích thích vận chuyển chất dinh dưỡng qua màng tế bào và đẩy nhanh quá trình sản xuất ATP (năng lượng tế bào). Dưới đây là 3 lợi ích điển hình của liệu pháp laser trong vật lý trị liệu thoái hóa đốt sống cổ:
- Giảm đau và viêm: Tia laser hồng ngoại ức chế các chất trung gian gây viêm, kích thích sản sinh endorphin (chất giảm đau tự nhiên) và cải thiện lưu thông máu.
- Cải thiện phạm vi chuyển động: Các tia laser hồng ngoại tần số cao tăng độ linh hoạt của cơ bắp, giảm co thắt cơ và cải thiện phạm vi chuyển động khớp. Nhờ vậy, người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi vận động đầu, cổ và vai gáy.
- Thúc đẩy quá trình chữa lành: Liệu pháp laser kích thích sản xuất collagen và elastin, các protein quan trọng trong việc tái tạo mô, từ đó thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương và phục hồi chức năng.
2.3 Sóng xung kích
Sóng xung kích (ESWT) là phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh thoái hóa đốt sống cổ, đặc biệt là tình trạng vôi hóa dây chằng. Đây là phương pháp vật lý trị liệu thoái hóa đốt sống cổ không xâm lấn, sử dụng năng lượng sóng âm thanh cường độ cao tác động lên vùng tổn thương, kích thích quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể, từ đó giúp giảm đau, cải thiện phạm vi chuyển động và tăng chức năng tổng thể.
2.4 Điện xung
Kích thích điện thần kinh xuyên màng (TENS) là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả giúp kiểm soát cơn đau mãn tính do thoái hóa đốt sống cổ. TENS hoạt động bằng cách sử dụng các xung điện có điện áp thấp tác động lên các dây thần kinh cụ thể, giúp giảm tín hiệu đau truyền đến não bộ, từ đó giảm cảm giác đau cho người bệnh.
2.5 Siêu âm
Siêu âm trị liệu là phương pháp điều trị không xâm lấn sử dụng sóng âm tần số cao để tác động lên các mô mềm. Năng lượng từ sóng âm được chuyển hóa thành nhiệt, giúp làm giãn nở mạch máu, tăng cường lưu thông máu và oxy đến các mô tổn thương. Do đó, siêu âm trị liệu thường mang lại hiệu quả cao trong việc giảm đau do thoái hóa đốt sống cổ, đặc biệt là đau do co thắt cơ bắp, đau nhức do thoái hóa khớp và đau do viêm.
2.6 Massage mô sâu
Massage mô sâu là kỹ thuật trị liệu sử dụng các động tác massage chuyên sâu để tác động vào các lớp cơ và mô liên kết sâu bên trong cơ thể. Phương pháp vật lý trị liệu thoái hóa đốt sống cổ này giúp giải phóng căng cơ, giảm đau, khôi phục phạm vi bình thường, bôi trơn bề mặt khớp và tăng cường khả năng vận động.
Massage thường được áp dụng cho các cơ ở phần trên cơ thể, bao gồm vai, gáy, lưng, ngực và cánh tay. Khi thực hiện kỹ thuật, cánh tay người bệnh cần được dang rộng và xoay ra ngoài. Việc này giúp giảm áp lực lên các dây thần kinh ở cánh tay, tránh gây tê bì hoặc khó chịu trong quá trình massage.
2.7 Máy kéo giãn áp DTS
DTS – Hệ thống giảm áp cột sống là công nghệ tiên tiến hàng đầu đến từ Hoa Kỳ, được công nhận là thiết bị điều trị hiệu quả cho bệnh thoát vị đĩa đệm và thoái hóa cột sống.
Nguyên lý hoạt động:
- Giảm áp lực lên đĩa đệm: Máy DTS sử dụng lực kéo theo 2 chiều đối xứng và bất đối xứng, giúp mở rộng khoang đốt sống, tạo ra khoảng trống cho đĩa đệm. Nhờ vậy, áp lực lên đĩa đệm được giảm thiểu, giúp đĩa đệm có thể tự phục hồi và giảm nguy cơ thoát vị.
