Đứt bán phần dây chằng chéo sau: Triệu chứng & Phương pháp trị liệu

Tác giả: Myrehab - MatsuokaTham vấn y khoa: Th.s BSVũ Thị Hằng

Đứt bán phần dây chằng chéo sau là một dạng chấn thương đầu gối ít gặp, chỉ chiếm chưa đến 20% trong tổng số các chấn thương dây chằng đầu gối. Tuy nhiên, tình trạng này có thể gây ra những hệ lụy lâu dài nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng đứt bán phần dây chằng chéo sau, từ nguyên nhân, cơ chế gây tổn thương đến cách nhận biết và phòng ngừa hiệu quả.

1. Đứt bán phần dây chằng chéo sau là gì?

Dây chằng chéo sau (PCL) là dải mô kết nối xương đùi với xương chày, đóng vai trò quan trọng giữ cho đầu gối ổn định và ngăn cản xương chày di lệch ra sau quá mức. Mặc dù PCL là dây chằng lớn nhất, mạnh nhất ở đầu gối nhưng cũng có thể bị tổn thương và thường xuất hiện đồng thời với các chấn thương đầu gối khác như chấn thương dây chằng, sụn chêm, mâm chày,…

Đứt bán phần dây chằng chéo sau là tình trạng dây chằng chéo sau bị rách một phần. Chấn thương này ít gây đau đớn nhưng mất nhiều thời gian phục hồi và có thể trở thành tiền đề cho thoái hóa khớp gối về sau.

Hình ảnh minh họa đứt bán phần dây chằng chéo sau
Hình ảnh minh họa đứt bán phần dây chằng chéo sau

Các nguyên nhân phổ biến của đứt bán phần PCL bao gồm:

  • Lực tác động mạnh vào phía trước đầu gối khiến dây chằng chéo sau bị căng quá mức, dẫn đến tổn thương.
  • Ngã mạnh xuống khi đầu gối ở trạng thái cong, thường gặp trong các hoạt động thể thao hoặc tai nạn.
  • Gập đầu gối quá mức về phía sau gây áp lực lớn lên PCL.
  • Xoắn hoặc duỗi đầu gối quá mức khi có chuyển động đột ngột như thay đổi hướng nhanh trong khi chạy hoặc tiếp đất sai cách sau khi nhảy.
  • Trật toàn bộ khớp gối dẫn đến tổn thương đáng kể cho PCL và các dây chằng khác.
Đứt bán phần dây chằng chéo sau xảy ra do lực tác động mạnh từ phía trước đầu gối, do ngã hay trật toàn bộ khớp gối
Đứt bán phần dây chằng chéo sau xảy ra do lực tác động mạnh từ phía trước đầu gối, do ngã hay trật toàn bộ khớp gối

2. Triệu chứng đứt bán phần dây chằng chéo sau

Đứt bán phần dây chằng chéo sau (PCL) thường không gây ra các triệu chứng rõ rệt ngay lập tức, đặc biệt khi không kèm theo tổn thương khác. Trong nhiều trường hợp, người bệnh thậm chí không nhận ra mình đã bị chấn thương do mức độ đau và sưng ban đầu rất nhẹ.

Các triệu chứng có thể dần xuất hiện và trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian, bao gồm:

  • Đau ở phía sau đầu gối: Cơn đau có xu hướng tăng lên khi người bệnh thực hiện các động tác gập hoặc duỗi đầu gối.
  • Sưng tấy: Thường xuất hiện vài giờ sau chấn thương do chảy máu trong khớp.
  • Cảm giác không ổn định: Đầu gối có thể cảm giác lỏng lẻo, không vững khi đi bộ, chạy hoặc xoay người, ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động.
  • Hạn chế vận động: Người bệnh có thể khó gập hoặc duỗi thẳng hoàn toàn đầu gối.
  • Bầm tím: Trường hợp chấn thương nặng có thể xuất hiện bầm tím ở phía trước hoặc phía sau đầu gối.
Các triệu chứng đứt bán phần PCL thường không rõ rệt nhưng sẽ nghiêm trọng hơn theo thời gian
Các triệu chứng đứt bán phần PCL thường không rõ rệt nhưng sẽ nghiêm trọng hơn theo thời gian

3. Các phương pháp chẩn đoán đứt bán phần PCL

Để chẩn đoán chính xác tình trạng đứt bán phần dây chằng chéo sau, các bác sĩ thường áp dụng kết hợp các phương pháp khám lâm sàng và cận lâm sàng, nhằm đánh giá toàn diện tình trạng tổn thương.

