Liệu pháp và bài tập vật lý trị liệu viêm cột sống dính khớp hiệu quả

Bài viết được viết bởi Ths. BS Vũ Thị Hằng và được tham vấn chuyên môn bởi ThS. BS CKII. Đặng Thị Kim Hương – Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng tại Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA.

Viêm cột sống dính khớp là một bệnh viêm mãn tính chủ yếu ảnh hưởng đến cột sống và khớp cùng chậu [1]. Theo thời gian, một số xương ở cột sống (đốt sống) dính lại với nhau khiến cột sống kém linh hoạt và có thể dẫn đến tư thế khom lưng. Nếu xương sườn bị ảnh hưởng, người bệnh có thể khó thở sâu [2].

1. Mục tiêu phục hồi chức năng viêm cột sống dính khớp

Giai đoạn cấp tính: 

Trong giai đoạn cấp tính, mục tiêu chính là giúp người bệnh giảm viêm, đau và sưng tại các khớp bị ảnh hưởng. Việc điều trị thường tập trung vào các hoạt động như:

  • Nghỉ ngơi hợp lý: Nằm trên nệm cứng, nghỉ ngơi tại giường, không kê gối đầu và tránh nằm võng lưng.
  • Tập các bài tập thở: Bệnh nhân cần tập các động tác hít thở sâu và thở ngực để duy trì lưu thông khí phổi, tăng cử động của lồng ngực.
  • Kiểm soát các cơn đau: Sử dụng các liệu pháp hỗ trợ như thuốc giảm đau, kháng viêm hoặc vật lý trị liệu nhẹ nhàng để tăng cường sự vận động của các khớp và cơ, tăng khả năng tuần hoàn máu đến vùng cột sống bị tổn thương.

Giai đoạn bán cấp và mạn tính:

Ở giai đoạn bán cấp và mạn tính bệnh nhân cần tập trung nâng tầm vận động cho cơ, phòng ngừa các biến chứng như teo cơ, cứng khớp và suy yếu cơ quan tim mạch (nhất là động mạch chủ), các hoạt động phục hồi sẽ bao gồm:

  • Tăng cường sức mạnh vùng cơ bắp xung quanh các khớp lân cận và cột sống.
  • Cải thiện và tránh biến dạng cột sống thông qua các bài tập vật lý trị liệu viêm cột sống dính khớp tác động đến cột sống cổ, ngực hoặc bài tập giãn cơ.
  • Luyện tập chỉnh sửa tư thế, dáng đi và kiểm soát vận động vùng xương chậu.
  • Thực hiện các bài tập nâng cao sức bền nhằm tăng cường chức năng tim mạch.

Tìm hiểu ngay vật lý trị liệu thoái hóa đốt sống cổ giúp giảm đau, kéo giãn cơ, tăng cường lưu thông máu đến vùng cổ và ngăn ngừa tái phát bệnh trong tương lai.

Mỗi giai đoạn bệnh viêm cột sống dính khớp sẽ tập trung vào các mục tiêu và phương pháp phục hồi khác nhau.
Mỗi giai đoạn bệnh viêm cột sống dính khớp sẽ tập trung vào các mục tiêu và phương pháp phục hồi khác nhau.

2. Lợi ích của vật lý trị liệu đối với bệnh nhân viêm cột sống dính khớp

Vật lý trị liệu viêm cột sống dính khớp có tác dụng giảm đau và cứng khớp, cải thiện chức năng vận động hiệu quả, cụ thể:

  • Duy trì tư thế tốt: Các hoạt động điều chỉnh tư thế đúng sẽ giúp cơ thể người bệnh phân bổ đều áp lực lên cột sống, giảm căng thẳng lên các khớp.
  • Tăng sức bền và tính linh hoạt cho vận động: Các động tác vận động trong vật lý trị liệu giúp tăng cử động cho các khớp, hỗ trợ khung xương và giảm áp lực lên cột sống.
  • Kiểm soát các cơn đau và cứng khớp: Tập luyện các bài tập vật lý trị liệu giúp người bệnh thuyên giảm các cơn đau, nhức khớp và giúp máu tuần hoàn lưu thông tốt.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các bài tập vật lý trị liệu có thể giúp bệnh nhân giảm thiểu các biến chứng xảy ra và kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả. Tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, mỗi người sẽ có thời gian điều trị kéo dài khác nhau.