- Giảm co thắt cơ: Lực kéo của máy DTS giúp giãn cơ, giảm co thắt cơ, cải thiện lưu thông máu và dinh dưỡng đến các mô, từ đó giúp giảm đau và cải thiện chức năng vận động.
- Phục hồi đường cong sinh lý cột sống: Máy DTS giúp kéo giãn cột sống cổ, giảm chèn ép rễ thần kinh, giúp cột sống cổ chuyển động linh hoạt hơn và lấy lại đường cong sinh lý ban đầu.
2.8 Máy trị liệu vận động
Máy trị liệu vận động là thiết bị sử dụng các chuyển động cơ học theo lập trình để tác động lên các cơ và khớp, giúp cải thiện vận động và giảm đau. Máy hoạt động theo cơ chế kích thích các cơ thần kinh chuyển động theo cường độ và vị trí khác nhau, từ đó giúp:
- Tăng cường sức mạnh cơ bắp bằng cách kích thích các cơ co lại và giãn ra lặp đi lặp lại.
- Cải thiện phạm vi chuyển động của các khớp bằng cách kéo giãn các cơ và dây chằng bị co cứng.
- Giảm đau, giảm co thắt cơ và cải thiện lưu thông máu, từ đó giúp giảm đau do viêm và chấn thương.
- Chỉnh sửa các điểm bị sai lệch trên cột sống, giúp cải thiện tư thế và giảm đau lưng.
3. 8 bài tập vật lý trị liệu thoái hóa đốt sống cổ chủ động
Vật lý trị liệu chủ động là một phương pháp điều trị sử dụng các bài tập vận động để giúp người bệnh phục hồi chức năng sau chấn thương, phẫu thuật hoặc bệnh lý. Trong vật lý trị liệu chủ động, người bệnh sẽ tự thực hiện các bài tập vật lý trị liệu thoái hóa đốt sống cổ dưới sự hướng dẫn và giám sát của kỹ thuật viên vật lý trị liệu.
3.1. Bài tập gập cột sống cổ
Hướng dẫn cách thực hiện:
- Bước 1: Đứng thẳng lưng với hai chân rộng bằng vai. Từ từ cúi đầu xuống phía trước, hướng cằm về phía ngực, cho đến khi cảm thấy cơ cổ căng ra.
- Bước 2: Giữ tư thế này trong 5-10 giây, sau đó từ từ ngẩng đầu trở lại vị trí ban đầu.
Tần suất thực hiện: 3 – 5 lần/ngày.ụp lại nhé
3.2. Bài tập xoay cổ
Hướng dẫn cách thực hiện: Ngồi thư giãn, hai vai thả lỏng, lưng thẳng. Từ từ xoay đầu sang trái, gập vào bả vai trái cho đến khi cảm giác căng nhẹ. Giữ tư thế trong 5 giây, hít thở đều đặn.
Tần suất thực hiện: 2 lần/thao tác, giữ 5 giây đối với mỗi tư thế.
3.3. Bài tập nghiêng cột sống cổ
Hướng dẫn cách thực hiện: Lần lượt nghiêng đầu hết cỡ sang hai bên vai, giữ cho mắt nhìn thẳng sau đó quay lại vị trí ban đầu (đầu thẳng).
Tần suất thực hiện: 5 – 10 lần/bên, 2 – 3 lần/ngày.
3.4. Bài tập kháng trở tư thế gập
Hướng dẫn cách thực hiện:
- Bước 1: Đặt hai tay lên trán và dùng lực đẩy đầu về phía sau. Đồng thời, đầu và cổ tạo ra một lực ngược lại để giữ đầu ở tư thế thẳng đứng.
- Bước 2: Giữ tư thế này trong 10 giây. Khi cảm thấy cổ mỏi, từ từ thả tay xuống và dừng lại.
Tần suất thực hiện: 5 lần/ngày.