1 – Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về nguyên nhân dẫn đến chấn thương, các triệu chứng xuất hiện kể từ khi bị thương, và tiến hành kiểm tra trực tiếp:

  • Sờ nắn: Khi người bệnh nằm ngửa với đầu gối cong, bác sĩ sẽ dùng tay ấn vào vùng cẳng chân trên để đánh giá mức độ đau, sưng và khả năng vận động.
  • Quan sát trực tiếp: Một dấu hiệu phổ biến là đầu gối bị cong ra sau theo cách không bình thường. Bác sĩ cũng quan sát sự võng ra sau của xương chày khi đặt người bệnh nằm ngửa, gập gối 90 độ và thư giãn cơ tứ đầu đùi.
  • Đánh giá sự dịch chuyển xương chày:
    • Cách 1: Người bệnh nằm ngửa, gối gập; bác sĩ dùng tay đẩy mâm chày ra sau. Nếu mâm chày dịch chuyển quá mức, có khả năng tổn thương PCL.
    • Cách 2: Người bệnh nằm sấp, gập gối 30 độ; bác sĩ cố định xương đùi bằng một tay, tay kia đẩy xương chày ra sau để kiểm tra độ lỏng lẻo.
  • Quan sát khi vận động: Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh đi bộ để kiểm tra chuyển động. Sự bất thường trong dáng đi có thể là dấu hiệu của tổn thương PCL.
Đánh giá sự dịch chuyển ra sau của xương chày
Đánh giá sự dịch chuyển ra sau của xương chày

2 – Khám cận lâm sàng: Để xác định mức độ và vị trí chính xác của tổn thương, bác sĩ thường sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh:

  • Chụp X-quang: Phát hiện các tổn thương liên quan như mảnh gãy xương.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Đây là phương pháp phổ biến nhất, cho phép bác sĩ quan sát rõ vết rách và đánh giá chi tiết tình trạng dây chằng.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Thường được áp dụng trong các trường hợp chấn thương PCL mạn tính, đặc biệt khi người bệnh có triệu chứng đau tái phát, sưng tấy hoặc mất vững.
  • Siêu âm: Được sử dụng để đánh giá tổn thương dây chằng và tình trạng mạch máu vùng đầu gối.
Khám cận lâm sàng cho phép quan sát rõ vết rách cũng như phát hiện các tổn thương khác liên quan đến xương
Khám cận lâm sàng cho phép quan sát rõ vết rách cũng như phát hiện các tổn thương khác liên quan đến xương

4. Các phương pháp điều trị đứt bán phần PCL

Điều trị đứt bán phần dây chằng chéo sau (PCL) sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Mục tiêu chính là giảm đau, cải thiện chức năng đầu gối, và phòng ngừa các biến chứng lâu dài. Dưới đây là những phương pháp điều trị phổ biến:

4.1. Liệu pháp RICE

Liệu pháp RICE (Rest – Ice – Compress – Elevate) là phương pháp cơ bản, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình chữa lành và cải thiện chức năng khớp gối. Phương pháp này bao gồm:

  • Nghỉ ngơi (Rest): Tránh gây áp lực lên khớp gối giúp giảm thiểu nguy cơ chấn thương mãn tính.
  • Đá (Ice): Chườm đá vào đầu gối trong 20 phút mỗi lần, 3 – 4 lần/ngày giúp giảm sưng và đau. Lưu ý không chườm đá trực tiếp lên da, hãy bọc đá vào một miếng vải sạch để tránh gây kích ứng.
  • Nén (Compress): Sử dụng băng hoặc vật liệu nén để cố định khớp gối giúp giảm sưng và hỗ trợ quá trình phục hồi mô cơ, dây chằng.
  • Nâng cao (Elevate): Giữ đầu gối ở vị trí cao hơn tim bằng cách kê gối dưới chân, giúp hạn chế sưng tấy quá mức.

Có thể bạn quan tâm: Đứt dây chằng chéo sau có cần mổ không?

Liệu pháp RICE hỗ trợ đẩy nhanh quá trình chữa lành của các mô cơ
Liệu pháp RICE hỗ trợ đẩy nhanh quá trình chữa lành của các mô cơ

4.2. Nẹp và nạng

Để giảm áp lực và ổn định khớp gối, bác sĩ có thể khuyến nghị sử dụng nẹp để giữ xương chày ở vị trí ổn định, tránh di lệch ra sau quá mức, đặc biệt khi người bệnh ở tư thế nằm.

Nạng được sử dụng để giảm trọng lượng tác động trực tiếp lên đầu gối trong thời gian đầu sau chấn thương, giúp bảo vệ dây chằng khỏi áp lực quá mức.