3. Bài tập vận động trị liệu viêm cột sống dính khớp

3.1. Bài tập thở bằng lồng ngực

Bài tập thở bằng lồng ngực giúp bệnh nhân viêm cột sống dính khớp duy trì khả năng đàn hồi của thành ngực và sự chuyển động của xương sườn [3]. Đồng thời, bài tập thở giúp bệnh nhân giảm thiểu tình trạng khó thở do các khớp xương gắn với xương sườn bị cứng lại.

Cách thực hiện: 

  • Bước 1: Bệnh nhân ngồi hoặc đứng thẳng lưng (có thể đặt một tay lên ngực để cảm nhận hơi thở).

Bệnh nhân ngồi hoặc đứng thẳng lưng

  • Bước 2: Ban đầu hít một hơi sâu bằng mũi để lồng ngực mở ra.

Hít một hơi sâu bằng mũi để lồng ngực mở ra

  • Bước 3: Thở ra bằng miệng từ từ (giống thổi sáo).

Thở ra bằng miệng từ từ (giống thổi sáo)

  • Bước 4: Hít vào nhẹ nhàng, đếm trong đầu đến 2 và thở ra đếm đến 4 (thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào).

Hít vào nhẹ nhàng, đếm trong đầu đến 2 và thở ra đếm đến 4

  • Bước 5: Thực hiện bài tập 3 lần/ngày, mỗi lần 15 phút.

Lưu ý: Bệnh nhân bị viêm cột sống dính khớp nên thực hiện bài tập thở trong thời gian sớm nhất có thể. Song song với đó, trong quá trình thực hiện vật lý trị liệu viêm cột sống dính khớp, người bệnh nên dừng hút thuốc ngay (nếu có) vì nicotine có trong thuốc lá là một trong những nhân tố chính gây viêm và tác động xấu đến phổi.

3.2 Luyện tập duy trì tư thế đúng 

Tình trạng viêm khiến người bệnh có xu hướng co hoặc khom người để giảm cảm giác đau nhức. Tuy nhiên, tư thế này là nguyên nhân gây ra biến dạng xương khớp. Bệnh nhân cần lưu ý thực hiện một số điều chỉnh sau để bảo vệ cột sống.

3.2.1 Tư thế đi, đứng

Duy trì tư thế đi, đứng đúng cách nhằm giảm áp lực lên cột sống, giúp bệnh nhân hạn chế các cơn đau và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra [4, 5].  

  • Tư thế đi: Khi đi, bạn nên giữ cho lưng thẳng, vai mở rộng đều hai bên, đầu ngẩng cao vừa tầm và mắt nhìn thẳng về phía trước, hạn chế các cử động cúi đầu hoặc gù vai.
  • Tư thế đứng: Bạn có thể luyện tập tư thế đứng bằng cách dựa vào tường sao cho cả mông, vai và đầu chạm nhẹ vào tường. Lưu ý cần thả lỏng hai vai và phân phối lực cơ thể đều cho cả hai chân.
Duy trì tư thế đứng đúng sẽ giúp lưng và cột sống khỏe mạnh, phòng ngừa các cơn đau.
Duy trì tư thế đứng đúng sẽ giúp lưng và cột sống khỏe mạnh, phòng ngừa các cơn đau.

3.2.2 Tư thế ngồi 

Bên cạnh các bài tập vật lý trị liệu viêm cột sống dính khớp, chỉ với việc điều chỉnh tư thế ngồi đúng giúp phân tán đều áp lực lên cột sống, giảm căng thẳng lên các khớp và ngăn ngừa các biến dạng cột sống [6].

Giải pháp: Khi ngồi, người bệnh cần lựa chọn ghế có độ cao phù hợp, giữa đùi và bắp chân nên tạo thành một góc 90 độ và ngồi với tư thế thẳng lưng, mở rộng hai vai. 