3.5. Bài tập thư giãn cơ cổ
Hướng dẫn cách thực hiện:
- Bước 1: Dùng ngón trỏ và ba ngón khác massage nhẹ nhàng từ chân tóc xuống cổ và vai gáy, rồi trở lại.
- Bước 2: Thực hiện động tác này liên tục trong 2-3 phút với lực tay vừa phải để thư giãn cơ và khớp cổ.
3.6. Bài tập kéo giãn 2 bên cột sống cổ
Hướng dẫn cách thực hiện:
- Bước 1: Đứng hoặc ngồi thẳng lưng, mắt nhìn thẳng phía trước. Sau đó, nghiêng đầu sang phải về phía vai phải.
- Bước 2: Đặt tay phải lên đầu bên trái và nhẹ nhàng kéo đầu xuống cho đến khi cảm nhận được sự căng ở cơ cổ bên trái. Giữ tư thế này trong 30 giây rồi đổi bên.
Tần suất thực hiện: Lặp lại 3 lần.
3.7. Kéo giãn cột sống cổ ngửa ra phía sau
Hướng dẫn cách thực hiện: Người tập ngồi thoải mái, đặt lòng bàn tay phải lên trán và từ từ đẩy đầu về phía sau. Giữ nguyên tư thế này trong 10 giây.
Tần suất thực hiện: Lặp lại 10 lần, 2 lần/ngày.
3.8. Kéo dãn cột sống cổ tư thế nghiêng
Hướng dẫn cách thực hiện: Thực hiện lần lượt từng bên, một tay nắm lấy ghế, tay kia vòng qua đầu và nhẹ nhàng kéo đầu chéo xuống về phía đối diện. Giữ tư thế này trong 5 giây.
Tần suất thực hiện: 10 lần/bên, 2 lần/ngày.
4. Một số lưu ý khi tập vật lý trị liệu thoái hóa đốt sống cổ
Theo bác sĩ CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan, người bệnh cần lưu ý những điều dưới đây để quá trình vật lý trị liệu thoái hóa đốt sống cổ mang lại hiệu quả tốt nhất.
- Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ: Việc tập luyện cần được thực hiện theo đúng hướng dẫn và phác đồ của bác sĩ chuyên khoa. Bởi vì các bác sĩ sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh lý cụ thể của mỗi người để đưa ra bài tập phù hợp, đảm bảo an toàn và hiệu quả.
- Tập luyện đúng kỹ thuật: Tập luyện vật lý trị liệu thoái hóa đốt sống cổ cần có sự hướng dẫn của kỹ thuật viên vật lý trị liệu để đảm bảo thực hiện đúng từng động tác, tránh tổn thương các khớp, dây chằng và cơ bắp ở vùng cổ.
- Tư thế gối cổ đúng cách: Người bệnh thoái hóa đốt sống cổ nên sử dụng gối có độ cao phù hợp, giúp giữ cho cổ ở tư thế trung tính khi ngủ. Đồng thời, người bệnh nên tránh sử dụng gối quá cao hoặc quá thấp vì có thể khiến cổ bị gập hoặc ưỡn, gây đau nhức.
- Chế độ sinh hoạt hợp lý: Kết hợp tập luyện vật lý trị liệu với chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý và tập luyện thể dục thể thao đều đặn sẽ giúp người bệnh cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả. Bên cạnh đó, người bệnh nên hạn chế cúi người xem điện thoại, máy tính bảng trong thời gian dài vì sẽ khiến cổ bị mỏi và đau nhức.
- Hạn chế sử dụng chất kích thích: Người bệnh nên hạn chế tối đa sử dụng thuốc lá, rượu bia, chất kích thích,… vì có thể làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị và khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
- Tái khám định kỳ: Việc tái khám thoái hóa đốt sống cổ định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ để theo dõi tình trạng bệnh và điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh.