Nẹp giúp ổn định khớp gối, hỗ trợ quá trình chữa lành
Nẹp giúp ổn định khớp gối, hỗ trợ quá trình chữa lành

4.3. Vật lý trị liệu

1 – Giai đoạn đầu: Mục tiêu của giai đoạn này là giảm đau, chống viêm và bảo vệ khớp gối. Khớp gối có thể được bất động bằng nẹp trong thời gian ngắn để hỗ trợ lành tổn thương. Các liệu pháp vật lý trị liệu bổ sung phổ biến bao gồm:

  • Siêu âm xung: Giúp giảm đau và tăng cường lưu thông máu.
  • Điện xung vi dòng: Kích thích sự hồi phục của cơ và giảm viêm.
  • Laser xung: Tăng cường tái tạo mô.
  • Sóng ngắn xung: Giúp giảm sưng và cải thiện chức năng mô mềm.
Điện xung trị liệu có tác dụng kích thích quá trình phục hồi mô cơ
Điện xung trị liệu có tác dụng kích thích quá trình phục hồi mô cơ

2 – Giai đoạn sau: Khi đầu gối bắt đầu hồi phục, các bài tập giúp tăng cường sức mạnh cơ và ổn định khớp gối sẽ được chỉ định. Mục tiêu của giai đoạn này:

  • Tăng cường cơ tứ đầu đùi: Đây là cơ nhóm chính hỗ trợ cho khớp gối và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định.
  • Khôi phục phạm vi chuyển động: Các bài tập linh hoạt giúp cải thiện biên độ chuyển động của khớp gối.
  • Tăng cường sức mạnh và sự ổn định: Mục tiêu cuối cùng là giúp đầu gối lấy lại sức mạnh và khả năng vận động như trước khi chấn thương.

Thời gian phục hồi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân. Giai đoạn đầu có thể kéo dài từ 2 đến 12 tuần với sự hỗ trợ của bác sĩ vật lý trị liệu. Sau đó, người bệnh cần duy trì tập luyện đều đặn trong vòng 6 tháng đến 1 năm để đảm bảo đầu gối phục hồi hoàn toàn.

Tìm hiểu các bài tập trong bài viết:

Việc tập luyện cần được duy trì trong thời gian dài để đảm bảo phục hồi hoàn toàn
Việc tập luyện cần được duy trì trong thời gian dài để đảm bảo phục hồi hoàn toàn

5. 10 thói quen cần thiết phòng ngừa đứt bán phần dây chằng chéo sau

Phòng ngừa chấn thương dây chằng chéo sau sẽ giúp bạn tránh những tổn thương nghiêm trọng và đảm bảo sức khỏe lâu dài của khớp gối. Dưới đây là những thói quen cần thiết giúp giảm thiểu nguy cơ đứt bán phần dây chằng chéo sau:

  • Lựa chọn phương pháp vận động phù hợp với sức khỏe và khả năng của bản thân. Tránh thực hiện các động tác gây áp lực đột ngột hoặc quá sức lên đầu gối.
  • Khởi động đầy đủ trước khi vận động, đặc biệt là các bài tập kéo giãn cơ và khớp. Điều này giúp duy trì phạm vi chuyển động linh hoạt, tăng lưu thông máu và chuẩn bị tốt cho khớp gối trước các hoạt động cường độ hưu.
  • Tập tăng cường cơ bắp xung quanh khớp gối như cơ tứ đầu đùi, cơ đùi sau và cơ cẳng chân. Những cơ này đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định khớp gối, giảm nguy cơ chấn thương dây chằng.
  • Thận trọng khi chơi thể thao như bóng đá, bóng rổ, quần vợt hoặc chạy bộ đường dài dễ gây chấn thương dây chằng. Hãy sử dụng trang bị bảo vệ như băng đầu gối hoặc nẹp hỗ trợ khi tham gia những môn này.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, giàu protein, canxi, vitamin D và các chất chống oxy hóa, giúp tăng cường sức mạnh của cơ và khớp.
  • Duy trì cân nặng hợp lý thông qua chế độ ăn uống và luyện tập đều đặn để bảo vệ khớp gối hiệu quả.
  • Tập tăng cường thăng bằng và ổn định như đứng trên một chân, squat hoặc plank có thể cải thiện khả năng phối hợp cơ và giữ vững tư thế, giảm nguy cơ dây chằng bị căng quá mức.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt khi bạn đã từng gặp chấn thương đầu gối, để phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề tiềm ẩn
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, cân bằng, nhất là chú trọng nhóm thức ăn giúp tăng cường sức khỏe của cơ. 
Việc khởi động, giãn cơ là vô cùng quan trọng trước khi vận động
Việc khởi động, giãn cơ là vô cùng quan trọng trước khi vận động

Đứt bán phần dây chằng chéo sau tuy không phổ biến nhưng có thể gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến khả năng vận động và sức khỏe lâu dài của khớp gối nếu không được điều trị kịp thời. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu chấn thương, tuân thủ phác đồ điều trị và áp dụng các biện pháp phòng ngừa là điều cần thiết để bảo vệ chức năng của dây chằng, duy trì sự dẻo dai và linh hoạt cho cơ thể.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến phục hồi chức năng đứt bán phần dây chằng chéo sau, người bệnh hãy liên hệ với Trung tâm MYREHAB MATSUOKA để được tư vấn miễn phí trong thời gian sớm nhất.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Ngày đăng: 22/03/2024Ngày cập nhật: 13/01/2025

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.