Lưu ý: Khi ngồi làm việc, bệnh nhân nên điều chỉnh độ cao ghế và sử dụng ghế có tựa lưng để hạn chế gây nên cảm giác nhức mỏi. Bên cạnh đó, tránh các tư thế cúi, khom người làm việc để ngăn ngừa tình trạng căng cơ và bào mòn các khớp hoặc dây chằng.

Duy trì tư thế ngồi đúng có thể giảm áp lực lên vùng cột sống và giảm thiểu các cơn đau.
Duy trì tư thế ngồi đúng có thể giảm áp lực lên vùng cột sống và giảm thiểu các cơn đau.

3.2.3 Tư thế nằm

Bệnh nhân viêm cột sống dính khớp nên nằm trên đệm phẳng để giữ cho cột sống thẳng tự nhiên, không sử dụng gối cao kê đầu để hạn chế cổ bị gập quá mức. Hoặc, bệnh nhân có thể kê gối dưới đầu gối để giúp các cơ lưng được thư giãn và duy trì đường cong của lưng dưới.

Điều chỉnh tư thế nằm đúng giúp người bệnh tránh các biến chứng như thoát vị đĩa đệm hoặc chèn ép dây thần kinh.
Điều chỉnh tư thế nằm đúng giúp người bệnh tránh các biến chứng như thoát vị đĩa đệm hoặc chèn ép dây thần kinh.

Bệnh nhân có thể chọn tư thế nằm sấp, duỗi thẳng hai chân và thả lỏng cơ thể và sử dụng một chiếc gối nhỏ kê bụng.

Tư thế nằm sấp sử dụng gối nhỏ kê bụng.
Tư thế nằm sấp sử dụng gối nhỏ kê bụng.

3.3 Bài tập vận động

Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu viêm cột sống dính khớp có thể giúp bệnh nhân giảm căng thẳng, đau nhức, đồng thời cải thiện chức năng tim mạch và hô hấp. Dưới đây là 8 bài tập vận động trị liệu đơn giản: 

3.3.1 Đi bộ 

Đi bộ giúp tăng cường tuần hoàn máu, cung cấp oxy và các dưỡng chất đến các mô và cơ xương để hỗ trợ quá trình phục hồi cơ thể cho người bệnh.

Bệnh nhân nên duy trì hoạt động đi bộ trong khoảng 30 phút mỗi ngày để đạt được những lợi ích sau:

  • Giãn cơ, giảm căng thẳng và đau nhức cho vùng cột sống viêm dính khớp.
  • Tăng sự linh hoạt và phạm vi vận động của cột sống, giúp các khớp di chuyển dễ dàng hơn và tránh tình trạng co cứng. 
Bài tập đi bộ
Động tác đi bộ giúp người bệnh tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm đau lưng.

3.3.2 Bài tập bơi ếch

Bài tập bơi ếch dưới nước có tác dụng làm giảm áp lực lên đĩa đệm và các khớp ở đốt sống. Quá trình vận động kết hợp với hít thở sâu trong môi trường nước giúp giãn nở phổi và cải thiện hệ hô hấp cho bệnh nhân.

Bài tập bơi ếch
Bài tập bơi ếch là một phương pháp hỗ trợ giảm đau ở vùng cột sống thắt lưng hiệu quả.

3.3.3 Bài tập kéo giãn 

Bài tập kéo giãn có tác dụng làm giảm đau lưng hiệu quả, giúp cột sống tăng độ dẻo dai và ngăn ngừa khả năng ảnh hưởng đến vùng thần kinh tọa.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Nằm sấp xuống thảm và duỗi thẳng hai chân
  • Bước 2: Từ từ chống hai bàn tay xuống thảm, sau đó nâng ngực lên không chạm nền, đồng thời duỗi thẳng cánh tay và giữ tư thế này trong khoảng 10-20 giây.
  • Bước 3: Lặp lại động tác từ 3-5 lần.

Tần suất thực hiện: Tập luyện hàng ngày.

Bài tập kéo giãn
Bài tập kéo giãn.