Có thể bạn quan tâm: Tập vật lý trị liệu cho trẻ bị vẹo cổ và những lưu ý quan trọng nên biết
5. Câu hỏi thường gặp về trị liệu thoái hóa đốt sống cổ
5.1. Bệnh thoái hóa đốt sống cổ có chữa được không?
Thoái hóa đốt sống cổ là một tình trạng thoái hóa mãn tính trong đó các đĩa đệm giữa các đốt sống (xương cột sống) mất tác dụng đệm và dây chằng dày lên. Bệnh không thể hồi phục hoàn toàn nhưng các triệu chứng có thể được kiểm soát bằng thuốc, thay đổi lối sống hoặc vật lý trị liệu.
5.2. Thoái hóa đốt sống cổ có nguy hiểm đến tính mạng không?
Mặc dù đây là một tình trạng mãn tính và có thể gây đau, cứng và khó chịu nhưng bệnh thoái hóa đốt sống cổ không nguy hiểm đến tính mạng. Với việc điều trị và quản lý phù hợp bằng thuốc, thay đổi lối sống và tập luyện thể dục, bạn có thể kiểm soát tốt bệnh và duy trì chất lượng cuộc sống.
5.3. Cần thay đổi lối sống nào để hỗ trợ việc kiểm soát bệnh thoái hóa đốt sống cổ không?
Song song với việc tập vật lý trị liệu thoái hóa đốt sống cổ, người bệnh nên thay đổi lối sống như duy trì tư thế tốt, sử dụng đồ nội thất tiện dụng và tham gia hoạt động thể chất thường xuyên có thể hỗ trợ các bài tập này. Một chế độ ăn uống cân bằng và cung cấp đủ nước cũng có lợi cho sức khỏe tổng thể của cột sống. Dưới đây là một số loại thực phẩm mà người bệnh thoái hóa đốt sống cổ nên bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày:
Thực phẩm nên ăn:
- Trái cây và rau củ giàu vitamin A và vitamin C (Cà rốt, khoai lang, bí đỏ, bông cải xanh, rau bina)
- Thực phẩm giảm viêm (Chiết xuất củ nghệ, tỏi, đinh hương và quế)
- Thực phẩm giàu canxi (Sữa, hạnh nhân, đậu nành…)
- Thực phẩm giàu omega 3 và vitamin E (Cá hồi, cá thu, quả óc chó, dầu ô liu)
Thực phẩm nên tránh:
- Sữa đông và thực phẩm nướng có thể dẫn đến tình trạng sưng tấy và khó chịu ở vùng cổ.
- Đồ ăn cay, nóng, mặn, nhiều dầu mỡ: Có thể kích thích dạ dày và làm tăng lưu thông máu, dẫn đến tình trạng sưng tấy và đau nhức ở vùng cổ.
- Thực phẩm có tính axit cao: Bao gồm thịt đỏ, trái cây họ cam quýt, khoai tây trắng… có thể dẫn đến tình trạng sưng tấy các khớp và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh.
5.4. Phục hồi chức năng thoái hóa đốt sống cổ ở đâu?
Nếu bạn đang tìm kiếm một địa chỉ uy tín để chẩn đoán và điều trị thoái hóa đốt sống cổ, Myrehab Matsuoka là một lựa chọn đáng tin cậy. Với đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm, phòng khám được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, tiên tiến, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị thoái hóa đốt sống cổ chính xác và hiệu quả.
Trên đây là tổng hợp các thông tin chi tiết về phương pháp và bài tập vật lý trị liệu thoái hóa đốt sống cổcùng một số lưu ý khi tập luyện người bệnh cần quan tâm. Để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh cần kiên trì thực hiện bài tập đúng cách và đều đặn theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Nếu còn thắc mắc liên quan đến vật lý trị liệu thoái hóa đốt sống cổ, bạn vui lòng liên hệ với Myrehab Matsuoka để được hỗ trợ tư vấn sớm nhất.
MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản
- Hotline: 1900 3181
- Website: https://myrehab-matsuoka.com/
- Facebook: https://www.facebook.com/myrehab.official
- Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà CONINCO, số 4 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.