Một số tư thế kéo giãn khác như:

Bài tập tư thế cây cầu

Bài tập tư thế cây cầu
Bài tập tư thế cây cầu có tác dụng giúp giảm đau lưng, kéo giãn cột sống.

Bài tập tư thế siêu nhân

Bài tập tư thế siêu nhân
Bài tập tư thế siêu nhân giúp tăng cường sự linh hoạt cho cột sống, giảm đau nhức.

Bài tập tư thế con mèo

Bài tập tư thế con mèo
Bài tập tư thế con mèo có tác dụng giảm đau lưng và tê cứng khớp ở vùng cột sống.

Bài tập tư thế em bé

Bài tập tư thế em bé
Bài tập tư thế em bé có tác dụng giúp thư giãn cơ vùng lưng dưới.

3.3.4 Bài tập plank thấp

Bài tập plank thấp có tác dụng tăng cường hoạt động cho vùng cơ bụng, lưng và mông, giúp bệnh nhân giảm đau và hỗ trợ nâng đỡ cột sống.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Nằm sấp người trên sàn/thảm tập.
  • Bước 2: Chống hai khuỷu tay xuống sàn và dùng lực nâng toàn bộ cơ thể lên sao cho tạo thành một đường thẳng từ đầu đến gót chân, đồng thời siết chặt cơ bụng và mông.
  • Bước 3: Giữ tư thế này trong khoảng 5 giây và lặp lại 3-5 lần, tùy vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Tần suất thực hiện: Hàng ngày hoặc 3 – 5 lần/tuần.

Bài tập Plank thấp
Động tác plank thấp hỗ trợ xây dựng tế bào mô, giúp xương chắc khỏe hơn.

3.3.5 Bài tập tựa lưng trượt tường 

Bài tập tựa lưng trượt tường giúp kéo giãn và căng cơ vùng lưng dưới, hông và đùi, hỗ trợ giảm đau và cải thiện khả năng hoạt động giữa các khớp.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Đứng tựa lưng, vai, mông vào tường, hai chân dang rộng bằng vai và đầu gối hướng về phía trước (giống ảnh 1).
  • Bước 2: Từ từ khuỵu gối xuống sao cho góc giữa đùi và bắp chân là 90 độ, lưng vẫn giữ thẳng (ảnh 2).
  • Bước 3: Giữ tư thế này trong khoảng 10 giây, lặp lại động tác 5 lần.
Bài tập tựa lưng trượt tường
Bài tập tựa lưng trượt tường.

3.3.6 Bài tập vận động khớp vai

Bài tập vận động khớp vai giúp người bệnh thư giãn các cơ xung quanh khớp vai, động tác co kéo giúp giảm cứng khớp, cải thiện tư thế vận động và giảm đau hiệu quả.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Bệnh nhân nằm sấp bên mép giường, thả tay phải di động tự do và nắm tạ/vật nặng từ 1-2kg.
  • Bước 2: Dùng lực nâng vai của tay cầm vật về phía sau, giữ trong khoảng 30 giây sau đó từ từ hạ về vị trí ban đầu.
  • Bước 3: Đổi tay và thực hiện động tác 10-15 lần mỗi bên.
Bài tập vận động khớp vai
Bài tập vận động khớp vai.

3.3.7 Bài tập vận động khớp háng

Bài tập vận động khớp háng giúp bệnh nhân tăng cường khả năng vận động của cơ chân, giảm đau khi vận động. Đồng thời, động tác này giúp tăng tiết dịch tại vị trí ổ khớp, giúp làm giãn toàn bộ cơ hông, cơ lưng và dây chằng.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Bệnh nhân ngồi trên thảm/sàn, xếp bằng hai chân sao cho hai bàn chân chạm vào nhau.
  • Bước 2: Dùng tay ấn nhẹ hai đầu gối xuống sàn đến khi nhận thấy sức căng ở cơ, giữ tư thế này trong khoảng 15 giây.
  • Bước 3: Trở về tư thế thư giãn và lặp lại động tác từ 5-10 lần.
Bài tập vận động khớp háng
Bài tập vận động khớp háng.

3.3.8 Bài tập vận động khớp gối

Bài tập vận động khớp gối giúp người bệnh co giãn vùng hông thắt lưng, hạn chế tình trạng co rút, tê cứng khớp.

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Bệnh nhân nằm nghiêng trên thảm/sàn nhà và co đầu gối lên 90 độ so với hông.
  • Bước 2: Dùng lực nâng đầu gối bên trên lên càng xa càng tốt, giữ trong 5 giây sau đó từ từ đưa về vị trí cũ.
  • Bước 3: Lặp lại động tác từ 15-20 lần cho mỗi bên.
Bài tập vận động khớp gối
Bài tập vận động khớp gối.

Có thể bạn quan tâm: Tập vật lý trị liệu cho trẻ bị vẹo cổ và những lưu ý quan trọng nên biết

4. Lời khuyên của chuyên gia

Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bệnh nhân viêm cột sống dính khớp của Bác sĩ CKII. Nguyễn Thị Ngọc Lan (MYREHAB MATSUOKA).

Bệnh nhân nên đi thăm khám bác sĩ để xác định đúng tình trạng bệnh, chỉ định các phương pháp vật lý trị liệu viêm cột sống dính khớp phù hợp và thiết lập lộ trình điều trị phù hợp.

Lựa chọn cường độ tập luyện hợp lý: Người bệnh nên bắt đầu từ các bài tập vận động nhẹ nhàng tới các động tác khó để cơ thể dễ dàng thích nghi với các cử động.

Thực phẩm nên ăn:

  • Thực phẩm giàu Omega-3: Axit béo có trong omega 3 là nguồn dưỡng chất quan trọng có công dụng chống viêm, giảm đau hiệu quả cho vùng cột sống bị thương hoặc co cứng.
  • Thực phẩm giàu canxi: Tình trạng viêm cột sống dính khớp có thể làm xương các khớp yếu đi, bổ sung thực phẩm chứa canxi để giúp xương chắc khỏe và bền bỉ hơn.
  • Vitamin D: Vitamin D hỗ trợ cơ thể hấp thụ canxi và các chất dinh dưỡng quan trọng khác. Khi hàm lượng vitamin D cao sẽ giúp hạn chế khả năng viêm ở các đốt xương cho người bệnh.
  • Các loại rau củ quả và trái cây: Dinh dưỡng từ rau củ quả có thể cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, hỗ trợ ngăn cản quá trình oxy hóa và tăng cường hệ miễn dịch cho người bệnh.

Thực phẩm nên tránh:

  • Thực phẩm chứa nhiều muối: Khi tiêu thụ nhiều muối, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ suy yếu và khiến cho tình trạng viêm diễn biến nặng hơn, về lâu dài có thể gây ra tình trạng loãng xương.
  • Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ: Chất béo bão hòa từ các loại thực phẩm chiên rán, thức ăn nhanh có thể làm tăng nguy cơ viêm, kéo dài các cơn đau khớp và tổn thương động mạch chủ.
  • Thực phẩm chứa nhiều đường: Lượng đường tiêu thụ cao sẽ làm tăng nguy cơ viêm khớp và chậm quá trình phục hồi vết thương, đồng thời dễ gây ra tình trạng béo phì và tác động xấu đến cơ thể. 
Chế độ dinh dưỡng phục hồi viêm dính khớp háng
Chế độ dinh dưỡng có tác động trực tiếp đến sức khỏe và quá trình phục hồi của bệnh nhân.

Tổng kết

Vật lý trị liệu viêm cột sống dính khớp là phương pháp điều trị hiệu quả để ngăn ngừa nguy cơ mất khả năng di động và biến dạng tư thế ở cột sống. Khi bệnh nhân bắt đầu quá trình trị liệu càng sớm thì quá trình phục hồi sẽ được rút ngắn và mang lại hiệu quả nhanh hơn. 

Tại MYREHAB MATSUOKA, chúng tôi có đội ngũ chuyên gia hàng đầu, sẵn sàng tư vấn và cung cấp cho bạn lộ trình “cá nhân hóa” phù hợp với tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Tham khảo ngay nhé.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 06/09/2024Ngày cập nhật: 06/09/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.